Tạo động lực cho bản thân

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm
Chia sẻ lên facebook Chia sẻ lên twitter In trang này

Tự tạo động lực khi bạn sẵn sàng theo đuổi, tập trung vào một vấn đề cũng như hành vi của bản thân. Điều này cũng đồng nghĩa với việc bạn đủ thông minh, sắc sảo để không thao túng mà vẫn sẵn sàng đón nhận những bài học tích cực. Để đạt được khả năng tự tạo động lực không hề đơn giản, nhưng cũng không phải là không thể, bởi ngay trong bản thân mỗi người đã có đầy đủ yếu tố cần thiết, hãy khám phá điều đó ngay trong bài viết này.

Ảnh minh họa

Các bước[sửa]

Chuẩn bị tinh thần[sửa]

  1. Hãy tích cực. Nếu bạn luôn giữ những suy nghĩ như "Cuộc đời thật chẳng ra sao, lại còn đang mưa nữa chứ" thì thật khó để bạn hoàn thành việc gì đó. Những suy nghĩ đó chỉ khiến ta muốn cuộn tròn trong chăn tới khi ai đó tới và kéo ta ra khỏi đó. Đừng như vậy! Những suy nghĩ tích cực chính là điểm khởi đầu nếu bạn muốn tự tạo động lực cho bản thân.
    • Tránh suy nghĩ tiêu cực bằng cách ngừng nghĩ đến nó ngay khi bạn nhận ra mình đang có xu hướng đó. Hãy lái suy nghĩ của bạn sang một vấn đề khác, nhất là khi bạn đang nghĩ về việc tạo động lực để thực hiện một vấn đề nào đó. Đây là việc hoàn toàn có thể thực hiện được và bạn hoàn toàn có khả năng làm được điều đó. Nếu bạn chỉ nghĩ đến những gì tiêu cực có thể xảy đến thì có lẽ bạn thậm chí còn chẳng bao giờ thử làm một điều gì cả.
  2. Hãy tự tin. Bạn cần duy trì thái độ tích cực đối với xung quanh và với cả bản thân bạn. Ngay cả việc bạn nghĩ rằng bạn không thể tự tin được cũng đã là một chướng ngại vật trong công cuộc chinh phục sự tự tin rồi. Tại sao phải làm một thứ gì đó mà chính bạn nghĩ rằng bạn không làm được? Đúng thế đấy, nếu bạn không nghĩ rằng mình làm được một việc nào đó thì chính bạn đã đặt dấu chấm hết cho việc đó rồi.
    • Đầu tiên, hãy kể ra những thành tựu mà bạn đạt được. Bạn đang có những gì? Bạn từng làm điều gì tuyệt vời trong quá khứ? Hãy nghĩ đến tất cả những gì bạn đạt được từ trước đến nay. Chẳng có lý do gì bạn lại không làm được điều bạn muốn làm bởi bạn đã từng thành công với những mong muốn trong quá khứ.
  3. Thực sự mong muốn điều đó. Khi nói về động lực, Les Brown luôn nhắc lại rằng "Bạn phải khao khát", bạn phải thực sự mong muốn làm được điều đó, như thể bạn không thể sống thiếu nó. Nếu bạn chỉ nghĩ về những điều tốt đẹp thì chẳng ích gì mấy, hãy khao khát điều đó. Bởi nếu bạn không thực sự mong muốn đến vậy thì bạn đang làm gì để tự tạo động lực cho mình?
    • Thỉnh thoảng bạn cần tự vấn để nhận ra bạn thực sự mong muốn điều gì đó hay không. Bạn đang gặp khó khăn trong việc bắt tay vào làm việc gì đó? Liệu rằng nó có dẫn đến việc gì khác không? Nếu bạn đã từng tha thiết mong được đi nghỉ ở Hawaii, hãy nghĩ về tình huống hiện tại như mong muốn ấy. Bạn rất muốn đến Hawaii, và làm việc sẽ giúp bạn đạt được ước muốn đó vào một ngày không xa. Khi bạn làm một việc mà bạn không có vẻ muốn thực hiện cho lắm thì việc đính kèm với một mục đích cụ thể mà bạn thực sự mong muốn sẽ giúp bạn bắt tay vào việc một cách dễ dàng hơn.
  4. Sẽ luôn có thất bại. Bạn cần hiểu rằng sẽ luôn có thất bại trên con đường dẫn tới thành công. Quá cầu toàn về bản thân sẽ chỉ khiến bạn một lúc nào đó muốn bỏ cuộc. Chẳng ai có thể hoàn hảo và không hề thất bại. Bạn có thể không đạt được mục đích vào thời điểm này hay thời điểm khác, nhưng hãy luôn chuẩn bị cho mình một kế hoạch dự phòng.
    • Thất bại hoặc sự trì hoãn luôn xảy ra trong cuộc sống. Đôi khi chuyện đó xảy ra là do bạn (không phải lúc nào quyết định bạn đưa ra cũng là xuất sắc), tuy nhiên đôi khi thất bại của bạn đến từ những thứ mà bạn không thể kiểm soát được. Bạn sẽ được nhiều hơn là mất khi đón nhận thất bại trong tư thế ngẩng cao đầu.

Tạo đà[sửa]

  1. Tập trung vào những mục tiêu tích cực. Chẳng khó để nhận ra điều mình không muốn, bởi đơn giản đó là những điều khiến ta thấy lo lắng, sợ hãi. Trái lại, để chỉ ra điều gì khiến ta vui và thực khiến ta mong mỏi lại khó hơn. Tuy nhiên, để hoàn thành bất cứ mục tiêu nào, thay vì giữ tâm trạng tiêu cực, ta cần nghĩ đến những mục tiêu tích cực trước tiên. Đừng nghĩ kiểu như “Tôi không muốn trở nên nghèo khổ” mà hãy nghĩ “Tôi muốn tiết kiệm được số tiền X mỗi tháng”, bởi đó là một mục tiêu tốt hơn và có vẻ khả thi hơn, đúng không?
    • Tích cực ở đây không đồng nghĩa với việc gì đó quá cao siêu. Ở đây ám chỉ những gì mà bạn có thể thực hiện được và phù hợp với một mặt nhất định nào đó. Một mục tiêu dạng như “giảm 10 cân trong 1 tuần” bản thân nó đã hàm chứa sự thiếu tích cực. “Giảm được 4-5 cân bằng cách ăn kiêng và tập thể dục” là một mục tiêu không những thiết thực hơn mà còn không khiến bạn thấy phiền lòng khi nghĩ đến.
  2. Đặt ra những mục tiêu nhỏ. Không dễ gì thực hiện được một mục tiêu quá lớn, cũng giống như khi bạn nghĩ đến một truyện dài đến 7 kỳ thì có lẽ bạn sẽ chẳng muốn đọc chút nào. Vì thế, hãy chia mục tiêu lớn thành các mục tiêu nhỏ hơn, mỗi lần bạn thực hiện một mục tiêu, những phần còn lại sẽ được xử lý dần dần khi đến lượt.
    • Thay vì “Tôi muốn giảm 20 cân”, hãy theo đuổi những mục tiêu như “Tuần này tôi muốn giảm được 1 cân”, hay “Tôi muốn tập thể dục 4 đến 5 ngày mỗi tuần”. Kết quả đạt được sẽ không khác nhau là bao, nhưng về tư tưởng bạn sẽ thấy nhẹ nhõm hơn rất nhiều.
  3. Theo dõi tiến độ. Từ thuở hồng hoang, con người đã và đang tìm kiếm mục đích cũng như hướng đi cho công việc, các mối quan hệ và thậm chí cả sở thích nữa, chứ không phải chỉ nhằm mục đích tồn tại. Nếu một điều gì đó có vẻ không thể hoàn thành được, chúng ta sẽ chẳng mất công thực hiện mà làm gì. Vì thế, khi bạn đang cần giảm cân, làm thêm giờ hay học tập, hãy theo dõi tiến độ của công việc đó. Bằng cách này bạn sẽ có động lực đồng thời sẽ thấy được những kết quả tích cực từ hành vi của mình. Bạn sẽ tìm thấy mục tiêu ở đó.
    • Cần chú ý theo dõi hành vi của bạn kết quả của những hành vi đó. Bạn không những cần kết quả để thấy được thành tích của mình, bạn cần kết quả để thấy rằng việc gì, hành vi nào có thể hỗ trợ bạn và ngược lại. Nếu bạn đang thử học theo ba cách khác nhau, hay tập ba dạng bài tập thể dục khác nhau, hay những thứ đại loại như thế, bạn sẽ muốn biết phương pháp hay bài tập dạng nào là tốt nhất cho mình. Từ kết quả đó bạn có thể xây dựng mục tiêu và chiến lược cho phần tiếp theo của hành trình.
  4. Nghỉ ngơi. Con người không phải là những cỗ máy (mà ngay cả máy móc cũng cần nghỉ ngơi). Các nghiên cứu đã cho thấy sinh viên nghỉ giữa giờ học tập hiệu quả hơn.[1] Và ai cũng biết rằng cơ bắp cũng cần được nghỉ ngơi. Nghỉ ngơi không đồng nghĩa với việc lười nhác mà là dành cho những người muốn tiếp tục bước trên một chặng đường dài.
    • Nghỉ ngơi lúc nào là hoàn toàn do bạn. Ngoài ra thời điểm thư giãn như vậy cũng còn phụ thuộc vào mục đích cuối cùng của bạn. Không những bạn cần thư giãn mỗi ngày mà bạn còn cần có những thời điểm nghỉ ngơi dài để lấy lại cân bằng cuộc sống nữa.
  5. Làm những gì bạn thích. Phần lớn mọi người đều đang làm công việc mà mình không thực sự yêu thích, những bài tập thể dục không tạo được phấn khích và một danh sách dài những việc mà nếu có điều kiện ta sẽ thuê người làm giúp. Những việc đó vẫn luôn hiện hữu, vì thế ta cần xoay sở và thay đổi một chút để biến điều ta không mấy mặn mà thành một việc có thể kiểm soát được và thậm chí thú vị nữa. Nếu bạn không thấy một việc gì đó thú vị, có lẽ bạn sẽ chẳng bao giờ hoàn thành được.
    • Nghĩ về công việc của bạn. Nếu đó là một điều kinh khủng, có cách nào bạn có thể làm để biến công việc đó thú vị hơn không? Chẳng hạn như bạn có thể đề nghị được thực hiện một dự án nào đó mà bạn hứng thú không? Làm thế nào để bạn có thể tập trung thời gian vào những việc mà bạn thực sự yêu thích?
    • Nếu bài tập thể dục thể thao bạn vẫn đang theo đuổi chẳng mấy thú vị, hãy thử một bài tập khác. Bạn không nhất thiết phải trở thành một vận động viên chạy marathon chỉ để đốt cháy calo. Bạn có thể đi bơi, tham gia một lớp học nào đó, hoặc đi leo núi. Nếu bạn không thích bài tập nào đó, đừng gò bó mình vào đó.
  6. Tự thưởng. Đây là một điểm cần được xem xét kỹ càng. Nếu có điều gì đó bạn nên làm cuối cùng thì đó là liên hệ mọi thứ với một thứ gì đó bạn mê mẩn, như một loại đồ ăn hay một sở thích đặc biệt nào đó. Việc tự thưởng sẽ thực sự phát huy tác dụng khi được áp dụng một cách hiệu quả. Khi đã hoàn thành một việc gì đó, hãy nhớ thưởng cho bản thân một phần thưởng xứng đáng với những gì bạn đã đạt được.
    • Đừng nghĩ đến chuyện tự thưởng cho bản thân 5 phút một lần khi bạn đang thực hiện điều gì đó. Như vậy sẽ khiến bạn xao lãng và mất nhiều thời gian hơn. Tuy nhiên, khi hoàn thành được một mục tiêu nhỏ, bạn nên thưởng cho bản thân một thứ gì đó. Nếu bạn đã tập thể dục thể thao tất cả các ngày trong tuần, hãy thưởng cho bản thân một ngày nghỉ ngơi với bài tập yoga tại nhà và một bộ phim.
  7. Đừng lo lắng khi mắc sai lầm. Để tìm ra được cách tốt nhất nhằm đạt được điều gì đó, chúng ta thường phải làm những việc mà ta chưa từng làm trước đây. Và sẽ luôn có sai lầm trong quá trình ta khám phá, trưởng thành và trở nên tốt hơn. Khi gặp phải sai lầm, bạn có thể loại bỏ việc đó và thu hẹp danh sách những gì bạn có thể làm. Theo một cách nào đó, sai lầm cũng có mặt tốt của nó bởi sai lầm xét cho cùng vẫn bổ trợ cho một mục đích nào đó.
    • Một nỗi lo lắng khiến nhiều người chần chừ trong việc thử làm cái gì đó chính là lo trông mình kì cục, ngu xuẩn. Thực ra thì việc chúng ta luôn muốn ở trong vùng an toàn của chính mình là một bản năng tự nhiên của con người, vì thế bạn có thể ngại giơ tay phát biểu trong lớp học hay không dám thử một dụng cụ tập luyện mới mà bạn chưa biết cách sử dụng. Tuy nhiên, để đạt được kết quả tốt nhất, và nếu bạn thực sự muốn đạt điểm cao, có một cơ thể cân đối, hay bắt đầu sự nghiệp kinh doanh, bạn cần phải làm những điều bạn không thực sự muốn.
    • Và như đã nói ở trên, đừng để những sai lầm khiến bạn chùn bước. Rất dễ để chùn bước khi bạn mắc một sai lầm rồi cảm thấy chán nản, nghĩ rằng chẳng có lí do gì để tiếp tục nữa và rồi dừng hẳn lại. Nhưng nếu bạn tự nhủ rằng sai lầm là không thể tránh khỏi, bạn sẽ thấy tốt hơn. Thất bại không phải là vấn đề, hãy xốc lại tinh thần và tiếp tục tiến bước.

Đi đúng hướng[sửa]

  1. Giữ nguồn tạo động lực ở quanh bạn. Điều này đơn giản là chúng ta luôn cần được nhắc nhở, động viên. Nguồn tạo động lực có thể là bất cứ thứ gì có thể giúp bạn duy trì được những suy nghĩ đúng đắn. Việc đi chệch quỹ đạo, mất thăng bằng ở mặt này hay mặt khác, hay quyên mất bản thân muốn gì là điều hoàn toàn tự nhiên, và nguồn tạo động lực bên ngoài sẽ giúp bạn khỏi lạc hướng.
    • Bạn có thể làm rất nhiều việc nho nhỏ để giữ bản thân khỏi đi chệch quỹ đạo. Thay đổi hình nền trên máy tính, dán giấy nhớ lên trường, đặt nhắc nhở trong điện thoại. Hãy giữ cho bản thân luôn náo nhiệt bởi những lời động viên, nhắc nhở.
    • Mọi người cũng có thể tạo động lực cho bạn. Hãy thông báo với mọi người xung quanh rằng bạn đang cố gắng giảm được 4-5 kg. Có thể họ sẽ đưa ra cho bạn những giải pháp khiến hành trình giảm cân của bạn dễ dàng hơn và họ còn có thể để ý đến bạn nữa.
  2. Giữ được bạn bè tốt. Tiếc là một số người có thể khiến bạn mất động lực. Có lẽ bạn sẽ có một người bạn luôn khuyến khích bạn ăn dù chỉ là thêm một miếng bánh pho-mát nữa. Nếu bạn đang giảm cân thì người đó không phải là một người bạn thực sự tốt. Để đến được với thành công, ai cũng cần được cổ vũ trong suốt hành trình. Hãy nói với bạn bè và gia đình bạn về mục tiêu bạn đang hướng đến. Chắc hẳn bạn sẽ tìm được một vài người thân tín có thể giúp bạn tập trung và duy trì động lực.
    • Sẽ rất hữu ích nếu bạn biết một người nào đó đã trải qua những tính huống tương tự. Hãy nói chuyện với một ai đó đã khởi nghiệp thành công, một người đã giảm được tới 20kg hay một người đã thực hiện được giấc mơ của họ. Hãy nghe họ chia sẻ về cách họ đạt được những thành công đó, bạn sẽ thấy rằng những gì họ đề cập đến khiến bạn nhận ra rằng mục tiêu của mình khả thi đến đâu, và bạn cần duy trì năng lượng cũng như động lực của mình.
  3. Không ngừng học hỏi. Trên hành trình của bạn, có thể sẽ có lúc bạn thấy chán hay mất tập trung. Bằng cách không ngừng học hỏi, bạn sẽ tránh được những vấn đề đó. Việc tập trung và duy trì động lực cho “bất cứ” một mục tiêu dài hạn nào là không hề dễ dàng. Nhưng nếu mục tiêu liên tục thay đổi, kho kiến thức của bạn liên tục được trau dồi, mọi chuyện sẽ đơn giản và dễ dàng hơn.
    • Nếu bạn đang muốn giảm cân, hãy đọc những câu chuyện về giảm cân. Nói chuyện với huấn luyện viên thể hình tại phòng tập, gặp một chuyên gia dinh dưỡng, lần lượt thử những nhân tố mới (như phương pháp tập luyện, kế hoạch ăn kiêng, v.v). Làm mới phương pháp cũng như câu chuyện sẽ giúp giữ được tâm trạng thoải mái.
  4. Không so sánh bản thân với người khác. Cách hiệu quả nhất để mất động lực chính là so sánh bản thân với người khác. Bạn sẽ chẳng bao giờ trở thành người đó, và họ cũng chẳng trở thành bạn được, vậy so sánh để làm gì? Mặc dù bạn đã nghe điều này cả tỉ lần rồi, tuy nhiên cần nhắc lại rằng: cá thể duy nhất bạn nên đặt lên bàn cân với bạn là chính bạn của ngày hôm qua. Việc bạn có tiến bộ không mới là vấn đề, chứ không phải người khác làm tốt thế nào.
    • Đây cũng là một lí do tại sao bạn cần theo dõi tiến độ của mình. Theo dõi tiến độ sẽ cho bạn thấy bạn đã đạt được thành công ở mức nào. Nếu có những tiến triển nhất định, bạn chẳng việc gì phải thấy xấu hổ dù rằng người khác đã đi xa tới đâu.
  5. Giúp đỡ người khác. Khi bạn đã gần tới đích tức là bạn đã học được rất nhiều từ những trải nghiệm của mình, vậy tại sao không chia sẻ những kinh nghiệm đó để giúp người khác? Điều đó không những giúp bạn có thêm động lực mà còn giúp tạo động lực cho người khác nữa. Bạn có bao giờ ước có người giúp mình trong hành trình đó chưa?
    • Bạn đã giảm được vài cân, bắt tay khởi nghiệp hay hoàn thành xuất sắc bài thi? Hãy sử dụng những gì bạn biết để giúp người khác và hơn nữa là rèn luyện những hiểu biết đó. Việc truyền đạt những gì bạn học được hay nhắc lại những điều bạn đạt được, giúp đỡ người khác giúp bạn tập trung và cảm thấy có tiến bộ.
  6. Đặt mục tiêu lớn hơn. Khi đã hoàn thành những mục tiêu nhỏ, hãy nhìn vào một tổng thể lớn hơn. Đây chính là thời điểm để bạn đặt một mục tiêu lớn. Hãy nghĩ đến động lực lớn nhất của bạn, ví dụ như đặt vé đi Vũng Tàu với bộ đồ bơi mà giờ đây đã hoàn toàn vừa vặn với cơ thể khỏe mạnh, gọn gàng của bạn.
    • Cần chắc rằng bạn luôn nhớ đến mục tiêu cuối cùng bạn đã đặt ra, nếu không có lẽ bạn sẽ chẳng bao giờ đạt được điều đó. Tại sao bạn phải làm từng ấy việc cơ chứ? Chẳng ai khác ngoài bạn biết tại sao, bởi ánh sáng luôn ở cuối đường hầm. Vậy khi đã ở cuối đường hầm rồi thì sao? Có lẽ là một cuộc hành trình mới, phải không?

Lời khuyên[sửa]

  • Hãy suy nghĩ như thể bạn đã đạt được mục đích. Thay vì nói “Tôi đang dần trở nên tích cực hơn”, hãy nói “Tôi là người tích cực”, như vậy sẽ tốt hơn nhiều.
  • Thường xuyên nhắc tới sự tích cực sẽ khiến bạn mạnh mẽ hơn. Hãy chọn một “câu thần chú” phù hợp với bạn. Giả dụ như khi bạn sợ hãi, hãy nói “Tôi đang an toàn”. Nếu bạn đang xấu hổ, hãy nói “Tôi là một người tự tin”. Nhớ rằng hãy tránh những từ ngữ có hơi hướng tiêu cực.
  • Hành trình tìm kiếm năng lực ẩn dấu của bản thân bạn là một hành trình đáng để bạn dấn thân chinh phục. Trên hành trình ấy, dù bạn có ý thức được hay không thì bạn vẫn sẽ bộc lộ được những khả năng tiềm tang của bản thân.
  • Sẽ luôn có rào cản, nhưng việc của bạn là tiếp tục tiến bước. Đi nhầm một bước có thể phá hỏng hết thành tích mà bạn đạt được trước đó, nhưng đi một nước cờ chính xác cũng có thể giúp bạn tiến xa về phía trước. Cuộc sống chính là như vậy.
  • Khi bạn thực sự thán phục điều gì đó tức là bạn thực sự muốn nó. Đừng để những suy nghĩ tiêu cực cản đường bạn, sau tất cả, đó chỉ là những gì bạn nghĩ ra mà thôi, trong khi mục tiêu và mơ ước của bạn lại hoàn toàn có thật.
  • Cần xác định rõ mục tiêu và những gì bạn tha thiết muốn bởi chính từ đó bạn sẽ tìm thấy động lực cho bản thân.
  • Luôn tích cực đối mặt với những rào cản của cuộc sống, hãy mạnh mẽ và tiến lên, bạn xứng đáng có được thành công.

Cảnh báo[sửa]

  • ĐỪNG lo lắng về những điều ngớ ngẩn, bởi những suy nghĩ tiêu cực sẽ dẫn đến hành vi tiêu cực, và ngược lại, suy nghĩ tích cực sẽ đưa đến hành vi tích cực.
  • Đừng tự hành hạ mình nếu bạn chẳng may có sai sót khi tạo dựng động lực. Bạn sẽ trở lại đúng hướng. Hãy học cách tự tha thứ cho bản thân.
  • Có động lực không đồng nghĩa với việc phải làm vừa lòng tất cả mọi người.
  • Nếu bạn nghĩ mình đúng, hãy dung cảm đối mặt với thử thách.
  • Cần ôn hòa với bản thân.

Nguồn và Trích dẫn[sửa]

Liên kết đến đây

Chia sẻ lên facebook Chia sẻ lên twitter In trang này