Văn bản khoa học kĩ thuật - cách mở nghĩa và dịch sang tiếng Việt

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Nội dung[sửa]

Ngôn ngữ có quan hệ trực tiếp với xã hội, với dân tộc sáng tạo và sử dụng nó. Mỗi ngôn ngữ đều phát triển gắn liền với lịch sử của dân tộc mình, nhưng phát triển một cách độc lập, theo những qui luật bên trong của mình. Cấu tạo của ngôn ngữ, nghĩa là thành phần từ vựng của nó với quỹ từ vựng cơ bản và cấu tạo ngữ pháp là khác với các ngôn ngữ khác. Không chỉ có hình thái từ khác với hình thái từ của tiếng mẹ đẻ, mà cả các quy tắc kết hợp từ trong câu đôi khi hoàn toàn không tương ứng với các qui tắc kết hợp từ trong tiếng mẹ đẻ của người học.

Để hiểu được bài đọc bằng ngoại ngữ, người học cần:

1. biết nghĩa từ bằng ngoại ngữ đang học;

2. biết cấu trúc ngữ pháp của ngoại ngữ đó, nghĩa là nguyên tắc thay đổi từ và kết hợp từ trong câu;

3. biết rõ nội dung cụ thể của bài đọc.

Trong tiếng Anh, các yếu tố phân tích chiếm ưu thế. Quan hệ giữa các từ được xác định bởi trật tự từ trong câu và các thành phần câu. Ở đây không có sự thay đổi vị trí giữa phó từ và chủ ngữ, ví dụ:

The teacher has taken the book.

Nếu thay đổi vị trí của phó từ và chủ ngữ thì câu sẽ không thể được chấp nhận về mặt nghĩa từ: The book has taken the teacher!

Hệ thống thời và thể của động từ tiếng Anh phức tạp. Thường trong các câu, ngôi và số được xác định bởi các trợ động từ, ví dụ:

Does this drawing show two parts of a hyperbolic curve?

Do they draw an asymptote?

Số lượng vĩ từ trong ngữ pháp tiếng Anh khá ít, tất cả chỉ có 5 loại vĩ từ là: -s, -ed, -ing, -er, -est. Ba vĩ từ đầu giữ nhiều chức năng. Vĩ từ -s có thể biểu thị:

- danh từ số nhiều: These books are over there on the table.

- ngôi thứ ba số ít của động từ ở thời hiện tại đơn giản: My mother works in the shop. - sở hữu: I have my father's personality.

Vĩ từ -ed có thể biểu thị:

- quá khứ đơn giản của động từ qui tắc: He lived in Hà Nội.

- phân từ II của động từ ở thời hiện tại hoàn thành: She has written the letter.

- phân từ II của động từ bị động: The letter was written yesterday.

Vĩ từ -ing có thể:

- biểu thị hiện tại tiếp diễn của động từ: We are learning English now.

- Là danh động từ: Dipping into the solution is a thermometer graduated to read in small fractions of a degree.

- Là tính động từ: That student sitting over there is my friend.

Trong quá trình giảng dạy ngoại ngữ cho sinh viên thuộc khối khoa học tự nhiên, chúng tôi thấy có thể áp dụng phương pháp dịch cơ bản gồm:

- dịch tự do hay dịch tùy ý;

- dịch theo nghĩa từ;

- dịch đúng ý tác giả, theo văn phong cần thiết.

1. Dịch tự do là phương pháp truyền đạt sang tiếng Việt nội dung cơ bản của bài dịch, dựa trên cơ sở kiến thức đã nắm vững về ngữ pháp và từ vựng. Phương pháp này có thể thực hiện ở dạng viết hoặc nói. Đây là giai đoạn đầu trong quá trình mở nghĩa bài đọc được trình bày bằng tiếng nước ngoài.

Dịch tùy ý như dịch - tóm tắt, dịch - trích dẫn và chú giải theo văn phong kĩ thuật chuyên ngành đạt hiệu quả khi người dịch có lượng kiến thức nhất định về ngữ pháp và từ vựng, cũng như kiến thức về lĩnh vực khoa học và kĩ thuật chuyên ngành đó. Vì vậy, phương pháp dịch này được tiến hành ở các khóa học những năm cuối.

2. Dịch theo nghĩa từ cho phép mở nghĩa bài dịch đúng và đầy đủ hơn, song còn chưa tương ứng được với các chuẩn mực của tiếng mẹ đẻ. Phương pháp dịch này không là mục đích của chúng ta, mà chỉ được sử dụng như một phương tiện để mở nội dung bài dịch một cách đầy đủ hơn với sắc thái riêng của bài rất cần thiết khi cần dịch các cụm từ không có tương đương của tiếng mẹ đẻ.

3. Dịch tương đương (dịch đúng ý tác giả) là mục đích quá trình học của chúng ta. Đây là phương pháp dịch truyền đạt đúng và đủ nội dung nguyên bản bằng chuẩn của tiếng mẹ đẻ.

Dịch là một quá trình phức tạp gồm các bước dịch liên kết và chuyển tiếp cho nhau.

Khi bắt đầu tiến hành dịch, chúng tôi cho rằng trước hết nên:

a. đọc nhẩm toàn bộ hoặc từng phần bài dịch để hình dung được nội dung khái quát của bài đọc. Nên đọc vài lần.

b. sau khi tự làm rõ nghĩa nội dung khái quát của đoạn cần dịch, nên bắt đầu dịch từng câu riêng biệt.

- phân định thành phần câu, xác định các mối liên kết giữa các từ riêng biệt cần thiết hơn nghĩa riêng của từng từ.

- tách riêng các từ mới và sau khi liên kết giữa các từ đã được thiết lập, nghĩa là chức năng của các từ riêng biệt đã rõ ràng, nên bắt đầu tìm các nghĩa tương ứng của chúng trong từ điển. Từ mới không cần thiết phải tìm theo trật tự trong bài mà phụ thuộc vào các chức năng của chúng trong câu. Nên bắt đầu từ việc mở nghĩa các thành phần chính trong câu là chủ ngữ và vị ngữ, sau đó là tân ngữ trực tiếp v.v. Đây là phần cốt lõi có các từ giải thích khác bao quanh. Sau đó dịch đến các phần câu kế tiếp vị ngữ cho đến hết câu một cách liên tục. Dịch theo trật tự như vậy thì việc biết rõ nghĩa các từ cơ bản sẽ giúp đoán được nghĩa các từ mới có liên quan, ví dụ: Nhận được …… của bạn tôi, tôi viết ngay trả lời anh ấy.

Nếu gốc từ đã rõ nghĩa thì không nhất thiết phải tìm từ phái sinh bởi vì sinh viên cần biết nghĩa các phụ tố. Thông thường, do từ được sắp xếp trong từ điển ở dạng cơ bản, nên các từ mới cần loại bỏ vĩ tố -es, -ed, -ing, -er, -est. Đôi khi cũng cần loại bỏ hậu tố và tiền tố bởi vì trong một số từ điển không phải lúc nào cũng có tất cả các từ phái sinh cùng các phụ tố phổ biến. Ví dụ, từ unlimited cần tra nghĩa của từ limit, unescapable - to escape, unavoidable - to avoid. Để dịch từ inaccessibility chỉ cần tìm nghĩa gốc từ access và v.v.

Ví dụ về trật tự dịch các từ: With the introduction of the new method into our work the workers of our plant have greatly increased the labour productivity. (Với việc đưa vào công việc một phương pháp mới nên công nhân nhà máy chúng tôi đã tăng được một cách đáng kể hiệu suất lao động.)

Trong câu dịch này (theo đúng trật tự các từ trong câu) nghĩa câu được mở đúng, nhưng phần lớn câu dịch không theo đúng văn phong tiếng Việt. Để phù hợp với tiếng Việt hơn, theo chúng tôi nên dịch như sau: Công nhân nhà máy chúng tôi đã tăng năng suất một cách đáng kể do áp dụng phương pháp mới vào quá trình sản xuất.

c. Bước cuối cùng của phần dịch là chỉnh lại câu theo văn phong chuyên ngành kĩ thuật đại cương hoặc chuyên ngành. Không nhìn lại văn bản gốc, dựa trên nghĩa câu đã mở, nên truyền đạt toàn bộ nội dung bài cần dịch bằng tiếng mẹ đẻ theo đúng văn phạm. Trong những trường hợp cần thiết, có thể thay đổi trật tự từ, câu phức có thể chuyển thành câu đơn và ngược lại. Không bao giờ quên rằng, chúng ta dịch không phải các từ riêng biệt, mà là các từ trong một liên kết - câu, truyền đạt không phải nghĩa các từ riêng biệt, mà cần thể hiện được bằng tiếng mẹ đẻ theo đúng ý của tác giả. Ví dụ:

It is due to the fact that …… Điều này là do ……

The first thing to do is …… Trước tiên cần làm là ……

This point must be born in mind. Cần chú ý điểm này.

The voltage is as high as 2000 volts. Điện áp đạt tới 2000 V.

Khi dịch, các khó khăn chủ yếu phát sinh là do có sự khác nhau đáng kể về các chuẩn ngôn ngữ cần dịch và tiếng Việt. Những khó khăn đó có thể được thể hiện ở các điểm sau:

a. Trật tự từ:

- khi dịch theo nghĩa từ, trật tự từ có thể làm câu dịch không lưu loát, truyền đạt không sát nghĩa và đôi khi còn thay đổi ý câu, ví dụ: There is a book on the table. Tiếng Việt sẽ là: Trên bàn có một quyển sách. Nếu dịch: Quyển sách ở trên bàn; thì tiếng Anh sẽ là: The book is on the table. Trong các trường hợp có mạo từ thì có thể dịch là "một" hoặc không dịch.

- Trong tiếng Anh, văn phong khoa học kĩ thuật phổ biến là câu bị động, trật tự từ C-V, nhưng trong tiếng Việt sẽ là ngược lại, ví dụ: In this article a new design of the device is described and some new methods are recommended. (Trong bài báo này mô tả thiết kế thiết bị mới và chỉ dẫn vài phương pháp.)

- Khi dịch câu có liên từ if hoặc whether thì sang tiếng Việt cần thêm "không" ở cuối câu, ví dụ: We are not sure whether (if) these readings are accurate. (Chúng ta không chắc rằng các chỉ số này có chính xác hay không.)

b. Hệ thống thời trong tiếng Anh phức tạp hơn so với tiếng Việt.

c. Một số động từ trong tiếng Anh khi kết hợp với các giới từ khác nhau thì mang nghĩa không giống nhau.

d. Một số từ hoặc cụm từ không có tương đương chính xác trong tiếng Việt.

e. Như tất cả các ngôn ngữ khác trong quá trình phát triển, tiếng Anh cũng phát sinh các thuật ngữ và khái niệm mới. Trong lúc dịch, cần thật chú ý đến nghĩa của các thuật ngữ mới này.

Tài liệu tham khảo[sửa]

1. Roderick A.Jacobs. English syntax. Oxford University Press, 1993.

2. James R.Hurford & Brendan Heasley. Semantics: A Coursebook. University of Edinburgh.

3. X.Ia.Stuberg, K.X.Brixkina. Dịch tiếng Anh khoa học. Trường Đại học Tổng hợp Kiev.

4. Nguyễn Văn Chiến. Ngôn ngữ học đối chiếu và đối chiếu các ngôn ngữ Đông Nam Á. Trường Đại học Sư phạm Ngoại ngữ, Hà Nội, 1992.

5. Đào Hồng Thu. Về vấn đề dạy học ngoại ngữ ở trường Đại học Bách Khoa Hà Nội. Tạp chí Khoa học và Công nghệ, số 14/1997.

Bản quyền[sửa]

Đào Hồng Thu

Tập san Ngoại ngữ, Đại học Ngoại ngữ - Đại học Quốc gia Hà Nội, số 4/1999.