Thụ thai với hội chứng PCOS

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS) không phải là bệnh hiếm gặp, ở Mỹ người ta ước tính có khoảng 5-10% số phụ nữ trong tuổi sinh nở mắc hội chứng PCOS, và đó là nguyên nhân hàng đầu gây ra vô sinh ở phụ nữ.[1][2] Dù bệnh này phổ biến nhất ở phụ nữ trưởng thành và thiếu nữ, nhưng cũng có trường hợp xảy ra ở bé gái chỉ mới 11 tuổi.[3] Có tới 70% phụ nữ mắc PCOS nhưng không phát hiện bệnh.[2] Phụ nữ mắc PCOS thường cũng bị kháng insulin, nghĩa là cơ thể họ sản xuất ra insulin nhưng lại không sử dụng hiệu quả.[4] Ngoài ra họ cũng có tiền sử gia đình mắc chứng kháng insulin hoặc tiểu đường loại 2.[5] Mặc dù hội chứng PCOS không thể chữa khỏi nhưng bạn có thể điều trị triệu chứng của nó.

Các bước[sửa]

Khám bệnh với Bác sĩ[sửa]

  1. Tìm hiểu cách bác sĩ chẩn đoán PCOS. Tiêu chuẩn chẩn đoán bệnh PCOS phổ biết nhất có tên “tiêu chuẩn Rotterdam”. Bệnh nhân được xác nhận mắc PCOS khi xảy ra hai trong số các tiêu chí sau đây:[6]
    • Cường androgen. Androgen là hóc môn có ở cả nam lẫn nữ, nhưng chúng có mặt nhiều hơn ở nam giới.[7] Androgen có quá nhiều ở nữ giới có thể gây ra những triệu chứng như:[6]
      • rậm lông (lông mọc quá nhiều)
      • nổi mụn
      • rụng tóc do hóc môn androgen (kiểu hói đầu ở nam giới hay tóc thưa)[5]
      • tăng cân, đặc biệt mập lên ở khu vực quanh bụng [6]
    • Rối loạn chức năng rụng trứng. Dấu hiệu phổ biến nhất của rối loạn chức năng rụng trứng là chu kỳ kinh nguyệt không đều.[6]
      • Chu kỳ kinh nguyệt ngắn (ít hơn 21 ngày) là dấu hiệu rối loạn chức năng rụng trứng.
      • Chu kỳ kinh nguyệt dài (nhiều hơn 35 ngày) cũng là dấu hiệu rối loạn chức năng rụng trứng.
    • Buồng trứng đa nang. Bác sĩ phải dùng phương pháp siêu âm để tìm các dấu hiệu sau ở hai buồng trứng:
      • Phình to hai bên (trên 10 cc)
      • Số lượng và kích thước các nang (thông thường từ 12 nang trở lên, kích thước từ 2-9 mm)
      • Nhiều nang có kích thước bằng nhau
      • Các nang xếp dọc theo vòng chu vi, vì vậy tạo ra hình ảnh giống như chuỗi hạt ngọc
  2. Hẹn gặp bác sĩ. Không có một xét nghiệm đơn lẻ nào có thể chẩn đoán được hội chứng PCOS. Bác sĩ đa khoa hoặc bác sĩ sản khoa sẽ phải tiến hành nhiều kiểm tra và xét nghiệm. Họ có thể thăm khám và thực hiện các xét nghiệm cơ bản, sau đó nếu cần họ sẽ gợi ý cho bạn đến gặp bác sĩ chuyên khoa để xét nghiệm bổ sung.[8]
    • Nếu bạn mắc PCOS và đang gặp khó khăn trong vấn đề thụ thai thì có thể phải gặp bác sĩ nội tiết tố chuyên về điều trị vô sinh. Họ là những chuyên gia về điều trị PCOS với mục đích tăng khả năng thụ thai.
    • Nếu mắc PCOS nhưng bạn không muốn thụ thai hoặc không gặp khó khăn trong việc này thì chỉ cần gặp bác sĩ chuyên về nội tiết.
  3. Thảo luận với bác sĩ về các triệu chứng. Vì hội chứng PCOS gây ra rất nhiều triệu chứng nên bạn cần cho bác sĩ biết tất cả các triệu chứng mà bạn đang gặp phải. Hãy cho họ biết bất kì triệu chứng nào cho dù bạn nghĩ rằng các triệu chứng đó không liên quan.[8]
    • Ngoài ra bạn cũng phải liệt kê tiền sử bệnh của mình. Chú ý tiền sử bệnh của gia đình: bạn có người nhà hay họ hàng mắc bệnh tiểu đường, kháng insulin hay có các triệu chứng cường androgen không?[5]
  4. Tìm hiểu về quy trình khám bệnh. Bác sĩ sẽ thực hiện nhiều kiểm tra và xét nghiệm để chẩn đoán PCOS. Bác sĩ đa khoa, bác sĩ sản khoa hoặc bác sĩ nội tiết tố có thể tiến hành quy trình khám bệnh như sau.[3]
    • Tiền sử bệnh. Họ hỏi về kinh nguyệt của bạn, cân nặng và các triệu chứng. Họ cũng muốn biết bạn có người thân nào mắc bệnh tiểu đường, kháng insulin hay hội chứng PCOS.
    • Khám thực thể. Bác sĩ sẽ đo huyết áp cho bạn, chỉ số BMI và kiểm tra độ phát triển của lông. Trong quá trình khám họ cũng kiểm tra các triệu chứng khác của PCOS như nổi mụn, tóc thưa.
    • Khám vùng chậu. Họ muốn kiểm tra những chỗ sưng hay phát triển bất thường. Thông thường việc này được tiến hành bằng tay (bác sĩ dùng tay khám vùng chậu) và bằng siêu âm.[9]
    • Xét nghiệm máu. Họ phải kiểm tra hàm lượng androgen và glucô (đường) có trong máu, ngoài ra họ cũng yêu cầu lấy mẫu nước tiểu để phân tích.
  5. Các câu hỏi bạn cần đặt ra. Sau khi có kết luận mắc hội chứng PCOS, có một số câu hỏi bạn nên hỏi bác sĩ.[8] Bạn xem xét những câu hỏi sau:
    • Có loại thuốc nào có thể cải thiện triệu chứng của bệnh PCOS?
    • Có thuốc hay phương pháp điều trị nào nâng cao được khả năng thụ thai của bạn?
    • Tôi cần phải làm gì để đối phó với PCOS cùng lúc với các vấn đề khác về sức khỏe?
    • Tác dụng phụ xảy ra khi điều trị bệnh này là gì?
    • PCOS có thể gây ra các biến chứng gì về lâu dài?

Hiểu về Thuốc và Phương pháp Điều trị[sửa]

  1. Cân nhắc ngừa thai bằng hóc môn. Nếu bạn không muốn thụ thai thì nên thảo luận với bác sĩ về phương pháp ngừa thai bằng hóc môn. Thuốc ngừa thai “tổng hợp” chứa estrogen và progestin có thể điều hòa chu kỳ kinh nguyệt, giảm hàm lượng hóc môn nam và làm sạch mụn.[10] Thuốc cũng giảm nguy cơ phát triển bệnh ung thư nội mạc tử cung. Miếng dán ngoài da và vòng gắn âm đạo chứa các hóc môn này cũng là một lựa chọn cho bạn. Bác sĩ sẽ giúp bạn xác định phương pháp nào phù hợp nhất.
    • Những thuốc chỉ chứa progesterone mang lại một số lợi ích giống như thuốc ngừa thai tổng hợp. Chúng giúp kiểm soát kinh nguyệt và giảm nguy cơ mắc ung thư nội mạc tử cung. Tuy nhiên các thuốc này không thể cải thiện triệu chứng liên quan tới cường androgen, như mọc mụn và rậm lông.[3]
  2. Hỏi bác sĩ về thuốc Metformin. Metformin (tên thương mại là Glucophage, Fortamet v.v...) là thuốc uống trị tiểu đường loại 2.[10] Bác sĩ thường kê thuốc metformin để trị chứng kháng insulin và giảm lượng insulin trong cơ thể. Một số nghiên cứu cho thấy thuốc metformin cũng giúp giảm cholesterol và quản lý cân nặng.[3]
    • Người có tiền sử bệnh gan hoặc tim vẫn có thể dùng thuốc metformin một cách an toàn. Bạn phải cho bác sĩ biết bất kì vấn đề gì trước đây có liên quan đến gan và tim.[11]
  3. Nhờ bác sĩ tư vấn về thuốc giúp thụ thai. Bác sĩ có thể kê thuốc để kích thích rụng trứng, tuy nhiên bạn phải cho họ biết về tình trạng sức khỏe hay các triệu chứng trước đó để họ tìm ra loại thuốc phù hợp nhất cho bạn.[3]
    • Các thuốc clomiphene (Clomid, Serophene) hay letrozole (Femara) là thuốc uống mà bạn có thể dùng vào giai đoạn đầu của chu kỳ kinh nguyệt để kích thích rụng trứng.[10] Bạn sẽ rụng trứng trong vòng 5-10 ngày sau khi uống clomiphene hay letrozole.[12]
    • Bạn cần cho bác sĩ biết nếu mình mắc bệnh lạc nội mạc tử cung, u xơ tử cung, bệnh về gan hoặc có vấn đề ở tuyến giáp.
    • Tác dụng phụ của thuốc clomiphene và letrozole bao gồm nóng bừng, nhức đầu và đau/đau khi sờ ngực.[13]
    • Bạn nên lưu ý là cứ 100 trường hợp thụ thai nhờ điều trị bằng clomiphene hay letrozole thì có 7-10 trường hợp mang đa thai. Trong đó mang thai đôi là phổ biến nhất.[14]
    • Nếu một mình thuốc clomiphene không mang lại hiệu quả thì bác sĩ có thể kê kết hợp thuốc metformin và clomiphene.[3]
  4. Nhờ bác sĩ tư vấn về thuốc gonadotropin. Gonadotropin cũng là một lựa chọn nếu thuốc clomiphene không mang lại hiệu quả.[3] Gonadotropin là hóc môn kích thích buồng trứng sản xuất ra nhiều nang trứng (nang chứa trứng).[15] Thuốc bắt đầu được tiêm vào ngày thứ hai hay thứ ba của đợt hành kinh và tiếp tục tiêm trong 7-12 ngày sau đó.[16] Cách điều trị này tốn nhiều tiền, vì vậy bạn nên tham khảo với bác sĩ nội tiết chuyên về điều trị vô sinh để chắc chắn đó là lựa chọn cần thiết.
    • Tỷ lệ thành công khi tiêm gonadotropin là khá cao. Trong số các phụ nữ rụng trứng sau khi tiêm gonadotropin và không có các yếu tố nào khác ảnh hưởng tới khả năng thụ thai, có tới 50% sẽ thụ thai trong vòng 4-6 chu kỳ rụng trứng.[16]
    • Có khoảng 30% số ca thụ thai nhờ tiêm gonadotropin là mang đa thai, phổ biến nhất là thai đôi và 5% trong số đó mang thai ba hoặc nhiều hơn.[15]
    • Thảo luận với bác sĩ về tác dụng phụ. Đa số các tác dụng phụ khi tiêm gonadotropin là khá nhẹ, một số trường hợp xảy ra nặng hơn. Hội chứng quá kích buồng trứng (OHSS) dạng nhẹ có thể xảy ra ở 10-30% bệnh nhân tiêm gonadotropin, dạng nặng chỉ xảy ra ở khoảng 1% các ca. Nếu là trường hợp nặng, hội chứng OHSS gây buồn nôn, nôn, tăng cân, tăng đông máu và các triệu chứng nghiêm trọng khác.[15]
  5. Cân nhắc thụ tinh trong ống nghiệm (IVF). Với phương pháp này, bác sĩ sẽ đưa trứng đã thụ tinh vào trong tử cung,[17] đây là một kỹ thuật khá hiệu quả. Tuy nhiên, thụ tinh trong ống nghiệm tốn nhiều tiền và chỉ là lựa chọn khi các cách điều trị ít tốn kém hơn không có hiệu quả.[18] Bạn nên nhờ bác sĩ tư vấn để chắc chắn mình phù hợp với phương pháp IVF.
    • Người mắc PCOS phản ứng mạnh mẽ với thuốc điều trị vô sinh, vì vậy họ thường có nguy cơ cao mang đa thai. IVF là kỹ thuật có khả năng kiểm soát tốt nhất đối với xác suất mang đa thai.
    • Kỹ thuật IVF có thể gây ra hội chứng quá kích buồng trứng, là tác dụng phụ nghiêm trọng và trong một số rất ít trường hợp dẫn tới tử vong.
  6. Nhờ bác sĩ tư vấn về phẫu thuật nội soi. Nội soi đốt điểm bề mặt buồng trứng là phương pháp phẫu thuật kích thích rụng trứng ở phụ nữ mắc hội chứng PCOS. Cách này ít dùng và chỉ được xem là giải pháp cuối cùng khi các phương pháp điều trị vô sinh khác đã thất bại.[19]
    • Bác sĩ tiến hành đốt điểm bề mặt buồng trứng khi bệnh nhân đã được gây mê tổng thể. Họ phá hủy một phần của buồng trứng bằng tia laser hoặc một thiết bị khác, việc này làm giảm lượng hóc môn testosterone do các buồng trứng sinh ra, từ đó tăng xác suất rụng trứng.[20]
    • Một số nghiên cứu khẳng định khoảng 50% số phụ nữ có thể thụ thai trong vòng một năm sau khi thực hiện thủ thuật này, tối thiểu đối với các ca có xác suất thành công cao.[20]
    • Nội soi đốt điểm bề mặt buồng trứng có những rủi ro khá nghiêm trọng như nhiễm trùng, chảy máu trong, chấn thương nội tạng và tạo sẹo. Luôn luôn tham khảo ý kiến bác sĩ về các rủi ro và tác dụng phụ trước khi cân nhắc thực hiện thủ thuật này.[19]
  7. Giữ liên lạc thường xuyên với bác sĩ. Bạn cần liên lạc chặt chẽ với bác sĩ trong thời gian uống thuốc hoặc điều trị. Điều này càng quan trọng hơn khi bạn đang trong quá trình điều trị vô sinh.[10] Liên lạc với bác sĩ ngay nếu xuất hiện tác dụng phụ sau khi dùng thuốc.
    • Nếu bạn đang cùng lúc điều trị PCOS với nhiều bác sĩ, như bác sĩ đa khoa, bác sĩ sản khoa và bác sĩ nội tiết tố, nhớ thông báo đầy đủ thông tin về sức khoẻ cho họ biết. Trong quá trình điều trị, bạn cần cho nhân viên y tế biết nếu xuất hiện bất kì triệu chứng hay tác dụng phụ nào.

Xây dựng Thói quen Sinh hoạt Lành mạnh[sửa]

  1. Hiểu về vai trò của insulin. Insulin là hóc môn do tuyến tụy sinh ra, nó đóng vai trò quan trọng trong việc điều hòa quá trình chuyển hóa. Hệ tiêu hóa có nhiệm vụ bẻ gãy cacbohydrat như đường và tinh bột để tạo thành glucô (đường). Insulin giúp cơ thể hấp thu và sử dụng glucô dưới dạng năng lượng.[21]
    • Phụ nữ mắc hội chứng PCOS thường cũng gặp tình trạng kháng insulin,[5] là hội chứng làm tăng mức glucô trong máu thay vì hấp thu glucô vào cơ thể. Cuối cùng hội chứng PCOS dẫn tới tiền tiểu đường hay tiểu đường loại 2.[22]
  2. Áp dụng chế độ ăn có chỉ số đường huyết thấp. Tình trạng béo phì ở phụ nữ mắc PCOS lên tới 80%.[23] Vì phụ nữ mắc hội chứng PCOS gặp khó khăn khi hấp thu insulin nên họ cần có chế độ ăn không làm ảnh hưởng lớn đến mức đường huyết.
    • Hạn chế ăn thực phẩm đã qua chế biến và thực phẩm bổ sung nhiều đường. Chúng không cung cấp nhiều chất dinh dưỡng, trong khi tác động nhiều tới mức đường huyết.[3]
    • Giám sát lượng ca-lo. Bạn nên nhờ bác sĩ chuyên khoa dinh dưỡng hay chuyên gia dinh dưỡng xác định mức ca-lo tối ưu cần tiêu thụ. Nếu chứng béo phì của bạn có liên quan tới PCOS thì việc giảm lượng ca-lo tiêu thụ có thể giúp giảm cân.[6]
    • Ăn cacbohydrat phức tạp. Bạn không nên giảm tiêu thụ cacbohydrat quá mức, thay vào đó hãy chọn cacbohydrat phức tạp như ngũ cốc nguyên hạt, lúa mạch, gạo lứt và đậu. Cacbohydrat phức tạp có nhiều trong chất xơ và được tiêu hóa chậm, vì vậy chúng không thể làm mức insulin tăng cao.[24]
    • Ăn nhiều hoa quả và rau tươi. Hoa quả và rau tươi chứa nhiều chất xơ và chất dinh dưỡng thiết yếu như vitamin và khoáng chất.[3]
  3. Tập thể dục. Tập thể dục là phương pháp giảm cân hiệu quả, giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường và các biến chứng ở hệ tim mạch.[6] Tập thể dục cũng giúp điều hòa mức đường huyết.[24][25]
    • Bạn nên hoạt động thể chất ở cường độ vừa phải 30 phút mỗi ngày, chẳng hạn như bài tập làm tăng nhịp tim.
    • Nghiên cứu cho thấy hoạt động thể chất giúp cơ bắp nhạy cảm với insulin hơn, nhờ đó làm giảm lượng glucô trong máu. Tập thể dục cũng giúp cơ bắp hấp thu glucô mà không cần insulin.[4]
    • Chỉ cần giảm một lượng cân nặng nhỏ từ 5%-7% cũng đủ để giảm androgen và phục hồi khả năng thụ thai.[26]
  4. Cai thuốc lá. Nhiều nghiên cứu chứng minh phụ nữ hút thuốc có mức androgen cao hơn người không hút thuốc.[26] Thuốc lá cũng khiến chứng kháng insulin thêm trầm trọng.[27]
  5. Trị lông. Phũ nữ mắc hội chứng PCOS mọc nhiều lông ở những chỗ không mong muốn. Một số thuốc kê toa có thể giảm triệu chứng này. Với nhiều phụ nữ thì việc tẩy lông, cạo hay nhổ cũng đủ để loại bỏ số lông đó. Tuy nhiên bạn cũng có thể loại trừ lông bằng các phương pháp sau:[26]
    • Triệt lông bằng tia laser. Là phương pháp rất phổ biến có thể loại trừ lông vĩnh viễn sau 3-7 đợt điều trị.[28] Thủ thuật này phải do chuyên gia thực hiện, tốn nhiều tiền và không được bảo hiểm chi trả.[29]
    • Điện phân. Điện phân có thể loại bỏ lông vĩnh viễn, nhờ vào nguồn nhiệt hay hóa chất. Cách điều trị này cũng phải do chuyên gia tiến hành, nó có xác suất thành công cao hơn so với dùng tia laser.[30]

Hiểu về PCOS và Chứng vô sinh[sửa]

  1. Nhận ra các triệu chứng phổ biến của PCOS. Hội chứng PCOS gây ra nhiều triệu chứng khác nhau, và chúng biểu hiện không giống nhau ở mỗi người. Không phải tất cả phụ nữ mắc PCOS đều có tất cả các triệu chứng của bệnh này. Hội chứng buồng trứng đa nang thường có triệu chứng giống với các căn bệnh khác, chẳng hạn như bệnh tuyến giáp và hội chứng Cushing. Vì vậy bạn cần đi khám bệnh để chẩn đoán chính xác tình trạng của mình.[6] Các triệu chứng phổ biến của PCOS là:[31]
    • chu kỳ kinh nguyệt không đều
    • nổi mụn
    • mọc lông không đều ở những vị trí thường có lông ở “đàn ông” như ngực, lưng và mặt
    • tóc thưa hay hói đầu kiểu đàn ông
    • béo phì hay tăng cân, đặc biệt mập ở quanh eo
    • vô sinh
    • đau ở vùng chậu
    • Bác sĩ có thể xác định các triệu chứng mà bạn không nhận ra, chẳng hạn như mức androgen trong máu hay mức cholesterol cao.
  2. Nhận ra triệu chứng tâm lý của hội chứng PCOS. Nhiều nghiên cứu cho thấy phụ nữ mắc PCOS thường có dấu hiệu trầm cảm nổi trội so với người bình thường.[6][32] PCOS cũng có liên quan tới sự lo âu hoặc bất ngờ hốt hoảng ở phụ nữ.[3] Có nhiều nguyên nhân gây trầm cảm và lo âu nhưng đa số đều phức tạp. Nếu chỉ có trầm cảm hoặc lo âu thì không đủ để xác định mắc PCOS. Tuy nhiên bạn nên gặp bác sĩ ngay nếu thấy xuất hiện các triệu chứng này.
    • Triệu chứng trầm cảm khác nhau ở mỗi phụ nữ. Họ không nhất thiết phải có tất cả các triệu chứng dưới đây khi bị rối loạn trầm cảm, tuy nhiên đây là các dấu hiệu chung của trầm cảm bệnh lý:[33]
      • Liên tục cảm thấy buồn, trống trải hay bất lực
      • Cảm thấy vô vọng
      • Bứt rứt
      • Mệt mỏi và thấy thiếu năng lượng
      • Thay đổi khẩu vị
      • Thay đổi thói quen ngủ
      • Khó tập trung và hay quên
      • Mất hứng thú với các hoạt động mà trước đây thích làm
      • Suy nghĩ hay hành động tự tử
    • Triệu chứng lo âu cũng không giống nhau ở mỗi người. Bạn có thể không thấy bất kì triệu chứng nào dưới đây, tuy nhiên dấu hiệu chung của rối loạn lo âu (khác với việc đôi khi cảm thấy lo lắng) bao gồm:[34]
      • Hoảng loạn, không thoải mái hoặc sợ hãi
      • Thay đổi thói quen ngủ
      • Khó tập trung
      • Các triệu chứng thực thể như trống ngực, miệng khô, căng cơ, buồn nôn và chóng mặt
      • Bồn chồn hoặc cảm thấy không yên
      • Thở hổn hển hoặc khó lấy hơi thở
    • Phụ nữ mắc PCOS cũng có nhiều nguy cơ bị rối loạn ăn uống.[6][32]
  3. Xác định xem bạn có bị vô sinh. Nếu hơn một năm nay bạn vẫn quan hệ tình dục mà không dùng bất kì biện pháp tránh thai nào nhưng cũng không thể thụ thai, khi đó bạn nên đi khám bệnh.[35]
    • Có nhiều tình trạng sức khỏe và yêu tố gây ra vô sinh, vì vậy vô sinh không có nghĩa bạn mắc PCOS. Tuy nhiên, PCOS thường là thủ phạm dẫn tới vô sinh.
    • Khoảng 30% các trường hợp vô sinh là do nam giới, nữ giới cũng chiếm một tỷ lệ tương tương là 30%. Các ca còn lại không rõ nguyên nhân, hoặc do tình trạng vô sinh của cả hai phía.[35]

Lời khuyên[sửa]

  • Tránh tự chẩn đoán bệnh cho mình. Hội chứng PCOS có chung nhiều triệu chứng với các bệnh khác, do đó bạn nên để bác sĩ chẩn đoán bệnh.
  • Thảo luận mọi thắc mắc với bác sĩ. Họ có thể trả lời bất kì câu hỏi nào, kê thuốc và làm việc trực tiếp với bạn.

Cảnh báo[sửa]

  • Cacbohydrat tinh chế như đường và bột mì tẩy trắng có thể làm tăng cao mức đường huyết và nâng mức insulin. Cố gắng hạn chế tiêu thụ cacbohydrat tinh chế tối đa có thể.
  • Không bao giờ uống thuốc hay áp dụng phương pháp điều trị nào mà chưa hỏi ý kiến bác sĩ, vì chúng có thể dẫn tới tác dụng phụ nghiêm trọng hoặc thậm chí là tử vong.

Nguồn và Trích dẫn[sửa]

  1. http://www.healthywomen.org/glossary/term/6018
  2. 2,0 2,1 http://www.ncbi.nlm.nih.gov/pubmed/23210095
  3. 3,0 3,1 3,2 3,3 3,4 3,5 3,6 3,7 3,8 3,9 http://www.womenshealth.gov/publications/our-publications/fact-sheet/polycystic-ovary-syndrome.html#d
  4. 4,0 4,1 http://diabetes.niddk.nih.gov/dm/pubs/insulinresistance/
  5. 5,0 5,1 5,2 5,3 http://www.ae-society.org/poly_syndrome
  6. 6,0 6,1 6,2 6,3 6,4 6,5 6,6 6,7 6,8 http://www.endocrine.org/~/media/endosociety/Files/Publications/Clinical%20Practice%20Guidelines/120513_PCOS_FinalA_2013.pdf
  7. http://www.healthywomen.org/condition/androgen
  8. 8,0 8,1 8,2 http://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/pcos/basics/preparing-for-your-appointment/con-20028841
  9. http://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/pcos/basics/tests-diagnosis/con-20028841
  10. 10,0 10,1 10,2 10,3 http://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/pcos/basics/treatment/con-20028841
  11. http://www.drugs.com/metformin.html
  12. http://www.drugs.com/clomid.html
  13. http://www.drugs.com/sfx/clomid-side-effects.html
  14. http://www.webmd.com/infertility-and-reproduction/clomiphene-citrate-for-infertility
  15. 15,0 15,1 15,2 https://www.asrm.org/FACTSHEET_Side_effects_of_injectable_fertility_drugs_gonadotropins/
  16. 16,0 16,1 http://www.webmd.com/infertility-and-reproduction/guide/fertility-drugs?page=2
  17. http://reproductivefacts.org/topics/detail.aspx?id=1278
  18. http://www.nlm.nih.gov/medlineplus/ency/article/007279.htm
  19. 19,0 19,1 http://www.webmd.com/women/laparoscopic-ovarian-drilling-ovarian-diathermy-for-pcos
  20. 20,0 20,1 https://www.asrm.org/FACTSHEET_Ovarian_Drilling_for_Infertility/
  21. http://diabetes.niddk.nih.gov/dm/pubs/insulinresistance/#what
  22. http://diabetes.niddk.nih.gov/dm/pubs/insulinresistance/#resistance
  23. http://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC2861983/
  24. 24,0 24,1 http://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/pcos/basics/lifestyle-home-remedies/con-20028841
  25. http://youngwomenshealth.org/wp-content/uploads/2014/10/PCOS-Resources-for-a-Healthier-You.pdf
  26. 26,0 26,1 26,2 http://www.webmd.com/women/tc/polycystic-ovary-syndrome-pcos-home-treatment
  27. http://www.sciencedirect.com/science/article/pii/S0015028209006323
  28. http://www.webmd.com/beauty/hair-removal/laser-hair-removal
  29. http://www.webmd.com/beauty/hair-removal/laser-hair-removal?page=2
  30. http://www.webmd.com/beauty/hair-removal/cosmetic-procedures-electrolysis
  31. http://www.pcosupport.org/symptoms.php
  32. 32,0 32,1 http://www.racgp.org.au/afp/2012/october/polycystic-ovary-syndrome/
  33. http://www.nimh.nih.gov/health/publications/women-and-depression-discovering-hope/index.shtml
  34. http://www.webmd.com/anxiety-panic/guide/mental-health-anxiety-disorders
  35. 35,0 35,1 https://umm.edu/health/medical/reports/articles/infertility-in-women