Tránh tỏ ra lúng túng

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Chắc hẳn mỗi người trong chúng ta đều từng trải qua điều này: Bạn làm hoặc nói sai điều gì đó và mọi cặp mắt đều đổ dồn vào bạn. Bạn tự nhủ mọi người đang phán xét mình và bàn tán về sai lầm của mình. Mặt bắt đầu đỏ bừng, tim đập loạn nhịp và bạn ước mình không phải đứng ở đây nữa. Cảm giác lúng túng, xấu hổ đó là trải nghiệm hết sức bình thường, mặc dù ai cũng có thể gặp phải nhưng chắc hẳn đây không phải trải nghiệm vui vẻ gì. Thật may thay, bạn có thể làm theo các bước sau để hình thành sự tự tin, tránh những tình huống xấu hổ và xử lý khoảnh khắc lúng túng của bản thân.

Các bước[sửa]

Hình thành Sự tự tin[sửa]

  1. Tập trung vào sức mạnh của bản thân. Đây là bước đầu tiên trong quá trình hình thành tự tin. Bởi vì sự lúng túng có liên quan đến cảm giác không thích đáng, nhắc bản thân nhớ về đặc điểm tích cực giúp bạn cảm thấy bớt ngại ngùng khi giao tiếp xã hội.
    • Bạn giỏi việc gì? Phẩm chất nổi trội của bạn là gì? Hãy lập một danh sách. Có thể tham khảo ý kiến bạn thân hoặc thành viên trong gia đình. Hãy nhớ ghi lại những đặc điểm tính cách, kỹ năng và tài năng, đặc điểm thể chất, khả năng xã hội hoặc cá nhân mà bạn nghĩ ra. Đọc lại danh sách đó vào mỗi buổi sáng rồi bổ sung thêm.
    • Đối tốt với bản thân và rèn luyện tự trò chuyện tích cực. Mỗi sáng, khi bạn nhìn mình trong gương, hãy mỉm cười và nói "Bạn xứng đáng được vui vẻ ngày hôm nay!" Bạn có thể chọn một đặc điểm ngoại hình mà bạn thích ở chính mình và khen ngợi nó. Hãy thử nói "Chào buổi sáng người đẹp! Bạn có nụ cười thật rạng rỡ!"[1]
  2. Chỉ ra thách thức và đặt mục tiêu. Xác định thách thức khiến bạn cảm thấy không đảm bảo hay tự tin. Hãy thử tìm hiểu những thử thách này và đề ra mục tiêu thực tế để cải thiện những mặt này nhiều nhất có thể.
    • Ví dụ, nếu bạn hay lúng túng, nói lí nhí vì bạn cho rằng mình không giỏi giao tiếp, trước hết bạn có thể luyện tập để cải thiện kỹ năng giao tiếp, sau đó đề ra mục tiêu để thử thách bản thân với kỹ năng này.
    • Phát triển kỹ năng giao tiếp bằng cách nhận thức thông điệp của bản thân rồi sau đó rèn luyện cách truyền tải thông điệp khác. Bạn có thể lập nhóm cùng bạn bè (tốt hơn nên chọn người có kỹ năng xã hội tốt) và nhập vai để cải thiện kỹ năng. Nhớ tham khảo bài viết Phát triển các kỹ năng giao tiếp để tìm hiểu thêm về cách phát triển kỹ năng giao tiếp.
    • Ban đầu bạn có thể trò chuyện mỗi tuần một lần. Sau đó tăng dần lên mỗi ngày một lần.[1]
    • Tham khảo bài viết Có Được Sự Tự Tin để có thêm lời khuyên về cách phát triển sự tự tin.
  3. Duy trì mối quan hệ. Đôi khi thiếu tự tin lại có nguyên nhân từ gia đình hoặc bạn bè vì họ trách móc bạn hay quá chú tâm vào vẻ bề ngoài như ăn mặc đẹp hoặc trang điểm sao cho hợp mốt. Bạn cần nhận thức được rằng bạn bè hay người thân đang khuyến khích hay làm bạn nhụt chí, đừng ngần ngại tìm một người bạn mới nếu những người đó làm bạn tổn thương.
    • Những người bạn tốt sẽ ăn mừng cùng bạn khi thành công và khuyến khích bạn thử làm điều mới mẻ.[2]
    • Sau khi dành thời gian bên bạn bè, hãy tự vấn cảm xúc của bản thân: Bạn có cảm giác mới mẻ và thoải mái, sẵn sàng chào đón ngày mới? Hay bạn cảm thấy mệt mỏi và kiệt quệ như vừa mới đánh trận? Trạng thái cảm xúc sau khi ở bên người đó khiến bạn hiểu về ảnh hưởng của họ đến sự tự tin cũng như cảm xúc tổng thể của bạn nói chung.[2]
  4. Hiểu rằng mọi người đều có lúc lúng túng. Ta thường thấy ngại ngùng khi mọi người nhìn và đánh giá ta thiếu xót. Điều này có thể xảy ra bất ngờ (ở nơi công cộng) hay hình thành lâu dài (khi bạn chuẩn bị bài phát biểu trước công chúng) nhưng nguyên nhân luôn bắt nguồn từ nỗi sợ hãi thiếu tự tin và cảm giác bất an trong mỗi chúng ta. Chỉ cần bạn hiểu rằng mọi người đều trải qua cảm giác lúng túng thì bạn đã hoàn thành bước quan trọng để vượt qua chính mình.
    • Hầu hết mọi người đều phải chịu đựng cảm giác thiếu tự tin trong cuộc sống và lúng túng trong các tình huống xã hội chính là biểu hiện thường gặp.[3] Hãy thử nhìn nhận những người nổi tiếng theo cách khác: Jim Carey, Kim Cattrall và William Shatner đã phải trải qua nhiều thăng trầm trong sự nghiệp. [4] Nhưng họ đều vượt qua và đạt được thành công vang dội.
    • Cảm giác thiếu tự tin thường bắt nguồn từ tuổi thơ. Ví dụ, nếu bạn phải đấu tranh để bố mẹ đồng tình hay chú ý, hay những điều bạn làm chưa bao giờ đủ xuất sắc để được bố mẹ chú ý, hay bị bắt nạt, thì có thể bạn sẽ cảm thấy thiếu tự tin ngay cả khi đã trưởng thành.[5] Trong một vài trường hợp, bạn có thể điều trị các vấn đề hồi nhỏ khiến bạn cảm thấy lúng túng ở hiện tại.

Đối phó với Tình huống Xấu hổ[sửa]

  1. Tìm hiểu yếu tố khiến bạn lúng túng. Bạn thấy lúng túng trong tình huống nào? Bạn ngại nhất khi người lạ đánh giá bạn, chẳng hạn như khi bạn phát biểu trước nhiều người? Hay bạn ngại nhất khi người thân nhìn thấy hành động không đẹp của bạn, như khi thức ăn mắc vào răng hay giấy vệ sinh mắc vào chân?
    • Nhiều người có xu hướng lúng túng nhất khi người quen nhìn thấy họ mắc lỗi. Cảm giác này gần giống với xấu hổ. [6]
    • Các yếu tố khác bao gồm mọi người bàn tán hoặc có hành động không phù hợp (chẳng hạn như nói về tình dục hoặc chức năng của cơ thể).[3]
    • Đôi khi sự lúng túng được hình thành từ cảm giác thiếu tự tin. Các biểu hiện có thể là sợ gặp gỡ người mới, lúng túng về ngoại hình của bản thân, sợ phát biểu trong lớp.[3]
  2. Thừa nhận rằng lúng túng là điều hoàn toàn bình thường. Ai cũng trải qua cảm giác này và điều này rất đỗi bình thường![7] Cũng giống như mắc lỗi và rút kinh nghiệm, những tình huống xấu hổ dạy bạn rất nhiều về con người và giá trị của bản thân. Ngoài ra bạn còn hiểu được những khía cạnh bạn muốn phát triển.
    • Dễ xấu hổ cũng là một đặc điểm cá nhân, một phần con người bạn. Những người dễ xấu hổ có xu hướng cảm nhận được cảm xúc của người khác một cách sâu sắc, khiến họ trở thành những người đồng cảm và người bạn tuyệt vời. Vì vậy hãy tự hào về bản thân![7]
    • Hỏi bạn bè về những tình huống xấu hổ họ từng trải qua. Điều này giúp bạn tin rằng mọi người đều từng trải qua khoảnh khắc xấu hổ![7]
  3. Quên đi lỗi lầm trong quá khứ. Ta thường chìm đắm vào những chuyện xấu hổ ta trải qua và tưởng tượng rằng mọi người sẽ nghĩ đến chuyện đó khi nhìn thấy mình. Sự thật là hầu hết mọi người đều có những bất an của riêng mình nên không có thời gian nghĩ tới chuyện của bạn đâu!
    • Đôi khi bạn có thể hồi tưởng về khoảnh khắc xấu hổ trong quá khứ nếu muốn xem xét lại vấn đề. Sau tất cả, bạn đã vượt qua những điều đáng xấu hổ trong quá khứ, vậy tại sao điều này lại không?[7]
    • Đối tốt với bản thân, quên đi mọi chuyện và bước tiếp. Bạn sẽ nói gì với một người bạn ở trong hoàn cảnh giống mình? Hãy nhớ trở thành bạn với chính mình.[8]
  4. Tránh tình huống làm bạn lúng túng. Đôi khi, nhìn nhận được kiểu lúng túng bạn thường gặp sẽ giúp bạn tránh được những tình huống có yếu tố làm bạn ngại ngùng.
    • Nếu phát biểu trước đám đông là yếu tố làm bạn xấu hổ, hãy thử sử dụng trình chiếu Powerpoint hoặc phần mềm hỗ trợ trực quan. Việc này sẽ phân tán sự chú ý của mọi người vào bạn khi bạn nói, một cách tinh tế. Đồng thời, bạn nên luyện tập trôi chảy bài diễn thuyết để giúp bạn tự tin hơn vì hiểu rõ về những gì mình đang nói.[9]
  5. Nhờ bạn bè giúp đỡ. Nếu bạn tin tưởng gia đình và bạn bè rằng họ sẽ không lợi dụng mối bận tâm của bạn để làm bạn xấu hổ, bạn có thể nhờ giúp đỡ để tránh những tình huống xấu hổ. Nói cho bạn thân biết tình huống khiến bạn xấu hổ nhất và nhờ họ giúp bạn tránh tình huống đó.
    • Nếu bạn của bạn có xu hướng chỉ ra rằng bạn đang đỏ mặt, hãy yêu cầu họ dừng lại. Nghiên cứu chỉ ra rằng nếu ai đó nói rằng bạn đang đỏ mặt thì sẽ khiến bạn càng xấu hổ hơn![10]
    • Yêu cầu người bạn tin tưởng ngừng trêu chọc bạn về những chủ đề nhạy cảm. Đối với một vài người, xấu hổ nhất là khi bị trêu chọc về sự bất an (như đặc điểm ngoại hình hay bạn thích ai đó). Nếu ai đó thật sự quan tâm đến bạn và hiểu rằng chủ đề này làm bạn phiền lòng, họ sẽ thôi trêu chọc bạn. Nếu họ không ngừng lại thì có lẽ đã tới lúc bạn tìm bạn mới.

Sử dụng Chiến lược Đối phó[sửa]

  1. Kiểm soát phản ứng cơ thể. Cơ thể ghi nhận sự xấu hổ cũng giống như sợ hãi, và hình thành chuỗi phản ứng sợ hãi như tim đập nhanh, đổ mồ hôi tay, đỏ mặt, nói lắp.[11] Nếu luyện tập, bạn có thể kiểm soát các phản ứng cơ thể bằng cách tập trung chú ý và trấn an tâm trí, sử dụng kỹ thuật giống với khi làm dịu cơn hoảng loạn.
    • Tập trung sự chú ý vào vật không tạo mối đe dọa trong phòng, chẳng hạn như đồng hồ, poster, hay có thể là vết nứt trên tường. Nghĩ cụ thể về vật đó và bắt đầu luyện kỹ thuật hít thở sâu.[12]
    • Thở chậm và sâu, đếm đến 3 mỗi lần hít vào thở ra. Tập trung vào cảm giác khi không khí tràn đầy lồng ngực và khi khí thoát ra ngoài. Hình dung sự căng thẳng và lo âu biến mất theo từng hơi thở.[12]
    • Nếu tình huống xấu hổ được định sẵn (chẳng hạn như một bài phát biểu hay họp mặt phụ huynh), cố gắng làm điều gì đó giúp bạn thư giãn trước khi bắt đầu. Rất nhiều nghệ sĩ biểu diễn thực hiện nghi lễ trước buổi diễn để giúp họ tập trung và loại bỏ chứng sợ sân khấu. Brian Wilson của Beach Boys đã xoa bóp cơ thể và cầu nguyện trước mỗi buổi diễn.[13]
  2. Nhận thức được sự lúng túng. Nếu bạn có hành động ngoài mong đợi và lúng túng, chẳng hạn như đổ nước ra bàn họp hay gọi nhầm tên cấp trên thì nhận thức được tình huống này sẽ giúp cải thiện tâm trạng.[14]
    • Thử giải thích tại sao tình huống này lại xảy ra. Ví dụ, hãy nói "Tôi xin lỗi vì gọi nhầm tên ngài! Tại tôi đang nghĩ nhiều việc quá."[14]
    • Bạn có thể nhờ giúp đỡ. Nếu bạn làm đổ nước hay trượt chân, hãy nhờ ai đó giúp bạn. Thay vì cười nhạo sai lầm của bạn, họ sẽ đóng góp vào giải pháp giải quyết vấn đề.[14]
  3. Cùng cười. Nếu bạn hành động lúng túng trong buổi họp hay trên lớp, chắc chắn ai đó trong phòng sẽ cười khúc khích. Cười trong tình huống ngại ngùng là phản ứng tự nhiên của con người, điều này không có nghĩa là người đó coi thường bạn. Hãy cùng cười với họ để thể hiện rằng bạn có khiếu hài hước và đừng nghiêm trọng hóa mọi chuyện.
    • Nghiên cứu chỉ ra rằng sử dụng khiếu hài hước để khắc phục tình huống xấu hổ là giải pháp hiệu quả nhất, vậy nên hãy học cách tự cười bản thân. Bạn có thể nói đùa nếu nhanh trí (ví dụ, bạn làm đổ cà phê vào bản báo cáo trong cuộc họp, bạn có thể nói "hy vọng là trang này không có gì quan trọng!"), nếu không thì bạn có thể mỉm cười và nói "A ngại quá đi mất!"[11]
  4. Nhìn nhận nếu tình huống trở nên tệ hơn. Đôi khi xu hướng xấu hổ là đặc điểm của người cầu toàn.[7] Nhưng hiếm gặp hơn, cảm giác xấu hổ quá mức có thể là dấu hiệu của chứng lo âu xã hội.
    • Nếu bạn sợ xấu hổ hay sợ bị người khác đánh giá trong hoạt động hàng ngày hay khó có thể tận hưởng cuộc sống xã hội, có thể bạn đã mắc chứng rối loạn ám ảnh xã hội (đôi khi được gọi là chứng lo âu xã hội). Mặc dù hầu hết mọi người đều trải qua tình huống xấu hổ khi phát biểu trước đông người hay khi trượt ngã trước đám đông, những người mắc chứng rối loạn ám ảnh xã hội có thể cảm thấy xấu hổ vì những điều giản đơn hàng ngày như gọi món trong nhà hàng hay ăn ở nơi công cộng. Triệu chứng ám ảnh xã hội thường xuất hiện ở tuổi dậy thì.[15]
    • Có nhiều lựa chọn điều trị cho người mắc chứng ám ảnh xã hội, bao gồm điều trị tâm lý hoặc dùng thuốc. Hãy trao đổi với bác sĩ để được giới thiệu đến chuyên gia tâm lý hoặc bác sĩ chuyên khoa thích hợp.[15]

Lời khuyên[sửa]

  • Lúng túng không phải là điều tệ nhất trong cuộc sống, đôi khi mọi người cũng xấu hổ.

Nguồn và Trích dẫn[sửa]