Tự lấy sỏi amidan

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Bã đậu amidan hay còn có tên gọi là "sỏi amidan" trong y học, chúng là các khối cứng hình thành trên amidan ở phía sau cổ họng. Sỏi amidan có thể gây đau họng, viêm amidan, các vấn đề về xoang và làm hơi thở hôi (mất tự tin khi giao tiếp), gây ra sự phiền toái đáng kể đối với những ai có sỏi.[1] Điều may mắn là bạn không nhất thiết phải nhờ bác sĩ lấy chúng ra. Với một số kỹ thuật thực hiện tại nhà đôi khi bạn có thể tự mình lấy sỏi, và áp dụng các biện pháp đề phòng để ngăn sỏi hình thành.

Các bước[sửa]

Kỹ thuật lấy sỏi[sửa]

  1. Dùng gương để nhìn thấy sỏi. Trước khi bắt đầu bạn phải dùng gương để xác định vị trí sỏi. Để gương ở vị trí thuận tiện dễ cầm nhưng cũng đồng thời phản chiếu rõ hình ảnh các viên sỏi. Bạn nên dành thời gian tập nhìn miệng mình trong gương, nó giúp bạn tiết kiệm thời gian và tránh bực mình khi bắt đầu tiến hành sau đó. Nếu bạn không có sẵn gương cầm tay thì thử dùng camera trước của điện thoại để theo dõi thao tác trong quá trình gắp sỏi (nên cài sẵn ứng dụng đèn pin).
    • Bạn cần tìm các mảng nhỏ màu trắng và cứng ở phía sau cổ họng, chúng thường mắc kẹt trong nếp gấp của amidan, do đó hơi khó nhìn.
    • Trước khi bắt đầu bạn nên chuẩn bị sẵn khăn, nước ấm súc miệng và đèn pin cầm tay để soi bên trong cổ họng.
  2. Sử dụng tăm bông ẩm. Đây là đồ dùng phổ biến trong nhiều gia đình và rất hữu ích cho việc lấy sỏi. Bạn nên dùng loại tăm bông đủ dài để chạm tới phía sau cổ họng, đồng thời phải cứng để không bị cong khi đẩy. Chỉ nên dùng tăm bông mới còn sạch, tuyệt đối không dùng chiếc đã qua sử dụng và tránh để tăm bông lên các bề mặt chưa tiệt trùng như mặt bàn trong khi tiến hành. Dưới đây là những hướng dẫn vắn tắt để bạn thực hiện:
    • Liên tục chọc viên sỏi với lực nhẹ nhưng ổn định, chọc theo cùng một hướng. Bạn không nên đẩy viên sỏi về phía amidan, vì nếu bạn đang đau cổ họng thì việc này còn gây kích ứng nhiều hơn.
    • Nếu bạn vô tình nuốt phải sỏi sau khi chúng bị đẩy bật ra thì cũng không sao, nhưng nhiều người cảm thấy trong miệng có vị lưu lại khó chịu sau khi nuốt.
  3. Sử dụng bàn chải đánh răng. Một dụng cụ cực kỳ phổ biến mà bạn có thể dùng để đẩy sỏi là bàn chải đánh răng. Bạn có thể dùng cả hai đầu bàn chải để đẩy bật các viên sỏi khó chịu ra. Dùng lông bàn chải chà nhẹ có thể hiệu quả với những hạt sỏi không bám chặt, trong khi đó cán bàn chải có hiệu quả với những viên sỏi riêng lẻ nhưng cứng đầu.
    • Nếu bạn có bàn chải đánh răng điện thì nên dùng phía không có lông của đầu bàn chải để rung sỏi, khiến chúng rớt ra khỏi các ngách trên amidan.[2]
    • Vì sỏi amidan chứa vi khuẩn có mùi hôi nên bạn cần rửa sạch bàn chải trước sử dụng vào lần sau. Tuy nhiên cũng không có gì nguy hiểm nếu bạn không muốn rửa.
  4. Lấy sỏi bằng kẹp tăm. Phụ nữ thường để sẵn nhiều kẹp tăm trong phòng tắm, nếu bạn cũng vậy thì có thể dùng một chiếc để lấy sỏi. Bạn chỉ cần dùng một chiếc kẹp tăm thông thường vì chúng mỏng và đàn hồi, nhưng cũng đủ cứng để bẩy sỏi ra. Nhưng bạn nhớ rửa sạch kẹp tăm trước khi đưa vào miệng, dù khả năng khá thấp nhưng nó cũng tiềm ẩn làm lây vi khuẩn vào miệng và dẫn tới các vấn đề khác cho cổ họng.
    • Cách dùng kẹp tăm cũng tương tự như tăm bông, bạn phải chọc với lực đều tay để bẩy sỏi ra.
  5. Đầu tư mua máy tăm nước. Máy tăm nước là dụng cụ ưa dùng của các nha sĩ, nó hoạt động trên nguyên tắc phóng ra tia nước có vận tốc cao từ một vòi phun rất nhỏ, tia nước này có thể bắn tung vật cản phía trước. Áp suất tập trung do máy tạo ra rất phù hợp để lấy sỏi. Bạn có thể tìm mua máy tăm nước trong siêu thị hay mua trực tuyến, giá một chiếc dao động từ khoảng 500 ngàn tới vài triệu đồng.[3]
    • Trước khi dùng bạn nên đặt chế độ phun nhẹ nhất và thử phun lên các phần không nhạy cảm trong miệng, như trên má. Nếu cổ họng đang đau, đây là triệu chứng thường đi kèm khi có sỏi amidan, thì việc đặt áp suất phun cao có thể làm đau.
    • Nhắm tia nước vào những viên sỏi nhìn thấy được và chờ đến khi nó bung ra. Bạn không nên dùng vòi phun chạm trực tiếp vào sỏi vì vi khuẩn trong sỏi có thể lây qua máy.
  6. Sử dụng dung dịch nước muối. Nếu việc chạm vào sỏi gây khó chịu thì bạn nên thử cách ít xâm phạm này. Pha một thìa cà phê muối iốt hay muối mỏ vào cốc nước ấm và súc trong cổ họng. Vì bạn không trực tiếp tác động vào sỏi nên cách này đòi hỏi nhiều thời gian hơn, nhưng bạn nên kiên nhẫn. Cho dù bạn không thể lấy chúng ra nhưng tác động của nước muối làm những viên sỏi dễ lấy hơn khi dùng một trong các phương pháp đề cập bên trên.
    • Muối trong nước cùng với nhiệt của miệng đóng vai trò như một phương thuốc kháng khuẩn nhẹ, giúp cổ họng giảm đau.[4]
    • Bạn thử súc miệng bằng chất lỏng carbonate trung tính như sô đa. Một số người đã từng áp dụng cho biết bọt khí trong nước sô đa có thể giúp các hạt sỏi cứng đầu bung ra.
  7. Cân nhắc dùng ngón tay tách sỏi. Mặc dù việc dùng ngón tay trỏ chạm vào viên sỏi chưa hẳn là sai, nhưng lúc ban đầu bạn không nên chọn cách này. Theo thống kê tay người là nơi trú ngụ của rất nhiều loại vi khuẩn.[5] Nếu amidan đã bị sỏi làm kích ứng thì vi khuẩn lây từ tay có thể gây nhiễm trùng, dẫn tới các vấn đề khác phức tạp hơn và buộc phải nhờ bác sĩ can thiệp. Nếu thực sự cần dùng ngón tay thì bạn nên có các biện pháp đề phòng sau:
    • Rửa sạch tay hoàn toàn để giảm nguy cơ lây vi khuẩn hay mầm bệnh.
    • Cắt móng tay. Móng tay sắc và dài có thể làm xước mô tế bào xung quanh amidan, ngoài ra bên dưới móng tay dơ còn có vi khuẩn rất khó rửa sạch.
    • Nếu được bạn nên đeo găng tay cao su latex đã vô trùng.
  8. Lấy sạch các chất nén bên trong khi viên sỏi rớt ra. Đôi khi sau khi viên sỏi rớt ra sẽ để lại một lỗ nhỏ, trong đó có mảng bám hay chất cặn còn dính chặt bên trong, chúng thường có mùi hay vị hôi. Bạn cẩn thận lấy hết chất cặn trong đó ra bằng bất kì thứ gì cảm thấy tiện nhất. Dùng nước súc miệng để loại trừ mùi và vị hôi.
    • Lưu ý rằng trong quá trình lấy sỏi và moi các chất đóng cặn bên trong, bạn cảm thấy hơi khó chịu, đau hoặc chảy máu, nhưng không đáng lo ngại. Nhưng nếu máu tiếp tục chảy hoặc cơn đau kéo dài nhiều hơn một hay hai giờ thì bạn nên đi gặp bác sĩ, vết thương có thể đã bị nhiễm trùng.

Phương pháp chưa được công nhận[sửa]

  1. Bản chất các biện pháp này không đảm bảo. Với sự bùng nổ của internet, hiện nay có rất nhiều bí quyết truyền tai về phương pháp loại bỏ sỏi amidan và cách phòng ngừa sau khi hết sỏi. Một số có hiệu quả nhưng số khác thì không. Trong bài viết này chúng tôi thu thập những thông tin phổ biến lan truyền trên mạng internet và các phương pháp mà người ta thường áp dụng tại nhà để trị sỏi amidan. Tất cả chúng đều không có hại nhưng bạn phải hiểu rằng vì không có bằng chứng khoa học chứng nhận tính hiệu quả của chúng nên không phải phương pháp nào cũng hiệu quả với bạn.
  2. Súc miệng bằng nước chanh. Pha vài thìa canh nước cốt chanh tươi với một nhúm muối vào cốc nước ấm để làm dung dịch súc miệng trị sỏi. Dùng dung dịch này súc mạnh trong miệng, và chú ý xoáy nước vào các góc sâu bên trong miệng nhiều lần mỗi ngày. Theo lời một số người thì axít trong chanh kết hợp với muối và nhiệt toát ra từ miệng có thể làm lung lay viên sỏi trong ngách của amidan.
    • Ngoài ra nước chanh chứa vitamin C, thường được dùng để trị các chứng bệnh nhẹ như sưng amidan. Tuy nhiên các nghiên cứu gần đây đã thể hiện sự ngờ vực đối với tính hiệu quả thật sự của vitamin C trong việc chống cảm lạnh.[6]
  3. Sử dụng chất gel cây lô hội. Chất ép cây lô hội (lấy từ phần thịt mọng nước, hơi đặc của lá lô hội) thường được bán dưới tên gọi chất gel cây lô hội tại siêu thị hay trong tiệm thuốc. Một số thông tin cho biết chất gel cây lô hội có ích cho việc trị sỏi amidan bằng cách làm sạch vi khuẩn gây ra sỏi.[7] Thật ra cũng có bằng chứng cho thấy lô hội có tác dụng như chất kháng khuẩn, vì vậy phương pháp này có thể hiệu quả đúng với tin đồn.[8]
    • Nếu bạn muốn dùng chất gel lô hội thì cách làm như sau: lấy một thìa chất gel cho vào miệng và xoáy nó xung quanh amidan, giữ trong miệng vài phút và làm nhiều lần mỗi ngày. Sau đó bạn tiếp tục cho nước vào miệng để súc cùng với chất gel, xoáy hỗn hợp chất gel và nước trong miệng trước khi nhổ ra.
  4. Thí nghiệm với tỏi. Ăn một tép tỏi tươi hai lần mỗi ngày đôi khi được cho là cách trị sỏi amidan hiệu quả. Phương pháp này nghe có vẻ không bình thường nhưng tất cả những gì bạn cần làm là bỏ nguyên một tép tỏi vào miệng, nhai và nuốt. Trong tỏi có chất allicin có tính kháng khuẩn.[9] Khi nhai tỏi chất allicin sẽ tiêu diệt vi khuẩn gây ra sỏi amidan, giúp ngăn chặn sỏi mới hình thành.
    • Dù sỏi amidan thường có liên quan tới chứng hơi thở hôi, nhưng bạn cần lưu ý việc ăn tỏi tươi cũng ảnh hưởng rất lớn đến hơi thở và khiến một số người khó chịu.
  5. Súc miệng bằng dầu ôliu nguyên chất. Nếu bạn có thể chịu được thì hãy thử súc miệng bằng dầu ôliu để tách sỏi. Súc miệng bằng một thìa cà phê dầu ôliu vài lần mỗi ngày có thể loại bỏ sỏi amidan và giảm nguy cơ sỏi mới hình thành. Sau cùng bạn súc miệng bằng nước để rửa sạch chất nhầy còn dính lại.
    • Cơ sở lý thuyết đằng sau phương pháp này được giải thích như sau, dầu ôliu đôi khi được xem là có tính kháng viêm nên nó có thể giảm sưng amidan, và vì vậy giảm khả năng hình thành sỏi mới.[10] Tuy nhiên, người ta vẫn không rõ liệu dầu ôliu có tác dụng kháng viêm không khi tiếp xúc trực tiếp với amidan.
  6. Sử dụng giấm táo. Giấm táo cũng là một loại axít có thể trị sỏi amidan bằng cách làm se các khe hở. Bạn cho vài thìa cà phê giấm táo vào cốc nước để súc miệng, nhớ súc thật mạnh mỗi ngày ít nhất hai lần, súc càng lâu càng tốt để sỏi rơi ra.
    • Cũng như nước chanh, cơ sở của phương pháp này là axít trong giấm giúp làm lỏng và hòa tan sỏi trong quá trình súc miệng.
  7. Ăn nhiều cà rốt hơn. Nhai thực phẩm cứng như cà rốt nhiều lần mỗi ngày có thể giúp trị sỏi. Khi bạn nhai, các miếng cà rốt cứng buộc phải va chạm với sỏi nằm ở sâu trong họng và làm sỏi long ra. Bạn nên bổ sung thêm một củ cà rốt vào mỗi bữa ăn khi đang có sỏi amidan.
    • Ngoài ra, cà rốt có nhiều vitamin A, chất beta carotene và chất xơ, đây là những chất dinh dưỡng quan trọng để giữ cơ thể khỏe mạnh và ngăn sỏi hình thành trong tương lai.
  8. Trữ sữa chua hay sữa đông trong tủ lanh. Các sản phẩm này chứa pro-biotics là vi sinh vật có lợi. Theo một số thông tin trên mạng internet thì việc bổ sung chúng vào bữa ăn có thể giúp cân bằng lượng vi khuẩn trong miệng và trong dạ dày, giảm khả năng các vi khuẩn độc hại hình thành sỏi amidan. Tuy nhiên người ta nghi ngờ liệu vi khuẩn trong đường ruột cũng có cách phản ứng đúng như dự đoán hay không.
  9. Ăn hành sống. Dù bạn có tin hay không thì cũng có thông tin cho rằng ăn nguyên một củ hành mỗi ngày cũng có tác dụng giống như ăn một tép tỏi (như đã nói bên trên). Theo đó thì các hóa chất trong hành có thể diệt vi khuẩn gây sỏi amidan. Ngoài ra lượng nước bọt sản sinh nhiều hơn khi ăn hành được cho là giúp những viên sỏi ăn sâu bong ra. Nếu chịu được mùi vị rất nặng và hơi cay khiến chảy nước mắt của nó, bạn hãy thử ăn thêm vài miếng hành sống vào cuối mỗi bữa ăn.
  10. Thử nghiệm với tinh dầu như tinh dầu cỏ chanh, nhựa thơm (tên khoa học Commiphora myrrha). Các tinh dầu có mùi thơm này có thể dùng với mục đích súc miệng. Dù chúng gần như chắc chắn có thể hỗ trợ trị chứng hơi thở hôi, nhưng người ta cho rằng tinh dầu còn đóng vai trò như chất kháng khuẩn nhẹ để tiêu diệt vi khuẩn gây sỏi amidan trong miệng. Quy trình thực hiện phương pháp như sau:
    • Cho khoảng 10 giọt tinh dầu vào một cốc nước.
    • Uống vào một ngụm đầy và súc đều, ngửa đầu ra sau để nước chạm tới amidan.
    • Tiếp tục súc với các ngụm khác cho tới khi hết cốc nước. Mỗi ngày bạn cần làm nhiều lần cho đến khi sỏi bong ra hoàn toàn.

Áp dụng biện pháp đề phòng[sửa]

  1. Sử dụng nước súc miệng sau mỗi bữa ăn. Sỏi amidan hình thành khi các mảng thức ăn nhỏ, chất nhầy, vi khuẩn hay các loại cặn khác mắc kẹt vào nếp gấp trên amidan và bắt đầu vôi hóa.[11] Bằng cách giữ vệ sinh miệng thật sạch không còn các mảng bám, bạn có thể giảm khả năng sỏi hình thành ngay từ lúc đầu. Ví dụ, bạn nên siêng vệ sinh bằng nước súc miệng sau mỗi bữa ăn để diệt vi khuẩn và loại bỏ các mảng thức ăn còn sót lại.
    • Như đã đề cập bên trên, dung dịch nước muối cũng hữu hiệu đối với vấn đề này. Ngoài ra nước muối còn giúp giảm đau cổ họng.
  2. Duy trì thói quen vệ sinh răng miệng. Luôn luôn đánh răng ít nhất hai lần mỗi ngày, lý tưởng nhất là đánh răng sau từng bữa ăn. Như đã nói các mảng bám thức ăn mắc kẹt trong amidan là một trong những nguyên nhân tạo sỏi, vì vậy việc loại bỏ chúng đều đặn có thể ngăn ngừa hoàn toàn khả năng hình thành sỏi.
    • Ngoài ra bạn cũng nên xỉa răng bằng chỉ nha khoa để loại bỏ vi khuẩn và mảng bám giữa răng. Hầu hết thông tin về chăm sóc sức khỏe răng miệng đều khuyên xỉa răng mỗi ngày.[12]
  3. Không để viêm amidan. Vì sỏi xuất hiện nhiều nhất ở những người hay viêm amidan (tình trạng sưng amidan), nên bạn có thể giảm nguy cơ hình thành sỏi bằng cách tránh để viêm amidan. Dưới đây là các lời khuyên giúp bạn phòng tránh viêm amidan, chúng cũng tương tự cách bạn áp dụng để phòng bệnh cảm lạnh thông thường:[13]
    • Thường xuyên rửa sạch tay, đặc biệt sau khi ăn và đi vệ sinh.
    • Tránh xa người bị viêm amidan hay viêm họng cho đến khi họ đã dùng kháng sinh được một ngày.
    • Ngủ nhiều để tăng chức năng hệ miễn dịch tới mức tối đa.
  4. Cân nhắc uống kháng sinh trị bệnh về họng. Nếu sỏi amidan gây ra vấn đề đáng kể và bạn không thể tự mình lấy sỏi, bạn nên tìm biện pháp can thiệp y khoa. Bác sĩ sẽ kê một đợt thuốc kháng sinh để trị căn bệnh ở cổ họng làm viêm amidan, là nguyên nhân hình thành sỏi.
    • Nếu được kê thuốc kháng sinh bạn phải uống thuốc theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ. Uống đúng với liều lượng được chỉ định và không dừng uống sớm ngay cả khi bạn cảm thấy bệnh đã giảm. Dùng thuốc kháng sinh không đúng cách có thể dẫn tới nhờn thuốc, tình trạng này rất khó chữa trị.[14]
  5. Nếu tất cả các cách đều không thành công bạn nên cân nhắc khả năng phẫu thuật cắt amidan. Cách duy nhất để ngăn sỏi amidan hình thành với hiệu quả 100% là cắt bỏ amidan. Không có amidan các mảng bám trong miệng không có chỗ để mắc kẹt, do đó không thể hình thành sỏi. Dù sau khi cắt bỏ amidan cổ họng bị đau, nhưng về lâu dài bạn hoàn toàn yên tâm vì sỏi không bao giờ hình thành. Nếu bạn thường xuyên có sỏi amidan ở mức độ nặng thì đây là lựa chọn thông minh nhất.
    • Ngoài ra còn có một kỹ thuật phẫu thuật khác để lấy sỏi amidan, đó là dùng tia laser có độ chính xác cao.[15] Phương pháp phẫu thuật này không đòi hỏi gây tê và không cần cắt bỏ amidan, nhưng về hiệu quả ngăn chặn sỏi hình thành thì nó không hữu hiệu bằng việc cắt bỏ amidan.

Lời khuyên[sửa]

  • Có thể dùng tay lấy sỏi amidan khá dễ dàng.
  • Tuy nhiên bạn nên thực hiện một cách cẩn thận để không gây tổn thương thêm cho lớp niêm mạc hay gây nhiễm trùng.

Cảnh báo[sửa]

  • Sau khi dùng tay lấy sỏi bạn nên để ý phát hiện các dấu hiệu của tình trạng nhiễm trùng trong 7 ngày sau đó.
  • Dấu hiệu nhiễm trùng bao gồm sốt, đau, sưng hay phù khu vực xung quanh amidan. Nếu điều này xảy ra thì bạn cần tới gặp nha sĩ ngay.

Những thứ bạn cần[sửa]

  • Một chiếc gương
  • Phòng đủ sáng
  • Nước
  • Khăn giấy
  • Dụng cụ lấy sỏi tùy bạn chọn (kẹp tăm, tăm bông, tăm nước, v.v…)

Nguồn và Trích dẫn[sửa]

Liên kết đến đây