Về vấn đề từ và thuật ngữ trong văn bản khoa học kỹ thuật - công nghệ

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Nội dung[sửa]

Thành phần từ vựng trong văn bản khoa học kĩ thuật và công nghệ có thể được phân chia thành: 1) từ vựng thuật ngữ; 2) từ vựng khoa học kĩ thuật và công nghệ phổ biến; 3) các từ tập hợp nghĩa khoa học kĩ thuật.

Từ vựng thuật ngữ khoa học kĩ thuật và công nghệ[sửa]

Vấn đề nổi cộm ở đây là vấn đề tương quan giữa thuật ngữ và hệ thống thuật ngữ. Ở phương diện ngôn ngữ, vấn đề này cũng là hợp lí nếu chú ý đến các phạm trù đa nghĩa và đơn nghĩa của các đơn vị ngôn ngữ. Bằng thuật ngữ, có thể biểu thị chính xác, tập trung và tiết kiệm tối đa các khái niệm chung và riêng gắn liền với hoạt động khoa học và kĩ thuật của con người. Yêu cầu chủ yếu đối với thuật ngữ là nghĩa đơn của nó. Trên phương diện thuật ngữ chung thì yêu cầu này được đáp ứng bằng hai phương pháp và phân biệt hai phạm trù thuật ngữ: thuật ngữ khoa học kĩ thuật phổ biến và thuật ngữ chuyên ngành. Chúng ta hãy xét sự khác nhau về mặt nguyên tắc của chúng.

Thuật ngữ khoa học kĩ thuật phổ biến biểu thị khái niệm chung về khoa học kĩ thuật hoặc là của tất cả các lĩnh vực, hoặc là của một lĩnh vực, hoặc là của một chuyên ngành hoặc chuyên ngành hẹp ở giai đoạn phát triển nhất định của chúng.

Thuật ngữ chuyên ngành biểu thị khái niệm từng phần của khoa học kĩ thuật. Chúng thường là đơn vị ngôn ngữ một nghĩa ở giai đoạn phát triển nhất định của chúng.

Có ít thuật ngữ khoa học kĩ thuật phổ biến tương ứng với số lượng hạn chế của các khái niệm khoa học kĩ thuật. Các thuật ngữ này, về nguyên tắc, được sinh ra và mất đi trong lòng ngôn ngữ toàn dân. Căn cứ vào nguồn gốc thì chúng có nhiều nghĩa và không tuân thủ qui định nào.

Thuật ngữ chuyên ngành thì nhiều vô kể, tương ứng với số lượng hoạt động khoa học kĩ thuật và công nghệ không hạn chế của con người. Các thuật ngữ này xuất hiện một cách tự phát trong lòng ngôn ngữ toàn dân, ví dụ: chuột - chuột (của máy tính), cũng như một cách có ý thức bằng cách vay mượn từ các ngôn ngữ khác, theo qui định và trật tự hệ thống, được thể hiện đặc biệt rõ ràng trong các khoa học như thực vật học, động vật học, hóa học. Thuật ngữ chuyên ngành làm phong phú một cách đáng kể ngôn ngữ toàn dân. Hiện nay, trong các ngôn ngữ phát triển có gần 90% từ vựng là thuật ngữ khoa học kĩ thuật và công nghệ. Ví dụ, trong 600 000 từ tiếng Anh của từ điển Vebster (1960) thì có gần 500 000 từ là thuật ngữ chuyên ngành. Tuy nhiên, trong mỗi ngành hẹp của khoa học kĩ thuật thì số lượng thuật ngữ chuyên ngành là rất hạn chế, hơn nữa chúng rất thường được nhắc lại. Đối với ngành hẹp, số lượng thuật ngữ rất ít và không vượt quá 150 - 200 đơn vị. Với sự phát triển của khoa học kĩ thuật, thuật ngữ chuyên ngành đơn nghĩa có thể có nghĩa bổ sung và trở thành thuật ngữ khoa học kĩ thuật và công nghệ phổ biến đa nghĩa, còn thuật ngữ khoa học kĩ thuật và công nghệ phổ biến đa nghĩa có thể bị mất nghĩa của mình và trở thành thuật ngữ chuyên ngành đơn nghĩa.

Từ vựng khoa học kĩ thuật và công nghệ phổ biến[sửa]

Từ vựng khoa học kĩ thuật và công nghệ phổ biến là tập hợp từ vựng của các thuật ngữ được biểu thị bằng từ và cụm từ, phần lớn các từ và cụm từ này là đa nghĩa và đa chức năng. Tương quan giữa số lượng thuật ngữ và từ vựng khoa học kĩ thuật và công nghệ phổ biến trước hết phụ thuộc vào thể loại văn bản khoa học kĩ thuật và công nghệ. Thuật ngữ có ưu thế hơn trong thể loại tài liệu kĩ thuật: trong các bảng liệt kê, cataloge và v.v., từ vựng khoa học kĩ thuật và công nghệ phổ biến thường được sử dụng trong thể loại bài báo hoặc sách chuyên khảo.

Các từ khoa học kĩ thuật và công nghệ phổ biến có nguồn gốc nước ngoài thường được ưa thích sử dụng, có thể, dễ phân biệt tư duy khoa học kĩ thuật và công nghệ một cách chính xác hơn. Ví dụ, trong tiếng Anh thay cho động từ "to say" thường sử dụng các động từ "to assert, to state, to declare", thay cho "to clean" là "to purify". Như vậy, tương ứng với câu "Xung được truyền." là câu tiếng Anh "Pulse is initiated." hoặc "Pulse is generated.", mà không phải là "Pulse is given." hoặc "Pulse is sent.".

Các từ tập hợp nghĩa trong văn bản khoa học kĩ thuật và công nghệ[sửa]

Về mặt hình thức thì các đơn vị này được biểu thị bằng các liên từ, cụm liên từ, trạng từ, từ và cụm từ đệm, các mệnh đề nhân xưng không xác định, vô nhân xưng và đồng nghĩa. Trong văn bản khoa học kĩ thuật và công nghệ, các đơn vị tổ chức đó là: các từ dẫn ngữ cảnh lôgích và các từ đặc trưng cho mức độ khách quan của thông tin.

a) Văn bản khoa học kĩ thuật và công nghệ

Văn bản khoa học kĩ thuật và công nghệ đòi hỏi các lập luận phải có tính lôgích hết sức nghiêm ngặt, thông tin trong văn bản phải khách quan và có hệ thống. Từ ngữ trong văn bản khoa học kĩ thuật và công nghệ đóng vai trò đặc biệt quan trọng, bởi vì chúng thực hiện các chức năng đặc thù của phong cách khoa học kĩ thuật và công nghệ. Các từ mang tính quán ngữ thực hiện chức năng tổ chức dẫn ngữ cảnh lôgích trong văn bản tiếng Anh kĩ thuật không mang sắc thái đặc trưng như các thuật ngữ chuyên ngành. Theo A.L.Pụmpanski, các đơn vị tổ chức này thực hiện nhiều thao tác lôgích, phổ quát đối với phong cách chức năng khoa học kĩ thuật và công nghệ của tất cả các ngôn ngữ trên thế giới. Dựa vào chức năng hoạt động trong văn bản khoa học kĩ thuật và công nghệ, các đơn vị này có thể là:

Các quán ngữ với nghĩa khẳng định các lập luận đã được nêu trước đó:

- also, consequenly, in consequense, hence, thus, therefore: "do đó";

- therefore, consequenly, hence, so, thus: "vì thế nên";

- in this way, in this manner, thus, so: "như vậy";

- thus, thereby: "do vậy";

- as a result, as a consequence, in consequence: "kết quả là, hậu quả là";

- accordingly, in line, in keeping: "tương ứng với";

- for that reason: "vì, do";

- similarly, analogously: "tương tự, như vậy";

- here, then, thereby, by doing so: "ở đây";

- in such a case, then: "trong trường hợp này".

Các quán ngữ với nghĩa phủ định các lập luận đã nêu:

- however, but: "tuy nhiên";

- on the other hand, also, again, alternatively: "mặt khác";

- even so, nevertheless, none the less: "tuy vậy";

- yet: "vẫn";

- contrary to this, hence: "ngược lại".

Các quán ngữ với nghĩa mở rộng các lập luận đã nêu:

- also, in addition: "ngoài ra";

- again, in turn: "đến lượt mình";

- here, also, here again: "và trong trường hợp này";

- for other reasons: "vì những lí do khác".

Các quán ngữ với nghĩa giới hạn các lập luận đã nêu:

- for the purpose: "đối với mục đích này";

- for such purposes: "đối với các mục đích này";

- for our purposes: "đối với mục đích của chúng ta";

- for the purpose in view: "đối với mục đích được đặt ra";

- toward this end, to this end: "với mục đích này";

- to do this, for doing this: "đối với điều này";

- viewed in this way, from this point of view, on this view: "theo quan điểm này";

- in this respect: "trong quan hệ này";

- here, now, specifically: "trong trường hợp này";

- at most: "trong trường hợp tốt nhất";

- in any case, in any even, if anything: "trong bất cứ trường hợp nào".

Các quán ngữ với nghĩa chỉ thời gian thực hiện nghiên cứu:

- first: "đầu tiên";

- from the very beginning: "ngay từ đầu";

- from the first, initially, as a start: "ban đầu, trước tiên";

- so far, thus, to date, to this point: "đến nay";

- recently: "gần đây";

- first of all, to begin with: "trước hết";

- until lately: "đến thời gian gần đây";

- in the last few years: "trong vài năm trở lại đây";

- at the time: "trong khi";

- for some time: "trong khoảng thời gian";

- during that period: "trong thời gian này";

- by then: "đến thời điểm đó";

- this time: "lần này";

- since: "từ khi";

- since that time: "từ thời điểm đó";

- then, next, now, hereafter: "tiếp theo";

- later, later on, presently: "sau đó";

- in what follows: "tiếp tục";

- subsequently, then: "sau đó";

- in the near future: "trong tương lai gần";

- in the following year: "trong năm tới";

- eventually, finally, ultimately: "và cuối cùng, cuối cùng là";

- hence, ultimately, eventually: "kết quả là, tóm lại".

Quán ngữ với nghĩa chỉ ra vị trí mô tả nghiên cứu:

- here: "ở đây, trong sơ đồ dưới đây, ở công trình này";

- presently: "ở bài báo này";

- elsewhere: "trong công trình khác".

Các quán ngữ với nghĩa chỉ sự lập luận theo trật tự:

- first, firstly: "thứ nhất";

- second, secondly: "thứ hai";

- third, thirdly: "thứ ba";

- above: "ở trên";

- in the following, later, below: "dưới đây".

Các quán ngữ chỉ sự đơn giản hóa, rút gọn hoặc chi tiết hóa lập luận:

- for simplicity, for simplicity's sake: "để đơn giản";

- for clarity, for the sake of clarity: "để rõ ràng";

- for convenience, for the sake of convenience: "để thuận tiện";

- for details: "để biết chi tiết";

- otheriwise expressed, or else: "nói cách khác";

- in short, or briefly: "tóm lại";

- viz namely, that is to say: "cụ thể là";

- that is to say, such as, or i.e.: "nghĩa là, tức là".

Các quán ngữ với nghĩa minh họa lập luận:

- for example, by way of example, thus for example, thus, e.g., such as: "ví dụ, ví dụ là, chẳng hạn như"

Các từ và cụm từ thực hiện liên kết phụ thuộc ở đầu câu mệnh đề:

- that, who, which: "điều mà, người mà, cái mà";

- whose: "mà của người đó";

- when: "khi (mà)";

- where: "nơi (mà)";

- under which: "dưới chỗ (mà)";

- among which: "trong số (mà)";

- from which: "từ chỗ (mà), từ những";

- through which: "qua chỗ (mà)";

- whereas: "trong khi";

- whereby: "bằng cách";

- wherein: "trong những".

Cần nhận thấy rằng do phần các từ và cụm từ đã nêu thực hiện các thao tác lôgích rất giống nhau nên giới hạn nghĩa của chúng trực tiếp phụ thuộc vào nội dung cụ thể trong câu, đoạn văn bản hoặc tổng thể cú pháp lớn (ngữ cảnh).

Các từ tổ chức dẫn ngữ cảnh lôgích có thể đuợc biểu thị trong văn bản khoa học kĩ thuật và công nghệ bằng các mệnh đề vô nhân xưng và tổ hợp trạng ngữ, cùng thực hiện các chức năng như từ đã nêu trên:

Các tập hợp từ:

- it follows, it results, it appears from this: "từ đây suy ra";

- it can be seen from this: "từ đây có thể thấy";

- whence it appears: "từ đó suy ra";

- does not follow: "từ đây không suy ra";

- it used to be thought: "trước đây người ta cho rằng";

- it has been reported: "đã thông báo trước".

Các mệnh đề và tập hợp từ:

- it is also shown: "mặt khác (ngoài ra) cho thấy";

- it must also be borne in mind: "cũng cần lưu ý";

- it will be seen presently, however: "tuy nhiên dưới đây sẽ cho thấy";

- we gave already seen: "chúng ta đã thấy";

- it had been previously observed: "trước đây đã cho thấy".

• Các tập hợp từ đóng vai trò quán ngữ:

- as shown: "như đã thấy";

- as already stated: "như đã chỉ ra";

- as chapter V has indicated: "như đã thấy ở chương V";

- as noted later, as will be noted later: "như sẽ thấy dưới đây".

b) Các từ đặc trưng cho mức độ khách quan của thông tin

Các đơn vị ngôn ngữ biểu đạt mức độ khách quan của thông tin trong văn bản khoa học kĩ thuật và công nghệ được thể hiện bởi các từ và cụm từ tình thái như: cho rằng, nêu lên, khẳng định, có thể, có lẽ, có khả năng, dường như, chỉ ra, tất nhiên, không nghi ngờ, có nghĩa là, hiển nhiên, đương nhiên và v.v. Vai trò chức năng của các đơn vị ngôn ngữ này là đặc biệt to lớn, bởi vì không có chúng thì nội dung biểu đạt tương đối biến thành tuyệt đối. Về hình thức, các đơn vị này được biểu thị bằng các phương pháp khác nhau, phân biệt đáng kể phụ thuộc vào ngôn ngữ cụ thể. Trong tiếng Anh kĩ thuật chúng được thể hiện rộng rãi bằng các động từ đặc trưng và trạng từ đặc trưng của phong cách khoa học kĩ thuật và công nghệ.

Như vậy, với những đặc trưng về phong cách, ngôn ngữ khoa học kĩ thuật và công nghệ có thể được nghiên cứu trên nhiều bình diện khác nhau của các chuyên ngành kĩ thuật và công nghệ khác nhau. Là chỉ báo ngôn ngữ của cách mạng khoa học kĩ thuật, văn bản khoa học kĩ thuật và công nghệ phản ánh đầy đủ trình độ phát triển về ngôn ngữ trong lĩnh vực kĩ thuật và công nghệ của một xã hội nhất định và, qua ngôn ngữ, phản ánh trình độ phát triển của xã hội.

Tài liệu tham khảo[sửa]

1. UNESCO. Scientific and technical translating and other aspects of the language problem. The 2nd ed., Paris.

2. Flood W.E. The problem of vocabulary in the popularisation of science. Edinburgh - London.

3. Hook J.H. Hook's guide to good writing. New York.

4. Кауфман С.И. (1980). Некоторые особенности стиля американской технической литературы. Москва.

5. Виноградов В.В. (1963). Стилистика. Москва.

6. Пумпянский А.Л. (1980). Структурные аспекты слова и словосочетания. Калинин.

Bản quyền[sửa]

Đào Hồng Thu

Kỉ yếu Hội thảo Ngữ học trẻ, Hội Ngôn ngữ học Việt Nam, tháng 4/2002.