Phát biểu trước đám đông

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Ai trong đời cũng có những lúc phải vận dụng kỹ năng phát biểu trước đám đông. Bạn thử tưởng tượng vào thời khắc quan trọng đó, bạn bước lên khán đài với trang phục chỉnh chu, toàn khán phòng hoàn toàn yên lặng để chuẩn bị nghe bạn phát biểu. Bạn có thể làm gì để bài phát biểu của mình thật sự hiệu quả, sau đây là một số bước để bạn tham khảo.

Các bước[sửa]

  1. Viết bài diễn văn. Viết ra những chi tiết nhỏ về mọi vấn đề bạn định đưa vào bài nói. Bạn phải nói về một đề tài cụ thể nào đó hay được toàn quyền lựa chọn? Hãy nghiên cứu kỹ về đề tài và tìm ra tất cả các điểm thú vị để đưa vào bài nói, nhớ bổ sung thêm các hiệu ứng đặc biệt. Để khán giả có thời gian suy nghĩ! Bạn nên đưa vào các khoảng dừng vì sẽ có những điểm mà khán giả thật sự cần thời gian suy nghĩ về nó, chẳng hạn một trải nghiệm xa xưa, tìm câu trả lời hay ý kiến đóng góp. Viết ra những câu hay đoạn văn giúp khán giả mường tượng ra điều gì đó. Để làm điều này có hai cách nói bạn nên sử dụng, đó là "Thử tưởng tượng xem..." hoặc "Chuyện gì xảy ra nếu...". Có lẽ bạn nên đưa vào bài diễn văn một ít khiếu hài hước, bằng cách thỉnh thoảng chêm vào một câu nói đùa để lôi cuốn người nghe hơn.
  2. Đọc lại bài diễn văn. Bạn phải chắc chắn không có vấn đề gì khiến mình cảm thấy ngượng khi phải nói ra, hoặc không thấy tự tin về cách phát âm. Bạn cũng không nên dùng những từ mà mình không thật sự hiểu ý nghĩa của nó, để tránh dùng sai từ hoặc biểu hiện tình cảm không đúng những gì đang nói. Bên cạnh đó, việc dùng quá nhiều từ mà khán giả không hiểu cũng khiến họ không quan tâm đến bài phát biểu, bạn nên nhớ họ sẽ hứng thú hơn nếu hiểu bạn nói gì. Viết diễn văn cũng tương tự viết bài luận ở trường, ngữ pháp, chính tả, chấm câu và v.v...đều là các điểm phải quan tâm. Chỉ cần một nhầm lẫn nhỏ cũng làm bạn rối tung. Sau cùng bạn nên nhờ một hoặc hai người bạn đọc qua bài viết của mình. Yêu cầu họ cho ý kiến cải thiện và đặt câu hỏi để xem họ có hiểu nội dung chính của bài nói về gì không. Đánh giá xem họ có thật sự thu nhặt được kiến thức gì không. Sau đó bạn hoàn chỉnh bài viết lần cuối bằng tất cả nhận xét và ý kiến của họ.
  3. Nhớ tập nói trước ở nhà nếu bạn thấy lo lắng. Càng cảm thấy an tâm trước thời điểm quan trọng thì khi đó bạn càng bớt hồi hộp. Nếu chẳng may đám đông không chấp nhận bài nói của bạn thì cũng xem như đó chính là căn phòng nhà mình (hay nơi trước đó đã tập nói) và bài phát biểu chính là lần tập dượt cuối cùng.
  4. Là chính mình. Không viết theo cách rập khuôn mà mọi người thường nói chỉ để gây ấn tượng. Bạn nên đưa vào bài viết điều gì đó phản ánh được "Đây chính là tôi, bài diễn văn của tôi, không giống của bất kì ai ngoài kia". Càng là "chính mình" thì bạn càng có ít việc phải làm, nghĩa là bạn sẽ bớt phải lo lắng.
  5. Viết các mảnh giấy ghi chú. Sử dụng giấy ghi chú dễ dàng hơn nhiều so với dò tìm trong toàn bài viết, khi bạn không thể nhớ điểm tiếp theo cần nói. Không nên viết quá nhiều trên một mảnh giấy. Thông thường bạn chỉ nên viết một điểm nội dung trên một tờ ghi chú, nhưng nếu có quá nhiều thông tin thì bạn có thể dùng hai hay ba tờ, làm sao để bạn bớt phải dò tìm thông tin khi nói. Không viết một câu toàn vẹn mà chỉ nên viết vắn tắt hay gợi ý đơn giản để bạn nhớ phải nói đến đâu. Cách này cũng giúp bạn giữ giao tiếp bằng mắt với khán giả.
  6. Khi tới thời điểm chuẩn bị lên khán đài, bạn nên dành chút thời gian hít thở sâu. Không chỉ hít vào thở ra trong một giây, mà bạn cần hít vào trong 10 giây rồi cũng thở ra trong 10 giây, và thở làm sao để bụng phình ra nhưng hai vai không đẩy lên. Nếu lần thứ nhất chưa thấy hiệu quả thì bạn có thể làm lại thêm vài lần cho đến khi thấy thả lỏng và sẵn sàng. Chỉ riêng việc thở như vậy cũng giúp bạn hết hồi hộp để chuẩn bị phát biểu.
  7. Tìm trong đám đông một người bạn hay người thân trong gia đình. Lấy họ làm động lực để trở thành một diễn giả hay nhất. Nếu không thể tìm ra thì bạn cũng nên nhớ họ đang ở đâu đó và nhìn thấy bạn cho dù bạn không thấy họ.
  8. Bắt đầu nói. Phải luôn nhắc nhở mình nói c h ậ m thôi! Nếu bạn nghĩ mình nói quá chậm thì hóa ra lại hoàn hảo. Nếu bạn nghĩ tốc độ đó là vừa phải thì thật sự lại quá nhanh để người khác nghe kịp. Phát âm rõ từng từ! Khán giả sẽ thấy rất buồn cười khi một từ nào đó vô tình mang ý nghĩa hoàn toàn sai chủ đề bạn muốn nói vì bạn không phát âm đúng, nhưng với bạn thì chẳng vui tí nào! Bạn phải ghi nhớ điều này khi nói. Thông thường sau khi nói xong một đoạn, bạn bắt đầu nhận ra "Mình làm tốt đấy chứ!" và khi đó bạn có thể tiếp tục nói dễ dàng hơn. Nếu đến lúc này vẫn chưa cảm thấy nhập cuộc tốt lắm thì bạn ráng kiên nhẫn thêm.
  9. Nhớ đưa cảm xúc vào bài diễn văn. Khi nghe ai đó phát biểu với giọng đều đều giống như đang đọc một bài viết, bạn thật sự lắng nghe họ bao nhiêu phần trăm? Rất nhàm chán! Cứ tưởng tượng như mình là một diễn viên điện ảnh, và mọi người đang xem những gì bạn diễn, còn bạn muốn kiếm thật nhiều tiền để không mất việc. Nếu có thể bạn nên đi qua lại và sử dụng cử chỉ tay, còn muốn khai thác sâu hơn khía cạnh này, bạn vừa nói vừa dùng ngôn ngữ cơ thể mô phỏng cho ý của mình. Cách này sẽ giúp bạn lôi kéo được sự chú ý của khán giả. Trong khi nói bạn nên ngừng lại đặt câu hỏi cho một khán giả để lấy ý kiến của họ về nội dung bạn sắp nói, sau đó chứng minh họ đúng hay sai. Cố gắng lấy ý kiến từ ai đó dường như đang xao nhãng để lấy lại sự chú ý của họ. Một số khán giả bắt đầu lắng nghe và nghĩ "rất hay", "đúng đó", hoặc nếu họ vui tính hơn thì sẽ nói "Ha ha! Cậu sai rồi!" Điều đó chứng tỏ mọi người đang lắng nghe. Bạn phải đặt câu hỏi và xen vào các khoảng nghỉ, hoặc làm mọi thứ để khiến khán giả phải suy nghĩ! Nhớ giữ giao tiếp bằng mắt với toàn bộ khán giả (hoặc nhìn thẳng lên trên đám đông nếu không muốn nhìn trực tiếp vào họ).
  10. Bạn hãy vui vẻ thưởng thức bài diễn thuyết của mình. Nếu chính bạn không thích buổi nói đó thì khán giả cũng không muốn nghe. Niềm vui sẽ thể hiện trong chính lời nói của bạn, khán giả có thể nhận ra điều đó và vui theo bạn.

Lời khuyên[sửa]

  • Tươi cười.
  • Hiểu những gì bạn đang nói.
  • Nếu đám đông không giữ im lặng, bạn hít thở sâu để trấn an và nói lớn hơn, điều này cần thiết khi bạn phải nói trước rất nhiều người.
  • Tự tin và năng động ở mức độ phù hợp để mang lại niềm vui cho tất cả mọi người.
  • Tin tưởng chính mình!
  • Thể hiện cá tính.
  • Nói chậm rãi!
  • Luyện tập. Tập nói với số lượng khán giả nhỏ để tăng tự tin và cải thiện kỹ năng truyền đạt.
  • Tìm hiểu trước đối tượng khán giả để chọn lựa từ ngữ phù hợp.
  • Thể hiện cảm xúc.
  • Nếu bạn nói nhầm điều gì đó thì không nên quay trở lại để đính chính vấn đề, mà hãy xem như nó là một phần của bài diễn thuyết.

Cảnh báo[sửa]

  • Nếu bạn vô tình nhầm lẫn điều gì thì cũng không được hành động như thể tận thế, mà hãy xem như chỉ mình bạn nhận ra.
  • Không bi quan về bản thân hay bài diễn văn của bạn.
  • Không quá cố gắng để tìm ý tưởng cho bài viết, nếu không thể nghĩ ra nên viết thế nào thì hãy nghỉ ngơi một lúc.

Những thứ bạn cần[sửa]

  • Bút chì
  • Giấy
  • Bạn bè/gia đình
  • Sách hướng dẫn
  • Năng lượng và sự tự tin