Phương pháp dạy học luyện tập và thực hành
1. Bản chất[sửa]
Luyện tập và thực hành củng cố, bổ sung, làm vững chắc thêm các kiến thức lí thuyết. Trong luyện tập, người ta nhấn mạnh tới việc lặp lại với mục đích học thuộc những "đoạn thông tin": đoạn văn, thơ, bài hát, kí hiệu, quy tắc, định lí, công thức,... đã học và làm cho việc sử dụng kĩ năng được thực hiện một cách tự động, thành thục. Trong thực hành, người ta không chỉ nhấn mạnh vào việc học thuộc mà còn nhằm áp dụng hay sử dụng một cách thông minh cách tri thức để thực hiện các nhiệm vụ khác nhau. Vì thế, trong dạy học, bên cạnh việc cho học sinh luyện tập một số chi tiết cụ thể, GV cũng cần lưu ý cho HS thực hành phát triển các kĩ năng.
2. Quy trình thực hiện[sửa]
Bước 1. Xác định tài liệu cho luyện tập và thực hành
Bước này bao gồm việc tập trung chú ý của HS về một kĩ năng cụ thể hoặc những sự kiện cần luyện tập hoặc thực hành.
Bước 2. Giới thiệu mô hình luyện tập hoặc thực hành
Khuôn mẫu để HS bắt chước hoặc làm theo được GV giới thiệu, có thể thông qua ví dụ cụ thể.
Bước 3. Thực hành hoặc luyện tập sơ bộ
HS tìm hiểu về tài liệu để luyện tập hoặc thực hàng. HS có thể tự thử kĩ năng của mình và có thể đặt câu hỏi về những kĩ năng đó. Việc nhắc lại sơ bộ có thể được tiến hành trong hoạt động của cả lớp với sự hướng dẫn của GV. Nếu luyện tập hay thực hành một kĩ năng tự động thì mỗi bước cần có lời chỉ dẫn cụ thể. Bài tập loại này cần được tiếp tục cho tới khi nào HS biết chính xác họ phải làm gì và nhận rõ mức độ hoàn thành mà các em cần đạt được.
Bước 4. Thực hành đa dạng
GV đưa ra các bài tập đòi hỏi HS phải sử dụng nhiều kiến thức, định lí, công thức, ... Các bài tập càng đa dạng thì HS càng có cơ hội rèn luyện kĩ năng, vận dụng các kiến thức khác nhau để giải quyết nhiệm vụ đặt ra.
Bước 5. Bài tập cá nhân
HS có thể luyện tập, thực hành những bài tập có trong SGK hoặc SBT hoặc các bài tập tham khảo khác nhằm phát triển kĩ năng giải quyết vấn đề và rèn luyện tư duy.
3. Những yêu cầu cơ bản[sửa]
- Luyện tập phải nhằm mục đích, yêu cầu nhất định.
- Luyện tập phải tiến hành theo một trình tự chặt chẽ. Lúc đầu đơn giản, có làm mẫu, có chỉ dẫn, sau tăng dần tính phức tạp của hành động và sự tự lực luyện tập.
- Phải nắm lý thuyết rồi mới luyện tập và qua luyện tập để hiểu sâu hơn lý thuyết.
- Luyện tập phải đảm bảo mức độ khó khăn vừa sức đối với những hoàn cảnh khác nhau và theo nhiều phương án.
4. Ưu điểm[sửa]
- Đây là phương pháp có hiệu quả để mở rộng sự liên tưởng và phát triển các kĩ năng
- Luyện tập và thực hành có hiệu quả trong việc củng cố trí nhớ, tinh lọc và trau chuốt các kĩ năng đã học, tạo cơ sở cho việc xây dựng kĩ năng nhận thức ở mức độ cao hơn.
- Đây là phương pháp dễ thực hiện và được thực hiện trong hầu hết các giờ học như môn Toán, Thể dục, Âm nhạc,...
5. Hạn chế[sửa]
- Luyện tập có xu hướng làm cho HS nhàm chán nếu GV không nêu mục đích một cách rõ ràng và có khuyến khích cao. Dễ tạo tâm lí phụ thuộc vào mẫu, hạn chế sự sáng tạo.
- Do bản chất của việc nhắc đi nhắc lại nên HS khó có thể đạt được sự lanh lợi và tập trung, dễ tạo nên sự học vẹt, đặc biệt là khi chưa xây dựng được sự hiểu biết ban đầu đầy đủ.
6. Mốt số lưu ý[sửa]
- Luyện tập và thực hành cần phải được tiến hành thường xuyên trong một số áp lực. Các bài tập luyện tập được nhắc đi nhắc lại ngày càng khắt khe hơn, nhanh hơn và áp lực lên HS cũng mạnh hơn, áp lực trong luyện tập sẽ căng thẳng hơn trong bài tập thực hành. Tuy nhiên, áp lực không nên quá cao mà chỉ vừa đủ để khuyến khích HS khó làm bài hơn.
- Thời gian cho luyện tập, thực hành cũng không nên kéo dài quá dễ gây nên sự nhạt nhẽo và nhàm chán.
- Cần thiết kế các bài tập có sự phân hóa để khuyến khích mọi đối tượng HS cùng tham gia thực hành luyện tập phù hợp với năng lực của mình.
- Cũng có thể tổ chức các hoạt động luyện tập, thực hành thông qua nhiều hoạt động khác nhau, kể cả việc tổ chức thành các trò chơi học tập nhằm làm cho HS hào hứng hơn, đồng thời qua các hoạt động đó các kĩ năng của HS cũng được rèn luyện.
7. Ví dụ minh họa[sửa]
a. Minh họa qua môn Toán[sửa]
Khi học bài "Hàm số bậc hai" (Đại số 10), HS cần được luyện tập để vẽ được đồ thị hàm số bậc hai.
- Xác định đúng tọa độ đỉnh
- Vẽ trục đối xứng
- Xác định tọa độ giao điểm của Parabol với trục tung và trục hoành (nếu có)
- Vẽ Parabol
Ví dụ 1: Vẽ đồ thị hàm số
Ví dụ 2: Khi dạy phần "Giải và biện luận hệ phương trình bậc nhất hai ẩn" (Đại số 10 Nâng cao), phần luyện tập thực hành được đan xen trong quá trình dạy bài mới. Sau khi giới thiệu về cách tính định thức cấp hai, GV cần cho HS luyện tập để HS tính thành thạo được định thức cấp hai. Sau khi trình bày cách giải và biện luận hệ phương trình bậc nhất hai ẩn bằng cách dùng định thức, HS cần được luyện tập để:
- Viết đúng được các định thức D, Dx, Dy[1]
- Tính đúng các định thức đó (kĩ năng tính định thức đã được luyện tập ở trên và được thực hành cụ thể ở từng hệ phương trình)
- Biện luận hệ theo D, Dx, Dy như đã trình bày trng phần lí thuyết (GV hướng dẫn ví dụ đầu, các bài sau để học sinh tự làm).
Sau đó HS được thực hành giải và biện luận một số hệ khác; biện luận một số bài toán về giao điểm của hai đồ thị hàm số bậc nhất; giải một số bài toán về tìm điều kiện để hệ có nghiệm thỏa mãn những điều kiện cho trước,... Cuối cùng, Hs sẽ tự thực hành bằng các bài tập trong SGK
b. Minh họa qua môn Tin học[sửa]
Cần dành một thời lượng thích hợp cho HS thực hành trên máy tính. Nếu trên lớp thiếu thời gian thì cần giao việc cho HS thực hành thêm ở nhà.
c. Minh họa qua môn Tiếng Anh[sửa]
HS cần thực hành nghe, nói, có thể cho từng HS hoặc 2 HS đàm thoại: hỏi - đáp. HS cần phải được GV làm rõ ý nghĩa và hiểu được cách sử dụng cấu trúc câu, cách phát âm, ngữ điệu câu hỏi (xuống giọng). HS có thể vận dụng hỏi - trả lời về thời tiết trong các tình huống gợi ý (ví dụ: các tranh vẽ trời nóng/lạnh/ấm,...) hoặc trong tình huống thật ở các địa danh khác nhau dựa vào bản tin dự báo thời tiết trên tivi; ví dụ: What's the weather like in Hanoi/Hue/Ho Chi Minh City ...? It's...
Chú thích[sửa]
- ↑ Giáo viên có thể hướng dẫn HS những cách nói vui để nhớ định thức một cách dễ dàng, để xác định đúng các hệ số trong các định thức. Chẳng hạn: "anh bạn (D); cầm bát (Dx); ăn cơm (Dy)"
Tài liệu tham khảo[sửa]
- Modul số 18: Phương pháp dạy học tích cực; Tài liệu bồi dưỡng thường xuyên cho GV khối THPT; Vụ Giáo dục Trung học; 2013
- http://hamsterdk.forumvi.com/t12-topic