Vượt qua sự nhút nhát

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Bạn có thường cảm thấy lúng túng khi phải nói trước đám đông? Nếu có, bạn không một mình. Nhiều người trên thế giới cũng đang chịu ảnh hưởng của sự nhút nhát từ mức độ nhẹ đến nặng và họ cũng đang gặp khó khăn trong việc đối phó với nó. Hãy nhớ rằng bạn không thể chui ra khỏi chiếc vỏ ốc của mình chỉ sau một đêm. Mọi việc đều cần phải có thời gian, nỗ lực, và tất nhiên cả sự khao khát muốn thay đổi bản thân. Bằng cách tham khảo bài viết này, bạn đang đi đúng hướng để thoát khỏi sự nhút nhát – bây giờ thì hãy tiếp tục tìm hiểu.

Các bước[sửa]

Hiểu rõ Bản chất của Sự nhút nhát[sửa]

  1. Suy nghĩ về nguồn gốc của sự nhút nhát. Nhút nhát không nhất thiết là do tính cánh hướng nội hoặc không yêu bản thân mình gây nên. Nó chỉ đơn giản có nghĩa là vì một lý đo nào đó, bạn cảm thấy ngượng ngùng khi mọi sự chú ý đều tập trung về phía bạn. Nguồn gốc của sự nhút nhát của bạn là gì? Nó có thể chỉ là triệu chứng của những vấn đề to tát hơn. Sau đây là ba khả năng:
    • Khả năng tự nhận thức bản thân của bạn khá kém. Điều này xảy ra khi chúng ta nghe theo giọng nói tiêu cực trong đầu khi đánh giá bản thân. Thật khó để có thể ngừng lắng nghe giọng nói này, tuy nhiên, cuối cùng thì nó cũng chính là giọng nói của bạn và bạn có thể hướng dẫn cho nó những điều cần nói.
    • Bạn gặp khó khăn trong việc tin tưởng những lời khen ngợi mà người khác dành tặng cho bạn. Cho dù là bạn có cảm thấy rằng mình xinh đẹp hay không, người khác vẫn có thể nhận thức được điều này, và đó cũng chính là lý do vì sao họ khen tặng bạn. Bạn không muốn gọi họ là kẻ dối trá đúng không? Hãy nâng cằm lên, nói "cảm ơn" và chấp nhận lời khen đó. Không nên cố gắng nói với người dành tặng cho bạn lời khen rằng họ đã sai.
    • Bạn quá chú tâm đến cách mà bạn thể hiện. Điều này xảy ra khi chúng ta quá chú ý đến bản thân. Bởi vì chúng ta dành cả ngày để cố gắng điều chỉnh hành động của chúng ta để chắc chắn rằng chúng ta không làm hỏng mọi chuyện, chúng ta cũng giả định rằng người khác cũng hành động tương tự như vậy. Chúng ta sẽ bàn luận về cách để hướng sự chú ý sang người khác nếu biện pháp này nghe có vẻ phù hợp với bạn hơn.
    • Người khác đều biết đến bạn như một kẻ nhút nhát. Đôi khi, khi chúng ta còn nhỏ, chúng ta thường khá nhút nhát. Không may mắn thay, mọi người đều dựa vào hình ảnh này để đối xử với chúng ta tương tự như khi chúng ta còn nhỏ, mặc dù tính cách của chúng ta đã thay đổi hoàn toàn. Có thể là vì mọi người xếp bạn vào danh sách này và bạn chỉ đang cố gắng để thích nghi với suy nghĩ của họ. Bạn biết đấy, bạn chỉ cần phải thích nghi với chính bản thân mình.
      • Cho dù lý do của bạn là gì, bạn đều có thể vượt qua nó. Chúng chỉ tồn tại trong suy nghĩ của bạn và suy nghĩ là điều mà bạn hoàn toàn có thể kiểm soát! Đúng vậy!
  2. Chấp nhận sự nhút nhát của bản thân. Một trong những bước đầu tiên để vượt qua sự nhút nhát đó là cố gắng chấp nhận nó và cố gắng trở nên thoải mái hơn với nó. Bạn càng chống lại nó bao nhiêu, cho dù là vô tình hay cố ý, nó sẽ không ngừng chiếm ưu thế. Nếu bạn là một người nhút nhát, hãy chấp nhận tính cách này và trân trọng nó. Một phương pháp mà bạn có thể thực hiện đó là không ngừng nói với bản thân rằng 'Vâng, tôi là một người nhút nhát và tôi chấp nhận bản chất của mình'.
  3. Xác định tác nhân gây nhút nhát. Bạn có thường trở nên ngại ngùng trước những khán giả mới? Khi học một kỹ năng mới? Khi gặp phải tình huống mới? Khi vây quanh bản thân bằng những người mà bạn biết rõ và ngưỡng mộ? Khi bạn không biết một người nào đó tại một thời điểm nào đó? Hãy cố gắng xác định những suy nghĩ thoáng qua của bạn trước khi cho phép sự nhút nhát chiếm lĩnh bạn hoàn toàn.
    • Không phải bất kỳ tình huống nào cũng đều khiến bạn trở nên ngại ngùng. Bạn cảm thấy khá ổn khi ở cạnh gia đình, đúng không? Gia đình của bạn và người lạ mặt có điểm gì khác nhau? Thật sự họ không hề khác nhau – bạn chỉ đơn giản là biết rõ họ hơn và họ cũng vậy. Vấn đề này không phải phát sinh từ bạn, mà là từ tình huống mà bạn đang phải đối mặt. Điều này chứng tỏ rằng sự nhút nhát của bạn không phải là một vấn đề toàn diện, và cũng không phải là một vấn đề thường xảy ra mọi nơi mọi lúc. Thật tốt.
  4. Thiết lập danh sách các tình huống khiến bạn cảm thấy lo lắng. Sắp xếp chúng theo thứ tự sao cho tác nhân ít gây lo lắng nhất nằm tại vị trí đầu tiên và tác nhân gây lo lắng nhiều nhất sẽ nằm ở vị trí cuối cùng. Khi bạn sắp xếp mọi thứ theo thứ tự cụ thể, bạn sẽ biến chúng trở thành như những nhiệm vụ mà bạn có thể giải quyết và giải quyết một cách thành công.
    • Lập danh sách càng chi tiết càng tốt. "Nói chuyện trước công chúng" có thể là một tác nhân kích thích sự rụt rè, nhưng bạn có thể nói rõ hơn về chúng. Nói chuyện với những người có quyền lực hơn bạn? Nói chuyện với những người mà bạn cảm thấy rằng họ khá hấp dẫn? Bạn càng chi tiết bao nhiêu thì càng dễ dàng xác định tình hình và giải quyết chúng bấy nhiêu.
  5. Hoàn thành toàn bộ danh sách. Một khi bạn đã tạo nên một danh sách bao gồm từ 10-15 tình huống căng thẳng, hãy bắt đầu giải quyết chúng, từng tình huống một (tất nhiên là sau khi bạn đọc xong bài viết này). Những tình huống dễ xử lý ở vị trí đầu tiên của danh sách có thể giúp bạn xây dựng sự tự tin để có thể tiếp tục tiến hành giải quyết các tình huống khó khăn hơn.
    • Không nên lo lắng nếu thỉnh thoảng bạn phải lùi bước; bạn có thể giải quyết vấn đề một cách chậm rãi, nhưng hãy nhớ nỗ lực để thúc đẩy bản thân mình.

Chinh phục Tâm trí[sửa]

  1. Sử dụng sự nhút nhát như Gợi ý. Bất kỳ một điều gì có thể tác động đến tính nhút nhát của bạn chính là vì bạn nhìn nhận nó như tác nhân kích thích sự rụt rè. Cũng tương tự như việc lập trình máy tính, khi một 'chương trình' bị một vài lỗi nhất định, nó sẽ phản ứng theo như cách mà chúng ta đã lập trình nó để đối phó với lỗi. Tâm trí của chúng ta cũng được lập trình tương tự. Chúng ta được lập trình từ thời thơ ấu để có thể đối phó với những nguy hiểm nhất định chẳng hạn như tránh xa người lạ mặt, độ cao, động vật nguy hiểm, v.v. Tuy nhiên, đối với tác nhân cụ thể, phản ứng của chúng ta trở về trạng thái mặc định, có nghĩa là chúng ta nhận biết được chúng và phản ứng với chúng theo cách mà chúng ta thường phản ứng (theo mặc định) và phản ứng này có thể vẫn còn thiếu sót. Ví dụ, khi chúng ta nhìn thấy một con thằn lằn, một vài người trong chúng ta sẽ nhìn nó như một loài bò sát xấu xí, trong khi một vài người khác lại cho rằng nó là một loại vật nuôi xinh đẹp, lý do là vì họ chịu ảnh hưởng của phản ứng tự nhiên của họ (ở trạng thái mặc định) trước tác nhân kích thích (con thằn lằn). Tương tự khi người nhút nhát gặp người khác (tác nhân kích thích), phản ứng tự nhiên của họ sẽ là ngại ngùng. Sự thật là bạn có thể thay đổi cách bạn phản ứng bằng cách tái lập trình tâm trí của bạn. Bạn có thể thực hiện điều này bằng cách...
    • Đưa ra câu hỏi cho bản thân và kiểm tra sự phù hợp của các lý do của bạn.
    • Bạn cần phải luyện tập kỹ năng nói trước công chúng để có thể vượt qua sự nhút nhát của bản thân. Hãy cố gắng nhìn nhận sự rụt rè như một Gợi ý để có thể thúc đẩy bản thân thực hiện những điều trái ngược với những việc mà bạn thường làm khi bạn cảm thấy ngại ngùng. Khi đám đông khiến bạn cảm thấy lúng túng, bạn có thể sẽ muốn tìm đến một nơi yên tĩnh nào đó bởi vì đây là phản ứng mặc định của bạn trong khoảng thời gian dài nhưng bây giờ, bất kỳ khi nào bạn cảm thấy ngại ngùng, hãy thúc đẩy bản thân thực hiện điều ngược lại ví dụ như trò chuyện với mọi người. Tất nhiên bạn sẽ cảm thấy hoàn toàn không thoải mái và tiêu cực nhưng hãy xem những cảm xúc này như là tác nhân để bạn có thể thúc đẩy bản thân cố gắng nhiều hơn. Cảm xúc tiêu cực càng lớn thì càng có thể tạo động lực cho bạn nhiều hơn. Sau khi bạn đã tiến hành thực hiện phương pháp này nhiều lần, bạn sẽ nhận thấy rằng những cảm xúc tiêu cực này thật ra là người bạn tốt của bạn bởi vì chúng sẽ tạo động lực để bạn có thể thúc đẩy bản thân cố gắng nhiều hơn.
  2. Chú ý đến người khác. 99% chúng ta thường trở nên nhút nhát khi chúng ta suy nghĩ rằng nếu chúng ta lên tiếng hoặc trở nên nổi bật trước đám đông, chúng ta sẽ khiến bản thân phải xấu hổ. Đây chính là lý do vì sao bạn cần phải chuyển hướng chú ý sang người khác, khiến cho sự chú ý (trong tâm trí) của chúng ta tập trung vào một nơi khác. Khi chúng ta ngừng chú ý đến bản thân, chúng ta sẽ ngừng lo lắng về cách chúng ta thể hiện.
    • Cách dễ dàng nhất để thực hiện phương pháp này đó chính là tập trung vào lòng trắc ẩn.[1] Khi chúng ta động lòng trắc ẩn, cảm thông, hoặc thậm chí đồng cảm với người khác, chúng ta sẽ ngừng tập trung vào bản thân mình và bắt đầu hướng mọi nguồn lực tinh thần để cố gắng tìm hiểu người khác. Luôn nhớ rằng mỗi người đều phải chiến đấu với một cuộc chiến nào đó – cho dù to hay nhỏ (đối với họ chúng cũng vẫn khá to!) – sẽ giúp chúng ta nhớ rằng mọi người đều đáng để chúng ta quan tâm.
    • Nếu phương pháp này không đem lại hiệu quả, hãy suy nghĩ theo hướng mà bạn hình dung rằng người khác cũng suy nghĩ như vậy. Nếu bạn lo lắng về ngoại hình của mình, bạn sẽ giả định rằng người khác cũng tập trung chú ý vào vẻ bề ngoài của bạn (gợi ý: thật ra họ không hề chú ý). Suy nghĩ rập khuôn có tính lây lan; một khi bạn bắt đầu, bạn sẽ không thể ngừng lại.
  3. Hình dung về sự thành công. Nhắm mắt lại và hình dung tình huống khiến bạn cảm thấy ngại ngùng. Bây giờ, trong tâm trí, hãy suy nghĩ về việc trở nên tự tin. Bạn nên thường xuyên thực hiện phương pháp này và thực hiện trong nhiều tình huống khác nhau. Đây là phương pháp khá hiệu quả nếu bạn luyện tập mỗi ngày, đặc biệt là vào buổi sáng. Nghe có vẻ khá ngớ ngẩn, nhưng các vận động viên thường sử dụng biện pháp này để phát triển kỹ năng của họ, vì vậy, tại sao bạn lại không thể thực hiện?
    • Tập trung tất cả các giác quan để hình dung mọi việc càng chân thật càng tốt. Hãy suy nghĩ về việc trở nên hạnh phúc và thoải mái. Bạn cảm thấy như thế nào? Bạn đang làm gì? Bằng cách này, khi thời điểm đến, bạn sẽ luôn sẵn sàng.
  4. Luyện tập dáng điệu tốt. Đứng thẳng sẽ khiến cả thế giới nghĩ rằng bạn là một người tự tin và dễ gần. Thông thường, cảm xúc của chúng ta sẽ là yếu tố quyết định cách mà người khác đối xử với chúng ta – vì vậy, nếu chúng ta cởi mở và dễ gần, cơ thể của chúng ta cũng sẽ mô phỏng cảm giác đó. Cơ thể của bạn sẽ giúp bạn vượt qua khó khăn!
    • Phương pháp này cũng giúp đánh lừa bộ não của bạn. Nghiên cứu khoa học đã chỉ ra rằng dáng điệu tốt (đầu ngẩng cao, đẩy vai về phía sau, và dang rộng cánh tay) sẽ khiến chúng ta cảm thấy có quyền lực, tự tin, và – hơn hết đó là – giảm căng thẳng.[2] Và bạn thậm chí không cần biết thêm các lý do khác!
  5. Luyện tập cách tự nói chuyện với chính mình. Phương pháp này sẽ giúp bạn tránh gặp phải tình trạng xấu hổ khi cần phải lặp lại những điều bạn nói chỉ vì lý do bạn nói lắp bắp hoặc nói quá nhỏ. Bạn cần phải học cách làm quen với việc lắng nghe giọng nói của chính mình! Thậm chí yêu thích nó.
    • Ghi âm giọng nói của bạn khi bạn trò chuyện với chính mình. Nghe có vẻ ngớ ngẩn, tuy nhiên bạn sẽ dễ dàng nhận biết được khuôn mẫu, thời gian và lý do bạn ngừng nói, thời điểm khi bạn nghĩ rằng bạn nói khá to nhưng thật ra bạn lại nói khá nhỏ, v.v. Vào lúc đầu, bạn sẽ có cảm giác như mình là một diễn viên (và thực hiện những điều mà một diễn viên cần làm để nhập vai), nhưng dần dần nó sẽ trở thành thói quen của bạn. Bạn biết đấy, luyện tập sẽ giúp bạn hình thành thói quen!
  6. Không nên so sánh bản thân với người khác. Bạn càng so sánh bản thân với người khác nhiều bao nhiêu thì bạn càng cảm thấy rằng mình không thể bằng họ và bị đe dọa bấy nhiêu, và điều này sẽ khiến bạn trở nên nhút nhát hơn. So sánh bản thân với người khác sẽ không đem lại lợi ích cho bạn – nhưng nếu bạn thật sự muốn so sánh bản thân, hãy thực hiện nó một cách thực tế hơn. Người khác cũng gặp vấn đề với sự tự tin tương tự như bạn!
    • Nghiêm túc mà nói, nếu người thân hoặc bạn bè của bạn là những người khá tự tin và hướng ngoại, hãy tham khảo ý kiến của họ về bài viết này. Họ có thể sẽ nói những điều chẳng hạn như "Ừ, phải rồi, tớ đã hoàn toàn hình thành ý thức cho bản thân về việc phải trở nên cởi mở hơn" hoặc "Bản thân tớ cũng từng khá tệ. Tớ thật sự đã phải cố gắng rất nhiều để thay đổi nó". Bạn chỉ đang trong một giai đoạn khác của quá trình biến đổi so với họ.
  7. Suy nghĩ về sự tuyệt vời của bản thân. Bất kỳ người nào cũng có một tài năng hoặc đặc điểm riêng biệt để có thể giúp ích cho thế giới. Nghe thì có vẻ hơi sến, nhưng nó là sự thật. Hãy suy nghĩ về những điều mà bạn biết, điều mà bạn có thể làm, và điều mà bạn đã thực hiện thay vì mê muội chú ý đến vẻ ngoài, cách trò chuyện, hoặc cách ăn mặc của bản thân. Hãy nhớ rằng bất kỳ một ai, ngay cả những người "xinh đẹp", đều có những điểm khiến họ không hài lòng ở bản thân hoặc về cuộc sống của họ. Không có một lý do cụ thể nào để có thể giải thích lý do vì sao "vấn đề" của bạn khiến bạn trở nên nhút nhát, trong khi "vấn đề" của họ không làm họ trở nên rụt rè.
    • Khi bạn tập trung vào vấn đề này, bạn sẽ nhận ra rằng bạn có thể giúp ích rất nhiều cho bất kỳ một nhóm người hoặc một tình huống nào. Sự hiểu biết và kỹ năng của bạn là những yếu tố cần thiết giúp cải thiện mọi vấn đề, cuộc trò chuyện, hoặc hoàn cảnh. Nhận biết được điều này sẽ giúp bạn muốn được cất lên tiếng nói của chính mình.
  8. Xác định giá trị và sức mạnh xã hội của bản thân. Chỉ bởi vì bạn không phải là người nổi bật trong căn phòng, hoặc là người có tiếng nói mạnh mẽ nhất, hoặc là người có thể bắt đầu một bữa tiệc không có nghĩa là bạn thiếu sức mạnh xã hội. Bạn có phải là một người biết lắng nghe? Bạn có khả năng chú ý đến từng chi tiết? Có thể đó là một tố chất mà bạn không hề nhận biết rằng mình sở hữu, vì vậy, hãy thư giãn một chút. Bạn có phải là người có khiếu quan sát hơn những người khác? Có thể.
    • Sức mạnh của bạn có thể đem lại lợi thế cho bạn. Nếu bạn là một người biết lắng nghe, bạn sẽ có thể dễ dàng nhận biết khi một người nào đó đang gặp vấn đề và cần bày tỏ nỗi niềm của mình. Trong tình huống này, họ chính là những người cần đến bạn. Tình huống này không chứa bất kỳ một yếu tố đe dọa nào. Vì vậy, hãy hỏi thăm họ! Bạn sẽ nhận thấy rằng họ đang tức giận đến “bốc khói” – bạn có thể lắng nghe họ tâm sự hay không?
    • Trong các nhóm xã hội, tất cả mọi vai trò đều cần phải được đảm nhiệm. Ngay cả khi bạn không nhận thấy, bạn cũng có một vai trò nào đó trong nhóm. Không có vị trí nào là tốt hơn vị trí nào – nhận biết giá trị của bản thân, cho dù nó có như thế nào, sẽ giúp tạo động lực chung cho cả nhóm.
  9. Không nên “dán nhãn” bản thân. Bạn cần biết rằng người nổi tiếng thường không hạnh phúc. Người hướng ngoại không cần thiết phải nổi tiếng hoặc hạnh phúc và người nhút nhát không cần thiết phải là người hướng nội, không hạnh phúc, hoặc lạnh nhạt hoặc xa cách. Bạn sẽ không muốn người khác nghĩ về bạn theo một khuôn khổ nào đó, vì vậy, bạn cũng không nên dán nhãn người khác.
    • Hết ngày này sang ngày khác, những sinh viên nổi tiếng trong trường đang cố gắng hết sức để duy trì sự nổi tiếng của mình. Họ đang cố gắng để thích nghi và trở nên phù hợp và thành công. Tốt cho họ, nhưng điều đó không có nghĩa là họ sẽ cảm thấy hạnh phúc hoặc sự nổi tiếng của họ sẽ tồn tại mãi. Cố gắng để tranh giành những thứ phù du sẽ không giúp bạn tiến xa. Bạn không nên khoe khoang về thành tựu mà mình đạt được – thời phổ thông cũng sẽ kết thúc, thời đại học cũng sẽ kết thúc, và cuối cùng thì bạn sẽ nhận được gì? Một vài sự ca ngợi và một chiếc mũ miện buồn cười.

Chinh phục các Tình huống Xã hội[sửa]

  1. Chuẩn bị sẵn sàng. Nếu bạn dự định tham dự một buổi tiệc vào tuần sau, bạn nên chuẩn bị trước một vài chủ đề hay ho để trò chuyện. Nhà nước lại tiếp tục trì trệ? Vòng chung kết một chương trình TV nổi tiếng? Một sự kiện quốc tế? Hãy tìm hiểu thêm về chúng. Bằng cách này, bạn sẽ có thể tham gia vào bất kỳ một cuộc trò chuyện nào khi một chủ đề nào đó xuất hiện.
    • Không phải là bạn đang cố gắng gây ấn tượng với mọi người bằng sự hiểu biết toàn diện và sâu sắc của bạn. Bạn chỉ đang tham gia vào câu chuyện. Mọi người không tìm kiếm sự phán xét hoặc ý kiến từ bạn, vì vậy, hãy giữ cho mọi việc luôn nhẹ nhàng và thân thiện. Một câu nói đơn giản chẳng hạn như "Trời ạ, tôi sẽ không muốn mình phải mang đôi giày Boehner" có thể ngăn cuộc trò chuyện đi vào ngõ cụt.
  2. Suy nghĩ về cuộc trò chuyện theo từng giai đoạn. Tương tác xã hội có thể được đơn giản hóa đến một mức độ nào đó. Khi bạn hướng sự chú ý đến những bước cơ bản và tiếp thu chúng một cách chủ quan, bạn sẽ có thể sẵn sàng tham gia mọi câu chuyện một cách tự động, và điều này sẽ khiến bạn ít bị căng thẳng hơn. Hãy suy nghĩ về mọi cuộc trò chuyện theo bốn giai đoạn:
    • Giai đoạn đầu tiên là giai đoạn mở đầu bằng những câu nói đơn giản. Thường là những câu chuyện xã giao phù hợp.
    • Giai đoạn thứ hai là phần giới thiệu. Tự giới thiệu bản thân mình.
    • Giai đoạn thứ ba là tìm điểm tương đồng, một vài chủ đề mà cả hai đều có thể cùng bàn luận về nó.
    • Giai đoạn thứ tư là kết thúc, một người sẽ thông báo cho đối phương biết rằng mình sẽ phải kết thúc cuộc trò chuyện, và sau đó tổng hợp mọi việc, hoặc có thể trao đổi thông tin. "Thật vui khi trò chuyện với bạn – tôi chưa từng nghĩ đến điệu Walt theo cách như vậy. Đây là danh thiếp của tôi – chúng ta sẽ sớm gặp lại!"
  3. Bắt đầu câu chuyện. Bạn có nhớ về dự án mà bạn đã hoàn thành? Ngọn núi mà bạn đã chinh phục? Căn bệnh mà bạn đã vượt qua? Nếu bạn có thể nói về những điều này, bạn sẽ có thể dễ dàng trò chuyện. Một lời nhận xét ngẫu nhiên về một điều nào đó mà cả hai cũng chia sẻ có thể giúp bạn bắt đầu câu chuyện – "Xe buýt lúc nào cũng đến trễ" hoặc "Chắc họ sắp pha xong cà phê!" hoặc "Bạn có thấy chiếc cà vạt mà ông Hải đeo hôm nay không? Trời đất ơi. Cuộc trò chuyện của bạn sẽ bắt đầu từ những điều này.
    • Thêm chi tiết vào những câu nói cơ bản. Nếu một người nào đó hỏi thăm về địa chỉ nhà của bạn, sẽ dễ dàng để bạn trả lời theo cách khiến cho cuộc trò chuyện phải ngừng lại trong tình trạng vô cùng ngượng nghịu, cảm giác như bạn thất bại hoàn toàn. Thay vì trả lời rằng "Trên đường Nguyễn Thái Học", hãy nói rằng "Trên đường Nguyễn Thái Học, kế bên tiệm bánh ngon tuyệt vời".[3] Bằng cách này, đối phương có thể bàn luận thêm về vấn đề này, giúp duy trì câu chuyện. Thay vì họ sẽ đáp lại bạn rằng "À, ra vậy", họ sẽ nói rằng "Ôi trời, bạn có ăn thử món bánh sừng bò sôcôla của họ hay chưa?!"
  4. Khởi động. Nếu bạn đang tham dự một buổi tiệc, bạn có thể không ngừng sử dụng những cuộc trò chuyện tương tự như nhau. Hãy tham gia trò chuyện cùng lúc với một hoặc hai người và luyện tập đưa ra những lời nhận xét hài hước cũng như tẻ nhạt cho đến khi bạn hiểu rõ được chúng và cảm thấy khá mệt mỏi với chúng. Sau đó, hãy quay về trò chuyện với những người mà bạn thật sự thích. Lúc này, bạn sẽ có thể tập trung vào câu chuyện thật sự.
    • Bắt đầu nhanh chóng, mỗi cuộc trò chuyện chỉ nên kéo dài trong một vài phút, Bằng cách này bạn sẽ không gây căng thẳng cho bản thân và có thể nó sẽ giúp bạn cảm thấy ít lo lắng hơn – khi bạn biết rằng cuộc trò chuyện sẽ kết thúc trong 2 phút, mọi việc sẽ không còn đáng sợ. Sau đó, bạn có thể dành thời gian và năng lượng cho những người mà bạn yêu mến. Thật sự đây là khoảng thời gian đáng giá nhất với công sức của bạn![3]
  5. Tỏ vẻ dễ gần và cư xử thân thiện. Sử dụng ngôn ngữ cơ thể để truyền tải thái độ thân thiện và cởi mở của bạn. Hãy bảo đảm rằng bạn không khoanh tay trước ngực, luôn ngẩng cao đầu, và không bận rộn làm một việc nào đó. Không người nào thích trò chuyện với bạn khi bạn đang bận bịu với trò chơi Candy Crush. Họ chỉ đang cố gắng tỏ thái độ lịch sự với bạn!
    • Suy nghĩ về những người mà bạn muốn tiếp cận. Cơ thể và nét mặt của họ nói lên điều gì? Bây giờ, hãy nghĩ về những người mà bạn không muốn tiếp cận. Cách ngồi của bạn như thế nào – bạn đang lọt thỏm vào vị trí nào?
  6. Mỉm cười và giao tiếp bằng mắt. Mỉm cười với người lạ mặt có thể khiến cho một ngày của bạn cũng như của họ trở nên tươi đẹp hơn! Mỉm cười là một cách thân thiện để bày tỏ lòng biết ơn với người khác, và nó sẽ là một cách hay để bạn có thể bắt đầu một cuộc trò chuyện với bất kỳ ai, cho dù họ là người lạ hay bạn bè. Bạn đang chứng tỏ cho họ thấy rằng bạn hoàn toàn vô hại, thân thiện, và muốn tham gia cùng họ.
    • Con người là động vật có tính xã hội. Những người bị giam trong trại biệt giam sẽ chứng minh điều này. Bất kỳ người nào trong chúng ta cũng đều tìm kiếm sự tương tác và sự khẳng định bản thân. Bạn không cố gắng đánh lừa họ - bạn chỉ đang cố gắng khiến cho một ngày của họ trở nên sống động và tốt hơn.
  7. Suy nghĩ về cơ thể của mình. Khi bạn tham gia vào một nhóm người (ngay cả khi nhóm đó chỉ có 1 người), bạn có thể sẽ trở nên nhút nhát. Trong những giây phút đầu tiên, điều này là hoàn toàn bình thường. Nếu bạn cảm thấy lo lắng, hãy tự hỏi bản thân những điều sau:[4]
    • Mình có đang hít thở hay không? Nếu bạn có thể hít thở chậm, cơ thể của bạn sẽ rơi vào trạng thái thư giãn.
    • Mình có đang thư giãn hay không? Nếu không, hãy di chuyển cơ thể của bạn vào tư thế mà bạn có thể cảm thấy thoải mái hơn.
    • Mình có đang cởi mở hay không? Bạn có thể đang sử dụng những tín hiệu nhận biết theo cách suy nghĩ riêng của bạn. Cởi mở có thể sẽ làm thay đổi cách nhìn của người khác đối với vai trò của bạn trong nhóm.

Thách thức Bản thân[sửa]

  1. Thiết lập mục tiêu cho bản thân. Bạn không thể chỉ nghĩ rằng "Mình sẽ mạnh dạn hơn và không nhút nhát nữa!". Đây không phải là mục tiêu hữu hình – mục tiêu này cũng tương tự như khi bạn nói rằng "Mình muốn trở thành người tuyệt vời". Bạn sẽ thực hiện nó như thế nào? Bạn cần đề ra mục tiêu liên quan đến hành động cụ thể, chẳng hạn như trò chuyện với người lạ hoặc bắt chuyện với một chàng trai hoặc một cô gái dễ thương mà bạn biết. (Chúng ta sẽ bàn về các hành động này trong phần tiếp theo).
    • Tập trung vào những thành tựu nhỏ nhặt hằng ngày, sau đó dần dần trở nên táo bạo hơn. Ngay cả hành động hỏi giờ người lạ cũng được xem như nhiệm vụ khó khăn. Đừng nghĩ rằng những cơ hội nhỏ nhặt này sẽ không đáng để bạn thực hiện – chúng khá to tát! Từ những việc nhỏ nhặt này, sau này bạn sẽ có thể dễ dàng nói chuyện trước đám đông, vì vậy, hãy chậm lại!
  2. Tìm kiếm những điều khiến bạn thoải mái. Thành thật mà nói, biểu diễn một điệu nhảy hoặc nhậu nhẹt thâu đêm sẽ không phải là hành động phù hợp với bạn – chúng không hề liên quan đến sự nhút nhát. Nếu bạn thà đi cắt móng chân cho bà của mình còn hơn là thực hiện những điều này thì bạn đang đi đúng hướng. Không nên cố gắng chinh phục sự nhút nhát của mình trong môi trường mà bạn rõ ràng là không thể chịu đựng được nó. Nó sẽ không phù hợp với bạn.
    • Bạn không cần phải thực hiện các hành động tương tự như người khác. Và nếu bạn làm vậy, bạn sẽ không thể gắn bó với nó và bạn sẽ không thể tìm được những người mà bạn yêu mến và có cùng tính cách như bạn. Tại sao bạn lại muốn lãng phí thời gian của mình?! Nếu quán rượu không phải là nơi phù hợp với bạn thì bạn cũng không cần phải lo lắng. Hãy luyện tập kỹ năng xã hội của mình tại tiệm cà phê, trong một buổi họp mặt nhỏ, hoặc tại nơi làm việc. Những địa điểm này sẽ phù hợp hơn với cuộc sống của bạn.
  3. Đặt bản thân vào tình huống không thoải mái. Bạn nên nhớ rằng chúng tôi không muốn bạn đặt bản thân mình vào hoàn cảnh mà bạn phải trốn trong góc nhà và tự véo mình để xóa tan nỗi đau mà bạn đang phải gánh chịu, nhưng bạn cần phải đặt mình vào môi trường mà bạn phải tiến thêm một hoặc hai bước ra khỏi vùng an toàn của bạn. Nếu không thì làm sao bạn có thể phát triển?
    • Bắt đầu từ vị trí đầu tiên trong danh sách, bạn có nhớ không? Nó có thể là bắt chuyện với một cô gái bán hàng, trò chuyện với một người nào đó tại nhà chờ xe buýt, hoặc tán gẫu với anh chàng ngồi kế bạn tại nơi làm việc. Hầu hết mọi người đều không giỏi bắt chuyện (bạn có biết lý do vì sao không? Vì họ cũng giống như bạn), nhưng cơ hội để bạn có thể bắt đầu một cuộc trò chuyện vẫn còn đó.
  4. Giới thiệu bản thân với một người mới mỗi ngày. Trò chuyện với người lạ mặt thường sẽ dễ dàng hơn, ít ra là nhanh chóng hơn. Dù sao đi nữa, bạn cũng có thể sẽ không gặp lại họ, vì vậy, bạn đâu cần phải quan tâm họ nghĩ gì về bạn, đúng không? Anh chàng đang đi đến trạm xe buýt. Hãy giao tiếp bằng mắt và mỉm cười với anh ta. Bạn chỉ phải tốn 3 giây để thực hiện điều này!
    • Bạn càng luyện tập nhiều bao nhiêu, bạn sẽ càng nhận thấy rằng con người khá dễ gần và thân thiện bấy nhiêu. Thỉnh thoảng bạn sẽ gặp phải những người khá lạ lùng, người thường nghi ngờ và thắc mắc tại sao bạn lại mỉm cười với họ – hãy xem họ như những người khá thú vị để bạn trêu chọc đôi chút. Ngoài ra, mỉm cười sẽ khiến người khác thắc mắc về lý do bạn mỉm cười – bây giờ thì bạn mới chính là người đùa nghịch với tâm trí của họ thay vì ngược lại!
  5. Mạnh dạn hơn. Hãy trò chuyện với người mà bạn thường sẽ không nghĩ rằng bạn sẽ trò chuyện với họ. Hãy tìm những người có cùng một hoặc nhiều sở thích với bạn và lên kế hoạch nói chuyện với họ. Tại một thời điểm nào đó, bạn sẽ nhận ra rằng bạn đang có mặt trong một nhóm người nào đó. Sử dụng các câu nói đơn giản nhất để trò chuyện (hoặc bằng sự hỗ trợ của người khác). Hãy tham gia cùng họ. Đây là cách duy nhất để bạn có thể phát triển bản thân.
    • Cùng với thời gian, bạn sẽ dần có thể thực hiện điều này một cách dễ dàng hơn. Bạn còn nhớ lần đầu tiên bạn học lái xe hoặc đi xe đạp khó khăn như thế nào hay không? Tương tự như sự tương tác với xã hội; chỉ là bạn chưa luyện tập đủ. Sau một thời gian, bạn sẽ nhận thấy rằng mình đã "trải qua mọi chuyện". Không có gì có thể ngăn cản bạn. Quá tuyệt.
  6. Lưu lại sự thành công của bạn và tiếp tục rèn luyện. Trong quyển sổ ghi chú mà bạn đã viết danh sách tác nhân xã hội, hãy viết về sự thành công của bạn. Nhận thấy sự tiến bộ của bản thân sẽ hình thành động lực giúp bạn không ngừng tiến bước. Trong vòng một vài tuần, bạn sẽ hoàn toàn ngạc nhiên về khả năng kiểm soát của mình đối với vấn đề của bản thân, và bạn sẽ biết rằng mọi việc đều khả thi. Thật tuyệt vời.
    • Không có thời gian cụ thể để bạn hoàn thành quá trình này. Đối với nhiều người, vấn đề sẽ không được giải quyết cho đến khi họ bất ngờ nhận thức được mọi việc. Đối với nhiều người khác, đây là một quá trình kéo dài 6 tháng. Cho dù nó có dài đến cỡ nào, hãy nhớ luôn tin tưởng ở bản thân. Bạn sẽ sớm thành công.

Lời khuyên[sửa]

  • Hãy nhớ rằng nhút nhát là một trạng thái của cảm xúc chứ không phải là một tính cách cố định. Bạn có khả năng thay đổi cảm xúc nhút nhát của mình thông qua sự khao khát và hành động của bạn.
  • "Hãy giả vờ cho đến khi bạn thực hiện được nó" – là một câu châm ngôn khá hay. Hãy giả vờ tự tin và sau một thời gian bạn sẽ nhận thức được rằng bạn thật sự trở nên tự tin. Tuy nhiên, bạn cần nhớ rằng ép bản thân cố gắng quá mức trong các tình huống mà bạn không cảm thấy thoải mái sẽ chỉ tăng thêm sức mạnh cho vấn đề của bạn. Nhút nhát và lo lắng xã hội là tính cách mà bạn học được thông qua thái độ của mình và bạn cần phải đặt mình vào các tình huống thoải mái hơn.[5]
  • Sợ hãi và hào hứng có cùng tính chất hoá học, andrenaline. Nếu bạn tập trung vào những khía cạnh tích cực của sự kiện, bài diễn thuyết, hoạt động, v.v và nghĩ về sự căng thẳng của bạn như là một điều mà bạn mong đợi, bạn sẽ có thể biến sự sợ hãi trở thành sự hăng hái giúp bạn tận hưởng tính cách mạnh dạn của mình. Nhiều người mạnh dạn, có khả năng thuyết phục cũng có cùng mức độ căng thẳng như bạn trong những giây phút đầu tiên khi họ phải đối mặt với các tình huống xã hội nhưng sau đó, họ diễn giải chúng như một sự phấn khích và chia sẻ nó với mọi người xung quanh. Nỗi sợ sân khấu có thể trở thành một màn trình diễn xuất sắc nếu bạn có thể thay đổi cách suy nghĩ về cảm xúc của chính mình.
  • Thường xuyên nói "có". Ban đầu, điều này có thể khá khó khăn. Hãy bắt đầu từ những điều nhỏ nhặt, chẳng hạn như nói xin chào với một người bạn học hoặc tương tự; vấn đề ở đây là một khi bạn chấp nhận thực hiện những điều mà bạn không thường làm, bạn có thể có được những khoảnh khắc khá tuyệt vời. Ngoài ra, bạn sẽ cảm thấy tốt hơn về bản thân vì bạn đã khá mạnh dạn để có thể thực hiện điều đó.
  • Cần biết rằng bất kỳ người nào cũng trở nên nhút nhát ở một mức độ nào đó. Sự khác nhau là ở mức độ nhút nhát của họ. Bạn có thể tăng cường sự tự tin thông qua việc luyện tập các kỹ năng giao tiếp và bồi dưỡng thêm những chủ đề mới để có thể bàn luận với người khác.
  • Trò chuyện một cách từ tốn. Nói chậm rãi sẽ giúp bạn có thể suy nghĩ về chủ đề mà bạn cần nói, cũng như giúp bạn tăng thêm sức mạnh cho từ ngữ của mình.
  • Thiết lập danh sách những điều mà bạn yêu thích ở bản thân và dán chúng trên bức tường trong căn phòng của bạn. Nó có thể giúp tăng thêm sự tự tin cho bạn trước khi rời khỏi nhà.
  • Vượt qua nỗi sợ sân khấu bằng cách tưởng tượng rằng bạn là một người khác, chẳng hạn như một nhân vật nổi tiếng nào đó mà bạn ngưỡng mộ. Hãy hình dung rằng bạn là người đó cho đến khi bạn cảm thấy thoải mái hơn khi xuất hiện trên sân khấu.
  • Nhút nhát không phải là một hành động sai trái, nhưng mạnh dạnh cũng vậy!
  • Không nên ngần ngại tìm kiếm sự trợ giúp từ các chuyên gia; nhóm hỗ trợ, nhà tư vấn, và phương pháp trị liệu cũng có thể giúp bạn. Đôi khi, nhút nhát là nguyên nhân của các bệnh lý tiềm ẩn khác, và điều quan trọng là bạn phải nhận thức được điều này. Chứng bệnh Rối loạn Lo âu Xã hội thường bắt đầu từ tình trạng "nhút nhát tột độ", vì vậy, hãy chắc chắn rằng bạn biết rõ về vấn đề mà bạn đang gặp phải.
  • Tham gia các câu lạc bộ hoặc hoạt động mà bạn yêu thích chẳng hạn như hoạt động nhóm hoặc một môn thể thao nào đó, nhưng nếu bạn không thích cạnh tranh, hãy tham gia vào câu lạc bộ có tính hợp tác hơn chẳng hạn như viết lách hoặc hội họa. Hãy cố gắng hết sức mình, và có cơ hội là bạn cũng sẽ có thể khá ăn ý với những thành viên khác trong câu lạc bộ.
  • Hãy tin tưởng ở bản thân và cố gắng hết sức. Suy nghĩ rằng bạn sẽ vượt qua nỗi sợ hãi sẽ giúp bạn tăng cường sự tự tin.

Cảnh báo[sửa]

  • Thông thường thì mọi việc chỉ là do cách suy nghĩ của bạn, bạn không cần phải trở nên nhút nhát, hãy hít thở sâu và ngẩng cao đầu.
  • Đôi khi nhút nhát chỉ là tạm thời – nhiều người phát triển sự tự tin và trở nên mạnh dạn hơn theo tuổi tác. Bạn không nên cố gắng thay đổi bản thân trừ khi bạn thật sự cảm thấy không hạnh phúc với bản thân mình; cùng với thời gian, bạn có thể sẽ thoát khỏi tính cách nhút nhát.
  • Nếu bạn là người khá nổi tiếng nhút nhát trong gia đình hoặc trong nhóm bạn bè của bạn, hãy cẩn thận với những lời trêu chọc vô hại. Một vài người sẽ không thoải mái khi bạn thay đổi bản thân vượt khỏi suy nghĩ thông thường của họ về bạn. Hãy phớt lờ họ. Họ có ý tốt, nhưng đừng để họ dọa bạn sợ đến nỗi bạn phải quay về với chiếc vỏ ốc của chính mình!

Nguồn và Trích dẫn[sửa]

Liên kết đến đây