Trị vết bỏng rộp ở lưỡi

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Hầu hết mọi người có thể đều bị bỏng lưỡi một vài lần trong đời. Chúng có thể từ vết bỏng nhẹ đến vết bỏng nặng với nhiều vết phồng rộp và cực kỳ đau. Nếu bạn vừa bị bỏng trên lưỡi, có rất nhiều cách để bạn có thể làm giảm cơn đau và giúp vết thương mau lành.

Các bước[sửa]

Xử lý Ngay lập tức[sửa]

  1. Nhổ ra bất cứ thứ gì gây bỏng cho bạn. Bạn sẽ có thể nhận ra ngay lập tức thức ăn hoặc đồ uống bạn vừa cho vào miệng còn quá nóng. Bạn nên nhổ thức ăn hoặc đồ uống khiến bạn bị bỏng ra ngay lập tức, nếu không nó sẽ tiếp tục làm bỏng miệng bạn. Không phải lúc nào cũng có thể nhổ thức ăn ra, nhưng bạn nên làm vậy thay vì nuốt chúng để không tiếp tục làm bỏng cổ họng và thực quản.
  2. Uống nước lạnh ngay lập tức. Điều này có hai lợi ích. Một, nó sẽ làm mát nơi bị bỏng. Hai, nó loại bỏ thức ăn hoặc chất lỏng vẫn còn nóng. Đặc biệt thức ăn chứa dầu có thể để lại dầu nóng trong miệng bạn và sẽ tiếp tục gây bỏng nếu bạn không rửa trôi chúng nhanh chóng.[1]
    • Lớp sữa lạnh trong miệng bạn tốt hơn cả nước. Bạn có thể biết thêm cách làm dịu vết bỏng từ việc uống sữa lạnh.[1]
  3. Đặt một viên đá lên lưỡi. Sau khi đã súc miệng với nước lạnh, ngậm một viên đá khoảng 5-10 phút. Điều này sẽ giữ miệng của bạn được lạnh và ngăn bất kỳ vết bỏng nào sau đó, ngậm càng nhiều trong miệng càng tốt. Điều này cũng sẽ làm tê nơi bị bỏng, nó khá hữu ích vì vết bỏng trên lưỡi có thể rất đau.[2]
  4. Súc miệng với nước muối. Sau khi bạn đã làm mát miệng, bạn sẽ muốn khử trùng lưỡi của mình. Miệng bạn chứa đầy vi khuẩn, và vết bỏng có thể bị nhiễm trùng nếu không được xử lý đúng cách. Dung dịch nước muối sẽ giúp làm sạch nơi bị bỏng và giữ nó không bị nhiễm trùng.[1][2]
    • Hòa 3g muối vào cốc nước ấm. Khuấy cho muối tan.
    • Súc miệng và cuống họng với dung dịch. Đảm bảo không nuốt nước muối.

Xử lý Vết bỏng Trong khi Đang Lành[sửa]

  1. Tiếp tục súc miệng với nước muối mỗi ngày. Bạn vẫn cần giữ sạch miệng trong khi vết thương lành. Bạn nên tiếp tục súc miệng một hoặc hai lần mỗi ngày cho đến khi vết bỏng lành.[2]
  2. Giữ nguyên vết phồng rộp. Nếu bạn bị bỏng nặng hơn, vết phồng rộp có thể hình thành và bạn có thể rất đau. Nếu vết rộp xuất hiện trên lưỡi bạn, đừng làm vỡ hay lấy nước ra. Chúng có thể tự vỡ, nhưng bạn không nên cố ý làm điều này. Vết phồng rộp bảo vệ các tế bào mới khi chúng hình thành và giữ vi khuẩn không bám vào vết thương. Làm vỡ chúng có thể làm chậm quá trình lành và có thể dẫn đến nhiễm trùng.[3]
  3. Uống nhiều nước. Điều này sẽ giúp giữ ẩm nơi bị thương, và giúp đỡ đau. Nó cũng sẽ giúp làm lành bằng cách cân bằng độ pH trong miệng và ngăn không cho axit gây tổn thương tế bào mới. Ngoài ra, vết phồng rộp có thể dễ vỡ hơn khi khô.[4]
  4. Ăn kem, sữa chua đông đá, đá viên, và các loại thức ăn mềm lạnh khác. Trong khi bạn có thể mất một số vị giác khi vết bỏng lành, nhưng những cách xử lý này đảm bảo quá trình lành sẽ dễ chịu hơn. Chúng không chỉ dễ ăn, mà vị lạnh sẽ giữ cho lưỡi bị tê và giảm đau.[2]
    • Rắc một ít đường lên lưỡi có thể giúp giảm đau.[4]
  5. Giữ thức ăn hoặc thức uống lạnh trong miệng thật lâu nếu có thể. Khi bạn uống nước lạnh hoặc ăn kem, để nó trên vết bỏng rộp thật lâu. Điều này sẽ làm tê nơi bị bỏng và chống lại cơn đau.[4]
  6. Uống hỗn hợp sữa và mật ong. Hỗn hợp này vừa làm dịu vừa giúp tăng sự lưu thông trong miệng. Sự lưu thông tăng cung cấp chất dinh dưỡng cho vết thương, sẽ giúp làm lành nhanh hơn và hiệu quả hơn.[5]
    • Ngoài ra, bạn có thể chỉ xoa một lớp mật ong lên vết phồng rộp. Điều này sẽ làm dịu vết thương và kích thích sự lưu thông. Mật ong cũng chứa chất kháng khuẩn tự nhiên có thể giúp ngăn ngừa nhiễm khuẩn.
    • Không dùng mật ong cho trẻ sơ sinh dưới 1 tuổi. Nó có thể khiến trẻ bị ngộ độc, trong tình trạng nghiêm trọng.
  7. Uống thuốc tê đối với vết phồng rộp và đốm đau. Nếu kem và nước lạnh không đủ hiệu quả để trị cơn đau, bạn có thể uống thuốc tê. Những nhãn hiệu như Orajel và Anbesol có sẵn ở cửa hiệu thuốc và siêu thị. Chúng giúp làm tê nơi bị thương trong khi lành. Đảm bảo dùng những loại thuốc này theo hướng dẫn trên bao bì hoặc của thầy thuốc.[2]
  8. Uống thuốc giảm đau nếu bạn cảm thấy khó chịu. Nếu cơn đau do bỏng gây khó chịu, bạn có thể xử lý bằng thuốc giảm đau như acetaminophen.[2]
  9. Đánh răng cẩn thận. Cả việc chải răng và chất hóa học trong kem đánh răng có thể đau và làm tổn thương vết bỏng. Bạn sẽ phải cẩn thận khi chải răng để tránh làm vỡ chỗ phồng rộp và cản trở quá trình lành.[5]
    • Không chải lưỡi. Bạn sẽ làm tổn thương tế bào mới hình thành và làm chậm quá trình lành. Bạn cũng có thể làm vỡ vết rộp, dẫn đến nhiễm khuẩn.
    • Không bôi kem đánh răng lên nơi bị bỏng. Kem đánh răng có thể gây kích ứng cho vết bỏng và gây đau.
    • Hạn chế súc miệng bằng thuốc sát trùng, nếu được. Giống như kem đánh răng, nước súc miệng sát trùng sẽ gây kích ứng cho vết bỏng. Tốt hơn là súc miệng với nước muối trong khi chờ vết bỏng lành.
  10. Gặp bác sĩ nếu bạn thấy không có cải thiện hoặc quá đau để xử lý. Các tế bào trong miệng của bạn tái tạo rất nhanh, vì vậy đa số vết bỏng lưỡi sẽ hết/lành trong 2-3 ngày. Tuy nhiên, nếu vết bỏng của bạn nghiêm trọng hơn, nó có thể mất nhiều thời gian hơn để miệng bạn lành lại. Nếu đã hơn 3-4 ngày và bạn vẫn không thấy có cải thiện, khám bác sĩ để đảm bảo bạn không bị nhiễm trùng. Bạn cũng nên gặp bác sĩ mọi lúc nếu cơn đau nghiêm trọng hơn để bạn có thể xử lý, hoặc nếu vết bỏng có vẻ rộng hoặc sâu, hoặc nếu vết bỏng gây khó thở hoặc khó nuốt.[2]

Tránh Các Chất Kích ứng Trong khi Miệng Đang lành[sửa]

  1. Tránh thức ăn và đồ uống nóng trong khi miệng bạn đang lành. Bạn vẫn có thể uống cà phê và trà, nhưng phải đảm bảo bạn để nguội hoàn toàn trước khi uống. Bạn thậm chí có thể cần xem xét việc chuyển sang thức ăn và đồ uống lạnh trong vài ngày. Tế bào mới trong miệng bạn sẽ rất nhạy cảm-nếu bạn để chúng tiếp xúc với thức ăn nóng trước khi vết bỏng lành hoàn toàn, chúng có thể bị bỏng trở lại. Và nó cũng sẽ rất đau.[4]
    • Thổi để thức ăn và đồ uống nguội nhanh hơn. Với đồ uống, bạn nên cho thêm đá viên để đảm bảo chúng ở nhiệt độ an toàn.
    • Kiểm tra mọi thứ trước khi bạn cho vào miệng. Dùng đầu lưỡi chạm vào để đảm bảo nó ở nhiệt độ an toàn.
  2. Tránh thức ăn giòn. Các loại thức ăn như bánh quy, khoai tây chiên, và bánh mì giòn nên được loại khỏi thực đơn đến khi vết bỏng của bạn lành. Chúng có thể làm xước vết bỏng của bạn, và sẽ rất đau. Chúng cũng có thể làm vỡ vết phồng rộp, làm chậm quá trình lành và tăng nguy cơ nhiễm trùng.[2]
  3. Kiêng đồ ăn có gia vị. Thức ăn cay sẽ gây rất nhiều cơn đau cho miệng đang lành. Sự kích ứng từ gia vị cũng có thể làm chậm quá trình hồi phục. Nếu bạn thích ăn đồ cay, thì cách tốt nhất là kiêng ăn trong vài ngày trong khi vết bỏng của bạn lành. Đồng thời tránh thêm bất kỳ loại gia vị nào như ớt vào thức ăn của bạn.[2]
  4. Ngưng ăn thức ăn có tính axit. Đa số chúng là trái cây thuộc họ cam chanh như chanh, cam, và dứa. Axit citric sẽ làm tổn thương và làm chậm quá trình lành. Chờ ít nhất 3 ngày trước khi đem những thức ăn này trở lại trong khẩu phần ăn của bạn.[2]

Cảnh báo[sửa]

  • Gặp bác sĩ nếu vết bỏng nằm ở khu vực khác trong miệng, đặc biệt là ở sau cuống họng, hoặc nếu bỏng do hóa chất.
  • Kiểm tra các dấu hiệu của nhiễm trùng. Nếu bạn thấy nổi đỏ, sưng phồng, đau nhiều, hoặc có mủ xung quanh vết bỏng, khám bác sĩ ngay lập tức.

Nguồn và Trích dẫn[sửa]

Liên kết đến đây