Tập bơi

Từ VLOS
(đổi hướng từ Tập Bơi)
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm
Chia sẻ lên facebook Chia sẻ lên twitter In trang này

Bơi có thể là hoạt động đáng sợ đối với những người chưa từng học bơi, nhưng chúng ta hoàn toàn có thể chế ngự nỗi sợ hãi này bằng cách thử tập bơi theo hướng dẫn dưới đây. Biết bơi và vui đùa cùng làn nước là một hoạt động vô cùng thú vị, ngoài ra, kỹ năng bơi còn giúp bạn thoát khỏi các tình huống nguy hiểm khi chẳng may bị rơi xuống nước. Tất cả những gì bạn cần làm là thoải mái và thả lỏng cơ thể khi ở dưới nước, tập một số kiểu bơi cơ bản và dần nâng cao kỹ năng bơi của mình.

Ảnh minh họa

Các bước[sửa]

Thoải mái và Thả lỏng Cơ thể dưới Nước[sửa]

  1. Vượt qua nỗi sợ hãi. Rất nhiều người không học bơi vì họ sợ bị đuối nước. Tuy nhiên, phần lớn những vụ đuối nước đều có thể phòng tránh được nhờ áp dụng những biện pháp an toàn đơn giản sau. Những hướng dẫn sau đây sẽ giúp bạn tránh được sự cố đuối nước khi đi bơi:
    • Không bao giờ đi bơi một mình. Tốt nhất là hãy đi bơi với một người bơi giỏi, nếu không, bạn nên đi bơi theo một nhóm vài người.
    • Đừng học bơi tại nơi có dòng nước chuyển động. Nếu bạn đang học bơi ngoài biển hoặc sông, bạn cần phải nhận ra sự di chuyển của các dòng chảy. Nếu bạn nhất định phải học bơi ở những nơi này, hãy chắc chắn rằng bạn đang đi cùng một người có kỹ năng bơi tốt. Ngoài ra, bạn nên đọc kỹ cách thoát ra khỏi những dòng chảy xa bờ hoặc chỗ nước chảy xiết trên sông (hướng dẫn ở dưới).
    • Hãy tập bơi ở nơi có độ sâu phù hợp. Khi bạn học bơi lần đầu, đừng bơi ở những chỗ quá sâu mà bạn không thể đứng được. Bằng cách này, nếu có chuyện gì không may xảy ra, bạn vẫn có thể đứng và thở một cách dễ dàng.
    • Không bao giờ đi bơi trong điều kiện thời tiết xấu. Trời có mưa nhỏ thì bạn cũng có thể bơi được, nhưng nếu bạn thấy một cơn bão sắp xảy ra tại nơi bạn tập bơi, hãy dừng lại và lên bờ ngay lập tức. Dù bạn đã bơi giỏi tới đâu, bạn vẫn phải tuân theo quy luật như vậy.
    • Không bơi ở nơi có nhiệt độ nước quá lạnh. Việc cử động chân tay khi đó sẽ trở nên khó khăn.
  2. Làm quen với cảm giác nổi bồng bềnh. Khi bạn ở dưới nước, hãy bám vào thành bể hoặc 1 bệ đỡ, và nâng chân bạn về phía sau sao cho chúng nổi lên trên mặt nước, chúng sẽ nổi rất dễ dàng nếu bạn thả lỏng chân. Hãy thực hành với cả phần bụng và lưng cho tới khi cả cơ thể bạn nổi được trên mặt nước.
    • Hãy tập nổi trong nước bằng lưng và bụng ngay khi bạn sẵn sàng. Hãy tập ở nơi nước nông để trong trường hợp bạn chưa tập thuần thục động tác này, bạn vẫn có thể đứng lên. Bạn sẽ cảm thấy hơi khó chịu khi bị nước vào tai trong khi mũi và miệng thì không bị vậy, nhưng rồi bạn sẽ quen. Để giữ thăng bằng lâu hơn, bạn có thể để tay vuông góc với cơ thể, khi đó cơ thể bạn sẽ nổi theo hình chữ "T".
  3. Đừng hoảng sợ. Luôn luôn nhớ rằng bạn có một phương án dự phòng trong trường hợp không xoay sở được ở chỗ nước sâu hoặc không cử động được chân tay - đó là nằm ngửa trên mặt nước. Đừng khua khoắng chân tay hoặc thở gấp nếu bạn không thể tiếp tục bơi; hãy thả lỏng và nằm thằng lưng để nước nâng bạn nổi lên trong khi bạn lấy lại sự bình tĩnh của mình.
  4. Tập thở dưới nước. Vẫn tại chỗ nước nông, bạn hãy hít một hơi thật sâu và úp mặt xuống nước. Từ từ thở ra bằng mũi cho đến khi hết hơi. Sau đó, hãy ngoi lên khỏi mặt nước. Tiếp tục lặp lại các động tác này.
    • Nếu bạn cảm thấy không thoải mái khi thở ra bằng mũi dưới nước, bạn có thể bịt mũi lại, hoặc đeo dụng cụ bịt mũi và thở ra bằng miệng.
  5. Đeo kính bơi (không bắt buộc). Đeo kính bơi có thể giúp bạn cảm thấy thoải mái khi mở mắt dưới nước và giúp bạn nhìn rõ hơn. Tìm 1 cặp kính bơi với các vòng chụp mắt mềm mại. Nhúng chúng xuống nước trước khi đeo vào mắt sẽ giúp viền kính bám sát vào da, nó sẽ ngăn nước chảy vào mắt. Kéo dây đeo của kính vòng quanh đầu sao cho chiếc kính ôm vừa khít đầu của bạn.

Các Động tác Bơi Cơ bản[sửa]

  1. Tập đập chân. Dù bạn đã có thể nằm ngửa trên mặt nước hay vẫn đang bám vào thành bể, bạn đã có thể bắt đầu tập động tác đập chân. (Để xem mỗi lần đập chân bạn đi xa được bao nhiêu, hãy thực hành đập chân với một tấm đỡ, gọi là kickboard. Dụng cụ này sẽ giúp bạn tập trung vào đôi chân mà không lo đầu bị chìm xuống nước.)
    • Tập kỹ thuật đập chân lên xuống. Chĩa các ngón chân của bạn thẳng ra như một vũ công ba lê, hãy giữ cẳng chân hơi cong một chút và cử động chúng như lúc bạn đá nhẹ một thứ gì đó. Cổ chân của bạn phải cử động mềm mại.
    • Tập kỹ thuật đạp ếch. Giữ hai chân sát nhau từ hông đến đầu gối và từ đầu gối đến mắt cá chân. Thu đầu gối lại sao cho hai cẳng chân tạo ra 1 góc khoảng 90 độ. Hãy nhanh chóng tách hai cẳng chân rời nhau và cử động theo một đường tròn về hai bên cơ thể. Sau đó, khép hai chân lại vào nhau. (Nghĩa là với mỗi chân, bạn sẽ vẽ một nửa đường tròn về hai bên.) Hai chân bạn sẽ khép vào nhau khi "vẽ" xong đường tròn. Thu chân vào và tiếp tục làm như trên.
    • Tập đạp chân để bơi đứng. Cách đạp nước này thường sử dụng khi bạn muốn bơi theo phương thẳng đứng tại một vị trí nhất định với đầu và vai nổi lên trên mặt nước. Đầu tiên, hai đầu gối phải được gập lại sao cho chân của bạn mở rộng rộng hơn hông. Khi đó, bạn hãy đạp từng chân giống cách đạp xe đạp, nghĩa là một chân đạp "lên" và chân còn lại đạp "xuống". Bạn sẽ cần một thời gian để thuần thục cách bơi này, nó rất hữu ích khi bạn muốn nghỉ ngơi một chút tại nơi chân bạn không thể chạm xuống đáy bể.
  2. Tập bơi trườn. Bơi trườn thực sự thú vị đối với những người bắt đầu tập bơi, nó giúp bạn di chuyển cơ thể khá nhanh trên mặt nước. Cách bơi trườn như sau:
    • Hãy tập bơi ngửa trước tiên. Hãy nằm ngửa trên mặt nước, sau đó đập chân lên xuống. Tay thực hiện các động tác "trườn", quạt một tay thẳng lên khỏi mặt nước và giữ thẳng tay ngay sát đầu khi tay chạm lại mặt nước. Khi tay di chuyển dưới nước, gập và đưa tay về sát cơ thể, hãy lặp lại động tác này liên tục. Hãy điều chỉnh cánh tay trong khi bơi và giữ các ngón tay khép sát nhau để bàn tay ở tư thế thẳng nhất có thể.
    • Tập bơi sải (hay còn gọi là bơi tự do hoặc bơi trườn sấp). Nằm sấp trên mặt nước, đạp hai chân lên xuống và dùng tay "trườn" về phía trước. Nâng một tay khỏi mặt nước và "rướn" tay về phía trước, sau đó quạt nước đẩy về phía sau. Đổi tay và làm tương tự. Để thở, quay mặt về phía dưới cánh tay đang quạt nước và nâng đầu cao vừa đủ để bạn có thể thở được. Bạn sẽ quay đầu và thở mỗi khi cánh tay đó quạt nước - thường là tay phải. Như vậy, cứ hai nhịp đưa tay quạt nước, bạn sẽ thở một lần.
  3. Đạp nước giúp bạn thở dễ dàng và giữ đầu ở trên mặt nước mà không cần phải thực hiện động tác bơi thực sự. Thực hiện kỹ thuật bơi đứng đã nêu ở trên và sử dụng tay để giữ thăng bằng bằng cách "khua" tay - giữ tay phải song song trên mặt nước và tưởng tượng chúng là những con dao đang phết bơ vào miếng bánh mỳ. Khua một tay theo chiều kim đồng hồ và tay kia theo chiều ngược lại.
  4. Dùng tay đẩy cơ thể nổi lên. Nếu bạn đang lặn dưới nước và muốn ngoi lên, hãy dùng hai tay để đẩy cơ thể lên. Đưa hai tay lên cao, sau đó kéo nhanh hai tay xuống hai bên. Động tác này có thể đẩy bạn lên hơn 1 mét mỗi lần. Lặp lại động tác này cho đến khi bạn nổi lên trên mặt nước.

Các Động tác Bơi Nâng cao[sửa]

  1. Hãy tập thêm các kiểu bơi nâng cao. Khi bạn đã quen với nước, bạn có thể bắt đầu học các kỹ thuật khác giúp bạn bơi nhanh hơn hoặc tiết kiệm sức lực hơn. Hãy thử những kỹ thuật sau:
    • Bơi bướm.
    • Bơi ếch.
    • Bơi nghiêng.
    • Bơi "khứ hồi" (Bơi tới hết bể, dùng tay đẩy vào thành bể để lộn một vòng dưới nước và bơi trở lại nơi xuất phát.)
  2. Tập nhảy cầu. Nhảy cầu cũng là một cách thú vị để làm quen với nước. Hãy bắt đầu tập bằng kỹ thuật nhảy cầu cơ bản, sau đó, bạn có thể tập thêm các kỹ thuật phức tạp hơn như: nhảy cầu cao, nhảy cầu ngược, nhảy cầu lộn vòng.
    • Chỉ nhảy cầu ở những nơi mà nước có độ sâu vừa đủ. Ít nhất, mực nước nơi bạn nhảy cầu phải sâu từ 2 đến 3 mét; Nếu bạn cao, bạn nên nhảy ở nơi nước sâu từ 3,5 đến 4 mét.

Cách Thoát khỏi các Tình huống Xấu[sửa]

  1. Cách để thoát khỏi dòng chảy xa bờ. Nếu bạn đang bơi ở biển, bạn có thể bị dòng chảy xa bờ (một dòng nước mạnh chảy từ bờ hướng ra biển) cuốn đi. Biết rõ cách thoát khỏi nó sẽ có thể cứu sống bạn. Hãy luôn ghi nhớ những bước sau đây trước khi xuống nước.
    • Đừng sợ hãi. Đây là bước quan trọng nhất. Cố gắng vùng vẫy và hoảng sợ sẽ càng làm cho bạn chìm sâu trong nước.
    • Bơi xuôi theo dòng chảy. Đừng cố gắng bơi thẳng vào bờ hoặc bơi xa ra biển. Thay vào đó, hãy bơi theo hướng song song với bờ biển.
    • Chọn cách bơi cho phép bạn thở được. Hãy bơi kiểu bơi mà bạn vừa có thể thở được lại vừa tiến được xa nhất. Bạn có thể chọn bơi nghiêng, bơi ngửa hoặc bơi ếch.
    • Cứ bơi cho đến khi bạn thoát ra khỏi dòng chảy xa bờ. Bạn có thể phải bơi khá xa trước khi thoát khỏi nó, nhưng đó là cách duy nhất. Nếu bạn chọn sai thời điểm để quay vào bờ, rất có thể bạn sẽ phải tốn công lặp lại các bước trên một lần nữa.
    • Nếu có thể, hãy kêu cứu. Nếu điều kiện cho phép, hãy ra hiệu cho đội cứu hộ hoặc kêu cứu thật to. Tuy nhiên, đừng làm thế nếu việc này khiến bạn mất đi một nhịp thở hoặc bạn phải dừng bơi - bạn nên tiếp tục bơi.
  2. Cách để thoát khỏi vùng nước xoáy trên sông. Nếu bạn gặp phải một vùng nước chảy xiết hoặc cuốn bạn xuống đáy, hãy làm theo các bước sau:
    • Đừng vùng vẫy hoặc hoảng hốt. Cũng như dòng chảy xa bờ, càng sợ hãi và vùng vẫy, bạn sẽ bị chìm càng sâu. Cố gắng thở đều và luôn bình tĩnh.
    • Hãy bơi chéo về phía bờ. Bơi thẳng vào bờ theo phương 90 độ lúc này sẽ khiến bạn tốn rất nhiều sức, và bạn có thể nhanh chóng bị kiệt sức. Thay vào đó, hãy bơi vào bờ theo hướng chéo xuôi theo dòng chảy.
    • Đừng cố gắng bơi ngược dòng. Bạn có thể bị tốn sức mà không đạt được kết quả gì. "Chỉ" bơi ngược dòng nếu bạn thấy có nguy hiểm phía trước, ví dụ như đá nhọn hoặc thác chảy.

Lời khuyên[sửa]

  • Nếu bạn mới biết bơi, hãy bơi cạnh thành bể để khi cần thiết, bạn có thể bám ngay vào đó.
  • Tập bơi với những người có kinh nghiệm để có thêm sự trợ giúp.
  • Luôn luôn bắt đầu tập bơi ở nơi không có dòng chảy hoặc những con sóng.
  • Sử dụng các dụng cụ hỗ trợ an toàn. Trong trường hợp bạn mới tập bơi lần đầu và chẳng may gặp sự cố, chúng sẽ giúp bạn được an toàn.
  • Nếu có thể, hãy tập bơi dưới sự giám sát của nhân viên cứu hộ. Họ được đào tạo để nhận ra các dấu hiệu khi bạn cần giúp đỡ, ngay cả khi bạn bị chìm hoặc không thể kêu cứu.
  • Nếu bạn có cảm giác lo lắng khi xuống nước, hãy cho chân xuống trước rồi từ từ đưa cơ thể xuống sau.
  • Việc tập bơi sẽ cần nhiều thời gian, vì vậy, hãy kiên nhẫn.
  • Bạn luôn có thể hạ chân xuống để đứng nếu thấy sợ hãi.
  • Sử dụng miếng đỡ tập đạp chân, áo phao hoặc phao đeo tay nếu bạn cảm thấy lo lắng.
  • Nếu tóc bạn dài, bạn nên đội mũ bơi để giữ tóc được gọn gàng. Hơn nữa, một số bể bơi công cộng yêu cầu người có tóc dài phải đội mũ bơi, do đó,có sẵn một chiếc mũ bơi cũng là việc tốt.
  • Hãy tập bơi với các thành viên trong gia đình cho đến khi bạn cảm thấy đủ tự tin để bơi một mình.
  • Bơi ở các bể bơi nông (với mực nước 1 mét) nếu bạn mới biết bơi.

Cảnh báo[sửa]

  • Đừng nôn nóng. Học bơi là cả một quá trình tập luyện. Đừng cố gắng quá sức.
  • Hãy cảnh giác cao độ khi bơi ở những nơi có dòng nước chuyển động như biển hoặc hồ. Những vùng nước xoáy hoặc dòng chảy xa bờ có thể bất ngờ nhấn chìm bạn.
  • Không tập bơi ở biển hoặc hồ. Cá mập hoặc các sinh vật nguy hiểm có thể sẽ tấn công bạn.

Những thứ bạn cần[sửa]

  • Một người bơi cùng bạn
  • Kính bơi (không bắt buộc)
  • Dụng cụ bịt mũi (không bắt buộc)
  • Miếng đỡ tập đạp chân (không bắt buộc)

Liên kết đến đây

Chia sẻ lên facebook Chia sẻ lên twitter In trang này