Nhận biết gãy xương mà không chụp X quang

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Gãy xương xảy ra khi có lực đủ lớn tác động vào xương, chẳng hạn như ngã từ xích đu hay vấp bậc thềm, hoặc nặng hơn là gặp tai nạn ôtô. Gãy xương cần được đánh giá và điều trị bởi chuyên gia y tế để giảm biến chứng tiềm ẩn và tăng cường đối đa khả năng phục hồi của xương và khớp xương. Mặc dù gãy xương thường xảy ra ở trẻ em cũng như người lớn mắc bệnh loãng xương, nhưng mỗi năm có khoảng bảy triệu người gãy xương ở mọi lứa tuổi.[1]

Các bước[sửa]

Đánh giá tình huống[sửa]

  1. Tìm hiểu chuyện gì đã xảy ra. Nếu bạn là người gặp chấn thương thì hãy xác định điều gì đã xảy ra ngay trước khi bị đau. Nếu bạn đang giúp đỡ người khác thì hỏi họ tình huống xảy ra trước khi gặp tai nạn. Hầu hết các trường hợp gãy xương đều đòi hỏi lực tác động đủ lớn để làm nứt hay gãy xương. Xác định nguyên nhân chấn thương giúp bạn đánh giá được liệu xương đã gãy hay chưa.[2]
    • Lực đủ lớn để khiến xương gãy có thể xảy ra khi bạn vấp ngã, gặp tai nạn xe máy hay do va đập trực tiếp vào xương, chẳng hạn trong lúc chơi thể thao.
    • Xương cũng có thể gãy trong các tình huống bạo lực như bị lạm dụng thân thể, hoặc chịu lực tác động lập đi lập lại như khi chạy bộ.
  2. Xác định liệu bạn có cần các dịch vụ hỗ trợ khác. Biết nguyên nhân gây ra chấn thương không chỉ giúp bạn đánh giá khả năng gãy xương mà còn xác định liệu bạn có cần được giúp đỡ không. Có thể bạn phải liên lạc với dịch vụ cấp cứu, gọi cảnh sát trong trường hợp gặp tai nạn ôtô, hoặc dịch vụ hỗ trợ trẻ em khi đó là vụ việc xâm hại trẻ em.
    • Nếu chấn thương ít có khả năng gây ra gãy xương (ví dụ như bong gân, là khi dây chằng bị kéo giãn quá mức hoặc thậm chí là rách), nhưng nạn nhân biểu hiện rất đau, khi đó bạn nên gọi cấp cứu hoặc đề nghị đưa họ đến phòng khám hay bệnh viện gần đó nếu chấn thương và/hoặc cơn đau không quá khẩn cấp (ví dụ, vết thương không chảy máu nhiều, nạn nhân vẫn có thể nói chuyện bình thường, không ngắt quãng, v.v...).
    • Nếu nạn nhân bất tỉnh hoặc không thể giao tiếp, hoặc nếu họ giao tiếp được nhưng thông tin truyền đạt không mạch lạc, bạn nên gọi cấp cứu ngay vì đây là dấu hiệu chấn thương đầu. Xem Phần hai dưới đây.
  3. Tìm thông tin về những gì cảm nhận hoặc nghe được khi xảy ra chấn thương. Hỏi nạn nhân xem họ cảm thấy thế nào hoặc gặp phải điều gì vào thời điểm bị ngã. Những người bị gãy xương thường mô tả nghe thấy hoặc “cảm thấy” tiếng tách trong chỗ gãy. Vì vậy nếu họ nói đã nghe tiếng tách, đây là dấu hiệu rõ ràng cho thấy có gì đó đã gãy.[3]
    • Họ cũng có thể mô tả cảm giác hay âm thanh rít kèn kẹt (như tiếng các đoạn xương chà vào nhau) khi cử động khu vực này, cho dù ngay lúc đó họ không thấy đau.[3]
  4. Tìm thông tin về cảm giác đau. Khi xương gãy cơ thể ngay lập tức phản ứng lại bằng cảm giác đau. Bản thân chỗ gãy và bất kì chấn thương nào trên mô cơ gần vị trí gãy (như cơ, dây chằng, dây thần kinh, mạch máu, sụn và gân) đều có thể gây đau. Có ba mức độ đau mà bạn cần chú ý:
    • Đau cấp tính — Đây là cảm giác đau mãnh liệt và thường xảy ra sau khi xương đã gãy. Nếu bạn cảm thấy đau cực độ thì đây có thể là dấu hiệu của gãy xương.
    • Đau bán cấp tính — Kiểu đau này xảy ra trong vài tuần đầu tiên sau khi xương gãy, đặc biệt khi chỗ gãy đang lành. Về cơ bản nguyên nhân là do sự căng cứng và suy yếu của cơ, là ảnh hưởng của việc cố định trong thời gian chờ xương lành (như khi bó bột hay băng đeo).
    • Đau mãn tính — Đây là cảm giác đau kéo dài, thậm chí sau khi xương và mô đã lành và có thể duy trì nhiều tuần hay nhiều tháng sau khi gãy.
    • Lưu ý là bạn có thể gặp một vài hoặc tất cả các kiểu đau này. Một số người cảm thấy đau cấp tính và bán cấp tính nhưng không phải đau mãn tính, trong khi những người khác có thể bị gãy xương mà không đau hoặc đau rất ít, như khi gãy ngón chân út hoặc cột sống.
  5. Tìm dấu hiệu bên ngoài của xương gãy. Có một số dấu hiệu có thể cho biết xương đã gãy hay chưa, bao gồm:[4][2]
    • Vị trí gãy bị biến dạng, cử động theo hướng khác thường
    • Tụ máu, chảy máu trong hay thâm tím
    • Khó khăn khi cử động vị trí có xương gãy
    • Khu vực này trông ngắn hơn, xoắn hay cong
    • Mất sức lực tại khu vực bị chấn thương
    • Mất khả năng vận động bình thường tại khu vực
    • Sốc
    • Sưng nhiều
    • Tê cứng hay ngứa ran bên trong hay bên dưới khu vực nghi ngờ gãy xương
  6. Tìm các triệu chứng khác của gãy xương nếu không nhìn thấy dấu hiệu nào. Trong trường hợp gãy xương nhỏ, có thể không có dấu hiệu biến dạng và chỉ sưng nhẹ nên bạn cũng khó nhận biết bằng mắt thường. Vì vậy bạn phải đánh giá chi tiết hơn để xác định xương bị gãy hay chưa.[5]
    • Thông thương xương gãy sẽ khiến người ta phải điều chỉnh hành vi. Ví dụ, họ thường tránh đè nặng hay tạo áp lực lên khu vực bị ảnh hưởng. Đây là dấu hiệu cho thấy có gì đó không ổn, thậm chí nếu bạn không thể thấy xương gãy bằng mắt thường.
    • Xem xét ba ví dụ sau: xương gãy ở mắt cá chân hay ở chân sẽ gây đau đến độ nạn nhân không muốn chịu khối lượng trên chân đó; cơn đau do xương gãy ở cánh tay hay bàn tay thường khiến bạn có khuynh hướng bảo vệ và không sử dụng cánh tay đó; cơn đau do xương sườn gãy khiến người ta không thể hít thở sâu.
  7. Tìm dấu hiệu đau tại một điểm. Xương gãy có thể được phát hiện bởi dấu hiệu đau tại một điểm, nghĩa là khi bạn ấn vào khu vực có xương gãy cơn đau sẽ tập trung ở một điểm, khác với cơn đau trên khu vực rộng. Nói một cách khác, cảm giác đau lên đến đỉnh điểm bất kì khi nào có áp lực tác động gần chỗ xương gãy. Khi có hiện tượng đau tại một điểm thì khả năng cao là xương đã gãy.[5]
    • Đau trên diện rộng khi sờ (tạo áp lực nhẹ hoặc thúc vào) với chiều rộng lớn hơn ba ngón tay thì nhiều khả năng xuất phát từ tổn thương dây chằng, gân hay mô khác.
    • Lưu ý rằng thâm tím hoặc sưng nhiều ngay sau khi gặp chấn thương là dấu hiệu cho thấy tổn thương mô, không phải gãy xương.
  8. Cẩn thận khi chăm sóc trẻ em bị nghi ngờ gãy xương. Ghi nhớ những yếu tố dưới đây nếu bạn muốn xác định xem một đứa trẻ dưới 12 tuổi có bị gãy xương hay không. Nói chung bạn nên đưa con mình đến gặp bác sĩ để được chẩn đoán chính thức nếu nghi ngờ bé bị gãy xương, vì điều đó có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của xương. Như vậy con bạn sẽ được điều trị đúng cách và kịp thời.[6]
    • Trẻ nhỏ thường không thể nhận biết chính xác cảm giác đau tại một điểm. Phản ứng đau của chúng có đặc điểm chung chung hơn so với người lớn.
    • Trẻ em rất khó có thể đánh giá mức độ đau chúng đang chịu đựng.
    • Cơn đau do gãy xương ở trẻ em cũng rất khác biệt vì xương của chúng có độ đàn hồi khác. Xương trẻ em dễ bị uốn cong hoặc rạn thay vì gãy.
    • Bạn là người hiểu con mình nhất, nếu hành vi của bé cho thấy mức độ đau nhiều hơn một chấn thương thông thường thì bé cần được chăm sóc y tế.

Chăm sóc tức thời[sửa]

  1. Nguyên tắc chung là không di chuyển nạn nhân. Chỉ di chuyển nạn nhân nếu có mối nguy hiểm sắp xảy ra trong trường hợp xương gãy do ngã mạnh hay gặp tai nạn xe máy. Không cố gắng sắp lại xương hoặc di chuyển nạn nhân nếu họ không thể tự mình di chuyển. Điều này nhằm tránh tổn thương thêm cho họ.[7]
    • Không di chuyển bất kì ai bị gãy xương chậu hay xương hông; xương chậu gãy có thể khiến máu chảy vào khoang chậu rất nhiều. Thay vào đó bạn nên gọi cấp cứu ngay và chờ họ đến. Tuy nhiên, nếu một người gặp chấn thương này và buộc phải được vận chuyển trước khi cấp cứu đến thì bạn cần đặt một chiếc gối giữa hai chân họ và cột chặt hai chân với nhau. Lăn họ lên trên một tấm ván để giữ cố định, khi lăn phải lăn toàn bộ cơ thể như là một khối thống nhất. Giữ vai, hông và bàn chân thẳng hàng và lăn toàn bộ cơ thể trong khi một người khác trượt tấm ván dưới hông nạn nhân. Tấm ván phải đủ dài từ giữa lưng cho đến đầu gối.[8]
    • Không di chuyển người có nguy cơ gãy lưng hay cổ. Để yên họ nằm ở vị trí được phát hiện và gọi cấp cứu ngay lập tức. Không cố gắng kéo thẳng lưng hay cổ. Cho nhân viên cấp cứu biết bạn nghi ngờ nạn nhân bị gãy lưng hay cổ và lý do vì sao. Di chuyển nạn nhân có thể gây ra tổn thương lâu dài nghiêm trọng, bao gồm bại liệt.
  2. Cầm máu sau tai nạn hoặc chấn thương. Chăm sóc tất cả các vết thương trước khi xử lý xương gãy.[9] Nếu xương gãy chồi khỏi da thì không được chạm hay cố gắng đẩy nó vào trong cơ thể. Xương thường có màu xám hay màu be nhạt, không phải màu trắng như bạn hay thấy ở các bộ xương trong lễ Halloween và mô hình y khoa.
    • Nếu máu chảy nhiều thì luôn phải chăm sóc chỗ chảy máu trước khi xử lý xương gãy.
  3. Cố định khu vực bị chấn thương. Chỉ tiến hành chăm sóc xương gãy nếu dịch vụ cấp cứu không thể có mặt ngay. Nếu nhân viên cấp cứu sắp đến hoặc bạn đang trên đường đến bệnh viện, nẹp cố định khu vực đó có thể gây hại nhiều hơn lợi. Tuy nhiên, nếu bạn không thể tiếp cận một cơ sở y tế ngay lập tức thì nên sử dụng những hướng dẫn này để cố định xương và giảm đau.
    • Nẹp hỗ trợ nâng đỡ tay gãy hay chân gãy. Không cố gắng sắp lại xương.[10] Bạn có thể sử dụng vật liệu có sẵn hay tìm thấy gần đó để chế tạo nẹp. Tìm vật liệu cứng để làm nẹp, chẳng hạn thanh hay tấm gỗ, giấy báo cuộn lại và v.v... Nếu phần cơ thể đó khá nhỏ (như ngón chân hay ngón tay), bạn băng nó vào ngón chân hay ngón tay kế cận để tạo sự ổn định và nẹp chắc.[9]
    • Quấn quanh nẹp bằng quần áo, khăn tắm, chăn, áo gối hay bất kì thứ gì mềm sẵn có.
    • Kéo dài nẹp qua khớp xương bên trên và bên dưới chỗ gãy. Ví dụ, nếu phần cẳng chân bị gãy thì bạn sử dụng nẹp dài qua đầu gối và mắt cá chân.[7] Tương tự, những chỗ gãy trên khớp xương cần được nẹp vào cả hai phía xương kế cận với khớp đó.
    • Cột chắc nẹp vào khu vực có xương gãy. Bạn có thể sử dụng dây thắt lưng, dây thừng, dây cột giày hay bất kì thứ gì có sẵn để giữ cố định nẹp. Cẩn thận khi cột thanh nẹp để không gây ra chấn thương khác cho cơ thể. Quấn nẹp phù hợp sao cho nó không tạo thêm áp lực vào khu vực bị chấn thương mà chỉ có tác dụng giữ cố định.[9]
  4. Chế tạo băng treo cho cánh tay hay bàn tay bị gãy. Băng treo giúp nâng đỡ cánh tay và tránh làm mỏi cơ. Sử dụng một mảnh vải có diện tích khoảng 1 mét vuông cắt từ áo gối, ga giường hay bất kì miếng vải lớn nào. Gấp mảnh vải thành hình tam giác. Luồn một đầu băng treo dưới cánh tay gãy và đi qua vai, vắt đầu còn lại qua vai bên kia sao cho băng treo quấn quanh cánh tay. Cột hai đầu băng treo ở phía sau cổ.[11]

Tìm biện pháp chăm sóc y tế[sửa]

  1. Gọi cấp cứu ngay lập tức nếu chỗ gãy cần được chăm sóc y tế. Nếu bạn thấy bất kì dấu hiệu nào sau đây thì cần phải gọi cấp cứu. Nếu không thể trực tiếp gọi cấp cứu, bạn nhờ người khác đi gọi ngay.[10]
    • Xương nghi ngờ gãy là một phần của chấn thương nghiêm trọng khác.
    • Nạn nhân không có phản ứng gì. Nói một cách khác là họ không thể cử động hay nói chuyện. Nếu họ không thở bạn phải tiến hành hô hấp nhân tạo.
    • Nạn nhân thở dồn dập.
    • Chi hay khớp xương có vẻ bị biến dạng hay cong ở góc bất thường.
    • Khu vực có xương gãy bị tê cứng hay xanh ở mỏm.
    • Xương nghi ngờ gãy nằm ở vùng chậu, hông, cổ, đầu hay lưng.
    • Chảy máu nhiều.
  2. Các thận trọng để ngăn ngừa sốc. Gãy xương xảy ra trong một tai nạn nghiêm trọng có thể dẫn đến sốc.[10] Trong khi chờ nhân viên cấp cứu đến hoặc trên đường đến bệnh viện, bạn cho nạn nhân nằm thẳng, bàn chân kê cao hơn tim và đầu thấp hơn ngực nếu được. Nếu nghi ngờ chân gãy thì bạn không được kê cao chân đó. Lấy áo khoác hay chăn đắp cho nạn nhân.[4]
    • Nhớ là không được di chuyển họ nếu bạn nghi ngờ cổ hay lưng họ bị gãy.
    • Giúp họ nằm thoải mái và giữ ấm. Sử dụng chăn, gối hay quần áo đắp lên khu vực bị ảnh hưởng. Nói chuyện với nạn nhân để giúp họ quên đi cơn đau.[2]
  3. Chườm lạnh để giảm sưng. Cởi phần quần áo xung quanh vị trí có xương gãy và chườm lạnh để hạn chế sưng. Chườm lạnh sẽ giúp ích cho bác sĩ khi phải sắp lại xương và cũng giảm đau cho nạn nhân. Không chườm trự̣c tiếp vào da mà phải quấn khăn tắm hay vật liệu khác xung quanh túi đá trước khi chườm.[10]
    • Bạn cũng có thể sử dụng túi củ quả đông lạnh thay cho nước đá nếu có sẵn.
  4. Luôn luôn giữ liên lạc với bác sĩ. Bạn nên hẹn gặp bác sĩ hoặc đến bệnh viện chụp X-quang nếu phát hiện những triệu chứng mà không xuất hiện vào thời điểm xảy ra chấn thương. Đến bệnh viện nếu bạn hoặc nạn nhân cảm thấy đau ở khu vực bị chấn thương nhưng không có tiến triển đáng kể sau nhiều ngày, hoặc khi bạn không có cảm giác đau tại một điểm sau khi gặp tai nạn vài giờ nhưng một hay hai ngày sau thì xuất hiện cảm giác này. Đôi khi tình trạng sưng ở cơ có thể ức chế cảm giác đau hoặc đau tại một điểm khi sờ.
    • Mặc dù bài viết này nhằm mục đích giúp bạn xác định tình trạng gãy xương mà không cần chụp X-quang, nhưng bạn nên đến bệnh viện càng sớm càng tốt nếu nghi ngờ gãy xương sau khi ngã hoặc gặp tai nạn. Nếu bạn tiếp tục sử dụng tay, chân hoặc bộ phận nào đó bị gãy trong thời gian dài, dù là cố ý hay vô ý, điều này có thể dẫn đến chấn thương lâu dài ở bộ phận đó.

Lời khuyên[sửa]

  • Bạn không nên ngoan cố mà không đến bệnh viện vì cho rằng mọi thứ vẫn ổn. Gãy xương là chấn thương rất nghiêm trọng, và nếu xương gãy xuyên qua da thì việc sắp lại xương sẽ càng khó khăn hơn, khi đó bạn buộc phải được chăm sóc y tế.

Nguồn và Trích dẫn[sửa]