Tự thôi miên

Từ VLOS
(đổi hướng từ Tự Thôi miên)
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Sự tự thôi miên là trạng thái tinh thần xuất hiện tự nhiên và được định nghĩa là tình trạng tập trung cao độ của não bộ. Thông qua tự thôi miên, bạn có thể thay đổi lối suy nghĩ, từ bỏ tật xấu, kiểm soát bản thân, ngoài ra còn giúp thư giãn và giảm căng thẳng trong cuộc sống hằng ngày. Trạng thái này tương tự như thiền định và giúp bạn trở thành một người hoàn thiện hơn.

Các bước[sửa]

Chuẩn bị Thôi miên[sửa]

  1. Mặc quần áo rộng rãi thoải mái. Những khó chịu do quần áo gây ra, chẳng hạn như lưng chiếc quần bò bó sát eo làm cản trở tuần hoàn máu, sẽ khiến bạn rất khó để đạt được trạng thái tinh thần sâu lắng. Vì vậy hãy xem đó là lý do để mặc các loại quần áo rộng rãi (mặc khi tập thể dục), và điều quan trọng là đừng để bất cứ thứ gì làm phiền bạn khi tập trung.
    • Đảm bảo nhiệt độ phòng phù hợp. Hãy chuẩn bị sẵn một cái chăn hay chiếc áo len nếu cảm thấy hơi lạnh, đôi khi cảm giác ấm áp có thể khiến bạn thoải mái hơn nhiều.
  2. Hãy tìm một căn phòng yên tĩnh và ngồi vào chiếc ghế nào làm bạn thấy dễ chịu. Bạn cũng có thể ngồi lên đi văng hay giường. Có một số người thích nằm hơn nhưng nếu bạn thuộc típ người dễ ngủ thì nên ngồi để tránh ngủ quên. Cho dù bạn ngồi hay nằm thì cũng phải nhớ: không được bắt chéo chân hay bất cứ bộ phận nào của cơ thể, vì nó sẽ khiến bạn cảm thấy khó chịu chỉ sau một thời gian ngắn.
  3. Chắc chắn mình không bị làm phiền trong vòng ít nhất nửa giờ. Sự tự thôi miên không thể xảy đến nếu quá trình bị gián đoạn bởi tiếng điện thoại reo, do thú nuôi hay trẻ nhỏ làm phiền. Hãy tắt điện thoại (và các tín hiệu thông báo), khoá cửa và cô lập bản thân mình. Đây là thời gian "của bạn".
    • Thời gian thôi miên bao lâu là tùy vào bạn. Đa số thích được ở trong trạng thái nhập định (chúng tôi cố gắng tránh sử dụng từ này vì nó mang sắc thái tiêu cực) khoảng từ 15 tới 20 phút, nhưng bạn còn phải dành thời gian cho giai đoạn trước và sau khi đi vào trạng thái đó.
  4. Xác định mục tiêu thôi miên của bạn. Mục tiêu của bạn là thư giãn, cải thiện bản thân, hay luyện tập cho não bộ? Nếu bạn muốn tập thôi miên cho một mục đích lớn hơn (như để giảm cân, cai thuốc lá v.v...), hãy ghi ra giấy các mục đích đó. Bạn có thể tập thôi miên để giảm bớt căng thẳng, tuy nhiên chắc chắn bạn có thể sử dụng nó để cải thiện nhiều mặt khác trong cuộc sống. Nhờ tự thôi miên mà nhiều người đã đạt được điều mình muốn, chẳng hạn như thay đổi cách suy nghĩ hay chỉ nhằm tạo một động lực để sống tích cực hơn. Bạn có thể thử đặt ra một số mục tiêu như sau:
    • Nếu bạn muốn từ bỏ một thói xấu thì tốt nhất phải chọn một thứ cụ thể. Ví dụ, bạn có thể suy nghĩ thế này "Tôi muốn ngừng hút thuốc vì nó chẳng có gì hấp dẫn".
    • Nếu bạn muốn suy nghĩ tích cực hơn thì hãy hướng đến những việc như "Mình có thể làm được bất kì điều gì mà mình chú tâm làm. Mình có thể kiểm soát mọi việc và mình có năng lực".
    • Nếu bạn muốn đạt được một mục tiêu cụ thể nào đó, ví dụ như giảm cân, hãy nói với bản thân mình như sau "Mình có thói quen ăn uống lành mạnh và mình đang giảm bớt số cân thừa. Quần áo sẽ vừa vặn hơn và mình thấy tự tin hơn".
      • Có những câu nói mà bạn cần học thuộc lòng khi tập thôi miên. Nói chung, chọn câu nói nào là tùy vào bạn nhưng nhiều người thấy cách này rất hiệu quả vì tạo quyết tâm cao hơn.

Đi vào Trạng thái Thôi miên[sửa]

  1. Nhắm mắt lại và thả lỏng cảm xúc khỏi các suy nghĩ lo toan, căng thẳng hay bực dọc. Khi mới bắt đầu bạn sẽ thấy rất khó để từ bỏ các suy nghĩ này vì chúng cứ liên tục xuất hiện. Nếu vậy bạn đừng cố ép mình đẩy chúng ra, mà hãy nhìn các suy nghĩ đó một cách vô tư, rồi từ từ để nó trôi xa dần. Hãy tham khảo Cách để thiền định để biết các hướng dẫn thực hiện bước này.
    • Hoặc bạn có thể tập trung nhìn vào một điểm nào đó trên tường. Đó có thể là góc trần nhà, một vết dơ hay bất cứ chỗ nào bạn thích. Hãy nhìn vào điểm đó và tập trung vào hai mí mắt, tự nhủ thầm với bản thân rằng các mí mắt ngày càng nặng dần. Cuối cùng bạn nhắm mắt lại khi không còn đủ sức để mở hai mí mắt.
  2. Nhận ra sức căng trong cơ thể. Bắt đầu từ các ngón chân, bạn hãy tưởng sức căng trong cơ bắp đang phai nhạt dần và biến mất hoàn toàn. Bạn tưởng tượng từng phần của cơ thể đang được thả lỏng theo thứ tự, bắt đầu từ các ngón chân và kéo từ từ lên phía trên cơ thể. Hãy hình dung các bộ phận ấy đang ngày càng nhẹ hơn khi sức căng không còn.
    • Thư giãn các ngón chân rồi tới bàn chân. Tiếp tục tới bắp vế, đùi, hông, bụng và tới các bộ phận khác, cho đến khi bạn giải phóng hết những phần còn lại, bao gồm cả mặt và đầu. Sử dụng kỹ thuật tưởng tượng để nghĩ tới những thứ khiến bạn cảm thấy nhẹ nhõm, êm dịu, chẳng hạn như nước (hình dung nước đang tạt vào bàn chân và mắt cá chân, làm tan đi sự mỏi mệt).
  3. Thở chậm và sâu. Khi thở ra, bạn hình dung sự mệt mỏi và cảm giác tiêu cực đang rời đi cùng đám mây đen, khi hít vào thì tưởng tượng ra luồng khí tươi sáng tràn đầy sinh lực đang tràn về.
    • Tại thời điểm này bạn nên mường tượng ra một thứ gì đó mà mình thấy thích. Ví dụ, bạn có thể nghĩ về một quả chanh cắt đôi, nước chanh đang chầm chậm chảy lên các ngón tay, sau đó đưa tay lên miệng nếm. Phản ứng của bạn thế nào? Hương vị và cảm giác ra sao? Bạn tiếp tục mường tượng ra những hình ảnh nhiều ý nghĩa hơn, như các hóa đơn tính tiền đang tung bay biến mất trong gió. Hãy tưởng tượng các phần mỡ thừa đang tan đi, nói chung càng chi tiết càng tốt và luôn để ý tới năm giác quan của mình.
  4. Trân trọng cảm giác thư giãn cực đỉnh mà bạn đang trải qua. Hãy tưởng tượng bạn đang đứng trên một dãy thang gồm 10 bậc, từ bậc thứ năm trở xuống bắt đầu chìm trong nước. Bạn hình dung ra từng chi tiết của bức tranh đó, từ trên xuống dưới, và tự nhủ rằng mình đang đi xuống cầu thang, đồng thời đếm ngược từ 10 trở xuống theo mỗi bước đi. Nghĩ tới từng con số và hình dung cứ sau mỗi bước bạn sẽ ngày càng tiến gần tới đáy. Cứ sau mỗi bước bạn sẽ trôi dạt xa dần vào trạng thái thanh thản sâu lắng.
    • Cảm nhận từng bước chân khi đi xuống cầu thang. Một khi xuống tới bước thứ năm, hãy tưởng tượng ra cảm giác tươi mát của nguồn nước bên dưới, tự nhủ rằng mình đang bước xuống một ốc đảo trong lành và sạch sẽ. Khi đang bước xuống năm bậc thang còn lại, bắt đầu cảm nhận cơ thể ngập sâu dần xuống nước. Lúc này bạn phải cảm thấy hơi lạnh, nhịp tim tăng lên chút ít, bạn hãy chú ý tới điều đó nhưng để tất cả những e sợ này dần dần trôi theo dòng nước.
  5. Cảm nhận sự trôi dạt. Tại điểm thấp nhất bạn sẽ không thể cảm nhận điều gì rõ ràng, chỉ thấy mình đang trôi dạt tự do, thậm chí giống như bạn đang xoay vòng. Nếu không thể cảm nhận điều này, bạn nên thử lại nhưng chậm hơn để cố nắm bắt những gì đang diễn ra. Sau khi đạt được trạng thái này bạn nên tiếp tục giải quyết các vấn đề của mình và xác định xem mình cần điều gì tại thời điểm đó.
    • Bây giờ bắt đầu kể ra những việc bạn đang làm, hãy nói nhỏ bằng giọng ở thì hiện tại và tương lai, giống như khi bạn đang đọc từ một trang sách.
    • Bắt đầu hình dung ra ba chiếc hộp nằm dưới mặt nước, bạn phải bơi tới chỗ của chúng. Khi đã bơi tới chỗ các chiếc hộp bạn hãy từ từ mở chúng ra, mở từng chiếc một và nói thầm với bản thân những gì đang xảy ra khi mở hộp. Ví dụ, “Khi mở hộp tôi cảm thấy một ánh hào quang bao trùm lấy tôi và dường như tôi đã hòa nhập với nó. Thứ ánh sáng này chính là niềm tin mới và tôi sẽ không bao giờ thất bại nữa vì nó đã hòa nhập vào tôi”.
    • Bạn nên tránh nói các câu có hàm ý tiêu cực, chẳng hạn như “Tôi không muốn phải mệt mỏi và bực mình nữa”, thay vào đó nên nói “Tôi đang trở nên bình tĩnh và thanh thản hơn”. Ngoài ra còn có các câu nói khác như: “Tôi mạnh mẽ và dẻo dai”, “Tôi thành công và lạc quan”, và nếu bạn đang bị đau thì nói “Lưng của tôi bắt đầu cảm thấy thật dễ chịu”. (Xem cảnh báo về các cơn đau.)
  6. Hãy lập lại các câu nói này bao nhiêu lần tùy thích. Bạn hãy tự do đi lại trong nguồn nước, hình dung ra cảnh mình đang dốc ngược những chiếc hộp và thấy các kho báu trong đó (dưới dạng sự tự tin, tiền bạc v.v…), hay đơn giản là thả lỏng toàn bộ cơ thể. Hãy tìm những nơi có nước mát lạnh, nóng hay tràn đầy động vật hoang dã. Bạn nên để trí tưởng tượng tự do bay xa.
  7. Chuẩn bị thoát khỏi trạng thái thôi miên. Sau mỗi bước chân bạn cảm thấy mực nước nông dần, cho đến khi lên tới bậc thứ năm. Khi đã hoàn toàn ra khỏi nước và bước lên bậc thứ sáu, bạn bắt đầu cảm thấy nặng nề cứ như có khối nặng đè lên ngực. Bạn chỉ đơn giản đứng chờ ở đó cho tới khi cảm giác này trôi qua, liên tục lập lại các câu nói đã đề cập bên trên.
    • Sau khi hết cảm giác đè nặng bạn tiếp tục bước lên, hình dung ra từng bước đi theo số đếm của nó, đồng thời nhớ cảm nhận các bước chân. Tập trung bước lên các bậc thang còn lại.
      • Hãy nhớ rằng bạn không nhất thiết phải tưởng tượng ra nguồn nước đúng 100% như đã nói. Nếu bạn có thể hình dung ra kịch bản nào khác thú vị hơn thì hãy sử dụng nó. Không cần phải tốt hơn, miễn là nó có tác dụng với bạn là được.
  8. Khi đã lên tới trên cùng, hãy chờ vài giây rồi mới mở mắt. Có thể bạn muốn tưởng tượng mình đang chuẩn bị mở cửa ra một thế giới bên ngoài. Hãy mở thật chậm và hình như ánh sáng đang tràn qua lối vào, ánh sáng đó khiến mắt của bạn tự nhiên mở ra. Nếu cần hãy đếm ngược từ 10 trở xuống, nói với bản thân rằng sau khi hoàn tất mới mở mắt ra.
    • Từ từ ngồi dậy, sau đó nói thầm rằng “Thức dậy, thức dậy”, hay có thể nói câu mà bạn quen dùng để đánh thức người khác. Như vậy tâm trí của bạn đã được đưa trở về trạng thái tỉnh táo, quay về với thực tại.

Tăng cường Trải nghiệm[sửa]

  1. Đó là sự thật. Sẽ chẳng có hiện tượng tự thôi miên hay các câu thần chú trong cuộc sống thực tế nếu bạn không tin vào nó. Để hiện tượng này xảy ra bạn phải tin vào bản thân và các hành động của mình. Vì sao không? Nếu bạn thật sự tin thì nó có thể hiệu quả với bạn.
    • Nếu lần đầu không thành công bạn đừng vội gạt bỏ mà hãy kiên trì. Có một số việc bạn cần phải dành thời gian luyện tập để thành thạo. Cứ sau vài ngày bạn lại tập luyện để thực nghiệm cảm giác đó, rồi bạn sẽ phải ngạc nhiên.
    • Hãy suy nghĩ thoáng. Bạn phải tin vào khả năng xảy ra hiện tượng thôi miên thì nó mới trở thành hiện thực. Bất kì sự ngờ vực nào đều làm chậm quá trình tiến bộ của bạn.
  2. Kiểm tra trên thực thể. Nếu cần bằng chứng mình đang trong trạng thái nhập định, có một số cách bạn có thể thực hiện! Bất cứ thứ gì có thể nhìn thấy hay cảm nhận trên cơ thể đều kiểm soát được, do đó hãy thử áp dụng các quan điểm này:
    • Đan các ngón tay với nhau. Giữ yên như vậy trong suốt quá trình thôi miên, hãy tự nhủ rằng chúng đã dính với nhau, gần như là bị keo bao bọc. Sau đó tách các ngón tay ra, nếu bạn không thể làm được thì đó chính là …bằng chứng!
    • Thử nghĩ rằng một cánh tay đang dần trở nên nặng hơn. Bạn không cần tỉnh dậy để chọn cụ thể một cánh tay nào, cứ để bộ não làm việc đó. Hãy tưởng tượng trên tay cầm một cuốn sách, đặt tay xuống rồi cố nâng tay lên. Bạn làm được không?
  3. Tưởng tượng ra các tình huống. Cho dù bạn đang hướng tới mục đích nào thì cũng phải tự tin, đó có thể là để giảm cân, cải thiện lối suy nghĩ tiêu cực hay bất cứ điều gì. Hình dung ra mình đang trong tình huống đó và phản ứng lại với suy nghĩ hay tình trạng mình mong muốn. Giả sử bạn muốn mình gầy đi thì hãy tưởng tượng đang xỏ chân vào chiếc quần bò thon gọn một cách dễ dàng, soi gương và mỉm cười với thân hình vừa vặn đó. Chỉ riêng cảm giác lâng lâng do liều hóc môn tự nhiên sinh ra cũng đáng để bạn thử!
    • Nhiều người sử dụng thôi miên để khắc phục các vấn đề cá nhân như sự nhút nhát. Bạn không nhất thiết phải đương đầu trực tiếp với nó mà hãy tiếp cận thông qua những thứ khác có liên quan. Đơn giản là hãy tưởng tượng mình đang đi lại trong thế giới này với cái đầu ngẩng cao, tươi cười và nhìn thẳng vào những người đối diện, đây là bước đầu tiên để trở thành một người hướng ngoại.
  4. Sử dụng công cụ hỗ trợ. Một số người thích nghe nhạc khi xâm nhập trạng thái thôi miên. Hiện tại trên mạng có hàng tá các bản nhạc để phục vụ cho việc thôi miên. Nếu một hình ảnh nào đó có thể giúp ích cho bạn thì hãy chuẩn bị sẵn trong tầm tay để tiện lấy khi cần, chẳng hạn hình ảnh sóng nước hay rừng rậm nhiệt đới.
    • Đồng hồ bấm giờ cũng rất có ích. Một số người thấy khó có thể thoát khỏi trạng thái thôi miên và họ thường quên mất thời gian. Nếu bạn không muốn vô tình bị thôi miên trong nhiều giờ thì hãy dùng đồng hồ bấm giờ, nhưng hãy nhớ cài âm báo êm dịu.
  5. Dùng thôi miên để hoàn thiện bản thân. Hãy tìm một mục tiêu để tập trung vào đó trong trạng thái thôi miên. Ví dụ, bạn có thể nghĩ tới một hình mẫu con người mà mình muốn trở thành. Thôi miên là trạng thái thiền định rất sâu, nhưng nó tốt hơn thiền ở chỗ có thể dùng thôi miên để đạt được các mục đích tốt đẹp hơn và to lớn hơn. Nhiều người nhận thấy sau thời gian tập thôi miên họ có suy nghĩ lạc quan và sống có mục đích hơn. Do đó bạn nên tận dụng ưu điểm này!
    • Chẳng có gì sai trái khi dùng biện pháp thôi miên cả. Cho dù mục đích của bạn là để từ bỏ thói xấu, nâng cao khả năng tập trung trong công việc hay thay đổi cách tư duy, bạn đều có thể dùng thôi miên để hoàn thiện chúng. Việc loại bỏ các nguyên nhân gây căng thẳng trong cuộc sống là một phần không thể thiếu trong quá trình phấn đấu trở thành hình mẫu con người mà bạn mong muốn, và thôi miên hoàn toàn có thể giúp ích cho bạn trong vấn đề này. Bạn càng luyện tập nhiều thì trạng thái đó càng đến dễ dàng và tự nhiên hơn.

Lời khuyên[sửa]

  • Nếu bạn là người khó ngủ thì sau khi đếm tới số một (nghĩa là bước tới bậc cuối cùng), bạn hãy để cho tâm trí trong trạng thái thư giãn tự nhiên và vẫn nằm nhắm mắt, khi đó bạn sẽ đi vào giấc ngủ dễ dàng hơn.
  • Hãy chuẩn bị sẵn các ý tưởng và cách diễn đạt chúng với bản thân mình trước khi bạn nằm xuống, nếu không tình trạng thôi miên có thể bị gián đoạn giữa chừng.
  • Một số người nhận thấy việc tưởng tượng ra các khung cảnh thiên nhiên an bình cũng đủ để thư giãn tinh thần trước khi bắt đầu đếm số. Ví dụ, bạn có thể tưởng tượng mình đang đi dạo trong một khu rừng, ngửi mùi cây cỏ và nghe tiếng gió thổi, hoặc hình dung ra cảnh bạn đang đi bộ dọc bờ biển, cảm nhận cát mịn dưới chân, làn nước mát đang tạt vào mắt cá chân và âm thanh sóng vỗ.
  • Để dễ dàng hơn bạn có thể ghi ra những ý tưởng trước khi thôi miên, một danh sách các công việc có thể nhìn thấy bằng mắt sẽ dễ ghi nhớ hơn so với việc cẩn thận sắp xếp từng suy nghĩ trong đầu.
  • Có một cách khác để thả lỏng cơ bắp là hãy làm căng cứng cơ trong khoảng mười giây trước khi thả ra, như vậy bạn không chỉ tưởng tượng mà còn cảm nhận được sức căng đang dần biến mất.
  • Đối với những bạn thích thiền nhưng không thể ngồi yên lâu thì hãy sử dụng biện pháp thôi miên này vì nó cũng là một dạng thiền, nhưng hãy lồng thêm một khoảng thời gian vào giữa lúc đếm khi đi xuống và đi lên cầu thang.
  • Đừng ép mình nghĩ tới trạng thái thôi miên thì nó sẽ đến với bạn dễ hơn, đây cũng là cách rất tốt để đi vào giấc ngủ.
  • Nếu bạn gặp khó khăn thì hãy tìm gặp một nhà thôi miên, hay mua băng ghi âm để hỗ trợ thôi miên. Một khi đã trải qua cảm giác thôi miên một hay hai lần thì bạn sẽ hiểu rõ hơn về trạng thái tinh thần mà mình đang hướng tới.
  • Đừng tự thôi miên khi đang lái xe hay vận hành máy móc.
  • Bạn không cần phải lo mình mắc kẹt trong trạng thái thôi miên vì đó là hiện tượng xảy đến rất tự nhiên, và bạn vẫn “lướt” ra và vào hằng ngày.
  • Không ai có thể thôi miên bạn nếu bạn không muốn, và bạn cũng không thể tự thôi miên nếu không thực sự mong muốn điều đó.

Cảnh báo[sửa]

  • Cẩn thận khi đứng dậy nếu trước đó bạn đang nằm, vì nếu đứng dậy quá nhanh có thể khiến huyết áp tụt xuống, làm bạn chóng mặt hay bất tỉnh. (Điều này không liên quan tới thôi miên, đó là hiện tượng tụt huyết áp do tư thế đứng.)
  • Không phải lúc nào thôi miên cũng mang lại hiệu quả tức thì, bạn có thể phải luyện thường xuyên (ví dụ, tập hằng ngày trong cả tháng hay nhiều hơn) để có thể thấy được lợi ích của nó. Bạn cần phải “huấn luyện” bản thân bằng sự kiên trì rèn luyện.

Những thứ bạn cần[sửa]

  • Một nơi tiện nghi để ngồi hay nằm, có ánh sáng dịu và nhiệt độ phù hợp.
  • Môi trường yên tĩnh và không bị làm phiền trong ít nhất nửa giờ.


Nguồn và Trích dẫn[sửa]

Liên kết đến đây