Sản xuất nông phẩm, thực phẩm theo công nghệ sạch (Tiếp theo và hết)

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Bài viết đăng trên Báo Nhân Dân điện tử ngày 26 tháng 2 năm 2007

... Một số vùng sản xuất tuy không sử dụng chất hóa học hoặc sản xuất nông nghiệp theo phương thức tự nhiên cũng không được coi là sản xuất nông nghiệp hữu cơ, vì ở những vùng đó không được quản lý chặt chẽ, sản lượng, chất lượng sản phẩm không ổn định.

Trong quá trình sản xuất nông nghiệp hữu cơ, có thể sử dụng một số nguyên liệu thiên nhiên không bị ô nhiễm, nhưng phải khống chế ở mức độ nhất định, không được làm cạn kiệt tài nguyên.

Nông nghiệp hữu cơ tiếp thu kinh nghiệm của nông nghiệp truyền thống và được phát triển trên cơ sở của nông nghiệp truyền thống, song cơ sở khoa học và điều kiện sản xuất khác hẳn nông nghiệp truyền thống. Phương thức sản xuất cơ bản của nông nghiệp hữu cơ rất giống nông nghiệp truyền thống của nhiều nước phương đông, nhưng đã có những tiến bộ mới về lý luận, công nghệ và công cụ sản xuất.

Nông nghiệp hữu cơ nghiêm cấm sử dụng hóa chất, nhưng không đối lập với khoa học, ngược lại, đó là một thách thức mới đối với khoa học nông nghiệp hiện đại, khi phương thức nông nghiệp hữu cơ đang vươn tới một phương thức sản xuất nông nghiệp thân thiện với thiên nhiên, không gây ô nhiễm môi trường, bảo vệ đất lâu dài, lại có thể cung cấp thỏa mãn nhu cầu sản phẩm giàu dinh dưỡng cho loài người.

Như vậy, chỉ cần sử dụng giải pháp không dùng hóa chất để kiềm chế sâu, bệnh gây hại, thì nông nghiệp hữu cơ không làm cho nông nghiệp quay lại thời hoang sơ với năng suất thấp, hiệu quả thấp dẫn đến đói nghèo, từ đó nông nghiệp hữu cơ có khả năng trở thành một bộ phận cấu thành quan trọng của nền nông nghiệp hiện đại của loài người trong tương lai.

Ở các nước châu Âu, nông sản hữu cơ có tốc độ tăng trưởng hằng năm 10% - 40%. Kim ngạch bán kẻ thực phẩm hữu cơ ở Mỹ hơn 4 tỷ USD/năm, hiện nay có 1/3 dân Mỹ mua sản phẩm hữu cơ, 83% dân Mỹ có nhu cầu mua thực phẩm hữu cơ. Năm 2006, khối lượng tiêu thụ sản phẩm hữu cơ ở Mỹ là 47,0 tỷ USD. Thực phẩm hữu cơ ở Ðan Mạch chiếm 10% thị phần, với 400 chủng loại sản phẩm, chiếm tỷ lệ 20% số sản phẩm vào năm 2001. Ở Ðức, thực phẩm hữu cơ chiếm 5% thị phần. Ở Nhật Bản, quy mô thị trường sản phẩm hữu cơ đạt mức 1-2 tỷ USD/năm. 11 nước phát triển, trong đó có Mỹ, Anh, Pháp có tổng mức tiêu thụ đạt 13,5 tỷ USD vào năm 1998, chiếm 1% thị phần thực phẩm. Trong 5 năm qua, EU, Mỹ, Nhật Bản tốc độ tăng trưởng về mức tiêu thụ sản phẩm hữu cơ trên thị trường tăng bình quân 25-30%/năm. Năm 2006, kim ngạch tiêu thụ thực phẩm hữu cơ trên thị trường EU đạt 100 tỷ USD.

Ở các nước phát triển, nhu cầu về thực phẩm hữu cơ phần lớn dựa vào nhập khẩu. Ðức, Hà Lan, Anh hằng năm nhập khẩu thực phẩm hữu cơ chiếm 60-70% tổng mức tiêu thụ về thực phẩm hữu cơ, giá cao hơn thực phẩm thông thường 20%-50%, có khi tăng nhiều lần. Các mặt hàng sản phẩm hữu cơ xuất khẩu chủ yếu gồm trên 50 loại, trong đó có gạo, ngô, đậu tương, mì mạch, các loại đậu đỗ, hàng gia vị, rau, vừng, hạt dẻ, hạt dưa, quả, rau, bột sữa, mật ong, trứng gia cầm, lạc, chè, dược liệu, chủ yếu nhập vào thị trường Nhật Bản, Mỹ, Hà Lan, Canada, Ðức, Pháp.

Từ nền nông nghiệp truyền thống phát triển thành nền nông nghiệp hiện đại là một bước nhảy vọt lớn của loài người. Từ một nền nông nghiệp hiện đại áp dụng công nghệ thiếu thân thiện với môi trường, chưa an toàn đối với sức khỏe con người vươn tới nền nông nghiệp hiện đại phát triển theo hướng sản xuất các sản phẩm không gây ô nhiễm, sản phẩm sinh thái, sản phẩm hữu cơ thân thiện với môi trường, bảo vệ sức khỏe loài người lại là một bước nhảy vọt tiếp theo của loài người.

Nông phẩm, thực phẩm không ô nhiễm, nông phẩm, thực phẩm sinh thái, nông phẩm, thực phẩm hữu cơ đều là thực phẩm an toàn ở ba đẳng cấp khác nhau, có yêu cầu về môi trường sản xuất và tiêu chuẩn sản phẩm khác nhau, đối tượng tiêu dùng khác nhau.

Trong điều kiện hiện thực, vẫn chủ yếu phát triển sản xuất các sản phẩm không ô nhiễm để phục vụ nhu cầu đa số dân cư, tùy điều kiện sinh thái cụ thể của từng địa phương để quy hoạch và đầu tư từng bước phát triển sản xuất nông phẩm, thực phẩm sinh thái và nông phẩm, thực phẩm hữu cơ, nhằm thỏa mãn nhu cầu tầng lớp người tiêu dùng có thu nhập cao.

Phát triển kỹ nghệ sản xuất nông phẩm, thực phẩm an toàn là một trào lưu lớn và mới của nông nghiệp thế giới đương đại, có ý nghĩa thực tiễn to lớn đối với nước ta.

Một là, sản xuất nông phẩm, thực phẩm an toàn nhằm bảo đảm chất lượng cuộc sống của nhân dân. Loài người đang đòi hỏi quản lý chất lượng của nông phẩm, thực phẩm "từ đồng ruộng đến bàn ăn" với sản phẩm đưa vào tiêu dùng phải có chứng chỉ bảo đảm an toàn vệ sinh, không gây hại cho sức khỏe con người, không còn thực phẩm gây ngộ độc. Không những vậy còn phải vươn lên sản xuất nông phẩm, thực phẩm có chất lượng ngày càng cao, nâng cao chất lượng đời sống người tiêu dùng, đó cũng là đòi hỏi bức thiết của nhân dân ta.

Hai là, sản xuất nông phẩm, thực phẩm an toàn, bảo vệ môi trường sinh thái nông nghiệp, góp phần thúc đẩy nền nông nghiệp phát triển bền vững. Sản xuất nông nghiệp trong thời gian dài đã sử dụng quá nhiều phân hóa học làm cho độ phì đất suy giảm, lượng lớn về đạm, lân đã bị rửa trôi, làm cho nước bị "nhiễm dinh dưỡng", hàm lượng đạm nitrat, nitrit tăng mạnh, càng làm cho môi trường nước, đất xấu đi.

Trong sản xuất nông nghiệp, sử dụng thuốc hóa chất bảo vệ thực vật quá mức đã làm cho thiên địch giảm, sâu bệnh lan tràn mạnh, dư lượng thuốc trong đất và nước ngày càng nhiều, từ đó lại nhiễm độc trở lại nông phẩm, thực phẩm, gây tác hại cho môi trường sống và sức khỏe của con người.

Việc sản xuất nông nghiệp an toàn sẽ thúc đẩy quá trình áp dụng công nghệ cao về sản xuất an toàn, tuân thủ tiêu chuẩn nghiêm ngặt về bảo vệ và cải thiện môi trường sinh thái, góp phần nông nghiệp phát triển bền vững.

Ba là, góp phần thu hút mạnh vốn đầu tư nước ngoài vào nông nghiệp. Nước ta đã thu hút được nguồn vốn FDI của nước ngoài đầu tư vào Việt Nam ngày càng lớn, nhưng chủ yếu là đầu tư vào công nghiệp - xây dựng, dịch vụ, còn phần đầu tư vào nông nghiệp rất ít, đã vậy, lại hiếm có các dự án đầu tư phát triển công nghệ cao, công nghệ mới, có hiệu ích lan tỏa lớn trong nông nghiệp.

Nếu nước ta khuyến khích mạnh phát triển ngành kỹ nghệ nông phẩm, thực phẩm an toàn sản xuất theo công nghệ sạch sẽ kích thích các nhà đầu tư nước ngoài, nhất là các công ty xuyên quốc gia của các nước phát triển là những nước đi đầu đề xướng và phát triển loại kỹ nghệ này, có nhu cầu tiêu thụ sản phẩm lớn, có vốn lớn đầu tư vào ngành kỹ nghệ nông phẩm, thực phẩm không ô nhiễm, an toàn ở Việt Nam, qua đó cũng tạo điều kiện để ngành kỹ nghệ mới này của nước ta thu hút được sự quan tâm hợp tác của cộng đồng quốc tế, nâng cao uy tín của sản phẩm nông phẩm, thực phẩm trong lành của Việt Nam.

Bốn là, nâng cao chất lượng, nâng cao sức cạnh tranh của nông phẩm, thực phẩm nước ta trên thị trường. Sản phẩm nông nghiệp của thế giới nói chung đang ở thế cung lớn hơn cầu. Hàng loạt nông phẩm, thực phẩm phải đối mặt với những cạnh tranh gay gắt trong quá trình tự do hóa thương mại toàn cầu.

Ngành nông nghiệp nước ta là một trong những ngành có vị thế yếu nhất trong cạnh tranh quốc tế sau khi gia nhập WTO. Ðể giành chiến thắng trong cạnh tranh, nông phẩm, thực phẩm Việt Nam cùng một lúc phải cạnh tranh được cả về giá và cả về chất lượng sản phẩm, trong đó, vấn đề gay cấn nhất vẫn là chất lượng sản phẩm.

Nếu phát triển sản xuất nông phẩm, thực phẩm không ô nhiễm, an toàn, chất lượng cao thì nông phẩm, thực phẩm sản xuất theo công nghệ sạch của Việt Nam sẽ có vị thế xứng đáng trên thị trường thế giới, trước mắt là nông phẩm, thực phẩm không ô nhiễm, tiếp sau đó là nông phẩm, thực phẩm sinh thái, nông phẩm, thực phẩm hữu cơ mà thị trường thế giới đang có tiềm năng tiêu thụ to lớn.

Năm là, nông phẩm, thực phẩm không ô nhiễm tạo được giá trị gia tăng lớn, góp phần hiện đại hóa nhanh ngành công nghiệp chế biến nông phẩm, thực phẩm.

Ngành công nghiệp chế biến nông phẩm, thực phẩm của nước ta đang rất yếu kém. Chất lượng nông phẩm, thực phẩm thấp, công nghệ chế biến lạc hậu, không bảo đảm yêu cầu an toàn, vệ sinh, giá trị gia tăng qua chế biến rất thấp, hiệu ích kinh tế thấp, do đó, phải có hệ thống giải pháp đồng bộ theo hướng sử dụng giống tốt để có chất lượng sản phẩm cao, phải cải tiến thiết bị chế biến, phát triển chế biến sâu, phát triển công nghệ đóng gói hiện đại, phải sớm đề ra tiêu chí nông phẩm, thực phẩm không ô nhiễm, tạo ra nhiều thương hiệu đặc hữu của Việt Nam theo hướng an toàn, chất lượng cao, đưa công nghiệp chế biến nông phẩm, thực phẩm trở thành ngành công nghiệp hiện đại, tạo ra giá trị gia tăng lớn trong ngành nông nghiệp nước nhà.

Sáu là, góp phần chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp, tạo nhiều việc làm tăng thu nhập cho nông dân, tăng thu ngoại tệ cho đất nước.

Sử dụng công nghệ sạch là một ngành kỹ nghệ cần nhiều lao động, trong đó ngành nông nghiệp hữu cơ cần nhiều lao động chuyên nghiệp trong suốt ba công đoạn của quá trình trước, trong và sau sản xuất. Nhiều nhà kinh tế cho rằng, chỉ riêng về công đoạn sản xuất nông nghiệp, cần số lao động cao gấp 6 lần so với công nghệ thông thường.

Sản xuất nông phẩm, thực phẩm là những ngành sản xuất quan trọng nhất của nông nghiệp nước ta, nếu sản xuất theo công nghệ sạch có thể là một hướng lớn để giảm nhẹ sức ép về dư thừa lao động trong nông thôn. Sản xuất sản phẩm không ô nhiễm, an toàn tạo ra sản phẩm có giá bán cao, góp phần tăng thu nhập cho nông dân, nâng cao hiệu ích tổng thể của sản xuất nông nghiệp. Chẳng hạn, nếu sản xuất gạo, chè an toàn, chất lượng cao, giá bán cao hơn hẳn sản phẩm thông thường, thu nhập của người làm lúa, làm chè có thể tăng nhiều lần.

Nước ta có lợi thế cạnh tranh để phát triển ngành kỹ nghệ sản xuất nông nghiệp không ô nhiễm, an toàn vì nước ta có nguồn lao động dồi dào với tố chất tốt phù hợp yêu cầu của ngành sản xuất này cần nhiều lao động có chất lượng tốt, đồng thời còn nhiều vùng sinh thái có điều kiện môi trường tương đối trong lành, nhưng đây lại là ngành kỹ nghệ mới, phức tạp, xa lạ với thói quen của nông dân và sức ỳ của phương thức sản xuất tiểu nông.

Do đó, để thực thi nhiệm vụ này, đòi hỏi quyết tâm cao và có lộ trình phù hợp. Phải tuyên truyền rộng rãi trong nhân dân về phương thức sản xuất này để hơn ai hết người nông dân phải từ bỏ những suy nghĩ truyền thống không phù hợp với thế giới đương đại, kịp thời chuyển tư duy cổ truyền sang tư duy hiện đại, chấm dứt cách làm ăn tùy tiện của kinh tế tiểu nông.

Với cấp vĩ mô, phải chọn bước đi phù hợp. Những sản phẩm không ô nhiễm, an toàn đang là đòi hỏi bức xúc của xã hội thì phải làm ngay, những sản phẩm có đẳng cấp cao như nông nghiệp hữu cơ thì phải chuẩn bị làm từng bước, làm đến đâu tốt đến đó, bảo đảm hiệu quả.

Trong giai đoạn ban đầu, ngoài việc thực thi ngay các biện pháp tổ chức sản xuất các loại nông phẩm, thực phẩm không ô nhiễm, an toàn, còn đối với các loại nông phẩm, thực phẩm có đẳng cấp cao hơn nên tập trung vào một số đối tượng, sau đó từng bước mở rộng sang các ngành khác, cụ thể như sau:

Trong ngành trồng trọt chọn một số cây như lúa gạo, rau, chè... sản xuất theo công nghệ sạch trên diện tích rộng, trong đó có một số diện tích nhỏ sản xuất sản phẩm hữu cơ mang tính đột phá, tập trung vào những vùng có môi trường tự nhiên đang còn rất trong lành, có điều kiện ứng dụng ngay công nghệ mới, dễ quản lý, chẳng hạn sản xuất gạo hữu cơ đặc sản bằng giống đặc biệt ngon ở một số địa phương vùng Tây Bắc, Tây Nguyên, đồng bằng sông Cửu Long; sản xuất rau hữu cơ ở một số địa phương vùng miền núi phía bắc và Lâm Ðồng; sản xuất chè hữu cơ vùng cao các tỉnh miền núi phía bắc, tạo ra những sản phẩm với những thương hiệu nổi tiếng trong nước và thế giới, góp phần phát triển ngành kỹ nghệ nông phẩm, thực phẩm không ô nhiễm, an toàn, đồng thời góp phần nâng cao hiệu ích kinh tế, nâng cao thu nhập cho nông dân các vùng này.

Trong ngành chăn nuôi: Chọn một số đối tượng làm trước, chủ yếu là gà, gia súc ăn cỏ và động vật hoang dã. Phát triển nuôi gà sinh thái, gà hữu cơ bằng những giống gà đặc biệt ngon của địa phương vừa góp phần phòng, chống dịch cúm gia cầm hiện nay, đồng thời tạo ra ngành sản xuất thịt gà chất lượng rất cao đủ sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Sản xuất gia súc ăn cỏ chủ yếu dựa vào thức ăn từ cỏ trồng và thức ăn tinh theo công nghệ sinh thái để có sản phẩm thịt, sữa sạch.

Trong ngành thủy sản: Chủ yếu là ngành nuôi trồng thủy sản nội địa và trên biển. Phát triển nuôi trồng thủy sản nội địa theo công nghệ sinh thái, tập trung chủ yếu ở vùng đồng bằng sông Cửu Long để có sản lượng lớn về thủy sản không ô nhiễm, an toàn, nâng cao sức cạnh tranh trong xuất khẩu. Phát triển nghề nuôi trồng thủy sản trên biển theo công nghệ sinh thái và công nghệ hữu cơ, với những giống thủy sản quý hiếm, tạo ra nhiều thương hiệu nổi tiếng, có giá bán rất cao trên thị trường quốc tế.

Các sản phẩm nông phẩm, thực phẩm không ô nhiễm, an toàn, trong đó có sản phẩm hữu cơ đang là thị hiếu tiêu dùng có nhu cầu lớn của thế giới, nhất là ở các nước phát triển. Nếu nông nghiệp Việt Nam sản xuất được những sản phẩm đạt những tiêu chuẩn quốc tế, sẽ tạo ra sức hấp dẫn lớn và vị thế bền vững trên thị trường thế giới.

Chúng ta cần đề ra định hướng phát triển, ban hành các luật pháp tương ứng, có chính sách khuyến khích đủ mạnh, xúc tiến nghiên cứu khoa học, ban hành các quy trình tiêu chuẩn kỹ thuật sản xuất, quy chế công nhận hàng hóa đạt tiêu chuẩn, giúp cho ngành kỹ nghệ này có điều kiện phát triển đáp ứng kịp nhu cầu bức xúc của thị trường, trước hết là nhu cầu của người tiêu dùng trong nước.

Sau khi gia nhập WTO, ngành kỹ nghệ mới này còn giúp cho sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam có điều kiện vượt qua những rào cản thương mại, phát huy được lợi thế để xâm nhập thị trường các thành viên WTO phát triển, với khối lượng ngày càng lớn, hiệu quả kinh tế cao, đồng thời góp phần nâng cao uy tín của hàng hóa Việt Nam trong quá trình toàn cầu hóa kinh tế.

trang trước

Liên kết đến đây