Stenchaetothrips biformis (Bù lạch hại lúa)

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm
Tập tin:Stenchaetothrips biformis.jpg
Stenchaetothrips biformis (Bagnall).

Bù lạch hại lúa tên khoa học Stenchaetothrips biformis (Bagnall), còn có tên là Thrips oryzae (Matsumura) hay Baliothrips biformis (Bagnall), thuộc họ Thripidae (Bù Lạch), bộ Thysanoptera (Cánh Tơ).

Phân bố[sửa]

Bù lạch xuất hiện ở Afghanistan, Ấn Độ, Miến Điện, Campuchia, Triều Tiên, Indonesia, Lào, Malaysia, miền Nam nước Nhật, Philippines, Sri Lanka, Thái Lan và Việt Nam.

Ký chủ[sửa]

Ngoài lúa, bù lạch còn gây hại bắp, cỏ Phalaris, Imperata và nhiều loại cỏ lá hẹp khác.

Đặc điểm hình thái và sinh học[sửa]

Bù lạch rất nhỏ, dài từ 1-1,5 mm, màu nâu đen hoặc màu nâu đỏ. Hai đôi cánh hẹp, mang nhiều lông như lông chim trĩ nên còn có tên là "bọ trĩ", xếp dọc trên lưng khi nghỉ. Thành trùng cái đẻ khoảng 12-14 trứng, nhiều nhất là 25-30 trứng. Đa số bù lạch sinh sản theo phương thức đơn tính, tỉ lệ cái/đực thường rất lớn (trên 95 %). Tuổi thọ của thành trùng cái từ 15-30 ngày.

Trứng hình bầu dục, dài từ 0,20-0,25 mm, màu trắng trong, chuyển sang vàng khi sắp nở, thời gian ủ trứng từ 3-5 ngày.

Ấu trùng có màu vàng nhạt, lớn đủ sức dài khoảng 1 mm, hình dạng giống thành trùng nhưng không cánh. Ấu trùng có 4 tuổi, phát triển từ 6-14 ngày. Trước khi hóa nhộng ấu trùng trải qua thời kỳ tiền nhộng từ 2-3 ngày, màu nâu đậm. Sau đó sang giai đoạn nhộng từ 3-6 ngày.

Tập quán sinh sống và cách gây hại[sửa]

Tập tin:Stenchaetothrips biformis bu lach hai lua trieu chung.jpg
Triệu chứng lá lúa quăn gây ra do bù lạch.

Thành trùng rất linh hoạt, có thể bay một khoảng xa vào ban ngày để tìm ruộng lúa mới. Khi bị khuấy động, thành trùng thường nhanh nhẹn nhảy đi chỗ khác lẫn trốn hay rơi xuống đất. Bù lạch thích hoạt động vào những ngày trời râm mát hoặc ban đêm, trời nắng thường ẩn trong lá non hay chóp lá cuốn lại. Thành trùng cái thích đẻ trứng ở những đám lúa, mạ hoặc cỏ dại xanh tốt.

Trứng được đẻ vào lá non nhất, ở mặt đối diện với thân cây lúa, một số ít được đẻ trên lá đã mở. Thành trùng cái cắt mô của phiến lá bằng bộ phận đẻ trứng bén nhọn xong đẻ từng trứng vào các vết cắt, trứng chỉ gắn 1/2 vào mô lá.

Ấu trùng sau khi nở thường sống tập trung nhiều con trong lá non. Khi lá nở ra hoàn toàn, ấu trùng chuyển vào đầu chóp lá non còn cuốn lại. Với mật số từ 1-2 con trên một cây, chóp lá non có thể bị cuốn; 5 con trên một cây, chóp lá có thể bị cuốn từ 1-3 cm và nếu mật số nhiều hơn 10 con trên một cây lá có thể bị cuốn toàn bộ và héo khô. Khi lúa đứng cái, lá ngừng phát triển, một số ấu trùng có thể chui vào bên trong hạt.

Thành trùng và ấu trùng đều chích hút nhựa lá lúa, nhất là lá non. Lá lúa bị bù lạch gây hại thường có sọc trắng bạc dọc theo gân, chóp bị cuốn lại và bù lạch sống bên trong chóp lá cuốn lại, trời mát mới bò ra ngoài.

Với đặc tính sinh sống là thường ẩn mình trong chóp lá cuốn lại nên bù lạch chỉ thích tấn công trên các ruộng lúa bị khô, lá lúa cuốn lại; nếu ruộng đầy đủ nước, lá lúa mở ra, bù lạch không còn chỗ trú ẩn nên dễ bị chết.

Biện pháp phòng trị[sửa]

Biện pháp canh tác[sửa]

Cho ruộng ngập nước cao hơn ngọn lá lúa khoảng 2 ngày, sau đó bón thêm phân, cây lúa sẽ vượt qua được.

Biện pháp hóa học[sửa]

  • Áp dụng thuốc dạng dung dịch vào buổi chiều.
  • Có thể sử dụng thuốc lưu dẫn dạng hạt rải vào ruộng.

Ghi chú[sửa]

Nội dung về sâu hại thực vật trình bày ở trên được tham khảo từ Giáo trình Côn trùng Nông nghiệp, phần B: Côn trùng hại cây trồng chính ở đồng bằng sông Cửu Long (tác giả: Nguyễn Văn Huỳnh Lê Thị Sen, Bộ môn Bảo vệ Thực vật, Khoa Nông nghiệp và Sinh học Ứng dụng, Đại học Cần Thơ, năm xuất bản: 2003).[1] Từ khi lên trang, có thể nội dung đã được cập nhật bởi cộng đồng BVTVwiki.

Tham khảo[sửa]

  1. http://ebook.moet.gov.vn/?page=1.32&view=3305