Những hoang tưởng phổ biến dễ khiến bạn “lạc lối”

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm
Chia sẻ lên facebook Chia sẻ lên twitter In trang này

Khắc phục những thành khiến, những nỗi sợ vô hình hay giảm thiểu những sai lầm trong quyết định là những lý do bạn cần biết về những sai lầm rất dễ gặp trong suy nghĩ của bạn.

Chúng ta sống chung với nhiều định kiến. Có thể vì môi trường giáo dục, vì tính cách, cũng có thể vì sự “u tối” nhất thời của bộ não khi xử lý quá nhiều thông tin. Chính vì vậy bình tĩnh đánh giá vấn đề một cách toàn diện luôn cần thiết khi bạn biết rằng mình thường xuyên đối mặt vấn đề cùng những định kiến cố hữu.

“Những lời thầy bói nói sao mà chính xác đến vậy!?”[sửa]

Khi bạn tin vào một điều gì và chăm chăm đi tìm bằng chứng để củng cố thêm niềm tin của mình, bạn đang rơi vào xu hướng tự xác thực (Confirmation Bias). Chẳng hạn bạn có thành kiến rằng người bạn mình xấu tính, bạn chỉ để ý đến những khuyết điểm của họ và củng cố thêm thành kiến của mình. Xu hướng này rất phổ biến và có thể gây ra hậu quả khi bạn đưa ra quyết định dựa trên nhưng thông tin sai.

Một ví dụ khác, khi bạn tin vào bói toán, bạn chỉ nhớ đến những gì thầy bói nói đúng và không lưu tâm đến những lời phán khác của thầy. Bạn có thể mắc sai lầm khi đưa ra quyết định chỉ dựa trên niềm tin mù quáng này.

“Tôi sợ mình sẽ bị rơi máy bay...”[sửa]

Cảm tính về sự sẵn có (Availability heuristic) là phán đoán về điều có khả năng xảy ra nhiều hơn dựa trên những kí ức dễ nhớ, sinh động, ấn tượng mạnh. Chẳng hạn, bạn bị ấn tượng bởi những vụ rớt máy bay, bạn sẽ rơi vào cảm giác lo sợ điều đó sẽ xảy đến khi ngồi trên phương tiện này. Nhưng trên thực tế, máy bay là phương tiện đi lại an toàn hơn cả. Bạn dường như không để ý rằng các vụ tai nạn giao thông xe hơi gây tử vong xảy ra thường xuyên mọi ngày. Truyền thông phần nào là nguyên nhân gây nên xu hướng này, nó nhấn mạnh vào những sự kiện bất thường hoặc hiếm có và khiến chúng ta tin rằng nó dễ xảy ra.

“Tôi có khả năng điều khiển được quân bài theo ý mình đấy!”[sửa]

Ảo tưởng về khả năng điều khiển (Illusion of Control) là khuynh hướng một người tin rằng họ có thể điều khiển hoặc ít nhất chi phối đến kết quả - những thứ thực ra không chịu ảnh hưởng gì từ họ. Xu hướng này có thể ảnh hưởng đến hành vi cờ bạc và niềm tin vào những điều siêu linh. Chẳng hạn người chơi xúc xắc trong casino tin rằng họ có thể lăn ra con số mình muôn. Trò lật đồng xu cũng như vậy, với một đồng xu 2 mặt, người tham gia sẽ đúng được một nửa số lần. Tuy nhiên, mọi người không nhận ra rằng xác suất hoặc vận may thuần túy mang lại điều đó mà lại cho rằng những dự đoán chính xác của mình chứng tỏ khả năng điều khiển sự vật.

“Vì sao tôi hay rơi vào cảnh “nước đến chân mới nhảy” đến vậy?”[sửa]

“Nước đến chân mới nhảy” là vấn đề thường xảy ra khi bạn gặp phải một “sai lầm kế hoạch” (Planning fallacy). Đây là xu hướng đánh giá không đúng lượng thời gian cần để hoàn thành một công việc. Xu hướng này lại xuất phát từ một nhầm lần khác đó là định kiến lạc quan (Optimism Bias), đây là xu hướng lạc quan quá mức về kết quả của những hành động được lên kế hoạch.

Chúng ta thường ước lượng thời gian cho công việc dựa trên những kinh nghiệm trong quá khứ. Chính vì vậy, chúng ta dễ ước lượng thiếu thời gian với việc chưa từng làm. Chẳng hạn, nếu được hỏi, bao lâu để làm xong luận văn… hoặc leo lên đỉnh Everest, chúng ta sẽ ước lượng thời gian ít hơn chúng ta cần. Nguyên nhân vì chúng ta chưa có kinh nghiệm nhưng lại trả lời với một sự lạc quan cố hữu.

Để khắc phục sai lầm này, hãy luôn ghi nhớ quy luật của Hofstadter: Bạn sẽ mất nhiều thời gian hơn mong đợi… ngay cả khi bạn đã tính đến quy luật của Hofstadter.

Ngược lại, bi quan về hiện thực (Realistic pessimism) là hiện tượng một người bi quan quá mức với về thời gian hoàn thành công việc, họ luôn cảm thấy không đủ thời gian.

“Tôi sẽ không khuất phục bất cứ cám dỗ nào!”[sửa]

Sai lầm về khả năng kiềm chế (Restraint Bias) là khuynh hướng đánh giá quá cao về khả năng làm chủ khi đối diện với những cám dỗ liên quan đến cơn đói, cơn nghiện hoặc tình dục. Sự thật là chúng ta không thể điều khiển được sự thôi thúc bản năng. Bạn có thể lơ đi cơn đói nhưng không thể xua đuổi nó. Bạn thấy rằng câu nói “cách duy nhất để từ bỏ cám dỗ là đầu hàng nó” thật nực cười nhưng đó mới là sự thật. Nếu muốn chống lại cơn đói, bạn phải ăn.

Kháng cự sự thôi thúc khó một cách không tưởng tượng được, nó cần một sự tự chủ mạnh mẽ. Tuy nhiên, nhiều người lại nghĩ rằng họ có thể kiềm chế tốt hơn họ thật sự làm được. Chẳng hạn, nhiều con nghiện nói rằng họ có thể bỏ thuốc bất cứ khi nào họ muốn nhưng điều này rất hiếm trên thực tế.

Hoang tưởng này có những hậu quả nghiêm trọng. Khi một người tự cho rằng mình có khả năng kiềm chế tốt dục vọng, họ tiếp cận nhiều hơn với những cám dỗ mà không e ngại gì, kết quả là họ dễ có những hành vi bốc đồng hơn.

“Ở hiền gặp lành, gieo ác gặt dữ!”[sửa]

Chúng ta thường có khuynh hướng tin rằng thế giới là công bằng (Just-World Phenomenon), vì vậy sai lầm sẽ phải trả giá và phần thưởng cho lòng tốt trong một tương lai bất định. Chính vì vậy khi nhìn thấy kết quả của một người, chúng ta thường kết luận rằng đó chính là thưởng phạt công bằng cho hành động của họ. Xu hướng này phần nào buộc chúng ta hành động, cư xử tốt để được tưởng thưởng trong tương lai.

Thế nhưng đôi khi nó biến chúng ta thành kẻ ích kỉ, chẳng hạn khi chứng kiến một hành động bất công, chúng ta lại tìm những lí do để cho rằng nạn nhân đáng bị như vậy. Điều này xoa dịu sự lo lắng và khiến ta thấy an toàn hơn khi nghĩ rằng: nếu tránh những lí do đó, hành động bất công sẽ không tìm đến.

Để minh họa điều này, nhà nghiên cứu L.Carli thuộc ĐH Wellesley đã kể một câu chuyện về người đàn ông và người phụ nữ, diễn biến truyện giống nhau nhưng L. Carli đã đưa ra hai cái kết cho hai nhóm tham gia nghiên cứu như sau: người phụ nữ bị hãm hại hoặc hai người họ kết hôn. Trong cả hai nhóm, người tham giá đều đổ lỗi chính những hành động của người phụ nữ đã đưa đến kết quả như vậy!?

Bên cạnh hiện tượng này, còn một hiện tượng khác gọi là thế giới tang thương. Hiện tượng này xảy ra với những ai bị tiêm nhiễm bởi sách báo và phim ảnh bạo lực, họ nhận thấy rằng thế giới nguy hiểm hơn nhiều so với thực tế, gây ra những sợ hãi và sự bảo vệ quá mức.

“Tôi thất bại chỉ vì thiếu may mắn thôi!”[sửa]

Định kiến tự kỷ (Self-Serving Bias) xảy ra khi một cá nhân cho rằng những kết quả tích cực họ đạt được là do những nhân tố bên trong còn những kết quả tiêu cực đến từ bên ngoài. Một ví dụ tốt cho định kiến này là điểm số, khi bạn được điểm tốt bài kiểm tra, bạn tin rằng đó là vì trí thông minh hoặc thói quan học tập tốt. Nhưng khi được điểm xấu, bạn lại đổ lỗi cho giảng viên hoặc do mình không may. Định kiến này rất phổ biến khi chúng ta muốn tăng thêm uy tín từ sự thành công nhưng lại chối bỏ trách nhiệm của thất bại.

Định kiến này xảy ra hoàn toàn ngược lại khi ta đánh giá về người khác. Khi thấy rằng người bên cạnh thấp điểm trong bài kiểm tra, chúng ta gán cho những nguyên nhân nội tại như họ kém cỏi, lười nhác. Tương tự, khi họ xuất sắc trong bài kiểm tra, ta nghĩ rằng họ may mắn hoặc được giảng viên yêu thích.

Nguồn[sửa]

  • Chi Giao (Theo Listverse), Vietnamnet
Chia sẻ lên facebook Chia sẻ lên twitter In trang này