Phẩy khuẩn tả và bệnh tả

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Vào năm 1991 bệnh tả xuất hiện ở Nam Phi và nhanh chóng lan ra nhiều nước khác. Nhiều người bị lây bệnh do đến du lịch tại nước này. Thông tin về bệnh có thể ảnh hưởng trực tiếp đến lượng khách du lịch và thông qua đó ảnh hưởng đến các hoạt động trao đổi kinh tế. Bệnh rất hiếm thấy ở các nước phát triển nơi mà nước sinh hoạt thường đảm bảo vệ sinh. Những nơi đông dân cư, điều kiện vệ sinh đặc biệt là vệ sinh nước uống và thực phẩm kém là những điều kiện để bệnh lây lan.

Bệnh tả là gì[sửa]

Tả là bệnh có triệu chứng đặc trưng là tiêu chảy cấp tính do vi khuẩn vibrio cholerae xâm nhiễm vào đường ruột gây ra. Người nhiễm vi khuẩn có thể có các trường hợp sau:

- Nhiễm vi khuẩn nhưng không biểu hiện triệu chứng bệnh mà trở thành người mang trùng (sẵn sàng chờ cơ hội để thải vi khuẩn ra môi trường).

- Biểu hiện đi tiêu chảy dạng nhẹ

- Tiêu chảy nặng

- Tiêu chảy trầm trọng

Trong bất cứ trường hợp nào thì những người này đều trở thành nguồn bệnh.

Theo số liệu của Viện Y tế Mỹ, khoảng 1/20 số người nhiễm vi khuẩn biểu hiện các triệu chứng trầm trọng như tiêu chảy dữ dội (có khi ra toàn nước), nôn mửa, yếu cơ, bị chuột rút, suy tim mạch, suy thận. Những bệnh nhân có biểu hiện này nhanh chóng bị sốc do mât nước. Nếu không được điều trị kịp thời bệnh nhân có thể chết trong vài tiếng đống hồ.

Lưu ý: Tiêu chảy là hội chứng và do nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra như tiêu chảy do các bệnh truyền nhiễm, do các bệnh nội khoa, ký sinh trùng, nhiễm độc hoá chất v.v. Phẩy khuẩn tả là nguyên nhân gây dịch tả. Ăn thức ăn hoặc uống nước uống nhiễm phẩy khuẩn tả là các yếu tố nguy cơ làm tăng khả năng bị bệnh.

Người có thể bị bệnh do nguyên nhân gì?[sửa]

- Do uống nước hoặc ăn thức ăn nhiễm vi khuẩn. Trong một vụ dịch, phân của người nhiễm vi khuẩn trở thành nguồn mang mầm bệnh và làm trầm trọng thêm tình trạng lây nhiễm nếu điều kiện vệ sinh kém.

- Vi khuẩn có thể tồn tại trong nhiều môi trường nước khác nhau. Ăn sống hay ăn tái các loại sò, ốc, hến, tôm, cua hoặc các sản phẩm được chế biến không đảm bảo từ những động vật này đều rất dễ bị nhiễm vi khuẩn. Nếu điều kiện vệ sinh đảm bảo thì việc tiếp xúc trực tiếp với người bệnh không là yếu tố nguy cơ của bệnh.

- Di chuyển đến các vùng đang có bệnh lưu hành sẽ tăng nguy cơ tiếp xúc với mầm bệnh và nhiễm bệnh (từ thức ăn, nước uống).

Các điều cần chú ý để phòng bệnh[sửa]

- Chỉ uống nước đã được đun sôi (nước chín), tránh uống các các loại nước giải khát bán trên thị trường chưa được kiểm tra xuất sứ và vệ sinh.

- Chỉ ăn thức ăn đã được nấu chín và tốt nhất là ăn nóng.

- Tránh ăn và cố gắng hạn chế tối đa" ăn các loại rau sống trong vùng đang có dịch hoặc nghi có dịch.

- Các nước phát triển khuyến cáo công dân của họ không dùng "đồ ăn uống vỉa hè" trong thời gian nghi ngờ có dịch hay đang có dịch tại các nơi họ đến du lịch hay làm việc và hạn chế "mang đồ ăn về làm quà tặng".

- Vaccine phòng bệnh đã được sản xuất nhưng cũng có tác dụng phụ dù nhiều hay ít.

- Người bị nhiễm hay bị bệnh phải chú ý tránh để vi khuẩn "vương vãi" ra môi trường nhất là khu vực gần nguồn nước, khu vực trồng rau, v.v. không "đi ngoài bậy bạ", không "bạ đâu bậy đó"!... Những người khỏe cũng phải chú ý điều này.

- Khu nấu đồ ăn và dụng cụ nấu phải đảm bảo vệ sinh.

- Rửa tay sạch sẽ trước khi chế biến đồ ăn và trước khi ăn.

- Các "bếp ăn tập thể" của trường học và cơ quan sản xuất càng phải chú trọng đến vệ sinh!

- Vệ sinh cho các cháu ở nhà trẻ phải được hết sức chú ý (cho cả cô và trò) trong thời gian đang có dịch.

- Chưa có chứng minh vi khuẩn truyền trực tiếp sang người lành nhưng người tiếp xúc với bệnh nhân phải chú ý vệ sinh cá nhân nghiêm ngặt.

- Khi dịch đã xuất hiện, vệ sinh ăn uống là quan trọng nhất. Thực hiện "ăn chín", "uống sôi" rất hữu ích đúng trong trường hợp bệnh này.

- Trong và sau khi điều trị tại các cơ sở y tế, bệnh nhân phải được phải qua các xét nghiệm bắt buộc (đặc biệt là xác định vi khuẩn trong phân) để khi xuất viện không còn trở thành nguồn mang bệnh.

Các biện pháp điều trị[sửa]

- Nhanh chóng bù lượng nước và muối bị mất do tiêu chảy bằng dung dịch nước. Uống dung dịch nước điện giải. Có thể uống nước điện giải đã chuẩn bị sẵn hoặc do cơ quan y tế cung cấp (các gói Oresol). Những trường hợp nặng phải truyền dịch. Chú ý không được uống các loại thuốc làm giảm đi ngoài.

Cung cấp nước và chất điện giải là biện pháp quan trọng nhất đối với bệnh này!

- Sử lý vệ sinh khu vực có nhiễm phân bệnh nhân bằng cloramin B 10%. Tẩy trùng vật dụng cá nhân bằng nước Javen, nước sôi, cloramin 2%, không nên dùng vôi bột để khử trùng.

- Vùng nguy cơ cao có thể cho sử dụng vaccine tả.

- Mặc dù bệnh tiêu chảy là bệnh nguy hiểm nhưng có thể dễ dàng phòng và điều trị nếu nguồn nước sinh hoạt đảm bảo vệ sinh và thói quen ăn uống được chú ý.

Thủ phạm gây bệnh[sửa]

Phẩy khuẩn tả (vibrio cholerae hay Kommabacillus) là vi khuẩn gram âm có hình dạng giống như những chiếc roi, chiếc gậy uốn cong. Có lẽ vì thế mà chung ta nhìn giống như dấu phẩy? Vi khuẩn này gây tiêu chảy cho người.

Phẩy khuẩn tả và các vi khuẩn khác của giống vibrio thuộc phân nhóm gamma của proteobacteria. Hai loại phẩy khuẩn chính là phẩy khuẩn tả cổ điển và phẩy khuẩn El Tor (hay O1, được phân biệt với đạn cổ điển căn cứ vào bộ gene vi khuẩn). Ngoài hai loại này, phẩy khuẩn tả còn bao gồm nhiều nhóm huyết thanh khác nữa.

Phẩy khuẩn tả được nhà giải phẫu học người Ý Filippo Pacini phân lập lần đầu tiên vào văm 1854 nhưng công việc của ông không được biết đến sau 30 năm khi Robert Koch (người Đức) công bố chính thức những đặc điểm của bệnh và cách phòng tránh bệnh do phẩy khuẩn gây ra (nghiên cứu của Robert Koch hoàn toàn độc lập với Filippo Pacini) .

Thủ phạm từ đâu đến[sửa]

Phẩy khuẩn tả có thể tồn tại trong nhiều loại động vật sống ở các vùng nước ngọn, nước lợ và nước mặn, đặc biệt là trong tôm, cua, ốc, hến, sò v.v.. Nghiên cứu dịch tể cho thấy dịch do phẩy khuẩn tả thường bùng phát vào thời gian sinh sản mạnh của các động vật này. Do đặc điểm đó người ta xếp bệnh vào nhóm các bệnh lây truyền "đặc biệt" của động vật và người.

Cơ chế sinh bệnh[sửa]

Sau khi xâm nhập, phẩy khuẩn tả cư trú trong đường tiêu hoá và gây hại cho người theo một cơ chế phức tạp. Trong đường ruột của người, phẩy khuẩn bám vào các lông nhung thành ruột và tiết độc tố bao gồm hai tiểu phần A và B. Tỷ lệ về lượng được tiết ra của hai tiểu thành phần là 1:5. Tiểu phần B kết hợp và đồng hóa tiểu phần A tạo thành tiểu phần A1. Dạng biến đổi A1 xúc tác quá trình hóa học làm tăng cường tổng hợp AMP vòng (cAMP) dẫn đến sản xuất "ồ ạt" dịch thể và chất điện giải gây tiêu chảy.

Độc tố của vi khuẩn được mã hóa bởi gene ctxAB của thực khuẩn thể hình sợi. Sự truyền đặc tính của thực khuẩn thể này phụ thuộc vào hiện diện của các "lông" vi khuẩn liên quan đến độc tính do các đoạn gene riêng biệt (pathogenicity island) có kích thước từ 10-200kb trong bộ gene vi khuẩn. Các lông này có tác dụng làm "cấu nối" hay tạo "đường liên kết" giữa các vi khuẩn giúp cho các phage có thể chuyển từ vi khuẩn này sang vi khuẩn khác. Các đoạn gene riêng biệt này chỉ có mặt ở các vi khuẩn gây bệnh và được cho là có chức năng quy định việc tổng hợp các phage hình sợi quyết định quá trình truyền của phage. Tuy vậy có nghiên cứu cho rằng sự hiện diện của các phage hình sợi này không quan trọng (vắng mặt chúng nhưng sự truyền các phage giữa các vi khuẩn vẫn sảy ra).

Các đoạn gene riêng biệt (hay gọi là các đoạn gene quyết định tính độc) này có thể hợp nhất vào cùng vị trí trên nhiễm sắc thể vi khuẩn. Có nghiên cứu cho rằng chúng có thể tồn tại độc lập, và tạo thành các plasmid theo cơ chế đặc biệt có liên quan đến tổ hợp các đoạn gene tương đồng. Người ta chưa xác định được rõ là các plasmid này có liên quan đến sản xuất chất độc tố của vi khuẩn hay chỉ đơn thuần là một dạng trong cơ chế vận chuyển và lây nhiễm của vi khuẩn.

Vi khuẩn còn có khả năng tổng hợp hai protease có tên chitinase và mucinase. Chitinase là sản phẩm tiết có khả năng làm biến đổi chitin - thành phần cấu tạo lớp vỏ cứng của các loài giáp xác trong đó có tôm, cua bằng cách bẻ gẫy các liên kết glycosidic và giúp vi khuẩn xâm nhập qua được lớp vỏ vào cơ thể những động vật này. Mucinase là một protease không dặc hiệu nhưng có tác dụng hỗ trợ cho vi khuẩn khi xâm nhập vào đường tiêu hóa của người.

Một độc tố khác của phẩy khuẩn có tên Zone Occludans Toxin (ZOT) có tác dụng lên các tổ chức kẽ gắn kết các tế bào biểu mô thành ruột tạo điều kiện cho vi khuẩn cố định và sản xuất độc tố trong đường tiêu hóa của người.

Xem thêm: Sinh học phẩy khuẩn tả

Tài liệu tham khảo[sửa]

  • Trang thông tin TT phòng chống dịch bệnh Hoa kỳ [1]
  • Trang textbook [2]

Tác giả[sửa]

Nguyễn Bá Tiếp, các bài khác

Liên kết đến đây