Trở nên tháo vát

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Không phải lúc nào chúng ta cũng được trao cho những giải pháp để ứng phó với những vấn đề nảy sinh trong cuộc sống. Trong trường hợp cần kíp, đôi khi mọi thứ bạn cần chỉ là một chút sáng tạo để xử lý tình huống. Tháo vát có nghĩa là giải quyết vấn đề với những thứ có trong tay và thu được kết quả tối đa với phương tiện tối thiểu. Sau đây là một vài gợi ý chung để giúp bạn trở nên tháo vát.

Các bước[sửa]

Phát triển các kỹ năng[sửa]

  1. Giữ đầu óc cởi mở. Định nghĩa lại về những điều có thể và không thể. Bạn có những tài năng đặc sắc để hoàn thành các mục tiêu ngay lúc này. Cân nhắc những khả năng mới là điều then chốt để bắt tay vào hành động hướng đến thành công.
    • Nghĩ thoáng có nghĩa là bạn sẵn sàng tìm những giá trị trong con người, sự kiện và sự vật xung quanh mình. Chấp nhận các khả năng, những cơ hội, con người, quan điểm, đề nghị và các trải nghiệm khác nhau. Nhận biết rằng bạn có thể học được từ những điều mới mẻ hoặc khác biệt. Khi suy nghĩ vượt ra khỏi khuôn khổ, bạn có thể tìm ra các giải pháp cho vấn đề mà những người khác không thể nghĩ ra.
    • Hãy nói, “Vâng, tôi làm được,” và tự buộc mình làm những điều mà mọi người cho rằng không thể. Điều này giải thích tại sao có người thành công khi những người khác từ bỏ giấc mơ của mình.
    • Bước ra khỏi vùng an toàn và mở rộng tầm mắt. Nếu bạn chưa bao giờ đến một đất nước khác, học một ngoại ngữ, thử một món ăn lạ, viết một cuốn sách hoặc chơi nhảy dù, vậy thì bây giờ bạn hãy thực hiện. Bạn có thể khám phá ra điều gì đó khiến cuộc sống của mình tươi đẹp hơn và giúp bạn giải quyết vấn đề.
  2. Tự tin.[1] Bạn có khả năng xử lý mọi vấn đề. Bạn đã có trong tay mọi thứ cần thiết – đó chính là bạn! Việc nhận ra rằng bạn có tài và đủ năng lực để làm một điều gì đó chính là bước khởi đầu để thực sự giải quyết được vấn đề.
    • Tự tin nghĩa là bạn yêu thích và tin tưởng bản thân mình. Nhìn nhận tài năng, năng lực và các phẩm chất tốt đẹp của bạn. Hãy hiểu rằng bạn có thể xử lý vấn đề và tìm giải pháp để đương đầu với các thách thức.[2]
    • Mỗi ngày bạn hãy tưởng tượng về sự thành công của mình. Khi những khó khăn ập đến, bạn hãy hình dung bản thân mình đang vượt qua. Tưởng tượng rằng bạn đang hoàn thành các mục tiêu và đang mừng cho những thành quả của mình.
    • Chấp nhận những lời khen ngợi và tôn vinh. Biết rằng bạn xứng đáng.
    • Ghi nhật ký về những thành quả của bạn. Viết lại những việc bạn đã đạt được mỗi ngày. Chẳng mấy chốc bạn sẽ ghi đầy các trang nhật ký và biết mình đã làm được nhiều đến mức nào. Điều đó sẽ giúp bạn nhận ra rằng mình có quyền tự tin.
  3. Sáng tạo. Nói đến tháo vát là nói về sự lạc quan với những việc phải làm. Sáng tạo không chỉ là tạo ra cái mới mà còn là cải tiến những cái cũ.[3] Nghĩ về những khả năng điên rồ cũng như những điều thực tiễn. Bạn sẽ tìm được cảm hứng cho một giải pháp khả thi từ một trong những ý tưởng đó.
    • Nghĩ về một thợ cơ khí lành nghề biết tạo nên các món đồ kỳ diệu từ những phần linh kiện rời và một chút khéo léo. Người thợ máy có thể không cần sách hướng dẫn nhưng vẫn xác định được vấn đề hỏng hóc dựa vào các triệu chứng, biết dùng công cụ và vật liệu sẵn có để sửa chữa. Bạn hãy học người thợ máy đó trong trường hợp của mình.[4]
    • Để tâm trí bay bổng. Đừng ngừng suy nghĩ về một vấn đề gì đó vì cho rằng nó không có liên quan. Thông thường các ý nghĩ của bạn sẽ đi từ ý tưởng này sang ý tưởng khác và lại đến ý tưởng khác nữa. Bạn có thể có nảy ra một sáng kiến tuyệt vời hoặc thấu hiểu vấn đề nhờ một trong những ý tưởng đó.
  4. Chủ động. Đừng kìm giữ những ước mơ vì phải chờ đợi các nguồn lực hoặc những con người thích hợp xuất hiện. Nếu bạn để cho hoàn cảnh quyết định thời điểm và cách thức hành động của mình, bạn sẽ luôn chịu thiệt thòi. Nếu cơ hội đến, bạn phải cố gắng nắm lấy nó. Đừng lo lắng quá nhiều hoặc nghĩ đến chuyện rút lui.
    • Đừng chỉ làm một người quan sát thụ động. Hãy tham gia một cách tích cực và chú tâm. Chủ động nghĩa là khởi xướng và đóng góp vào bất cứ giải pháp nào.
    • Đừng chỉ đơn thuần phản ứng với những sự kiện, những con người, các thách thức và thông tin. Hãy thu hút và gây ảnh hưởng để thực sự đóng góp cho tình huống.
  5. Bền chí. Nếu ngừng lại trước khi vấn đề được giải quyết thì bạn sẽ không hoàn thành được điều gì. Cố gắng thử lại, hàng chục lần hay hàng trăm lần nếu cần thiết.[5] Đừng bỏ cuộc.
    • Nghĩ về những động lực của bạn. Xác định lý do khiến bạn muốn hoàn thành một điều nào đó và dựa vào đó để hướng đến đích.
    • Phát triển tính kỷ luật. Có nhiều bất trắc sẽ xảy đến trên hành trình tới đích của bạn. Nếu bạn rèn luyện tính kỷ luật và thiết lập thói quen thực hiện những điều cần làm bất chấp trở ngại, bạn sẽ chạm tới mục tiêu của mình.
    • Đừng bao giờ vội kết luận rằng mình thất bại nếu bạn chưa thành công – thay vì thế, bạn hãy coi đó là sự rèn luyện.
  6. Tích cực. Hầu như bất cứ vấn đề nào cũng có giải pháp. Bạn hãy nhìn vào mặt tích cực trong mọi tình huống. Một khi đã xây dựng được thái độ đúng đắn, bạn sẽ tìm ra giải pháp dễ dàng hơn.
    • Nghĩ về tất cả những lần bạn giải quyết khủng hoảng hoặc ứng phó với tình huống khó khăn và những thành công trong những thời khắc ngặt nghèo đó. Biết rằng bạn có thể vượt qua. Đây là thái độ của những người tháo vát khi những rắc rối nảy sinh trên con đường họ đang đi.
    • Nhớ rằng bạn sẽ trở nên mạnh mẽ và tài giỏi hơn mỗi lần khắc phục được một vấn đề. Kinh nghiệm sẽ dạy bạn những điều mà sau đó bạn có thể truyền lại cho những người đang cần sự khích lệ.[6]
    • Hoàn thiện bản thân. Học những điều mới mẻ và cố gắng cập nhật những sự kiện đang diễn ra xung quanh mình. Ngay cả khi bạn đã thành đạt, việc học hỏi vẫn tiếp tục giúp bạn thành công và làm phong phú thêm cho cuộc sống của bạn. Bạn cũng nên học cách chấp nhận và khuyến khích những người khác nữa.[6]
    • Học cách kiểm soát hoặc khắc phục những điểm yếu nếu có. Bạn sẽ không thể kiểm soát tình huống một cách hiệu quả nếu không biết cách chế ngự nỗi sợ và các nhược điểm của mình.
    • Đọc càng nhiều sách càng tốt.
    • Quay trở lại trường và học một ngành mới.

Lường trước các vấn đề[sửa]

  1. Chuẩn bị tinh thần. Bạn không thể lường hết mọi việc, nhưng bạn có thể dự tính cho nhiều vấn đề. Càng chuẩn bị trước, bạn càng có khả năng xoay xở khi đối mặt với vấn đề.
    • Thu thập một bộ dụng cụ và học cách sử dụng. Càng có nhiều công cụ để dùng khi cấp thiết, bạn càng dễ dàng xoay xở. Tùy vào hoàn cảnh, các công cụ trong tay bạn có thể là một bộ dụng cụ thực thụ, hoặc những món có thể để trong ví, bộ dụng cụ sinh tồn, xưởng làm việc, căn bếp, một chiếc xe tải, hoặc thậm chí là bộ cắm trại. Học cách sử dụng những dụng cụ đó và đảm bảo chúng có sẵn khi bạn cần đến.
    • Tập luyện ở nhà. Nếu chưa biết cách thay lốp xe, bạn hãy thử làm ở lối vào nhà mình trước khi xe bạn bị xẹp lốp khi còn cách nhà nhiều cây số, khi tối trời, trong cơn mưa. Học cách dựng lều ở sân sau nhà hoặc đi dã ngoại trong thời gian ngắn để làm quen với bộ dụng cụ dã ngoại. Chăm chút cho bộ dụng cụ và rèn kỹ năng trước khi bạn phải đem ra thử nghiệm.
    • Dự tính cho những vấn đề có thể xảy và xử lý trước khi nó trở nên rắc rối. Nếu bạn lo rằng mình bỏ quên chìa khóa và bị nhốt ở ngoài, bạn có thể giấu chìa khóa dự phòng ở sân sau. Móc chìa khóa vào một vật to và dễ thấy để khỏi đánh mất. Phối hợp với những người đến và đi để không vô tình nhốt nhau ở ngoài.
    • Tập luyện tính tháo vát trước khi áp lực xảy đến. Thử nấu một bữa ăn với những thực phẩm còn lại trong tủ thức ăn thay vì đi ra cửa hàng. Sáng chế ra thứ bạn cần thay vì đi mua. Tự tạo nên món đồ của riêng mình, ngay cả khi nó được làm sẵn.
  2. Quản lý thời gian.[7] Thời gian làm nên cuộc sống, và đó không phải là một nguồn vô tận. Nếu có thời gian, bạn hãy sử dụng một cách hiệu quả. Làm sao cho từng khoảnh khắc đều trở nên có ý nghĩa và góp phần vào con đường đạt đến những mục tiêu cuối cùng của bạn.
    • Tùy theo tình huống phải vượt qua, bạn có thể phải làm việc nhiều giờ hơn, xin thêm thời gian, cộng tác với những người khác, hoặc thực hiện các biện pháp để ứng phó tạm thời khi bạn có thể phát triển điều gì đó dài hơi hơn.
    • Hạn chế những điều gây xao lãng và làm gián đoạn. Nếu có thể kiểm soát, bạn hãy hạn chế những chướng ngại vật trên con đường đi tới mục tiêu của mình. Có thời gian làm việc và cũng có thời gian để vui chơi. Bạn cần làm việc và cả vui chơi, nhưng nhớ tập trung vào việc chính. Đừng gọi điện thoại hay chat khi đang làm việc. Tắt ti vi. Tương tự như vậy, bạn đừng để áp lực công việc chen vào những lúc nghỉ ngơi cùng bạn bè và gia đình.
    • Nhớ phải kiên nhẫn. Thời gian là quan trọng, nhưng một số việc muốn có hiệu quả phải có thời gian. Ngoài ra bạn cũng nên đề nghị những người khác kiên nhẫn.
  3. Giao tiếp với mọi người. Xác định xem liệu bạn có thể liên lạc được với những người biết câu trả lời, có khả năng giải quyết hoặc hỗ trợ bạn xử lý một vấn đề nào đó trước khi nó xảy ra. Bàn bạc trước về những khả năng có thể phát sinh. Cùng với những người có kiến thức và kinh nghiệm hình dung ra các kịch bản và động não suy nghĩ về các giải pháp với nguồn lực hạn chế.
    • Những mối quan hệ giữa mọi người có thể được thu thập thành nguồn lực tiềm năng. Mạng lưới xã hội là một cách để tạo nên những nguồn lực đó, dù là mạng lưới chính thức hay thân mật.
    • Nếu có thể, bạn hãy giúp đỡ những người khác trước khi đến lúc bạn cần nhờ họ giúp đỡ. Quan tâm tới mọi người, thực sự tìm hiểu họ và giúp đỡ khi họ cần. Điều này sẽ tăng khả năng có người sẵn sàng giúp đỡ bạn vào những lúc bạn cần.
  4. Kiếm tiền. Tiền có thể là một tài sản đầy quyền lực trong một số tình huống. Nếu bạn không có tiền mà lại cần đến nó, vậy thì tháo vát có thể bao gồm cả việc nghĩ ra các sáng kiến để kiếm tiền. Ngoài ra, bạn cũng nên cân nhắc giải quyết vấn đề mà không cần đến tiền.
    • Kiếm tiền từ những người khác. Đề nghị làm một việc gì đó để được trả tiền. Bạn có thể làm người gây quỹ nếu tìm cách quyên tiền cho mục đích tốt.
    • Tìm một nghề nghiệp. Một món tiền đều đặn là điều quan trọng để có một nguồn lực ổn định. Suy nghĩ về những kỹ năng bạn có và xem bạn có thể nộp đơn xin vào các vị trí đang tuyển người ở khu vực bạn ở không. Vào những trang như Monster.com hay LinkedIn trên mạng để tìm công việc phù hợp với mình. Ngoài ra, bạn hãy xem báo địa phương để tìm các vị trí đang tuyển người. Nếu có một vị trí hay một công ty nào đó mà bạn muốn vào làm việc, bạn hãy tìm trang web của họ hoặc đi đến đó và hỏi có vị trí nào đang để ngỏ không.
    • Quay trở lại trường. Học vấn có thể là con đường dài hơn để kiếm được tiền, nhưng nếu mục tiêu cuối cùng của bạn là tiền lương cao thì đây có thể là lựa chọn tốt nhất của bạn.

Đánh giá tình huống[sửa]

  1. Đánh giá tình huống. Khi một tình huống khó khăn xuất hiện trên con đường bạn đang đi, bạn hãy cố gắng xác định rõ vấn đề trong khả năng tốt nhất của mình. Bạn có thể dễ bị chìm ngập trong cảm xúc, rối trí trước vấn đề và mất khả năng tìm giải pháp. Khi có thể xác định được vấn đề thực sự nằm ở đâu, bạn có thể vạch ra kế hoạch để cải thiện tình hình.
    • Suy nghĩ về vấn đề. Nó nghiêm trọng đến mức nào? Đây thực sự là sự khủng hoảng hay chỉ là sự bất tiện hoặc một trở ngại? Việc này cần xử trí ngay hay có thể chờ cho đến khi tìm được giải pháp thích hợp? Tình huống càng khẩn cấp thì bạn càng cần phải sáng tạo.
    • Tự hỏi bản chất của vấn đề là gì. Điều gì là thực sự cần thiết? Ví dụ, bạn cần mở ổ khóa hoặc cần vào trong hay ra ngoài? Đây là hai vấn đề khác nhau, vì trường hợp sau có thể giải quyết bằng cách đi qua cửa sổ, trèo qua hoặc đi bên dưới tường, đi vòng qua lối sau hoặc gỡ bản lề cửa ra vào. Tương tự như vậy, bạn có thực sự cần vào nhà không, hay bạn có thể tìm được thứ mình cần ở một nơi khác?
    • Đừng hoảng loạn. Áp lực có thể là một động cơ tốt, nhưng sẽ không tốt nếu nó khiến bạn rối trí. Suy nghĩ về lý do khiến bạn không thể bỏ cuộc và điều đó sẽ cho bạn sự bền bỉ mà bạn cần để đi đến thành công.
    • Tìm giải pháp cho vấn đề bao giờ cũng tốt hơn là lo lắng. Bạn có thể học đươc điều này bằng cách luyện cho trí não tập trung vào các giải pháp mỗi khi lo lắng. Tự trấn an mình trước, suy nghĩ sáng suốt trước khi thực hiện bất kỳ hành động nào.
  2. Đánh giá những thứ mà bạn đang có. Tính tháo vát, trên hết chính là sự thông minh và tận dụng sáng tạo những phương tiện đang có. Bạn đang có trong tay hoặc có thể tìm được bất cứ thứ gì có thể giúp cải thiện tình huống không? Đừng quên rằng phương tiện không chỉ là vật chất – bạn hãy nghĩ đến cả các kỹ năng, con người hoặc trạng thái cảm xúc.
    • Thử rà soát lại. Xem xét lại những thứ bạn đang có, bao gồm vật chất, phương tiện, kiến thức, con người và các cơ hội. Sau đó cân nhắc xem bạn có thể áp dụng như thế nào để giải quyết vấn đề.
  3. Đặt ra các mục tiêu. Những người tháo vát thường tìm kiếm các thách thức để vượt qua, các mục tiêu và những ước mơ để vươn tới. Bạn hãy cố gắng đạt được các mục tiêu nhỏ hàng ngày và gom góp lại cho những giấc mơ lớn hơn. Qua thời gian, bạn sẽ dần dần biến những ước mơ của mình thành hiện thực.
    • Luôn ghi nhớ rằng mỗi ngày là một cơ hội để bạn tác động đến những gì mà bạn mong muốn trong cuộc sống.
    • Hạnh phúc với cuộc sống bạn đang có và nhận ra bước tiến của bạn. Cuộc sống hiện tại là quan trọng bởi ai biết được ngày mai điều gì sẽ xảy ra. Hướng đến các mục tiêu nhưng đừng quên tận hưởng khoảnh khắc hiện tại.[6]
    • Bắt đầu từ việc nhỏ. Mọi người đều khởi đầu với một điều gì đó, bất kể nhỏ bé đến đâu. Những thứ nho nhỏ sẽ lớn dần cùng thời gian và sự nỗ lực không ngưng nghỉ. Nếu tiền là thứ bạn cần, bạn hãy để dành ngay lúc này khi đang có và tiếp tục để dành hết khả năng của mình. Những phần đóng góp nhỏ bé đều đặn cũng sẽ làm nên sự khác biệt lớn sau một năm.[6]
    • Theo đuổi đến cùng. Bạn sẽ không biết được sự việc sẽ dẫn đến đâu trừ khi bạn theo đuổi công việc từ đầu đến cuối để biết kết quả.
  4. Chọn ra những điểm đặc biệt. Một bức tranh tổng thể sẽ cho bạn cái nhìn triển vọng – nhưng đôi khi bạn cần tập trung vào những chi tiết hoặc các bước cụ thể. Xác định điều có thể làm trong thời gian trước mắt để bắt tay vào hành động hiệu quả hơn. Rà soát lại các nhiệm vụ, vai trò và trách nhiệm cụ thể hướng tới mục tiêu, chẳng hạn như tính đơn giản, tiết kiệm hoặc những rủi ro.[4]
    • Tìm kiếm thông tin. Trước đây đã từng có ai giải quyết những vấn đề tương tự chưa? Sự việc (hoặc hệ thống, hoặc tình huống) mà bạn đang cố gắng xử lý đang hoạt động như thế nào? Đường nào từ đây dẫn về nhà? Bạn có thể liên lạc được với ai, và bằng cách nào? Bạn cần thực hiện những bước gì để nhóm một đống lửa?
    • Nghiên cứu và đọc sách là điều rất hữu ích. Cập nhật những sự kiện và thông tin quan trọng có thể hỗ trợ bạn trong tương lai. Tập trung vào điều mà bạn thấy lý thú hoặc hữu ích, đồng thời tìm những đường dẫn khác liên quan đến chủ đề hoặc ý tưởng để bạn có thể nắm rõ.
    • Khai thác nguồn lực của chính bạn. Biết sự khác biệt giữa việc tìm kiếm nguồn lực và tài tháo vát. Khi có trong tay các công cụ và nguồn lực cần thiết, mọi việc đều trơn tru. Có tài xoay xở có nghĩa là bạn tận dụng tốt nhất các phương tiện mà bạn có thể tìm được.
    • Công nhận rằng bạn không “biết tuốt”. Sẵn sàng học hỏi từ những người khác, thậm chí từ người mà bạn nghĩ rằng họ cũng không biết như bạn.

Giải quyết các vấn đề[sửa]

  1. Phá vỡ quy tắc. Dùng các cách lạ thường, đi ngược lại với lẽ thường hoặc các quy ước xã hội, nếu điều đó là hữu ích. Sẵn sàng nhận trách nhiệm, sửa chữa sai lầm hoặc giải thích nếu bạn vượt quá ranh giới. Người ta đặt ra nguyên tắc là có lý do, nhưng đôi khi nguyên tắc và truyền thống lại ngăn cản sự tiến bộ. Hãy hoàn thiện sự việc mà không chỉ đi theo thông lệ.[8]
    • Đừng bao giờ xin lỗi về thành công của bạn. Mẹo cho việc này là đảm bảo rằng sự vi phạm là không đáng kể so với những lợi ích mà nó mang lại. Sẽ có những lúc cần xin lỗi nhưng bạn chỉ nên làm điều đó vì lỗi lầm thực sự.[8]
  2. Ứng biến. Đừng gò ép mình vào một lối suy nghĩ nào đó. Tận dụng những gì có thể để giải quyết tạm thời và sau đó tìm giải pháp lâu dài. Bạn chỉ cần chữa tạm xe đạp đủ để về nhà và sửa chữa cẩn thận sau.
    • Thử nghiệm. Thử nghiệm và thất bại sẽ mất thời gian, nhưng nếu bạn không hề có kinh nghiệm trong trường hợp nào đó, thì thử nghiệm là một cách rất tốt để bắt đầu. Ít nhất thì bạn cũng sẽ học được điều gì không có hiệu quả.
    • Thích nghi. Không bao giờ có giải pháp nào là chắc chắn. Bạn có thể nhìn vào các tấm gương để lấy cảm hứng, nhưng nên điều chỉnh giải pháp cho phù hợp với tình huống cụ thể. Biến các thách thức thành lợi thế.[8]
    • Đừng ngại ngần dùng các đồ vật theo cách khác thường. Những chiếc mắc áo dây thép có thể sử dụng linh hoạt đáng kinh ngạc, và mặc dù dụng cụ tua- vít không thực sự dành cho việc đục, cậy, nghiền, cạo, v.v…, nhưng ta vẫn có thể dùng theo cách đó trong trường hợp cần kíp.
    • Đừng quên giá trị của những thứ vô hình. Ánh nắng mặt trời, trọng lực và ý chí có thể ưu ái đứng về phía bạn và bạn có thể khai thác làm lợi thế của mình.
  3. Sử dụng chính tình huống làm lợi thế. Mỗi tình huống đều có mặt tiêu cực và tích cực. Cố gắng không tập trung vào những điểm sai lầm hoặc không tốt. Nhìn vào mặt tích cực và suy nghĩ xem bạn có thể làm gì vào thời điểm hiện tại với những điểm tích cực.
    • Nếu bạn bị lỡ chuyến xe buýt, và phải một tiếng nữa mới có chuyến sau, bạn có thể thưởng thức một tách cà phê hoặc lướt qua cửa hàng gần đó trong khi chờ đợi không? Trong tiết trời giá lạnh, liệu bạn có thể dùng tuyết làm nơi trú ẩn hay dùng băng để làm vật liệu xây dựng không?
    • Nếu lo sợ, bạn hãy dùng chính nỗi sợ để làm động lực. Động lực sẽ dẫn bạn thoát ra khỏi tình huống tồi tệ. Khai thác năng lượng đó để tìm ra giải pháp và bắt tay vào hành động. Cảm xúc có thể là sự thúc đẩy mạnh mẽ để làm việc tốt hơn và có hiệu quả hơn, vì thế bạn hãy sử dụng cảm xúc một cách khôn ngoan.
  4. Hành động nhanh. Một giải pháp có hiệu quả thường dựa trên phản ứng nhanh. Hãy quyết đoán, và một khi đã quyết định, bạn đừng phân tích nữa mà hãy hành động. Bạn không thể giải quyết vấn đề mà không bắt đầu một hành động nào đó.
    • Nhớ rằng bạn sẽ phải trả giá khi không ra quyết định, có thể là mất thu nhập hoặc lợi tức, mất uy tín hoặc nảy sinh các vấn đề trong sự nghiệp. Những hộp thư và bàn làm việc thông thoáng và không bị chất chồng dưới những đống tài liệu chưa hoàn thành chứng tỏ chủ nhân là người quyết định nhanh và ưa hành động. Khi có các vấn đề xảy ra, bạn hãy xử lý ngay thay vì cứ nấn ná để đó.
    • Những việc nhỏ được quyết định nhanh chóng sẽ đem lại lợi ích tuyệt vời. Không những giúp bạn giữ thế chủ động đối với mọi bất ngờ nảy sinh, những quyết định nhanh còn giúp giảm stress, cải thiện năng suất và tạo uy tín cho bạn trong quản lý công việc. Bạn hãy lấy điều này làm động lực để làm những việc cần làm ngay lúc này.
    • Bắt đầu ngay. Trì hoãn làm một việc dù biết đó là việc cần làm sẽ không đưa bạn đến mục tiêu. Hãy đi bước đầu tiên bằng cách bắt tay vào hành động để hoàn thành nhiệm vụ, và sau đó bước sang nhiệm vụ khác.
  5. Học hỏi từ những sai lầm. Nếu phải xoay xở để sửa chữa một vấn đề, bạn hãy thực hiện các bước để đảm bảo rằng điều đó sẽ không xảy ra lần nữa. Nếu bạn đã thử làm một việc mà không có hiệu quả, lần sau bạn hãy thử cách khác. Xem lại điều gì đã sai và bắt đầu từ đó.
    • Lập nhiều phương án cùng lúc. Hiểu rằng đôi khi kế hoạch của bạn không đem lại hiệu quả. Bạn nên xem xét một vấn đề trên nhiều góc độ. Lập sẵn phương án B và C.[8]
  6. Kêu gọi sự giúp đỡ. Nhận biết khi nào bạn cần hỗ trợ để đạt được mục tiêu. Dẹp bỏ kiêu hãnh và tìm người có thể giúp bạn giải quyết vấn đề. Càng chứng tỏ cho mọi người thấy rằng việc hợp tác với bạn cũng có lợi cho mục tiêu của họ, bạn càng có cơ hội thành công.[8]
    • Bất kể bạn cần vé xe buýt để về nhà, những ý tưởng hay, sự hỗ trợ tinh thần, dùng điện thoại hoặc đơn thuần chỉ cần giúp một tay, bạn hãy kêu gọi những người khác nếu có thể. Thậm chí có phải nhờ đến người lạ, bạn cũng có thể thấy kết quả đáng ngạc nhiên.
    • Cùng nhau động não có thể đưa đến các giải pháp kết hợp tuyệt vời. Hỏi những người mà bạn biết và tin tưởng. Tìm sự hỗ trợ chuyên môn. Nếu thích hợp, bạn có thể hỏi người phụ trách (nhà chức trách, nhân viên, giáo sư, người chỉ chỗ ngồi), vì những người này có thể tiếp cận các những nguồn lực phụ trợ.
    • Nếu một hoặc hai người hỗ trợ là chưa đủ, bạn hãy cân nhắc thành lập một nhóm hoặc một đội làm nhiệm vụ. Bạn có thể thuyết phục tòa thị chính hoặc một tố chức nào đó phát triển mục đích của bạn không?

Lời khuyên[sửa]

  • Đừng đắm chìm trong quá khứ. Nếu gốc rễ hoặc căn nguyên của vấn đề là điều bạn không thay đổi được, vậy thì bạn chỉ cần cố gắng sửa chữa lại bằng hết khả năng của mình.
  • Nếu phải làm điều gì đó qua quít để ứng phó với khó khăn tức thời, bạn phải nhớ sau đó làm lại càng sớm càng tốt.
  • Ghi nhớ những nguồn lực bạn có. Đôi khi giải pháp hiệu quả nhất để xử lý một vấn đề nằm ở sự kết hợp các nguồn lực trong tay bạn.

Cảnh báo[sửa]

  • Trong trường hợp thực sự khẩn cấp (đe dọa tính mạng hoặc tài sản), thông thường biện pháp hữu hiệu nhất bạn có thể làm là báo cho các cấp có thẩm quyền, cung cấp thông tin cần thiết để họ thực hiện công việc của họ và tránh đi.
  • Đảm bảo biết việc mình đang làm, bằng không bạn có thể lại gây ra một vấn đề khác.

Nguồn và Trích dẫn[sửa]

Liên kết đến đây