Phục hồi sau sốt thương hàn

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Sốt thương hàn là bệnh nhiễm khuẩn, thường ở các nước đang phát triển như Nam Mỹ, Mỹ Latinh, Châu Phi, Đông Âu, và các khu vực châu Á (trừ Nhật Bản). Bệnh lây truyền do thói quen vệ sinh kém và điều kiện xử lý nước, thực phẩm kém. Tiêu thụ thực phẩm hoặc nước uống nhiễm phân của người bị sốt thương hàn sẽ có nguy cơ mắc bệnh.[1] Nếu bị chẩn đoán sốt thương hàn, bạn có thể thực hiện một số bước giúp đối phó với căn bệnh này.

Các bước[sửa]

Uống thuốc phục hồi[sửa]

  1. Uống thuốc kháng sinh. Nếu bạn được chẩn đoán sốt thương hàn, bác sĩ sẽ xác định bệnh đã tiến triển trong bao lâu. Nếu được phát hiện sớm, bệnh sẽ được điều trị bằng thuốc kháng sinh. Thuốc kháng sinh sẽ được kê đơn cho 1-2 tuần uống. Một số chủng vi khuẩn gây bệnh sốt thương hàn có khả năng kháng thuốc kháng sinh. Do đó, bác sĩ sẽ làm xét nghiệm kỹ lưỡng để đưa ra kế hoạch điều trị tốt nhất đối với chủng vi khuẩn đặc thù mà bạn đang mắc phải.[2]
    • Loại thuốc kháng sinh được kê đơn sẽ khác nhau, tùy thuộc vào nơi bạn nhiễm khuẩn và đã bị nhiễm chủng vi khuẩn này trước đó hay chưa. Các thuốc kháng sinh kê đơn phổ biến nhất là Ciprofloxacin, Ampicillin, Amoxicillin hoặc Azithromycin.
    • Bạn cũng có thể được kê đơn Cefotaxime hoặc Ceftriaxone. Các thuốc này thường được kê đơn cho 10 - 14 ngày sử dụng. [3][4]
  2. Uống thuốc đúng thời gian quy định. Mặc dù triệu chứng có thể biến mất sau vài ngày nhưng bạn vẫn phải uống thuốc điều trị đủ thời gian quy định. Nếu không, bệnh sẽ tái phát và lây lan cho người khác.
    • Sau khi uống hết thuốc đúng thời gian quy định, bạn nên đi tái khám để đảm bảo đã loại bỏ hoàn toàn vi khuẩn gây bệnh.[1]
  3. Nhập viện để điều trị. Trong trường hợp nghiêm trọng, bạn cần nhập viện ngay lập tức. Dấu hiệu sốt thương hàn nghiêm trọng bao gồm sưng dạ dày, tiêu chảy nặng, sốt 40 độ (hoặc cao hơn), hoặc ói mửa liên tục. Ở bệnh viện, bạn có thể sẽ được điều trị bằng thuốc kháng sinh tương tự nhưng ở dạng tiêm.
    • Đi khám bác sĩ ngay nếu gặp bất kỳ một triệu chứng nặng nào.
    • Nước và chất dinh dưỡng sẽ được đưa vào cơ thể qua đường tĩnh mạch.
    • Hầu hết các trường hợp bệnh sẽ cải thiện đáng kể sau 3-5 ngày nhập bệnh viện. Tuy nhiên, bạn có thể phải ở lại bệnh viện trong vài tuần để hồi phục nếu bị quá nặng hoặc xuất hiện biến chứng ảnh hưởng đến sức khỏe. [5][6]
  4. Phẫu thuật nếu cần thiết. Biến chứng phát sinh khi đang nhập viện có thể được chẩn đoán là mắc bệnh thương hàn nghiêm trọng. Một khi các biến chứng nghiêm trọng như xuất huyết nội hoặc nứt đường tiêu hóa xuất hiện, bác sĩ sẽ khuyến nghị tiến hành phẫu thuật.
    • Trường hợp này rất hiếm xảy ra, trừ khi bạn không uống thuốc kháng sinh điều trị.[5]

Liệu pháp hỗ trợ tự nhiên nhằm thúc đẩy mau hồi phục[sửa]

  1. Luôn uống kháng sinh. Liệu pháp tự nhiên luôn nên được sử dụng kết hợp với thuốc kê đơn. Mặc dù không chữa khỏi sốt thương hàn nhưng liệu pháp tự nhiên có thể làm giảm triệu chứng bệnh như sốt hoặc buồn nôn. Liệu pháp tự nhiên chỉ giúp bạn cảm thấy khỏe hơn, không có tác dụng thay thế thuốc kháng sinh chữa bệnh.
    • Tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng liệu pháp tự nhiên để ngăn ngừa tương tác với thuốc kháng sinh mà bạn đang dùng.[3] Tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng liệu pháp tự nhiên cho trẻ em hoặc phụ nữ mang thai.
  2. Bổ sung nước cho cơ thể. Nên uống nhiều nước khi bị sốt thương hàn. Bổ sung ít nhất 2000 ml nước mỗi ngày, ngoài ra, nên uống thêm nước trái cây, nước dừa cùng các thức uống khác. Mất nước là hệ quả của tiêu chảy và sốt cao – 2 triệu chứng phổ biến nhất của sốt thương hàn.
    • Nếu bị sốt thương hàn nặng, bạn sẽ được truyền nước qua tĩnh mạch.[3]
  3. Áp dụng chế độ ăn lành mạnh. Sốt thương hàn có thể gây thiếu hụt dinh dưỡng. Vì vậy, bạn cần chú ý đến thực phẩm đang ăn và đảm bảo cung cấp đủ dinh dưỡng cùng calo cho cơ thể. Tiêu thụ nhiều cacbon-hydrat giúp bổ sung năng lượng, đặc biệt nếu ăn nhiều bữa nhỏ trong ngày. Nếu gặp vấn đề về tiêu hóa, bạn nên ăn thực phẩm mềm và dễ tiêu như súp, bánh quy giòn, bánh mì nướng, bánh Pudding và thạch.[3]
    • Ăn các thực phẩm như chuối, cơm, sốt táo và bánh mì nướng. Những thực phẩm này nhạt và dễ chịu với dạ dày, nhờ đó giúp giảm buồn nôn và tiêu chảy. [7]
    • Uống nhiều nước hoa quả nguyên chất (nhiều loại nước hoa quả chứa đường khiến triệu chứng tiêu chảy thêm trầm trọng) với nước lúa mạch, nước dừa hoặc cháo.
    • Nếu không bị biến chứng về tiêu hóa, bạn có thể ăn cá, sữa trứng, trứng để bổ sung protein cho cơ thể.
    • Ăn nhiều rau củ quả nhằm tăng cường hàm lượng vitamin cho cơ thể.[8]
  4. Uống trà mật ong. Trà mật ong giúp xoa dịu các triệu chứng sốt thương hàn. Cho 1-2 thìa mật ong vào cốc nước ấm và khuấy đều. Thức uống này có ích đối với bất kỳ vấn đề nào ở đường tiêu hóa. Mật ong giúp giảm kích thích đường tiêu hóa và bảo vệ mô đường tiêu hóa.
    • Trà mật ong cung cấp năng lượng tự nhiên cho cơ thể.[9][8]
    • Không sử dụng mật ong cho trẻ em dưới 1 tuổi.
  5. Uống trà đinh hương. Thức uống này cũng rất có lợi đối với triệu chứng sốt thương hàn. Cho 5 lá đinh hương vào 2 lít nước sôi. Tiếp tục đun sôi cho đến hỗn hợp vơi đi một nửa. Nhắc nồi xuống và tiếp tục ủ lá đinh hương trong nước thêm một lúc.
    • Khi nước nguội, vớt lá đinh hương ra. Uống trà đinh hương trong vài ngày sẽ giúp giảm buồn nôn.
    • Thêm 1-2 thìa canh mật ong vào trà đinh hương giúp tăng hương vị và mang lại nhiều lợi ích hơn.[9]
  6. Sử dụng hỗn hợp gia vị nghiền nát. Bạn có thể kết hợp nhiều gia vị với nhau tạo thành viên nén để giúp xoa dịu triệu chứng sốt thương hàn. Cho 7 sợi nghệ tây, 4 lá húng quế và 7 hạt tiêu đen vào bát nhỏ. Nghiền mịn hỗn hợp, sau đó thêm vào một chút nước và khuấy đều. Tiếp tục thêm nước cho đến khi hỗn hợp đặc và quánh lại. Chia và nén hỗn hợp thành nhiều viên nhỏ.
    • Uống 2 lần mỗi ngày, mỗi lần 1 viên cùng với nước.
    • Phương thuốc này có đặc tính chống oxy hóa và kháng khuẩn tuyệt vời, giúp bạn đối phó với các vấn đề tiêu hóa do sốt thương hàn gây ra.[9]
  7. Sử dụng cúc dại Echinacea. Cúc dại Echinacea, ở dạng hoa màu tím, rễ hoặc bột, giúp tăng cường hệ miễn dịch nhằm chống lại bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn. Phương thuốc này cũng giúp tăng cường sức khỏe của mô cơ thể. Bạn có thể mua bột hoa Echinacea sấy khô hoặc vài rễ cây Echinacea. Cho 1 thìa cà phê nguyên liệu cúc dại Echinacea vào 240 ml nước và đun sôi trong 8-10 phút.
    • Uống trà cúc dại Echinacea 2-3 lần mỗi ngày, không uống quá 2 tuần.[9]
  8. Chế biến súp cà rốt với hạt tiêu đen. Tiêu chảy là một trong những triệu chứng chính của sốt thương hàn. Để chống lại triệu chứng này, bạn có thể đun sôi 6-8 miếng cà rốt trong 240 ml nước khoảng 8-10 phút. Lọc lấy nước. Thêm 2-3 nhúm tiêu đen xay vào nước. Uống hỗn hợp súp mỗi khi bị tiêu chảy.
    • Có thể điều chỉnh lượng hạt tiêu cho phù hợp với khẩu vị. [9]
  9. Uống hỗn hợp nước ép gừng và nước táo ép. Mất nước là tác dụng phụ chủ yếu của sốt thương hàn. Để đối phó với tình trạng mất nước, bạn có thể tự pha hỗn hợp nước ép giúp bù nước, điện giải và khoáng chất một cách tự nhiên và nhanh chóng. Trộn 1 thìa canh nước ép gừng vào 240 ml nước táo ép. Uống vài lần trong ngày để bổ sung nước cho cơ thể.
    • Loại nước ép này còn giúp điều trị các vấn đề về gan bằng cách loại bỏ độc tố và chất thải ra khỏi cơ thể.[9]
  10. Trộn 1/2 thìa cà phê giấm táo vào 1 cốc nước khi thấy xuất hiện triệu chứng đầu tiên. Cứ cách 15 phút, uống hỗn hợp nước giấm táo 1 lần trong 1-2 giờ nếu triệu chứng nghiêm trọng. Tiếp tục uống hỗn hợp trước bữa ăn trong 5 ngày liên tiếp.[9]
    • Có thể thêm một ít mật ong để tăng hương vị và độ ngọt cho hỗn hợp.

Ngăn ngừa sốt thương hàn tái phát[sửa]

  1. Tiêm vắc-xin. Có 2 loại vắc-xin thương hàn thường được sử dụng: Vắc-xin dạng tiêm Vi polysaccharide và vắc-xin uống Ty21a. Vắc-xin tiêm được tiêm một liều duy nhất với liều lượng 0,5 ml tại bắp cánh tay và mặt trên của đùi. Đối với vắc-xin uống, bạn sẽ được cho uống 4 liều, mỗi liều cách nhau 2 ngày.
    • Vắc-xin dạng tiêm được sử dụng cho trẻ em trên 2 tuổi và người lớn. Tiêm nhắc lại được thực hiện 5 năm 1 lần.[1]
    • Uống vắc xin sau 24-72 tiếng uống thuốc kháng sinh lúc dạ dày đang rỗng để vắc-xin không bị thuốc kháng sinh phân hủy. Vắc-xin uống được sử dụng cho trẻ em trên 6 tuổi và người lớn. [2]
    • Nên tiêm hoặc uống vắc-xin ít nhất 1-2 tuần trước khi đi du lịch, tùy thuộc vào loại vắc-xin mà bạn sử dụng. Vắc-xin phát huy hiệu quả đối với người đã bị sốt thương hàn cũng như người chưa mắc bệnh. Tuy nhiên, bạn nên tiêm nhắc lại sau 2-5 năm. Nên hỏi bác sĩ để biết vắc-xin bạn sử dụng có hiệu quả trong bao lâu.[10]
  2. Chỉ uống nước sạch và an toàn. Nước không an toàn là nguyên nhân chính dẫn đến sốt thương hàn. Chỉ nên uống một số loại nước khi đi đến hoặc sống ở các quốc gia đang phát triển. Chỉ nên uống nước đóng chai có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng và uy tín. Không nên tiêu thụ đá viên, trừ khi đá được làm từ nước đóng chai hoặc nước an toàn.
    • Bạn cũng nên tránh tiêu thụ kem que hoặc món tráng miệng từ đá viên nếu không biết những thực phẩm này được làm từ nước an toàn hay không.
    • Nước có ga đóng chai an toàn hơn nước đóng chai thông thường. [1]
  3. Xử lý nguồn nước có vấn đề. Nếu không có nước đóng chai, bạn vẫn có thể uống nước đã qua xử lý. Đun sôi nước trong ít nhất 1 phút, đặc biệt khi bạn không chắc chắn nguồn nước (nước máy hoặc nước giếng bơm) có an toàn hay không. Tránh uống nước từ sông, suối.
    • Nếu không thể đun sôi nước, bạn có thể cho vài viên Clo vào nguồn nước nếu nghi ngờ.[1]
    • Nếu sống tại nơi có nguồn nước không an toàn, bạn nên lắp đặt hệ thống cấp nước tại nhà và khu vực xung quanh. Trữ nước bằng thùng chứa riêng biệt, sạch sẽ và có nắp đậy kín.
  4. Thực hiện an toàn thực phẩm. Sốt thương hàn cũng do thực phẩm không an toàn gây ra. Khi đến các quốc gia đang phát triển, bạn nên phải nấu chín rau, cá và thịt trước khi ăn. Rửa kỹ thực phẩm bằng nước sạch trước khi nấu. Nếu ăn thực phẩm sống, nên rửa bằng nước sạch hoặc ngâm trong nước nóng. Gọt vỏ rau củ sống sau khi rửa sạch bằng nước nóng. Không được ăn vỏ rau củ vì đây là nơi ẩn náu mầm bệnh. Nếu có thể, tránh ăn hoa quả và rau củ sống chưa gọt vỏ.
    • Dùng hộp sạch và riêng biệt để bảo quản thực phẩm và để hộp trữ thực phẩm cách xa khu vực ô nhiễm như ống cống nhà vệ sinh, rác thải hoặc nước thải. Không trữ thực phẩm nấu chín trong tủ lạnh quá lâu và nên ăn hết càng sớm càng tốt. Nếu không, nên loại bỏ thực phẩm sau 2 hoặc hơn 2 ngày bảo quản trong tủ lạnh.
    • Tránh ăn thực phẩm bán ngoài lề đường khi đến các quốc gia có nguy cơ lây nhiễm sốt thương hàn. [11][12]
  5. Vệ sinh môi trường sạch sẽ. Nếu đang sống ở nơi dễ lây nhiễm sốt thương hàn, bạn cần vệ sinh sạch sẽ môi trường xung quanh. Bỏ thức ăn hư hỏng vào thùng rác đúng quy định. Sửa chữa ống nước và cống thoát nước để tránh tràn nước ô nhiễm ra môi trường xung quanh.
    • Để thực phẩm cách xa khu vực ống cống, toilet, bể tự hoại để tránh làm ô nhiễm thực phẩm và nước.[13][1]
  6. Giữ gìn vệ sinh cá nhân sạch sẽ. Sốt thương hàn có thể lây lan qua tiếp xúc nên bạn cần vệ sinh cá nhân sạch sẽ. Rửa tay kỹ bằng xà phòng hoặc gel cồn trước và sau khi xử lý hoặc chế biến thực phẩm và xử lý nước, sau khi đi vệ sinh hoặc sau khi xử lý vật thể bẩn. Cố gắng giữ cpw thể sạch sẽ, gọn gàng và tắm rửa mỗi ngày.
    • Luôn lau tay bằng khăn sạch thay vì lau vào quần áo đang mặc.[1]

Nguồn và Trích dẫn[sửa]