Ngừng phán xét và chỉ trích người khác

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm
Chia sẻ lên facebook Chia sẻ lên twitter In trang này

Sở hữu tư duy thích phê phán hoặc chỉ trích sẽ gây căng thẳng cho công việc và mối quan hệ cá nhân của bạn, nhưng có thể sẽ khó để bạn thay đổi cách suy nghĩ của mình. Giảm thiểu tính phán xét hoặc phê bình đòi hỏi phải có thời gian và luyện tập, nhưng có một vài phương pháp sẽ giúp bạn thay đổi quan điểm. Ví dụ, bạn có thể hướng dẫn bản thân cách để thách thức suy nghĩ có tính phê phán, tập trung vào điểm mạnh của người khác, và tìm hiểu cách để trình bày sự phê bình mang tính xây dựng hơn là khắc khe và tiêu cực. Sau một thời gian, bạn sẽ nhận thấy bản thân trở nên trân trọng và khích lệ người khác nhiều hơn là phán xét và chỉ trích họ.

Các bước[sửa]

Phát triển tư duy ít phê phán hơn[sửa]

  1. Ngừng lại khi bạn bắt đầu hình thành suy nghĩ mang tính phán xét. Loại suy nghĩ này thường sẽ tự động xuất hiện, vì vậy, đôi khi, bạn cần phải tìm hiểu cách để kiềm hãm nó. Bạn nên cố gắng chú ý nhiều hơn đến ý nghĩ có tính phê phán của mình và ngừng lại để nghiên cứu về chúng khi chúng xuất hiện hơn.[1]
    • Khi bạn nhận thức rằng bạn đang có tư tưởng chỉ trích, điều đầu tiên mà bạn cần thực hiện đó là nhìn nhận nó. Ví dụ, nếu bạn đang nghĩ “Mình không thể tin cô ấy cho phép con của mình rời khỏi nhà như vậy”, bạn nên ngừng lại và thừa nhận rằng bạn đang phán xét người khác.
  2. Thách thức tư duy phê phán. Một khi bạn đã xác định rõ tư tưởng phán xét và phê bình của bản thân, bạn cần phải thách thức nó. Bạn có thể thực hiện điều này bằng cách suy nghĩ về sự giả định mà bạn dành cho người khác.[1]
    • Ví dụ, khi bạn đang nghĩ theo kiểu “Mình không thể tin cô ấy cho phép con của mình rời khỏi nhà như vậy”, bạn đang giả định người phụ nữ đó là người mẹ tồi tệ hoặc cô ấy không quan tâm đến con của mình. Tuy nhiên, sự thật có thể là người mẹ đó đã phải trải qua một buổi sáng vô cùng bận rộn, và cô ấy cảm thấy xấu hổ vì con mình đang mặc một chiếc áo sơ mi bẩn hoặc tóc tai của chúng thật lộn xộn.
  3. Cố gắng thông cảm. Sau khi bạn đã xem xét giả định của bạn về tình huống, bạn cần phải tìm cách để trở nên thông cảm với người mà bạn đang phán xét. Bạn nên cố gắng bào chữa cho hành vi của họ.[1]
    • Ví dụ, bạn có thể biện hộ cho người mẹ có đứa con bê bối bằng cách tự nhủ “Nuôi con không phải là chuyện dễ dàng và đôi khi, mọi chuyện không diễn ra như kế hoạch. Khi con của mình rời khỏi nhà với một chiếc áo sơ mi bẩn (hoặc khi mình rời khỏi nhà với chiếc áo lấm lem), mình biết rằng mình đang phải trải qua khoảng thời gian khó khăn”.
  4. Xác định điểm mạnh của người khác. Tập trung vào yếu tố mà bạn thích hoặc yêu mến ở người khác sẽ giúp bạn tránh phán xét một cách vội vàng và thay vào đó là trân trọng người đó hơn. Cố gắng suy nghĩ về phẩm chất mà bạn ngưỡng mộ của mọi người trong cuộc sống để ngăn bản thân chỉ trích họ.[1]
    • Ví dụ, bạn có thể nhắc nhở bản thân rằng đồng nghiệp của bạn là người tử tế và luôn lắng nghe khi bạn nói. Hoặc, bạn có thể tự nhắc mình rằng bạn của bạn rất sáng tạo và luôn khiến bạn cười. Bạn nên tập trung vào đặc điểm tích cực thay vì tiêu cực.
  5. Quên đi những điều mà bạn đã làm cho người khác. Nếu bạn có cảm giác như mọi người đang mắc nợ bạn, nó sẽ góp phần khiến bạn trở nên khắc khe hơn với họ và khiến bạn cảm thấy phẫn nộ. Thay vì vậy, bạn nên cố gắng quên đi thời điểm mà bạn đã giúp đỡ người khác và chỉ nên suy nghĩ về điều mà họ đã làm cho bạn.[2]
    • Ví dụ, có lẽ bạn sẽ cảm thấy bực bội với một người bạn vì bạn đã cho người đó vay tiền nhưng người đó vẫn chưa đền ơn bạn. Thay vào đó, bạn nên cố gắng chú ý vào hành động tốt đẹp mà người bạn đó đã thực hiện cho bạn.
  6. Tìm cách để làm rõ mục tiêu của mình. Đôi khi, con người không thể đạt được mục tiêu bởi vì chúng quá trừu tượng, và chấm dứt hành vi phán xét cũng như phê bình là mục tiêu khá lớn lao. Có lẽ bạn sẽ cảm thấy dễ dàng hơn khi xử lý mục tiêu rõ ràng hơn là mục tiêu to tát. Bạn nên cố gắng suy nghĩ về khía cạnh cụ thể trong việc chỉ trích và phán xét người khác mà bạn muốn thay đổi.[3]
    • Ví dụ, bạn có muốn khen ngợi người khác thường xuyên hơn? Hay là bạn muốn tìm cách để đưa ra lời phê bình mang tính xây dựng? Bạn nên biến mục tiêu của mình trở nên càng cụ thể càng tốt để gia tăng cơ hội đạt được chúng.

Trở thành nhà phê bình hữu ích[sửa]

  1. Chờ đợi trong giây lát. Bạn không nên phê bình người khác ngay sau khi họ thực hiện một hành động nào đó. Nếu có thể, bạn nên khen ngợi họ trước và sau đó là nêu lên lời phê bình. Phương pháp này sẽ cung cấp cho bạn cơ hội để suy nghĩ về cách tốt nhất để diễn đạt sự chỉ trích của mình và tăng cơ hội đối phương sẽ nhìn nhận nó theo cách tốt đẹp.[4]
    • Bạn cũng chỉ nên bình phẩm khi thật sự cần thiết. Ví dụ, nếu bạn muốn phê bình người vừa mới hoàn tất bài thuyết trình của mình, bạn nên chia sẻ lời bình phẩm của mình khi chỉ còn lại một hoặc hai ngày là người đó phải trình bày bài thuyết trình tiếp theo.
  2. Nêu lên một lời chỉ trích kèm theo hai lời khen ngợi. Biện pháp này còn được gọi là “phương pháp bánh mì kẹp” (sandwich method) trong việc trình bày sự phê phán. Để sử dụng nó, bạn sẽ phải nói một điều tử tế, sau đó là đưa ra lời phê bình, và kết thúc bằng một câu nhận xét tốt đẹp khác.[5]
    • Ví dụ, bạn có thể nói theo kiểu “Bài thuyết trình của bạn thật tuyệt vời! Thỉnh thoảng, tôi gặp một chút khó khăn trong việc theo dõi nội dung bởi vì tốc độ nói khá nhanh, nhưng tôi nghĩ rằng nếu bạn có thể nói chậm lại một chút trong bài thuyết trình sắp đến thì không còn gì bằng!”.
  3. Sử dụng câu nói bắt đầu từ chủ từ “Tôi” thay vì “Bạn”. Bắt đầu lời phê bình bằng từ “bạn” có thể hình thành thông điệp là bạn đang muốn tranh cãi và khiến đối phương bước vào thế phòng thủ. Thay vì dẫn dắt câu nói với từ “bạn”, bạn nên cố gắng sử dụng từ “tôi”.[5]
    • Ví dụ, thay vì nói rằng “Bạn thường xuyên ngắt lời khi tôi đang nói”, bạn nên thay đổi bằng “Tôi cảm thấy khó chịu khi bị ngắt lời trong lúc đang nói”.
  4. Yêu cầu thay đổi hành vi trong tương lai. Một biện pháp khá tốt khác để bình phẩm người khác là trình bày nó dưới dạng lời yêu cầu trong tương lai. Nó không nghiêm trọng như nêu lên lời tuyên bố về một điều nào đó mà người khác vừa mới thực hiện hoặc như yêu cầu người khác phải thay đổi hoàn thành hành vi của mình.[5]
    • Ví dụ, thay vì nói rằng “Bạn thường xuyên ném tất trên sàn nhà!”, bạn có thể nói một điều gì khác như “Sau này, bạn có thể làm ơn nhặt tất lên và cho chúng vào sọt được không?”.

Nguồn và Trích dẫn[sửa]

Chia sẻ lên facebook Chia sẻ lên twitter In trang này