Trở nên thông minh hơn

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Bạn đã bao giờ thấy mình kém thông minh hơn người khác? Bạn xấu hổ khi không biết trả lời một câu hỏi nào đó? Tất cả mọi người đều có lúc cảm thấy rằng mình không biết gì cả. Dĩ nhiên, bạn không thể biết hết mọi thứ, nhưng dù nhanh nhạy tới đâu, bạn luôn có thể trở nên thông minh hơn bằng cách chủ động tập trung cải thiện những kỹ năng bổ trợ trí thông minh.

Các bước[sửa]

Tăng cường năng lực trí óc[sửa]

  1. Cải thiện trí nhớ. Nhiều khi trí thông minh chỉ đơn thuần là khả năng ghi nhớ tốt. Chỉ quan sát hay chú ý thì chưa đủ, mấu chốt là bạn phải lưu lại được những thông tin mình tiếp nhận. Hãy tạo mối liên hệ giữa những điều bạn muốn khắc ghi với những điều mà bạn đã nhớ sẵn. Việc liên hệ những thông tin, hình ảnh hoặc dữ liệu mới với những ký ức cũ sẽ giúp bạn dễ ghi nhớ hơn là tạo ra ký ức mới. Kỹ thuật liên kết ký ức của mỗi người đều có nét đặc trưng; vì vậy, những nỗ lực luyện tập thường xuyên sẽ giúp bạn sớm phát triển thêm nhiều kỹ thuật mới để học hỏi và lưu giữ thông tin nhanh nhạy hơn. Vạn sự khởi đầu nan, hãy nhớ điều đó.
  2. Trở nên hiếu kỳ hơn. Vì sao có những người hiểu biết rộng đến vậy? Trí nhớ tốt chỉ là một phần lý do; bạn cũng cần phải hiếu kỳ. Bạn sẽ không học thêm được gì nếu chính bạn đã tự thỏa mãn với vốn hiểu biết ít ỏi, thậm chí là hài lòng khi không hiểu gì về những điều xa lạ. Hãy chủ động trở nên hiếu kỳ bằng cách tự nhắc nhở bản thân rằng sự hiếu kỳ sẽ mở rộng tầm mắt và khiến bạn thông minh hơn.
  3. Luyện tập trí óc theo nhiều cách khác nhau. Thông thường, chúng ta sẽ thông thạo một thứ gì đó do năng khiếu bẩm sinh hoặc do luyện tập đều đặn hằng ngày. Dù thuộc trường hợp nào, bạn nên thử thách bản thân tìm hiểu một kỹ năng mới hoặc suy nghĩ theo một hướng mới - bạn sẽ thực sự trở nên thông minh hơn. Lựa chọn hoạt động khiến bạn hứng thú (ví dụ như chơi phong cầm) hoặc một môn học mà bạn chưa giỏi (có thể là môn toán), sau đó tập trung vào điều này. Khi mới bắt đầu, bạn có thể cảm thấy không thoải mái và còn thấy mình kém thông minh hơn trước, nhưng nếu chăm chỉ học hỏi và luyện tập, bạn sẽ dần tự tin hơn và hình thành liên kết mới trong trí não.
  4. Thiền. Nếu bạn có thể thiền đều đặn, chỉ riêng hoạt động đó sẽ cải thiện tất cả các thói quen và phương diện khác ở bạn một cách tự nhiên, như đã được đề cập trong bài viết này hoặc các bài viết cải thiện bản thân khác. Khoa học đã chứng minh rằng thiền không chỉ giúp nâng cao khả năng tập trung mà còn khiến bạn hạnh phúc và vui vẻ hơn.[1] Để hiểu thêm lợi ích của việc thiền, hãy đọc bài viết tham khảo dưới đây.
    • Sau đây là cách luyện tập thiền đơn giản nhưng hiệu quả: chỉ chú ý vào hơi thở của bạn, ví dụ như chu trình hít vào thở ra, khoảng cách giữa nhịp hít và nhịp thở, chuyển động của bụng, v.v. Hãy đọc bài Cách để Thiền để biết thêm chi tiết.

Học theo cách thông minh hơn[sửa]

  1. Học hiệu quả hơn. Nếu không biết phải làm gì mỗi khi giáo viên, giảng viên hay gia sư đặt ra câu hỏi cho bạn, hoặc nếu kết quả thi của bạn không tốt, có thể bạn học chưa đủ. Nhưng dù bạn đã học rất chăm chỉ, việc cải thiện cách thức tiếp cận khi học cũng có thể tạo ra khác biệt lớn. Bạn có thể tham khảo thêm các bài sau để có thêm lời khuyên:
  2. Làm bài tập về nhà nếu bạn còn học phổ thông hoặc ôn lại kiến thức bài giảng trên trường đại học. Bài tập về nhà giúp bạn luyện tập, còn việc ôn tập giúp bạn lĩnh hội những kiến thức mới. Khi làm bài về nhà và ôn tập lại, bạn sẽ trở nên tự tin hơn trong môn học của mình.
    • Thông thường, thời gian làm bài tập không giống như thời gian học, do đó bạn không thể coi việc làm bài tập về nhà là học. Học là khi bạn đào sâu suy nghĩ và lĩnh hội được những kiến thức quan trọng để ghi nhớ lâu dài.
    • Tránh các cám dỗ dẫn đến đình trệ, làm bài tập trong phút chót hoặc chép bài của người khác để nộp. Đó không phải là học––bạn chỉ đang đối phó và quên kiến thức ngay sau đó; điều này không hề có lợi khi bạn đi làm và cần ghi nhớ cũng như sử dụng kiến thức.
    • Đừng chỉ học đơn thuần để học, cách đó sẽ không hiệu quả. Tìm cách để bạn hứng thú với việc học, bạn sẽ học nhanh hơn và ghi nhớ nhiều hơn.
  3. Đọc nhiều. Tất cả tri thức của loài người có thể được tìm thấy trong các ấn phẩm, dù là sách báo, tạp chí hay trên mạng. Khi trở thành người ham đọc, bạn sẽ tiếp cận được với nhiều ý kiến và thông tin hơn. Nếu bạn đọc chậm, hãy thử luyện đọc tốc độ. Đồng thời, bạn nên ghi chép và tra từ trong từ điển.
    • Nếu bạn đọc chậm, bạn nên chấp nhận điều đó thay vì cố gắng đọc nhanh hơn mà không hiểu gì. Hãy dành ra những khoảng thời gian không gián đoạn để đọc và yêu cầu người khác không làm phiền. Bạn cần chú trọng chất lượng đọc thay vì lượng sách mà bạn đọc, đồng thời đặt ra mục tiêu và phần thưởng nho nhỏ cho chính mình sau khi hoàn thành một phần nào đó.
  4. Thường xuyên tới thư viện và chọn bất cứ cuốn sách nào bạn thấy thú vị. Chủ đề đọc không thực sự quan trọng bằng chính việc đọc. Hãy luôn mang theo những cuốn sách hay bên mình.
  5. Tra cứu. Sự hiếu kỳ không đi liền với hành động cũng tương tự như chiếc xe hết xăng không thể đưa bạn tới đâu cả. Thật may mắn vì thành công về mặt tri thức không bao giờ quá tầm với của bạn. Nếu bạn gặp một từ mình không biết, hãy tra từ điển. Nếu bạn muốn biết cách thức máy bay vận hành, hãy đọc một cuốn sách về máy bay. Nếu muốn biết nhiều hơn về chính trị, hãy lựa chọn một tờ báo. Sử dụng nguồn trực tuyến để tìm hiểu sâu thêm về thế giới.
  6. Học cách tìm kiếm thông tin. Nếu biết cách sử dụng tài liệu tham khảo, từ một công cụ tra cứu trực tuyến cho đến một cuốn bách khoa toàn thư, bạn sẽ tìm được thông tin mình cần nhanh chóng và hiệu quả hơn. Kỹ năng tra cứu sẽ nuôi dưỡng sự hiếu kỳ trong bạn, bởi bạn đã tự tin hơn về khả năng tiếp cận tri thức của mình. Nếu kỹ năng tra cứu của bạn chưa được hoàn thiện, hãy tham gia một khóa học hay hội thảo về cách thức tra cứu thông tin, xin ý kiến từ người thủ thư hay giáo viên, hoặc đơn thuần là luyên tập tra cứu. Bạn cũng có thể tìm đọc phần "trợ giúp" trên mạng và các chương trình máy tính.
  7. Hãy tự tìm hiểu mọi thứ. Sự thông minh không chỉ đến từ kiến thức trong sách vở. Chúng ta đều có thể tự học cách thực hiện các công việc hàng ngày tại nơi làm việc, ở nhà hay ở trường một cách hiệu quả và thông minh hơn. Nếu bạn không biết làm gì đó, hãy tránh nhờ người khác làm hộ mình hoặc chỉ dạy cho mình. Trong phần lớn các trường hợp, bạn có thể tự tìm ra lối đi bằng phương pháp thử sai hoặc nghiên cứu tìm tòi cách thức. Mặc dù bạn sẽ mất nhiều thời gian hơn khi tự tìm hiểu thay vì hỏi người khác, bạn sẽ học được nhiều hơn từ quá trình tổng quát và ghi nhớ mọi thứ tốt hơn. Quan trọng nhất, bạn sẽ rèn luyện được kỹ năng giải quyết vấn đề thay vì kỹ năng "làm theo chỉ dẫn".

Kết nối với người khác để cải thiện trí thông minh[sửa]

  1. Yêu cầu trợ giúp. Tự mình tìm tòi là tốt, nhưng đôi khi bạn không có đủ thời gian để làm vậy dù có cố gắng hết sức. Đừng bỏ cuộc; bạn nên nhờ người khác hướng dẫn cho mình. Hãy đảm bảo bạn chú ý kỹ lưỡng và đặt câu hỏi, để lần sau bạn không còn thắc mắc những vấn đề tương tự.
    • Phần lớn mọi người đều thích được hỏi về những lĩnh vực mà họ am hiểu. Đặt câu hỏi là cách để bạn thể hiện rằng mình coi trọng ý kiến và kiến thức của người khác, đồng thời đem tới cơ hội để họ có thể truyền đạt lại những tri thức này. Nếu một người có phản ứng tiêu cực khi được yêu cầu giúp đỡ, nhiều khả năng họ không chắc chắn với kiến thức của mình hoặc gặp áp lực về thời gian. Cả hai trường hợp đó đều không phải lỗi của bạn; bạn có thể hỏi lại vào lúc khác, hoặc nếu nhận ra sự tự ti ở những người này, bạn có thể đảm bảo với họ rằng mình coi trong lời khuyên của họ.
  2. Chỉ dạy người khác. Để hướng dẫn người khác, bạn cần nắm chắc kiến thức liên quan đến lĩnh vực mà bạn muốn hướng dẫn. Khi cố gắng giải thích một ý tưởng hoặc kỹ năng cho mọi người, chính bạn cũng sẽ ghi nhớ tốt hơn; đồng thời, câu hỏi của người học sẽ giúp bạn biết được mình hiểu sâu vấn đề đang nói tới mức nào. Tuy nhiên, đừng từ chối việc chỉ dạy người khác chỉ vì bạn không hiểu biết trọn vẹn về một chủ đề. Bạn sẽ học được khi có thể hướng dẫn người khác, và không có gì đáng hổ thẹn khi nói: "Ồ, tôi không biết câu trả lời cho câu hỏi của bạn, hãy thử cùng tìm hiểu xem sao!" Gạt bỏ thái độ "xù lông" là dấu hiệu của sự trưởng thành, và nét tính cách này sẽ giúp tăng cường trí tuệ cảm xúc trong bạn.
    • Tình nguyện truyền đạt những điều mà bạn biết. Tri thức cần được chia sẻ với mục đích xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn. Đừng giấu giếm mà hãy chia sẻ kinh nghiệm, kỹ năng, tài năng và kiến thức của mình với mọi người để họ cũng có thể tăng cường sự tự tin và năng lực bản thân.

Cách thức vui học để tăng cường trí thông minh[sửa]

  1. Học một từ mới một ngày. Lật qua cuốn từ điển, chọn một từ bạn không biết nghĩa và luyện tập sử dụng từ đó cả ngày. Khi bạn gặp một từ mới trong lúc thực hiện Phương pháp 3, hãy tra nghĩa của từ đó.
  2. Tìm một sở thích mà bạn có hứng thú. Nhiều người cải thiện trí tuệ của mình bằng cách cố gắng nâng cao trình độ của họ trong những lĩnh vực mà họ đã am hiểu. Ví dụ, một lập trình viên máy tính sẽ không chỉ thông minh hơn mà công việc của người đó cũng sẽ thuận lợi hơn khi học thêm ngôn ngữ C++.
  3. Tiếp xúc với những người thông minh. Việc ở bên những người hiểu biết về lĩnh vực và kiến thức của họ sẽ giúp bạn trở nên thông minh hơn. Đừng cảm thấy kém cỏi––hãy cảm thấy may mắn khi có những nguồn tài nguyên tuyệt vời như vậy.
  4. Đọc tin tức. Việc theo kịp các sự kiện hiện tại sẽ giúp bạn biết được những gì đang xảy ra trên thế giới. Bạn có thể bắt kịp những diễn biến của thế giới trong khi luyện tập (bước 3).
  5. Luyện viết. Viết lách cho phép bạn chuyển hóa kiến thức thành sự sáng tạo. Dù bạn viết truyện ngắn, truyện viễn tưởng hay tường thuật về Thế chiến thứ hai, luyện viết luôn luôn là điều tuyệt vời. Hãy cố gắng suy nghĩ và viết thứ gì đó mỗi ngày, từ biểu đạt cảm xúc bản thân cho tới mô tả về thời tiết. Đôi khi chỉ việc động não cũng sẽ đem tới những ý tưởng mới mẻ cho bạn.
  6. Học một ngoại ngữ mới. Học ngoại ngữ là cách thức tuyệt vời để trở nên thông minh hơn. Những đứa trẻ được học từ hai thứ tiếng trở lên có nhiều chất xám hơn so với những đứa trẻ còn lại, và não bộ của chúng cũng có nhiều liên kết nơ-ron thần kinh hơn. Chất xám trong não có chức năng xử lý thông tin, bao gồm cả trí nhớ, lời nói và nhận thức giác quan. Việc biết một ngôn ngữ mới còn tăng cường sự cảm thông của bạn với người khác, đây cũng là yếu tố quan trọng để cải thiện trí tuệ cảm xúc.
  7. Dành thời gian tách biệt với người khác và tránh xa những thứ gây xao nhãng. Thời gian ở một mình là lúc bạn có thể trầm ngâm, ngẫm nghĩ sâu sắc và nghỉ ngơi. Khi đó, bạn mới có thể lĩnh hội những kiến thức mình học được trong ngày hay trong tuần và giải quyết những vấn đề quan trọng. Ở một mình giúp bạn bình tâm, bớt căng thẳng và hiểu thêm về bản thân. Hãy dành thời gian yên tĩnh mỗi ngày.

Lời khuyên[sửa]

  • Ngủ đủ giấc. Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng khi ngủ, não của bạn tạo ra các liên kết mới. Ví dụ, nếu hoàn toàn không biết cách giải một phương trình toán học và bạn 'ngủ cùng vấn đề đó', có khả năng não bộ sẽ tìm ra câu trả lời khi bạn đang ngủ.
  • Hãy ăn sáng khi bạn còn trẻ. Đây là bữa ăn quan trọng bởi nó cung cấp "nhiên liệu" để não bộ tích cực suy nghĩ. Khi tuổi tác tăng lên, lượng thức ăn và thời gian ăn sáng có thể thay đổi, nhưng hãy đảm bảo bắt đầu mỗi ngày với việc nạp thêm năng lượng.
  • Tích cực hoạt động. Chuyển động là một phần không thể thiếu trong cuộc sống của con người. Việc ngồi suốt ngày sẽ không đem lại những trải nghiệm toàn diện của loài người. Hãy ra ngoài vài lần mỗi ngày, sắp xếp thời gian cố định để sử dụng máy tính và dạo chơi những lúc còn lại. Một cơ thể khỏe mạnh sẽ đem lại một trí óc khỏe mạnh.
  • Một số nhà tâm lý học đương thời cho rằng có nhiều dạng thức trí tuệ, ví dụ như trí tuệ liên cá nhân (cách tương tác và hòa đồng với người khác) và trí tuệ cơ thể (khả năng phối hợp, sự khỏe mạnh). Hãy nuôi dưỡng những khía cạnh này ở bạn, mặc dù chúng không khiến bạn "thông minh hơn" theo nghĩa cổ điển về IQ nhưng nhờ chúng, bạn sẽ có một cuộc sống hạnh phúc và toàn diện hơn.
  • Nhạc cổ điển có thể hỗ trợ bạn tiếp nhận thêm những kiến thức mới và học tập tốt hơn. Dù sao việc thử nghe nhạc cổ điển cũng không có tác hại gì!
  • Hãy chủ động, việc này có thể đáng sợ nhưng sẽ đặc biệt hữu ích cho cuộc đời bạn. Tìm đọc và học hỏi hơn những điều bạn được học, mở rộng phạm vi học và phạm vi tư duy. Xác định những điều còn thiếu sót, những thứ có thể được cải thiện và tìm cách để sửa chữa, thay đổi, vượt qua tình trạng hiện tại. Từ khởi nghiệp, phát minh cho đến việc nuôi dạy con cái và các mối quan hệ công sở, thái độ chủ động là cách thức để bạn không đi theo lối mòn, giải quyết vấn đề và xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn cho chính mình.
  • Tivi có thể rất hữu ích cho việc học, với điều kiện là bạn phải lựa chọn thông minh và giới hạn thời gian xem đến mức tối thiểu. Hãy lựa chọn những chương trình giáo dục, phim tài liệu hoặc những bản tin đầy đủ thông tin. Bạn chỉ nên xem vô tuyến vài tiếng một tuần. Đừng tạo thói quen xem vô tuyến chỉ vì bạn mệt mỏi; khi đó, bạn cần ngủ hoặc hoạt động để khỏe khoắn hơn.
  • Những người hoạt động trong một số lĩnh vực thường được coi là "thông minh" hơn những người khác. Thật không may khi có suy nghĩ như vậy, bởi mọi lĩnh vực tri thức đều quan trọng, và chính việc kết hợp nhiều giác độ khác nhau mới giúp con người đưa ra giải pháp tuyệt vời cho những vấn đề nan giải (những vấn đề to lớn tưởng chừng không thể giải quyết được như biến đổi khí hậu hay suy thoái toàn cầu). Hãy tìm kiếm và theo đuổi sở thích của bạn; chỉ khi thực sự am hiểu và tài giỏi trong một lĩnh vực, bạn mới có thể góp phần biến đổi thế giới thành nơi tốt đẹp hơn.
  • Việc học những điều mới lạ thường rất khó khăn, nhưng hãy học cách chấp nhận nỗi sợ hãi ban đầu và tiếp tục tiến bước. Điều này sẽ cải thiện trí thông minh của bạn, khiến bạn luôn chú ý, hứng khởi và hiếu kỳ. Hãy kiên nhẫn vượt qua những phút chần chừ ban đầu, bạn sẽ nhanh chóng tự hỏi vì sao mình không bắt đầu sớm hơn!
  • Xem xét học gia sư. Việc học một thầy - một trò thực sự có thể tăng cường kiến thức và kỹ năng của bạn theo nhiều cách mà bạn không thể có được nếu chỉ đọc sách hoặc xem video.
  • Đừng chìm đắm trong những cảm xúc tiêu cực vì mình kém thông minh hơn những người khác. Hãy để cảm xúc đó thúc đẩy bạn vươn tới và thậm chí vượt qua tiềm năng của chính mình. Giận dữ là dạng cảm xúc thứ cấp được sinh ra từ một cảm xúc khác. Vì vậy, hãy tìm kiếm thứ cảm xúc ẩn giấu và sử dụng cảm xúc đó như nguồn nhiên liệu thúc đẩy bạn. Việc giải quyết những vấn đề cảm xúc không phải luôn luôn dễ dàng, nhưng hãy cố gắng hết sức để hiểu quan điểm của người khác, giúp bạn có thể phát triển cũng như mở lòng với những con người và cơ hội quanh mình.
  • Đọc thật nhiều! Đừng chỉ đọc một thể loại duy nhất (như truyện viễn tưởng) mà hãy đọc hồi ký, sách lịch sử hoặc khoa học, và thậm chí là cả tiểu thuyết hư cấu lịch sử. Nếu có thể, hãy đem theo một chiếc bút và một cuốn sổ để ghi chép. Bạn sẽ luôn luôn ghi lại được những thông tin hữu ích trong sách. Hãy đảm bảo bạn thường xuyên đọc lại những ghi chép của mình!

Cảnh báo[sửa]

  • Đừng nhìn vào những điều mà người khác đã có, hãy tập trung vào những thứ mà mình đang có và có thể cho đi. Nếu chỉ chú ý vào sự "thông minh" của người khác, bạn đang tự hạn chế cơ hội phát triển trí tuệ của chính mình.
  • Đừng thất vọng quá lâu nếu bạn thất bại; bạn nên tự an ủi bản thân vì đã cố gắng và thử lại lần nữa. Hãy tiếp tục tiến bước tới khi bạn thành công.
  • Việc sử dụng hoặc lạm dụng chất cồn hay thuốc gây nghiện lâu dài có thể phá hủy các tế bào não; bạn sẽ khó tập trung hơn, mất dần khả năng suy nghĩ rõ ràng và cống hiến cho xã hội.
  • Đừng đặt cái tôi lên trước nếu bạn đang muốn trở nên thông minh hơn. Thói kiêu ngạo hoặc tỏ ra hơn người là biểu hiện của cảm giác giận dữ và bực bội bởi mọi thứ không diễn ra như bạn mong muốn. Hãy thể hiện nỗi tức giận của mình theo cách xây dựng hơn––thử chuyển biến thứ năng lượng tiêu cực thành tích cực để đạt được những điều bạn mong muốn.

Nguồn và Trích dẫn[sửa]