Tổng quan về lịch sử nghiên cứu vấn đề/Trên thế giới
Trên thế giới đã có những nghiên cứu về đo lường và kiểm tra đánh giá kết quả học tập trong giáo dục bao gồm đánh giá và công nhận năng lực.
Shirley Fletcher (1995) với “Kỹ thuật đánh giá theo năng lực” đã xác định một số nguyên tắc cơ bản, gợi ý về các phương pháp cũng như lợi ích của kỹ thuật đánh giá theo năng lực; đưa ra một số hướng dẫn cho những người làm công tác đào tạo hướng tới việc đánh giá dựa trên công việc. [59]
Robert L.Linn và Norman E.Gronlund (1995) đưa ra những khái niệm cơ bản về kiểm tra, đánh giá và đo lường trong dạy học; các hình thức, phương pháp và công cụ đánh giá theo mục tiêu; kỹ thuật đưa thông tin phản hồi và phân tích, xử lý kết quả kiểm tra đánh giá người học để cải tiến việc dạy và học. [57]
Phil Race, Sally Brown và Brenda Smith (2006) đưa ra những chỉ dẫn, và chủ yếu, giới thiệu những hình thức đánh giá, cách đưa thông tin phản hồi và giám sát chất lượng đánh giá kết quả học tập của sinh viên đại học và cao đẳng. [54]
Một số tài liệu gần đây của Bộ Giáo dục Úc trình bày những kinh nghiệm điển hình của nước này về hướng dẫn đánh giá theo năng lực, về thiết kế công cụ đánh giá áp dụng cho mô hình gói đào tạo và các cơ sở đào tạo đã được kiểm định công nhận. Mặc dù mục đích của các tài liệu này chỉ nhằm cung cấp thông tin về các chính sách và quy trình đánh giá cho các nhà thực hành và các bên liên quan trong giáo dục và đào tạo nghề ở bang Tây Úc nhưng đã giới thiệu sử dụng công cụ đánh giá năng lực rất hữu ích. [64; 65]
Tina Teodorescu (2006) phân biệt sự khác nhau giữa hai thuật ngữ năng lực competency và competence bằng các so sánh về định nghĩa, phạm vi trọng tâm, kết quả và áp dụng. Tác giả cũng đã mô tả hai mô hình competency và competence dựa trên kinh nghiệm của mình trong quá trình tư vấn tại Hiệp hội Quốc tế về Cải thiện hiệu suất làm việc. [71]
Martin Johnson (2008) giới thiệu và phân tích quan điểm của một số chuyên gia về xếp hạng trong đánh giá theo năng lực. Nghiên cứu chỉ ra rằng, việc đánh giá xếp hạng phải chăng chỉ là đề xuất thay đổi hệ thống nhị nguyên (có năng lực hoặc không có năng lực) và có thể làm ảnh hưởng tới tính toàn vẹn của kết luận đánh giá về năng lực. Đồng thời cách phân hạng thành tích học tập cũng dễ gây nên những tác động tiêu cực đối với nhóm có kết quả thấp. [63]
Về kinh nghiệm thực tiễn, các nước phát triển như Anh, Úc, Niu Zi Lân, Mỹ,... đều đã triển khai thành công đào tạo theo năng lực (competency based training - CBT) và đánh giá theo năng lực (competency based assessment – CBA) trong hệ thống đào tạo nghề và phát triển kỹ năng. Nhiều năm gần đây, một số quốc gia Đông Nam Á như Malaysia, Phi-líp-pin, Thái Lan và khu vực khác như Ấn Độ, Nam Phi,... cũng đã tiếp cận và áp dụng đào tạo và đánh giá theo năng lực. Các Liên đoàn sử dụng lao động ASEAN lĩnh vực dịch vụ xây dựng, y khoa, nha khoa, du lịch và lữ hành đều định hướng phát triển chương trình đào tạo và đánh giá, công nhận văn bằng/trình độ cho người lao động theo TCNL chung trong khu vực.
Tổ chức Lao động Quốc tế đã xuất bản Mô hình Tiêu chuẩn Năng lực Khu vực Châu Á – Thái Bình Dương cho nhiều nghề. Trong các bộ tiêu chuẩn này đều có hướng dẫn về các phương pháp đánh giá nên được sử dụng, các chứng cứ kiến thức và kỹ năng cần thu thập cho việc đánh giá mỗi đơn vị năng lực. Các nước Tiểu vùng Sông Mê Công đã sử dụng các bộ tiêu chuẩn này của ILO để thử nghiệm đánh giá công nhận lẫn nhau về trình độ và kỹ năng nghề trong khu vực cho một số lĩnh vực nghề như công nghệ ô tô, hàn, phục vụ buồng khách sạn. [69]
Nguồn[sửa]
- Luận án Đánh giá kết quả học tập theo năng lực trong đào tạo nghề, Nguyễn Quang Việt, 2015