Thông báo nghỉ việc

Từ VLOS
(đổi hướng từ Thông báo Nghỉ việc)
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Khi thời điểm nghỉ việc đã tới, điều đặc biệt quan trọng là bạn phải tạm biệt chủ của mình một cách suôn sẻ. Một vài công ty có thể yêu cầu thông báo – thông thường, yêu cầu này sẽ được quy định trong hợp đồng của bạn. Trong các tình huống khác, việc gửi thông báo đơn thuần thể hiện phép lịch sự - đồng thời để người sử dụng lao động có đủ thời gian tìm nhân viên thay thế. Ở cả hai trường hợp, sẽ là tốt nhất cho bạn khi chấm dứt quan hệ lao động một cách khéo léo và tôn trọng đối phương.

Các bước[sửa]

Gửi Thông báo tới Chủ của Bạn[sửa]

  1. Kiểm tra lại hợp đồng / thư mời lao động. Đọc lại tất cả các hợp đồng và/hoặc thư mời mà bạn đã ký từ khi được tuyển dụng trước khi rời đi. Các văn bản này thường sẽ bao gồm các quy tắc cụ thể về việc bạn cần làm khi nghỉ việc. Thông thường, những điều khoản đó sẽ không có nội dung phức tạp hơn: “văn bản này có thể bị chấm dứt hiệu lực bởi bất kỳ bên nào, trong bất kỳ thời điểm nào, và vì bất kỳ lý do gì.” Tuy nhiên, nếu người chủ của bạn những quy tắc nhất định đối với nhân viên khi nghỉ việc, bạn chắc chắn sẽ muốn biết trước về chúng để đảm bảo rằng mình không vi phạm các điều khoản lao động.
    • Nếu bạn không có những văn bản này trong tay, đừng lo lắng. Người sử dụng lao động của bạn sẽ có bản sao những tài liệu này – hãy nói chuyện với bộ phận Nhân Lực, sếp trực tiếp của bạn, hoặc bất kỳ ai có nhiệm vụ lưu trữ thông tin ở cơ quan bạn để yêu cầu cung cấp tài liệu.
  2. Trò chuyện với sếp trực tiếp của bạn. Tôn trọng sếp của bạn (kể cả khi bạn không nghĩ rằng cô ta hay anh ta xứng đáng với điều đó.) Dành thời gian để nói chuyện trực tiếp với sếp sẽ thể hiện sự tôn trọng của bạn với người đó cũng như với công việc của bạn. Một cuộc trò chuyện mặt đối mặt sẽ trang trọng hơn rất, rất nhiều lần một thông báo được gửi qua thư điện tử hoặc thư thoại; vì thế, nếu bạn muốn nhận được giới thiệu tốt từ chủ cũ, nói chuyện trực tiếp sẽ tốt hơn.
    • Giả vờ một chút. Không phải công việc nào cũng là công việc trong mơ. Dù vậy, kể cả khi bạn ghét công việc này, ít nhất, hãy giả vờ rằng bạn đã tận hưởng nó trong thông báo mình gửi ra. Đừng chịu thua cám dỗ phải sỉ nhục sếp hoặc công việc của bạn – vài phút thỏa mãn ngắn ngủi khi rủa xả sếp không đáng để đánh đổi cho những khó khăn bạn sẽ phải trải qua trong tương lai khi cố giải thích vì sao mình không nhận được bất kỳ giới thiệu nào từ chủ cũ.
  3. Giải thích lý do nghỉ việc. Mặc dù cơ bản bạn không cần nói rõ lý do nghỉ việc, một lý do có sẵn sẽ giúp cuộc trò chuyện tạm biệt với sếp của bạn (và, sau này, với đồng nghiệp) dễ dàng hơn rất nhiều. Có rất nhiều lý do để thôi việc: bạn có thể đã tìm được công việc phù hợp hơn với mục tiêu cuộc sống của mình, chuyển đi nơi khác, hoặc quyết định ngừng làm việc vì sức khỏe không tốt. Chỉ có bạn mới biết lý do chính xác vì sao mình nghỉ việc.
    • Nếu bạn rời đi vì không hạnh phúc với công việc này, thay vì nói thẳng, bạn có thể trả lời rằng “công việc này không phù hợp” để tránh động chạm tới cảm xúc của sếp và đồng nghiệp. Tránh cắt đứt quan hệ với những nhận xét như vậy.
  4. Hỏi sếp của bạn về kỳ vọng của anh ấy hoặc cô ấy trước khi bạn nghỉ việc. Trước khi nghỉ việc, bạn có thể sẽ phải hoàn thành một số dự án nhất định, đào tạo đồng nghiệp để làm công việc của mình hoặc hỗ trợ tìm người thay thế. Lịch sự và thiện chí thực hiện những công việc này. Đừng ngần ngại làm việc kể cả khi bạn biết chắc mình sẽ rời đi – nếu bạn gây khó khăn cho người sử dụng lao động trong quá trình chuyển giao, một bản giới thiệu không hoàn hảo sẽ là thứ bạn nhận được trong tương lai.
  5. Cân nhắc thông báo nghỉ việc bằng văn bản. Với những công việc liên lạc chủ yếu qua điện thoại hoặc thư điện tử, ví dụ như việc làm từ xa, thật không tưởng và thiếu thực tế để có thể sắp xếp gặp mặt người sử dụng lao động. Với những công việc khác, người sử dụng lao động có thể yêu cầu thông báo bằng văn bản song song với thông báo miệng để lưu trữ thông tin. Trong những trường hợp này, hãy viết một bức thư nghiêm chỉnh gửi tới chủ của mình (hãy gửi thư qua bưu điện hoặc thư điện tử nếu bạn không thể đưa trực tiếp.)
    • Thể hiện sự tiếc nuối của bạn khi nghỉ việc, giải thích lý do nghỉ việc, đồng thời nói rõ rằng bạn sẽ luôn sẵn sàng giúp đỡ tìm kiếm và/hoặc đào tạo người thay thế trong thư. Sử dụng lời lẽ ngắn gọn và chuyên nghiệp – đừng tốn giấy với những lời tạm biệt bay bướm hoặc ướt át. Bạn có thể thể hiện cảm xúc sâu thẳm trong lòng mình khi trò chuyện hay trong thư từ với đồng nghiệp.
  6. Hãy nói trước với sếp về thời điểm bạn nghỉ việc. Trừ khi bất khả kháng, đừng khiến sếp thấy bất ngờ khi biết bạn chuẩn bị nghỉ làm. Điều đó không chỉ khiếm nhã mà còn gây rắc rối cho chủ của bạn những dự định nghề nghiệp tương lai của bạn. Mặt khác, chủ của bạn có thể sẽ phải vật lộn tìm người thay thế – nếu cô ấy/anh ấy không thể làm vậy, cô ấy/anh ấy sẽ phải thu hẹp hoạt động hoặc thậm chí ngừng kinh doanh trong một thời gian. Kể cả khi bạn ghét sếp mình, việc bạn làm vẫn không hề công bằng và thật bất lương. Tệ hơn, điều đó có thể ảnh hưởng tiêu cực tới đồng nghiệp của bạn (nếu họ buộc phải dọn dẹp những phần việc bạn đang bỏ dở).
    • Hơn nữa, nếu bạn đột ngột báo tin nghỉ việc với sếp, bạn có thể chắc chắn rằng chủ của mình sẽ không muốn viết lời giới thiệu tốt, dẫn tới quá trình tìm kiếm công việc của bạn trong tương lai bị cản trở.
    • Hợp đồng lao động của bạn có thể đã nêu rõ khoảng thời gian tối thiểu phải thông báo trước khi nghỉ việc. Nếu không, hai tuần trước khi nghỉ việc là khoảng thời gian thông thường để bạn đưa ra thông báo.
    • Lưu ý: Sẽ là ý hay khi chắc chắn rằng sếp là người đầu tiên biết về kế hoạch nghỉ việc của bạn. Nói cách khác, đừng tiết lộ cho đồng nghiệp trước khi bạn nói với sếp, kể cả khi đồng nghiệp là bạn bè thân thiết. Lời đồn lan truyền rất nhanh trong chốn công sở - thật xấu hổ nếu sếp tiếp cận bạn vì kế hoạch nghỉ việc của bạn mà không phải chiều ngược lại.
  7. Cảm ơn sếp trực tiếp của bạn. Nếu công việc đó là một trải nghiệm tuyệt vời, lời cảm ơn sẽ đến tự nhiên. Nếu không, bạn vẫn nên “giả vờ.” Lời cảm ơn là thể hiện thiện chí đối với người-sẽ-sớm-trở-thành-sếp-cũ của bạn.
    • Thời điểm này là phù hợp để hỏi xin một lá thư tiến cử với nội dung tích cực hoặc thư giới thiệu cho công việc tương lai từ người sử dụng lao động của bạn. Tuy nhiên, hãy nhớ rằng chủ của bạn không bắt buộc phải làm những việc này.
    • Khi xin thư tiến cử hoặc thư giới thiệu, chắc chắn rằng bạn đã yêu cầu một bức thư với nội dung tích cực – nếu không, những người chủ gian xảo có thể sẽ đưa ra nhận xét không hay. Không có thư giới thiệu vẫn tốt hơn là thư giới thiệu với nội dung tiêu cực.
  8. Chuẩn bị rời đi ngay lập tức. Nên hiểu rằng dù bạn gửi thông báo trước thời điểm nghỉ việc dự kiến, người sử dụng lao động vẫn có thể cho bạn nghỉ sớm hơn, hoặc nghỉ ngay lập tức. Đó không hẳn là dấu hiệu của sự phản đối – họ có thể không còn việc gì cho bạn làm, hoặc họ không muốn bạn khiến những nhân viên khác nhụt chí. Dù thế nào đi nữa, hãy cố gắng “hoàn thành mọi việc” trước khi thông báo. Hoàn thành tất cả những dự án còn lại và sắp xếp đồ đạc của mình gọn gàng từ trước để việc rời đi không bừa bộn hay mất thời gian.
    • Nếu bạn bị cho thôi việc sớm, hãy kiểm tra hợp đồng của mình – bạn có thể được nhận trợ cấp thôi việc cho khoảng thời gian mà đáng lẽ bạn phải làm việc.

Gửi Thông báo tới Chủ Nhà của Bạn[sửa]

  1. Kiểm tra hợp đồng thuê nhà của bạn. Ở nhiều nơi, bao gồm bang California, bạn phải thông báo cho chủ nhà trước một số ngày bằng với số ngày giữa các đợt trả tiền nhà.[1] Kiểm tra yêu cầu thông báo trong hợp đồng của bạn – tài liệu này sẽ bao gồm hướng dẫn và quy tắc thông báo về việc bạn rời đi. Hiểu rõ những quy tắc này trước khi thông báo sẽ hỗ trợ cho quyết định của bạn. Ví dụ, nếu bạn đang thuê nhà có thời hạn xác định, khi chuyển đi sớm, bạn có thể sẽ vi phạm điều khoản của hợp đồng thuê nhà và phải chịu tiền thuê nhà trong tương lai, chi phí quảng cáo, v.v.
  2. Gửi thông báo bằng văn bản tới chủ nhà của bạn. Khác với thông báo cho người sử dụng lao động, thông báo cho chủ nhà thường được yêu cầu thể hiện dưới dạng văn bản. Trong thông báo này, bạn cần đề cập tới những thông tin quan trọng, ví dụ như tên của tất cả những người sẽ rời đi, địa chỉ ngôi nhà bạn chuẩn bị rời khỏi, địa chỉ ngôi nhà bạn sẽ chuyển tới, và ngày chuyển nhà dự kiến.
    • Giọng điệu trong bản thông báo phải nghiêm túc và chuyên nghiệp, cần lưu ý chính tả và ngữ pháp chuẩn xác.
  3. Nói chuyện trực tiếp hoặc gọi điện cho chủ nhà để thảo luận về các yêu cầu trước khi rời đi. Nếu có thể, nói chuyện trực tiếp (hoặc, ít nhất, trò chuyện qua thư điện tử) với chủ nhà là ý hay để bạn lướt qua toàn bộ những việc cần thu xếp trước khi chuyển ra. Chủ nhà có thể yêu cầu bạn đem chìa khóa tới một nơi xác định vào ngày cuối cùng. Cô ấy/anh ấy cũng có thể muốn ngôi nhà được dọn dẹp sạch sẽ vào một ngày xác định, kể cả khi bạn có thể chuyển ra sau ngày đó. Tốt nhất không nên đoán mò về những thứ này mà hãy nói chuyện với chủ nhà sớm nhất có thể.
  4. Đảm bảo với chủ nhà rằng bạn sẽ dọn dẹp nơi ở trước khi rời đi. Khi liên lạc với chủ nhà, đề cập rằng bạn sẽ trả lại ngôi nhà ở tình trạng sạch sẽ (nếu không nói là hoàn hảo). Giao lại ngôi nhà sạch đẹp sẽ giúp bạn tăng khả năng nhận lại toàn bộ hoặc phần lớn tiền đặt cọc của mình.
  5. Lên kế hoạch cho một buổi kiểm tra toàn diện. Nhiều chủ nhà sẽ yêu cầu kiểm tra trực tiếp (mà bạn sẽ phải có mặt) trước khi bạn giao lại chìa khóa. Điều này phù hợp với lợi ích của cả hai bên. Chủ nhà của bạn muốn đánh giá xác thực về tình trạng ngôi nhà để cô ấy/anh ấy có thể trích một khoản tiền trong phần đặt cọc dùng cho sửa chữa, v.v. Mặt khác, bạn cũng sẽ muốn ở đó để đảm bảo rằng chủ nhà không đưa ra những nhận định sai lầm về tình trạng ngôi nhà nhằm mục đích lừa lấy khoản tiền đặt cọc của bạn. Khi nói chuyện với chủ nhà, hãy hỏi anh ấy hoặc cô ấy về thời điểm kiểm tra nhà dự kiến để bạn cũng có thể sắp xếp tới đó.
  6. Sắp xếp nhận lại khoản tiền đặt cọc của bạn. Thông thường, khi thuê nhà, bạn sẽ phải trả trước một khoản đặt cọc (giá trị thường bằng tiền thuê nhà một tháng). Khi chuyển đi, bạn được trả lại khoản đặt cọc này sau khi đã trừ đi chi phí sửa chữa mà chủ nhà cần trích ra để giải quyết thiệt hại do bạn gây ra, v.v. Giả sử bạn gìn giữ ngôi nhà cẩn thận, bạn sẽ nhận được phần lớn, nếu không nói là toàn bộ, khoản đặt cọc ban đầu của mình.
    • Thẳng thắn với chủ nhà về việc bạn muốn lấy lại khoản tiền đặt cọc sau khi rời đi và những khoản sửa chữa nào đã được trích ra. Đừng im lặng – phần lớn chủ nhà là những người trung thực và họ sẽ lên kế hoạch trả lại tiền đặt cọc cho bạn, tuy nhiên có thể bạn sẽ một người chủ nhà bất lương, và bạn phải chủ động nêu ra vấn đề này.
    • Đừng để chủ nhà lảng tránh câu hỏi của bạn. Hãy kiên trì – đừng để nỗi sợ về cuộc trò chuyện khó xử cho phép chủ nhà lẩn trốn cùng số tiền đặt cọc mà bạn phải khó khăn để kiếm được

Nguồn và Trích dẫn[sửa]

Liên kết đến đây