Tra thuốc nhỏ mắt cho trẻ

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm
Chia sẻ lên facebook Chia sẻ lên twitter In trang này

Con của bạn không khỏe và bác sĩ kê toa thuốc nhỏ mắt để bé dễ chịu hơn. Bây giờ việc của bạn là nhỏ thuốc cho bé. Một đứa trẻ trầm tĩnh sẽ giúp cho công việc dễ dàng hơn, nhưng bạn cũng có thể phải nhỏ mắt cho trẻ còn rất nhỏ hoặc trẻ lớn hơn nhưng đang sợ hãi. Nếu có thể, bạn hãy tìm một người trợ giúp. Đảm bảo sao cho mọi việc đều ổn, thao tác nhanh nhưng hiệu quả.[1]

Ảnh minh họa

Các bước[sửa]

Sắp đặt mọi việc theo thứ tự[sửa]

  1. Hỏi bác sĩ về lý do trẻ phải dùng thuốc nhỏ mắt. Bạn cần biết rõ mắt nào phải nhỏ thuốc nào và phải nhỏ bao nhiêu giọt. Điều này giúp bạn hiểu thuốc nhỏ mắt đó điều trị bệnh gì. Bạn sẽ biết điều gì có thể xảy ra khi tra thuốc nhỏ mắt đó.[2][2]
    • Có nhiều lý do khiến bác sĩ kê thuốc nhỏ mắt cho trẻ. Con bạn có thể bị bệnh sốt mùa hè hoặc dị ứng, và trẻ cần phải được chữa tình trạng ngứa mắt tái đi tái lại trong suốt mùa dị ứng. Viêm kết mạc là một bệnh nhiễm trùng niêm mạc bên trong mí mắt và màng cứng - lòng trắng của mắt. Bạn sẽ nhỏ thuốc cho trẻ trong một khoảng thời gian ngắn, nhưng cần cẩn thận không để lây sang mắt còn lại của trẻ hoặc lây sang bạn. Bệnh tăng nhãn áp là một bệnh mạn tính và có khả năng bạn phải nhỏ thuốc cho trẻ trong thời gian dài.[3][4]
    • Con của bạn sẽ nhanh chóng bắt đầu cảm thấy đỡ hơn nếu được điều trị đúng cách. Trẻ có thể có vấn đề ở một bên mắt hoặc cả hai mắt. Có thể hai mắt của trẻ không có cùng một vấn đề. Có thể bạn phải nhỏ một loại thuốc vào một mắt và hai loại thuốc vào mắt kia. Khi nhỏ thuốc cho trẻ, bạn sẽ dễ dàng tập trung hơn vào sự dễ chịu của trẻ nếu bạn thấy thoải mái với những gì cần làm.[2]
  2. Hỏi bác sĩ về các tác dụng phụ có thể có của thuốc. Thuốc nhỏ mắt là một dược chất và có thể gây các tác dụng phụ, bao gồm phản ứng dị ứng. Bạn cần nhận ra các dấu hiệu để ngừng nhỏ mắt cho trẻ ngay lập tức.[2]
    • Các triệu chứng của phản ứng dị ứng có thể trùng với các triệu chứng do tác dụng phụ của thuốc gây ra. Trẻ có thể bị đỏ mắt, ngứa, bỏng rát và mờ mắt. Những triệu chứng này có thể đã có sẵn do căn bệnh của trẻ; bạn cần nghi ngờ có vấn đề khi các triệu chứng của trẻ không đỡ mà còn xấu đi. Bác sĩ sẽ cho bạn biết về các tác dụng phụ đặc trưng do loại thuốc nhỏ mắt đó gây ra. Nếu có bất cứ lo ngại nào về phản ứng với thuốc ở trẻ, bạn hãy gọi cho bác sĩ. Bác sĩ có thể xác định xem liệu con bạn có cần loại thuốc nào khác không.[5]
  3. Báo cho bác sĩ biết về các loại thuốc khác mà trẻ đang dùng và tình trạng dị ứng thuốc ở trẻ. Nói với bác sĩ về tất cả các loại thuốc kê toa và không kê toa mà trẻ đang dùng. Bất cứ loại thuốc nào cũng có thể tương tác xấu với thuốc nhỏ mắt. Tình trạng dị ứng thuốc là thông tin quan trọng mà bác sĩ cần biết khi kê toa thuốc nhỏ mắt cho trẻ.[2]
  4. Hỏi bác sĩ xem liệu con bạn có cần ngừng sử dụng kính sát tròng không. Con bạn có thể đã lớn để đeo kính sát tròng nhưng vẫn cần bạn giúp tra thuốc nhỏ mắt. Bạn cần tuân theo sự chỉ dẫn của bác sĩ.[2]
    • Nguyên tắc chung là bạn phải cho trẻ tháo kính sát tròng mềm và không đeo kính trong 15 phút sau khi sử dụng thuốc nhỏ mắt không chứa chất bảo quản. Trẻ sẽ phải đeo kính có gọng trong nhiều ngày nếu thuốc nhỏ mắt có chứa chất bảo quản. Nếu con bạn dùng kính sát tròng cứng, trẻ có thể dùng thuốc nhỏ mắt có hoặc không có chất bảo quản mà vẫn có thể đeo kính sát tròng.[5]
  5. Hỏi dược sĩ khi nào các loại thuốc nhỏ mắt cần phải vứt bỏ. Mỗi lần dùng thuốc nhỏ mắt bằng lọ thuốc đa liều đều có rủi ro lây nhiễm. Điều này có thể dẫn đến nhiễm trùng mắt ở trẻ.[2]
    • Chất bảo quản trong thuốc kiềm chế sự phát triển của vi khuẩn sau khi lọ thuốc đã được mở, nhưng vẫn có giới hạn. Không nên dùng lọ thuốc đa liều quá 4 tuần. Bạn nên ghi ngày tháng mở lọ thuốc lên nhãn để nhắc nhở lúc nào nên vứt bỏ lọ thuốc.
    • Thuốc nhỏ mắt đựng trong lọ nhỏ đơn liều không chứa chất bảo quản. Các lọ thuốc này cần được bỏ đi ngay sau khi dùng; không để dành lại bất cứ lượng thuốc nào còn lại cho liều sau.[6][7][2]
  6. Xem xét nhãn và lọ thuốc nhỏ mắt. Đọc nhãn thuốc để kiểm tra hướng dẫn và hạn sử dụng. Lắc lọ thuốc và rút thuốc vào ống nhỏ giọt để xem có thay đổi nào về cảm quan không.[7]
    • Hướng dẫn trên nhãn thuốc cần phải khớp với lời chỉ dẫn của bác sĩ trong lần khám.
    • Không sử dụng thuốc nhỏ mắt quá hạn. Đừng mạo hiểm kéo dài thời gian bình phục của con bạn do dùng thuốc không còn hiệu lực hoặc có thể bị nhiễm vi khuẩn gây hại.
    • Động tác lắc lọ thuốc giúp thuốc được đồng nhất. Vứt bỏ lọ thuốc nếu thấy có chất kết tinh nào hình thành bên trong hoặc thuốc bị đổi màu. Các dấu hiệu này cho biết là thuốc nhỏ mắt đã bị ô nhiễm. Bạn có thể kiểm tra thuốc bằng lọ thuốc đơn liều bằng nhựa trong suốt.[7]
  7. Rửa tay trước khi chạm vào lọ thuốc. Bạn cần phải rửa sạch vi trùng khi cầm lọ thuốc và nhỏ mắt cho trẻ. Thuốc bị nhiễm độc và vô tình gây nhiễm trùng cho trẻ luôn là điều đáng lo ngại.[1]
    • Dùng xà phòng và nước ấm rửa tay, chà xát hai bàn tay ít nhất 20 giây (bằng khoảng thời gian hát hai lần bài “Happy Birthday”). Đừng quên rửa bên dưới móng tay và các kẽ ngón tay.
  8. Chọn căn phòng yên tĩnh và đủ ánh sáng. Sẽ dễ dàng hơn cho bạn và trẻ nếu không có các yếu tố làm trẻ xao lãng, và đủ ánh sáng để bạn có thể thấy rõ khi nhỏ thuốc cho trẻ.[1]
    • Căn phòng đầy đồ chơi, bật ti vi hay nhạc ồn ào sẽ khiến trẻ muốn động đậy hoặc ngó nghiêng xung quanh. Vì trẻ cũng sẵn có chút sợ hãi, bạn cần làm mọi việc để giúp trấn an trẻ.
  9. Nói chuyện với con nếu trẻ đã đủ lớn. Trẻ có thể hợp tác hơn nếu biết điều gì sẽ xảy ra. Nói với trẻ rằng thuốc nhỏ mắt sẽ giúp trẻ thấy khá hơn, nhưng lúc đầu có thể làm xót mắt hoặc mờ mắt một chút. Làm động tác diễn tả để trẻ quen với cách nhỏ thuốc.[1]
    • Cho trẻ xem lọ thuốc. Diễn giải cách bạn lấy ống nhỏ giọt ra như thế nào. Giả vờ như bạn đang nhỏ thuốc vào mắt mình hoặc vào mắt một người khác trước. Sau đó giả vờ rằng đang nhỏ mắt cho con. Khen ngợi mọi người, nhất là khen con vì trẻ đã giữ bình tĩnh.[1]
    • Bạn có thể nhỏ một giọt thuốc lên mu bàn tay của con để trẻ cảm nhận được thuốc. Tuy nhiên bạn cần cẩn thận không để đầu ống thuốc chạm vào bất cứ vật gì.[1]
  10. Đặt lọ thuốc lên khăn giấy sạch. Khi đã rút thuốc vào ống nhỏ giọt, bạn cần để tay được tự do, nhưng không được để lọ thuốc chạm vào bụi bẩn.
    • Cố gắng không đặt ống nhỏ giọt hoặc lọ thuốc đơn liều xuống. Đầu lọ thuốc phải được giữ càng sạch càng tốt. Bạn phải cẩn thận đừng để ô nhiễm đầu ống nhỏ giọt.

Xử lý ở trẻ lớn hoặc trẻ trầm tĩnh[sửa]

  1. Tìm một tư thế mà trẻ thấy dễ chịu. Tốt nhất làm sao cho đầu trẻ ngửa ra sau và mắt nhìn lên. Bạn có thể thử nhiều tư thế trước khi trẻ ổn định và sẵn sàng giữ yên. Sẽ dễ dàng hơn nếu có thêm người giữ bình tĩnh cho trẻ.[7]
    • Bạn có thể nhờ người thân bế trẻ nằm ngửa trên tay. Nếu trẻ đã đủ lớn, bạn hãy bảo trẻ nhìn lên.[7]
    • Đặt trẻ ngồi sao cho trẻ có thể ngửa đầu ra sau, mắt ngước lên một cách tự nhiên. Đối với trẻ nhỏ hơn, người thân của bạn có thể cần phải nhẹ nhàng giữ đầu của bé ở tư thế này.[7]
    • Nếu chỉ có một mình, bạn có thể ngồi trên sàn, đặt trẻ lên lòng, đối diện với bạn. Co đầu gối lại, và hai đùi của bạn sẽ tạo thành chiếc nôi. Bảo trẻ dựa ra sau hoặc nằm ngửa sao cho đầu trẻ tựa lên đầu gối của bạn. Bây giờ hai tay của bạn đều rảnh.[8]
  2. Rửa mắt cho trẻ. Dùng khăn giấy hoặc bông gòn thấm nước ấm, nhẹ nhàng lau từ gần sống mũi ra phía tai.[1]
    • Lớp mủ hoặc ghèn bên trong và xung quanh mắt có thể ngăn cản hấp thu thuốc qua các lớp màng mỏng trong mắt.[1][8]
  3. Nhẹ nhàng kéo mi mắt dưới của trẻ xuống. Khi trẻ nhìn lên, động tác này sẽ tạo thành một cái túi để bạn nhỏ thuốc vào đó. Cẩn thận đừng để đầu ống nhỏ giọt chạm vào bất cứ đâu, kể cả mắt, lông mi hay mặt của trẻ.[1]
    • Thao tác bằng cả hai tay. Dùng tay trái để giữ mí mắt trẻ và tay thuận để nhỏ thuốc.
    • Bạn có thể dỗ cho trẻ nhìn lên bằng cách nhờ người thân giơ đồ chơi lên, hoặc đặt món đồ chơi yêu thích của bé lên cao và chỉ cho bé thấy.[1]
    • Nếu trẻ không chịu nhìn lên, bạn có thể phải dùng ngón cái đặt ở mí mắt dưới và ngón trỏ ở mí mắt trên để mở mắt của trẻ.[1]
  4. Bảo trẻ nhắm mắt trong khoảng 2 phút. Dỗ trẻ không nhắm nghiền mắt. Bạn cần để cho thuốc có đủ thời gian ngấm vào mắt qua các lớp màng mỏng. Trong khi chờ đợi, dùng khăn giấy sạch lau thuốc chảy ra khỏi mắt trẻ.[5][8][2]
    • Động tác chớp mắt quá nhiều hoặc nhắm nghiền mắt có thể đẩy thuốc ra khỏi mắt. Tuy nhiên hoàn toàn không có cách nào để trẻ không chớp mắt hoặc nhắm nghiền mắt nếu trẻ không thể hoặc không chịu nghe lời bạn.[2]
    • Lau sạch những giọt thuốc thừa chảy ra khỏi mắt trẻ.
  5. Ấn nhẹ vào khóe trong của mắt trẻ khoảng 1 phút. Bạn nên ấn nhẹ vào khóe mắt trẻ phía gần mũi. Bước này có thể ngăn thuốc khỏi đi vào toàn bộ cơ thể của trẻ.[5][8]
    • Một số trẻ không chịu được áp lực nên tốt nhất là không cố gắng thực hiện động tác này.
    • Động tác ấn lên mắt là để chặn ống lệ, ngăn không để thuốc ngấm vào toàn bộ cơ thể trẻ. Thuốc nhỏ mắt chỉ để điều trị cho mắt. Thuốc sẽ ngấm qua các lớp màng mỏng bao bọc mắt. Tuy nhiên, có một ống lệ nằm ở góc trong của mắt phía gần mũi. Nước mắt sẽ chảy qua ống lệ để bôi trơn mắt. Thuốc nhỏ mắt có thể chảy vào ống lệ; các mạch máu nhỏ li ti ở đó có thể đưa thuốc đi đến các bộ phận khác của cơ thể.[5][2]
  6. Chờ vài phút sau mới bắt đầu nhỏ loại thuốc thứ hai. Tốt nhất nên đợi khoảng 5 phút. Điều này là để loại thuốc thứ hai không làm trôi mất loại thuốc thứ nhất vừa nhỏ xong trước khi có đủ thời gian hấp thu.[1][7]
  7. Trấn an và khen ngợi trẻ. Trẻ sẽ rất thích được âu yếm, được khen giỏi và dũng cảm. Đây là sự củng cố tích cực khuyến khích trẻ bình tĩnh và hợp tác vào lần sau.[1]

Xử lý với trẻ nhỏ hơn hoặc trẻ khó chịu[sửa]

  1. Dùng chăn hoặc khăn tắm bọc quanh trẻ. Bạn có thể giữ cho trẻ không vùng vẫy tay chân hoặc không chạy đi chỗ khác. Nếu bạn có người thân giúp trẻ giữ bình tĩnh thì tốt.[7][2]
    • Cách này có hiệu quả nhất nếu con bạn dưới 3 tuổi. Tuy nhiên bạn vẫn có thể thăm dò xem liệu trẻ có chịu thử không.[7][2]
    • Nhỏ thuốc vào mắt đang mở có hiệu quả hơn, do đó hãy thử phương pháp được mô tả ở trên trước. Nếu không được, bạn hãy thực hiện cách này.
    • Việc quấn tã thường được dùng để dỗ yên trẻ sơ sinh.[9] Trẻ còn ẵm ngửa thường ít cựa quậy hơn và có thể thấy dễ chịu hơn khi được bọc chặt xung quanh, đặc biệt nếu có người thân của bạn cùng nựng nịu bé.
  2. Rửa mắt cho trẻ. Dùng khăn giấy hoặc bông gòn thấm nước ấm, nhẹ nhàng lau từ gần sống mũi ra phía tai.[1]
    • Lớp mủ hoặc ghèn bên trong và xung quanh mắt có thể ngăn cản hấp thu thuốc qua các lớp màng mỏng trong mắt.[1][8]
  3. Đặt trẻ vào vị trí và đợi trẻ nhắm mắt lại. Có lẽ con bạn còn nhỏ hoặc đã lớn hơn nhưng hoảng sợ nên sẽ không chịu hợp tác. Bạn có thể thử nhiều tư thế. Quấn trẻ trong chăn sao cho không gây khó khăn khi bạn đặt trẻ vào tư thế thích hợp.[7]
    • Bạn có thể nhờ người thân bế trẻ nằm ngửa trên tay.[7]
    • Đặt trẻ ngồi sao cho trẻ có thể ngửa đầu ra sau. Người thân của bạn có thể cần phải nhẹ nhàng giữ đầu của bé ở tư thế này.[7]
    • Nếu chỉ có một mình, bạn có thể ngồi trên sàn, đặt trẻ lên lòng, đối diện với bạn. Co đầu gối lại, và hai đùi của bạn sẽ tạo thành chiếc nôi. Bảo trẻ dựa ra sau hoặc nằm ngửa sao cho đầu trẻ tựa lên đầu gối của bạn. Bây giờ hai tay của bạn đều rảnh.[8]
  4. Nhỏ thuốc vào khóe mắt trong của trẻ khi trẻ vẫn nhắm mắt. Nếu không thể dùng phương pháp nhỏ thuốc khi trẻ mở mắt (hoặc đã thử nhưng không được), bạn có thể nhỏ thuốc vào mắt trẻ khi trẻ vẫn nhắm mắt. Nhỏ vào góc trong của mắt phía gần mũi. Đảm bảo không chạm vào mắt, lông mi hoặc mặt của trẻ.[1][7]
    • Cách này không hiệu quả như khi bạn nhỏ thuốc vào mí mắt dưới, nhưng có thể bạn không có lựa chọn nào khác khi con bạn còn quá nhỏ hoặc quá quấy. Tuy nhiên, bạn có thể thử dùng cách nhỏ thuốc khi mắt mở trước. Một số trẻ còn rất bé nhưng vẫn có thể hợp tác tốt.[7]
  5. Bảo trẻ mở mắt. Dỗ cho trẻ nhỏ mở mắt bằng cách giơ ra món đồ chơi yêu thích của bé hoặc xem một đoạn video trên điện thoại. Động tác chớp mắt bình thường cũng giúp thuốc chảy vào mắt. Nếu trẻ sợ mở mắt, bạn có thể xoa nhè nhẹ lên mí mắt trẻ để thuốc ngấm vào mắt. Dùng khăn giấy sạch để lau thuốc chảy ra quanh mắt trẻ.[7][8] [5][2]
    • Chớp mắt quá nhiều hoặc nhắm nghiền mắt có thể đẩy thuốc ra ngoài. Bạn cần giúp trẻ làm theo hướng dẫn trong khả năng của trẻ.[2]
    • Lau sạch những giọt thuốc thừa chảy ra khỏi mắt trẻ.
  6. Ấn nhẹ vào khóe trong của mắt trẻ khoảng 1 phút. Bạn nên ấn nhẹ vào khóe mắt trẻ phía gần mũi. Bước này có thể ngăn thuốc khỏi đi vào toàn bộ cơ thể của trẻ.[5][8]
    • Trẻ còn quá nhỏ hoặc hoảng sợ có thể không chịu được áp lực nên tốt nhất là không cố gắng thực hiện động tác này.
    • Động tác ấn lên mắt là để chặn ống lệ, ngăn không để thuốc ngấm vào toàn bộ cơ thể trẻ. Thuốc nhỏ mắt chỉ để điều trị cho mắt. Thuốc sẽ ngấm qua các lớp màng mỏng bao bọc mắt. Tuy nhiên, có một ống lệ nằm ở góc trong của mắt phía gần mũi. Nước mắt sẽ chảy qua ống lệ để bôi trơn mắt. Thuốc nhỏ mắt có thể chảy vào ống lệ; các mạch máu nhỏ li ti ở đó có thể đưa thuốc đi đến các bộ phận khác của cơ thể.[5][2]
  7. Chờ vài phút sau mới bắt đầu nhỏ loại thuốc thứ hai. Tốt nhất nên đợi khoảng 5 phút. Điều này là để loại thuốc thứ hai không làm trôi mất loại thuốc thứ nhất vừa nhỏ xong trước khi có đủ thời gian hấp thu.[1][7]
  8. Trấn an và khen ngợi trẻ. Trẻ sẽ rất thích được âu yếm, được khen giỏi và dũng cảm. Đây là sự củng cố tích cực khuyến khích trẻ bình tĩnh và hợp tác vào lần sau.[1]

Kết thúc thành công[sửa]

  1. Rửa sạch và ngăn ngừa nhiễm trùng. Điều này ngụ ý rằng bạn cần rửa tay sạch bằng xà phòng sau khi nhỏ thuốc. Đầu ống nhỏ giọt phải được lau sạch bằng bông gòn nhúng cồn.[1][2]
    • Nếu trẻ bị nhiễm trùng mắt, bạn cần phải ngăn chặn lây nhiễm qua các đồ dùng trong nhà. Ngoài ra bạn cũng không nên để thuốc nhỏ mắt - vốn không dùng để uống – dính vào miệng.
    • Điều quan trọng là giữ sạch và vô trùng đầu ống nhỏ giọt để dành cho lần sau. Dùng nước rửa sạch ống nhỏ giọt để đảm bảo không còn lượng cồn nào sót lại khi bạn sử dụng lần sau.
  2. Bảo quản thuốc ở nơi an toàn. Điều này nghĩa là cất lọ thuốc ở ngoài tầm với của trẻ và các trẻ khác trong nhà. Hỏi dược sĩ xem có cần bảo quản thuốc ở nơi đặc biệt như tủ lạnh hoặc tránh ánh sáng mặt trời để giữ hiệu lực của thuốc không.[7]
    • Trẻ có thể rất tò mò về lọ thuốc khi bạn đã sử dụng cho trẻ. Nhắc trẻ không được đụng vào lọ thuốc.
  3. Gọi bác sĩ nếu các triệu chứng ở trẻ xấu đi hoặc không cải thiện. Đừng do dự gọi bác sĩ nếu bạn cảm thấy điều gì đó không ổn ở trẻ. Bạn là người hiểu con mình nhất.[8]
    • Gọi ngay cho bác sĩ nếu mí mắt của trẻ đỏ và sưng nhiều, cơn đau tăng ở mắt, hình ảnh nhòe trong thời gian dài, hoặc trẻ bắt đầu có vẻ rất ốm. Hầu hết trẻ em đều chơi ngay cả khi không được khỏe lắm; một đứa trẻ cảm thấy yếu đến mức không muốn vận động là điều rất đáng lo ngại.[8]
    • Gọi cho bác sĩ nếu tình trạng nhiễm trùng không khỏi sau 3 ngày hoặc nếu trẻ bắt đầu bị đau tai.[8]

Nguồn và Trích dẫn[sửa]

Chia sẻ lên facebook Chia sẻ lên twitter In trang này