Nuôi cá bống tượng ở miền Bắc
(Nguồn http://www.vietlinh.com.vn- lamvt@vnu.edu.vn sưu tầm)
Nuôi cá bống tượng ở miền Bắc
Sau 6 năm nghiên cứu và đưa vào nuôi thử nghiệm, vừa qua Trung tâm Giống thuỷ sản (Sở Thuỷ sản Hải Phòng) đã chính thức nhân nuôi thành công giống cá bống tượng tại miền Bắc. Theo đánh giá ban đầu, cá hoàn toàn có thể sống, thích nghi và phát triển được trong môi trường nóng, lạnh thất thường của miền Bắc với tốc độ lớn bằng 2/3 so với cá nuôi ở các tỉnh phía Nam...
Ông Nguyễn Văn Đán- Phó Giám đốc Trung tâm Giống thuỷ sản Hải Phòng cho biết, bống tượng là một loài cá thuộc dạng cá dữ thường được nuôi phổ biến ở các tỉnh miền Tây Nam bộ do chúng rất thích nghi với điều kiện nóng ấm quanh năm ở đây. Tuy nhiên, nếu biết cách thay đổi một vài khâu kỹ thuật cho phù hợp thì cá cũng có thể hoàn toàn sống và sinh trưởng được tại miền Bắc.
Kể từ năm 1998, các cán bộ ở Trung tâm đã bắt đầu nhập giống từ miền Nam ra với mục đích nghiên cứu sự thích nghi của cá trong điều kiện khí hậu nhiệt đới lạnh khác gì so với khí hậu miền Nam. Theo ông Đán, ban đầu cá tỏ ra rất thích nghi vào mùa hè, nhưng tới mùa đông nhiều con tỏ ra chậm lớn, thậm chí xuất hiện tình trạng bỏ ăn do thời tiết quá rét. Do đó, để nuôi được cá các cán bộ ở đây đã tiến hành thay đổi cách nuôi theo các bước sau:
Thiết kế ao nuôi
Ao nuôi cá bằng ao đất bình thường, có kè gạch bốn xung quanh thành ao. Đất trong ao tốt nhất là đất sét hoặc đất pha sét để giữ được nước, đảm bảo đất không bị nhiễm phèn, đặc biệt phải thông thoáng... Diện tích ao thông thường rộng 200- 500m2, xây theo hình chữ nhật, chiều dài lớn gấp 3 lần chiều rộng, độ sâu thích hợp 1,5- 2m. Khi xây ao nên bố trí làm thêm các hang hốc nhân tạo cho cá trú ngụ bằng cách xếp đá tạo nhiều kẽ hở. Dưới đáy ao cần tạo một lớp bùn dày khoảng 20cm cho cá chui xuống.
Chăm sóc
Bống tượng là loài cá sử dụng thức ăn hoàn toàn bằng động vật, chủ yếu là các loại cá con, cá nhỏ hay tôm, tép... tuyệt đối không ăn thực vật. Thông thường mỗi ngày cần cho cá ăn một lần với lượng thức ăn bằng 5- 7% so với trọng lượng cơ thể của chúng. Thức ăn phải được băm nhỏ, sạch sẽ không bị nhiễm bệnh.
Chống rét cho cá
Đây là khâu quan trọng nhất trong quá trình nuôi cá tại miền Bắc. Thông thường nếu về mùa hè thì không vấn đề gì, nhưng tới mùa rét (xuất hiện từ tháng 10 năm trước đến tháng 4 năm sau) phải hết sức đề phòng cá bị chết rét. Cách chống rét được các cán bộ ở Trung tâm sử dụng là dùng bạt để che chắn gió lọt vào trong ao hoặc tạo các giá bèo sát bờ tạo thành nơi cho cá trú ngụ...
Cho cá sinh sản
Mùa sinh sản của cá tại miền Bắc thường được bắt đầu từ tháng 4 đến tháng 7, bởi đây là thời kỳ có điều kiện khí hậu thích hợp nhất cho cá. Hiện sau một thời gian thử nghiệm các cán bộ ở Trung tâm Giống thuỷ sản Hải Phòng vẫn đang cho cá bống tượng sinh sản một cách tự nhiên. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Đán, rất có thể trong thời gian tới Trung tâm sẽ chuyển sang phương pháp sinh sản nhân tạo vì nếu để cá sinh sản tự nhiên tỷ lệ hao hụt cá con tương đối nhiều.
Thu hoạch và cải tạo ao nuôi
Khi cá đạt trọng lượng trung bình mỗi con từ 0,3- 0,5kg/con thì bắt đầu thu hoạch. Nếu muốn bắt cá dễ dàng phải tát cạn hết nước ở trong ao, tránh tình trạng cáá có thể chui xuống bùn. Sau khi thu hoạch, phải tiến hành cải tạo ao theo các bước, bắt hết cá dữ còn sót lại trong ao. 10 ngày trước khi nuôi tiếp vụ khác phải tu sửa lại bờ ao cho chắc chắn, nạo vét bùn không để dày quá 20cm, dọn sạch cỏ xung quanh ao. Tiếp đó, dùng vôi bột để phòng bệnh cho cá với liều lượng 7- 10kg/1.000m2, đối với ao nhiễm phèn nặng thì phải cao hơn, đồng thời kết hợp bón bổ sung thêm phân chuồng vào ao theo tỷ lệ 30- 40 kg/1.000m2 .
Liệu nông dân miền Bắc có thể nuôi cá?
Bống tượng là loài cá có giá trị kinh tế rất cao với giá bán lên tới 70.000- 120.000 đồng/kg, vì thế ông Đán khẳng định người nông dân ở miền Bắc hoàn toàn có thể nuôi được, nhưng chi phí đầu tư tương đối lớn. Với 100 con đang được nhân nuôi hiện nay trong thời gian tới trung tâm sẽ tiếp tục mở rộng số lượng con giống để giúp bà con đưa vào nuôi thả đại trà.