Phụ nữ có thai không nên đi xe máy
Khi di chuyển bằng bất cứ phương tiện nào, phụ nữ có thai đều phải rất thận trọng. Đặc biệt, nên tránh đi xe máy vì dễ bị mất thăng bằng và ngã.
Ở nhà suốt 9 tháng 10 ngày chưa hẳn đã tốt mà còn là một tress (căng thẳng thần kinh) với thai phụ. Ảnh hưởng của những chuyến du lịch xa như thế nào đến thai nghén còn phụ thuộc vào sự lựa chọn phương tiện di chuyển và sự thận trọng của họ.
Theo các chuyên gia, ngay cả với người bình thường, việc đi xe máy 2 bánh có động cơ đã nguy hiểm hơn đi xe đạp và cả ôtô. Với phụ nữ có thai, đi xe máy càng nguy hiểm hơn nữa vì bụng to, có thể khó giữ thăng bằng. Cần nhớ rằng trên chiếc xe máy không phải chỉ có mình bạn mà còn có cả thai nhi, nếu ngã thì cả hai đều có thể bị tổn thương.
Các phương tiện khác tuy ít nguy hiểm hơn nhưng khi sử dụng chúng, thai phụ cũng cần chú ý:
Di chuyển bằng máy bay: Phụ nữ có thai đi xa bằng đường hàng không là chuyện hoàn toàn bình thường và đôi khi không thể tránh. Trước đây khi ngành hàng không mới bắt đầu có những chuyến bay dân dụng, người ta lo ngại sự thay đổi áp lực không khí trong khoang máy bay và việc phơi nhiễm bức xạ ở độ cao có thể ảnh hưởng đến sự an toàn của thai. Nhưng ngày nay, áp lực không khí trong khoang máy bay không thay đổi nhiều và việc phơi nhiễm với bức xạ cũng không còn đáng lo ngại. Vì vậy, Hội Các nhà sản phụ khoa Mỹ cho rằng đi máy bay không có hại cho thai phụ và thai nhi. Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa bệnh của Mỹ cũng cho rằng thai nghén là trạng thái sinh lý bình thường. Phụ nữ có thai chỉ cần thận trọng khi đi những chuyến bay dài và quan tâm đến chất lượng dịch vụ y tế ở nơi đến cũng như những nơi quá cảnh.
Ngày nay, sau hàng triệu chuyến bay của hàng không dân dụng, người ta biết rõ rằng đi máy bay không gây ra nguy cơ gì cho phụ nữ có thai khỏe mạnh. Sự giảm áp lực trong khoang máy bay (được duy trì ở mức tương đương với độ cao 5.000-8.000 bộ hoặc 1.524-2.438 m) ảnh hưởng một cách tối thiểu đến sự sử dụng ôxy của thai.
Những thai phụ bị thiếu máu nặng (huyết sắc tố dưới 0,5 g/dL), bị bệnh thiếu máu hồng cầu liềm, có bệnh sử bị viêm tắc tĩnh mạch hoặc có vấn đề về nhau thai là những chống chỉ định tương đối với đi máy bay. Tuy nhiên, có thể chỉ cần được bổ sung ôxy trước khi đi hoặc nhân viên hàng không được báo trước để mang theo bình ôxy. Mỗi hãng hàng không có quy định riêng với hành khách mang thai, vậy tốt nhất vẫn là báo trước cho hãng hàng không đó biết tình trạng có thai của mình khi đặt vé vì có thể phải hoàn thành một vài thủ tục y tế.
Những chuyến bay trong nước thường cho phép phụ nữ có thai tới 36 tuần lên máy bay; nhưng chuyến bay quốc tế có thể không cho phụ nữ có thai sau 32 tuần. Cũng không nên đi máy bay khi chỉ còn vài tuần là đến ngày sinh như dự kiến và trong vòng 7 ngày sau sinh. Khi đi, cần luôn mang theo mọi giấy tờ liên quan đến thai nghén, bệnh tật và phải nhớ ngày dự sinh.
Nghẽn tắc mạch (có cục máu đông) là một nguy cơ thực sự của thai nghén, nhất là khi đi máy bay đường dài. Vì vậy nên các thầy thuốc thường khuyên phụ nữ có thai thỉnh thoảng đứng dậy đi lại (sau từ 30 phút đến 2 giờ) nếu chuyến bay đang bình thường và luôn co duỗi cổ chân để phòng viêm tĩnh mạch và tránh bị phù nề chi dưới.
Di chuyển bằng ôtô: Nếu đi ôtô, thắt lưng an toàn cần luôn quàng qua vùng tiểu khung nghĩa là qua hông chứ không qua bụng. Tốt nhất là đùi và vai không bị di chuyển khi xe bị va đập. Trong hầu hết các tai nạn, thai nhi phục hồi nhanh sau khi bị áp lực của thắt lưng an toàn. Tuy nhiên, dù sau những chấn thương có vẻ nhẹ, bình thường cũng nên được bác sĩ sản khoa kiểm tra lại tình trạng thai.
Cứ 2 tiếng một lần nên dừng xe để thư giãn hoặc đi vệ sinh, đi tiểu để bàng quang không quá căng, đề phòng nhiễm khuẩn đường tiết niệu; Nên đi giầy gót thấp, mặc quần áo thoáng, rộng nhất là về mùa hè cần uống đủ nước, mang theo gối để đỡ lưng.
Di chuyển bằng tàu hỏa: Xe lửa ngày nay có lẽ cũng an toàn không kém ôtô hay máy bay và mọi yêu cầu giữ sức khỏe cho phụ nữ có thai cũng tương tự những phương tiện trên.
Những điều lưu ý cho phụ nữ có thai trước mỗi chuyến đi
Cần biết chắc thai nghén đang trong trạng thái bình thường. Tuần thứ 14-24 là thời gian tốt nhất để đi du lịch vì tình trạng buồn nôn, nôn và mỏi mệt đã giảm hoặc đã hết, nguy cơ dễ bị sẩy thai cũng đã qua và chưa đến lúc dễ bị sinh non. Hơn nữa, trong thời gian này thai phụ cảm thấy khỏe khoắn nhất. Phụ nữ có thai ở 25-36 tuần không nên đi xa quá 500 km vì có thể gặp khó khăn về chăm sóc y tế nếu chẳng may xảy ra những sự cố như cao huyết áp, viêm tĩnh mạch, chuyển dạ sớm. Tuy nhiên, trong từng trường hợp cụ thể, thầy thuốc sẽ quyết định.
Cần tìm hiểu trước về chế độ bảo hiểm và dịch vụ y tế ở nơi sắp đến. Những sự cố có thể gặp: mỏi mệt, ợ nóng, khó tiêu, táo bón, xuất tiết âm đạo, chuột rút ở chân, tiểu rắt nhiều, trĩ. Nhưng dấu hiệu và triệu chứng cần được chăm sóc khẩn cấp là chảy máu âm đạo, có máu cục, đau bụng hay có cơn co tử cung, vỡ màng ối, phù nặng ở chi dưới, nhức đầu, rối loạn thị lực.
Tiêu chảy là bệnh cần cảnh giác vì khiến cơ thể mất nước dễ dẫn đến giảm lưu lượng máu tới nhau, do đó ảnh hưởng đến thai. Cần uống nước đã đun sôi, không dùng dài hạn hệ thống lọc nước có chứa chất iốt. Viên iốt có thể được dùng cho cuộc đi du lịch ngắn hạn chỉ kéo dài vài tuần. Chỉ ăn thịt đã nấu chín và uống sữa đã khử trùng, tránh ăn rau sống để phòng ngừa nhiễm toxoplasma và listeria (bệnh do ký sinh trùng gây ra) - những bệnh có thể có ảnh hưởng nghiêm trọng đến thai. Nên uống nhiều nước, không dùng loại thuốc có bismuth vì có thể có nguy cơ làm cho thai bị chảy máu và có dị tật. Loại kháng sinh uống thế hệ 3 cephalosporin là sự lựa chọn tốt nhất nếu cần phải dùng kháng sinh.
Khi thai phụ đi du lịch, có thể phải bổ sung và thay thế một số thuốc vẫn thường có. Nên mang phấn talc, ống đo thân nhiệt (nhiệt kế), nước uống, đa sinh tố, thuốc chống nấm khi bị viêm âm đạo do nấm, kem bảo vệ da có độ SPF cao. Nên mang theo cả máy đo huyết áp và que thử nước tiểu để kiểm tra protein và glucoza niệu; 2 thứ này nhằm phòng ngừa biến đổi nặng khi có thai vào những tháng cuối.
(Theo Sức Khỏe & Đời Sống)
Về mục lục |