Những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin/P1.II.5

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm
Chia sẻ lên facebook Chia sẻ lên twitter In trang này

V. LÝ LUẬN NHẬN THỨC DUY VẬT BIỆN CHỨNG

1. Thực tiễn, nhận thức và vai trò của thực tiễn với nhận thức

Trong chủ nghĩa Mác-Lênin, lý luận nhận thức là một nội dung cơ bản của phép biện chứng; đó là lý luận nhận thức duy vật biện chứng, tức học thuyết về khả năng nhận thức của con người đối với thế giới khách quan thông qua hoạt động thực tiễn; lý giải bản chất, con đường và quy luật chung của quá trình con người nhận thức chân lý, nhận thức hiện thực khách quan nhằm phục vụ hoạt động thực tiễn của con người,

a. Thực tiễn và các hình thức cơ bản của thực tiễn

Thực tiễn là toàn bộ hoạt động vật chất có mục đích, mang tính lịch sử -xã hội của con người nhằm cải biến tự nhiên và xã hội.

Khác với các hoạt động khác hoạt động thực tiễn là hoạt động mà con người sử dụng những công cụ vật chất tác động vào những đối tượng vật chất làm biến đổi chúng theo mục đích của mình. Đó là hoạt động đặc trưng và bản chất của con người. Hoạt động thực tiễn bao giờ cũng là hoạt động vật chất mang tính sáng tạo, có mục đích và tính lịch sử - xã hội.

Các hình thức cơ bản của thực tiễn

Thực tiễn biểu hiện rất đa dạng với nhiều hình thức, song có ba hình thức cơ bản là:

Hoạt động sản xuất vật chất: Là hoạt động cơ bản, đầu tiên của thực tiễn. Đây là hoạt động mà con người sử dụng công cụ lao động để tác động vào giới tự nhiên để tạo ra của cải vật chất, các điều kiện cần thiết để duy trì và phát triển con người và xã hội.

Hoạt động chính trị xã hội: là hoạt động của các cộng đồng người, các tổ chức khác nhau trong xã hội nhằn cải biến những quan hệ chính trị xã hội. Thúc đẩy xã hội phát triển.

Hoạt động khoa học: là hình thức đặc biệt của hoạt động thực tiễn, được tiến hành trong những điều kiện do con người tạo ra nhằm xác định những quy luật biến đổi, phát triển của đối tượng nghiên cứu. Hoạt động này có vai trò rất quan trọng trong sự phát triển của xã hội.

Mỗi hình thức hoạt động thực tiễn có chức năng khác nhau nhưng có mối quan hệ chặt chẽ, tác động qua lại với nhau, trong đó hoạt động sản xuất vật chất là quan trọng nhất, quyết định các hoạt động thực tiễn khác.

b. Nhận thức và các trình độ nhận thức

Nhận thức là một quá trình phản ánh tích cực, tự giác và sáng tạo thếgiới khách quan vào bộ óc con người trên cơ sở thực tiễn, nhằm sáng tạo ra những tri thức về thế giới khách quan đó.

Quan niệm trên đây về nhận thức xuất phát từ các nguyên tắc cơ bản sau:

Một là, thừa nhận thế giới vật chất tồn tại khách quan, độc lập với ýthức con người và con người có thể nhận thức được thế giới khách quan ấy.

Hai là, thừa nhận con người có khả năng nhận thức được thế giới khách quan; coi nhận thức là sự phản ánh thế giới khách quan vào trong bộ óc của con người, là hoạt động tìm hiểu khách thể của chủ thể; thừa nhận không có cái gì là không thể nhận thức được mà chỉ có những cái con người chưa nhận thức được.

Ba là, khẳng định sự phản ánh là quá trình biện chứng, tích cực, tự giác và sáng tạo và đi từ thấp đến cao (chưa biết đến biết, biết ít đến biết nhiều, chưa toàn diện sâu sắc đến toàn diện sâu sắc...)

Các trình độ nhận thức

Nhận thức là một quá trình với các trình độ nhận thức khác nhau, đó cũng là quá trình đi từ nhận thức kinh nghiệm đến trình độ nhận thức lý luận; từ nhận thức thông thường đến trình độ nhận thức khoa học.

Nhận thức kinh nghiệm: Là trình độ nhận thức hình thành từ sự quan sát trực tiếp các sự vật, hiện tượng trong giới tự nhiên, xã hội hay trong các thí nghiệm khoa học. Kết quả của nhận thức kinh nghiệm là tri thức kinh nghiệm bao gồm cả tri thức kinh nghiệm thông thường và tri thức kinh nghiệm khoa học. Hạn chế của nhận thức kinh nghiệm là chỉ dừng lại ở sự mô tả sự vật do đó chỉ đem lại những hiểu biết về các mặt riêng rẽ, bề ngoài, rời rạc, chưa phản ánh được bản chất và quy luật của sự vật, hiện tượng.

Nhận thức lý luận: Là trình độ nhận thức gián tiếp, trừu tượng, có tính hệ thống trong việc khái quát bản chất, quy luật của các sự vật, hiện tượng. Nhận thức kinh nghiệm và nhận thức lý luận là hai giai đoạn nhận thức khác nhau, có mối quan hệ biện chứng với nhau, trong đó nhận thức kinh nghiệm là cơ sở của nhận thức lý luận.

Nhận thức lý luận không hình thành một cách tự phát, trực tiếp do đó nó có thể đi trước những dữ kiện kinh nghiệm, hướng dẫn sự hình thành những tri thức kinh nghiệm có giá trị, lựa chọn kinh nghiệm hợp lý phục vụ cho hoạt động thực tiễn.

Nhận thức thông thường: là loại nhận thức được hình thành một cách tự phát, trực tiếp từ trong hoạt động hàng ngày của con người.

Nhận thức thông thường phản ánh sự vật, hiện tượng xảy ra với tất cả những đặc điểm chi tiết, cụ thể và với sắc thái khác nhau của sự vật do đó mang tính phong phú, nhiều vẻ, gắn liền với quan niệm sống hàng ngày. Vì thế nó có vai trò chi phối thường xuyên hoạt động của con người trong xã hội.

Nhận thức khoa học: là loại nhận thức được hình thành một cách tự giác và gián tiếp từ sự phản ánh đặc điểm bản chất, những quan hệ tất yếu của đối tượng nghiên cứu.

Nhận thức khoa học vừa có tính khách quan, vừa có tính trừu tượng, khái quát, hệ thống dưới hình thức các khái niệm, các phạm trù và quy luật khoa học. Để nhận thức khoa học, con người phải sử dụng một hệ thống các phương pháp nghiên cứu và được diễn đạt bằng cả ngôn ngữ thông thường và thuật ngữ khoa học. Nhận thức khoa học có vai trò to lớn trong hoạt động thực tiễn, nhất là trong thời đại cách mạng khoa học công nghệ hiện đại.

Nhận thức thông thường và nhận thức khoa học là hai bậc thang khác nhau về chất của quá trình nhận thức nhằm đạt tới các tri thức chân thực.

Giữa chúng có liên hệ chặt chẽ với nhau: nhận thức thông thường là cơ sở cho nhận thức khoa học ngược lại khi đã đạt đến trình độ nhận thức khoa học nó lại tác động trở lại nhận thức thông thường, làm cho nhận thức thông thường phát triển.

c. Vai trò của thực tiễn với nhận thức

Đối với nhận thức, thực tiễn đóng vai trò là cơ sở, động lực, mục đíchcủa nhận thức và là tiêu chuẩn chân lý, kiểm tra tính chân lý của quá trình nhận thức.

Thực tiễn là cơ sở và mục đích của nhận thức

Thực tiễn là điểm xuất phát trực tiếp của nhận thức, đề ra nhu cầu, nhiệm vụ, cách thức và khuynh hướng vận động và phát triển của nhận thức.

Hoạt động thực tiễn của con người nhằm biến đổi tự nhiên và xã hội của con người làm cho các đối tượng tự nhiên và xã hội bộc lộ ra những thuộc tính, những mối liên hệ và quan hệ khác nhau giữa chúng, đem lại những tài liệu cho nhận thức, giúp cho nhận thức nắm bắt được bản chất, các quy luật vận động của thế giới, trên cơ sở đó mà hình thành các lý thuyết khoa học. Ph. Ăngghen viết: “Từ trước tới nay, khoa học tự nhiên cũng như triết học đã hoàn toàn coi thường ảnh hưởng của hoạt động con người đối với tưduy của họ. Hai môn ấy một mặt chỉ biết có tự nhiên, mặt khác chỉ biết có tư tưởng. Nhưng chính việc người ta biến đổi giới tự nhiên, chứ không phải chỉ một mình giới tự nhiên, với tính cách giới tự nhiên, là cơ sở chủ yếu nhất và trực tiếp nhất của tư duy con người, và trí tuệ con người đã phát triển song song với việc người ta đã học cải biến tự nhiên” (C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2002, t.20, tr.720.)

Thực tiễn là mục đích của nhận thức: Nhận thức không phải để nhận

thức mà để phục vụ cho hoạt động thực tiễn cải biến tự nhiên và xã hội. Trong lịch sử triết học có khuynh hướng cho rằng “triết học vị triết học”, “khoa học vị khoa học”, “nghệ thuật vị nghệ thuật”. Quan điểm triết học Mác-Lênin khẳng định rằng triết học, khoa học, nghệ thuật đều nhằm phục vụ cho cuộc sống con người.

Thực tiễn là động lực thúc đẩy quá trình vận động, phát triển của nhận thức. Thực tiễn đề ra mục đích và nhu cầu cho nhận thức, thúc đẩy nhận thức phát triển. Thực tiễn làm nảy sinh mâu thuẫn, đòi hỏi phải phát triển nhận thức mới giải quyết được. Nhờ có hoạt động thực tiễn mà con người chế tạo những phương tiện kỹ thuật sử dụng trong nhận thức khoa học. Ph. Ăngghen viết: “Khi xã hội có nhu cầu về kỹ thuật thì nhu cầu này thúc đẩy khoa học hơn mười trường đại học”(C.Mác và Ph.Ăngghen: Tuyển tập, Nxb Tiến bộ, Mátxcơva, 1978, t.6, tr.788.).

Thực tiễn là tiêu chuẩn kiểm nghiệm tính chân lý trong quá trình pháttriển nhận thức. Thực tiễn là thước đo giá trị của những tri thức đã đạt được trong nhận thức đồng thời thực tiễn không ngừng bổ sung, hoàn thiện, điều chỉnh, sửa chữa, hoàn chỉnh và phát triển nhận thức.

Tính thống nhất biện chứng giữa thực tiễn và nhận thức: được thể hiện ở chỗ thực tiễn là xuất phát điểm của nhận thức, quyết định sự hình thành và phát triển của nhận thức, là nơi thể nghiệm và kiểm nghiệm tính đúng đắn của nhận thức; ngược lại nhận thức, nhất là nhận thức lý luận, nhận thức khoa học khi nó phản ánh đúng bản chất và quy luật vận động của sự vật, hiện tượng có thể giúp con người thông qua nhận thức của mình mà xác định các biện pháp cần thiết để thúc đẩy sự phát triển của thực tiễn.

Vai trò của thực tiễn đối với nhận thức đòi hỏi chúng ta phải luôn luôn quán triệt quan điểm thực tiễn. Quan điểm này yêu cầu việc nhận thức phải xuất phát từ thực tiễn, dựa trên cơ sở thực tiễn, coi trọng công tác tổng kết thực tiễn. Nghiên cứu lý luận phải liên hệ với thực tiễn, tránh bệnh giáo điều, duy ý chí, quan liêu nhưng đồng thời cũng không được tuyệt đối hóa thực tiễn để rơi vào chủ nghĩa thực dụng và kinh nghiệm chủ nghĩa. Nguyên tắc thống nhất giữa thực tiễn với lý luận phải là nguyên tắc cơ bản trong hoạt động thực tiễn và hoạt động lý luận. Lý luận không có thực tiễn làm cơ sở và tiêu chuẩn để xác định chân lý của nó là lý luận suông, ngược lại thực tiễn không có lý luận khoa học soi sáng sẽ trở thành thực tiễn mù quáng.

2. Con đường biện chứng của sự nhận thức chân lý

a. Quan điểm của V.I.Lênin về con đường biện chứng của sự nhận thức chân lý

Trong tác phẩm Bút ký triết học, V.I.Lênin khái quát con đường biện chứng của sự nhận thức chân lý như sau: Từ trực quan sinh động đến tư duy trừu tượng, và từ tư duy trừu tượng đến thực tiễn - đó là con đường biện chứng của sự nhận thức chân lý, nhận thức hiện thực khách quan.

Giai đoạn từ nhận thức cảm tính đến nhận thức lý tính.

Nhận thức cảm tính là giai đoạn mở đầu của quá trình nhận thức. Đó là giai đoạn nhận thức mà con người trong hoạt động thực tiễn sử dụng các giácquan để tiến hành phản ánh các sự vật khách quan, mạng tính chất cụ thể, cảm tính với những biểu hiện phong phú của nó trong mối quan hệ với sự quan sát của con người. Do vậy, trong giai đoạn này con người mới chỉ phản ánh được cái hiện tượng, biểu hiện bên ngoài của sự vật mà chưa phản ánh được cái bản chất, quy luật, nguyên nhân của hiện tượng.

Nhận thức cảm tính được thực hiện qua ba hình thức cơ bản là: cảm giác, tri giác và biểu tượng:

Cảm giác của con người về sự vật khách quan là hình ảnh sơ khai nhất, đơn giản nhất của quá trình nhận thức nhưng nếu không có nó thì sẽ không có bất cứ nhận thức nào về sự vật khách quan. Cảm giác là hình ảnh chủ quan của thế giới khách quan, là cơ sở hình thành tri giác.

Tri giác là sự phản ánh tương đối toàn vẹn của con người về những biểu hiện của sự vật khách quan, cụ thể, cảm tính; nó được hình thành trên cơ sở liên kết, tổng hợp những cảm giác về sự vật đó. Tri giác là hình thức nhận thức cao hơn cảm giác, đầy đủ hơn, phong phú hơn về sự vật nhưng vẫn chỉ là sự phản ánh đối với những biểu hiện bề ngoài của sự vật.

Biểu tượng là sự tái hiện hình ảnh về sự vật khách quan vốn đã được phản ánh bởi cảm giác và tri giác, là hình thức phản ánh cao nhất và phức tạp nhất của giai đoạn nhận thức cảm tính, là bước quá độ từ nhận thức cảm tính sang nhận thức lý tính, là tiền đề của sự trừu tượng hóa của giai đoạn nhận thức lý tính.

Nhận thức lý tính lý tính là giai đoạn cao hơn của quá trình nhận thức, đó là sự phản ánh gián tiếp, trừu tượng và khái quát những thuộc tính, những đặc điểm bản chất của sự vật khách quan. Đây là giai đoạn nhận thức thực hiện chức năng quan trọng nhất là tách ra và nắm lấy cái bản chất, có tính quy luật của các sự vật, hiện tượng.

Nhận thức lý tính được thực hiện thông qua ba hình thức cơ bản là khái niệm, phán đoán và suy lý.

Khái niệm là hình thức cơ bản của nhận thức lý tính, phản ánh những đặc tính bản chất của sự vật. Sự hình thành khái niệm là kết quả cuae sự khái quát, tổng hợp các đặc điểm, thuộc tính của sự vật hay một lớp các sự vật. Nó là cơ sở hình thành nên những phán đoán trong quá trình con người tư duy vềsự vật khách quan. Phán đoán là hình thức cơ bản của nhận thức lý tính được hình thành thông qua việc liên kết các khái niệm lại với nhau theo phương thức khẳng định hay phủđịnh một đặc điểm, một thuộc tính nào đó của đối tượng nhận thức.

Theo trình độ của nhận thức có thể chia thành: phán đoán đơn nhất, phán đoán đặc thù, phán đoán phổ biến. Phán đoán phổ biến là hình thức phản ánh thể hiện sự bao quát rộng lớn nhất về thực tại khách quan.

Suy lý là hình thức cơ bản của nhận thức lý tính được hình thành trên cơ sở liên kết các phán đoán nhằm rút ra tri thức mới về sự vật. Điều kiện để có bất cứ một suy lý nào là phải trên cơ sở những tri thức đã có dưới dạng những phán đoán, đồng thời tuân theo các quy tắc lôgic của các loại hình suy luận: suy luận quy nạp (đi từ cái riêng đến cái chung), suy luận diễn dịch (đi từ cái chung đến cái riêng, cái cụ thể).

Mối quan hệ giữa nhận thức cảm tính , nhận thức lý tính với thực tiễn.

Nhận thức cảm tính và nhận thức lý tính đều là những nấc thang hợp thành chu trình nhận thức, chúng thường diễn ra đen xen vào nhau nhưng có chức năng, nhiệm vụ khác nhau:

Nhận thức cảm tính gắn liền với thực tiễn, với sự tác động của khách thể cảm tính, là cơ sở cho nhận thức lý tính.

Nhận thức lý tính có tính khái quát cao nhờ đó hiểu được bản chất, quy luật vận động của sự vật, giúp cho nhận thức cảm tính có được sự định hướng đúng và trở nên sâu sắc hơn.

Nhận thức lý tính mới chỉ đạt được những tri thức về đối tượng nhưng những tri thức đó có chính xác hay không cần phải có sự kiểm nghiệm của thực tiễn, tức là nhận thức nhất thiết phải quay trở về với thực tiễn, dùng thực tiễn để đo lường tính chân thực của nhận thức. Mặt khác, mọi nhận thức, suy đến cùng đều là xuất phát từ nhu cầu thực tiễn và trở lại phục vụ thực tiễn.

Tóm lại, quy luật chung của quá trình nhận thức là: từ thực tiễn đến nhận thức - tái thực tiễn - tái nhận thức...quá trình này không có điểm dừng cuối cùng, nhờ đó mà quá trình nhận thức đạt dần tới tri thức ngày càng đầy đủ hơn, đúng đắn hơn, sâu sắc hơn về thực tại khách quan. Đây cũng chính là quan điểm về tính tương đối của nhận thức của con người trong quá trình phản ánh thực tại khách quan.

Quy luật chung của nhận thức có ý nghĩa quan trọng về mặt phương pháp luận, giúp chúng ta nắm được quy luật khách quan của quá trình nhận thức đồng thời đây cũng chính là phương pháp học tập, nghiên cứu khoa học và hoạt động thực tiễn; học đi đôi với hành; học liên tục, suốt đời tránh bệnh tự mãn hoặc hời hợt trong hoạt động nhận thức.

b. Chân lý và vai trò của chân lý với thực tiễn

Mọi quá trình nhận thức đều sáng tạo ra những tri thức, tức những hiểu biết của con người về thực tế khách quan, nhưng không phải mọi tri thức đều có nội dung phù hợp với thực tế khách quan. Thực tế lịch sử chứng minh rằng những tri thức mà con người đạt được có nhiều trường hợp không phù hợp thậm chí hoàn toàn đối lập với thực tế khách quan.

Khái niệm chân lý

Khái niệm chân lý được dùng để chỉ những tri thức có nội dung phù hợp với thực tế khách quan mà sự phù hợp đó đã được kiểm tra và chứng minh bởi thực tiễn.

Theo nghĩa như vậy, khái niệm chân lý không đồng nhất với khái niệm tri thức và cũng không đồng nhất với khái niệm giả thuyết (dù là những giả thuyết khoa học), đồng thời chân lý là một quá trình. Theo V.I.Lênin “sự phù hợp giữa tư tưởng và khách thể là một quá trình: tư tưởng (= con người) không nên hình dung chân lý dưới dạng đứng im, một bức tranh (hình ảnh) đơn giản, nhợt nhạt (lờ mờ), không khuynh hướng, không vận động”.

Các tính chất của chân lý:

Mọi chân lý đều có tính khách quan, tính tương đối, tính tuyệt đối và tính cụ thể

Tính khách quan của chân lý là chỉ tính độc lập về nội dung phản ánh của nó đối với ý chí chủ quan của con người; nội dung của tri thức phải phù hợp với thực tế khách quan, thuộc về thế giới khách quan, do thế giới khách quan quy định.

Khẳng định chân lý có tính khách quan là một trong những điểm cơ bản phân biệt quan niệm về chân lý của chủ nghĩa duy vật biện chứng với chủ nghĩa duy tâm và thuyết bất khả tri – là những học thuyết phủ nhận sự tồn tại khách quan của thế giới vật chất và phủ nhận khả năng của con người nhận thức được thế giới đó.

Tính tuyệt đối và tính tương đối của chân lý

Tính tuyệt đối của chân lý là chỉ tính phù hợp hoàn toàn và đầy đủ giữa nội dung phản ánh của tri thức với hiện thực khách quan. Về nguyên tắc chúng ta có thể đạt đến chân lý tuyệt đối vì không có sự vật, hiện tượng nào mà con người hoàn toàn không thể nhận thức đựợc song khả năng đó lại bịhạn chế bởi những điều kiện cụ thể của từng thế hệ khác nhau, của từng thực tiễn cụ thể và bởi điều kiện xác định về không gian và thời gian của đối tượng được phản ánh...do đó chân lý có tính tương đối.

Tính tương đối của chân lý là tính phù hợp nhưng chưa hoàn toàn đầy đủ giữa nội dung phản ánh của những tri thức đã đạt được với hiện thực khách quan mà nó phản ánh mà mới chỉ đạt được sự phù hợp từng phần, từng bộ phận, ở một số mặt, khía cạnh nào đó và trong những điều kiện nhất định.

Chân lý tuyệt đối và chân lý tương đối không tồn tại tách rời nhau mà có sự thống nhất biện chứng với nhau. Một mặt, chân lý tuyệt đối là tổng sốcủa các chân lý tương đối; mặt khác trong mỗi chân lý mang tính tương đối bao giờ cũng chứa đựng những yếu tố của tính tuyệt đối. Chân lý tuyệt đối và chân lý tương đối là hai mặt của một chân lý cụ thể. Một chân lý cụ thể vừa có tính tuyệt đối (vì nếu áp dụng trong điều kiện cụ thể của nó thì nó luôn luôn đúng và không bao giờ trở thành sai lầm), vừa có tính tương đối (vì nó chưa đầy đủ, chưa toàn diện, nếu áp dụng trong điều kiện khác thì sẽ trở thành sai lầm).

Như vậy, không thể có chân lý vĩnh cữu, tức chân lý bất di bất dịch. Tư duy con người trong quá trình tiến lên vô cùng tận ngày càng tiệm cận đến chân lý tuyệt đối, chứ không bao giờ có thể đạt được một cách đầy đủ, hoàn toàn.

Tính cụ thể của chân lý là đặc tính gắn liền và phù hợp giữa nội dung phản ánh với một đối tượng nhất định cùng các điều kiện, hoàn cảnh lịch sửcụ thể. Bất kỳ chân lý nào cũng có gắn liền với những điều kiện lịch sử cụ thể, do đó “ không có chân lý trừu tượng, chân lý luôn luôn là cụ thể.

Vai trò của chân lý đối với thực tiễn

Để sinh tồn và phát triển, con người phải tiến hành các hoạt động thực tiễn nhưng hoạt động thực tiễn chỉ có thể thành công và có hiệu quả khi con người có tri thức đúng đắn về thực tế khách quan và vận dụng đúng đắn tri thức đó trong hoạt động thực tiễn do vậy, chân lý là một trong những điều kiện tiên quyết đảm bảo sự thành công và tính hiệu quả của hoạt động thực tiễn.

Mối quan hệ giữa chân lý và hoạt động trong thực tiễn là mối quan hệ song trùng trong quá trình vận động, phát triển của cả chân lý và thực tiễn.

Chân lý phát triển nhờ thực tiễn nhưng thực tiễn lại phát triển nhờ vận dụng đúng đắn những chân lý mà con người đã đạt được trong hoạt động thực tiễn.

Ý nghĩa phương pháp luận

Quan điểm biện chứng về mối quan hệ giữa chân lý và thực tiễn đòi hỏi trong hoạt động nhận thức con người phải xuất phát từ thực tiễn để đạt được chân lý, coi chân lý là một quá trình, đồng thời phải thường xuyên tự giác vận dụng chân lý vào hoạt động thực tiễn để phát triển thực tiễn.

Coi trọng tri thức khoa học và tích cực vận dụng sáng tạo những tri thức đó vào các hoạt động kinh tế xã hội, nâng cao hiệu quả của hoạt động thực tiễn của con người. Về thực chất đó chính là việc phát huy vai trò của chân lý khoa học trong hoạt động thực tiễn.


← Mục lục

Phần I: thế giới quan và phương pháp luận triết học của chủ nghĩa Mác - Lênin

  1. Phép biện chứng và phép biện chứng duy vật
  2. Các nguyên lý cơ bản của phép biện chứng duy vật
  3. Các cặp phạm trù cơ bản của phép biện chứng duy vật
  4. Các quy luật cơ bản của phép biện chứng duy vật
  5. Lý luận nhận thức duy vật biện chứng
  • Chương III: Chủ nghĩa duy vật lịch sử
  1. Vai trò của sản xuất vật chất và quy luật quan hệ sản xuất phù hợp với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất
  2. Biện chứng của cơ sở hạ tầng và kiến trúc thượng tầng
  3. Tồn tại xã hội quyết định ý thức xã hội và tính độc lập tương đối của ý thức xã hội
  4. Hình thái kinh tế-xã hội và quá trình lịch sử-tự nhiên của sự phát triển các hình thái kinh tế-xã hội
  5. Vai trò của đấu tranh giai cấp và cách mạng xã hội đối với sự vận động, phát triển của xã hội có đối kháng giai cấp
  6. Quan điểm của chủ nghĩa duy vật lịch sử về con người và vai trò sáng tạo lịch sử của quần chúng nhân dân

Phần II: Học thuyết kinh tế của chủ nghĩa Mác - Lênin về phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa

  1. Sự chuyển hóa tiền tệ thành tư bản
  2. Quá trình sản xuất giá trị thặng dư trong chủ nghĩa tư bản
  3. Sự chuyển hóa giá trị thặng dư thành tư bản - Tích lũy tư bản
  4. Quá trình lưu thông tư bản và khủng hoảng kinh tế
  5. Các hình thái tư bản và các hình thức biểu hiện của giá trị thặng dư
  • Chương VI: Học thuyết về chủ nghĩa tư bản độc quyền và chủ nghĩa Tư bản độc quyền Nhà nước
  1. Chủ nghĩa tư bản độc quyền
  2. Chủ nghĩa tư bản độc quyền Nhà nước
  3. Đánh giá chung về vai trò và giới hạn lịch sử của chủ nghĩa Tư bản

Phần III: Lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin về Chủ nghĩa xã hội

  • Mở đầu
  • Chương VII: Sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân và cách mạng xã hội chủ nghĩa
  1. Sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân
  2. Cách mạng xã hội chủ nghĩa
  3. Hình thái kinh tế - xã hội cộng sản chủ nghĩa
  4. Chủ nghĩa xã hội hiện thực và triển vọng
  • Chương VIII: Những vấn đề chính trị - xã hội có tính quy luật trong tiến trình cách mạng xã hội chủ nghĩa
  1. Xây dựng nhà nước xã hội chủ nghĩa và nền dân chủ xã hội chủ nghĩa
  2. Xây dựng nền văn hóa xã hội chủ nghĩa
  3. Giải quyết vấn đề dân tộc và tôn giáo

Liên kết đến đây

Xem thêm liên kết đến trang này.
Chia sẻ lên facebook Chia sẻ lên twitter In trang này