Nhanh chóng chữa khỏi nhiễm trùng đường tiết niệu

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Bệnh nhiễm trùng đường tiết niệu (UTI) có thể khiến bạn cực kỳ khó chịu, vậy nên chẳng lạ gì khi người mắc bệnh này chỉ mong sao khỏi thật nhanh. Việc điều trị kịp thời và nhanh chóng cũng là yếu tố quan trọng nhằm ngăn chặn UTI phát triển thành căn bệnh nghiêm trọng hơn. Đôi khi chứng UTI tự thuyên giảm trong bốn hoặc năm ngày, và có nhiều liệu pháp tại nhà bạn có thể thử áp dụng. Tuy nhiên bạn vẫn rất nên đến bác sĩ chuyên khoa để được chữa khỏi nhanh và triệt để nhất.[1]

Các bước[sửa]

Tìm sự điều trị y khoa cho bệnh UTI[sửa]

  1. Nhận biết các triệu chứng. Nhiễm trùng đường tiết niệu (UTI) là một chứng bệnh rất thường gặp, nhưng rất khó chịu và bất tiện. UTI là tình trạng nhiễm trùng đường tiết niệu trên (thận và niệu quản), hay đường tiết niệu dưới (bàng quang và niệu đạo), hoặc cả hai.[2]
    • Khi bị nhiễm trùng đường tiết niệu, bạn có thể cảm thấy bỏng rát khi đi tiểu và có nhu cầu đi tiểu nhiều lần.
    • Bạn cũng có thể cảm thấy đau ở bụng dưới.[1]
  2. Biết các triệu chứng khác nhau của tình trạng nhiễm trùng đường tiết niệu trên và đường tiết niệu dưới. Các dạng nhiễm trùng khác nhau sẽ có các triệu chứng khác nhau. Bạn nên lưu ý các triệu chứng để có thể diễn tả rõ ràng với bác sĩ trong trường hợp phải đi khám bệnh. Các triệu chứng nhiễm trùng đường tiết niệu dưới bao gồm: nhu cầu đi tiểu thường xuyên hơn, nước tiểu đục hoặc có máu, đau lưng, nước tiểu rất nặng mùi, và nói chung bạn cảm thấy không khỏe.[2]
    • Nếu bị nhiễm trùng đường tiết niệu trên, bạn có thể bị sốt cao (trên 38 độ C).
    • Bạn cũng có thể buồn nôn và rùng mình không kiểm soát.
    • Các triệu chứng khác có thể bao gồm nôn và tiêu chảy.[2]
  3. Biết khi nào cần điều trị chuyên khoa. Có khoảng 25-40% trường hợp UTI nhẹ sẽ tự khỏi, tuy nhiên vẫn còn hơn một nửa số trường hợp người bệnh tự đặt mình vào nguy cơ bị biến chứng do không tìm sự điều trị chuyên khoa. Bạn nên hẹn với bác sĩ để khám ngay khi bị UTI kèm theo sốt cao hoặc các triệu chứng đột ngột xấu đi.[1]
    • Liên lạc ngay với bác sĩ nếu bạn đang mang thai hoặc bị bệnh tiểu đường.
    • Bạn sẽ được chẩn đoán rõ ràng khi đến bác sĩ khám bệnh. Có thể bạn nghĩ chứng UTI là bệnh nấm men hoặc một căn bệnh nào khác.[3]
    • Bác sĩ có thể cho xét nghiệm nước tiểu để xác định bạn có mắc bệnh nhiễm trùng đường tiết niệu không và loại vi khuẩn nào gây bệnh.[4] Các xét nghiệm này thường được hoàn thành trong 48 giờ.
  4. Tuân thủ liệu trình điều trị bằng thuốc kháng sinh. UTI là một bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn, do đó thuốc kháng sinh do bác sĩ kê toa là phương pháp điều trị triệt để nhất và thường được sử dụng nhất. Đặc biệt, thuốc kháng sinh được khuyên dùng cho phụ nữ bị UTI tái lại nhiều lần. Liệu trình kháng sinh lâu ngày hơn có thể giúp ngăn ngặn tình trạng nhiễm trùng tái phát.[1]
    • Các loại kháng sinh thường được bác sĩ kê toa để điều trị UTI là nitrofurantoin (với tên thương phẩm như Furadantin, Macrobid, hoặc Macrodantin), sulfamethoxazole và trimethoprim (với tên thương phẩm là Bactrim hoặc Septra).[5] Tuy nhiên, ciprofloxacin (được biết đến dưới tên Cipro), fosfomycin (Monurol) và levofloxacin (Levaquin) cũng được chỉ định sử dụng[5].
    • Ngoài thuốc kháng sinh, AZO là một loại thuốc giảm đau bàng quang hiệu quả có bán không cần toa bác sĩ.
  5. Hoàn thành liệu trình kháng sinh. Uống kháng sinh với liệu trình điều trị 1 đến 7 ngày do bác sĩ chỉ định và khuyến nghị. Hầu hết nữ giới được chỉ định uống kháng sinh từ 3 đến 5 ngày. Nam giới thường được kê toa uống kháng sinh từ 7 đến 14 ngày. Mặc dù các triệu chứng thường giảm rõ rệt sau ba ngày điều trị kháng sinh, nhưng phải mất 5 ngày để tiêu diệt hết vi khuẩn trong đường tiết niệu.[6] Nam giới có thể phải mất nhiều ngày hơn.
    • Quan trọng là bạn phải uống hết số thuốc kháng sinh được kê toa, trừ khi bác sĩ có chỉ định khác.
    • Việc ngừng uống kháng sinh trước khi hết liệu trình điều trị cũng đồng nghĩa với việc bạn không để thuốc kháng sinh tiêu diệt hết vi khuẩn.[7]
    • Liên hệ lại với bác sĩ nếu bạn đã uống hết thuốc kháng sinh được kê toa nhưng triệu chứng vẫn tiếp diễn, hoặc bạn không thấy khỏe lại sau vài ngày.[7]
  6. Lưu ý về các biến chứng có thể xảy ra. Bệnh nhiễm trùng đường tiết niệu nặng có thể gây ra các biến chứng nghiêm trọng, dẫn tới suy thận hoặc nhiễm độc máu. Các biến chứng này không phổ biến và thường xảy ra ở các bệnh nhân sẵn có vấn đề về sức khỏe, chẳng hạn như bệnh nhân tiểu đường. Bạn sẽ dễ bị biến chứng và nhiễm trùng hơn nếu có hệ miễn dịch kém.[1]
    • Phụ nữ mang thai bị nhiễm trùng đường tiết niệu có nguy cơ bị biến chứng nguy hiểm đến tính mạng và luôn luôn cần được bác sĩ kiểm tra.
    • Nam giới bị nhiễm trùng đường tiết niệu có rủi ro phát triển bệnh viêm tuyến tiền liệt.[1]
    • Có thể bạn phải nằm viện để điều trị bệnh nhiễm trùng đường tiết niệu trên, hoặc nếu xảy ra biến chứng nghiêm trọng.
    • Quá trình điều trị ở bệnh viện vẫn sử dụng kháng sinh, nhưng bạn sẽ được theo dõi sát và có thể được truyền dịch.[8]

Giảm nhẹ chứng UTI tại nhà[sửa]

  1. Uống nhiều nước. Thuốc kháng sinh là phương pháp duy nhất thực sự chữa khỏi bệnh UTI nhưng thường phải mất vài ngày điều trị, trong thời gian đó bạn có thể thực hiện vài phương pháp để giảm nhẹ các triệu chứng và giảm khả năng tái phát nhiễm trùng. Cách dễ dàng nhất là uống nhiều nước trong cả ngày, cách mỗi giờ uống một ly nước.[9]
    • Bàng quang sẽ được làm sạch sau mỗi lần bạn đi tiểu, và điều này có thể giúp rửa trôi vi khuẩn.[10]
    • Không nhịn tiểu. Việc nhịn đi tiểu có thể khiến tình trạng UTI nặng hơn do vi khuẩn có điều kiện sinh sôi.
  2. Thử uống nước ép quả nam việt quất. Nước ép quả nam việt quất thường được coi là liệu pháp chữa UTI tại nhà. Mặc dù có ít bằng chứng cho thấy nước ép nam việt quất thực sự chống nhiễm trùng, nhưng nó có thể ngăn ngừa tình trạng nhiễm trùng.[3] Nếu thường bị UTI tái lại nhiều lần, bạn hãy thử uống viên chiết xuất nam việt quất có hàm lượng cao hơn.[11] Cũng như nước, việc uống nhiều chất lỏng khác cũng giúp bạn rửa trôi và làm sạch hệ thống tiết niệu.
    • Không uống nước ép nam việt quất nếu bạn hoặc gia đình bạn có tiền sử nhiễm trùng thận.
    • Không nên uống viên chiết xuất nam việt quất nếu bạn đang dùng thuốc làm loãng máu.[11]
    • Về lý thuyết, không có liều lượng quy định cho nước ép nam việt quất, do tính hiệu quả chưa được chứng minh.[12]
    • Một nghiên cứu cho thấy kết quả tích cực ở các phụ nữ mỗi ngày uống một viên chiết xuất nam việt quất, hoặc uống 240 ml nước quả nam việt quất không đường, mỗi ngày 3 lần trong một năm.[13]
  3. Uống viên thực phẩm bổ sung vitamin C. Uống vitamin C ngay khi xuất hiện triệu chứng UTI có thể giúp hạn chế sự phát triển của tình trạng nhiễm trùng. Vitamin C khiến nước tiểu có tính a-xít, tạo môi trường không thuận lợi cho vi khuẩn khu trú trong bàng quang. Vitamin C cũng giúp tăng sức đề kháng cho hệ miễn dịch của cơ thể.[14]
    • Thử uống vitamin C với liều lượng 500 mg cách mỗi giờ, nhưng bạn nên ngừng lại khi bắt đầu đi tiêu phân lỏng.[15]
    • Bạn có thể kết hợp vitamin C với các loại trà có tính kháng viêm nhẹ như mao lương hoa vàng (goldenseal), cúc tím (echinacea), và tầm ma (nettle).
    • Bạn cần đến bác sĩ khám bệnh nếu các triệu chứng kéo dài quá vài ngày.
  4. Tránh dùng các chất kích thích. Một số thức ăn hay thức uống có tính kích thích, và tác động của chúng mạnh hơn khi bạn bị nhiễm trùng đường tiết niệu. Hai thủ phạm nguy hiểm nhất nên tránh là cà phê và rượu. Chúng không chỉ gây kích thích mà còn khiến cơ thể bạn mất nước, do đó sẽ cản trở quá trình rửa trôi vi khuẩn khỏi đường tiểu.[16]
    • Bạn cũng nên tránh uống nước ngọt có chứa nước cam chanh cho đến khi khỏi bệnh UTI.[16]
    • Hạn chế cà phê và rượu trong chế độ ăn cũng là một biện pháp phòng chống bệnh UTI nếu bạn dễ bị nhiễm bệnh này.

Giữ gìn vệ sinh[sửa]

  1. Giữ thói quen vệ sinh thật tốt. Nói chung việc giữ vệ sinh vẫn được coi là biện pháp ngăn ngừa nhiễm trùng đường tiết niệu, nhưng đó cũng là một phần thiết yếu để nhanh chóng chữa khỏi nhiễm trùng. Càng thực hành vệ sinh tốt, bạn càng mau khỏe lại.[17]
    • Lau từ trước ra sau mỗi lần đi vệ sinh. Điều này đặc biệt quan trọng đối với phụ nữ.[18]
  2. Tắm rửa trước và sau khi giao hợp. Sinh hoạt tình dục là một trong những đường xâm nhập của vi khuẩn vào niệu đạo ở phụ nữ và tiến đến bàng quang.[7] Để ngăn chặn tình trạng này, bộ phận sinh dục và vùng hậu môn cần được rửa sạch trước và sau khi sinh hoạt tình dục. Phụ nữ cũng nên đi tiểu trước và sau khi giao hợp. Tránh dùng lotion dưỡng ẩm cơ thể hoặc dầu mát-xa để làm chất bôi trơn, trừ khi chúng được khẳng định là an toàn. Trong các sản phẩm này có chứa hóa chất có thể dẫn đến nhiễm trùng.
    • Đi tiểu sau khi giao hợp giúp bàng quang trút sạch nước tiểu và rửa trôi vi khuẩn.[19]
    • UTI không phải là bệnh lây nhiễm, bạn không bị lây bệnh này từ người khác.[20]
  3. Mặc quần áo thích hợp. Một số loại trang phục có thể gây khó khăn trong việc chữa khỏi bệnh UTI. Đồ lót chật và bó sát làm bằng chất liệu bí hơi có thể làm tăng độ ẩm và tạo môi trường thuận lợi cho vi khuẩn ở khu vực gần bàng quang. Do đó, bạn hãy mặc quần lót vải cotton thay vì các chất liệu không thấm hút như ni-lông.[18]
    • Tránh quần lót hoặc quần short bó sát. Quần áo chật có thể tích tụ mồ hôi và độ ẩm, tạo nên môi trường lý tưởng cho vi khuẩn sinh sôi.
    • Tuy không chữa khỏi bệnh nhưng việc mặc quần lót thích hợp có thể ngăn ngừa tình trạng nhiễm trùng phát triển hoặc trở nên nghiêm trọng hơn.

Lời khuyên[sửa]

  • Không dùng lotion dưỡng ẩm hoặc dầu mát-xa làm chất bôi trơn trừ khi sản phẩm khẳng định là sử dụng được. Các hóa chất trong một số sản phẩm này có thể gây bệnh UTI.
  • Chườm nóng để giảm khó chịu. Tuy không chữa khỏi bệnh UTI, nhưng chườm nóng có thể giảm nhẹ các triệu chứng. Túi chườm chỉ nên để nhiệt độ ấm mà không quá nóng và đặt lên bụng dưới để giảm áp lực, giảm đau và các cảm giác khó chịu khác liên quan đến bệnh nhiễm trùng đường tiết niệu.
  • Nghỉ ngơi và uống nhiều nước.
  • Không ăn quả nam việt quất hoặc tự uống kháng sinh – nó chỉ giúp ích tạm thời, nhưng sau đó sẽ khiến tình hình tệ hơn! Uống 240 ml nước hòa với một thìa canh muối nở, sau đó cứ cách mỗi giờ lại uống 240 ml nước chanh. Cơn đau ở bàng quang sẽ nhanh chóng được xoa dịu.
  • Không sinh hoạt tình dục khi đang điều trị bệnh UTI. Bạn có thể khiến vi khuẩn mới xâm nhập vào cơ thể và giảm khả năng hồi phục hoàn toàn.
  • Uống ibuprofen để giảm đau trong khi áp dụng mọi liệu pháp điều trị.
  • Uống nhiều nước, uống thuốc theo chỉ định của bác sĩ.

Cảnh báo[sửa]

  • Bạn cần sự giúp đỡ chuyên khoa nếu không thấy cải thiện đáng kể sau khi áp dụng các liệu pháp tại nhà trong vòng 24-36 tiếng.
  • Thậm chí một ca nhiễm trùng đường tiết niệu đơn giản cũng có thể phát triển thành bệnh thận nguy hiểm chết người nếu bị mưng mủ trong thời gian dài.
  • Uống nam việt quất hàng ngày là một biện pháp ngăn ngừa hiệu quả, nhưng bạn cần thận trọng khi uống nước quả nam việt quất khi tình trạng nhiễm trùng đang hoạt động.
  • Nước quả nam việt quất có tính a-xít cao, do đó có thể khiến bệnh UTI xấu đi. Các thức ăn và nước uống chứa nhiều a-xít cũng có thể kích thích bàng quang đã sẵn bị viêm.
  • Cho dù các liệu pháp tại nhà có vẻ đem lại hiệu quả, bạn vẫn nên cân nhắc làm xét nghiệm nước tiểu để kiểm tra lần nữa xem có còn vi khuẩn không.

Những thứ bạn cần[sửa]

  • Nước quả nam việt quất
  • Nước
  • Vitamin C
  • Viên uống bổ sung với chiết xuất mao lương hoa vàng, cúc tím và tầm ma
  • Đồ lót vải cotton
  • Quần rộng
  • Thuốc kháng sinh

Nguồn và Trích dẫn[sửa]

  1. 1,0 1,1 1,2 1,3 1,4 1,5 http://www.nhs.uk/Conditions/Urinary-tract-infection-adults/Pages/Introduction.aspx
  2. 2,0 2,1 2,2 http://www.nhs.uk/Conditions/Urinary-tract-infection-adults/Pages/Symptoms.aspx
  3. 3,0 3,1 http://www.webmd.com/news/20130604/can-you-skip-antibiotics-for-urinary-tract-infection?page=2
  4. http://www.sxu.edu/campuslife/health/common/uti.asp
  5. 5,0 5,1 http://www.webmd.com/a-to-z-guides/antibiotics-for-urinary-tract-infections-utis
  6. http://www.ncbi.nlm.nih.gov/pubmedhealth/PMH0005010/
  7. 7,0 7,1 7,2 http://kidshealth.org/teen/infections/common/uti.html#
  8. http://www.nhs.uk/Conditions/Urinary-tract-infection-adults/Pages/Treatment.aspx
  9. http://www.nytimes.com/health/guides/disease/urinary-tract-infection/overview.html
  10. http://www.newhealthguide.org/How-To-Get-Rid-Of-A-Uti.html
  11. 11,0 11,1 http://www.choosewellmanchester.org.uk/self-care/self-care-information-for-adults/urinary-tract-infections/
  12. http://www.webmd.com/urinary-incontinence-oab/womens-guide/cranberries-for-uti-protection?page=2
  13. http://www.webmd.com/urinary-incontinence-oab/womens-guide/cranberries-for-uti-protection
  14. http://www.readersdigest.ca/health/how-get-rid-urinary-tract-infection
  15. http://www.readersdigest.ca/health/how-get-rid-urinary-tract-infection
  16. 16,0 16,1 http://www.mayoclinic.com/health/urinary-tract-infection/DS00286/DSECTION=lifestyle-and-home-remedies
  17. http://www.nlm.nih.gov/medlineplus/ency/article/000521.htm
  18. 18,0 18,1 http://emedicine.medscape.com/article/1958794-overview
  19. http://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/urinary-tract-infection/basics/prevention/con-20037892
  20. http://kidshealth.org/teen/infections/common/uti.html#