Tiến trình dạy học khi sử dụng thí nghiệm

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

GV có thể sử dụng thí nghiệm trong các bài nghiên cứu tài liệu mới theo 3 cách đó là theo phương pháp nghiên cứu, phương pháp đặt và giải quyết vấn đề, phương pháp kiểm chứng.

a) Sử dụng thí nghiệm theo phương pháp nghiên cứu[sửa]

Tiến trình dạy học:

- Nêu vấn đề nghiên cứu.

- Nêu các giả thuyết, đề xuất cách giải quyết (làm thí nghiệm)

- Tiến hành thí nghiệm (hoặc xem video thí nghiệm, thí nghiệm mô phỏng, thí nghiệm ảo, tranh vẽ mô tả thí nghiệm).

- Phân tích và giải thích hiện tượng từ đó xác nhận giả thuyết đúng

- Kết luận và vận dụng.

Theo phương pháp nghiên cứu thì thí nghiệm hóa học được dùng là nguồn kiến thức để HS nghiên cứu tìm tòi, là phương tiện xác định tính đúng đắn của các giả thuyết khoa học đưa ra. Sử dụng thí nghiệm theo phương pháp này không những dạy HS cách tư duy độc lập, sáng tạo và có kĩ năng nghiên cứu tìm tòi mà còn giúp HS nắm kiến thức vững chắc, sâu sắc và phong phú cả về lí thuyết lẫn thực tế. Tuy nhiên, thực tế phương pháp này thường được tiến hành giản lược cho đỡ mất thời gian: GV nêu vấn đề nghiên cứu sau đó làm thí nghiệm, HS quan sát mô tả các hiện tượng thí nghiệm, phân tích hiện tượng rồi rút ra kết luận.

b) Sử dụng thí nghiệm theo phương pháp phát hiện và giải quyết vấn đề[sửa]

Tiến trình dạy học:

- Nêu vấn đề

- Tạo mâu thuẫn nhận thức (có thể bằng thí nghiệm)

- Đề xuất hướng giải quyết, thực hiện kế hoạch giải quyết (có thể bằng thí nghiệm).

- Phân tích để rút ra kết luận

- Vận dụng

Theo phương pháp đặt và giải quyết vấn đề, GV đặt ra cho HS một bài toán nhận thức, HS tiếp nhận mâu thuẫn nhận thức đó và biến thành mâu thuẫn nội tại của bản thân, có nhu cầu muốn giải quyết mâu thẫn đó, tạo động cơ suy nghĩ, học tập. Dưới sự hướng dẫn của GV, HS tham gia tích cực vào quá trình giải quyết vấn đề (bằng cách trả lời các câu hỏi của GV), qua đó rút ra kiến thức cần lĩnh hội. Như vậy, HS giống như tự mình tìm ra kiến thức mới cho bản thân, đồng thời dần hình thành kĩ năng nhận ra vấn đề và phương pháp suy nghĩ, thực hiện giải quyết vấn đề, đây là một trong những kĩ năng rất quan trọng không chỉ trong học tập ở phổ thông mà trong cả quá trình học tập, trong cuộc sống cũng như trong các hoạt động nghề nghiệp sau này. Quá trình tạo ra mâu thuẫn nhận thức cũng giúp cho HS thấy được rằng, phép suy diễn hoặc suy lí không phải luôn luôn đúng, khi nghiên cứu một đối tượng cụ thể cần nghiên cứu chúng trong mối liên hệ qua lại với các thành phần khác.

c) Sử dụng thí nghiệm theo phương pháp kiểm chứng[sửa]

Tiến trình dạy học:

- Nêu vấn đề nghiên cứu

- Cho HS dự đoán kiến thức mới, hiện tượng thí nghiệm.

- Làm thí nghiệm, nêu hiện tượng, so sánh với dự đoán ban đầu từ đó xác định dự đoán có đúng không.

- Kết luận.

- Vận dụng.

Theo phương pháp kiểm chứng, HS có cơ hội củng cố, vận dụng kiến thức đã có; hiểu rõ, sâu và rộng hơn kiến thức lí thuyết đã học đồng thời cũng hình thành phương pháp hình thành kiến thức mới đó là phương pháp suy diễn hoặc suy lí song cũng thấy được phép suy diễn hoặc suy lí đó cần được kiểm chứng bằng thực nghiệm mới có thể đưa ra các kết luận chính xác – đó là một trong các phương pháp học tập và nghiên cứu hóa học.

Như vậy, có thể thấy các phương pháp sử dụng thí nghiệm trên đều rất tích cực, song có những đặc điểm và điểm mạnh nhất định đã phân tích ở trên. Vì vậy tùy vào mục tiêu, nội dung và vị trí sử dụng thí nghiệm mà GV nên lựa chọn phương pháp sử dụng hợp lí chứ không như nhiều GV lầm tưởng là sử dụng thí nghiệm theo phương pháp nghiên cứu mới là tích cực.

Rss.jpg
Mời bạn đón đọc các bài viết tiếp theo bằng cách đăng kí nhận tin bài viết qua email hoặc like fanpage Thuvienkhoahoc.com để nhận được thông báo khi có cập nhật mới.

Nguồn[sửa]

Liên kết đến đây