Những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin/P1.III.5

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

V. VAI TRÒ CỦA ĐẤU TRANH GIAI CẤP VÀ CÁCH MẠNG XÃ HỘI ĐỐI VỚI SỰ VẬN ĐỘNG, PHÁT TRIỂN CỦA XÃ HỘI CÓ ĐỐI KHÁNG GIAI CẤP

1. Giai cấp và vai trò của đấu tranh giai cấp đối với sự phát triển của xã hội có đối kháng giai cấp

a. Khái niệm giai cấp, tầng lớp xã hội

Khái niệm giai cấp dùng để chỉ “những tập đoàn to lớn gồm những người khác nhau về địa vị của họ trong một hệ thống sản xuất xã hội nhất định trong lịch sử, khác nhau về quan hệ của họ đối với tư liệu sản xuất, về vai trò của họ trong tổ chức lao động xã hội, khác nhau về cách thức hưởng thụ và về phần của cải xã hội ít hoặc nhiều mà họ được hưởng”.

Từ khái niệm trên cho thấy:

- Giai cấp là kết quả của sự phân hóa xã hội do có sự đối lập giữa họ về địa vị trong một chế độ kinh tế xã hội nhất định.

- Trong xã hội, giai cấp nào nắm được tư liệu sản xuất chủ yếu của xã hội thì đồng thời có khả năng chiếm được địa vị làm chủ quyền lực chính trị và quyền lực nhà nước và trở thành giai cấp thống trị xã hội.

- Giai cấp không chỉ là khái niệm của khoa học chính trị mà còn là khái niệm phản ánh mối quan hệ khách quan giữa lĩnh vực kinh tế và lĩnh vực chính trị của xã hội; phản ánh mối quan hệ kinh tế, chính trị giữa các tập đoàn người trong một điều kiện lịch sử nhất định. Đó là mối quan hệ không chỉ có sự khác biệt mà còn có tính chất đối lập của họ trên phương diện kinh tế và chính trị. Từ đó cho thấy, việc phân tích các vấn đề về kết cấu chính trị cần phải gắn liền với việc phân tích kết cấu kinh tế của xã hội theo quan điểm lịch sử cụ thể.

Cần phân biệt khái niệm giai cấp với khái niệm tầng lớp xã hội. Khái niệm tầng lớp xã hội dùng để chỉ sự phân tầng, phân lớp, phân nhóm giữa những con người trong cùng một giai cấp theo địa vị và sự khác biệt cụ thể của họ trong giai cấp đó hoặc chỉ những nhóm người ngoài kết cấu giai cấp trong một xã hội nhất định (công chức, trí thức, tiểu nông).

b. Nguồn gốc giai cấp

Phát hiện mới của chủ nghĩa Mác-Lênin không phải là sự tồn tại giai cấp, đối kháng và đấu tranh giai cấp mà là đã chỉ ra sự tồn tại giai cấp, đối kháng và đấu tranh giai cấp không phải là bản tính của nhân loại, là tiền định mà chỉ là hiện tượng có tính lịch sử, gắn với những giai đoạn lịch sử nhất định của sản xuất, của lịch sử nhân loại.

Nguồn gốc trực tiếp của giai cấp trong xã hội là từ sự phân hóa xã hội do sự ra đời, tồn tại của chế độ tư hữu đối với những tư liệu sản xuất chủ yếu của xã hội. Trong điều kiện đó tất yếu làm phát sinh và tồn tại sự phân biệt địa vị của các tập đoàn người trong quá trình sản xuất, dẫn tới khả năng tập đoàn người này chiếm đoạt lao động thặng dư của tập đoàn người khác. Tuy nhiên, quá trình này còn phải gắn với điều kiện lực lượng sản xuất phải phát triển đến một mức độ nhất định, làm cho năng suất lao động tăng lên khiến cho thời gian lao động được chia thành thời gian lao động tất yếu và thời gian lao động thặng dư mà biểu hiện của nó là sự dư thừa tương đối của cải trong cộng đồng xã hội. Nguồn gốc sâu xa của sự phân hóa giai cấp trong xã hội là do tình trạng phát triển chưa đầy đủ của lực lượng sản xuất. Khi lực lượng sản xuất phát triển tới mức đầy đủ thì chính nó lại là nguyên nhân khách quan dẫn đến xóa bỏ chế độ chiếm hữu tư nhân về tư liệu sản xuất, do đó xóa bỏ giai cấp, đối kháng và đấu tranh giai cấp trong xã hội.

Con đường hình thành giai cấp có thể diễn ra với những hình thức

khác nhau, mức độ khác nhau ở các cộng đồng khác nhau trong lịch sử.

Điều đó tùy thuộc sự tác động của các nhân tố khách quan và chủ quan đến tiến trình vận động, phát triển của mỗi cộng đồng người. Tuy nhiên, có thể khái quát quá trình hình thành, phát triển giai cấp diễn ra chủ yếu với sự tác động của nhân tố bạo lực và của quy luật kinh tế phân hóa những người sản xuất hàng hóa trong nội bộ cộng đồng xã hội, hoặc là sự kết hợp của cả hai yếu tố nói trên.

c. Vai trò của đấu tranh giai cấp đối với sự vận động, phát triển của xã hội có đối kháng giai cấp

Đấu tranh giai cấp và các hình thức đấu tranh giai cấp:

Đấu tranh giai cấp là khái niệm dùng để chỉ “cuộc đấu tranh của quần chúng bị tước hết quyền, bị áp bức và lao động, chống bọn có đặc quyền, đặc lợi, bọn áp bức và bọn ăn bám, cuộc đấu tranh của những người công nhân làm thuê hay những người vô sản chống những người hữu sản hay giai cấp tư sản”(V.I.Lênin: Toàn tập, Nxb Tiến bộ, Matxcơva,1977, t.7, tr.237 - 238. )

Tùy theo điều kiện lịch sử khác nhau, các cuộc đấu tranh giai cấp có thể biểu hiện dưới nhiều hình thức khác nhau, với những phạm vi và trình độkhác nhau như: đấu tranh kinh tế, đấu tranh tư tưởng, đấu tranh chính trị... Trong thực tế lịch sử đấu tranh giai cấp còn có thể mang hình thức đấu tranh dân tộc, tôn giáo, văn hóa...

Nhà nước – công cụ chuyên chính giai cấp:

Sự ra đời và tồn tại của nhà nước là kết quả tất yếu của đấu tranh giai cấp trong xã hội có đối kháng giai cấp. Để khống chế và đàn áp những người nô lệ, những ngườI làm thuê, duy trì và thực hiện sự bóc lột, các giai cấp thống trị trong lịch sử (chủ nô, địa chủ, tư sản) tất yếu phải sử dụng đến sức mạnh bạo lực có tổ chức – đó là nhà nước với những đội vũ trang đặc biệt và hệ thống pháp luật nhằm duy trì trật tự của sự thống trị giai cấp. Vì vậy, vấn đề chính quyền nhà nước là vấn đề trung tâm và cơ bản của cuộc đấu tranh giai cấp trong xã hội.

Sự ra đời và tồn tại của nhà nước không phải để giải quyết mâu thuẫn giai cấp mà là để duy trì trật tự xã hội trong điều kiện mâu thuẫn không giải quyết được.

Nhà nước là công cụ bạo lực để trấn áp giai cấp, duy trì địa vị của giaicấp thống trị, do đó nó là công cụ chuyên chính giai cấp của giai cấp bóc lột trong lịch sử đối với nô lệ hay lao động làm thuê. Trong lịch sử đã từng tồn tại nhiều kiểu nhà nước khác nhau: nhà nước chủ nô, nhà nước phong kiến, nhà nước tư sản nhưng bản chất giai cấp của nó đều là công cụ chuyên chính giai cấp của các giai cấp bóc lột. Trái lại, với sự xuất hiện của nhà nước chuyên chính vô sản, đó là nhà nước kiểu mới, nhà nước “nửa nhà nước” tồn tại trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, trở thành công cụ bạo lực có tổ chức và công cụ quản lý kinh tế xã hội của giai cấp công nhân và nhân dân lao động.

Vai trò của đấu tranh giai cấp

Đấu tranh giai cấp giữ vai trò là phương thức, động lực cơ bản của sự tiến bộ, phát triển xã hội trong điều kiện xã hội có sự phân hóa thành đối kháng giai cấp.

Lịch sử nhân loại từ khi có sự phân hóa đến nay về thực chất chỉ là lịch sử của những cuộc đấu tranh giai cấp được biểu hiện dưới nhiều hình thức đa dạng với những mức độ khác nhau và mang sắc thái khác nhau. Kết quả cuối cùng của những cuộc đấu tranh đó đều dẫn tới sự ra đời của phương thức sản xuất mới thông qua đỉnh cao của nó là cách mạng xã hội. Đấu tranh giai cấp không chỉ là động lực cơ bản của sự phát triển lịch sử mà còn là phương thức cơ bản của sự tiến bộ và phát triển xã hội, nhằm giải quyết những mâu thuẫn đối kháng trong đời sống kinh tế, chính trị, xã hội. Trong điều kiện xã hội có sự phân hóa giai cấp thì sự vận động của các mâu thuẫn trong phương thức sản xuất biểu hiện ra là mâu thuẫn giữa các giai cấp trong đời sống chính trị xã hội, do đó mâu thuẫn đối kháng trong đời sống kinh tế chỉ có thể được giải quyết thông qua việc giải quyết mâu thuẫn đối kháng giai cấp trên lĩnh vực chính trị xã hội.

Ý nghĩa phương pháp luận:

Lý luận về giai cấp và đấu tranh giai cấp của chủ nghĩa Mác-Lênin có ý nghĩa quan trọng về phương pháp luận. Nó cho phép thấy được tính tất yếu của đấu tranh giai cấp trong xã hội, nhận thức được bản chất và các hình thức biểu hiện của đấu tranh giai cấp; tạo cơ sở lý luận để xây dựng đường lối chiến lược đấu tranh giai cấp chống lại ách áp bức bóc lột, bất bình đẳng giai cấp, xây dựng chế độ xã hội mới đồng thời là cơ sở để giải quyết mâu thuẫn giai cấp của xã hội nhằm thúc đẩy sự phát triển của lực lượng sản xuất, xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta.

2. Cách mạng xã hội và vai trò của nó đối với sự phát triển của xã hội có đối kháng giai cấp

a. Khái niệm cách mạng xã hội và nguồn gốc của cách mạng xã hội

Khái niệm cách mạng xã hội và khái niệm cải cách xã hội

Cách mạng xã hội là khái niệm dùng để chỉ bước chuyển biến lớn của lịch sử xã hội loài người - đó là bước chuyển từ hình thái kinh tế - xã hội ở trình độ thấp lên một hình thái kinh tế - xã hội ở trình độ cao hơn, được tiến hành trên mọi lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa...của xã hội.

Khái niệm cách mạng xã hội khác với khái niệm cải cách. Cải cách là khái niệm dùng để chỉ những cuộc cải biến diễn ra trên một hay một số lĩnh vực của đời sống xã hội, trong phạm vi một hình thái kinh tế - xã hội, nhằm hoàn thiện hình thái kinh tế - xã hội đó.

Cách mạng xã hội cũng khác với khái niệm đảo chính. Đảo chính là khái niệm dùng để chỉ những sự biến tranh giành địa vị quyền lực nhà nước giữa các lực lượng chính trị (thường trong cùng một giai cấp) và với chủ trương không thay đổi bản chất chế độ hiện thời.

Nguồn gốc của cách mạng xã hội:

Nguyên nhân sâu xa của cách mạng xã hội là từ mâu thuẫn gay gắt trong bản thân nền sản xuất vật chất của xã hội, tức là mâu thuẫn giữa nhu cầu khách quan của sự phát triển lực lượng sản xuất với sự kìm hãm của quan hệ sản xuất đã trở nên lỗi thời mà không một cuộc cải cách kinh tế hay chính trị nào giải quyết được. Biểu hiện về mặt chính trị xã hội của mâu thuẫn đó là đấu tranh giai cấp, đẫn đến bùng nổ các cuộc cách mạng xã hội

Nguyên nhân chủ quan là sự phát triển nhận thức và tổ chức của giai cấp cách mạng, tức giai cấp đại biểu cho phương thức sản xuất mới tiến bộ hơn, từ đó tạo ra phong trào đấu tranh giai cấp từ tự phát đến tự giác và khi có sự kết hợp chín muồi của các nhân tố khách quan và chủ quan, tức tạo được thời cơ cách mạng thì khi đó tất yếu cách mạng sẽ bùng nổ.

b. Vai trò của cách mạng xã hội đối với sự vận động, phát triển của xã hội có đối kháng giai cấp.

Cách mạng xã hội là phương thức của sự vận động, phát triển xã hội có đối kháng giai cấp. Thông qua đấu tranh giai cấp và cách mạng xã hội mà xã hội có giai cấp đối kháng không ngừng vận động theo chiều hướng đi lên.

Cách mạng xã hội là động lực của sự vận động, phát triển xã hội nhằm thay đổi chế độ xã hội đã lỗi thời chuyển lên chế độ xã hội mới cao hơn.

Không có những cuộc cách mạng xã hội trong lịch sử thì không thể thay thế hình thái kinh tế - xã hội này bằng hình thái kinh tế - xã hội cao hơn. Theo C.Mác, cách mạng xã hội là đầu tàu của lịch sử. Chính nhờ cách mạng xã hội mà mâu thuẫn cơ bản của đời sống xã hội được giải quyết triệt để, tạo động lực cho sự tiến bộ và phát triển của xã hội.

Nhận thức về vai trò của cách mạng xã hội đối với sự phát triển của xã hội là cơ sở để nhận thức tính khách quan của cách mạng xã hội chủ nghĩa đồng thời thấy rõ vai trò to lớn của cách mạng vô sản trong việc xóa bỏ chủ nghĩa tư bản, xây dựng chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản.


← Mục lục

Phần I: thế giới quan và phương pháp luận triết học của chủ nghĩa Mác - Lênin

  1. Phép biện chứng và phép biện chứng duy vật
  2. Các nguyên lý cơ bản của phép biện chứng duy vật
  3. Các cặp phạm trù cơ bản của phép biện chứng duy vật
  4. Các quy luật cơ bản của phép biện chứng duy vật
  5. Lý luận nhận thức duy vật biện chứng
  • Chương III: Chủ nghĩa duy vật lịch sử
  1. Vai trò của sản xuất vật chất và quy luật quan hệ sản xuất phù hợp với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất
  2. Biện chứng của cơ sở hạ tầng và kiến trúc thượng tầng
  3. Tồn tại xã hội quyết định ý thức xã hội và tính độc lập tương đối của ý thức xã hội
  4. Hình thái kinh tế-xã hội và quá trình lịch sử-tự nhiên của sự phát triển các hình thái kinh tế-xã hội
  5. Vai trò của đấu tranh giai cấp và cách mạng xã hội đối với sự vận động, phát triển của xã hội có đối kháng giai cấp
  6. Quan điểm của chủ nghĩa duy vật lịch sử về con người và vai trò sáng tạo lịch sử của quần chúng nhân dân

Phần II: Học thuyết kinh tế của chủ nghĩa Mác - Lênin về phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa

  1. Sự chuyển hóa tiền tệ thành tư bản
  2. Quá trình sản xuất giá trị thặng dư trong chủ nghĩa tư bản
  3. Sự chuyển hóa giá trị thặng dư thành tư bản - Tích lũy tư bản
  4. Quá trình lưu thông tư bản và khủng hoảng kinh tế
  5. Các hình thái tư bản và các hình thức biểu hiện của giá trị thặng dư
  • Chương VI: Học thuyết về chủ nghĩa tư bản độc quyền và chủ nghĩa Tư bản độc quyền Nhà nước
  1. Chủ nghĩa tư bản độc quyền
  2. Chủ nghĩa tư bản độc quyền Nhà nước
  3. Đánh giá chung về vai trò và giới hạn lịch sử của chủ nghĩa Tư bản

Phần III: Lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin về Chủ nghĩa xã hội

  • Mở đầu
  • Chương VII: Sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân và cách mạng xã hội chủ nghĩa
  1. Sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân
  2. Cách mạng xã hội chủ nghĩa
  3. Hình thái kinh tế - xã hội cộng sản chủ nghĩa
  4. Chủ nghĩa xã hội hiện thực và triển vọng
  • Chương VIII: Những vấn đề chính trị - xã hội có tính quy luật trong tiến trình cách mạng xã hội chủ nghĩa
  1. Xây dựng nhà nước xã hội chủ nghĩa và nền dân chủ xã hội chủ nghĩa
  2. Xây dựng nền văn hóa xã hội chủ nghĩa
  3. Giải quyết vấn đề dân tộc và tôn giáo

Liên kết đến đây

Xem thêm liên kết đến trang này.