Nhận ra khi mắc phải một mối quan hệ bạo hành

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Nếu bạn cảm thấy mình đang gặp nguy hiểm vì bị bạo hành, hãy gọi ngay tới số 911 (Mỹ), hoặc 113 (Việt Nam). Hoặc gọi tới đường dây nóng về Bạo hành Quốc gia số 1-800-799-7233 hoặc 1-800-787-3224 (TTY) tại Mỹ. Ở Việt Nam, bạn có thể gọi tới (84-4) 7281035 (Trung tâm Phụ nữ và Phát triển), và 1800 1567 (Phím số diệu kỳ).

Người đó có thể nói là anh ấy yêu bạn. Người đó có thể nói rằng anh ấy làm những việc đó là vì anh ấy yêu bạn quá nhiều. Nhưng nếu người đó bạo hành bạn, đó không phải là tình yêu hoặc những hành động yêu thương. Những kẻ bạo hành thường hay gán ghép tình yêu với sự bạo hành để bào chữa cho việc làm tổn thương những người sống quanh họ. Hơn hết, khiến người khác bị thương là việc không liên quan tới tình yêu. Thường thì bạo hành về mặt thân thể không phát sinh ngay từ đầu trong một mối quan hệ,[1] tuy nhiên, có nhiều hành động không lành mạnh khác đã được bộc lộ rõ ràng từ trước. Những hành động đó không phải lúc nào cũng dẫn tới việc bạo hành về mặt thể xác, nhưng chúng có thể giúp bạn hiểu được bản chất mối quan hệ của mình. Bài viết này sẽ giúp bạn xem xét liệu mối tình của mình có chân thật và lành mạnh không, hay là tình yêu chỉ đang bị lợi dụng như một vũ khí để kiểm soát bạn. Quan trọng nhất là bạn có thể sử dụng thông tin này để đảm bảo sự an toàn của bản thân.

Các bước[sửa]

Bạo hành là gì[sửa]

  1. Nắm được định nghĩa về một mối quan hệ bạo hành. Một mối quan hệ bạo hành là khi một người thường xuyên sử dụng mưu mẹo để kiểm soát người còn lại về mặt tâm lý, thân thể, tài chính, cảm xúc và tình dục, và thể hiện quyền lực với người đó. Một mối quan hệ bạo hành là một mối quan hệ có sự mất cân bằng về quyền lực.[2]
  2. Nhận ra đặc điểm của kẻ bạo hành. Mỗi người một khác, nhưng những người sử dụng bạo lực với người khác sẽ có những đặc điểm nhất định góp phần vào vòng tròn của bạo lực và kiểm soát. Một kẻ bạo hành có những đặc điểm sau:[3]
    • Dễ xúc động và đồng phụ thuộc.
    • Có thể rất quyến rũ, nổi tiếng và tài năng.
    • Dao động giữa các thái cực cảm xúc.
    • Có thể đã từng là nạn nhân của bạo hành.
    • Có thể nghiện rượu hoặc ma túy.
    • Thích kiểm soát.
    • Kìm nén cảm xúc.
    • Cứng nhắc và hay chỉ trích.
    • Có tiền sử bạo hành và sử dụng bạo lực lúc còn nhỏ.
  3. Trang bị cho bản thân những thông tin về bạo hành. Bạo hành và bạo lực gia đình thường phổ biến hơn những gì mọi người thường nghĩ. Việc này có những ảnh hưởng tức thời cũng như lâu dài đối với các nạn nhân. Dưới đây là một vài thống kê về nạn bạo hành tại Mỹ:[4]
    • 25-30% phụ nữ là nạn nhân của bạo lực gia đình.
    • Bạo lực gia đình khiến sức khỏe của bạn xấu đi, cũng như nhiều thương tật khác, tương tự với việc “sinh sống tại khu vực có chiến tranh”.
    • Hơn 10% nam giới từng bị bạn gái/bạn đời bạo hành.
    • Hàng năm, 1.200 phụ nữ tử vong do bạo lực gia đình.
    • Hai triệu phụ nữ bị thương do bạo lực gia đình mỗi năm.
    • Bạo lực gia đình xảy ra ở mọi nền văn hóa và kinh tế xã hội. Tình trạng này phổ biến nhất ở những khu dân cư nghèo và những người từng học tới đại học nhưng bỏ học.
    • Nạn nhân của bạo lực gia đình thường dễ dàng xảy ra hơn ở những người nghiện rượu.
    • Nguy cơ trở thành khuyết tật (về cảm xúc, tinh thần và thể chất) của nạn nhân của bạo lực gia đình đã tăng gấp đôi. Khả năng các nạn nhân không thể đi lại nếu thiếu sự trợ giúp (gậy hoặc khung tập đi) hoặc xe lăn đã tăng thêm 50%.
    • Nguy cơ đột quỵ đối với các nạn nhân đã tăng 80%, nguy cơ mắc bệnh tim mạch và xương khớp đã tăng 70%, và nguy cơ mắc hen suyễn đã tăng 60%.

Nhận biết hành vi bạo hành thân thể[sửa]

  1. Nghĩ về những chuyện đã xảy ra khi bạn và người đó bất đồng. Bất đồng vẫn thỉnh thoảng xảy ra trong các mối quan hệ. Một kẻ bạo hành có thể gọi những gì anh ta làm là “bất đồng”, nhưng sự việc còn trầm trọng hơn thế.[5] La hét, đánh đập, tát, đấm, cấu, và bóp cổ không phải là kết quả của sự bất đồng mà chính là “kiểu hành vi” người đó sử dụng để kiểm soát bạn.[5]
  2. Ghi lại những tổn thương trên cơ thể do người đó gây ra. Tấn công về mặt thân thể có thể rất đa dạng. [6]Việc này có thể thỉnh thoảng mới xảy ra, hoặc có thể thường xuyên xảy ra. Mức độ trầm trọng cũng có thể khác nhau. Cũng có thể đó chỉ là việc mới xảy ra một lần.
    • Tấn công thân thể có thể xảy ra theo một kiểu nhất định, hoặc có thể là một mối đe dọa rõ rệt, hoặc thường trực và ngấm ngầm, hoặc công khai. Người đó có thể khiến bạn cảm thấy lo lắng cho sự an toàn của bạn hoặc những người khác, thậm chí là cả thú cưng của bạn. Khi đó, bạo hành thân thể có thể làm xáo trộn và ảnh hưởng tới mọi khía cạnh trong cuộc sống của bạn.
    • Hãy nhớ rằng sự tấn công này có thể “quay vòng”. Nghĩa là có thể có một giai đoạn bình yên, nối tiếp bởi sự bùng nổ và cuối cùng là tấn công.[6]Sau khi tấn công, vòng tròn này sẽ bắt đầu lại.
  3. Để ý những dấu hiệu của việc bạo hành thân thể. Những hành động bạo lực thật sự dường như rất dễ hiểu và rõ ràng, nhưng đối với những người lớn lên trong tình trạng đó, họ có thể không nhận ra việc này là bất thường và không lành mạnh. Một số dấu hiệu của bạo hành thân thể là:[7]
    • Kéo tóc.
    • Đấm, tát hoặc đá bạn.
    • Cắn hoặc bóp cổ bạn.
    • Không cho phép bạn thỏa mãn nhưng nhu cầu cơ bản như ăn hoặc ngủ.
    • Đập phá tài sản hoặc đồ đạc trong nhà, ví dụ như ném đĩa, đấm thủng tường.
    • Dùng dao hoặc súng đe dọa bạn, hoặc dùng vũ khí với bạn.
    • Dùng bạo lực ngăn cản bạn rời đi, gọi trợ giúp khẩn cấp hoặc tới bệnh viện.
    • Bạo hành thân thể các con của bạn.
    • Bắt bạn phải ra khỏi xe và để bạn ở lại một nơi xa lạ.
    • Lái xe một cách hung hăng và nguy hiểm khi bạn đang ngồi trong xe.
    • Ép bạn uống rượu hoặc dùng chất kích thích.
  4. Đếm xem đã có bao nhiêu lần “trăng mật”. Một kẻ bạo hành thường có một giai đoạn “trăng mật”, khi đó, họ sẽ tỏ ra là một người yêu lí tưởng để dụ dỗ bạn. Người đó xin lỗi và cư xử tốt với bạn, mua quà và tỏ ra thân thiện. Sau đó, hành vi thay đổi và anh ta lại bạo hành bạn. Dần dần, bạn sẽ bắt đầu chấp nhận hành vi đó.
  5. Đếm những lần bạn phải che giấu các vết thương hoặc bầm tím. Hậu quả của những lần bạo hành thân thể là bạn sẽ phải chịu đựng những vết thâm tím, vết cắt hoặc những vết thương khác. Hãy nghĩ về những lần bạn phải mặc áo cổ lọ vào mùa hè hoặc trang điểm để che đi những vết bầm.
  6. Hiểu rằng bạo hành thân thể thường đi kèm với những dạng bạo hành khác. Những hành động của dạng bạo hành thân thể thường gây chú ý nhất khi nhắc tới các vấn đề trong một mối quan hệ bạo hành. Những hành vi này thường xảy ra kèm với bạo hành cảm xúc, tinh thần, tài chính và tình dục.[6], [8]
  7. Nhận ra rằng bạo hành thân thể có thể không xảy ra ngay lập tức. Dạng bạo hành này có thể không rõ rệt trong giai đoạn đầu của mối quan hệ.[9] Mối quan hệ có thể bắt đầu một cách lành mạnh và lí tưởng.
    • Một người phụ nữ đã nhớ lại lần gặp gỡ chồng ở ga tàu sau giờ làm, khi đó, mối quan hệ mới bắt đầu và chồng cô ấy đang ôm một bó hoa. Chuyện này đã được kể lại chi tiết khi cô ấy đang phải điều trị trong bệnh viện do gẫy mũi - hậu quả của việc bị chồng ném rổ đựng quần áo vào mặt. Cô ấy đã tự trách bản thân vì việc này. Chính sự khởi đầu tốt đẹp kia đã níu kéo nạn nhân trong mối quan hệ này.
    • Hoặc cũng có thể những hành vi có vấn đề đó ban đầu lại diễn ra rất tinh vi.[1] Có thể ban đầu sẽ xuất hiện hành vi ghen tuông và kiểm soát cao độ,[10] thuyết phục nạn nhân rằng đây là “tình yêu chân chính”. Kẻ bạo hành có thể nói rằng anh ta quan tâm tới nạn nhân sâu sắc tới mức không thể kiềm chế được những hành động xấu: “Em làm anh phát điên nên anh mới mất kiểm soát như vậy. Anh quan tâm đến em nhiều đến thế cơ mà.”

Nhận biết hành vi bạo hành cảm xúc[sửa]

  1. Biết định nghĩa về bạo hành cảm xúc. Bạo hành cảm xúc thường chứa những từ ngữ xúc phạm. Kẻ bạo hành thường hạ thấp lòng tự trọng của bạn bằng cách gọi bạn bằng những cái tên khó nghe, chỉ trích mọi việc bạn làm, không tin tưởng bạn, cư xử như thể bạn là đồ vật họ sở hữu, dùng con trẻ để chống lại bạn, hoặc đe dọa là sẽ làm đau chúng, và nhiều hành vi khác nữa. [8]
  2. Lắng nghe những lời chỉ trích. Thông thường, bạo hành cảm xúc sẽ diễn ra dưới dạng lời khen “con dao hai lưỡi”. Kẻ bạo hành có thể nói “Anh yêu em, nhưng...”. Ví dụ, anh ta có thể nói rằng “Anh yêu em, nhưng nếu em không dành ngày nghỉ cuối tuần cho anh, anh nghĩ là em không hề yêu anh chút nào”.[11] Với những lời nói như thế này, kẻ bạo hành sẽ đội lốt tình yêu để khiến bạn phải cư xử theo ý anh ta.
    • Nếu người đó thường xuyên chê bai và khiến bạn cảm thấy bản thân không đủ tốt, có thể bạn đang bị bạo hành cảm xúc.
  3. Quyết định xem người đó có đang thao túng cảm xúc của bạn không. Một kẻ bạo hành cảm xúc có thể sẽ cố gắng ép cảm xúc của bạn đi theo một hướng nào đó, mục đích là để kiểm soát bạn.[11] Hành vi thao túng này có thể là:
    • Bôi bác hoặc khiến bạn thấy xấu hổ.
    • Khiến bạn cảm thấy tội lỗi.
    • Khiến bạn cảm thấy mọi thứ đều là lỗi của bạn.
  4. Coi chừng sự đe dọa. Một kẻ bạo hành có thể đe dọa bạn để kiểm soát hành động của bạn. Hãy để ý tới những mối đe dọa anh ta dùng để chống lại bạn. Kẻ bạo hành cũng có thể sẽ đe dọa bạn bằng cách lợi dụng những đứa trẻ, hoặc đe dọa là sẽ khiến chúng bị thương.
    • Những lời đe dọa cũng có thể bao gồm những câu nói như “Anh sẽ tự sát nếu em bỏ anh”.
  5. Quyết định xem mình có cảm thấy bị cô lập với xã hội không. Cô lập với xã hội là một hình thức bạo hành cảm xúc, kẻ bạo hành sẽ dùng nó để khống chế cảm xúc và hành vi của bạn. Cô lập với xã hội có thể diễn ra dưới những hình thức sau:[12]
    • Không cho bạn dành thời gian với bạn bè hoặc gia đình.
    • Cư xử ghen tuông và nghi ngờ bạn bè của bạn.
    • Ngăn cấm bạn sử dụng xe cộ hoặc điện thoại.
    • Bắt bạn phải ở nhà.
    • Đòi hỏi được biết vị trí của bạn mọi lúc.
    • Cấm bạn đi làm hoặc đi học.
    • Không cho bạn đi khám bệnh.

Nhận biết hành vi bạo hành tình dục[sửa]

  1. Quyết định xem mình có đang bị cưỡng ép tình dục không. “Cưỡng ép tình dục” được hiểu đơn giản là khi bạn bị ép buộc phải quan hệ tình dục. Anh ta kiểm soát cách bạn ăn mặc, cưỡng bức bạn, cố tình lây bệnh tình dục cho bạn, ép bạn phải xem phim khiêu dâm, ép bạn dùng thuốc hoặc uống rượu say để quan hệ với bạn, vân vân. [13]
  2. Quyết định xem bạn có đang bị cưỡng ép sinh nở không. “Cưỡng ép sinh nở” là khi người đó không cho phép bạn lựa chọn trong việc mang thai. Người đó có thể theo dõi chu kì kinh nguyệt của bạn. Người đó ép bạn có bầu ngoài ý muốn, hoặc bắt bạn bỏ thai ngoài ý muốn.[13]
  3. Học cách để nhận ra những động chạm thể xác không mong muốn. Bạo hành tình dục chứa nhiều hành vi tiếp xúc về mặt thể xác không được mong muốn. Những hành vi đó có thể rất đa dạng. Nó có thể là những hành động bạo lực trên thân thể bạn, hoặc những hành động tinh vi hơn như gọi bạn bằng những cái tên tồi tệ (ví dụ như “ca-ve” hoặc “gái gọi”).[14] Dưới đây là những hành vi động chạm thân thể không mong muốn:[15]
    • Chạm vào hoặc mơn trớn bạn mà không cần bạn cho phép.
    • Ép bạn quan hệ tình dục với những bạn tình khác.
    • Quay phim hoặc chụp ảnh những hành vi tình dục mà không cần bạn cho phép.
    • Ép bạn thực hiện những hành động làm bạn sợ hoặc đau.
    • Dùng pháp luật để gán cho bạn cái mác “gái gọi” (ví dụ như nói với cảnh sát rằng bạn là gái gọi).
    • Đòi hỏi hoặc cưỡng bức tình dục.
    • Ép bạn quan hệ rồi sau đó hạ nhục bạn vì điều đó.

Nhận biết những hành vi bạo hành khác[sửa]

  1. Quyết định xem bạn có đang bị bạo hành về mặt tài chính không. Bạo hành tài chính hoặc kinh tế là hành động khống chế bạn bằng tiền. Việc này có thể dẫn tới việc anh ta không cho bạn có tiền riêng, dù đó là tiền bạn kiếm ra hay không.
    • Kẻ bạo hành có thể chiếm thẻ tín dụng của bạn. Anh ta có thể mở thẻ tín dụng bằng tên bạn, rồi phá hoại thanh danh của bạn bằng cách không thanh toán hóa đơn.
    • Mặt khác, kẻ bạo hành có thể chuyển tới ở với bạn mà không đóng góp chia sẻ các chi phí sống. Anh ta có thể giữ số tiền mà bạn cần để duy trì những nhu cầu cơ bản (ví dụ như mua đồ ăn hoặc thuốc uống).[13]
  2. Quyết định xem có hành vi bạo hành sử dụng công nghệ không. Những kẻ bạo hành sử dụng những công nghệ như điện thoại di dộng, tài khoản thư điện tử và mạng xã hội để đe dọa, bắt nạt hoặc đeo bám bạn. Những kẻ bạo hành sử dụng mạng xã hội để gửi cho bạn những tin nhắn tục tĩu, tống tiền và đeo bám bạn.
    • Kẻ bạo hành có thể ép bạn phải mang điện thoại di động theo mọi lúc mọi nơi. Anh ta có thể đòi hỏi bạn phải nhấc máy ngay khi đổ chuông.
  3. Xem xét liệu kẻ bạo hành có đang đeo bám bạn không. Đeo bám, hay “theo đuôi do ám ảnh”, là khi kẻ bạo hành quan sát mọi hành động của bạn. Việc này có thể xảy ra với những người mà bạn không hề có quan hệ tình cảm. Nhưng ngay cả trong tình yêu, người tình của bạn vẫn có thể đeo bám bạn. Thông thường, việc này xảy ra khi mối quan hệ đã kết thúc. Tuy nhiên, việc này cũng có thể xảy ra khi mối quan hệ vẫn đang tiếp diễn. Hình thức giám sát và chiếm hữu quá mức này thường gây ra sợ hãi. [16] Đối phương có thể đang đeo bám bạn nếu:
    • Anh ta xuất hiện ở những nơi mà bạn thường xuyên tới.
    • Anh ta bí mật đi theo bạn.
    • Anh ta theo dõi bạn.
    • Anh ta gửi cho bạn những thông điệp hoặc thư đe dọa.
    • Anh ta để lại tin nhắn thoại để đe dọa bạn.
    • Anh ta phá hoại tài sản của bạn.
    • Anh ta đe dọa hoặc bắt mối làm quen với những người thân của bạn.

Nhận biết hành vi bạo hành đối với nam giới[sửa]

  1. Nhận biết bạo lực gia đình đối với nam giới. Bạo lực gia đình với nạn nhân là đàn ông không chỉ diễn ra ở những mối quan hệ đồng giới. Nam giới cũng có thể bị phụ nữ bạo hành thân thể, chịu đựng mọi dấu hiệu của bạo hành thân thể cũng như những kiểu hành vi bạo hành đi kèm. Hiện tượng này xảy ra trong những mối quan hệ mà ở đó, vì vài lí do, nam giới chịu lép vế về mặt tài chính so với phụ nữ.
  2. Đánh giá xem bạn có bị áp lực về mặt xã hội khi thú nhận việc này không. Nam giới bị bạo hành thân thể thường cảm thấy xấu hổ khi bị rơi vào tình trạng như vậy. Họ không dễ dàng thú nhận mọi chuyện do áp lực từ xã hội. Ví dụ như bạn cảm thấy bạn cần phải duy trì danh dự phái mạnh của mình. Có thể bạn cảm thấy sợ việc mình có vẻ yếu đuối, nhất là khi người phụ nữ kia kiểm soát và thống trị mối quan hệ.
  3. Xem xét liệu bạn có cảm thấy mình không thể tự vệ không. Nam giới thường được mặc định là không đánh phụ nữ, vì thế, họ sẽ không chống trả để tự vệ. Nếu làm thế, họ lại càng lo lắng về việc người kia sẽ tố giác họ vì tội bạo hành cô ta. Vì phụ nữ thường là nạn nhân của bạo lực gia đình, việc tố giác của cô ta thường được tin nhiều hơn so với nam giới.
    • Nam giới có thể ít khi cầu cứu người khác hơn, dù người phụ nữ đó đang có vũ khí và sẵn sàng sử dụng nó. Cô ta có thể đe dọa làm chính mình bị thương để đổ lỗi bạo hành cho nam giới. Cô ta có thể lợi dụng những vết thương mà đàn ông gây ra khi tự vệ cho mục đích này. Sau đó, cô ta có thể nói với cảnh sát rằng bạn mới là kẻ bạo hành để bạn bị bắt.
    • Những người đàn ông bị bạo hành thường coi đó là sự sỉ nhục và không tìm tới sự giúp đỡ khi bị phụ nữ bạo hành. Không ai tin họ, cũng không ai thông cảm với tình trạng khó khăn của họ, việc đó thường khiến họ bị cô lập và kì thị trầm trọng hơn.

Đánh giá xu hướng của mối quan hệ[sửa]

  1. Ghi lại cảm nhận của bạn. Là kết quả của việc chịu đựng bạo hành thân thể và những hình thức tương tự, bạn có thể có những cảm giác nhất định và chúng là dấu hiệu cho thấy bạn đang mắc phải một mối quan hệ bạo hành: [6]
    • Bạn vẫn còn yêu người đó, nhưng bạn muốn những hành động bạo hành của họ phải thay đổi.
    • Bạn cảm thấy cô đơn, trầm cảm, bất lực, xấu hổ, lo âu và/hoặc tìm cách tự sát.
    • Bạn cảm thấy xấu hổ và nghĩ rằng mọi người sẽ chỉ trích bạn.
    • Bạn mắc chứng nghiện rượu hoặc lạm dụng chất kích thích.
    • Bạn không thể bỏ đi vì bạn không có tiền và bạn sợ những gì người đó sẽ làm.
    • Bạn vẫn cảm thấy người đó có thể thay đổi nếu bạn yêu họ đủ nhiều.
    • Bạn tin rằng bạn cần ở lại bên người đó vì giữa hai người đã có ràng buộc.
    • Bạn cảm thấy mình bị cô lập khỏi gia đình.
    • Bạn cảm thấy mình bị mắc kẹt và không thể thoát ra. Nếu bạn tìm cách bỏ đi, người đó sẽ tìm bạn và mọi chuyện sẽ trở nên tồi tệ hơn.
    • Bạn sợ rằng họ sẽ làm các con hoặc thú cưng của bạn bị thương. Bạn lo lắng về việc người đó sẽ nhận được quyền chăm sóc các con.
    • Bạn cảm thấy không tin tưởng vào những dịch vụ hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình hoặc luật pháp vì cách xử lí thiếu chuyên nghiệp của họ trong quá khứ (dù là sự thật hay định kiến).
    • Nếu bạn có thể viết về cảm nhận của mình vào nhật kí, hãy thử làm như vậy. Nếu bạn sợ rằng người đó đọc được nhận kí của mình, bạn nên tìm cách khác để nhận diện và xử lí cảm xúc của mình. Ví dụ, bạn có thể tâm sự với bạn bè, viết cảm xúc ra giấy rồi vứt đi.
  2. Đánh giá cách hai bạn giao tiếp với nhau. Ngoài việc giao tiếp một cách dứt khoát, những người có mối quan hệ lành mạnh sẽ nói chuyện với nhau cởi mở và trung thực. Như vậy nghĩa là những cặp đôi lành mạnh có thể chia sẻ cảm xúc với nhau. Họ không cần phải lúc nào cũng đúng, và họ luôn lắng nghe nhau trong tâm thế yêu thương, cởi mở và không phán xét.[17]
    • Những cặp đôi lành mạnh không đổ tội cho nhau. Mỗi người đều phải tự chịu trách nhiệm với hành vi, suy nghĩ, cảm xúc cũng như hạnh phúc và vận mệnh của mình. Họ cũng sẽ phải chịu trách nhiệm khi phạm sai lầm và tìm cách sửa sai với người yêu/bạn đời của mình (xin lỗi là một sự khởi đầu tốt).
  3. Nghĩ về lúc hai người cãi nhau. Không ai có thể đồng tình với nhau mọi lúc, ngay cả trong những mối quan hệ thuận buồm xuôi gió nhất. Việc hiểu lầm, giao tiếp không rõ ràng và xung đột đều được giải quyết ngay lập tức và rất dứt khoát. Khi giao tiếp dứt khoát, sự tử tế và tôn trọng luôn được duy trì trong mối quan hệ, cũng như khuyến khích sự hợp tác khi giải quyết vấn đề. [17]
    • Hai bên đều tôn trọng nhau vừa đủ. Những cặp đôi lành mạnh đối xử rất tử tế với nhau. Họ không gọi nhau bằng những cái tên xấu, hạ thấp nhau, gào thét hoặc có những dấu hiệu bạo hành khác. Họ hỗ trợ nhau cả những lúc riêng tư lẫn những khi ở chốn đông người.
    • Do họ có trách nhiệm, họ cũng luôn tìm cách để cải thiện những hành vi không phù hợp với mối quan hệ. Họ linh động và nhìn nhận mọi chuyện từ hướng của người kia.
  4. Nghĩ về những giới hạn cá nhân trong mối quan hệ. Những cặp đôi lành mạnh đều có những ranh giới cá nhân và có thể nói lên nhu cầu của mình. Họ có thể nêu ra ranh giới của mình một cách dứt khoát, chân tình và dễ chịu.
    • Những kẻ bạo hành thường dùng nhiều cách để kiểm tra ranh giới của người kia, thường xuyên phá bỏ ranh giới của bạn cho tới khi bạn hoàn toàn nằm trong tầm quyền soát của họ. Bạn bắt đầu chấp nhận những hành vi bạo hành từ họ. Bạn chấp nhận sự áp đặt quyền lực của họ. Bạn sợ mình sẽ bị thương hoặc bị hãm hại nên thường chịu đựng ở lại và để cho họ kiểm soát.
  5. Lắng nghe những gì người đó nói về bạn ở chốn đông người. Họ có xúc phạm bạn trước mặt người khác không? Họ có hạ thấp và gọi bạn những cái tên khó nghe không? Những kẻ bạo hành sẽ dùng những lời nhận xét xúc phạm để hạ thấp lòng tự trọng của bạn.
  6. Xem xét bạn theo đuổi những mục tiêu riêng đến đâu. Thông thường, những mối quan hệ bạo hành thường có một người không theo đuổi những điều khiến mình hạnh phúc. Người đó có một niềm tin sai lầm rằng sự hi sinh là điều cần thiết khi hai người yêu nhau. [17]
    • Hãy nghĩ xem liệu việc bạn tập trung vào cuộc sống của bạn có khiến người kia vui vẻ không. Ngoài ra, hãy nghĩ xem người kia có từng đòi hỏi bạn phải hi sinh những mục tiêu riêng không.
  7. Tự hỏi liệu có phải bạn đang bị cô lập trong mối quan hệ. Cô lập nạn nhân là hành động phổ biến trong giai đoạn đầu của một mối quan hệ bạo hành. Kẻ bạo hành có thể đổ lỗi cho người khác vì tìm cách chia cắt họ. Anh ta có thể nói rằng anh ta quá yêu bạn nên không muốn chia sẻ bạn với bất kì ai khác.
    • Lí do việc này khiến bạn cảm thấy mình đặc biệt rất dễ hiểu. Đây là cách kẻ bạo hành dùng để giữ chân bạn trong mối quan hệ. Người đó xóa nhòa ranh giới của những cảm xúc lành mạnh và hợp lí hóa những hành vi bất thường.
  8. Hãy nghĩ về lí do mà bạn có mối quan hệ này. Bạn rất dễ tin rằng người đó yêu bạn đến mức bạn có thể khiến họ mất trí. Điều đó nâng cao lòng tự trọng của bạn. Tuy nhiên, đó lại là một trong những mưu mẹo đầu tiên để nằm được quyền kiểm soát bạn. Nâng cao lòng tự trọng theo cách này thường không bền, vì kẻ bạo hành sẽ tiếp tục dùng những cách khác để kiểm soát mối quan hệ. Và sự kiểm soát này chính là mấu chốt trong bản chất của một mối quan hệ bạo hành.
    • Trong một mối quan hệ lành mạnh, mỗi người đều tự chịu trách nhiệm với lòng tự trọng của mình. Mỗi người đều cố gắng để xây dựng giá trị tốt đẹp của bản thân.

Tìm kiếm sự giúp đỡ[sửa]

  1. Gọi 911 (Mỹ) hoặc 113 (Việt Nam). Nếu bạn thấy người kia sắp sử dụng bạo lực với bạn, hãy gọi 911 (nếu bạn ở Mỹ) hoặc 113 (Việt Nam) ngay lập tức. Làm như vậy, hành vi bạo lực sẽ đảm bảo được ngăn chặn. Bạn và các con sẽ được đảm bảo an toàn khi rời khỏi nhà. Cảnh sát cũng có thể sẽ bắt giữ kẻ bạo hành.
  2. Trình bày với cảnh sát về việc bị bạo hành. Kể lại chi tiết với cảnh sát về chuyện đã xảy ra và cho họ xem vết thương. Đề nghị họ chụp ảnh những dấu vết ngay hoặc vào ngày hôm sau khi họ tới, những bức ảnh đó sẽ được dùng ở tòa án.
    • Đừng quên xin tên và số thẻ của cảnh sát. Hỏi cả mã số hồ sơ để bạn có thể nhận được một bản sao của biên bản.
  3. Gọi tới đường dây nóng hỗ trợ bạo lực gia đình. Những đường dây nóng này có người trực máy để trò chuyện với bạn suốt 24 giờ một ngày. Họ có thể cho bạn lời khuyên và giúp bạn tìm kiếm sự giúp đỡ tại khu vực bạn sinh sống. Những dịch vụ này có tính bảo mật rất cao.
    • Đường dây nóng về Bạo hành Quốc gia: 1-800-799-7233 | 1-800-787-3224 (TTY)
    • Đường dây nóng về Bạo hành Quốc gia có cả trang web (www.thehotline.com) để bạn có thể trò chuyện trực tuyến, trừ khoảng thời gian từ 2 giờ sáng tới 7 giờ sáng - theo múi giờ chuẩn Trung Mỹ. Các nhân viên sẽ giúp bạn tìm ra những cách để bảo đảm an toàn vào thời điểm đó. Trang web còn có một danh sách của 4.000 nơi ẩn náu an toàn tại Mỹ. Họ có thể giúp bạn và các con tìm một nơi trú ẩn khi cần thiết.
    • Ở Việt Nam, bạn cần học thuộc một vài số điện thoại để đề phòng trường hợp khẩn cấp. Những số điện thoại này đều không cần phải bấm mã vùng.1800 1567 - Phát hiện vụ bạo hành trẻ em, phụ nữ, bạo hành gia đình - dịch vụ tư vấn và hỗ trợ trẻ em do Cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em-Bộ Lao động thương binh xã hội cung cấp với sự hỗ trợ của tổ chức Plan tại Việt Nam. Ngoài ra, hãy gọi 113: Lực lượng cảnh sát phản ứng nhanh trong trường hợp tai nạn giao thông, các vụ việc có yếu tố tội phạm, vi phạm trật tự an toàn xã hội, cướp giật, đánh nhau, bạo hành... , và 115 - Cấp cứu y tế  khi gặp những trường hợp liên quan đến chấn thương, bệnh tật.
  4. Tìm một nơi ẩn náu an toàn. Bạn có thể cần tìm một nơi an toàn để đến khi bỏ trốn. Hãy lên danh sách tất cả những nơi mà bạn có thể tới. Những nơi đó có thể là:
    • Bạn bè hoặc gia đình: Hãy tìm tới những người bạn hoặc người thân mà kẻ bạo hành không quen.
    • Những địa chỉ trú ẩn đáng tin cậy: Những nơi trú ẩn an toàn thường do các tổ chức phi lợi nhuận điều hành. Họ có những địa chỉ bí mật và bạn có thể tiếp cận suốt 24 giờ trong ngày, vì thế, sẽ dễ dàng cho bạn hơn nếu bạn có thể lẻn đi khi kẻ bạo hành đang ngủ. Họ có thể giúp bạn liên hệ với những dịch vụ an sinh xã hội để nhận được một số hỗ trợ ban đầu. Họ cũng có thể giúp bạn lấy được án lệnh bảo vệ từ tòa án và khởi tố kẻ bạo hành. Nhiều đơn vị còn cung cấp dịch vụ tư vấn.
  5. Tới bệnh viện. Nếu bạn bị bạo hành thân thể, bạn hãy đi kiểm tra sức khỏe ngay lập tức. Việc đi khám là quan trọng vì bạn có thể đã bị thương nghiêm trọng. Nếu bạn đang có bầu và bị tấn công vào bụng, bạn nên đi kiếm tra ngay lập tức. Nếu bạn bị đánh vào đầu và cảm thấy chóng mặt, buồn nôn, nhìn mờ, hoặc bị đau đầu liên tục, có thể bạn đã bị tổn thương nghiêm trọng ở đầu.
    • Những tổ chức chống bạo lực gia đình phi lợi nhuận thường có liên kết với các bệnh viện. Đề nghị một tình nguyện viên đi cùng bạn để hỗ trợ khi ở bệnh viện. Người đó có thể giúp bạn đăng kí vào ở một nơi tạm trú an toàn khi cần thiết.
    • Kết quả đi khám những vết thương là giấy tờ quan trọng để làm bằng chứng cho vụ bạo hành. Chúng cũng sẽ có ích nếu bạn cần khởi tố, vì đó là bằng chứng.
  6. Lên kế hoạch giữ an toàn cho bản thân. Trung tâm Quốc gia Phòng chống Bạo lực Gia đình và Tình dục có mẫu kế hoạch đảm bảo an toàn cá nhân để bạn có thể in ra. Điền thông tin vào bản kế hoạch để biết những việc cần làm và những nơi cần đến.
    • Đường dây nóng về Bạo lực Gia đình Quốc gia cũng có những bản kế hoạch giữ an toàn để bạn in ra. Hiện bản kế hoạch đang có các ngôn ngữ Tiếng Anh Tiếng Tây Ban Nha.
  7. Lấy án lệnh bảo vệ của tòa án. Án lệnh bảo vệ cá nhân được ban hành bởi Tòa án. Nó sẽ bảo vệ bạn khỏi kẻ bạo hành, đeo bám hoặc quấy rối bạn. Nó cũng có thể ngăn người đó tới nhà hoặc nơi làm việc của bạn.[18]
    • Luôn mang theo án lệnh này bên mình. Nó sẽ có ích cho bạn nếu kẻ bạo hành vi phạm án lệnh và bạn cần gọi cảnh sát ngay lúc đó.

Giúp đỡ người đó ngừng bạo hành[sửa]

  1. Xem xét liệu người đó có muốn thay đổi hay không. Người đó cần phải thực sự muốn thay đổi bản thân. Dù vấn đề nằm ở thái độ, sự biến đổi cảm xúc hoặc cách người đó dùng tay đi nữa, người đó phải là người muốn thay đổi trước tiên. Có câu nói: “bạn có thể đưa con ngựa tới chỗ máng nước, nhưng không thể ép nó uống”. Bạn không thể ép bạn đời hoặc người yêu thay đổi nếu người đó không muốn. Bạn không thể bắt họ phải thay đổi dù chỉ một chút. Họ mới là người cần phải bắt đầu trước và nỗ lực để thay đổi bản thân.[19]
    • Không may, vì kẻ bạo hành thường áp đặt quyền lực lên người còn lại, anh ta lại cảm thấy như thế là “chính đáng”. Anh ta có thể cảm thấy bắt buộc phải kiểm soát mối quan hệ và cư xử như vậy với mọi người. Ví dụ, anh ta nói rằng anh ta phải kiểm soát mọi thứ vì anh ta là người thông minh duy nhất. Hoặc anh ta có thể trách cứ mọi người vì đã luôn khiến mình giận dữ. Và cũng thật không may, đây không phải là tâm thế của một người muốn thay đổi.
  2. Thử tham gia chương trình về bạo lực gia đình đã được cấp giấy chứng nhận. Nếu người yêu/bạn đời của bạn thực sự muốn thay đổi, một chương trình về bạo lực gia đình dành cho người sử dụng bạo lực có thể sẽ có ích.
    • Nghiên cứu về các chương trình đó đã cho thấy nhiều kết quả khác nhau,[20] nhưng phần lớn đều bắt nguồn từ nguyên nhân: những kẻ bạo hành bị ép phải tham gia chương trình sau khi bị bắt giữ và vẫn không muốn thay đổi cách họ đối xử với người yêu/bạn đời và các con.
  3. Tìm kiếm chương trình can thiệp hành cho người sử dụng bạo lực. Những chương trình này sẽ giúp kẻ bạo hành tìm thấy động lực để hoàn thành chương trình (”vượt qua sự phủ nhận”). Chương trình này cũng sẽ giúp họ biết chịu trách nhiệm cho hành vi bạo hành của mình, học cách xử lí vấn đề bằng những phương pháp khác thay vì bạo lực và nhận thức về sự bình đẳng giới.[21]
  4. Đề nghị người đó đi tư vấn. Được tư vấn sau khi tham gia chương trình can thiệp sẽ là một lựa chọn tốt đối với người yêu/bạn đời của bạn.
    • Nếu không cùng tham gia chương trình về bạo lực gia đình, bạn và các con cũng nên tham dự buổi tư vấn này cùng chuyên gia trị liệu hoặc tư vấn cá nhân chuyên về mảng bạo lực gia đình.
  5. Đừng hi vọng người đó thay đổi chóng vánh. Nếu họ đồng ý tham gia chương trình can thiệp thì quả là một tin tốt lành. Đó là một sự khởi đầu rất tốt. Nhưng đừng hi vọng hành vi của họ sẽ thay đổi chỉ sau một đêm. Có thể phải mất tới hàng năm, nhiều khi lên tới 20 hoặc 30 năm, thì hành vi bạo hành mới có thể thay đổi.
  6. Hãy rời bỏ mối quan hệ ngay nếu người đó không chịu thay đổi. Nếu người đó có xu hướng nghĩ rằng mọi chuyện vẫn đang rất ổn, có lẽ bạn không nên trông mong vào sự thay đổi của họ nữa. Nếu bạn bị đánh đập, dù là một lần trong năm hoặc mỗi tuần một lần, dù rất khó khăn, nhưng bạn phải nhận ra rằng: rời bỏ là cách tốt nhất để đảm bảo sự an toàn cho thân thể và cảm xúc của bạn.
    • Nếu người đó cầm hết tiền bạc của bạn và quản lý tài chính quá chặt, đồng thời còn theo dõi nhất cử nhất động của bạn, những điều này có thể khiến bạn nản lòng. Hãy tìm kiếm sự giúp đỡ từ những tổ chức hoặc đường dây nóng về bạo lực gia đình để tìm cách thoát ra.

Cảnh báo[sửa]

  • Bạo hành là một tình trạng cực kì nghiêm trọng. Có thể bạn sẽ phải dùng tới nhiều biện pháp quyết liệt để bảo vệ người bị bạo hành, ví dụ như kêu gọi bạn bè, gia đình hoặc pháp luật tham gia. Nếu bạn bị bạo hành hoặc chính bạn là người bạo hành, hãy giải quyết vấn đề này ngay lập tức. Nếu không, có thể sẽ có người bị thương.

Nguồn và Trích dẫn[sửa]

  1. 1,0 1,1 http://www.thehotline.org/is-this-abuse/abuse-defined/
  2. http://www.thehotline.org/is-this-abuse/abuse-defined
  3. http://safeharborsfl.org/domestic-violence/teen-dating-violence/characteristics-of-abusers-and-victims
  4. http://www.reuters.com/article/2008/02/07/us-violence-domestic-usa-idUSN0737896320080207
  5. 5,0 5,1 http://www.clarkprosecutor.org/html/domviol/what.htm
  6. 6,0 6,1 6,2 6,3 http://www.ncadv.org/need-support/what-is-domestic-violence
  7. http://www.thehotline.org/is-this-abuse/abuse-defined
  8. 8,0 8,1 http://theduluthmodel.org/pdf/PowerandControl.pdf
  9. http://www.thehotline.org/
  10. http://www.thehotline.org/is-this-abuse/abuse-defined/
  11. 11,0 11,1 http://psychcentral.com/blog/archives/2014/10/13/21-warning-signs-of-an-emotionally-abusive-relationship/
  12. https://mainweb-v.musc.edu/vawprevention/research/defining.shtml
  13. 13,0 13,1 13,2 http://theduluthmodel.org/pdf/PowerandControl.pdf
  14. http://www.hiddenhurt.co.uk/subtle_sexual_abuse.html
  15. http://stoprelationshipabuse.org/educated/types-of-abuse/sexual-abuse/
  16. https://mainweb-v.musc.edu/vawprevention/research/defining.shtml
  17. 17,0 17,1 17,2 http://www.biomedsearch.com/article/essential-elements-healthy-relationship-Relationships/99514103.html
  18. http://www.domesticviolence.org/personal-protection-orders/
  19. http://www.lundybancroft.com/books
  20. http://www.nij.gov/topics/crime/intimate-partner-violence/interventions/Pages/batterer-intervention.aspx
  21. http://www.futureswithoutviolence.org/userfiles/file/Children_and_Families/Certified%20Batterer%20Intervention%20Programs.pdf