Rau má chữa cảm sốt, tiêu chảy
Theo Đông y, rau má có vị đắng, tính mát, có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, lợi thuỷ, lương huyết, thường dùng chữa viêm họng, ho, tiêu chảy, mụn nhọt...
Cây rau má mọc hoang khắp nơi, dọc bờ sông, bờ ruộng, hàng rào, ven đường, bãi cát. Dùng toàn cây phần trên mặt đất, thu hái quanh năm đem về rửa sạch, phơi khô hoặc sấy khô. Dùng 15 - 25g cây khô (hoặc 30 - 60g tươi) sắc uống. Dùng ngoài nấu nước rửa, giã đắp.
Trong dân gian, thường dùng toàn cây tươi, giã nát đắp chữa mụn nhọt, sắc uống để chữa ho lâu ngày hoặc ho lao và chữa sốt. Nước sắc dùng nhỏ mắt chữa đau mắt, nhỏ vào tai bị viêm, rửa mụn nhọt. Có nơi dùng ăn như rau, vị đặc biệt, hơi chua và hơi đắng.
Chữa cảm sốt, viêm đường hô hấp trên, đau họng, lở miệng: Rau má 30 - 50g tươi hoặc 15 - 30g khô sắc với 400ml nước còn 100ml, chia 3 lần uống/ngày hoặc ngậm và nuốt từ từ. Dùng liên tục cho đến khi khỏi hẳn.
Chữa mụn nhọt: Dùng 50 - 100g tươi nấu nước rửa hằng ngày. Bên ngoài dùng lá tươi và hoa giã nhỏ đắp vào chỗ bị mụn nhọt.
Ho lâu ngày: Rau má 30g, mộc hồ điệp 10g, nga bất thực thảo 20g, sắc với 500ml nước còn 100ml chia 2 - 3 lần uống trong ngày. Dùng liên tục 10 - 30 ngày.
Chữa viêm thận cấp: Rau má 15g, lã diễn 15g, xa tiền thảo (mã đề) 12g. Sắc lấy nước uống, chia 3 lần trong ngày.
Viêm đường tiết niệu: Rau má 40g, mã đề 30g, dây bòng bong 30g, cây chó đẻ 20g. Sắc uống 7 - 10 ngày.
Chữa tiêu chảy: Rau má 12g, lá ổi 12g, sắc lấy nước, chia 2 lần uống trong ngày.
Chữa chín mé (sưng buốt đầu ngón tay): Hái một nắm rau má tươi, giã nát, đắp lên chỗ sưng đau, băng cố định lại.
Chú ý: Phụ nữ có thai không nên dùng.
Lương y Hoài Vũ