Thuyết phục rằng bạn hạnh phúc khi ở một mình

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Nhiều người gặp khó khăn trong việc cảm thấy hạnh phúc khi ở một mình. Nếu bạn còn độc thân hoặc thấy khó khăn để thấy hạnh phúc khi ở một mình, bạn có thể trải nghiệm những cảm xúc tiêu cực như buồn bã, cô đơn, giận dữ, sợ hãi hay chán nản. Sự cô đơn có thể gây ra nhiều hậu quả tiêu cực về sức khỏe tinh thần, sức khỏe thể chất và chức năng nhận thức (khả năng suy nghĩ). Để tin rằng bạn đang hạnh phúc và cảm thấy hạnh phúc khi là người độc thân, có thể bạn cần hiểu rõ bản thân, sử dụng các kỹ thuật để gia tăng hạnh phúc khi một mình và cải thiện khả năng kết nối xã hội.

Các bước[sửa]

Hiểu rõ bản thân[sửa]

  1. Tin tưởng cảm xúc và bản năng của bạn. Nếu bạn đang cảm thấy không hài lòng với cảm giác chỉ có một mình, có một lý do giải thích cho cảm giác này. Mọi người có thể cảm thấy tiêu cực khi có điều gì đó không đúng với môi trường xung quanh họ.[1] Do đó, có lẽ bạn buồn vì bạn đang một mình và nỗ lực để giảm cảm giác đơn độc, hoặc bạn nghĩ tốt hơn mình nên ở một mình. Cố gắng thuyết phục bản thân về điều không đúng sự thật (như bạn đang hạnh phúc khi ở một mình) sẽ không mang lại hiệu quả và thậm chí có thể khiến cảm giác trở nên tồi tệ hơn. Thay vì cố gắng thuyết phục hay lừa dối bản thân rằng bạn đang hạnh phúc, hãy làm những việc thực sự khiến bạn cảm thấy hạnh phúc.
    • Xem cảm xúc của bạn như thông tin hữu ích.[1] Lần sau, khi bạn cảm thấy không hài lòng với việc ở một mình, hãy tin vào cảm giác này. Nói với chính mình "Mình tin tưởng cảm xúc của mình. Mình không vui khi ở một mình. Mình có thể cố gắng thay đổi điều này".
  2. Hiểu các giá trị của bạn. Giá trị mà bạn xem trọng điều khiển hành vi của bạn. [2] Nếu bạn hiểu được giá trị của mình, bạn có thể hiểu rõ bản thân hơn. Nó có thể làm tăng khả năng bạn cảm thấy thoải mái khi ở một mình.
    • Chú ý đến văn hóa và truyền thống của bạn. Nếu bạn gắn kết với truyền thống văn hóa hay tâm linh, hãy nghĩ về cách bạn có thể thực hiện các hoạt động này khi ở một mình.
    • Liệt kê danh sách những điều bạn quý trọng trong cuộc sống (tư tưởng, của cải vật chất). Danh sách này có thể bao gồm những điều về gia đình, bạn bè, nhà cửa, niềm tin, sự trung thực, tình yêu, sự tôn trọng, văn hóa và tôn giáo. Suy ngẫm về việc bạn tôn vinh những giá trị này như thế nào ngay cả khi bạn đang một mình. Có mục tiêu nào để bạn hướng tới liên quan đến gia đình, tổ ấm hay tôn giáo không?
  3. Khám phá và thể hiện cá tính của bạn. Để cảm thấy hài lòng với việc ở một mình, đầu tiên bạn cần chấp nhận và yêu con người thật của mình. Nếu bạn không thấy thoải mái với chính mình, bạn sẽ không muốn dành thời gian ở một mình và cảm thấy bạn cần những người khác để đánh lạc hướng hoặc công nhận bạn. Bạn là một cá nhân thú vị và độc đáo. Hãy dành thời gian để tìm hiểu bản thân và nâng cao sự tự tin.
    • Biết mình là ai nghĩa là biết bạn sở hữu những cá tính gì. Thử viết ra những đặc điểm tích cực mà bạn có như hòa đồng, tử tế, từ bi, nhiệt tình, đam mê, biết yêu thương và đồng cảm.
    • Làm điều gì đó để thể hiện bản thân. bạn có thể thay đổi màu tóc hoặc làm gì đó khác giúp bạn cảm thấy khác biệt và nổi bật giữa đám đông.
    • Tập trung vào những điểm mạnh. Tập trung vào mặt tích cực thay vì tiêu cực. Ví dụ, mặc dù bạn hát không hay, bạn có thể rất giỏi trong diễn xuất. Tạo một danh sách những điều bạn làm tốt như giao tiếp xã hội, hội họa, khiêu vũ hoặc chơi nhạc cụ. Thử nghĩ về cách bạn có thể tham gia vào các hoạt động này khi ở một mình.
  4. Vạch ra mục tiêu khả thi. Sống có mục tiêu gắn liền với hạnh phúc và sự khỏe mạnh.[3] Nếu không có một cái đích để hướng đến, bạn có thể cảm thấy rất dễ bị tổn thương khi phải ở một mình và nghĩ rằng cuộc sống thiếu ý nghĩa hay vô vị.
    • Để tìm ra mục tiêu hiện tại của bạn là gì, nghĩ xem bạn muốn được người khác nhớ về mình trong cuộc sống ra sao. Bạn có muốn mọi người nhớ tới bạn như một người biết giúp đỡ người khác, ủng hộ người nghèo, viết sách tuyệt vời, một người tốt hay chủ sở hữu một doanh nghiệp?
    • Một cách khác để xác định mục tiêu là suy ngẫm và xem xét các giá trị mà bạn xem trọng. Mục tiêu của bạn sẽ giúp bạn tiến gần hơn tới những giá trị. Ví dụ, nếu bạn xem trọng gia đình, có lẽ một phần trong mục tiêu của bạn là có một gia đình riêng và vun đắp tổ ấm.
    • Nhớ rằng bạn không bị giới hạn ở một mục tiêu duy nhất trong cuộc sống. Bạn có thể có nhiều mục tiêu và chúng khác nhau như bạn muốn. Viết ra tất cả các mục tiêu bạn có như một nghề nghiệp ổn định, những nơi bạn muốn khám phá hoặc du lịch, và hình thái cuộc sống gia đình mà bạn muốn (con cái, v.v).
    • Tập trung vào các thành tựu và nỗ lực của bản thân. Ví dụ, nếu đang thực sự lo ngại về việc thiếu khả năng (có lẽ về ca hát), bạn có thể tham gia khóa học để hát tốt hơn.
  5. Hiểu sự khác biệt giữa hai khái niệm: một mình và cô đơn. Một mình không có nghĩa bạn sẽ cô đơn. Trên thực tế, bạn thậm chí không cần phải ở một mình để trải nghiệm sự cô đơn.[4] Sự cô đơn có thể được mô tả như là một cảm giác xa lánh xã hội hoặc không hài lòng với các mối quan hệ, và thường là kết quả một người tự nói với bản thân rằng: "Không ai thích mình cả".[4]
    • Sự cô đơn thường được kích hoạt bởi sự bùng nổ cảm xúc, từ việc chia tay hay cái chết của một người thân đến việc một người bạn không nghe máy khi bạn gọi.[4]
    • Nếu đang cảm thấy cô đơn, thừa nhận rằng bạn đang cảm thấy không ổn và tự hỏi bản thân: "Mình có thể làm gì để ngăn chặn cảm giác cô đơn?"
    • Thay vì các hoạt động cản trở việc liên kết xã hội hoặc năng suất làm việc, như ngồi trước tivi, hãy thử đi dạo, tạo ra sản phẩm nghệ thuật, viết thư, đọc sách hoặc chơi với thú cưng.[5]

Gia tăng niềm hạnh phúc khi ở một mình[sửa]

  1. Tự xoa dịu. Sử dụng kỹ năng ứng phó và khả năng xoa dịu bản thân khi bạn cảm thấy không hài lòng với cảm giác một mình là việc rất quan trọng. Có rất nhiều cách để bạn có thể tự xoa dịu bản thân mà mỗi cá nhân sẽ có lựa chọn riêng khác nhau. Càng khám phá nhiều ý tưởng, bạn sẽ càng biết cách để thay đổi tâm trạng tiêu cực và cảm thấy hạnh phúc khi chỉ có một mình.
    • Thử viết nhật ký. Viết ra bất cứ điều gì bạn muốn. Viết về suy nghĩ, cảm xúc, mục tiêu và kế hoạch. Viết ra ước mơ và nguyện vọng của bạn.
    • Nghĩ về những ký ức tích cực. Xác định khoảng thời gian trong quá khứ khi bạn thích dành thời gian với những người khác. Hình dung thời gian này và tận hưởng nó. Điều này có thể làm tăng cảm giác hạnh phúc tạm thời.
    • Một số người thấy rằng họ hạnh phúc hơn và bớt cô đơn khi tham gia vào các hoạt động tâm linh như cầu nguyện hay truyền thống tôn giáo (đi chùa, nhà thờ).[6]
  2. Thay đổi cách bạn suy nghĩ về khái niệm một mình. Thưởng thức việc dành thời gian cho chính mình. Nói với bản thân rằng bạn đã lựa chọn dành thời gian cho riêng mình. Nếu cảm thấy như bạn đang đưa ra sự lựa chọn ở một mình, bạn sẽ tự động cảm thấy tích cực hơn.
    • Nhận thức rõ bạn lựa chọn được ở một mình và bạn có quyền kiểm soát. Tránh tâm lý cho mình là nạn nhân.
    • Nói với chính mình: "Ở một mình không sao cả. Mọi người đều thỉnh thoảng phải ở một mình. Mình có thể đối phó với việc này".
    • Nếu thấy mình có những suy nghĩ tiêu cực, như "Mình cô đơn vì không ai cần mình", có thể bạn đang rơi vào một lối mòn suy nghĩ tiêu cực. Thử sắp xếp lại tình hình bằng một kịch bản tinh thần tích cực.
    • Khi những suy nghĩ tiêu cực tìm đến, hãy thừa nhận chúng, nhưng sau đó nhắc nhở bản thân về mặt tích cực của tình huống. Nói những điều như "Chờ chút. Mình có thể đang lẻ loi một mình bây giờ, và điều này không phải là một việc xấu. Mình có rất nhiều thời gian để làm bất cứ điều gì bản thân muốn, thời gian lẽ ra mình sẽ không có nếu đang trong một mối quan hệ với ai khác. Mọi thứ thay đổi và mình sẽ không phải lúc nào cũng ở một mình và có nhiều sự tự do như thế này, vì vậy mình cần phải tận dụng tối đa thời gian này".
  3. Có "khoảng thời gian một mình" chất lượng. Bất cứ khi nào bạn nghĩ rằng bạn lẻ bóng và cảm thấy buồn, hãy nhắc nhở bản thân rằng bạn không bao giờ một mình. Bạn luôn có bản thân bên cạnh. Vì vậy, tập trung vào việc kết nối và làm bạn với chính mình. Mối quan hệ bạn có với bản thân là điều quan trọng nhất mà bạn có. Cách bạn đối xử với chính mình và suy nghĩ về bản thân quy định cách bạn sẽ đối xử với những người khác.
    • Làm mọi việc vì chính mình. Nếu bạn yêu thích âm nhạc disco trữ tình, mở một danh sách các bài hát yêu thích và vặn âm thanh lớn như bạn muốn. Nếu thích biển, hãy đến bãi biển và đi dạo trong tiếng sóng như bạn thích.
    • Tham gia vào hoạt động thư giãn và xóa bỏ căng thẳng. Ví dụ, có một đêm ở spa - tắm thư giãn, được mát xa, tự chải chuốt (sơn móng tay, v.v.).
  4. Giữ cho bản thân bận rộn. Nếu thấy nhàn rỗi khi chỉ có một mình, bạn sẽ cảm thấy không vui, buồn bã, cô đơn, hay chán nản. Để tăng khả năng cảm thấy hạnh phúc khi một mình, chắc chắn rằng bạn có lịch trình với đầy các hoạt động tích cực.
    • Thử các hoạt động mới. Một cách để giữ cho bạn được bận rộn là thử khám phá các hoạt động mới nằm ngoài vùng thoải mái của bạn. Hội họa, khiêu vũ, viết, đọc, chơi nhạc cụ, đi bộ đường dài, cắm trại, chăm sóc thú cưng, du lịch và nấu ăn là tất cả những điều bạn có thể thử.
    • Làm những gì khiến bạn sợ hãi để tăng tính tự chủ. Ví dụ, nếu bạn sợ nói chuyện với người mới gặp, hãy cố gắng nói xin chào hay bắt đầu một cuộc trò chuyện với một người lạ ít nhất một lần mỗi ngày. Bạn có thể nhận thấy rằng điều này sẽ dần dần dễ dàng hơn và ít lo lắng hơn theo thời gian.
  5. Nuôi thú cưng. Những người cảm thấy cô đơn khi một mình có thể sẽ nhận được lợi ích của việc có một con vật nuôi đồng hành. Một số người thậm chí có thể nghĩ vật nuôi của họ như một con người.[6]
    • Nếu hoàn cảnh của bạn không cho phép có vật nuôi, bạn có thể đầu tư cho mình một vật nuôi robot, giống như một con rùa biết hát, hay chăm sóc một con vật nuôi giả thông qua một trò chơi trực tuyến hoặc ứng dụng điện thoại.
  6. Tránh các chiến lược đối phó có hại. Một số cá nhân thường áp dụng những biện pháp ứng phó tiêu cực đối với tình trạng lẻ loi của mình. Tuy nhiên, những chiến lược này thường mang lại hậu quả không mong muốn, và thậm chí có thể làm tăng trầm cảm và cô đơn.
    • Không hút thuốc lá hoặc cần sa. Một số người nói rằng hút thuốc là một hoạt động xã hội. Nhưng nó cũng có thể mang lại hậu quả tiêu cực.
    • Tránh các loại ma túy hoặc rượu khi tương tác với người khác hoặc để đối phó với tình trạng một mình.
    • Cố gắng tránh xem tivi quá nhiều, chơi trò chơi video hoặc sử dụng Internet.

Tăng cường vòng kết nối xã hội[sửa]

  1. Thay đổi cách bạn suy nghĩ về tương tác xã hội. Một số người có thể phát triển cách thích nghi không tốt trong suy nghĩ về mối tương tác xã hội, nó có thể làm tăng sự cô đơn và giảm khả năng hài lòng khi ở một mình.[7] Ví dụ, bạn có thể nhạy cảm và chú ý hơn đến các thông tin tiêu cực từ môi trường xung quanh, như một cái nhìn kỳ lạ từ ai đó.[7]
    • Xác định thói quen suy nghĩ tiêu cực. Ví dụ, bạn có xu hướng nghĩ rằng mọi người đang cười nhạo hoặc nhìn bạn bằng cái nhìn ác cảm.
    • Tìm bằng chứng phản bác. Nếu bạn nghĩ rằng ai đó nhìn bạn bằng cái nhìn khắc nghiệt và suy nghĩ tiêu cực về bạn, hãy suy nghĩ điều gì đó khác. Ví dụ, có lẽ đó là cách bình thường người đó nhìn người khác hoặc là do họ vừa có một ngày tồi tệ. Nó hoàn toàn không nhắm đến cá nhân bạn.
  2. Nuôi dưỡng các mối quan hệ. Con người cần các mối quan hệ xã hội để phát triển.[7] Kết nối với những người khác có thể giúp bạn cảm thấy bớt cô đơn và sợ hãi, trong khi nó giúp làm tăng cảm giác hạnh phúc.
    • Bạn nghĩ chất lượng của các mối quan hệ là một phần quan trọng để duy trì hạnh phúc như thế nào.[8] Nếu tin rằng bạn có đủ bạn bè và sự kết nối xã hội hiệu quả, bạn có thể cảm thấy tốt hơn. Nếu không tin điều này, bạn có thể làm việc theo hướng vun đắp tình bạn lành mạnh và mối quan hệ với những người khác.
    • Có một mạng lưới xã hội rộng lớn có thể làm tăng cảm giác cô đơn.[9] Thay vì có nhiều người quen, nên tập trung hơn vào các mối quan hệ cá nhân gần gũi mà bạn đã có.
  3. Dành thời gian cho bạn bè và những người thân yêu. Tình bạn cùng trang lứa có tầm quan trọng trong việc phát triển cảm giác hạnh phúc và khả năng chịu đựng khi ở một mình.[8]
    • Lập kế hoạch cho các hoạt động xã hội. Đừng chờ đợi người khác liên lạc với bạn.
    • Tập trung vào đối tượng và sự kết nối hoặc cuộc trò chuyện thay vì chú tâm vào các hoạt động hạn chế kết nối xã hội, như xem phim hoặc xem tivi.
    • Nhận sự hỗ trợ xã hội nếu bạn đang cảm thấy cô đơn hoặc tiêu cực khi ở một mình. [7] Đề nghị bạn bè dành thời gian cho bạn hoặc nói chuyện với họ về nó.
    • Hạn chế các mối quan hệ phá hoại. Có mối quan hệ tiêu cực hoặc có tính lạm dụng có thể làm tăng cảm giác cô đơn ngay cả khi bạn không ở một mình.
  4. Làm quen bạn mới. Kỹ năng xã hội rất quan trọng trong việc giảm sự cô đơn và gia tăng kết nối xã hội.[7]
    • Để làm quen bạn mới, bạn có thể tăng cơ hội tương tác xã hội.[7] Ví dụ, tham gia nhóm của một lớp thể dục hoặc câu lạc bộ sách.
  5. Kết nối khi bạn ở một mình. Duy trì mối liên kết tích cực với những người khác, ngay cả khi bạn đang một mình có thể giúp bạn cảm thấy bớt cô đơn hơn và gia tăng hạnh phúc khi một mình.
    • Sử dụng các trang web và phương tiện truyền thông xã hội để cảm thấy được kết nối khi bạn ở một mình.[10] Điều này có thể giúp bạn gia tăng hạnh phúc khi ở một mình.
    • Cẩn thận không xem internet là phương tiện duy nhất để kết nối xã hội bởi vì điều này có thể làm gia tăng sự cô đơn.[11][12]
  6. Biết khi nào bạn cần sự giúp đỡ. Mọi người ai cũng có lúc cảm thấy cô đơn. Tuy nhiên, có những trường hợp bạn cần nhờ đến sự giúp đỡ thêm hay tìm kiếm người tư vấn. Nếu đang cảm thấy chán nản hoặc thời gian một mình của bạn là kết quả của rối loạn lo âu xã hội, chuyên gia sức khỏe tâm thần có thể giúp bạn trong những vấn đề này.
    • Các dấu hiệu của trầm cảm bao gồm: nỗi buồn dai dẳng, lo lắng, hoặc cảm giác "trống rỗng"; mất hứng thú hoặc niềm vui trong các hoạt động; cảm giác tuyệt vọng, cảm giác tội lỗi, vô dụng; khó ngủ hoặc ngủ quá nhiều; và cảm giác mệt mỏi hoặc bị trì trệ.[13]
    • Các dấu hiệu của ám ảnh xã hội hoặc rối loạn lo âu xã hội bao gồm: cảm thấy lo lắng về việc ở gần những người xung quanh, sợ nói chuyện với mọi người ngay cả khi bạn muốn nói chuyện với họ, tránh xa những người khác, sợ sự phán xét của người khác, cảm thấy ốm hoặc buồn nôn khi ở gần người khác, và lo lắng nhiều tuần cho một sự kiện sắp tới sẽ xảy ra tại nơi bạn biết sẽ có nhiều người ở đó.[14]
    • Nếu đang gặp những triệu chứng này hay các triệu chứng khác, hãy liên hệ với một nhân viên tư vấn hoặc chuyên gia sức khỏe tâm thần để được chẩn đoán. Họ có thể giúp bạn tìm ra cách điều trị cho các chứng bệnh này.

Nguồn và Trích dẫn[sửa]

__