Scotinophara coarctata (Bọ xít đen hại lúa)

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm
Tập tin:Bo xit den hai lua.jpg
Bọ xít đen hại lúa.

Có 2 loài bọ xít đen quan trọng ở châu Á là Scotinophara (=Podops) lurida (Burmeister) và Scotinophara coarctata (Fabricius). Hai loài trên thuộc họ Pentatomidae (Bọ Xít Năm Cạnh), bộ Hemiptera (Cánh Nửa Cứng). Ở Việt Nam, loài gây hại nhiều là S. coarctata (Fabricius).

Phân bố[sửa]

Bọ xít đen xuất hiện ở hầu hết các quốc gia trồng lúa ở châu Á như Ấn Độ, Bangladesh, Campuchia, Indonesia, Malaysia, Miến Điện, Nepal, Pakistan, Thái Lan và Việt Nam.

Ký chủ[sửa]

Lúa, bắp, lúa hoang, cỏ lồng vực và các loại cỏ Panicum, Scirpus, Sclerotia.

Đặc điểm hình thái và sinh học[sửa]

Thành trùng màu đen, dài từ 8-10 mm. Phiến mai dài tới cuối bụng, nhưng bề ngang không che hết bụng. Góc trước mảnh lưng ngực trước mỗi bên có 1 mấu lồi ngắn, không nhọn. Góc cạnh mảnh lưng ngực trước cũng có 1 mấu lồi ngắn. Ngực có một số đốm màu vàng nhạt ở bìa trước (gần đầu) và cuối vai của ngực trước có 2 gai nhọn ở 2 bên gốc sau. Thành trùng sống khoảng một tháng và một thành trùng cái đẻ từ 150-200 trứng.

Trứng hình trụ, dài 1 mm, mặt trên bằng, mặt dưới tròn. Trứng mới đẻ màu xanh hơi hồng, lúc gần nở màu nâu đỏ hay nâu xám. Trứng được đẻ thành từng ổ khoảng 15 cái, xếp thành nhiều hàng song song trên các lá gần mặt nước. Thời gian ủ trứng từ 3-8 ngày. Bọ xít non khi mới nở cơ thể hơi tròn, dài độ 1 mm. Mắt kép màu đỏ, thân màu đỏ nâu, lớn đủ sức màu tro nâu, thân màu vàng xanh, trên lưng có những đốm đen. Ấu trùng bọ xít đen có 4-5 tuổi và phát triển từ khi nở đến lớn hoàn toàn từ 27-50 ngày.

Tập quán sinh sống và cách gây hại[sửa]

Thành trùng có khả năng di chuyển một khoảng xa từ nơi trú ngụ là cỏ dại khi trên ruộng không có lúa và bay vào ruộng khi có lúa để gây hại và bị thu hút nhiều bởi ánh sáng đèn, nhất là ánh sáng trắng xanh, các đợt vào đèn tập trung của bọ xít đen đều trùng hợp với những ngày sáng trăng. Ban ngày bọ xít sợ ánh nắng nên thường trốn dưới gốc lúa gần mặt nước và ngay cả dưới mặt nước do có bọt khí bám theo thân mình, sau buổi chiều tối hoặc những ngày trời râm mát, nhiều mây bọ xít mới bò lên trên thân cây lúa để chích hút. Thành trùng tiết ra mùi rất hôi khi bị đụng đến. Thành trùng sống tập trung dưới gốc lúa, ngay trên mặt nước. Bọ xít có thời gian ngủ nghỉ ở giai đoạn thành trùng vào mùa khô trong các kẻ đất nứt trong nhiều tháng khi trên ruộng không còn thức ăn. Khi thới tiết thích hợp sẽ bay vào ruộng lúa.

Thành trùng cái đẻ trứng dưới gốc lúa, trên mặt nước độ 10 cm hoặc đôi khi trên lá lúa gần mặt nước thành từng nhóm từ 40-50 cái. Ấu trùng sống quanh ổ trứng sau khi nở, lúc lớn di chuyển sang nơi khác và thích sống ở dưới gốc cây lúa.

Cả thành trùng và ấu trùng đều chích hút thân, bẹ lá và đôi khi cả bông lúa gây ra hiện tượng: (1) lúa nhảy chồi: cây phát triển chậm, ít chồi; (2) sau giai đoạn nhảy hồi: gié ngắn, hạt lững; (3) lúa trổ bông lép hay bạc trắng. Nếu bọ xít tập trung chích hút với mật số cao cây bị héo khô và chết, rất giống triệu chứng lúa bị cháy rầy.

Các yếu tố ảnh hưởng đến mật số[sửa]

  • Ruộng ngập sâu, nước đọng, có nhiều cỏ dại rất thích hợp, do đó bọ xít đen thường xuất hiện trên ruộng lúa từ tháng 9-11 hàng năm ở đồng bằng sông Cửu Long.
  • Khu vực làm nhiều vụ trong năm thích hợp cho bọ xít hơn là 1 vụ.
  • Lúa từ làm đòng đến ngậm sữa thích hợp hơn lúa non.
  • Thiên địch:
  1. Ong họ Scelionidae thường ký sinh trứng bọ xít.
  2. Ếch, rắn mối ăn thành trùng và ấu trùng.
  3. Một số loài thuộc họ Carabidae ăn trứng, ấu trùng và thành trùng.
  4. Một số loài thuộc họ Nabidae ăn trứng và ấu trùng.
  5. Nấm Metarhizium anisopliae tấn công cả thành trùng lẫn ấu trùng.

Biện pháp phòng trị[sửa]

  • Làm sạch cỏ xung quanh ruộng lúa.
  • Trồng giống lúa chín sớm.
  • Ở những ruộng chủ động được nước, trước khi bọ xít đẻ trứng rộ nên hạ thấp mực nước để bọ xít đẻ trứng ở vị trí thấp hơn, sau đó cứ cách 4 ngày một lần cho nước vào ruộng cao hơn vị trí ban đầu và ngâm trong 24 giờ. Lặp lại từ 2-3 lần như thế có thể tiêu diệt được phần lớn trứng bọ xít.
  • Sử dụng các loại thuốc hóa học, áp dụng thuốc ngay gốc lúa, nơi bọ xít sống.

Ghi chú[sửa]

Nội dung về sâu hại thực vật trình bày ở trên được tham khảo từ Giáo trình Côn trùng Nông nghiệp, phần B: Côn trùng hại cây trồng chính ở đồng bằng sông Cửu Long (tác giả: Nguyễn Văn Huỳnh Lê Thị Sen, Bộ môn Bảo vệ Thực vật, Khoa Nông nghiệp và Sinh học Ứng dụng, Đại học Cần Thơ, năm xuất bản: 2003).[1] Từ khi lên trang, có thể nội dung đã được cập nhật bởi cộng đồng BVTVwiki.

Tham khảo[sửa]

  1. http://ebook.moet.gov.vn/?page=1.32&view=3305