Niccolò Machiavelli

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Niccolò di Bernardo dei Machiavelli (sinh 3 tháng 5 1469 - 21 tháng 6 1527) là một nhà ngoại giao, nhà triết học chính trị, nhạc gia, nhà thơ, nhà soạn kịch. Ông được xem là một trong những sáng tổ của nền khoa học chính trị hiện đại.[1] Ông là một nhân vật của thời phục hưng Italia và là nhân vật trung tâm của bộ máy chính trị nước Ý thời Phục Hưng. Ông được biết đến với các luận thuyết về chủ nghĩa hiện thực chính trị (tác phẩm Quân Vương) và chủ nghĩa cộng hòa (tác phẩm Discourses on Livy). Hai cuốn sách này - cùng với cuốn History of Florence (Lịch sử Florence) được sự ủy quyền của nhà Medici - đã được xuất bản vào năm 1531 sau khi ông mất. Sau việc Savonarola bị trục xuất và hành quyết, Đại hội đồng đã chọn Machiavelli làm Đại pháp quan thứ hai của Cộng hòa Florence vào tháng 6 năm 1498.[2]

Tiểu sử[sửa]

Niccolò Machiavelli sinh ngày 3 tháng 5 năm 1469 tại thành phố Firenze, Italia. Người ta biết rất ít về tuổi trẻ của Machiavelli nhưng một điều chắc chắn là ông đã được thừa hưởng nền giáo dục về văn hóa, lịch sử Hy Lạp La Mã.

Khi Machiavelli còn trẻ, Italia đang chia thành 5 vương quốc lớn: Vương quốc Napoli ở phía Nam, Công quốc Milano ở Tây Nam, nhà nước cộng hòa Venezia ở Tây Bắc, Cộng hòa Firenze và nhà nước của giáo hội ở miền Trung. Khi đó, Firenze đang trong giai đoạn huy hoàng dưới sự cai trị của gia đình Medici đầy uy quyền với người đứng đầu là Lorenzo de Medici. Khi đó, Firenze là một thành phố giàu có, sôi động, là trung tâm của nghệ thuật và tri thức, còn Lorenzo như thể một mạnh thường quân. Nhưng đến năm 1494 gia đình Medici bị lật đổ, và bị thay bằng một chính quyền cộng hòa chịu nhiều ảnh hưởng của Girolamo Savonarola, một giáo sĩ dòng tu Đa Minh mới gây được uy tín.

Năm 1498, chính quyền chịu ảnh hưởng của Savonarola lại sụp đổ và một chính quyền cộng hòa mới ra đời ở Firenze, còn Machiavelli được bổ nhiệm vào chức vụ bộ trưởng ngoại giao khi mới 29 tuổi. Trí tuệ tuyệt vời và lòng nhiệt huyết của Machiavelli đã thu hút được sự quan tâm đặc biệt của các chính khách Florence lúc bấy giờ. Chỉ sau đó một tháng, ông đã được bầu làm thư ký Hội đồng quân sự và ngoại giao. Với vai trò như một sứ thần, ông đã đi khắp các vương quốc trên lãnh thổ Italia cũng như các đế chế lớn của châu Âu để thương thảo với các đồng minh tiềm năng, thu thập thông tin và đồng thời là người phát ngôn của Hội đồng về những chính sách đối ngoại của Firenze.

Trong suốt 14 năm phụng sự nền cộng hòa Firenze, Machiavelli đã có dịp tiếp xúc nhiều chính khách nổi tiếng và chứng kiến nhiều sự kiện lịch sử. Ông đã tiếp kiến nữ bá tước Caterina Sforza (năm 1499), vua Louis VII của Pháp (trong các năm 1500, 1504, 1510 và 1511), Cesare Borgia (vào các năm 1502 và 1503), Pandolfo Petrucci (vào các năm 1503 và 1506), Giáo hoàng Giuliô II (vào các năm 1503 và 1506), và hoàng đế Maximilian II (từ năm 1507 tới 1508). Các sứ mệnh ngoại giao này cùng với kinh nghiệm về chính sách đối ngoại đã hình thành nên nhiều nguyên lý mà ông đã thể hiện trong tác phẩm Quân vương, còn những nhân vật nổi tiếng ông được tiếp xúc đã trở thành những tấm gương và bài học trong tác phẩm này.

Ông cũng trở thành người bạn của Piero Soderini, người được bổ nhiệm làm người đứng đầu chính phủ Firenze vào năm 1502. Do quá chán nản trước sự kém cỏi của đội quân đánh thuê mà chính phủ Florence sử dụng, ông đã thuyết phục Soderini hậu thuẫn việc xây dựng quân đội quốc gia của Firenze bất chấp những ý kiến phản đối của giới qúy tộc Firenze. Machiavelli đã đứng ra tuyển chọn, đào tạo và tập luyện cho đội quân này. Vào năm 1509, sự sáng suốt của ông đã được minh chứng khi quân đội Florence giành được quyền kiểm soát thành phố láng giềng Pisa sau một cuộc chiến kéo dài suốt 15 năm. Thành công này đánh dấu một bước tiến trong sự nghiệp của Machiavelli.

Là một đồng minh trung thành của nước Pháp, Firenze đã đối đầu với Giáo hoàng Julius II người đang tìm cách đánh đuổi quân Pháp ra khỏi đất Italia. Giáo hoàng Julius II đã kêu gọi sự trợ lực của đồng minh Tây Ban Nha để lật đổ chính quyền của Soderini. Năm 1512, quân đội quốc gia Florence của Machiavelli bị đội quân Tây Ban Nha thiện chiến đánh bại tại thành phố Prato, và Soderini buộc phải từ chức. Gia đình Medici trở lại nắm quyền ở Firenze và Soderini bị tống giam. Vì là người ủng hộ chính quyền của Soderini, Machiavelli bị bãi chức và bị cấm rời khỏi lãnh thổ Firenze.

Vài tháng sau, hai thanh niên bất mãn với chính quyền bị bắt cùng với danh sách những kẻ âm mưu chống lại gia đình Medici. Trong đó có tên của Machiavelli. Dù không có dấu hiệu nào chứng tỏ ông có liên quan, nhưng Machiavelli vẫn bị tống giam và tra tấn. Từ trong tù, ông đã viết hai bài thơ gửi Giuliano de Medici để xin can thiệp nhưng không có kết quả. Tuy nhiên, nhân đợt ân xá khi người chú của Giuliano là Giovanni được bầu làm Giáo hoàng Lêô X vào tháng Ba năm 1513, Machiavelli được tha và ông lui về sống tại một trang trại nhỏ ở quê nhà. Trong thời gian này, ông viết nhiều thư cho người bạn thân là Francesco Vettori, một nhà ngoại giao Firenze được bổ nhiệm giữ chức đại sứ tại thành Roma để nắm bắt thông tin của thế giới bên ngoài và hy vọng Vettori có thể tiến cử ông cho nhà Medici. Trong hoàn cảnh bức bách đó, ông đã viết cuốn Quân vương ("Il Principe"). Tác phẩm này chắt lọc những nhìn nhận của ông về bản tính con người, nghệ thuật lãnh đạo cũng như chính sách ngoại giao. Ông dâng tặng nhà Medici tác phẩm này nhằm chứng tỏ sự tận tâm của mình nhưng không thành công. Cho tới năm 1515, nhà Medici vẫn không để mắt tới ông và sự nghiệp ngoại giao của ông đã chấm dứt.

Trong suốt mười năm sau đó, vì không được tham gia chính sự, Machiavelli chuyển hướng sang sáng tác. Trong giai đoạn này, ông đã viết một tác phẩm về nghệ thuật chiến tranh, đúc rút từ kinh nghiệm của một người tổ chức lực lượng quân đội và một bình luận về tác phẩm của nhà sử học La Mã cổ đại Titus Livius. Thông qua việc xem xét các ghi chép của Livy về nền cộng hòa La Mã, Machiavelli đã luận bàn chi tiết khái niệm chính phủ cộng hòa. Trái ngược với cuốn Quân vương, một tác phẩm ủng hộ nền quân chủ và thậm chí là quân chủ chuyên chế, cuốn Luận bàn về Livy thường được trích dẫn như một bằng chứng về sự nhiệt thành của Machiavelli đối với thể chế cộng hòa. Ông cũng sáng tác thơ ca và ba vở hài kịch.

Các tác phẩm của ông đã thu hút được sự chú ý của Hồng y Giáo chủ Giulio de Medici, người đã nắm quyền ở Firenze một vài năm và nhờ đó, ông đã được giao nhiệm vụ viết về lịch sử của Florence. Ông viết cuốn Lịch sử thành Firenze từ năm 1520 tới năm 1524. Năm 1523, Giulio được bầu làm Giáo hoàng Clêmentê VII và Machiavelli đệ trình cuốn Lịch sử thành Firenze cho giáo hoàng vào năm 1525. Sự giảng hòa với nhà Medici đã giúp Machiavelli được tham gia chính sự trong một thời gian ngắn. Ông được giao trách nhiệm phụ trách các vấn đề quân sự tại Firenze cho Giáo hoàng. Tuy nhiên, Giáo hoàng Clêmentê VII mắc mưu kẻ thù và thành Roma bị quân đội Tin lành của Đức cướp phá. Sự cố này đã khiến cho người dân Florence làm cuộc lật đổ nhà Medici vào năm 1527. Machiavelli, người suốt đời ủng hộ và bảo vệ nền cộng hòa Firenze, lại một lần nữa không gặp may vì bị những người cộng hòa nghi ngờ là cấu kết với nhà Medici. Tuy nhiên, ông không phải tiếp tục chứng kiến định mệnh trớ trêu của mình bởi ông qua đời sau một trận ốm vào tháng 6 năm 1527.

Học thuyết Machiavelli[sửa]

Vở hài kịch "Calandria" được công chúng khen ngợi vì đã đem lại "một cái gì đó thật mới lạ" cho sân khấu. Về hình thức, Machiavelli tiếp thu đề tài Pie; về nội dung thừa kế những tư tưởng của Bocaccio. Vở Mangdragore là một thành công lớn của Machiavelli, được coi như mở ra một hướng mới cho văn học của thời đại mới một tác phẩm sánng chói nhất trong nền kịch Phục hưng ở Italia mà lịch sử gọi là "hài kịch bác học". Machiavelli không đưa những gì là siêu nhiên, may rủi, định mệnh vào trong kịch. Tất cả đều do ý chí, tâm hồn, hành động của con người quyết định. Đó cũng là một trong những quan điểm chính trị của Machiavelli. Ông được coi là nhà lý luận đầu tiên của nền chuyên chính tư sản. Đầu óc phê bình mạnh bạo, tư tưởng duy lý phi tôn giáo, lòng căm ghét bọn quý tộc ăn bám, khát vọng muốn xây dựng nước Italia thành một quốc gia thống nhất, tự do, bình đẳng với một chính quyền mạnh, sử dụng bạo lực để xây dựng trật tự mới. Tư tưởng thể hiện trong tác phẩm văn học, trong các bài chuyên luận chính trị và hành động của Machiavelli được gọi là "Học thuyết Machiavelli" (còn gọi là chủ nghĩa Machiavelli). Friedrich Engels đã nói:

- Machiavelli là một trong những người khổng lồ của thời đại Phục hưng

Machiavelli chủ trương, trong đời sống, đặc biệt trong đấu tranh chính trị:

  • "Nhà vua vừa là chồn cáo, vừa là sư tử."
  • "Con người muốn xứng đáng là một con người phải tiến thẳng vững vàng tới mục đích. Mục đích sẽ chứng minh tính đúng đắn của biện pháp."

Xem thêm[sửa]

Chú thích[sửa]

  1. Moschovitis Group Inc, Christian D. Von Dehsen and Scott L. Harris, Philosophers and religious leaders, (The Oryx Press, 1999), 117.
  2. White, Michael (2007). Machiavelli, A Man Misunderstood. Abacus.. ISBN 978-0-349-11599-3.

Tham khảo[sửa]

Đọc thêm[sửa]

  • Anglo, Sydney, Machiavelli - the First Century: Studies in Enthusiasm, Hostility, and Irrelevance, Oxford University Press, 2005, ISBN 0-19-926776-6, 9780199267767
  • Baron, Hans (1961). "Machiavelli: the Republican Citizen and Author of The Prince". English Historical Review lxxvi (76): 217–253. doi:10.1093/ehr/LXXVI.CCXCIX.217.
  • Bock, Gisela; Quentin Skinner and Maurizio Viroli, ed. (1990). Machiavelli and Republicanism. Cambridge University Press.
  • Constantine, Peter (2007). The Essential Writings of Machiavelli. New York: Random House Modern Library.
  • Donaldson, Peter S. (1989). Machiavelli and Mystery of State. Cambridge University Press.
  • Everdell, William R. (1983, 2000). The End of Kings: A History of Republics and Republicans. University of Chicago Press.
  • Hoeges, Dirk. Niccolò Machiavelli. Dichter-Poeta. Mit sämtlichen Gedichten, deutsch/italienisch. Con tutte le poesie, tedesco/italiano, Reihe: Dialoghi/Dialogues: Literatur und Kultur Italiens und Frankreichs, Band 10, Peter Lang Verlag, Frankfurt/M. u.a. 2006, ISBN 3-631-54669-6.
  • Ingersoll, David E. (December 1968). "The Constant Prince: Private Interests and Public Goals in Machiavelli". Western Political Quarterly (21): 588–596.
  • Magee, Brian (2001). The Story of Philosophy. New York: DK Publishing. 72–73.
  • Marriott, W. K. (2008). The Prince. Red and Black Publishers. ISBN 978-0-934941-003
  • Roger Masters (1996). Machiavelli, Leonardo and the Science of Power. University of Notre Dame Press. ISBN 0-268-01433-7. See also NYT book review.
  • Roger Masters (1998). Fortune is a River: Leonardo Da Vinci and Niccolo Machiavelli's Magnificent Dream to Change the Course of Florentine History. Simon & Schuster. ISBN 0-452-28090-7. Also available in Chinese (ISBN 978-957-2026-11-3), Japanese (ISBN 978-4-02-259758-8), German (ISBN 978-3-471-79402-9), Portuguese (ISBN 978-85-7110-496-9), and Korean (ISBN 978-89-8407-005-9). See also NYT book review.
  • Mattingly, Garrett (Autumn 1958). "Machiavelli's Prince: Political Science or Political Satire?". The American Scholar (27): 482–491.
  • Najemy, John M. (1996). "Baron's Machiavelli and Renaissance Republicanism". American Historical Review 101 (101,1): 119–129. doi:10.2307/2169227.
  • Parel, Anthony (1972). "Introduction: Machiavelli's Method and His Interpreters". The Political Calculus: Essays on Machiavelli's Philosophy. Toronto. 3–28.
  • Pocock, J.G. A.. The Machiavellian Moment: Florentine Political Thought and the Atlantic Republican Tradition. Princeton.
  • Soll, Jacob (2005). Publishing The Prince: History, Reading and the Birth of Political Criticism. University of Michigan Press.
  • Strauss, Leo (1978). Thoughts on Machiavelli. Chicago: University of Chicago Press. ISBN 0226777022.
  • Sullivan, Vickie B., ed. (2000). The Comedy and Tragedy of Machiavelli: Essays on the Literary Works. Yale U. Press.
  • Sullivan, Vickie B. (1996). Machiavelli's Three Romes: Religion, Human Liberty, and Politics Reformed. Northern Illinois University Press.
  • Seung, T. K. (1993). Intuition and Construction: The Foundation of Normative Theory, New Haven: Yale University Press. See pp. 133–43.
  • Stefano Zen, Veritas ecclesiastica e Machiavelli, in Monarchia della verità. Modelli culturali e pedagogia della Controriforma, Napoli, Vivarium, 2002 (La Ricerca Umanistica, 4), pp. 73–111.
  • von Vacano, Diego, "The Art of Power: Machiavelli, Nietzsche and the Making of Aesthetic Political Theory," Lanham MD: Lexington: 2007.
  • Viroli, Maurizio (2000). Niccolò's Smile: A Biography of Machiavelli. Farrar, Straus & Giroux.
  • Whelan, Frederick G. (2004). Hume and Machiavelli: Political Realism and Liberal Thought. Lexington.
  • Wootton, David, ed. (1994). Selected political writings of Niccolò Machiavelli. Indianapolis: Hackett Pubs..
  • Mascia Ferri, L'opinione pubblica e il sovrano in Machiavelli, in «The Lab's Quarterly»,n.2 aprile-giugno,Università di Pisa,2008, pp. 420–433.
  • Giuseppe Leone,"Silone e Machiavelli: una scuola... che non crea prìncipi", Prefazione di Vittoriano Esposito, Centro Studi Ignazio Silone, Pescina, 2003.

Liên kết ngoài[sửa]

Liên kết đến đây