Thuyết trình trên lớp

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Việc thuyết trình trên lớp đôi khi làm bạn cảm thấy rất khó khăn, nhưng thực ra không hoàn toàn như vậy. Bài viết này sẽ hướng dẫn bạn cách thuyết trình trên lớp mà không cảm thấy quá áp lực.

Các bước[sửa]

Chuẩn bị cho việc thuyết trình[sửa]

  1. Viết nội dung ra mảnh giấy nhỏ. Bạn sẽ viết nội dung chính vào mảnh giấy nhỏ để sử dụng trong khi thuyết trình. Đừng viết quá chi tiết để bạn phải chăm chú nhìn vào mảnh giấy đọc nội dung. Liệt kê một số sự kiện thú vị, câu hỏi tương tác và hoạt động khác trên giấy nếu bạn muốn chia sẻ với cả lớp.
    • Viết từ khóa hoặc ý chính. Bạn sẽ chỉ lướt nhanh qua nội dung trên giấy để lấy thông tin chứ không đọc từng chữ.
    • Việc viết thông tin vào mảnh giấy nhỏ cũng giúp bạn nhớ các ý cần nói. Vì vậy, mặc dù bạn không thật sự cần đến những mẫu giấy nhỏ nhưng chúng là phao cứu sinh nếu chẳng may bạn quên nội dung cần nói.
  2. Tập luyện. Trong hầu hết các buổi thuyết trình, bạn sẽ rất dễ nhận ra ai có tập luyện và ai không. Hãy tập thuyết trình để nói sao cho thật lưu loát. Như vậy, bạn sẽ cảm thấy tự tin hơn trong khi thuyết trình và tránh ậm ừ để nói thật thuyết phục như những người đã chuẩn bị kỹ lưỡng.
    • Tập luyện trước mặt gia đình hoặc bàn bè, hay tập trước gương để chuẩn bị cho buổi thuyết trình. Tốt nhất bạn nên tập nói trước những người bạn không quá thân thiết để giúp bạn có cảm giác như khi nói trước lớp.
    • Lấy nhận xét của bạn bè sau buổi thuyết trình. Bài thuyết trình có dài quá không? Ánh mắt của bạn thế nào? Bạn có nói lắp không? Nội dung trình bày có rõ ràng không?
    • Tự bình phẩm về phần thuyết trình của bạn. Đòi hỏi bản thân phải làm tốt những điều mà bạn có thể cải thiện trong buổi thuyết trình chính thức. Như vậy, khi đến buổi thuyết trình thật sự, bạn sẽ cảm thấy tự tin vì bản thân đã rất cố gắng để làm tốt những việc mà bạn cảm thấy khó khăn nhất.
  3. Nghiên cứu nội dung. Để phần thuyết trình thu hút người nghe, bạn cần biết mình đang nói về vấn đề gì. Bạn không cần phải là chuyên gia hay đọc tất cả các quyển sách hoặc trang web liên quan đến chủ đề của mình, nhưng bạn nên chuẩn bị thông tin để trả lời câu hỏi của thầy cô hoặc bạn cùng lớp.
    • Lấy dẫn chứng từ nguồn đáng tin cậy. Dẫn chứng tốt sẽ làm cho phần thuyết phần thuyết phục hơn. Dùng câu nói của những vĩ nhân để thêm vào phần thuyết trình không chỉ làm bạn trông uyên bác mà còn cho thầy cô biết bạn đã dành thời gian để suy nghĩ về triết lý của người khác.
    • Đảm bảo nguồn mà bạn sử dụng phải đáng tin cậy. Bạn sẽ mất đi sự tự tin khi biết thông tin mà bạn dùng không xác thực. Đừng luôn tin vào nội dung mà bạn lấy từ Internet.

Thuyết trình[sửa]

  1. Cười với những người có mặt. Khi đến lúc thuyết trình thì nụ cười sẽ giúp bạn thu hút được sự chú ý của người khác. Hãy vui vẻ vì bạn sắp dạy cho cả lớp những điều mà họ chưa biết.
    • Nghiên cứu chứng minh rằng nụ cười có sức lan tỏa[1]; tức là khi bạn cười thì người khác sẽ khó mà không nở nụ cười. Do đó, nếu bạn muốn phần thuyết trình diễn ra tốt đẹp thì dù muốn hay không, bạn cũng nên cười. Nụ cười đó sẽ làm mọi người cười và nó sẽ làm bạn nở nụ cười thật sự.
  2. Tự tin về phần thuyết trình của bạn. Khi thuyết trình trước lớp, thầy cô sẽ cho bạn giữ vai trò của họ trong khoảng thời gian ngắn. Việc của bạn là chắc chắn mọi người hiểu những gì bạn nói. Hãy chú ý cách mà thầy cô thể hiện trước buổi thuyết trình của bạn vì họ là những người thuyết trình dày dạn kinh nghiệm.
    • Hình dung về sự thành công trước, trong và sau phần thuyết trình của bạn. Mặc dù bạn nên khiêm tốn, không nên quá kiêu ngạo nhưng hãy luôn tưởng tượng về sự thành công của buổi thuyết trình. Đừng để ý nghĩ thất bại xâm lấn suy nghĩ của bạn.
    • Sự tự tin của bạn cũng quan trọng như thông tin mà bạn truyền tải. Bạn cố gắng không đưa thông tin sai hoặc thực hiện nhiều nghiên cứu, nhưng phần mà bạn được chấm điểm cao và các bạn học khác cũng muốn có chính là sự tự tin. Hơn nữa, nếu tự tin, bạn sẽ thoải mái trao đổi ý tưởng với cả lớp.
    • Nếu bạn muốn tăng thêm sự tự tin, hãy hình dung một bức tranh tổng thể. Sau 10 hoặc 15 phút, bạn sẽ hoàn tất bài thuyết trình. Phần thuyết trình sẽ để lại ảnh hưởng gì? Chắc là không nhiều. Hãy cố gắng làm hết sức có thể, nhưng nếu bạn hồi hộp thì nên nhớ rằng vẫn còn rất nhiều khoảnh khắc quan trọng khác trong cuộc sống.
  3. Nhìn vào khán giả. Không có gì chán hơn việc phải lắng nghe người thuyết trình chỉ nhìn xuống sàn nhà hoặc các mẩu giấy. Hãy thư giãn. Khán giả ở đây là bạn bè mà bạn vẫn thường trò chuyện với họ; hãy nói với họ như cách thường ngày bạn vẫn làm.
    • Đặt mục tiêu nhìn hết tất cả mọi người trong lớp ít nhất một lần. Với cách này, mọi người sẽ cảm thấy như được tham gia vào phần thuyết trình của bạn. Hơn nữa, như vậy bạn sẽ có vẻ như đang biết mình đang nói gì.
  4. Nên nhớ tạo điểm nhấn trong giọng nói của bạn. Mục tiêu là thu hút được người nghe và không làm cho họ buồn ngủ. Hãy làm cho chủ đề mà bạn nói trở nên sinh động. Nói như thể đó là chủ đề thú vị nhất trên đời. Các bạn cùng lớp sẽ rất cảm kích vì sự chia sẻ của bạn.
    • Điểm nhấn ở đây giống như cách mà các phát thanh viên thường thể hiện trong giọng nói của họ; giọng sẽ lên cao khi nói về thứ gì đó thú vị. Bạn không nói như thể vừa gặp một con sư tử nhưng cũng không giống như vừa gặp một con sóc. Lên giọng để làm cho phần thuyết trình không còn tẻ nhạt.
  5. Dùng tay để ra điệu bộ. Cử động tay khi nói, dùng tay để nhấn mạnh các điểm cần gây chú ý và làm cho người nghe cảm thấy thú vị. Ngoài ra, nó còn làm giảm bớt sự hồi hộp mà bạn đang gặp phải.
  6. Kết luận đầy thuyết phục. Có lẽ bạn đã từng nghe bài thuyết trình có phần kết thúc chẳng đâu vào đâu. Tuy nhiên, phần kết thúc sẽ để lại ấn tượng cho người nghe, trong đó có thầy cô. Hãy làm cho phần kết luận trở nên thú vị hơn bằng cách đưa ra số liệu cuối cùng hoặc một nội dung sáng tạo. Phần kết luận phải được thể hiện sao cho người nghe biết bạn đã hoàn tất bài thuyết trình.
    • Kể một câu chuyện, có thể là câu chuyện của chính bạn. Những câu chuyện sẽ làm cho phần thuyết trình của môn lịch sử và tiếng Anh trở nên thú vị hơn. Hoặc bạn có thể kết luận bằng một giai thoại về vĩ nhân nào đó.
    • Đặt câu hỏi gợi mở. Kết luận bằng câu hỏi là một cách hay để người nghe thích thú nghĩ về phần thuyết trình của bạn. Nếu nghĩ ra cách kết luận hay khác, bạn hãy thử áp dụng trong phần thuyết trình của mình.
  7. Đi về chỗ với một nụ cười. Hãy biết rằng bạn vừa làm xong báo cáo và hoàn thành một việc mà nhiều người khác không thể làm. Đừng thất vọng nếu không nhận được một tràng pháo tay. Hãy luôn tự tin.

Lời khuyên[sửa]

  • Giữ tư thế tốt. Đừng khoanh tay trước ngực, bạn nên mở rộng vòng tay. Đừng tự thu nhỏ mình mà nên đứng thẳng lưng.
  • Đừng tranh cãi với người nghe vì việc này làm bạn mất tập trung vào phần thuyết trình. Hãy cho họ biết quan điểm đó rất thú vị nhưng bạn sẽ kiểm tra và trao đổi thêm với họ sau.
  • Đừng chỉ nhìn sàn nhà mà quên nhìn vào mọi người. Tuy nhiên, cũng đừng nhìn chằm chằm vào một người mà bạn nên 'quét' qua cả lớp.
  • Đừng lo lắng nếu bạn mắc lỗi. Nếu bạn không gây sự chú ý bằng cách tự sửa lỗi thì không ai nhận ra và nếu có thì họ cũng sẽ quên nhanh chóng.
  • Hãy tự tin khi phần thuyết trình sắp kết thúc và hỏi cả lớp xem họ có câu hỏi hoặc bình luận gì không. Việc này sẽ làm bạn có vẻ chín chắn và để cả lớp biết bạn rất quan tâm đến chủ đề của mình.
  • Nên nhớ rằng Power Point chỉ là một công cụ dành cho khán giả, không phải nội dung phần nói của bạn. Phần thuyết trình của bạn sẽ chứa nhiều thông tin hơn những gì bạn trình chiếu trên Power Point, và bạn không nên thêm quá nhiều chữ trên mỗi trang.
  • Nên nhớ nhìn xung quanh phòng, đừng chỉ nhìn vào giữa phòng.
  • Bạn nên biết rằng các bạn học khác cũng rất hồi hộp về phần thuyết trình của họ, có thể họ cũng không thật sự tập trung nghe bạn nói!
  • Đặt tay dưới vai để không làm người nghe bị mất tập trung.
  • Hãy di chuyển qua lại trong khi thuyết trình vì nó làm bạn trông thoải mái và tự tin.
  • Hãy nói rõ ràng và không nói lắp.
  • Luôn tự tin khi nói trước cả lớp.

Cảnh báo[sửa]

  • Một số người hồi hộp đến mức như bị bóp nghẹt trước buổi thuyết trình, dẫn đến choáng váng và ngất xỉu trong khi nói. Nếu bạn cũng như vậy thì hãy chuẩn bị thật kỹ và làm tăng lượng đường huyết trước buổi thuyết trình.
  • Đừng mang theo điện thoại trong người vì nó sẽ làm nhiễu sóng của mi-cro (nếu có).

Nguồn và Trích dẫn[sửa]