Phê bình mang tính xây dựng

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm
Chia sẻ lên facebook Chia sẻ lên twitter In trang này

Nghệ thuật góp ý phê bình mang lại động lực để một người trưởng thành hơn và không cảm thấy khó chịu, xấu hổ khi bị phê bình. Phê bình mang tính xây dựng giúp đối phương cải thiện hành vi và tránh đổ lỗi, chỉ trích cũng như công kích cá nhân.[1] Lời phê bình mang tính xây dựng cần phải có tính tích cực và tập trung vào mục tiêu rõ ràng, khả thi.

Các bước[sửa]

Đưa ra Phê bình mang tính Xây dựng[sửa]

  1. Chú ý sự khác biệt giữa phê bình mang tính xây dựng và phê bình mang tính phá hoại. Phê bình mang tính xây dựng giúp cải thiện hành vi của một người, khuyến khích họ thay đổi tích cực. Trong khi đó, phê bình mang tính phá hoại lại chỉ trích và làm người đó nản lòng.
    • Phê bình mang tính phá hoại hạ thấp phẩm giá, làm mất uy tín, và làm tổn thương người khác.
    • Trái lại, phê bình mang tính xây dựng giúp cải thiện một hành vi nào đó mà không gây ra sự công kích cá nhân. Lòng tự trọng của họ sẽ không bị tổn thương.
  2. Có thiện chí. Lý do bạn phê bình công việc hoặc hành vi của một ai đó ảnh hưởng tới cách bạn đưa ra bình luận. Nếu bạn có một lý do không thể nói ra ngoài việc muốn giúp một ai đó hoàn thiện hơn, thì nhìn bề ngoài điều đó lại mang tính tiêu cực. Suy ngẫm xem liệu lời phê bình mà bạn dự định muốn truyền đạt có thực sự hữu ích.[1]
    • Thiện chí không phải lúc nào cũng nhận được phản hồi tích cực. Ví dụ, nếu bạn có một người bạn gần đây đã tăng cân rất nhiều từ lần cuối gặp nhau, việc bạn khuyên cô ấy nên giảm cân vì sức khỏe có thể sẽ nghe không lọt tai, và thực tế thì, cô ấy có thể sẽ cảm thấy bị tổn thương. Phê bình là một trong những việc mà ý định lại không quan trọng bằng điều bạn thực sự nói và làm.
    • Thay vì hành động theo cơn bốc đồng, hãy suy nghĩ chín chắn và tự hỏi chính mình liệu mọi chuyện sẽ ra sao nếu bạn nói với một ai đó điều mà bạn đang nghĩ. Liệu bạn có chọn đúng từ ngữ không? Còn các vấn đề chính trị xã hội tiềm ẩn sẽ tác động đến họ như thế nào? Cách phê bình đó có hợp với bản thân bạn không? Ví dụ, nếu muốn phê bình một người bạn về cân nặng của cô ấy và bạn bẩm sinh đã có vóc dáng thon gọn, hãy nghĩ tới việc liệu cô ấy sẽ cảm thấy như thế nào khi nhận được ý kiến từ bạn vì bạn là người chưa từng gặp khó khăn để giảm cân hoặc chưa từng trải qua sự phân biệt dựa trên vấn đề cân nặng.
  3. Liệu lời phê bình có lý do chính đáng không? Nếu một ai đó muốn nhận được ý kiến phản hồi từ bạn và sẵn lòng muốn thay đổi, thì phê bình mang tính xây dựng hoàn toàn có lý do chính đáng. Liệu nó có mang lại tác động tích cực đến cuộc sống của họ không? [2]
    • Phê bình không mong đợi có thể làm người khác tổn thương. Nếu vấn đề không quan trọng lắm, chẳng hạn như trường hợp bạn không thích tủ quần áo của người bạn bởi vì cô ấy mặc quá nhiều đồ màu hồng và bạn muốn nói thẳng với cô ấy, nhưng tốt nhất là bạn đừng nói gì hết…nếu bạn cảm thấy tình cảnh này không thích hợp để đưa ra lời phê bình hoặc làm tổn thương cô ấy ở một mức độ nào đó. Điều quan trọng là nên dùng việc phê bình như một phương pháp để giúp đỡ người khác, chứ không phải giúp bản thân bạn hay là muốn người khác phải nghe theo ý kiến của bạn.
  4. Quyết định xem bạn có phải là người có quyền để phê bình. Nếu bạn có địa vị, quyền hạn hoặc một ai đó đã thẳng thắn hỏi ý kiến của bạn, thì bạn hoàn toàn có thể đưa ra phê bình mang tính xây dựng.[3]
    • Ví dụ, nếu bạn điều hành một công ty và đến lúc đánh giá nhân viên hàng quý, thì bạn cần đánh giá năng lực làm việc của các nhân viên và thảo luận chiến lược để cải thiện hoạt động của công ty nếu bạn tin rằng vẫn có khả năng để phát triển.
  5. Chọn thời gian và địa điểm. Điều quan trọng là cần chọn thời gian và địa điểm thích hợp, yên tĩnh để đưa ra lời phê bình khi không có ai bởi vì việc bị người khác phê bình trước đám đông thực sự rất căng thẳng. Ví dụ, thật là một ý tưởng tồi khi đưa ra đánh giá năng lực của mỗi nhân viên trước đồng nghiệp của họ trong cuộc họp toàn thể nhân viên trong công ty.
    • Lên lịch để gặp người mà bạn muốn phê bình. Sắp xếp không gian gặp gỡ riêng tư, an toàn, tương tự như văn phòng làm việc. Buổi gặp gỡ cần có thời gian đầy đủ để trò chuyện trong trường hợp đối phương muốn hỏi một số câu hỏi và muốn phản hồi lại bình luận của bạn. Điều quan trọng là không nên thúc ép, nóng vội khi gặp mặt để đối phương cảm thấy họ được yêu quý và được tôn trọng, không hề bị bỏ rơi và cô lập.
    • Môi trường mà bạn trò chuyện nên mang tính trung lập và dễ chịu. Nếu bạn đang tâm sự với người bạn yêu thương, thì tốt hơn là nên ra khỏi nhà để đi dạo cùng nhau, hoặc lái xe đến nơi mà cả hai đều thích.
    • Nếu bạn đang nói chuyện với một đồng nghiệp hoặc một sinh viên, thì nên gặp nhau ở phòng họp hoặc một không gian mang tính trung lập nơi bạn có một ít riêng tư.

Đề xuất Phê bình mang tính Xây dựng[sửa]

  1. Bắt đầu tích cực. Bạn luôn có thể nói về một điều gì đó tích cực khi đưa ra phê bình mang tính xây dựng, thậm chí nếu đó chỉ là nổ lực mà đối phương đã thể hiện. Hãy bắt đầu thể hiện sự đánh giá cao bạn dành cho tính chân thật và trung thực (thậm chí bạn có thể lặp lại thế này “Cảm ơn vì đã cố gắng x,y, và z…”) để khiến đối phương cảm thấy họ được quý trọng. Sau đó, tiếp tục đưa ra phê bình mang tính xây dựng.[4]
    • Bất cứ khi nào bạn yêu cầu một ai đó thay đổi, thì nên khởi đầu một cách tích cực. Điều này cũng sẽ mang lại quá trình và kết quả tốt đẹp.[5]
  2. Không đặt tình cảm cá nhân vào việc này. Nếu bạn đang đưa ra bình luận về một vấn đề cá nhân, thì khả năng là bạn sẽ cảm thấy xúc động. Nếu tỏ ra tức giận và thất vọng, thì ngôn ngữ cơ thể và giọng điệu của bạn sẽ khiến đối phương ở thế phòng ngự, che giấu tình trạng và thường hiếm khi cân nhắc đến lời phê bình mà bạn đưa ra.
    • Giữ bình tĩnh. Bạn có thể cảm thấy lo lắng khi đưa ra nhận xét và khó lòng dự đoán được phản ứng của đối phương. Duy trì tư thế cân bằng bằng cách tóm tắt lại những điểm chính và luôn ghi nhớ mục đích. Nếu cảm xúc căng thẳng gia tăng, thì hãy kết thúc buổi nói chuyện. Bắt đầu lại lúc khác khi bạn đã bình tĩnh.[4]
  3. Mỉm cười và sử dụng ngôn ngữ cơ thể thân thiện. Để đối phương biết rằng bạn đồng cảm với họ. Điều này sẽ giúp bạn cảm thấy dễ chịu hơn, và cho họ biết rằng bạn cũng đã từng trải nghiệm việc này.
    • Duy trì giao tiếp bằng mắt ổn định mà không tỏ ra xem thường đối phương.
    • Giữ cơ thể thoải mái bằng cách không bắt chéo chân hoặc khoanh tay. Việc bắt chéo tay chân thật chặt cho thấy bạn đang cảm thấy ngột ngạt hoặc tức giận. Thay vì thế, khi cơ thể cởi mở hơn thì bạn sẽ có cơ hội để bàn bạc và trò chuyện với đối phương thoải mái.
  4. Chú ý tới giọng điệu. Giữ cho giọng nói được điềm đạm và thân thiện. Giọng điệu của bạn có thể truyền đạt nhiều điều và đôi khi còn có hiệu lực hơn từ ngữ bạn dùng. [6]
    • Tránh lên giọng hoặc nói đứt quãng. Bạn nên nói với người mà bạn sẽ phê bình bằng giọng điệu mà bạn cảm thấy thoải mái khi nghe nếu tình huống đảo ngược.
  5. Tránh ngôn ngữ tiêu cực, chỉ trích và công kích người khác. Điều này sẽ làm giảm nguy cơ mà người bị phê bình sẽ phản ứng theo thế phòng thủ hoặc nổi giận.[1]
    • Tránh ngôn ngữ cay nghiệt, định giá người khác, chẳng hạn "bạn sai rồi" và "ý kiến của bạn thật là ngu ngốc."
    • Diễn đạt lời phê bình bằng câu bắt đầu với "Tôi" để bày tỏ từ trải nghiệm của bản thân và cũng thể hiện rằng hành động của đối phương đang ảnh hưởng tới bạn hoặc hoàn cảnh của bạn ra sao. Ví dụ, "Tôi nghĩ là bài báo cáo này nên được cải thiện. Tôi đã muốn nhìn thấy một bài thảo luận những ý chính rõ ràng hơn để chúng ta có thể hiểu rõ hơn về mục đích mà ta cần hướng tới".[7]
    • Tránh câu bắt đầu với "bạn" trực tiếp chỉ trích cá nhân bị phê bình. Ví dụ, thay vì nói là "Bạn viết bài báo cáo thất bại trong việc truyền đạt ý chính hiệu quả", hãy thử nói như thế này "Bài báo cáo này đáng lẽ ra nên trình bày các ý chính cụ thể hơn".
  6. Hãy cụ thể. Thông tin phản hồi càng tỉ mỉ, chính xác thì nó càng có ý nghĩa thực tiễn hơn đối với người nghe. Tập trung vào những điểm chính mà trái ngược với ý kiến riêng của bạn. Chỉ nói với đối phương là bạn không thích một vài điểm không khả thi nào đó. Thay vì vậy, hãy chia nhỏ thông tin phản hồi thành nhiều ý quan trọng và đưa ra một vài ví dụ cụ thể liên quan tới mỗi ý để đối phương biết cách tiếp tục hành động.[1] Dưới đây là một ví dụ tham khảo:
    • Một nhân viên chỉ vừa hoàn thành bài báo cáo về một số nhà hàng mới ở thành phố của bạn. Bạn đã đọc qua bài báo cáo và bình luận thế này "Có cố gắng nhưng tôi thấy không thú vị. Hãy viết lại nhé". Việc một ai đó "thích" hoặc "không thích" một điều gì đó thì mang tính chủ quan và không chỉ ra một tiêu chuẩn cụ thể, có thể khiến người khác thấy khó lòng mà hiểu được điều cần làm để cải thiện. Thay vì vậy, hãy xác định vấn đề chính nằm ở đâu trong lời phê bình của bạn và đưa ra một vài ví dụ cụ thể như thế này: "Có nổ lực khi tìm ra thông tin của những nhà hàng này, nhưng phần mô tả về nhà hàng nên cẩn thận, tỉ mỉ hơn. Hãy bổ sung bài báo cáo với thông tin về các món ăn mà nhà hàng phục vụ, món ngon nổi tiếng nhất, và vị trí nhà hàng".[8]
  7. Khuyến khích sự tự phê bình. Trong một số trường hợp, có vẻ hay hơn nếu bạn để đối phương tự đưa ra giải pháp riêng của họ trước khi bạn đề xuất ý kiến về điều nên làm.[7]
    • Một khi bạn đã trình bày lời phê bình, thì hãy hỏi đối phương xem họ nghĩ điều đó nên được thực hiện như thế nào. Cách này có khả năng giúp đối phương cảm thấy họ hữu dụng và có năng lực.
  8. Tập trung vào hành động, không phải con người họ. Suy nghĩ cẩn thận trước khi phê bình diện mạo hoặc tính cách của một ai đó; điều này hầu như chắc chắn sẽ gây ra cảm giác bị tổn thương.[9] Tuy nhiên, nếu bạn thật sự cảm thấy cần phải đưa ra bình luận về một vấn đề cá nhân, thì hãy cố gắng tách đối phương ra khỏi tình huống. Nhận xét vấn đề chứ không phải cá nhân họ. (ví dụ, nên nói "bài báo cáo nộp trễ" chứ không nói "bạn quá chậm chạp".[10] Tham khảo một vài ví dụ chi tiết dưới đây:
    • Đưa ra bình luận về phong cách cá nhân – Thay vì nói, "Quần áo của bạn trông thật nhàm chán và chúng khiến bạn trông như người lỗi thời", nói thế chẳng khác gì là bạn đang công kích cá nhân họ, hãy thử nhận xét tình huống chứ không phải con người họ. Ví dụ, nên nói "Quần áo mà tôi thấy bạn mặc có vẻ như là xu hướng cũ lắm rồi. Trong khi không có gì bất ổn khi mặc thế, nhưng kiểu quần áo như thế này có thể khiến một người trông già hơn hẳn".[3]
    • Đưa ra bình luận về tính cách cá nhân - Thay vì nói, "Bạn thật là khó chịu và tôi thực sự thấy khó khăn khi làm việc với bạn", nói như thế khiến người khác bị tổn thương và không mang tính xây dựng, hãy thử chuyển nó thành lời bình luận có tính xây dựng bằng cách để đối phương biết được hành vi của họ ảnh hưởng tới bạn ra sao. Ví dụ, nên nói "Đôi khi tôi thấy tổn thương bởi những bình luận tiêu cực của bạn, chẵng hạn như bình luận về hình xăm mới của tôi. Tôi hiểu không phải tất cả mọi người đều thích xăm mình nhưng lời bình luận như thế về hình xăm này đã khiến tôi thất vọng và buồn lòng".
  9. Đưa ra thông tin phản hồi có ích. Bạn muốn giúp đối phương thay đổi tích cực; điều này có nghĩa là bạn cần chỉ ra những điều mà đối phương có thể làm, hơn là điều nằm ngoài khả năng của họ. Nói về điều mà đối phương có thể làm giúp cho lời phê bình mang tính xây dựng và sẽ tiếp thêm sức lực cho họ; còn nếu bình luận về điều nằm ngoài khả năng của họ sẽ chỉ khiến đối phương cảm thấy buồn lòng bởi vì họ không thể làm gì để cải thiện tình huống, thậm chí khi họ muốn làm gì đó.[3]
    • Ví dụ, bạn có một người bạn vừa mở cửa hàng kinh doanh và ký hợp đồng thuê một khu vực có lưu lượng khách bộ hành ở mức vừa phải trong vòng 12 tháng. Sau đó cô ấy xin lời khuyên của bạn về cách để quảng bá thông tin về cửa hàng và thu hút lưu lượng khách bộ hành nhiều hơn. Việc bảo cô ấy "thay đổi vị trí cửa hàng" sẽ không giúp ích được gì bởi vì cô ấy không thể làm thế khi đã ký hợp đồng thuê. Lời khuyên mang tính xây dựng sẽ đề nghị cô ấy cân nhắc thay đổi vị trí cửa hàng trong 1 năm kế nhưng trong khoảng thời gian đó thì cô ấy có thể đưa ra khuyến mãi hấp dẫn cho dịp "khai trương" hoặc triển khai chiến dịch quảng bá trên các phương tiện thông tin đại chúng.
  10. Không nên nói quá nhiều cùng một lúc. Bạn sẽ không muốn áp đảo đối phương với quá nhiều thông tin. Thậm chí nếu lời phê bình được diễn đạt bằng lời lẽ mang tính tích cực, thì nó cũng bắt đầu như thể bạn có một danh sách dài những vấn đề muốn nói với đối phương, và thậm chí cuộc đối thoại sẽ mang lại cảm giác tiêu cực.[9]
    • Giới hạn phê bình một vài vấn đề có tính khả thi trong cuộc thảo luận. Người ta chỉ có thể tiếp thu và xử lý vừa đủ thông tin phản hồi cùng một lúc. Nếu bạn muốn chỉ ra nhiều vấn đề hơn, thì hãy đề cập đến chúng trong một cuộc thảo luận khác.[9]
  11. Biết lúc ngừng phê bình. Sau khi bạn đưa ra lời phê bình có tính xây dựng về một vấn đề nào đó một hoặc hai lần, thì có thể là bạn đã nói đủ ý. Việc nhai đi nhai lại một vấn đề nhiều lần sẽ không hữu ích, và có thể khiến người bị phê bình cảm thấy khó chịu. Chú tâm đến một vài gợi ý cho thấy đối phương đã cảm thấy quá đủ, và không nên nói gì thêm cho tới khi họ yêu cầu bạn đưa ra ý kiến.
  12. Duy trì mối quan hệ. Thăm hỏi, liên lạc đối phương sau buổi tư vấn và đánh giá tiến độ mà họ đạt được. Cuộc trò chuyện sau đó về các vấn đề mà bạn đã phê bình nên tập trung vào sự tiến bộ mà đối phương đã thực hiện. Thảo luận về những bước cụ thể mà đối phương đã làm để đạt được mục đích mà bạn đặt ra và khen ngợi sự tiến bộ của họ. Ghi nhận và khen ngợi sự thành công của đối phương sẽ khuyến khích họ tiếp tục làm tốt và giúp họ cảm thấy mình được yêu quý và được tôn trọng.
    • Đảm bảo bạn đưa ra lời khen cụ thể. Ví dụ, không chỉ nói "Tôi thật sự rất thích cách bạn hoàn thành bài báo cáo lần này". Thay vì thế, hãy thử nói cụ thể hơn, như thế này "Cảm ơn bạn vì đã làm việc chăm chỉ để hoàn thành bài báo cáo tuần này. Bạn rất giỏi khi phát hiện một vài lỗi đánh máy trong mục tham khảo - nếu mà bạn không phát hiện ra chúng, thì khả năng là sẽ ảnh hưởng xấu tới bộ mặt của công ty trong cuộc họp tuần này".[5]

Chèn Lời phê bình[sửa]

  1. Bắt đầu nói về điểm mạnh. Nói cho đối phương biết điều bạn thích về chủ đề đang được bàn đến. Ví dụ, nếu một nhân viên đã hoàn thành một thông báo, thì bạn nên chia sẻ với họ một vài điểm tích cực mà họ đạt được. Điều này quan trọng bởi vì bạn đang cho đối phương biết rằng bạn ủng hộ họ và đây không phải là một lời chỉ trích.
    • Khởi đầu một cách tích cực cũng giúp bạn nhận ra điều mà đối phương đang làm tốt và tạo cho họ sự động viên mạnh mẽ, thay vì chỉ nói về những phương diện cần cải thiện. Việc chỉ tập trung vào sai sót gặp phải thể hiện tính thiếu nhạy cảm và bất lịch sự và còn khiến đối phương ít có thiện chí lắng nghe lời phê bình mang tính xây dựng hơn.[3]
  2. Đưa ra phê bình. Thông báo cho họ biết điều nào không tốt trong vấn đề đang được nói đến và xác định ý chính cần được cải thiện.[3]
  3. Trở lại điểm tích cực. Nói tóm lại những bình luận tích cực mà lúc đầu bạn nói và cũng đề cập tới kết quả tốt sẽ đạt được khi lời phê bình được xem xét và chỉnh sữa cho đúng. Kết thúc cuộc trò chuyện bằng cách này giúp đối phương cảm thấy họ được coi trọng, hơn là cảm thấy mất tự tin. Điều này cũng nhắc nhở đối phương nhớ lại điều mà họ đang làm tốt và lợi ích của việc hành động dựa trên lời phê bình một cách hiệu quả.[3]
    • Cách này được gọi là phương pháp chèn lời phê bình, giống như bánh mì kẹp, bởi vì bạn chèn lời phê bình giữa phần mở đầu tích cực và phần kết – giống như nhân chả kẹp giữa hai miếng bánh.
    • Đây là ví dụ cho phương pháp chèn lời phê bình hiệu quả: "Bạn làm rất tốt trong phần đầu của bài báo cáo, nhưng phần giữa nên tập trung một chút. Cũng có một vài lỗi đánh máy nhé. Nếu bạn chăm chỉ hơn, thì tôi chắc rằng bạn có thể nổi bật với bài báo cáo xuất sắc!"[10]

Lời khuyên[sửa]

  • Một quyển sách kinh điển có thể hữu ích cho bạn chính là How to Make Friends and Influence People của tác giả Dale Carnegie. Phần thứ tư của quyển sách đề cập đến cách để thay đổi hành vi của người khác mà không xúc phạm họ hoặc gây ra sự oán giận.
  • Hãy đối xử với người khác theo cách mà bạn muốn nhận được. Không nên nói một điều gì đó với người khác mà điều đó sẽ khiến bạn thất vọng hoặc cảm thấy tệ hại nếu như một ai đó nói như thế với bạn.

Nguồn và Trích dẫn[sửa]

Liên kết đến đây

Chia sẻ lên facebook Chia sẻ lên twitter In trang này