Polyp đại tràng - một trong những yếu tố quan trọng gây ung thư đại trực tràng

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm
Chia sẻ lên facebook Chia sẻ lên twitter In trang này

Theo Globocan năm 2012, ung thư đại trực tràng là nguyên nhân gây tử vong đứng hàng thứ 4, chiếm 6.3% các trường hợp tử vong do ung thư tại Việt Nam.

Ung thư đại trực tràng có tiên lượng tốt nếu được phát hiện và điều trị sớm. Một trong những yếu tố quan trọng gây ung thư đại trực tràng là sự hiện diện của các polyp tiền ung thư trong lòng đại trực tràng. Vậy polyp đại trực tràng là gì?

Polyp đại tràng là gì?[sửa]

Polyp đại trực tràng không phải là một khối u nhưng là một tổn thương có hình dạng giống như khối u, có cuống hoặc không cuống, do niêm mạc đại tràng và tổ chức dưới niêm mạc tăng sinh tạo thành. Polyp đại tràng rất phổ biến. Tỉ lệ xuất hiện khoảng từ 30-50% đối với người lớn trên 50 tuổi. Đa số polyp là lành tính nhưng một số có khả năng hoá thành ác tính (ung thư) vì vậy nên nó thường được cắt bỏ.

Hình ảnh Polyp trong lòng đại tràng

Triệu chứng gì và cách phát hiện[sửa]

Thông thường polyp đại trực tràng không biểu hiện triệu chứng đặc hiệu, nên đó cũng là một yếu tố cản trở việc phát hiện chúng. Tuy nhiên vẫn có thể phát hiện được bằng những công cụ tầm soát ung thư đại trực tràng như:

Nội soi khung đại trực tràng[sửa]

Trước khi nội soi, bạn sẽ được uống thuốc để làm sạch lòng ruột. Sau đó, bác sĩ sẽ đưa một ống soi mềm vào hậu môn và đẩy vào sâu hơn bên trong đại tràng của bạn. Đầu ống soi có gắn một camera, nó giúp bác sĩ quan sát kĩ hơn lòng ruột. Ống soi còn có những dụng cụ đặc biệt để bác sĩ có thể dễ dàng cắt bỏ các cấu trúc bên trong, bao gồm cả polyp. Polyp đại trực tràng sau khi được cắt bỏ sẽ gửi tới phòng xét nghiệm để kiểm tra có mang tế bào ung thư hay không?

Trong quá trình nội soi đại tràng, bạn nằm nghiêng về một phía. Bác sĩ sẽ đặt một ống soi mềm có gắn camera vào hậu môn (từ phía sau). Sau đó, bác sĩ đẩy ống vào trực tràng và đại tràng. Camera sẽ gửi hình ảnh bên trong lòng đại tràng của bạn tới màn hình máy tính.

Nội soi đại tràng sigmoid[sửa]

Nội soi đại tràng sigmoid tương tự với nội soi khung đại trực tràng. Điểm khác biệt duy nhất là nội soi đại tràng sigmoid chỉ quan sát một đoạn của đại tràng, trong khi đó nội soi đại trực tràng quan sát toàn bộ đại tràng.

Nội soi đại tràng sigmoid

CT Scan đại tràng (Nội soi ảo)[sửa]

Nội soi đại tràng ảo là sử dụng chùm tia X để dựng hình khung đại tràng. Đây là một kĩ thuật không xâm lấn, hạn chế sự khó chịu cho bệnh nhân so với nội soi bằng ống soi thật.

Xét nghiệm tìm máu ẩn trong phân[sửa]

Nếu xuất hiện máu trong phân có thể chỉ điểm một tình trạng bất thường của đại trực tràng. Bác sĩ sẽ chỉ định nội soi khung đại tràng ngay sau đó.

Nội soi ảo khung đại tràng bằng chụp CT Scan

Polyp đại tràng sẽ được điều trị như thế nào?[sửa]

Hầu hết các polyp đại trực tràng sẽ được cắt bỏ trong quá trình nội soi bởi các dụng cụ đặc biệt ở đầu ống soi. Tuy nhiên trong một số trường hợp, kích thước của polyp quá lớn, không thể cắt bỏ ngay trong lúc nội soi, các bác sĩ có thể thực hiện nội soi ổ bụng, hoặc mổ hở để cắt bỏ chúng.

Cắt bỏ polyp trong khi nội soi đại tràng

Sau khi cắt bỏ polyp bạn cần theo dõi như thế nào?[sửa]

Bạn cần nội soi khung đại trực tràng mỗi năm. Một số trường hợp các polyp sẽ xuất hiện trở lại. Nếu loại polyp của bạn có khả năng diễn tiến thành ung thư, bác sĩ sẽ cắt bỏ chúng khi chúng xuất hiện lại, đồng thời tư vấn các thành viên trong gia đình của bạn nên tầm soát hay kiểm tra xem có polyp hoặc ung thư đại trực tràng không?

Có thể phòng ngừa được polyp đại trực tràng không?[sửa]

Để giảm thiểu nguy cơ bị polyp cũng như ung thư đại trực tràng, bạn nên thực hiện các biện pháp để có một lối sống lành mạnh hơn như:

  • Chế độ ăn ít dầu mỡ, và nhiều rau xanh và trái cây
  • Giảm cân nếu bạn thừa cân hoặc béo phì
  • Tăng cường vận động thể dục thể thao
  • Không hút thuốc lá
  • Hạn chế uống rượu bia

Tác giả[sửa]

  • Chịu trách nhiệm nội dung: BS Hoàng Đình Kính
  • Góp ý nội dung: BS Trần Hoàng Hiệp
Rss.jpg
Mời bạn đón đọc các bài viết tiếp theo bằng cách đăng kí nhận tin bài viết qua email hoặc like fanpage Thuvienkhoahoc.com để nhận được thông báo khi có cập nhật mới.

Nguồn[sửa]

Chia sẻ lên facebook Chia sẻ lên twitter In trang này