Phục hồi men răng

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Có nhiều cách để phục hồi men răng. Đánh răng bằng kem đánh răng chứa fluoride, súc miệng với nước súc miệng có fluoride, hoặc dùng gel fluoride. Sử dụng liệu pháp tự nhiên bằng cách uống thực phẩm bổ sung vitamin D và can-xi. Nếu bị tổn thương nghiêm trọng, bạn hãy hỏi nha sĩ về các biện pháp phục hồi khác, chẳng hạn như bọc răng sứ và dán mặt răng sứ. Cuối cùng, bạn cần giữ vệ sinh răng miệng để ngăn ngừa các tổn thương sau này.

Các bước[sửa]

Phục hồi men răng[sửa]

  1. Biết về nguyên nhân gây mòn men răng. Có nhiều nguyên nhân khác nhau khiến men răng bị mòn, bao gồm chế độ dinh dưỡng kém và một số bệnh lý. Việc hiểu về các nguyên nhân gây mòn men răng sẽ giúp bạn ngăn ngừa sâu răng.[1]
    • Các thức uống có tính a-xít, bao gồm nước hoa quả họ cam quýt và soda, có thể góp phần làm mòn men răng.[2]
    • Chế độ ăn nhiều tinh bột và đường cũng dẫn đến tình trạng mòn men răng.[2]
    • Các tình trạng bệnh lý như bệnh trào ngược a-xít dạ dày (GERD), khô miệng, các bệnh di truyền, tiết nước bọt kém và các vấn đề về dạ dày - thực quản cũng có thể khiến men răng bị mòn.[2]
    • Các loại thuốc như aspirin và kháng histamine có thể góp phần làm mòn men răng.[2]
    • Các yếu tố cơ học như hao mòn tự nhiên, nghiến răng, ma sát, đánh răng quá mạnh, đánh răng vào lúc men răng đang mềm.[2]
    • Vệ sinh răng miệng kém có thể gây mòn men răng.[2]
  2. Xác định các dấu hiệu mòn men răng.
    • Răng ngả vàng. Đây là kết quả của việc ngà răng lộ ra bên dưới lớp men răng đã bị mòn.
    • Cực kỳ nhạy cảm với nhiệt độ và đồ ăn thức uống ngọt.[2]
    • Răng bị mẻ và nứt.[2]
    • Bề mặt răng có những vết lõm hoặc lỗ chỗ.[2]
    • Vết ố nhìn thấy rõ trên bề mặt răng.[2]
  3. Đánh răng bằng kem đánh răng có fluoride. Fluoride giúp răng chống lại a-xít và thậm chí có thể giúp đảo ngược hiện tượng sâu răng ở giai đoạn sớm. Đánh răng mỗi ngày hai lần bằng kem đánh răng fluoride có thể giúp bạn phục hồi men răng hoặc ngăn ngừa mất thêm men răng.[3]
    • Bạn có thể mua kem đánh răng fluoride ở hầu hết các hiệu thuốc hoặc siêu thị.
    • Hỏi nha sĩ về việc sử dụng fluoride. Đôi khi sử dụng quá nhiều fluoride cũng dẫn đến vấn đề khác, chẳng hạn như men răng bị nhiễm fluoride, đặc biệt là trẻ em.
    • Nha sĩ cũng có thể kê toa những loại kem đánh răng fluoride mạnh hơn loại mà bạn vẫn mua không cần toa bác sĩ.[3]
  4. Súc miệng với nước súc miệng fluoride. Nếu thấy kem đánh răng fluoride quá mạnh, bạn có thể cân nhắc dùng nước súc miệng fluoride. Điều này có thể giúp bạn phục hồi men răng hoặc ngăn ngừa mất thêm men răng.[3]
    • Bạn có thể mua nước súc miệng fluoride ở hầu hết các hiệu thuốc và một số cửa hàng thực phẩm.
    • Nha sĩ có thể kê toa cho bạn loại nước súc miệng mạnh hơn nếu các loại không kê toa không công hiệu.[3]
  5. Hỏi nha sĩ về liệu pháp fluoride. Cách sử dụng fluoride tốt nhất sẽ do nha sĩ thực hiện bằng việc quét một lớp fluoride lên răng hoặc đeo khay chứa fluoride.[3] Nha sĩ cũng có thể kê toa gel fluoride để bạn sử dụng tại nhà. Liệu pháp này có thể giúp bảo vệ răng khỏi mất thêm men răng, ngăn ngừa sâu răng và tăng cường sức khỏe răng miệng.[3]
    • Liệu pháp fluoride có thể giúp làm chắc men răng, kéo dài tuổi thọ của vật liệu trám răng và vật liệu phục hình răng.[3]
  6. Bổ sung khoáng chất cho răng theo cách tự nhiên. Đưa việc bổ sung khoáng chất thường xuyên vào thói quen chăm sóc răng miệng. Điều này có thể giúp phục hồi men răng và sửa chữa răng bị hư hại.[4]
    • Ăn các chất béo tốt, kể cả bơ lên men và dầu dừa, để bổ sung khoáng chất cho răng và hỗ trợ quá trình phục hồi men răng.[5] Nước xương hầm cũng là một lựa chọn tốt.[5]
    • Uống thực phẩm bổ sung vitamin D và can-xi có thể giúp phục hồi men răng.[5]
    • Bổ sung 120 ml dầu dừa vào chế độ ăn hàng ngày có thể giúp phục hồi men răng.[5]
  7. Tham khảo nha sĩ về các liệu pháp phục hồi. Nếu các liệu pháp tại nhà không có hiệu quả, bạn có thể nhờ nha sĩ tư vấn về các lựa chọn khác. Các phương án đề nghị của nha sĩ sẽ tùy thuộc vào mức độ mòn và tình trạng các lỗ hổng trong răng của bạn, có thể bao gồm các liệu pháp chụp mão răng, trám răng hoặc dán mặt răng sứ.[6]
  8. Chụp mão răng cho răng bị sâu và mất men răng. Mão răng có thể bao bọc răng và phục hình răng như hình dạng nguyên thủy. Mão răng được thiết kế vừa vặn với chiếc răng ban đầu và có thể giúp ngăn ngừa sâu răng và mất men răng.[3]
    • Nha sĩ sẽ khoan bỏ răng sâu và lớp men hỏng, sau đó chụp mão răng bên ngoài.[3]
    • Mão răng có thể làm bằng vàng, sứ hoặc vật liệu resin.[3]
  9. Sử dụng mặt dán sứ. Mặt dán sứ nha khoa, còn gọi là onlays và inlays, được dán vào mặt trước răng. Mặt dán sứ che phủ các răng bị mòn, nứt, vỡ hoặc mẻ và giúp ngăn ngừa mòn men răng.[3]
  10. Phục hồi các răng bị mòn bằng vật liệu trám răng. Vật liệu trám răng có thể sửa chữa các lỗ hổng vốn góp phần gây mòn men răng. Liệu pháp này có thể giúp ngăn ngừa hư hại men răng và tăng cường sức khỏe răng miệng nói chung.[3]
    • Vật liệu trám được làm từ amalgam hoặc composite có màu giống màu răng, vàng hoặc bạc, được thiết kế để làm nhẵn bề mặt răng và giảm độ nhạy cảm của răng.[3]
  11. Cân nhắc liệu pháp trám phủ phòng ngừa bằng vật liệu sealant. Lớp sealant nha khoa bọc lên các lỗ sâu trên các răng hàm và răng tiền hàm có thể giúp bảo vệ răng khỏi bị sâu. Bạn có thể đến nha sĩ phủ lớp sealant lên răng hàm để bảo vệ răng khỏi a-xít và hư mòn lên đến 10 năm.[7]
  12. Hoàn thành liệu trình phục hồi. Bạn có thể phải quay trở lại phòng nha nhiều lần để hoàn thành liệu trình phục hồi men răng. Tuân theo hướng dẫn của nha sĩ trong việc điều trị, bảo dưỡng và giữ vệ sinh răng miệng.

Giữ vệ sinh răng miệng[sửa]

  1. Đánh răng và dùng chỉ nha khoa hàng ngày, sau các bữa ăn. Việc đánh răng và dùng chỉ nha khoa hàng ngày sau khi ăn giúp duy trì sức khỏe răng miệng, vật liệu phục hình răng và lợi. Môi trường sạch có thể giúp bạn tránh bị mòn men răng và những vết ố xấu xí.[7]
    • Đánh răng và dùng chỉ nha khoa sau bữa ăn, nếu có thể. Thức ăn nếu bị giắt trong răng sẽ tạo ra môi trường có hại cho men răng. Nhai một thanh kẹo cao su cũng có ích nếu bạn không có sẵn bàn chải đánh răng.[8]
  2. Hạn chế thức ăn và đồ uống chứa đường và a-xít. Các thức ăn và đồ uống chứa đường và a-xít có thể góp phần làm mòn men răng, và việc hạn chế các thứ này có thể giúp cải thiện sức khỏe răng miệng. Đánh răng sau khi ăn các thức ăn này có thể giúp ngăn ngừa mòn men răng.[7]
    • Áp dụng chế độ ăn lành mạnh và cân bằng dinh dưỡng bao gồm protein, hoa quả, rau và đậu có thể giúp bạn duy trì sức khỏe tổng thể, bao gồm cả sức khỏe răng miệng.[7]
    • Một số thức ăn lành mạnh cũng chứa a-xít, trong đó có hoa quả họ cam quýt. Tiếp tục ăn các thức ăn này, nhưng nên giới hạn số lượng và nghĩ đến việc đánh răng sau khi ăn.
    • Một số đồ ăn và thức uống nên tránh là nước ngọt, đồ ăn ngọt, kẹo và rượu vang.
  3. Tránh dùng nước súc miệng và kem đánh răng có chứa cồn. Nước súc miệng và kem đánh răng chứa cồn có thể làm giảm độ bền của men răng, thậm chí làm ố men răng. Dùng kem đánh răng hoặc nước súc miệng không chứa cồn để tránh các vấn đề này.[9]
    • Bạn có thể mua kem đánh răng và nước súc miệng không chứa cồn tại hầu hết các siêu thị, các hiệu thuốc và các nhà bán lẻ trên mạng.
  4. Dùng nước máy để uống thay vì uống nước đóng chai. Hầu hết nguồn nước máy ở Việt Nam đã được xử lý fluoride để giảm tình trạng sâu răng và làm chắc khỏe men răng. Ngoại trừ các loại nước đóng chai đặc biệt ghi rằng có chứa fluoride, quá trình chưng cất, lọc và thẩm thấu ngược đã loại bỏ fluoride hiện diện tự nhiên trong nước. Thực ra việc tăng lượng tiêu thụ nước đóng chai có thể liên quan đến tình trạng sâu răng tái diễn ở trẻ em.[10] Khi tiện tay lấy chai nước uống thay vì uống nước máy, có thể bạn đã góp phần làm mất lớp men răng.
    • Ngoài ra, nhiều loại nước đóng chai còn chứa a-xít có hại cho răng.
    • Bạn có thể liên hệ với nhà sản xuất loại nước đóng chai bạn vẫn thường dùng để biết sản phẩm của họ có chứa fluoride không.[10]
  5. Không nghiến răng. Tật nghiến răng có thể làm hại răng và men răng. Bạn nên hỏi nha sĩ về việc sử dụng dụng cụ bảo vệ miệng nếu bạn có tật nghiến răng.[7]
    • Tật nghiến răng làm mòn các vật liệu phục hình răng và có thể gây ê buốt và tổn hại răng, kể cả làm răng bị nứt và mẻ.[7]
    • Tật cắn móng tay, dùng răng mở chai hoặc giữ đồ vật cũng là những thói quen xấu. Cố gắng từ bỏ những thói quen này để không làm tổn hại răng và các vật liệu trám răng.
  6. Đến nha sĩ để kiểm tra và làm sạch răng định kỳ. Khám và làm sạch răng định kỳ là một phần của việc chăm sóc sức khỏe răng miệng. Đến nha sĩ ít nhất mỗi năm hai lần hoặc nhiều hơn nếu bạn có các vấn đề về răng hoặc men răng.[7]
  7. Nhai kẹo cao su không đường. Việc nhai kẹo cao su làm tăng tiết nước bọt, có thể giúp ngăn ngừa sâu răng. Chất xyliton đã được chứng minh là giúp kiềm chế hoạt động của vi khuẩn và giảm sâu răng, vì vậy bạn nên cân nhắc mua kẹo cao su có chứa xyliton.

Lời khuyên[sửa]

  • Đánh răng và dùng chỉ nha khoa mỗi ngày hai lần. Phòng bệnh bao giờ cũng tốt hơn chữa bệnh.
  • Đánh răng ngay sau khi uống các thức uống có tính a-xít như rượu vang vốn có thể làm yếu men răng. Tuy nhiên bạn nên đợi nửa tiếng sau mới đánh răng.
  • Cố gắng đánh răng sau các bữa ăn để ngăn chặn mảng bám tích tụ. Nếu không có điều kiện, bạn có thể thử nhai kẹo cao su không đường hoặc dùng nước súc miệng.

Cảnh báo[sửa]

  • Luôn luôn tham khảo nha sĩ hoặc bác sĩ trước khi thay đổi chế độ ăn uống hoặc chăm sóc răng miệng.

Nguồn và Trích dẫn[sửa]