Trị tiêu chảy

Từ VLOS
(đổi hướng từ Trị Tiêu chảy)
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Tiêu chảy không phải là một bệnh: nó là triệu chứng của một vấn đề khác về sức khỏe như nhiễm trùng hoặc bệnh do virus. Tiêu chảy cũng có thể là phản ứng của hiện tượng dị ứng thức ăn, thuốc, đơn bào (10%-15% trường hợp), virus (50%-70% trường hợp) hoặc vi khuẩn (15%-20% trường hợp) có trong thức ăn hoặc nước uống.[1] Trong đa số trường hợp, tiêu chảy sẽ tự khỏi trong vòng vài ngày, nhưng có những dạng tiêu chảy có thể gây ra các vấn đề nghiêm trọng. Tiêu chảy cấp được coi là nguyên nhân khiến 150.000 trường hợp nhập viện mỗi năm.[1] Hơn nữa, tiêu chảy là nguyên nhân đứng hàng thứ năm gây tử vong trên thế giới, tác động đến 11 phần trăm dân số chung.[1] Tuy nhiên, tiêu chảy là cách để cơ thể thải chất độc ra ngoài. Thường thì cách tốt nhất là cứ để cho tiêu chảy diễn ra tự nhiên trong khi điều trị nguyên nhân đằng sau nó, đồng thời hạn chế sự mất nước và mất cân bằng điện giải liên quan đến triệu chứng này.

Các bước[sửa]

Điều trị Tiêu chảy Không DùngThuốc[sửa]

  1. Uống nước và các chất lỏng khác để bù lại các vitamin và khoáng chất. Khi bị tiêu chảy, cơ thể thải ra các chất lỏng trong đó có chứa các vitamin và khoáng chất cần thiết. Điều quan trọng là phải lấy lại các chất này qua chất lỏng, đặc biệt là nước và nước uống thể thao.[1]
    • Chống mất nước là liệu pháp chủ yếu trong điều trị tiêu chảy. Nếu có nôn ói kèm theo tiêu chảy, bạn cần chú ý uống từng ngụm nhỏ nhiều lần thay vì uống một lần thật nhiều nước.
    • Các chất lỏng khác có thể uống để chống lại tình trạng mất nước là nước luộc gà hoặc bò, nước khoáng có hương vị hay các dung dịch bù nước như Pedialyte.[2]
    • Các thức uống không chứa caffeine là tốt nhất. Caffeine là chất lợi tiểu nhẹ, tức là nó có thể làm mất nước.[3] Nếu đang bị tiêu chảy, bạn nên chọn các loại chất lỏng không có khả năng làm mất nước thêm.
  2. Ngủ nhiều hơn. Trong việc hỗ trợ điều trị, giấc ngủ là rất cần thiết trong việc xử lý tiêu chảy. Tiêu chảy là một triệu chứng, vì vậy nó là dấu hiệu tốt cho thấy cơ thể đang chiến đấu chống lại tác nhân gây bệnh, ví dụ như virus. Ngủ và nghỉ ngơi là một trong những cách để hỗ trợ hệ thống miễn dịch.
  3. Chuyển sang chế độ ăn BRAT. Nếu đã hết nôn (hoặc không có triệu chứng nôn), bạn có thể bắt đầu áp dụng chế độ ăn BRAT – gồm chuối, cơm, táo và bánh mì nướng. Những loại thức ăn ít xơ này sẽ giúp làm phân cứng lại.[2] Các thức ăn trên cũng khá lành nên sẽ không gây nguy cơ làm rối loạn dạ dày.
    • Chuối trong chế độ ăn này cũng giúp bù lại lượng potassium đã mất qua quá trình tiêu chảy.[2]
  4. Bổ sung thêm những lựa chọn khác vào chế độ ăn BRAT. Mặc dù có hiệu quả trong việc hỗ trợ điều trị tiêu chảy, BRAT không phải là một chế độ ăn cân bằng.[1] Bánh quy mặn, khoai tây luộc, súp nước thịt, gà nướng bỏ da, cà rốt nấu chín và một số món ăn nhạt khác có thể giúp ích khi bạn vẫn còn rối loạn dạ dày.[2][4]
    • Một số người cũng có thể thử ăn sữa chua. Tuy nhiên, chất lactose trong sữa chua có thể làm nặng bụng khi bạn đang bị tiêu chảy. Nếu muốn chuyển sang ăn sữa chua, bạn nên chọn loại probiotic (trong đó có vi khuẩn sống) để phục hồi lợi khuẩn trong dạ dày và giúp bạn bình phục.[4]
  5. Tránh các loại thức ăn có thể làm triệu chứng trầm trọng thêm. Biết những món nên tránh cũng quan trọng như biết những món nên ăn. Nói chung, bạn nên tránh các thức ăn dầu mỡ, nhiều gia vị hoặc đồ ngọt và các loại giàu chất xơ.[4] Sữa và các sản phẩm từ sữa cũng có thể khó tiêu hóa đối với bệnh nhân tiêu chảy.[4] Bạn cũng nên tránh:
    • Kẹo cao su có chất sorbitol. Sorbitol là một chất nhuận tràng.
    • Thức ăn cay, hoa quả và rượu trong vòng ít nhất 48 tiếng sau khi triệu chứng tiêu chảy đã thuyên giảm.[5]
    • Thức ăn có caffeine như sô-cô-la vì caffeine có tác dụng làm mất nước.[3]
  6. Uống bổ sung kẽm. Các nghiên cứu đã chứng minh rằng việc bổ sung kẽm có thể cải thiện kết quả trong điều trị tiêu chảy.[6] Kẽm là một loại vi chất dinh dưỡng hỗ trợ trong quá trình tổng hợp protein, vận chuyển nước và các chất điện giải trong ruột. [7]
    • Tổ chức Y tế Thế giới khuyến nghị trẻ em dưới 6 tháng tuổi uống mỗi ngày 10mg kẽm, trẻ em trên sáu tháng tuổi uống 20mg mỗi ngày.[7] Người lớn nên uống theo liều hướng dẫn của nhà sản xuất.
  7. Trở lại chế độ ăn bình thường. Trong khoảng 24 đến 48 tiếng đồng hồ sau khi triệu chứng đã giảm, bạn có thể trở lại chế độ ăn bình thường.[2] Dần dần làm quen lại với thức ăn bình thường để có kết quả tốt nhất.
    • Ăn một cách hợp lý. Bắt đầu với món cá hay gà nhẹ nhàng thay vì một đĩa thịt lợn nướng có tẩm ướp nhiều gia vị.

Điều trị Tiêu chảy Bằng Thuốc[sửa]

  1. Uống thuốc chống tiêu chảy không cần toa. Các loại chế phẩm này bám vào thành ruột và ruột kết và thấm hút nước khiến phân bớt lỏng.[8] Đọc hướng dẫn liều lượng trên vỏ thuốc.
    • Quan trọng là không uống bất cứ loại thuốc nào khác trong vòng vài tiếng sau khi uống chế phẩm này, vì nó có thể khiến các loại thuốc khác bám vào ruột và ruột kết, làm giảm tác dụng của thuốc. Bạn nên uống riêng rẽ thuốc chống tiêu chảy và các loại thuốc khác.
  2. Uống thuốc không cần toa có chứa hợp chất bismuth. Hợp chất bismuth được tìm thấy trong các chế phẩm thông dụng như Pepto-Bismo, có chứa các thành phần tương tự như thuốc kháng sinh chống lại vi khuẩn gây tiêu chảy.[8] Cơ chế chống tiêu chảy của hợp chất bismuth vẫn chưa được biết chính xác. Có thể hợp chất này chỉ giúp ích cho bệnh nhân tiêu chảy do thay đổi môi trường hoặc những người đang chống chọi với vi khuẩn H.pylori.
  3. Thử uống thuốc chống nhu động ruột. Thuốc chống nhu động ruột làm chậm lại chuyển động của ruột và ruột kết. Chuyển động chậm sẽ khiến các cơ quan này thư giãn và có thêm thời gian để thấm hút nước, kết quả là phân bớt lỏng. Hai loại thuốc chống nhu động phổ biến là loperamide và diphenoxylate. Loperamide được bán không cần toa dưới các dạng khác nhau (ví dụ như Imodium A-D).[9][10]
    • Những bệnh nhân tiêu chảy do nhiễm khuẩn (ví dụ như khuẩn E.coli) cần tránh thuốc chống nhu động ruột.[1]
  4. Đến bác sĩ để được kê toa thuốc kháng sinh. Nếu sau 72 giờ uống các loại thuốc không kê toa kết hợp với chế độ ăn nhạt và uống nhiều nước nhưng tình trạng tiêu chảy vẫn không được cải thiện, bạn hãy đến gặp bác sĩ. Bác sĩ có thể kê toa thuốc kháng sinh cho bạn để điều trị tiêu chảy do vi khuẩn hoặc ký sinh trùng. Thuốc kháng sinh không có tác dụng trong điều trị tiêu chảy do virus gây ra.[11]
    • Đến gặp bác sĩ là vô cùng quan trọng nếu các loại thuốc không kê toa tỏ ra không có hiệu quả, vì tình trạng tiêu chảy do vi khuẩn hoặc ký sinh trùng thực ra sẽ xấu hơn khi uống những loại thuốc này.[9]
    • Bác sĩ sẽ quyết định kê toa một loại kháng sinh cụ thể để điều trị chứng tiêu chảy sau khi đã xét nghiệm phân và xác định được loại vi khuẩn gây ra những triệu chứng đó.

Điều trị Tiêu chảy bằng Thảo mộc[sửa]

  1. Đến gặp bác sĩ. Đối với dạng tiêu chảy do nhiễm trùng, liệu pháp thảo mộc thực ra có thể làm triệu chứng nặng hơn.[12] Hãy tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi chuyển sang điều trị bằng thảo mộc.
  2. Dùng các chế phẩm probiotics. Vi khuẩn sống có trong probiotic làm tăng số lượng lợi khuẩn trong ruột thường bị mất đi trong quá trình tiêu chảy. Bằng cách bổ sung lại các lợi khuẩn này, ống tiêu hóa có thể trở lại hoạt động bình thường nhanh hơn.[9]
    • Probiotic có sẵn trong các loại thực phẩm bổ sung và trong các loại sữa chua có gắn nhãn probiotic.
  3. Uống trà hoa cúc. Trà hoa cúc thường được dùng để chống viêm, trong đó có viêm đường tiêu hóa.[12] Bạn có thể uống đến 3 tách một ngày, nhấp từng ngụm nhỏ để giúp cơ thể dễ hấp thụ.
    • Lưu ý rằng trà hoa cúc có thể dẫn đến những phản ứng ở những người dị ứng với cây cúc dại, và cũng có thể cản trở sự hấp thu một số loại thuốc, trong đó có thuốc nội tiết.[12]
  4. Thử dùng cây mã đề. Mã đề là một loại chất xơ tan (tức là có hấp thụ nước). Nó có thể khiến phân cứng hơn khi bị tiêu chảy.[12] Luôn uống mã đề với nhiều nước.
    • Hỏi ý kiến bác sĩ trước khi dùng cây mã đề nếu bạn có bệnh viêm ruột.[12]
  5. Thử dùng rễ thục quỳ. Thục quỳ cũng là một loại thảo dược truyền thống làm giảm sưng viêm.[12] Dùng theo hướng dẫn của nhà sản xuất.
    • Bạn cũng có thể pha lạnh loại thảo mộc này như một loại trà bằng cách cho 2 thìa canh vào 1 lít nước và để qua đêm. Lọc lại trước khi uống.[12]
    • Loại thảo mộc này có thể ngăn cản hấp thụ một số thuốc – ví dụ như lithium – do đó bạn nên tham ý khảo bác sĩ trước khi uống.[12]
  6. Uống hỗn hợp bột cây du. Bột cây du cũng được sử dụng như một loại thảo dược truyền thống làm giảm viêm đường tiêu hóa.[12] Dùng theo hướng dẫn của nhà sản xuất.
    • Ngâm 4 gram bột cây du vào nửa lít nước sôi và để cho ngấm từ 3 đến 5 phút. Bạn có thể uống đến 3 lần mỗi ngày khi bị tiêu chảy.[13]
    • Một số nhà nghiên cứu thực vật cho rằng cây du có thể gây sẩy thai.[13] Hỏi ý kiến bác sĩ trước khi uống nếu bạn đang mang thai hoặc cho con bú.[13]
  7. Thử dùng giấm táo. Giấm táo được cho là có chứa các thành phần kháng vi trùng.[14] Nếu dùng giấm táo để trị tiêu chảy, bạn thử khuấy 2 thìa cà phê giấm táo vào một cốc nước ấm. Uống hỗn hợp này nhiều lần trong ngày.[14]
    • Nếu uống giấm cùng với các loại probiotics khác, bạn hãy dùng hai loại này cách nhau vài tiếng. Ví dụ như sữa chua có chứa các lợi khuẩn và thường được coi là có hiệu quả trong điều trị tiêu chảy. Sau khi uống giấm táo, bạn hãy chờ 2 tiếng trước khi ăn sữa chua.
  8. Thử sử dụng các loại thảo mộc làm se ruột. Các loại thảo mộc này được cho là làm khô màng nhầy trong ruột, và làm giảm lượng phân lỏng.[12] Đa số các loại thảo mộc này đều có sẵn dưới dạng thực phẩm bổ sung hoặc trà, trong đó bao gồm:[12]
    • Lá dâu tằm
    • Lá mâm xôi
    • Bột Carob
    • Chiết xuất việt quất
    • Cỏ long nha

Lời khuyên[sửa]

  • Nếu những triệu chứng trở nặng, hãy đến gặp bác sĩ.
  • Nếu tiêu chảy kèm theo sốt trên 38,5 độ C ở trẻ nhỏ hoặc trên 39 độ C ở người lớn, hãy đến bác sĩ.
  • Liên tục uống nước!
  • Nghỉ học hoặc nghỉ làm cho đến khi những triệu chứng đã được chữa trị, và thực hiện tốt việc rửa tay.

Cảnh báo[sửa]

  • Gọi cho bác sĩ nếu một trẻ sơ sinh hoặc trẻ nhỏ tiêu chảy hơn 24 tiếng hoặc có dấu hiệu bị mất nước.
  • Dấu hiệu mất nước bao gồm cảm giác mệt mỏi, khát nước, khô miệng, chuột rút, chóng mặt, mơ hồ, giảm lượng nước tiểu.
  • Đến bác sĩ nếu đi tiêu ra máu, cơ thể mất nước, khi vừa uống hết liều kháng sinh, hoặc khi tình trạng tiêu chảy kéo dài hơn 72 tiếng.

Nguồn và Trích dẫn[sửa]

Liên kết đến đây