Nhận biết sự bất an

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Nhận thức về những nhân tố tác động lên hành vi của bạn và người khác là một phần thiết yếu trong cuộc sống. Con người có những bất an (ngờ vực bản thân, thiếu tự tin hoặc thiếu quả quyết) tác động mạnh mẽ đến hành vi của họ.[1] Kỹ năng nhận ra những bất an của mình và của mọi người chắc chắn sẽ đem lại lợi ích cho bạn, cho mọi tình huống và mối quan hệ. Nhận thức là bước đầu tiên tạo nên sự thay đổi. Bài viết này sẽ giúp bạn hiểu thêm về những bất an, và điều này sẽ truyền cảm hứng cho những nỗ lực của bạn trong việc trưởng thành và thấu hiểu mọi người.

Các bước[sửa]

Quan sát Bản thân[sửa]

  1. Đánh giá lời độc thoại nội tâm của bạn. Bạn có để ý đến cuộc độc thoại thường diễn ra trong tâm trí của mình không? Độc thoại nội tâm có thể tích cực và hữu ích, hoặc tiêu cực và gây bất lợi cho hạnh phúc của bạn. Bạn sẽ mãi ở trong tình trạng bất an nếu cứ tập trung vào những đặc điểm tiêu cực võ đoán của mình. Việc phán xét bản thân một cách hà khắc không có lợi cho bất cứ ai.
    • Tránh xét đoán gay gắt bản thân, vì nó vẽ nên hình ảnh đại diện sai lệch về bạn. Việc tự chỉ trích sẽ làm xấu đi tâm trạng, động lực và triển vọng của bạn trong cuộc sống.[2]
    • Mỗi sáng thức dậy, bạn hãy soi gương và tự nói với mình ba điều mà bạn thích về bản thân. Càng tìm ra nhiều điểm tốt về mình, bạn càng có nhiều khả năng xây dựng lòng tự tin và khiến màn độc thoại nghi ngại của bạn phải nín lặng.
    • Lời độc thoại tiêu cực có thể khiến bạn khó mà lên tiếng nói cho mình. Lời độc thoại tích cực sẽ khuyến khích bạn lên tiếng vì bản thân mình.[3]
  2. Xử trí trong các tình huống xã hội. Có những tình huống xã hội nhất định khiến người ta cảm thấy hồi hộp và bất an.[4] Bạn có thể phải gắng sức hòa nhập vào một buổi tiệc, nói chuyện trước mọi người, hoặc đi xuống hội trường lớn ở trường học. Có những lúc người ta cảm thấy bất an khi không cảm thấy tự tin hoặc thành thạo trong một kỹ năng nào đó. May mắn là bạn có thể học cách nhận diện và giải quyết vấn đề.
    • Các tình huống xã hội có thể khiến bạn có suy nghĩ và cảm giác rằng những điều bạn đang làm là vụng về và không đúng thời điểm, mà bạn lại không muốn phải xấu hổ. Bạn có thể dùng phương pháp hình dung để trấn tĩnh.[5] Hãy tưởng tượng rằng bạn đang thoải mái quan sát và tận hưởng trải nghiệm đó.
    • Tìm chuyên gia giúp điều trị chứng lo âu xã hội. Điều này giúp bạn rà soát và thách thức những suy nghĩ bóp méo thực tế, đồng thời xây dựng lòng tự trọng chính đáng.[6]
    • Sự bất an của bạn có thể biểu hiện dưới hành vi bắt nạt trong các tình huống xã hội.[7] Đó thực ra chỉ là nỗ lực kiểm soát tình huống để che giấu cảm giác bất an của bạn. Hãy tìm những cách khác để tạo ra thành công trong cuộc sống, chẳng hạn như hợp tác với những người khác thay vì áp đặt ý muốn của mình lên họ.
    • Hãy để ý nếu thấy mình cảm thấy không thoải mái khi diễn đạt nhu cầu và mong muốn của bản thân, dẫn đến oán giận và thất vọng. Nếu chỉ diễn đạt nhu cầu của mình một cách thụ động thì bạn khó có khả năng được đáp ứng và có thể bắt đầu cảm thấy giận dữ và bất cần.[8]
    • Luyện tập sử dụng ngôn ngữ quyết đoán để yêu cầu điều mà bạn mong muốn. Thoạt đầu bạn có thể thấy khó khăn, nhưng dần dần bạn sẽ thoải mái hơn khi những nhu cầu của bạn bắt đầu được biết đến.[8]
    • Nỗi lo sợ mất an toàn có thể kích động những hành vi tiêu cực. Ví dụ, nếu bạn lo lắng, hồi hộp và gắt gỏng mọi người khi chuẩn bị cho chuyến đi thì có lẽ là do bạn cảm thấy không yên tâm cho sự an toàn của mình.
  3. Xem xét những phản hồi của mọi người.[9] Nhiều lúc hỏi ý kiến người khác cũng có lợi. Có thể không phải lúc nào bạn cũng nhận ra hành vi của mình, do đó tìm nguồn thông tin từ bạn bè thân hoặc gia đình là hữu ích. Họ có thể nhận ra bạn trở nên cực kỳ trầm lặng khi ở cạnh những người nào đó, hoặc “đông cứng” và khép kín trong những tình huống nhất định.
    • Không phải ai cũng cho phản hồi tích cực, do đó bạn hãy nghĩ về một người bạn hoặc người thân có thể thành thực với bạn mà không có ý lừa gạt, thô bạo hoặc làm mất giá trị của bạn.
    • Hỏi xem họ có thấy biểu hiện bất an nào ở bạn không. Yêu cầu họ tuyệt đối thành thực.
    • Bạn có thể cảm thấy tổn thương khi hỏi thông tin từ những người khác về mình, nhưng mục đích của bạn là biết được nhiều về bản thân để vơi đi nỗi bất an.
    • Ví dụ, một phản hồi tốt có thể là: “Cậu có vẻ thực sự rất muốn hòa nhập với những người mà cậu cho là sành điệu, và khi có họ ở bên cạnh, cậu thường ồn ào và mất kiểm soát. Tớ nghĩ cậu rất tuyệt và có nhiều thứ để chứng tỏ cho mọi người thấy, và cậu có thể nỗ lực xây dựng lòng tự tin của mình.”
    • Một ví dụ về phản hồi tiêu cực có thể là: “Cậu thật kỳ quặc và vụng về”.
  4. Quan sát phản ứng của bạn trong những lúc xung đột.[10] Khi xảy ra những chấn động, bạn có thể nhận thấy phản ứng của mình bùng nổ và có cảm giác đề phòng. Bạn cũng có thể co mình lại và cảm thấy xấu hổ và bẽ mặt. Tùy từng tình huống hoặc trước những người nào đó mà hành động của bạn có thể khác nhau. Đối với nhiều người thì xung đột thường đem lại điều tồi tệ nhất.
    • Ví dụ, bạn có thể cảm thấy không an tâm về việc học hành của mình vì bạn mắc chứng khó đọc hồi tiểu học. Thế rồi khi lớn lên, mỗi lần ai đó nói đùa về khiếm khuyết hiện lên trong ký ức của bạn thì phản ứng của bạn sẽ là giận dữ, bởi trò đùa của người đó khơi lại sự thiếu tự tin về khả năng đọc của bạn.
    • Suy nghĩ về một số xung đột lớn mà bạn gặp phải. Cố gắng xác định điều gì gây ra phản ứng của bạn. Phản ứng đó dường như không cân xứng với điều được nói đến. Những cảm giác kích động ẩn bên trong thường có liên quan đến sự bất an.

Khảo sát những Người khác[sửa]

  1. Quan sát trong tình huống cá nhân. Ở chỗ riêng tư người ta thường cư xử khác khi ở nơi công cộng. Bạn có thể thấy những hành vi cởi mở, thẳng thắn hoặc thậm chí mãnh liệt trong những tình huống riêng tư. Có lẽ mọi người cảm thấy thoải mái hơn khi không có người lạ. Điều này giúp bạn xác định những dấu hiệu bất an, vì nhờ đó bạn sẽ thấu hiểu hơn về những người khác với sự thông cảm.
    • Tìm các đặc điểm và hành vi như: cảnh giác (đề phòng và nghi ngờ người khác làm điều sai trái);[11] ích kỷ (quá chú tâm vào nhu cầu của riêng mình mà không mấy để ý đến người khác);[12] hờn dỗi (giành kiểm soát bằng cách nổi cơn rầu rĩ).[13]
    • Nếu bạn quyết định nói chuyện về sự bất an của một người, hãy nhớ rằng đây là một đề tài nhạy cảm. Người đó có thể sẽ phủ nhận những câu hỏi trực tiếp như, “Anh thấy không yên tâm khi chị của em đến chơi với em phải không?” Bạn hãy cân nhắc nói những câu như, “Em rất vui khi ở bên chị gái của em. Em cảm thấy thực sự được chị ấy ủng hộ khiến em trở thành người vui vẻ hơn, và điều đó cũng có lợi cho chúng ta”.
  2. Xem xét những tình huống ở nơi đông người. Bất kể là đang đi chơi với một nhóm bạn, hay từ vùng xa đến thăm thành phố, hoặc vừa gia nhập nhóm chạy bộ, bạn có thể xác định những bất an của mọi người bằng cách quan sát và tương tác với họ. Có thể việc kết nối và quan hệ với một người mang nhiều bất an là khó khăn. Những biểu hiện bất an ở nơi đông người có thể dưới nhiều dạng:
    • Tìm những đặc điểm và hành vi như: lấy lòng mọi người quá mức (cố gắng làm hài lòng mọi người để khỏi bị ghét);[14] kiêu ngạo (tự xem mình là tuyệt vời và huênh hoang về mọi thành tích của mình;[15] hiếu thắng (biến mọi tình huống hoặc cuộc đối thoại thành cuộc thi đấu và phải giành phần thắng);[16] quá coi trọng vật chất (bao bọc quanh mình những món đồ đắt tiền để mọi người tin rằng mình quan trọng).[17]
    • Quan sát ngôn ngữ cơ thể vì đó là một cách khác để xác định sự bất an.[18] Một người bất an sẽ có dáng điệu chùng xuống như thể anh ta đang muốn trốn khỏi thế giới này. Người tự tin thì ngược lại. Anh ta sẽ đứng thẳng người, vai đưa ra sau và giao tiếp bằng mắt với mọi người.
    • Tránh công khai cật vấn ai đó về sự bất an của họ. Kéo họ ra một nơi riêng tư để nói chuyện. Người đó có thể không ý thức được rằng mình đang thể hiện những hành vi đó. Cho anh ta biết rằng những hành vi của anh ta đang gây rối loạn bằng cách nói, “Này, mình biết việc này khá nhạy cảm, nhưng hình như cậu đang quá ganh đua làm cho nhiều người bực bội. Mình không biết cậu có nhận ra không”.
  3. Phân tích những phản ứng trong các cuộc xung đột. Có thể bạn khó quan sát được một người trở nên đề phòng hoặc bực dọc. Đó cũng là một thách thức khi rơi vào những cuộc xung đột như vậy. Khi một người bị đẩy vào tình thế mà anh ta cho rằng cần phải tự vệ, anh ta sẽ biểu lộ sự bất an của mình qua cung cách phản ứng. Hãy quan sát kỹ và bạn sẽ hiểu rõ hơn người đó và động cơ của anh ta.
    • Tìm những đặc điểm và hành vi như: cực kỳ độc đoán (cho rằng mình “biết tuốt”, bắt nạt và chỉ huy mọi người xung quanh); [19] thủ thế (không thể tiếp nhận phản hồi mà không coi đó là sự công kích);[20] cực kỳ thụ động (không chịu đáp trả hoặc đứng lên tự vệ).[21]
    • Hãy tự hỏi bản thân những câu sau đây khi xem xét một cuộc xung đột:
    • Trong lúc chống đối, người đó có dùng bạo lực thể chất không (luôn trình báo sự việc này với nhà chức trách).
    • Có phải người đó không nói gì hoặc đồng ý, nhưng sau đó lại có hành vi hung hăng thụ động (gián tiếp kháng cự yêu cầu của bạn, chẳng hạn như cố trì hoãn)?[22]
    • Nếu không cảm thấy hài lòng về mình vì bị mất việc, anh ta có hay đột nhiên nổi giận, cáu kỉnh và có vẻ bất cần mọi thứ không?
  4. Phân tích những phản ứng ngôn ngữ trong các cuộc xung đột. Có một số ví dụ về phản ứng ngôn ngữ bắt nguồn từ những bất an tiềm ẩn. Tuy nhiên việc hiểu khái niệm này cũng không thể biện hộ cho hành vi tiêu cực. Thay vì thế, bạn hãy tìm hiểu về hành vi này để giữ an toàn cho bản thân, rời khỏi tình huống và giải quyết dứt điểm xung đột.
    • Tự hỏi những câu sau khi xem xét cuộc xung đột về mặt ngôn ngữ:
    • Khi bị thách thức, người đó có tấn công vào điểm yếu của bạn hay chửi rủa bạn?
    • Người đó có phản ứng theo kiểu, “Cô bảo tôi là ngu xuẩn phải không?” mặc dù bạn không đề cập gì về trí thông minh của người đó?
    • Có phải anh ta nghe điều gì đó không chính xác và bóp méo lời nói thành sự tấn công nhằm vào anh ta?

Đánh giá các Mối Quan hệ[sửa]

  1. Giải mã sự bất an gắn kết. Kiểu gắn bó tình cảm của một người với người khác chịu tác động mạnh mẽ từ mối quan hệ của họ với người nuôi dưỡng trong thời thơ ấu.[23] Nếu mối quan hệ đó buồn khổ do bất an thì nhiều khả năng mối quan hệ tình cảm của họ khi trưởng thành cũng sẽ phải vật lộn với nỗi đau đó. Biểu hiện chính xác có thể khác nhau, nhưng nói chung các kiểu gắn kết của người trưởng thành được xếp vào bốn nhóm. Hãy xác định trường hợp của bạn có thể rơi vào nhóm nào:[23]
    • Bền chặt: người đó gắn bó với người khác một cách dễ dàng.
    • Lo âu: người đó muốn gắn bó thân mật với người khác, nhưng họ sợ rằng người kia không muốn đáp lại tình cảm.
    • Trốn tránh: người này độc lập và không muốn lệ thuộc vào bất cứ ai hoặc ai đó lệ thuộc vào họ.
    • Trốn tránh lo sợ: người đó mong muốn gắn bó nhưng lo sợ bị tổn thương.
    • Nếu nhận ra mình thuộc một trong các nhóm trên, bạn có thể làm một số việc như sau để kiểm soát: tự tìm hiểu dựa trên thuyết gắn kết; tìm một bác sĩ trị liệu chuyên về thuyết gắn kết; tìm bạn đời hoặc người yêu thuộc nhóm gắn kết bền chặt; tham dự các buổi tư vấn đôi lứa; nói chuyện về mối quan hệ của mình.
  2. Nghiên cứu động lực gia đình. Những bài học của gia đình dạy bạn từ thời thơ ấu sẽ theo bạn đến khi trưởng thành. Một số trong đó thật tuyệt vời và đem lại hạnh phúc trong cuộc sống, số khác lại là thách thức. Nhiều khi những bất an đó bắt nguồn từ những tương tác mà bạn đã và vẫn tiếp tục trải qua trong gia đình, thậm chí tác động đến những kiểu quan hệ mà bạn theo đuổi khi trưởng thành.[24]
    • Liệt kê mọi thành viên trực hệ trong gia đình bạn. Bên cạnh tên của mỗi người, bạn ghi những điểm tích cực của người đó đã giúp bạn chín chắn hơn. Sau đó, liệt kê những đặc điểm của họ mà bạn cho là góp phần phát triển những cảm giác và hành vi tiêu cực của bạn.
    • Ví dụ, nếu cha của bạn ưu ái anh trai bạn và gạt bạn ra chỉ vì bạn là con gái, có thể bạn sẽ nghĩ rằng mình không bao giờ giỏi giang được. Điều này không những ảnh hưởng đến mối quan hệ của bạn với cha và anh, mà nó có thể còn là chủ đề xuyên suốt trong nhiều tình huống khi bạn lớn lên.
  3. Khám phá tình bạn. Sự khác biệt lớn nhất giữa gia đình và bạn bè là bạn có thể chọn bạn để chơi. Đôi khi bạn còn thân thiết với bạn bè hơn cả gia đình. Có những lúc sự bất an là một thử thách đối với tình bạn. Việc xác định nỗi bất an của người bạn và tỏ lòng thông cảm với họ sẽ giúp bạn xây dựng một tình bạn vững bền hơn.
    • Có những người bạn là căn nguyên của sự bất an. Chẳng hạn như một người trong số bạn bè của bạn có thể cực kỳ quyến rũ, và khi ra ngoài đường cùng bạn thì anh ta thu hút mọi ánh nhìn. Bạn cảm thấy như mình bị lép vế và kém hấp dẫn. Nếu điều đó xảy ra, bạn hãy tự hào về những phẩm chất tuyệt vời của mình và tập trung tận hưởng niềm vui thay vì tự đánh giá mình.
    • Ngược lại, nếu một người trong số bạn bè của bạn có biểu hiện bất an, bạn hãy dùng cách xác nhận lại để giúp cải thiện vấn đề. Ví dụ như, bạn của bạn không được chọn trong buổi thử vai cho vở kịch của trường, và cô ấy tự nhiếc móc mình như, “Mình thật là vô dụng. Mình biết là mình sẽ vuột mất cơ hội này mà. Chỉ tại cái mũi của mình to quá.” Bạn hãy trả lời lại, “Cậu đừng làm thế với bản thân. Cậu xinh đẹp và thông minh. Cậu đừng quên rằng người ta đang tìm một người phù hợp với vai đó, chỉ có điều người đó không phải là cậu, mà như thế cũng không có nghĩa là sau này không có vai diễn nổi bật nào dành cho cậu”.
  4. Quan sát những hành vi tự hủy hoại. Có thể khó mà quan sát khi một người bạn ra những quyết định sai lầm gây ảnh hưởng đến bản thân họ và cả những người quan tâm họ. Không may là những bất an có thể khiến người ta làm những việc mà bạn hoặc một người nào đó phải can thiệp và giúp đỡ.
    • Nếu một người bạn của bạn đang sống một cách buông thả thì đó là một dấu hiệu của vấn đề nghiêm trọng. Một người sử dụng tình dục như một cách để tìm kiếm sự ủng hộ từ những người khác thì có lẽ là do họ đang cảm thấy bất an. Bạn của bạn có thể đang đánh giá bản thân anh ta dựa trên sự hấp dẫn về thể xác đối với người khác hơn là được nhìn một cách toàn diện. Kiểu hành vi này dẫn đến những rủi ro về sức khỏe, bị lợi dụng và lòng tự trọng bị hạ thấp.
    • Sự bất an còn có thể khiến người ta tự xử lý với rượu và chất kích thích. Có lẽ người bạn đó uống say để cảm thấy tự tin và thư giãn hơn.[25] Vấn đề ở đây là mức độ hành vi của anh ta. Nghiện ngập là một vấn nạn nghiêm trọng, đòi hỏi phải có sự dốc sức và giúp đỡ chuyên môn mới giải quyết được. Hãy tự giúp mình hoặc bạn của mình bằng cách nhờ bác sĩ và gia đình giới thiệu đến một chuyên gia. Nhưng nếu không có điều kiện, bạn hãy liên lạc với phòng khám sức khỏe tâm thần khu vực để được tư vấn.
  5. Phân tích những mối quan hệ trong công việc. Những bất an ở nơi làm việc có thể ảnh hưởng đến sinh kế của bạn. Nếu người nắm quyền lại là một kẻ bắt nạt và bạn phải tuân theo luật lệ của họ thì bạn cần phải cẩn thận.[26] Việc xác định sự bất an của đồng nghiệp sẽ giúp bạn tránh rủi ro trong công việc của mình. Mục đích là xác định được những bất an đó là gì để bạn có thể tránh các cuộc tranh cãi và những hành động có thể khơi dậy và tăng thêm những bất an đó.
    • Một người cùng làm việc với bạn không sẵn lòng chia sẻ thông tin cho bạn vì anh ta không yên tâm về công ăn việc làm của mình. Thay vì chất vấn anh ta, bạn hãy tìm những nguồn thông tin khác. Nếu tình huống trở nên cực kỳ khó khăn và đe dọa đến việc làm của bạn, hãy nói với người giám sát. Tôn trọng hệ thống điều hành và xin ý kiến để xử trí tình huống.
    • Bạn có thể làm việc cho một công ty trên mạng và chưa bao giờ gặp mặt các đồng nghiệp. Đây là một điều cực kỳ hạn chế trong việc phát triển mối quan hệ và xây dựng lòng tự tin về một vị trí bền vững. Để xua đi những bất an này, bạn hãy thực hiện công việc của mình một cách hoàn hảo và để thành tích của bạn lên tiếng. Tập trung xây dựng sự tự tin qua các phương pháp như: rèn luyện thân thể, làm công việc tình nguyện hoặc tham gia các câu lạc bộ khuyến khích những hoạt động nhóm.

Lời khuyên[sửa]

  • Bạn có thể đảo ngược những bất an bằng cách đương đầu với nỗi sợ của mình và tham gia những hoạt động có thể tạo nên những hành vi tự tin mới.
  • Bạn có thể bày tỏ sự bất an của mình với bạn thân hoặc người nhà. Điều này giúp vấn đề bớt đi sự bí mật, là một bước tiến trong việc thay đổi hành vi của bạn vì điều tốt đẹp hơn.
  • Cẩn thận với những người mang những bất an. Nếu biết ai đó không yên tâm về điều gì, bạn nên tránh tập trung vào đó vì nó có thể khiến người kia ngượng ngùng.
  • Tập thông cảm cho người khác và đối xử với họ theo cách mà bạn muốn mình được đối xử.
  • Nhiều sự bất an cũng được giải quyết qua thời gian chỉ bằng cách làm quen dần với những tình huống khác nhau. Thực hành sẽ khiến mọi việc sẽ dễ dàng hơn.
  • Việc tìm kiếm sự trợ giúp không bao giờ là muộn nếu sự bất an ngăn cản bạn tận hưởng cuộc sống mà bạn mong muốn.
  • Thay đổi là không dễ dàng, nhưng bạn có thể làm được nếu sẵn sàng nỗ lực và tìm được cách đối phó với vấn đề.

Cảnh báo[sửa]

  • Nếu bạn để cho sự bất an lấn lướt, có thể bạn sẽ hối tiếc, hoặc tệ hơn sẽ phải trả cái giá rất đắt cho hành vi tiêu cực của mình. Hãy dừng lại trước khi có những hành động tiêu cực đối với người khác.
  • Nếu bạn là nạn nhân của tình trạng bạo hành thể xác và tinh thần từ một người bất an, hãy gọi người có thẩm quyền nhờ trợ giúp.

Nguồn và Trích dẫn[sửa]

  1. http://dictionary.reference.com/browse/insecurity
  2. http://www.psychalive.org/critical-inner-voice/
  3. http://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC3070711/
  4. http://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC2151931/
  5. http://www.helpguide.org/articles/stress/relaxation-techniques-for-stress-relief.htm
  6. http://www.cci.health.wa.gov.au/resources/infopax.cfm?Info_ID=47
  7. http://www.valuesbasedleadershipjournal.com/issues/vol1issue2/yamada.php
  8. 8,0 8,1 https://books.google.com/books?id=hlyGP4cY4fsC&pg=PT115&lpg=PT115&dq=how+to+get+comfortable+expressing+your+needs&source=bl&ots=rypubhNSQv&sig=e82Fwsx6b8DMdaDkeL2vyZEe9BM&hl=en&sa=X&ved=0CDoQ6AEwBGoVChMI9LaK4JLFyAIVl1yICh0YGwzT#v=onepage&q=how%20to%20get%20comfortable%20expressing%20your%20needs&f=false
  9. http://www.forbes.com/sites/joefolkman/2013/12/19/the-best-gift-leaders-can-give-honest-feedback/
  10. https://ici.umn.edu/products/impact/182/over6.html
  11. http://dictionary.reference.com/browse/jealousy
  12. http://dictionary.reference.com/browse/selfishness?s=t
  13. http://dictionary.reference.com/browse/sulk?s=t
  14. http://psychcentral.com/lib/are-you-a-people-pleaser/
  15. http://dictionary.reference.com/browse/arrogant
  16. http://sfhelp.org/cx/apps/compete.htm
  17. http://dictionary.reference.com/browse/materialistic?&o=100074&s=t
  18. https://www.nacada.ksu.edu/Resources/Clearinghouse/View-Articles/body-speaks.aspx
  19. http://www.2knowmyself.com/reasons_why_people_bully_others
  20. http://psycnet.apa.org/psycinfo/1992-20274-001
  21. http://dictionary.reference.com/browse/passive?s=t
  22. http://dictionary.reference.com/browse/passive-aggressive
  23. 23,0 23,1 http://greatergood.berkeley.edu/article/item/how_to_stop_attachment_insecurity_from_ruining_your_love_life
  24. http://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC2689376/
  25. http://www.helpguide.org/articles/anxiety/social-anxiety-disorder-and-social-phobia.htm
  26. https://hbr.org/2012/07/bullying-is-a-confidence-game/

Liên kết đến đây