Sử dụng thuốc nhỏ mắt

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Quá trình đưa chất lạ vào trong mắt không phải là điều dễ dàng, kể cả thuốc nhỏ mắt. Các hiệu thuốc có bán sẵn thuốc nhỏ mắt để trị đỏ tấy, dị ứng, kích ứng, và khô mắt nhẹ. Những thuốc dùng để chữa khô mắt nặng, viêm nhiễm hoặc tăng nhãn áp đều được bác sĩ kê toa. Bất kể lý do dùng thuốc nhỏ mắt là gì, bạn cần biết cách nhỏ thuốc vào mắt an toàn và hiệu quả cho bản thân và người khác.

Các bước[sửa]

Dùng thuốc nhỏ mắt cho bản thân[sửa]

  1. Rửa tay. Bạn cần rửa tay kỹ càng với xà phòng và nước.[1]
    • Rửa sạch kẽ ngón tay và cổ tay cũng như cẳng tay.[1]
    • Dùng khăn sạch lau khô tay.[1]
  2. Đọc hướng dẫn. Bạn cần hiểu rõ chỉ dẫn trên chai, hoặc theo sự hướng dẫn của bác sĩ.[1]
    • Xác định bên mắt cần nhỏ thuốc, và số giọt cần nhỏ mỗi lần tra thuốc.[1] (Thường chỉ nhỏ một giọt vì mắt chỉ có thể chứa tối đa một giọt.)
    • Kiểm tra đồng hồ để xác định thời gian nhỏ thuốc tiếp theo, hoặc lưu ý thời điểm hiện tại để biết khi nào cần nhỏ thuốc tiếp.[1]
  3. Kiểm tra thuốc nhỏ mắt. Quan sát chất lỏng bên trong chai.[1]
    • Bảo đảm rằng không có vật thể lạ trong dung dịch thuốc nhỏ mắt (trừ khi loại thuốc này có chứa các hạt nhỏ trong thành phần).[1]
    • Sản phẩm phải có từ “thuốc chữa mắt” trên nhãn. Bạn có thể bị nhầm lẫn với thuốc nhỏ tai có chữ “thuốc chữa tai” trên nhãn mác.[2]
    • Kiểm tra chai thuốc không bị hư hỏng. Kiểm tra đầu chai nhưng không được chạm vào để chắc rằng không bị hư hại hay biến màu.[1]
  4. Kiểm tra ngày hết hạn của chai thuốc. Không dùng thuốc nhỏ mắt đã hết hạn sử dụng.[1]
    • Thuốc nhỏ mắt có chứa chất bảo quản để tránh sản sinh vi khuẩn có hại. Tuy nhiên nếu thuốc đã hết hạn thì có thể bị nhiễm khuẩn.[1]
    • Một số loại thuốc nhỏ mắt chỉ nên dùng trong vòng 30 ngày kể từ khi mở nắp chai. Bạn cần hỏi bác sĩ hoặc dược sĩ về thời gian sử dụng của thuốc sau khi mở nắp.
  5. Lau sạch vùng mắt. Dùng khăn sạch lau nhẹ bụi bẩn hoặc mồ hôi ra khỏi vùng mắt.[3]
    • Nếu có thể, bạn nên dùng chất liệu tiệt trùng, chẳng hạn như miếng gạc 2 x 2 bọc kín để lau vùng mắt.[3]
    • Mỗi lần chỉ dùng một miếng gạc rồi vứt đi.[3]
    • Dùng khăn hoặc miếng gạc thấm nước để loại bỏ chất cặn xung quanh mắt.[3]
    • Nếu mắt bị viêm, bạn cần rửa sạch tay sau khi vệ sinh xung quanh mắt trước khi tiến hành nhỏ thuốc.[3]
  6. Lắc nhẹ chai thuốc. Không lắc quá mạnh.[1]
    • Lắc nhẹ chai thuốc, hoặc dùng hai tay lăn đều để dung dịch thuốc hòa tan đều.[1] Một số thuốc nhỏ mắt có chứa vài hạt nhỏ, vì thế bạn nên lắc kỹ để hạt tan đều trong dung dịch.
    • Mở nắp chai và đặt ở nơi sạch sẽ, chẳng hạn như đặt trên tấm khăn sạch và khô.[2]
  7. Không chạm vào đầu chai. Khi chuẩn bị nhỏ thuốc, bạn cần lưu ý không chạm vào mắt, lông mi, và đầu chai thuốc.[1]
    • Chạm vào đầu chai thuốc nhỏ mắt có thể lây lan vi trùng vào trong dung dịch gây nhiễm bẩn.[1]
    • Khi dùng thuốc nhỏ mắt bị nhiễm bẩn, bạn có nguy cơ làm cho mắt bị viêm nhiễm lại.[1]
    • Nếu vô tình chạm phải đầu chai thuốc, bạn dùng miếng gạc thấm cồn (70% cồn isopropyl) để tiệt trùng hoặc mua chai mới hay thông báo cho bác sĩ kê toa thuốc mới.
  8. Đặt ngón tay cái lên phần lông mày. Trong lúc giữ chai thuốc trên tay, đặt ngón tay cái ngay trên lông mày. Bước này giúp cố định bàn tay trong lúc nhỏ thuốc.[2]
    • Đặt chai thuốc trên mi mắt dưới khoảng 1 cm để tránh chạm vào vùng mắt.[2]
  9. Ngả đầu ra sau. Trong lúc ngả đầu ra sau, nhẹ nhàng dùng ngón trỏ kéo mi mắt dưới xuống.[1]
    • Kéo mi mắt xuống để tạo không gian, hoặc vùng trũng chứa giọt thuốc.[1]
    • Nhìn vào một điểm ở phía trên. Tập trung vào một vị trí trên trần nhà hoặc phía trên đầu và mở hai mắt để không nháy mắt.[2]
  10. Bóp thân chai. Nhẹ nhàng bóp chai thuốc cho đến khi giọt thuốc nhỏ vào mắt trong khi bạn kéo mi mắt dưới xuống.[2]
    • Nhắm mắt lại, nhưng không ép chặt. Bạn nên nhắm mắt ít nhất từ hai đến ba phút.[4]
    • Cúi đầu xuống sàn nhà trong khi vẫn nhắm mắt khoảng hai đến ba phút.[5]
    • Nhẹ nhàng ép lên ống dẫn nước mắt bên trong mắt khoảng 30 đến 60 giây. Bước này giúp cho thuốc lưu giữ lại bên trong mắt[2] và tránh cho thuốc chảy vào cổ họng gây khó chịu.
    • Dùng khăn giấy sạch thấm nhẹ thuốc chảy ra ngoài mắt hoặc gò má.[2]
  11. Chờ năm phút trước khi dùng tiếp thuốc nhỏ mắt. Nếu toa thuốc yêu cầu liều lượng hơn một giọt, bạn cần chờ năm phút trước khi nhỏ tiếp lần hai để thuốc có thời gian hấp thụ.[2] Nếu nhỏ tiếp lần hai ngay sau lần một, dung dịch nhỏ trong lần một sẽ trôi mất và không kịp hấp thụ.
    • Nếu nhỏ thuốc vào hai mắt, bạn có thể nhỏ mắt còn lại trong khoảng hai đến ba phút, sau khi nhắm mắt trong khoảng thời gian quy định.[1]
  12. Đóng nắp chai. Vặn nắp lại vào trong chai, không chạm vào nắp hoặc đầu chai.[5]
    • Không lau phần đầu cũng như để tiếp xúc với vật khác. Bạn phải giữ dung dịch thuốc không bị nhiễm bẩn.[5]
    • Rửa tay sạch để loại bỏ thuốc còn sót lại hoặc vi trùng.[5]
  13. Chờ từ 10 đến 15 phút trước khi nhỏ thuốc khác. Nếu bác sĩ kê toa nhiều loại thuốc, bạn cần chờ ít nhất từ 10 đến 15 phút trước khi dùng thuốc mới.[1]
    • Trong một số trường hợp, bác sĩ kê toa thuốc mỡ kèm theo thuốc nhỏ mắt. Bạn nên dùng thuốc nhỏ trước, chờ 10 đến 15 phút rồi thoa thuốc mỡ.[1]
  14. Bảo quản thuốc nhỏ mắt đúng cách. Hầu hết thuốc nhỏ mắt được bảo quản trong nhiệt độ phòng và số khác cần giữ trong nhiệt độ mát.[1]
    • Nhiều thuốc nhỏ mắt cần đặt trong tủ lạnh trước khi sử dụng. Bạn cần phải bảo quản thuốc đúng cách. Trao đổi với bác sĩ hoặc dược sĩ nếu không biết chắc về cách thức bảo quản thuốc.[2]
    • Không để thuốc nhỏ mắt tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời.[2]
  15. Xem hạn sử dụng. Mặc dù ngày hết hạn vẫn còn xa, một số loại thuốc cần phải vứt đi trong bốn tuần sau khi mở nắp.[4]
    • Ghi lại ngày đầu tiên mở chai thuốc nhỏ mắt.[4]
    • Ngoài ra nên hỏi dược sĩ hoặc xem tài liệu hướng dẫn sản phẩm để xác định xem có cần bỏ thuốc hoặc thay mới sau bốn tuần mở nắp chai hay không.[4]

Nhận biết thời điểm cần sự trợ giúp y tế[sửa]

  1. Đi khám bác sĩ nếu có triệu chứng bất thường. Nếu gặp phải hiện tượng đau mắt hoặc chảy nước mắt nhiều, bạn cần trao đổi với bác sĩ.[1]
    • Các triệu chứng khác mà bạn cần đi khám bác sĩ bao gồm thay đổi thị lực, mắt đỏ hoặc sưng tấy, và có mủ hoặc dịch tiết bất thường chảy ra từ mắt.[1]
  2. Theo dõi triệu chứng. Nếu không thấy cải thiện hoặc triệu chứng trở nên trầm trọng hơn, bạn cần đi khám bác sĩ.[6]
    • Nếu đang điều trị viêm nhiễm, bạn cần lưu ý triệu chứng ở mắt kia. Đi khám bác sĩ nếu bắt đầu thấy tình trạng viêm nhiễm lan sang mắt còn lại.[6]
  3. Lưu ý phản ứng dị ứng. Nếu da bị phát ban hoặc tổn thương, khó thở, sưng mắt, mặt, ngực hoặc cổ họng có cảm giác bị ép chặt, có thể bạn đã bị dị ứng.[1]
    • Phản ứng dị ứng là tình trạng y tế khẩn cấp. Bạn cần gọi 115 hoặc tìm sự trợ giúp y tế nhanh nhất có thể. Không nên tự mình đến bệnh viện.[1]
  4. Rửa mắt. Nếu cho rằng bị dị ứng thuốc nhỏ mắt, bạn cần rửa mắt bằng sản phẩm vệ sinh dành cho mắt nếu có.[1]
    • Nếu không có sản phẩm vệ sinh mắt, bạn có thể dùng nước để loại bỏ thuốc ra khỏi mắt nhằm tránh xâm nhập sâu vào trong mắt.[1]
    • Nghiêng đầu sang một bên, mở mắt để nước rửa trôi thuốc ra khỏi mắt.[1]

Dùng thuốc nhỏ mắt cho trẻ em[sửa]

  1. Vệ sinh tay. Bạn cần rửa tay sạch sẽ như khi tự nhỏ thuốc cho mình.[3]
    • Dùng khăn sạch lau khô tay.[3]
  2. Kiểm tra thuốc nhỏ mắt. Trước khi chuẩn bị cho trẻ, bạn cần bảo đảm sử dụng đúng sản phẩm, mắt nào cần dùng thuốc, và nhỏ bao nhiêu giọt. Đôi khi bạn phải dùng thuốc cho hai mắt.[3]
    • Kiểm tra hạt nhỏ trong thuốc nhỏ mắt, hạn sử dụng, và không nhầm lẫn với thuốc nhỏ tai.[3]
    • Chai thuốc phải còn nguyên vẹn và đầu chai không bị bẩn và biến màu. Không lau hoặc chạm vào đầu chai.[3]
    • Nhẹ nhàng lắc chai thuốc để dung dịch hòa tan đều.[3]
  3. Chuẩn bị cho trẻ. Giải thích hành động bạn đang làm. Trò chuyện với trẻ để chúng biết về điều mà bạn sắp thực hiện.[3]
    • Đối với trẻ nhỏ, bạn cần nhỏ một giọt lên mu bàn tay của chúng để chúng thấy rằng không có gì phải sợ.[3]
    • Để trẻ tự chứng kiến quá trình nhỏ thuốc vào mắt bạn, hoặc mắt của người khác. Khi đó bạn phải đậy nắp chai để giả vờ nhỏ thuốc vào mắt mình hoặc của người khác.[3]
  4. Giữ yên đứa trẻ. Để nhỏ thuốc cho trẻ em thì cần phải có hai người. Một người có nhiệm vụ giữ trẻ và hai tay không cho chạm vào mắt.[3]
    • Không làm trẻ sợ hãi. Nếu trẻ đủ lớn để hiểu sự việc, bạn cần cho chúng biết tầm quan trọng của việc giữ tay xa khỏi mắt. Bạn có thể để trẻ tự nhận thức điều này để chúng không có cảm giác như đang bị lừa.
    • Đề nghị trẻ ngồi xuống đặt tay lên đùi, hoặc nằm xuống và để tay dưới lưng. Người kia sẽ có trách nhiệm giữ tay của trẻ xa tầm mắt, và đầu ở yên vị trí.[3]
    • Thực hiện càng nhanh càng tốt để trẻ không quá căng thẳng và lo âu.[3]
  5. Lau mắt cho trẻ. Đôi mắt phải sạch và không bị dính vật lạ, bụi bẩn, hoặc mồ hôi.[3]
    • Nếu cần, bạn có thể dùng khăn sạch hoặc miếng gạc khử trùng để lau nhẹ mắt. Lau từ trong ra ngoài xung quanh mắt.[3]
    • Vứt khăn hoặc miếng gạc sau mỗi lần sử dụng. Không dùng lại khăn hoặc miếng gạc bẩn.[3]
  6. Đề nghị trẻ nhìn lên trần nhà. Bạn có thể đưa món đồ chơi lên trên cao để chúng nhìn theo.[3]
    • Sau khi trẻ nhìn lên, nhẹ nhàng kéo mi mắt dưới xuống, và nhỏ một giọt thuốc vào vùng trũng trong mắt.[3]
    • Thả tay ra để trẻ nhắm mắt lại. Khuyến khích trẻ nhắm mắt khoảng vài phút. Nhẹ nhàng ấn lên ống dẫn nước mắt để thuốc nằm trong mắt càng lâu càng tốt.[3]
    • Trong một số trường hợp, bạn cần giữ mi mắt trên và dưới trong lúc nhỏ thuốc.[3]
  7. Không để chai thuốc tiếp xúc với mắt. Không để bất kỳ phần nào của mắt, kể lông mi, tiếp xúc với đầu chai thuốc.[3]
    • Nếu để cho đầu chai tiếp xúc với bất kỳ phần nào của mắt sẽ khiến cho vi trùng xâm nhập vào dung dịch, và do đó sẽ làm chai thuốc nhiễm bẩn.[3]
  8. Đậy nắp chai. Vặn nắp lại vào trong chai để đầu chai không tiếp xúc với vật lạ.[3]
    • Không lau hoặc làm sạch đầu chai. Điều này sẽ khiến cho dung dịch thuốc bị nhiễm bẩn.[3]
    • Vệ sinh tay kỹ càng sau khi nhỏ thuốc cho trẻ.[3]
  9. Khen ngợi trẻ. Cho trẻ biết rằng chúng đã nỗ lực để có đôi mắt khỏe mạnh hơn.[3]
    • Ngay cả khi trẻ hơi bướng bỉnh, bạn vẫn nên khen ngợi chúng. Điều này giúp cho việc dùng thuốc lần sau dễ dàng hơn.[3]
    • Tặng phần thưởng nhỏ kèm theo lời khen.[3]
  10. Thử phương pháp khác. Đối với trẻ không chịu dùng thuốc, bạn nên cân nhắc sử dụng biện pháp khác.[4]
    • Bạn cần biết rằng phương pháp này không hiệu quả bằng phương pháp nêu trên nhưng vẫn tốt hơn là không nhỏ thuốc cho trẻ.[4]
    • Đề nghị trẻ nằm ngửa, nhắm mắt lại, sau đó nhỏ thuốc vào hốc mắt, ở vị trí ống dẫn nước mắt.[4]
    • Đề nghị trẻ mở mắt, khi đó thuốc sẽ chảy vào bên trong.[4]
    • Đề nghị trẻ nhắm mắt khoảng hai đến ba phút và ấn nhẹ lên vị trí ống dẫn nước mắt.[4]
    • Trao đổi với bác sĩ của trẻ về phương pháp nhỏ thuốc này. Bác sĩ có thể đổi toa thuốc hoặc tăng số giọt thuốc trong một liều lượng vì phương pháp này không làm cho mắt tiếp xúc đủ lượng thuốc cần thiết.[4]
    • Không nhỏ quá nhiều thuốc trước khi trao đổi với bác sĩ. Nếu dùng liều lượng vượt mức cho phép có thể gây kích ứng và đôi lúc là nóng rát nhẹ do chất bảo quản có trong thuốc.[4]
  11. Bọc kín trẻ sơ sinh. Trẻ nhỏ hoặc trẻ sơ sinh cần được bọc cẩn thận trong chăn để tra thuốc dễ dàng hơn.[3]
    • Bọc kín cơ thể trẻ để giữ chặt tay không cho chúng chạm vào mắt khi đang nhỏ thuốc.[3]
    • Bạn cần tách hai mí mắt của trẻ sơ sinh nếu chúng không thể tập trung vào vật thể trên cao trong lúc bạn kéo mi mắt dưới.
  12. Cho bú sữa bình hoặc bú sữa mẹ. Sau khi nhỏ thuốc, bạn nên cho chúng bú sữa để xoa dịu tinh thần.[3]
    • Cho bú sữa mẹ hoặc sữa bình ngay sau khi nhỏ mắt để trẻ bình tĩnh hơn.[3]

Lời khuyên[sửa]

  • Không dùng thuốc nhỏ mắt chữa bệnh nếu bạn mang kính sát tròng. Một số loại thuốc dưỡng ẩm được dùng kèm với kính sát tròng, nhưng loại thuốc dùng để chữa bệnh có thể gây hại tròng kính hoặc gây kích ứng mắt.
  • Nếu mang kính sát tròng, bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc dược sĩ về loại thuốc nhỏ mắt định sử dụng. Hỏi về cách dùng thuốc nhỏ mắt an toàn với kính sát tròng, hoặc liệu có cần phải tháo kính sát tròng trong thời gian sử dụng thuốc nhỏ mắt hay không.
  • Nếu đang dùng thuốc nhỏ mắt và thuốc mỡ, bạn nên dùng thuốc nhỏ mắt trước.
  • Nếu cảm thấy khó dùng thuốc, bạn có thể nằm ngửa để giữ đầu cố định.
  • Cân nhắc dùng thuốc trước gương. Một số người cảm thấy việc nhỏ thuốc dễ dàng hơn nếu thực hiện trước gương.
  • Không được dùng thuốc nhỏ mắt của người khác cũng như không để người khác dùng thuốc của mình.

Nguồn và Trích dẫn[sửa]