Tránh sâu răng

Từ VLOS
(đổi hướng từ Tránh Sâu răng)
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm
Chia sẻ lên facebook Chia sẻ lên twitter In trang này

Nguyên nhân gây sâu răng là do mảng bám tích tụ trên răng. Mảng bám hình thành khi đường trong miệng thu hút vi khuẩn. Mảng bám có tính axít cao khiến men răng bị mòn. Đó chỉ là phần đầu tiên trong quá trình sâu răng.

Khi lỗ sâu răng rộng ra, vi khuẩn từ trong miệng sẽ tấn công tủy răng (mô sống của răng) và gây đau, có thể tiến triển thành nhiễm khuẩn gọi là áp xe. Quá trình này có thể gây ra nhiều đau đớn và khó chịu, đấy là chưa kể hóa đơn điều trị răng tốn kém. Tuy nhiên, bạn có thể ngăn chặn sâu răng bằng cách thường xuyên đánh răng, sử dụng chỉ nha khoa, ăn thực phẩm phù hợp, và định kỳ gặp bác sĩ để vệ sinh và kiểm tra răng. [1]

Ảnh minh họa

Các bước[sửa]

Đánh răng Đúng cách[sửa]

  1. Lên lịch đánh răng. Lý tưởng nhất là đánh răng sau mỗi bữa ăn, nếu không thì ít nhất là hai lần một ngày: sau bữa ăn sáng và trước khi đi ngủ. [2]
    • Hãy biến việc này thành một phần trong thói quen của bạn mỗi sáng và trước khi lên giường.
    • Nếu bạn gắn việc đánh răng vào thói quen hàng ngày thì bạn sẽ dễ nhớ làm.
    • Đánh răng đúng cách chỉ mất vài phút, do đó, những người rất bận rộn cũng có thể làm được.
  2. Sử dụng bàn chải lông mềm. Kích thước và hình dáng bàn chải tùy thuộc vào cỡ miệng của bạn, nhưng hầu hết các nha sĩ đều khuyên dùng bàn chải điện với đầu bàn chải hình tròn. [2]
    • Kích thước và hình dáng bàn chải cho phép bạn chạm tới mọi chỗ trong miệng và các bề mặt của răng.
    • Cứ ba đến bốn tháng lại thay bàn chải đánh răng một lần.
    • Nếu bàn chải bị xơ, có nghĩa là cần sớm thay bàn chải. Bản chải bị xơ sẽ không làm sạch răng hiệu quả.
  3. Dùng một lượng kem đánh răng bằng hạt đậu. Đảm bảo bạn dùng kem đánh răng chứa fluoride được Hiệp hội Nha khoa Việt Nam công nhận. Fluoride giúp làm chắc men răng và ngừa sâu răng.[2]
    • Trẻ nhỏ không cần nhiều fluoride như người lớn. Hãy hỏi ý kiến bác sĩ để biết lượng kem đánh răng chứa fluoride phù hợp với con bạn. [3]
    • Bạn muốn con mình ngừa được sâu răng nhờ fluoride mà không cần phải sử dụng quá nhiều.
  4. Dùng bàn chải đánh tất cả các bề mặt của răng. Bạn hãy đặt bàn chải nghiêng một góc 45 độ so với răng và nướu khi đánh. Đừng ấn quá mạnh nếu không bạn sẽ làm nướu bị tổn thương. Nếu bạn làm hỏng bàn chải hoặc thấy bàn chải bị xơ nhanh chóng, có thể bạn đang sử dụng quá nhiều lực ấn.[2]
    • Bắt đầu bằng chải mặt trước các răng.
    • Chải bước nhỏ từ bên này sang bên kia.
    • Sau khi chải phía trước mặt răng, chuyển sang chải mặt nhai và mặt sau của răng.
    • Để làm sạch mặt trong của răng cửa, để đầu bàn chải thẳng đứng và chải lên chải xuống vài lần.
    • Nhớ chải dọc theo đường nướu răng.
    • Bạn cũng cần chải lưỡi để loại bỏ vi khuẩn và giúp hơi thở thơm tho.
  5. Súc miệng bằng nước sạch hoặc nước súc miệng. Nước súc miệng có thể được sử dụng để ngừa sâu răng, giảm tích tụ mảng bám, và giảm khả năng mắc các bệnh như viêm nướu. Hãy tìm mua nước súc miệng có chứa fluoride để ngừa hoặc giảm sâu răng.[4]
    • Nước súc miệng có tem công nhận của Hiệp hội Nha khoa Việt Nam đã được kiểm tra độ an toàn và hiệu quả, vì vậy, hãy chọn sản phẩm có tem.[4]
    • Nước súc miệng không thay thế được việc đánh răng và dùng chỉ nha khoa. Nếu bạn thấy không thể đánh răng sau bữa ăn, thì hãy sử dụng nước súc miệng để diệt vi khuẩn và ngừa mảng bám.
    • Nước súc miệng có chứa cồn sẽ khiến miệng của bạn bị khô, phát triển vi khuẩn. Hãy tìm các loại nước súc miệng chứa fluoride, không có cồn.

Dùng Chỉ Nha khoa[sửa]

  1. Dùng chỉ nha khoa ít nhất một lần mỗi ngày. Ngoài ra, bạn nên dùng chỉ nha khoa sau khi ăn bữa chính và ăn vặt vì thức ăn có thể bị giắt vào kẽ răng bạn, như bỏng ngô hoặc ngô bắp. [5]
    • Kể cả khi bạn thường xuyên đánh răng, dùng chỉ nha khoa cũng là cần thiết.
    • Sử dụng chỉ nha khoa sẽ lấy được những mẩu thức ăn giắt vào kẽ răng và dưới nướu.
    • Có những chỗ bàn chải đánh răng không thể chạm tới.
    • Nếu không dùng chỉ nha khoa, thức ăn và đường giắt lại ở kẽ răng sẽ thu hút vi khuẩn, tích tụ mảng bám và có thể gây sâu răng.
  2. Đầu tiên, hãy lấy một đoạn chỉ nha khoa dài khoảng 45 cm. Bạn cần sợi chỉ dài để có thể cuộn phần chỉ bị bẩn sau khi sử dụng vào ngón tay trong khi làm sạch các kẽ răng. [5]
    • Cuộn phần lớn sợi chỉ vào một ngón giữa.
    • Phần cuối của sợi chỉ cuộn vào ngón giữa của tay kia.
    • Ngón tay này sẽ cuộn phần chỉ đã dùng và bị bẩn khi bạn đi lần lượt từng kẽ răng trong miệng.
  3. Ấn sợi chỉ nha khoa vào kẽ răng một cách nhẹ nhàng. Đừng để chỉ chạm vào đường nướu.[5]
    • Dùng ngón cái và ngón trỏ giữ chắc chỉ.
    • Kéo chỉ qua lại kẽ răng.
    • Dừng khi chạm phải đường nướu.
  4. Uốn cong chỉ thành hình chữ C khi chạm vào nướu. Ấn chỉ vào một bên răng. [5]
    • Nhẹ nhàng kéo chỉ qua lại ở khoảng trống giữa răng và nướu.
    • Giữ chặt chỉ, ấn vào răng.
    • Nhẹ nhàng cọ xát chỉ dọc cạnh răng xa khỏi vị trí của nướu theo chiều lên xuống.
    • Lặp lại phương pháp này đối với các răng còn lại.
    • Đừng quên khoảng trống đằng sau răng cuối cùng phía cuối khoang miệng.
  5. Hãy thử dùng tăm chỉ nha khoa, tăm nha khoa hoặc dụng cụ lấy mảng bám bằng gỗ nếu bạn thấy khó sử dụng chỉ nha khoa. Những cách này sẽ giúp lấy mảng bám và thức ăn còn sót lại ở kẽ răng mà không phải đo sợi chỉ và tìm cách đưa chỉ vào kẽ răng một cách khéo léo.[6]
    • Dùng nước để súc miệng, làm sạch cũng giúp lấy mảng bám và thức ăn sót lại trong kẽ răng và nướu.
    • Tăm chỉ nha khoa là dụng cụ nhỏ bằng nhựa có một đoạn chỉ nha khoa ngắn gắn vào. Bạn có thể dùng chúng để làm sạch răng theo cách tương tự như dùng chỉ nha khoa.
    • Nếu bạn gặp khó khăn khi dùng chỉ nha khoa, hãy hỏi nha sĩ xem có những lựa chọn nào. Bạn có thể thử loại chỉ nha khoa khác (như không bọc sáp hoặc bọc sáp, v.v…).

Duy trì Chế độ Ăn uống Tốt cho Răng[sửa]

  1. Tránh các loại kẹo đường, đồ ngọt, tinh bột và carbohydrate tinh chế. Thực phẩm chứa nhiều đường gây tích tụ mảng bám vì vi khuẩn rất thích đường. [7]
    • Nếu ăn đồ ngọt, cố gắng ăn những loại không lưu trong miệng quá lâu. Các loại kẹo như kẹo mút, kẹo cứng, và caramen thường ở trong miệng lâu khi bạn mút chúng.
    • Đồ ăn vặt như bánh quy, bánh ngọt và bánh nướng cũng chứa nhiều đường và có thể gây sâu răng.
    • Những thực phẩm như bánh mì, khoai tây chiên, mì ống và bánh quy giòn chứa tinh bột và carbohydrate tinh chế, những thứ này đều có đường. Nếu bạn ăn chúng, cố gắng chỉ ăn vào bữa chính thay vì ăn vặt giữa các bữa ăn.
    • Nếu bạn ăn đồ ngọt hoặc carbohydrate tinh chế, cố gắng đánh răng với kem có chứa fluoride ngay sau đó.
  2. Hạn chế uống nước hoa quả và nước ngọt có ga. Nước ngọt có ga chứa rất nhiều đường.[7] Nước hoa quả cũng được cho thêm đường, đặc biệt nếu đó là "đồ uống nước hoa quả" hay "cốc-tai nước hoa quả". Hãy tránh những đồ uống này.
    • Nước ngọt có ga cũng chứa nhiều axít. Axít trong đồ uống và thực phẩm có thể làm hỏng men răng và tăng nguy cơ sâu răng.
    • Mặc dù nước hoa quả tốt cho sức khỏe nếu uống vừa phải, song chúng chứa rất nhiều đường cô đặc hơn là quả nguyên vẹn, đồng thời không bổ sung chất xơ. Hãy chỉ uống nước hoa quả nguyên chất không thêm đường. Nghiên cứu cho thấy nước hoa quả nguyên chất không gây sâu răng.[8]
    • Nếu bạn uống những thứ này, nhớ dùng ống hút để giảm thiểu tiếp xúc với răng.
  3. Hạn chế sử dụng thực phẩm có chứa axít. Axít từ thực phẩm có thể làm mòn men răng giống như axít trong nước ngọt.[7]
    • Thực phẩm chứa nhiều axít bao gồm hoa quả giống cam quýt như chanh xanh và chanh vàng.
    • Cà chua, dưa muối, mật ong và rượu vang cũng là những thực phẩm chứa axít có thể làm hỏng men răng.
    • Mặc dù bạn có thể ăn những loại thực phẩm này nhưng thời gian để chúng trong miệng cố gắng càng nhanh càng tốt.
  4. Uống nước từ vòi và trà xanh/đen. Ở hầu hết các quốc gia, nước từ vòi đều được bổ sung fluoride. [7] Sử dụng nước từ vòi được bổ sung fluoride để nấu nướng sẽ góp phần làm chắc men răng.
    • Nước có thể loại bỏ thức ăn còn sót lại.
    • Trà xanh và trà đen chứa các chất ngừa tích tụ mảng bám. Chúng cũng làm giảm viêm và ngăn ngừa các bệnh về nướu.
    • Nhớ đừng cho thêm đường vào trà.
  5. Ăn thật nhiều hoa quả và rau củ giàu chất xơ. Những thực phẩm này có tác dụng tăng cường tuyến nước bọt trong miệng. [7]
    • Nước bọt là công cụ tự nhiên chống lại sâu răng, ngừa vi khuẩn và mảng bám dính vào răng.
    • Sau khi ăn khoảng 20 phút, nước bọt bắt đầu trung hòa axít, chất tấn công men răng.
    • Bạn nên ăn hoa quả và rau củ giòn như cà rốt, táo và cần tây.
  6. Ăn các sản phẩm từ sữa như sữa, pho mát và sữa chua. Chúng chứa những chất dinh dưỡng cần thiết cho răng chắc khỏe. [7]
    • Canxi, phốt phát và vitamin D trong sản phẩm sữa rất quan trọng đối với răng chắc khỏe vì cấu tạo răng của bạn chủ yếu là canxi.
    • Canxi không chỉ giúp chắc răng mà còn bám vào răng và ngừa axít làm hỏng men răng.
    • Nếu bạn không dung nạp được lactose, có nhiều thực phẩm giàu canxi và vitamin khác để bạn sử dụng như sản phẩm từ đậu tương.
  7. Nhai kẹo cao su không đường. Nhai kẹo cao su sau khi ăn bữa chính và ăn vặt có thể giúp tăng sản xuất nước bọt để loại bỏ vi khuẩn và mảng bám ở răng. [7] Nhai kẹo cao su đặc biệt có ích nếu bạn thường xuyên bị chứng khô miệng (xerostomia).[9]
    • Chất tạo ngọt xylitol được chứng minh có thể ngừa sâu răng.
    • Các nghiên cứu cho thấy xylitol có thể hạn chế sự phát triển các vi khuẩn có hại trong miệng.
    • Tuy nhiên, nhai kẹo cao su chứa đường lại tăng khả năng bị sâu răng, vì vậy, đảm bảo kẹo cao su của bạn không có đường.
  8. Sử dụng các sản phẩm dành cho người bị khô miệng. Chứng khô miệng (xerostomia) không phải là bệnh, nhưng đó là tình trạng khó chịu có thể bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân, bao gồm sử dụng một loại thuốc kê đơn nào đó hoặc bị rối loại y tế. Bị khô miệng kinh niên có thể tăng nguy cơ sâu răng vì miệng không sản xuất ra đủ nước bọt để rửa trôi thức ăn và mảnh vụn thức ăn, do đó, vi khuẩn dễ phát triển hơn.[9]
    • Có một số loại nước súc miệng, có thể mua tại quầy hoặc kê đơn, giúp hạn chế khô miệng. Khi mua, bạn hãy tìm nước súc miệng chuyên dùng cho khô miệng.
    • Sử dụng viên ngậm, thuốc ho dạng giọt hoặc kẹo cứng có thể giúp miệng của bạn sản xuất nước bọt. Đảm bảo những sản phẩm này không có đường.
    • Bạn cũng có thể sử dụng sản phẩm thay thế nước bọt nếu cần. Chúng hoạt động giống như thuốc nhỏ mắt cho mắt khô, để tạm thời làm ẩm màng nhầy trong miệng.
    • Bác sĩ cũng có thể kê một số loại thuốc nhất định nếu tình trạng của bạn tồi tệ. Hai loại thuốc thường được kê nhất là pilocarpine (Salagen) và cevimeline (Evoxac).
  9. Nói chuyện với bác sĩ nếu bạn thường xuyên bị ợ nóng, trào ngược axít, hoặc rối loạn ăn uống. Ợ nóng hay bệnh trào ngược dạ dày-thực quản (GERD) có thể gây ra sâu răng vì dịch axít ở dạ dày bị đẩy trở lại miệng trong tình trạng như vậy, khiến cho răng bị yếu đi. Nếu bạn thường xuyên bị ợ nóng (hay còn gọi là trào ngược axít), hãy trao đổi với bác sĩ về các biện pháp điều trị để tránh làm hỏng men răng.[10]
    • Rối loạn ăn uống cũng làm tăng khả năng sâu răng. Chứng ăn-ói và biếng ăn dạng xổ ra thường liên quan đến việc cố tình nôn mửa, đẩy axít dạ dày lên và trào qua răng, làm hỏng men răng. Chứng rối loạn ăn uống có thể ảnh hưởng đến việc sản xuất nước bọt tự nhiên của cơ thể.

Gặp Nha sĩ Thường xuyên[sửa]

  1. Gặp nha sĩ và chuyên gia vệ sinh răng miệng để làm sạch và kiểm tra răng định kỳ. Hầu hết những người khỏe mạnh cần đến bác sĩ chăm sóc sức khỏe răng miệng hai lần mỗi năm. [11]
    • Khi gặp nha sĩ, bạn sẽ được vệ sinh răng. Nha sĩ hoặc chuyên gia vệ sinh sẽ dùng các thiết bị nha khoa để loại bỏ mảng bám và cao răng.
    • Họ sẽ đánh bóng răng của bạn bằng kem đánh răng đặc biệt.
    • Hầu hết các nha sĩ đều khuyên bạn chụp X-quang răng ít nhất một lần trong năm. Việc này có thể giúp bác sĩ biết liệu bạn có vấn đề gì ở bên trong răng hay không.
    • Nha sĩ sẽ kiểm tra từng chiếc răng xem có bị sâu không cũng như kiểm tra nướu để tìm dấu hiệu của bệnh về nướu.
  2. Hỏi nha sĩ về việc trám răng. Đó là lớp trám răng bảo vệ bằng nhựa. [3] Chúng có tác dụng hàn các kẽ nứt ở răng, nơi thức ăn có thể giắt vào.
    • Trám răng bảo vệ men răng khỏi axít và mảng bám, được khuyên dùng với cả người lớn và trẻ em.
    • Các Trung tâm Kiểm soát và Ngừa bệnh khuyến cáo rằng trẻ em ở lứa tuổi đến trường nên được trám răng vì việc này có thể hạn chế tỷ lệ sâu răng ở trẻ em đến hơn 70%.[12]
    • Trám răng có thời hạn sử dụng tới 10 năm trước khi cần phải làm lại.
    • Nha sĩ của bạn cần kiểm tra chất trám răng định kỳ 6 tháng một lần để đảm bảo chúng còn nguyên vẹn.
  3. Nói chuyện với nha sĩ về phương pháp điều trị bằng fluoride. Nếu bạn không uống nước từ vòi hoặc dùng kem đánh răng chứa fluoride, bạn cần sử dụng các phương pháp điều trị bằng fluoride. [3]
    • Phương pháp điều trị bằng fluoride chủ yếu được thực hiện trong quá trình làm sạch răng tại văn phòng nha sĩ.
    • Nha sĩ sẽ cho gel hoặc kem đánh răng chứa fluoride lấp kín bề mặt răng. Chúng sẽ nằm trong miệng và trên răng của bạn vài phút.
    • Việc điều trị như vậy có thể giúp làm chắc men răng.

Nguồn và Trích dẫn[sửa]

Liên kết đến đây

Chia sẻ lên facebook Chia sẻ lên twitter In trang này