Trồng hoa Lan

Từ VLOS
(đổi hướng từ Trồng Lan)
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Hoa Phong lan, một trong số những loài hoa đẹp nhất của vương quốc thực vật, là sự kết hợp của vẻ đẹp kỳ lạ với các đặc điểm đa dạng. Phong lan là loài hoa thanh nhã, gồm tới hơn 30.000 loài và hơn 200.000 giống lai khác nhau đã khiến chúng trở thành họ thực vật lớn nhất trên thế giới. Với khả năng phát triển cả trong nhà và ngoài trời, không nghi ngờ gì hoa lan là loài hoa đặc biệt và khó trồng đối với ngay cả một số người làm vườn giàu kinh nghiệm. Người trồng phong lan phải chuẩn bị tâm lý cho cả sự thất bại cũng như thành công do công việc trồng loại cây đáng yêu này mang lại.

Các bước[sửa]

Trồng Lan vào Chậu[sửa]

  1. Chọn loài lan. Một số loài lan dễ trồng hơn so với một số loài lan khác. Cát lan, Lan Hồ điệp và Lan hài nằm trong số những loài dễ trồng nhất và được khuyên trồng cho hầu hết những người mới bắt đầu làm vườn hoặc mới bắt đầu trồng lan. Tuy nhiên, với hơn 20.000 loài - gấp 2 lần số loài chim và 4 lần số loài động vật có vú thì gần như mỗi kiểu người đều có thể chọn ra một loài lan cho riêng mình.
    • Những giống lan được bày bán nhiều nhất gồm có Phalaenopsis, Dendrobium và Oncidium. Phalaenopsis còn được gọi là "lan hồ điệp" và cực kỳ phổ biến trong giới bắt đầu trồng lan; riêng loài Dendrobium có khoảng 1200 loài và là giống lan biểu sinh; Oncidium có đặc điểm là cánh trụ và có cục chai sần ở môi hoa.
    • Mỗi loài lan lại có yêu cầu về độ ẩm, nhiệt độ, tần suất tưới nước, và ánh sáng khác nhau. Hãy hỏi ý kiến chuyên gia vườn ươm hoặc vào các diễn đàn trồng lan để tìm hiểu cách chăm sóc tốt nhất cho cây lan của bạn.
  2. Chọn đúng loại đất trồng. Một số người lần đầu trồng lan phạm sai lầm khi cho rằng lan cần được trồng trong đất giống như những loài hoa khác. Đó là một lỗi làm vườn nghiêm trọng. Hầu hết rễ lan cần lượng không khí nhiều hơn rất nhiều so với lượng không khí đất có thể cung cấp, do đó hỗn hợp trồng phải tơi và xốp.[1]
    • Nhiều người sử dụng vỏ cây, rêu, vỏ dừa, than, đá trân châu, và thậm chí các viên Styrofoam làm hỗn hợp trồng, hoặc kết hợp chúng lại. Hãy thử nghiệm độ xốp, thoáng khí của hỗn hợp trồng mà bạn có, hoặc xin công thức đặc biệt của chuyên gia.
  3. Thử một hỗn hợp trồng, hoặc kết hợp nhiều loại khác nhau. Để đơn giản, bạn có thể làm hai loại hỗn hợp trồng cơ bản sau đây mà hầu hết các loại lan đều ưa thích.
    • Tạo hỗn hợp trồng mịn thích hợp cho lan hài, hầu hết lan oncidium, miltonia, và các loại lan có rễ nhỏ ưa ẩm:
      • 4 phần vỏ thông hoặc vỏ dừa xay mịn
      • 1 phần than củi xay mịn
      • 1 phần đá trân châu
    • Tạo hỗn hợp trồng vừa phải phù hợp cho cát lan, lan phalaenopsis, và những cây lan trưởng thành khác. Nếu bạn không chắc phải sử dụng hỗn hợp nào, hãy thử hỗn hợp trồng loại vừa phải trước khi dùng loại mịn:
      • 4 phần vỏ thông hoặc vỏ dừa băm vừa phải
      • 1 phần than củi đập vừa phải
      • 1 phần đá trân châu
  4. Nếu cây lan của bạn không lớn, hãy chọn một chiếc chậu nhỏ nhắn. Nhiều loại lan ưa chậu chật hẹp cho rễ bó lại với nhau. Hãy chọn một chiếc chậu nhỏ hơn để đặt cây lan của bạn vào, đảm bảo rằng chậu có nhiều lỗ thoát nước. Hãy nhớ, kẻ thù của hoa lan thường là tưới quá nhiều nước. Một số loài lan, chẳng hạn như địa lan, sẽ cần chậu dài hơn để vừa với bộ rễ rất dài của chúng. Các loại chậu sau đây có thể thay thế cho chậu đất sét truyền thống:
    • Giỏ lưới thép cho phép môi trường thoáng khí. Bạn có thể treo chúng ở vị trí thuận lợi để nhận được nhiều ánh sáng mặt trời hơn.
    • Giỏ nhựa trong giúp rễ cây nhận được nhiều ánh sáng mặt trời hơn. Chúng cho phép người trồng kiểm tra hệ thống rễ mà không cần phải động vào cây.
    • Giỏ gỗ được làm bằng gỗ chống mục. Hãy lót tấm rêu bên dưới giỏ gỗ trước khi bỏ hỗn hợp đất trồng vào.
  5. Nếu nhân giống hạt, bạn hãy kiên nhẫn. Hãy đảm bảo tay và môi trường của bạn là vô trùng. Chỉ rắc một vài hạt giống ngay bên dưới bề mặt mỗi chậu. Bón phân nếu cần thiết. Một lần nữa, hãy sử dụng loại đất trồng tốt nhất mà bạn có.
  6. Đưa cây vào chậu. Tháo cây ra khỏi chậu ban đầu, cắt hết rễ chết hoặc rễ thối. Chia rễ thành các phần khác nhau, nếu cần thiết, trước khi đặt cây vào trong chậu.[2] Phần rễ già nhất phải được đặt dựa vào thành chậu. Nhẹ nhàng rắc hỗn hợp đất trồng lên, phủ vừa kín bộ rễ.
  7. Biết được khi nào cần thay chậu cho cây lan của bạn. Các loài lan khác nhau cần thời điểm thay chậu cũng khác nhau:
    • Thay chậu hàng năm: Dendrobium, Miltonia, Paphiopedilum và Phalaenopsis (và giống lai)
    • Thay chậu hai năm một lần: Cattleya, Dendrobium, Oncidium, Odontoglossum (và giống lai)
    • Thay chậu ba năm một lần: Vanda, Cymbidium

Chăm sóc Lan[sửa]

  1. Tạo nhiệt độ phù hợp cho cây lan của bạn. Hầu hết lan xuất xứ từ khí hậu nhiệt đới nơi có không khí trong lành, nhiều ánh sáng, và ban ngày kéo dài 12 giờ (365 ngày một năm). Tùy thuộc vào từng loại lan, nhiệt độ nên dao động từ 18,3 đến 23,8 độ C.
    • Đảm bảo độ chênh lệch nhiệt độ giữa ngày và đêm vào khoảng 6.66 độ C. Điều này phải được thực hiện ngay khi bạn bắt đầu.
  2. Đảm bảo cây lan của bạn nhận đủ ánh sáng mặt trời nhưng không được nhiều quá. Nhiều cây lan không thích ánh nắng chiếu trực tiếp: ánh nắng trực tiếp khiến chúng bị cháy lá trong khi không đủ ánh sáng khiến cho cây không thể nở hoa.
    • Kiểm tra lá cây để xem nó thiếu hoặc nhận quá nhiều ánh sáng. Nếu cây lan khỏe mạnh lá sẽ màu xanh nhạt và đều. Nếu lá cây màu xanh thẫm, điều đó có nghĩa là cây lan của bạn không nhận đủ ánh sáng. Nếu lá cây màu vàng, nâu, hoặc hơi đỏ, điều đó nghĩa là chúng đang nhận quá nhiều ánh sáng.[3]
    • Những giống lan cần ít ánh sáng (Paphiopedilum, Phalaenopsis, và Oncidium) sinh trưởng tốt nhất nếu chúng được ánh nắng hướng bắc hoặc hướng đông chiếu vào. Những giống lan cần lượng ánh sáng vừa và nhiều (Cattleya, Dendrobium, và Vanda) ưa ánh nắng hướng tây hoặc hướng nam.
    • Hoa lan thích được trồng sau rèm hoặc mành cửa sổ. Ở đó chúng nhận được rất nhiều ánh sáng nhưng không bị mặt trời trực tiếp chiếu vào.
  3. Tưới nước cho cây lan của bạn từ 5 đến 12 ngày một lần.[4] Tưới nước cho lan quá thường xuyên dễ giết chết cây hơn so với quên không tưới chúng. Trong những tháng mùa hè, thời gian ban ngày dài hơn và nhiệt độ cao hơn khiến cho cây phải được thường xuyên tưới nước hơn.
    • Luôn luôn giữ ẩm (không tưới ướt sũng) cho những giống lan sau đây: Paphiopedilum, Miltonia, Cymbidium, và Odontoglossum.
    • Những giống lan sau đây phải được giữ ẩm trong suốt quá trình sinh trưởng, nhưng mặt khác giữa các lần tưới nước phải để khô: Cattleya, Oncidium, Brassia, và Dendrobium.
    • Những giống lan sau đây phải được để khô giữa các lần tưới nước: Phalaenopsis, Vanda, và Ascocenda.
  4. Chăm sóc hoa lan một cách kỹ lưỡng. Phong lan cần nhiều sự chăm sóc hơn so với những loài cây và hoa thông thường khác. Lá cây càng dầy, cây càng cần nhiều nước. Nếu cây của bạn có các bầu hoa giả to thì bạn không nên tưới nhiều nước. Lan là loài cây có sức chịu đựng kém trong hầu hết các trường hợp nhưng khi nói đến mức độ cần nước chúng lại rất kiên cường. Phải nhắc lại một lần nữa là, thiếu nước đối với chúng còn tốt hơn là tưới quá nhiều.
  5. Không được bón quá nhiều phân. Thông thường bạn nên bón phân mỗi tháng một lần. Bón phân quá thường xuyên bạn sẽ khiến cây bị cháy rễ và làm chậm quá trình nở hoa; bón phân không đủ bạn sẽ cản trở việc ra hoa của cây.
  6. Giữ mức độ ẩm cao. Do bản chất của hoa lan là ưa ẩm do đó hãy giữ mức độ ẩm trong phòng trồng luôn trong khoảng 60% đến 80%.
  7. Hiểu được rằng mỗi loại lan cần có một chế độ chăm sóc khác nhau. Không loại lan nào giống loại lan nào; nhiệt độ, điều kiện ánh sáng và chế độ tưới nước đều khác biệt. Vì vậy khi bạn chọn một cây lan để trồng, bạn phải linh hoạt khi chăm sóc chúng.

Lời khuyên[sửa]

  • Lan cần một thời gian rất dài để phát triển. Trong một vài tháng, có thể bạn sẽ không thấy cây phát triển gì mấy, rễ vươn xa và những bông hoa đầu tiên sẽ nở phải mất đến 8 năm. Vì vậy, kiên nhẫn là điều quan trọng nhất. Tuy nhiên, sự bình tĩnh và công chăm sóc sẽ được đền đáp khi cây lan tuyệt đẹp của bạn nở hoa.
  • Nếu bạn sống ở vùng có mùa hè nóng và khô, hãy tăng tần suất tưới cho cây. Bạn có thể thực hiện điều này theo hai cách – mỗi ngày phun sương lên lá cây hoặc nhúng chậu lan trong một xô nước mỗi tuần một lần sau đó để ráo.

Nguồn và Trích dẫn[sửa]

Liên kết đến đây