Tăng lưu lượng máu lên não

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Não bộ sử dụng lượng ôxi nhiều hơn khoảng ba lần cơ bắp, vì vậy ôxi đóng vai trò rất quan trọng với chức năng và quá trình lành bệnh của não. Chức năng của não hoạt động tối ưu khi có đủ lượng máu cung cấp. Có một số phương pháp để bạn tăng lượng máu giàu ôxi vận chuyển lên não.

Các bước[sửa]

Tập Thể dục để Tăng Lưu thông Máu[sửa]

  1. Tập thể dục đều đặn. Tất cả hoạt động làm tăng nhịp tim đều có lợi cho tuần hoàn máu và cho sức khỏe. Một nghiên cứu kết luận rằng luyện tập ở mức độ vừa phải sẽ tăng tuần hoàn máu tới não ở phụ nữ lớn tuổi.[1] Đi bộ từ 30-50 phút với tốc độ nhanh, mỗi tuần đi từ ba tới bốn lần.
    • Kết quả của nghiên cứu này chỉ ra rằng lưu lượng máu chảy về não nhiều hơn tới 15%.
    • Nhiều nghiên cứu còn cho thấy mối liên hệ giữa tập thể dục và sức khỏe não bộ nói chung, dù chưa có nghiên cứu cụ thể nào khẳng định được lưu lượng máu tăng có thể ngăn chặn hay đảo ngược quá trình suy giảm nhận thức.
    • Hoạt động tăng nhịp tim là bất kì hoạt động thể chất nào khiến bạn phải thở mạnh hơn, và làm tim đập nhanh hơn. Bơi lội, đạp xe, khiêu vũ và thậm chí quan hệ tình dục đều là hoạt động tăng nhịp tim. Bạn phải tìm ra cách vận động phù hợp nhất với lối sống của mình và tham gia thật nhiệt tình!
  2. Đi bộ ngắn thường xuyên trong ngày. Để có được lợi ích của việc đi bộ bạn không nhất thiết phải đầu tư cả buổi luyện tập dài. Đi bộ những đoạn ngắn cũng giúp tăng lưu lượng máu lên não. Thậm chí bạn chỉ cần đi bộ từ ba tới năm phút cũng có lợi cho tuần hoàn máu.
    • Sử dụng đồng hồ bấm giờ để nhắc nhở mình dành thời gian nghỉ ngơi để đi bộ. Nếu bạn làm việc bàn giấy thì cần lên lịch đi bộ ngắn.
    • Tận dụng những cơ hội tình cờ để đi bộ, ví dụ như leo cầu thang thay vì đi thang máy, đỗ xe cách xa đích đến, xuống xe buýt hay tàu điện trước khi xe tới công ty và đi bộ phần đường còn lại.
  3. Làm động tác kéo giãn. Kéo giãn cơ bắp giúp cải thiện tuần hoàn máu nói chung, ngăn ngừa tình trạng cứng khớp và cơ.[2]Bạn nên dành vài phút mỗi ngày để kéo giãn cơ thể.
    • Kéo giãn làm tăng lưu lượng máu chảy tới cơ bắp. Mặc dù bạn không thể thực sự "kéo giãn" não bộ, nhưng nhờ vào việc máu vận chuyển mạnh mẽ hơn xuyên suốt cơ thể nên tuần hoàn máu lên não cũng được cải thiện và tăng cường.[3]
    • Các động tác kéo giãn đơn giản làm tăng lưu lượng máu lên não bao gồm chạm tay vào đầu gối hay ngón chân ở tư thế đứng. Thay vào đó, bạn ngồi trên một mặt phẳng và để chân duỗi dài, chạm tay vào đầu gối, cẳng chân hay ngón chân ở tư thế ngồi. Cận thận không được làm bất cứ động tác nào gây đau hay khó chịu ở lưng.
  4. Tập yoga. Các tư thế tập yoga thường khuyến khích để đầu thấp hơn tim. Điều này có lợi trực tiếp đối với lưu lượng máu vận chuyển lên não.[4] Thế đảo ngược trong yoga làm như sau: nằm trên sàn nhà vuông góc với tường, dịch chuyển cơ thể về trước sao cho hai chân nằm trên tường, mông tiến sát hoặc chạm vào tường.
    • Thế đảo ngược phức tạp hơn yêu cầu bạn phải nâng cơ thể lên trên đầu trong tư thế trồng chuối trên đầu hay trên hai tay. Bạn nên tựa vào tường để giữ thăng bằng khi luyện tư thế này. Nhớ rằng tập yoga không bao giờ gây đau, và bạn nên làm việc với một huấn luyện viên yoga khi thực hiện các thế đảo ngược phức tạp.
    • Thế đảo ngược không nhất thiết yêu cầu cơ thể phải dựng đứng hoàn toàn. Tư thế cái cày và thế con cá trực tiếp làm tăng lưu lượng máu lên não. Thế cái cày kích thích hoạt động tuyến giáp, từ đó tăng cường máu chảy tới não, trong khi đó thế con cá kích thích cổ, cổ họng và não bộ.

Sử dụng Hơi thở để Cải thiện Tuần hoàn Máu[sửa]

  1. Thở bằng mũi và lôi kéo cơ hoành ở vùng bụng tham gia vào quá trình thở. Đây gọi là cách "thở bụng". Thở sâu để đẩy không khí và ôxi xuống phía dưới phổi, là nơi diễn ra sự tuần hoàn máu nhiều nhất.
    • Sau khi đi qua mũi, không khí đi vào các khoang xoang, khoang miệng và phần trên của phổi. Việc thở bằng miệng sẽ giảm sự tiếp xúc với không khí tươi chứa nhiều ôxi.
    • Động tác thở kết hợp với cơ hoành khiến ôxi đi vào máu nhiều hơn.
  2. Thiền. Chú ý tới nhịp tim và thở chậm trong quá trình thiền. Thông thường kỹ thuật thiền yêu cầu bạn chú ý nhiều hơn tới hơi thở, thậm chí phải thở theo hướng dẫn.[5]Nhịp thở đều và sâu giúp tăng độ bão hòa ôxi trong máu.
    • Thở có ý thức giúp thả lỏng cơ vai, ngực và cổ, là các bộ phận có thể ngăn cản dòng chảy của máu tới não.
    • Thiền đã cho thấy có nhiều tác dụng tích cực trong việc giảm căng thẳng và tăng khả năng tập trung, đồng thời cải thiện hệ miễn dịch.
    • Có nhiều kỹ thuật thiền khác nhau, trong đó cách đơn giản nhất là thiền với tư thế ngồi thoải mái, mắt nhắm hoàn toàn hoặc hơi nhắm lại và đếm hơi thở. Khi đếm tới hơi thở thứ 10, bạn bắt đầu đếm lại. Tiếp tục tập trung hoàn toàn vào việc đếm hơi thở. Khi có các suy nghĩ khác xuất hiện, đơn giản hãy để ý tới chúng và để chúng trôi đi một cách tự nhiên. Bắt đầu đếm lại từ số một.
  3. Bỏ hút thuốc. Chất nicotine trong thuốc lá gây co thắt động mạch nên ngăn cản máu mang ôxi lên não. Ngoài ra lượng ôxi hấp thu vào não và lưu lượng máu vận chuyển tới não giảm tới 17% ngay sau khi ngừng hút thuốc.[6]
    • Từ lâu hút thuốc được cho là có liên quan tới đột quỵ và chứng phình động mạch não. Phình động mạch xảy ra khi trên thành mạch máu có một vị trí suy yếu dẫn đến phình ra.
    • Thuốc lá điện tử chứa nicotine, là chất gây co thắt mạch máu và hạ thấp lưu lượng máu chảy về não. Bạn không nên sử dụng chúng thay cho thuốc lá thông thường.[7]

Thay đổi Chế độ Ăn[sửa]

  1. Ăn nhiều sôcôla hơn. Các nghiên cứu cho thấy chất flavonoid có trong hạt ca cao có thể tăng lưu lượng máu tới não.[8] Flavonoid cũng có trong rượu đỏ, nho đỏ, táo và quả mọng. Trà, cụ thể là trà xanh và trà trắng cũng là nguồn cung cấp flavonoid dồi dào.[9]
    • Đảm bảo lượng calo hấp thu chung của cơ thể nằm trong giới hạn lành mạnh. Tăng lượng chất béo hay đường vào bữa ăn hằng ngày có thể mang lại hậu quả tiêu cực.
    • Nghiên cứu về lợi ích của chất flavonoid vẫn đang ở giai đoạn sơ khai.
  2. Uống nước ép củ dền. Nước ép củ dền cũng có tác dụng tăng cường lưu lượng máu lên não.[10]Củ dền chứa nitrat, là chất được chuyển hóa thành nitrit nhờ các vi khuẩn có mặt tự nhiên trong miệng. Trong khi đó nitrit có tác dụng mở rộng mạch máu khiến máu chảy lên não nhiều hơn.
    • Nitrit có trong cần tây, cải bắp và các loại rau lá xanh khác.
    • Khuyến khích ăn hoa quả và rau chứa nhiều nitrat để tối ưu hóa chức năng của não bộ. Nhưng bạn nên ép lấy nước uống vì đó là cách nhanh nhất để tiêu hóa loại thực phẩm có công dụng chữa bệnh.
  3. Bổ sung "siêu thực phẩm" vào bữa ăn hằng ngày. Đôi khi người ta còn gọi các loại hạt, việt quất và quả bơ là "siêu thực phẩm" vì chúng có giá trị dinh dưỡng cao. Nghiên cứu cho thấy những thực phẩm này có tác dụng tích cực đối với việc duy trì sức khỏe não bộ ở tuổi già.[11]
    • Hạt óc chó, hồ đào, hạnh nhân, quả điều và nhiều loại hạt khác là nguồn cung cấp giàu vitamin E. Thiếu hụt vitamin E có liên quan tới vấn đề suy giảm khả năng nhận thức. Bạn có thể ăn sống hoặc nướng trước khi ăn. Bơ đậu phộng dưới dạng chưa hiđrô hóa vẫn còn hàm lượng dinh dưỡng cao.
    • Quả bơ chứa nhiều chất béo không bão hòa đơn, có liên quan tới khả năng tăng cường máu lên não. Chất béo không bão hòa đơn giúp giảm hàm lượng cholesterol có trong máu và dẫn tới hạ huyết áp.[12] Ngoài ra chất dinh dưỡng trong quả bơ cũng giúp nâng cao sức khỏe nói chung.
    • Việt quất hỗ trợ bảo vệ não không bị ôxi hóa do căng thẳng gây ra, mà quá trình ôxi hóa làm suy thoái chức năng của não. Mỗi ngày bạn nên ăn một cốc quả việt quất dưới dạng tươi, sấy khô hay đông lạnh để tăng cường chức năng hoạt động của não bộ.
  4. Cân nhắc uống thực phẩm chức năng. Bạch quả (tên khoa học là Ginkgo biloba) từ lâu đã được sử dụng để tăng cường lưu lượng máu lên não. Bạch quả cũng bảo vệ tế bào dây thần kinh trước sự tấn công của bệnh Alzheimer.[13]
    • Trẻ em không nên dùng chiết xuất bạch quả, với người lớn thì liều dùng từ 120-240 mg mỗi ngày.
    • Chiết xuất bạch quả được bào chế thành dạng viên, viên con nhộng, dạng lỏng hoặc sấy khô lá để sắc uống.

Nguồn và Trích dẫn[sửa]

Liên kết đến đây