Tế bào gốc từ dịch hoàn

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Tế bào gốc[sửa]

Tế bào gốc là những tế bào có khả năng biệt hóa trong quá trình phát triển để trở thành bất kỳ loại tế bào trưởng thành nào và là "phần không thể thiếu" của cơ thể. Từ khi động vật còn ở giai đoạn "trứng nước", các tế bào gốc trong phôi thai có khả năng biệt hóa thành bất kỳ dạng nào trong 220 loại tế bào đồng thời cũng thực hiện cơ chế sửa chữa một cách tự nhiên suốt quá trình phát triển và "kiến tạo" các cơ quan khác nhau. Về mặt lý thuyết, những tế bào gốc từ phôi (embryonic stem cells) có thể giữ được khả năng phân chia và tái phân chia trong suốt cuộc đời của người và động vật để sản sinh các tế bào hồng cầu, tế bào da, tế bào cơ hay bất cứ loại tế bào nào cần thiết để duy trì cuộc sống.

Nghiên cứu ứng dụng quá trình phát triển và biệt hóa của tế bào gốc có thể mang lại lợi ích to lớn trong chữa trị bệnh trong đó bao gồm cả khả năng dùng tế bào gốc để thay thế các tế bào của cơ thể bị tổn thương, thoái hóa hoặc không thực hiện được chức năng và có triển vọng trở thành một liệu pháp chữa trị được nhiều chứng bệnh.

Không may, cơ thể trưởng thành không có nhiều tế bào gốc, và nếu có, chúng cũng có nhiều khác biệt với các tế bào gốc của phôi. Ví dụ, các tế gốc từ phôi có thể nhân lên một cách không có giới hạn trong môi trường nuôi cấy trong khi các tế bào gốc từ cơ thể trưởng thành, nhìn chung, không có khả năng đó. Bù lại, các tế bào gốc từ cơ thể trưởng thành lại có vẻ "gần" với các tế bào cần thay thế hơn. Các nhà khoa học cho rằng cả tế bào gốc từ phôi và từ cơ thể trưởng thành đều quan trọng vì mỗi loại có thể phù hợp với những mục đích trị bệnh khác nhau.

Một số ứng dụng của liệu pháp tế bào gốc[sửa]

Tế bào gốc có thể giúp chữa trị được một số bệnh y học đang bó tay như:

- Sử dụng tế bào gốc thay thế các tế bào trong đảo tụy không có khả năng sản sinh insulin (một nguyên nhân của bệnh tiểu đường).

- Các tế bào gốc có nguồn gốc lá phôi giữa (mesenchymal stem cells) tìm thấy trong tủy xương có thể giúp hàn gắn những phần sụn bị tổn thương.

- Sử dụng các tế bào gốc trong tủy xương trị những bệnh nhân nhồi máu cơ tim.

- Điều trị bệnh nhân Parkinson, Alzheimer's.

- Điều trị bệnh nhân tổn thương cột sống (đang được các nhà khoa học Hàn quốc thử nghiệm)

- Các tế bào gốc thần kinh lấy từ mũi có thể giúp "nối lại" phần dây thần kinh bị tổn thương (đã được các nhà phẫu thuật Anh ứng dụng)

- Điều trị tổn thương tế bào thị giác.

Thách thức trong nghiên cứu[sửa]

Nghiên cứu và ứng dụng tế bào gốc phải đạt được các mục tiêu sau:

- Xác đinh đúng loại tế bào gốc, điều khiển được quá trình phát triển của chúng

- Chuyển tế bào gốc vào đúng vị trí cần thiết

- Các tế bào được chuyển phải "hợp" được với các tế bào lân cận và không "chạy lung tung".

- Phải điều khiển được quá trình nhân lên của chúng, "bắt" được chúng dừng phân chia đúng thời điểm

- Ngoài ra, các nghiên cứu về tế bào gốc , đặc biệt là tế bào gốc từ phôi còn gặp trở ngại do các vấn đề đạo đức, tôn giáo... Để hạn chế sử dụng tế bào gốc từ phôi, nhiều nhà khoa học tập trung nghiên cứu xác định và sử dụng các loại tế bào gốc của cơ thể trưởng thành.

Gần đây nhât (ngày 24/03/2006) các nhà khoa học Đức thuộc ĐHTH Goettingen đã công bố kết quả phân lập thành công tế bào gốc tinh trùng (sperm-producing stem cells) từ dịch hoàn của chuột. Tin về thành công của nhóm nghiên cứu được đưa trong bản tin của REUTER. GS Gerd Hasenfuss, trưởng nhóm, cho biết các tế bào này biểu hiện các đặc tính của tế bào gốc trong môi trường nuôi cấy đồng thời công bố phương pháp thí nghiệm mà nhóm đã áp dụng. Tuy nhiên cần phải tiến hành các bước tiếp theo để so sánh những điểm giống và khác nhau giữa chúng với các tế bào gốc từ phôi (embryonic stem cells).

Nguyễn Bá Tiếp

Liên kết đến đây