Viết bài luận

Từ VLOS
(đổi hướng từ Viết Bài luận)
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Trong suốt con đường học thuật của mình, viết luận chắc hẳn là việc bạn phải thường xuyên đối mặt. Đó có thể là bài tập trên lớp, một cuộc thi viết luận hay bài tiểu luận ứng tuyển đại học. Với bài viết này, chúng tôi sẽ giới thiệu các bước để viết và điều chỉnh mọi thể loại bài luận mà bạn có thể gặp. Sau đó, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu sâu hơn về cách viết bài tường thuật, thuyết phục và bình luận.

Các bước[sửa]

Viết bài luận của bạn[sửa]

  1. Nghiên cứu đề tài. Tìm hiểu qua mạng, tra cứu thư viện hay tìm kiếm cơ sở dữ liệu học thuật hoặc đọc báo. Bạn cũng có thể tham khảo gợi ý của nhân viên thư viện.
    • Xác định những nguồn tham khảo được giáo viên của bạn chấp nhận.
      • Giáo viên của bạn có quy định một số nguồn tham khảo chính và nguồn tham khảo thứ cấp nhất định?
      • Có thể sử dụng Wikipedia hay không? Wikipedia thường là điểm xuất phát tốt để tìm hiểu về một đề tài. Tuy vậy, nhiều giáo viên không chấp nhận trích dẫn từ nguồn này bởi họ muốn những nguồn tham khảo chính thống hơn.
    • Ghi chép một cách chi tiết, đảm bảo rằng bạn có thể xác định nguồn của thông tin được ghi nhận. Thể hiện nguồn tham khảo ở định dạng trích dẫn chính xác, nhờ đó bạn sẽ không cần quay lại và tìm chúng lần nữa.
    • Đừng bao giờ bỏ qua những thông tin và ý kiến có vẻ đi ngược với ý tưởng hay luận điểm ban đầu của bạn. Một người viết luận tốt hoặc sẽ đề cập đến những luận chứng trái ngược và chỉ ra được sai lầm trong các luận chứng đó, hoặc sẽ biết điều chỉnh cách nhìn nhận của bản thân nếu những luận chứng trên là chính xác.
  2. Phân tích những bài luận xuất sắc. Trong quá trình nghiên cứu, có thể bạn sẽ tìm được những bài viết tốt (và cả những bài không thật sự tốt) về đề tài của bạn. Hãy phân tích để thấy được điều gì mang lại thành công cho chúng.
    • Luận điểm của tác giả là gì?
      • Nhờ đâu chúng xuất sắc? Có phải là nhờ sự chặt chẽ, nguồn tham khảo, cách viết, kết cấu? Còn yếu tố nào khác nữa hay không?
    • Tác giả đã sử dụng luận chứng nào?
      • Nhờ đâu luận chứng của tác giả lại tốt đến vậy? Tác giả đã trình bày các cơ sở lập luận như thế nào và cách tác giả tạo nên câu chuyện với những cơ sở này là gì?
    • Lập luận là hợp lý hay khiên cưỡng và tại sao?
      • Nhờ đâu lập luận hợp lý? Tác giả có dùng ví dụ minh họa để hỗ trợ lập luận của mình hay không?
  3. Động não và tìm ý tưởng của riêng bạn. Dĩ nhiên bạn có thể sử dụng luận điểm của những người khác để hỗ trợ điều bạn muốn trình bày. Tuy vậy, bạn cần ý tưởng cá nhân về đề tài để bài luận là của riêng bạn.
    • Lập danh sách các ý tưởng. Bạn cũng có thể thử dùng bản đồ tư duy.
    • Hãy kiên nhẫn. Đi dạo quanh nhà hay trong công viên và nghĩ về đề tài. Sẵn sàng cho việc ý tưởng có thể đến vào những lúc ít ngờ nhất.
  4. Chọn câu chủ đề cho bài luận.
    • Xem xét những ý tưởng tìm được. Chọn từ một đến ba ý hỗ trợ tốt nhất cho đề tài của bạn. Bạn có thể sử dụng luận chứng tìm được từ quá trình nghiên cứu để hỗ trợ cho những ý tưởng này.
    • Viết câu chủ đề tóm tắt những ý tưởng mà bạn dự định sẽ trình bày. Việc người đọc hiểu hướng đi và nguyên nhân đằng sau nó là vô cùng quan trọng.
      • Câu chủ đề nên tập trung vào cả đề tài lẫn nội dung bạn sẽ trình bày. Chẳng hạn như: "Dù mở ra một kỷ nguyên thịnh vượng mới cho nước Mỹ, máy tách hạt bông của Eli Whitney cũng đồng thời làm gia tăng sự thống khổ của nô lệ người Mỹ gốc Phi, tầng lớp mà nhu cầu dành cho họ sẽ càng cao và ngày càng bị bóc lột hơn bao giờ hết".
      • Câu chủ đề không nên là câu nghi vấn, được viết ở ngôi thứ nhất ("tôi"), đi lệch đề tài hay có tính hiếu chiến.
  5. Lập giàn ý. Sử dụng và sắp xếp những ý tưởng tìm được thành đề cương. Viết câu chủ đề cho từng ý chính của bạn. Sau đó, sử dụng gạch đầu dòng và liệt kê những luận chứng hỗ trợ ở bên dưới. Nhìn chung, mỗi ý chính sẽ cần ba lập luận hay luận chứng để hỗ trợ.
    • Câu chủ đề: "Máy tách hạt bông của Eli Whitney khiến cuộc sống trở nên khó khăn hơn cho tầng lớp nô lệ người Mỹ gốc Phi".
      • Giải thích: "Sự thành công của máy tách hạt bông khiến nô lệ khó có thể mua lại tự do".
      • Giải thích: "Nhiều nô lệ ở miền bắc đối mặt với nguy cơ bị bắt cóc và chuyển vào miền nam để làm việc trên những cánh đồng bông".
      • Giải thích: "Vào năm 1790, trước khi máy tách hạt bông ra đời, ở Mỹ có khoảng 700.000 nô lệ. Đến năm 1810, sau khi máy tách hạt bông được đưa vào sử dụng, con số này là khoảng 1,2 triệu, tăng 70%".
  6. Viết phần thân bài. Lúc này, bạn nên cân nhắc độ dài bài luận, đừng viết quá nhiều nếu giáo viên chỉ yêu cầu bài viết với 5 đoạn. Tuy vậy, bạn vẫn nên sử dụng lối viết tự do để định hình suy nghĩ. Hãy nhớ rằng bạn luôn có thể chỉnh sửa và khiến chúng trở nên súc tích hơn.
    • Đừng tự kết luận. Những khẳng định như "Ngày nay,______là vấn đề quan trọng nhất mà thế giới cần đối mặt" có thể khiến bài viết của bạn bị loại bỏ nếu người đọc không đồng ý với điều đó. Mặt khác, sử dụng "______ là vấn đề toàn cầu quan trọng" sẽ chính xác hơn trong trường hợp này.
    • Đừng dùng phát biểu "Tôi" như là "Tôi nghĩ rằng". Tương tự, cần tránh dùng những đại từ nhân xưng mang tính cá nhân như "bạn", "chúng ta", "của tôi", "của bạn" hay "của chúng ta". Hãy đơn giản là trình bày luận điểm cùng những luận chứng cho luận điểm đó để làm tăng sức thuyết phục của bạn. Thay vì viết "Tôi thấy rằng Frum có cách nhìn chủ quan" hãy cho người đọc thấy lý do vì sao luận điểm của bạn là hợp lý: "Frum cho thấy một cách nhìn chủ quan khi viết ..."
  7. Sử dụng tiêu đề và lời giới thiệu lôi cuốn. Tên đề tài và lời giới thiệu là những yếu tố khiến người khác muốn đọc bài của bạn. Nếu giáo viên là đối tượng của bài luận, dĩ nhiên họ sẽ đọc toàn bộ bài viết. Tuy nhiên, nếu bạn tham dự một cuộc thi hay viết một bài luận ứng tuyển vào trường đại học, để có thể thành công, tiêu đề và lời giới thiệu cần hấp dẫn được người đọc.
    • Tránh dùng cách diễn đạt có tính hiển nhiên như: "Bài viết này là về", "Đề tài của bài luận này là" hay "Bây giờ, tôi sẽ chứng minh điều đó".
    • Thử dùng công thức kim tự tháp ngược. Bắt đầu với mô tả rất rộng về đề tài và thu hẹp dần về câu chủ đề cụ thể của bạn. Đừng dùng nhiều hơn 3 đến 5 câu cho một bài luận ngắn hoặc hơn một trang cho những bài viết dài hơn.
    • Ví dụ cho bài luận ngắn: Mỗi năm, hàng ngàn động vật bị ngược đãi hay bỏ rơi được chuyển đến các trung tâm động vật thành phố. Việc giam giữ động vật ở trung tâm không chỉ gây tổn thương đến chúng mà đồng thời còn rút cạn ngân sách của chính phủ. Thị trấn và thành phố có thể ngăn ngừa điều này bằng cách đưa ra quy định về lớp giáo dục bắt buộc trước khi nhận nuôi cho những người chủ tiềm năng. Có thể quy định này sẽ bị phản đối khi bắt đầu thực hiện, song người dân sẽ sớm nhận thấy được lợi ích mà chương trình đem lại lớn hơn nhiều so với chi phí phải trả".
  8. Kết luận. Tóm tắt ý chính và đưa ra các hướng mà theo đó, kết luận của bạn có thể được nghiền ngẫm một cách sâu rộng hơn.
    • Trả lời những câu hỏi như: "Ẩn ý thực sự đằng sau câu chủ đề của bạn là gì?" "Bước tiếp theo là gì?" "Những câu hỏi nào vẫn chưa có lời giải đáp?"
    • Lập luận cần dẫn dắt người đọc đến kết luận một cách tự nhiên, hợp lý. Nghĩa là, bạn đang đóng gói lại câu chủ đề ở đoạn kết luận bằng cách giúp người đọc nhớ lại hành trình đã đi xuyên suốt bài viết.
    • Dùng câu cuối một cách thành thục. Nếu tiêu đề và đoạn mở đầu thu hút người đọc thì câu cuối là thứ sẽ khiến họ nhớ về bạn. Một khi té ngã trong lúc tiếp đất, toàn bộ những động tác giữ thăng bằng hoàn hảo trước đó của vận động viên thể dục dụng cụ sẽ bị bỏ quên. Vận động viên cần "tiếp đất vững vàng" và người viết luận cũng vậy.

Chỉnh sửa bài luận của bạn[sửa]

  1. Chờ một ngày hay tương tự và đọc lại bài luận của bạn. Hãy hoàn thành bài luận trước thời hạn một vài ngày để có thể có thời gian xem lại và chau chuốt, hoàn thiện nó. Tránh nộp bản thảo đầu tiên mà không hề kiểm tra, sửa lỗi.
  2. Sửa lỗi liên quan đến ngữ pháp, cách ngắt câu và chính tả. Tham khảo một quyển sách về phong cách viết nếu bạn không chắc chắn về cách sử dụng dấu ngoặc kép, dấu hai chấm, dấu chấm phẩy, dấu nháy đơn hay dấu phẩy. Tránh sử dụng dấu chấm cảm.
  3. Kiểm tra lại các lập luận của bạn.
    • Rà soát những lỗi như sâu/xâu, nghỉ/nghĩ, khoản/khoảng… Đảm bảo rằng bạn biết cách để dùng dấu nháy đơn chính xác.
    • Rà soát lỗi liên quan đến cách ngắt câu nói chung. Kiểm tra lỗi liên kết trong câu ghép, dấu phẩy và dấu chấm bên trong dấu ngoặc kép cũng như dấu gạch ngang, dấu hai chấm và dấu chấm phẩy.
  4. Bỏ bớt những từ ngữ trùng lặp hay dư thừa. Đa dạng ngôn ngữ của bạn với sự hỗ trợ của từ điển đồng nghĩa và trái nghĩa. Đồng thời, tham khảo từ điển để đảm bảo rằng bạn đang dùng từ ngữ lạ đúng cách.
    • Ngoài ra, hãy cố sử dụng ngôn ngữ ngắn gọn, nhẹ nhàng và đi thẳng vào vấn đề. Từ điển đồng nghĩa, trái nghĩa là một công cụ tuyệt vời. Tuy vậy, bạn đừng nên chỉ dùng những từ ngữ to tát để bài luận trở nên văn vẻ hơn. Bài luận tốt nhất là những bài viết rõ ràng, súc tích và dễ hiểu với phần lớn người đọc.
    • Tập trung vào những động từ chính trong câu. Động từ thể hiện và điều chỉnh hành động trong một câu. Lựa chọn động từ tốt có thể tạo nên sự khác biệt giữa một câu nhạt nhẽo và câu tròn trịa.
    • Sử dụng tính từ một cách có chừng mực. Dù có khả năng miêu tả tuyệt vời nhưng nếu sử dụng bữa bãi, tính từ có thể khiến bài viết trở nên nặng nề và khó đọc. Hãy để danh và động từ hoàn thành gần như mọi chuyện trước khi chuyển hướng sang tính từ.
  5. Tránh lối viết suồng sã (không trang trọng). Đừng sử dụng kiểu viết tắt hay viết ngắn gọn (chẳng hạn như ko, VN,…). Bài viết của bạn nên có văn phong nghiêm túc, kể cả khi nó được viết với phong cách nhẹ nhàng hay trữ tình.
  6. Phân tích cách bài viết của bạn được triển khai. Các câu có được kết nối một cách uyển chuyển? Các đoạn có được chuyển tiếp một cách hợp lý? Sự liên kết tốt sẽ hỗ trợ bạn trong việc triển khai ý:
    • Khi sự kiện diễn ra theo trình tự: Thời điểm đầu tiên mà tôi nhận ra mình nằm trong nhóm thiểu số là ở cấp hai... Điều này được xác nhận lần nữa khi tôi bước vào những năm học phổ thông.
    • Khi các câu giải thích cho nhau: Cây cần nước để sống... Khả năng hấp thụ nước của cây phụ thuộc vào độ dinh dưỡng của đất.
    • Khi các ý trái ngược nhau: Người ăn chay cho rằng chúng ta đang phung phí đất đai một cách không cần thiết khi chăn nuôi động vật để làm thức ăn... Những người phản đối lại lập luận rằng đất được sử dụng cho chăn nuôi sẽ không thể sử dụng để tạo ra bất cứ loại thực phẩm nào khác.
    • Khi bạn cần triển khai mối quan hệ nguyên nhân và kết quả: Tôi sẽ là người đầu tiên trong gia đình tốt nghiệp đại học... Tôi được truyền cảm hứng để duy trì sự phát triển của gia đình qua các thế hệ.
    • Khi kết nối hai ý tương tự: Thực phẩm hữu cơ được đánh giá là thân thiện hơn với môi trường... thực phẩm địa phương được tin rằng có thể đạt được những mục tiêu tương tự.
  7. Loại bỏ những thông tin không thật sự liên quan đến chủ đề của bạn. Bạn sẽ không muốn bài viết đi lạc hướng. Mọi thông tin không hỗ trợ trực tiếp hoặc gián tiếp cho bài luận nên được loại bỏ.
  8. Nhờ ai đó đọc to bài viết của bạn, hoặc tự đọc và ghi âm rồi nghe lại. Tai đôi khi xuất sắc hơn mắt trong việc phát hiện lỗi ngôn ngữ. Một bài luận cần nghe trôi chảy với ngôn ngữ dễ hiểu.
  9. Viết lại bất kỳ đoạn thân bài nào có vấn đề. Nếu cần, hãy sắp xếp lại câu và đoạn theo thứ tự khác. Đảm bảo rằng cả kết bài và lời giới thiệu của bạn đều tương thích với những thay đổi ở thân bài.

Viết bài luận thuyết phục[sửa]

  1. Viết bài luận với mục đích rõ ràng. Bài thuyết phục được thiết kế để thuyết phục người đọc chấp nhận cách nhìn vấn đề của bạn. Dưới đây làm một số đề tài tiêu biểu cho bài luận thuyết phục bạn có thể viết:
    • Chính phủ nên hay không nên tài trợ chương trình nghiên cứu tế bào phôi gốc.
    • Tình yêu là tốt đẹp hay đồi bại.
    • Tại sao Công dân Kane lại là bộ phim xuất sắc nhất thế kỷ 20.
    • Vì sao bầu cử nên là bắt buộc đối với công dân Mỹ.
  2. Viết bài như thể bạn đang tiến hành tranh luận. Khi tranh luận, bạn sẽ trình bày quan điểm của bản thân, liệt kê bằng chứng và đưa ra kết luận. Bài luận thuyết phục cũng có cấu trúc tương tự.
  3. Thu thập cơ sở lập luận từ những nguồn đáng tin cậy để chứng minh quan điểm của bạn. Làm rõ lập luận bằng những cơ sở hợp lý. Viết hay dĩ nhiên là điều tốt, nhưng đó sẽ còn là một bài luận không thể tranh cãi nếu được lập luận xuất sắc.
    • Bên cạnh nghiên cứu tài liệu, bạn có thể kiểm tra thực nghiệm bao gồm sử dụng bảng khảo sát, phỏng vấn hay làm thí nghiệm. Kết quả khảo sát hay phỏng vấn có thể là phần thông tin hoàn hảo để bắt đầu bài luận.
    • Xây dựng câu chuyện với cơ sở lập luận. Đừng chỉ liệt kê sự việc, hãy kể chuyện! Chẳng hạn như: "Kể từ khi hình phạt tử hình được phục hồi, hơn 140 tử tù đã được trao trả tự do sau khi bằng chứng cho thấy họ vô tội. Hãy tự hỏi bản thân: Bạn sẽ thế nào nếu là một trong số 140 tử tù bị kết án sai này?"
  4. Thảo luận những quan điểm trái ngược. Trình bày những quan điểm bất đồng với ý kiến của bạn và dùng cơ sở thực tế và suy luận logic để cho thấy chúng không chính xác hoặc đã lỗi thời.[1]
    • Chẳng hạn như: "Một số người cho rằng hình phạt tử hình là một cách răn đe tội phạm. Thời gian đã bác bỏ luận điểm này. Trên thực tế, tử hình không hề có tác dụng răn đe: Dù chiếm 80% tổng số vụ tử hình tại Mỹ nhưng miền Nam vẫn có tỷ lệ giết người trong khu vực cao nhất."
  5. Đúc kết các ý của bạn trong một kết bài hấp dẫn. Đừng quên nhấn mạnh thêm lần nữa luận điểm, nội dung mà bạn đồng ý hay phản đối. Sử dụng một vài thông tin đã được đề cập, hay câu chuyện mà bạn đã kể, để kết luận có thêm màu sắc.

Viết bài bình luận[sửa]

  1. Chọn đề tài. Bạn sẽ phải tìm hiểu đề tài và trình bày lập luận về đề tài dựa trên bằng chứng.
    • Chẳng hạn như, bạn có thể lập luận rằng nghiên cứu tế bào phôi gốc có thể tìm ra cách chữa trị chấn thương cột sống hay một số bệnh như Parkinson hay tiểu đường.
    • Bài bình luận không giống bài thuyết phục bởi bạn không đưa ra quan điểm. Bạn chỉ trình bày những thực tế mà bạn có thể chứng mình được từ việc nghiên cứu đề tài.
  2. Chọn chiến thuật và cấu trúc của bạn. Một số chiến thuật và cấu trúc thông dụng cho bài bình luận bao gồm:
    • Định nghĩa. Bài luận định nghĩa giải thích các thuật ngữ và khái niệm.
    • Phân loại. Bài phân loại sắp xếp đề tài thành nhóm, bắt đầu từ nhóm tổng quát nhất và thu hẹp dần về những nhóm cụ thể hơn.
    • So sánh và tương phản. Ở dạng bài này, bạn sẽ trình bày những điểm giống nhau hoặc khác nhau (hoặc cả hai) giữa các ý tưởng và khái niệm.
    • Nguyên nhân và hậu quả. Bài luận này giải thích những chủ thể tác động và liên kết lẫn nhau như thế nào.
    • Cách-để. Bài luận cách-để giải thích những bước cần thiết để hoàn thành một nhiệm vụ hay quy trình với mục tiêu hướng dẫn người đọc.
  3. Duy trì tính khách quan. Bài bình luận không phải là về quan điểm mà là về việc rút ra kết luận dựa trên những bằng chứng đã được xác nhận. [2] Nó có nghĩa là giữ cách nhìn của bạn được cân bằng và tập trung vào thông điệp từ các cơ sở thực tế.
    • Thậm chí, đôi khi, với thông tin mới, bạn sẽ phải viết lại bài luận. Nếu khởi đầu, bạn viết về sự thiếu hụt thông tin về sự nóng lên toàn cầu nhưng sau đó lại tìm thấy vô số bằng chứng khoa học cho hiện tượng này, ít nhất bạn sẽ phải cân nhắc lại điều bạn muốn trình bày trong bài luận của mình.
  4. Xây dựng câu chuyện từ thực tế. Cơ sở thực tế sẽ tự mình nói lên vấn đề nếu bạn cho phép chúng làm điều đó. Hãy suy nghĩ như một nhà báo khi viết bài bình luận. Khi bạn đưa ra bằng chứng như một nhà báo, câu chuyện đằng sau nó sẽ tự lên tiếng.
    • Đừng làm rối loạn cấu trúc trong bài bình luận. Ở bài tường thuật, bạn có thể biến tấu và điều chỉnh cấu trúc để khiến nó trở nên thú vị hơn. Hãy chắc rằng cấu trúc bài bình luận của bạn là vô cùng trực tiếp, giúp cho việc liên kết giữa các yếu tố trở nên dễ dàng hơn.

Viết bài tường thuật[sửa]

  1. Kể câu chuyện của bạn một cách chính xác và sinh động. Bài tường thuật kể lại một sự việc bạn hay ai đó đã từng trải qua. Trong bài luận này, bạn cần miêu tả kinh nghiệm cá nhân mà theo đó, nghiên cứu tế bào phôi gốc có thể giúp bạn hay người thân chiến đấu với bệnh tật.
  2. Bao gồm tất cả những yếu tố của nghệ thuật kể chuyện xuất sắc. Bạn sẽ cần phần giới thiệu, bối cảnh, cốt truyện, nhân vật, điểm cao trào và đoạn kết.
    • Phần giới thiệu: Đoạn mở đầu. Bạn dự định sẽ xây dựng câu chuyện như thế nào? Có yếu tố quan trọng hay hữu dụng nào ở đây có thể sẽ được nhắc lại hay không?
    • Bối cảnh: Nơi hành động diễn ra. Nó trông như thế nào? Những từ ngữ nào có thể dùng để giúp người đọc sống với câu chuyện?
    • Cốt truyện: Điều diễn ra. Phần cốt lõi, hành động thiết yếu của câu chuyện. Tại sao câu chuyện này đáng để kể lại?
    • Nhân vật: Ai ở trong câu chuyện. Câu chuyện cho chúng ta biết điều gì về những nhân vật này. Họ kể cho chúng ta điều gì về câu chuyện?
    • Cao trào: Điểm kịch tính trước khi bất kỳ vấn đề nào được giải quyết. Chúng ta có đứng ngồi không yên với câu chuyện? Chúng ta có cảm thấy cần phải biết điều gì sẽ xảy ra tiếp theo?
    • Đoạn kết: Cách mọi vấn đề được giải quyết. Sau cùng, ý nghĩa của câu chuyện là gì? Giờ đây, khi kết cục được vén màn, sự vật, con người, cảm nhận thay đổi thế nào?
  3. Có cách nhìn rõ ràng. Hầu hết bài tường thuật đều được viết từ góc nhìn của tác giả, nhưng bạn cũng có thể xem xét những quan điểm khác, miễn là góc nhìn của bạn nhất quán.
    • Sử dụng đại từ nhân xưng "Tôi" nếu bạn là người kể chuyện. Trong bài tường thuật, bạn có thể sử dụng ngôi thứ nhất. Tuy nhiên, hãy đảm bảo rằng bạn không lạm dụng nó. Ở mọi bài luận, bạn sẽ trở nên đáng tin cậy hơn khi sử dụng ngôi thứ ba để nêu quan điểm hay sự việc.
  4. Tạo điểm nhấn. Có thể bạn đang kể một câu chuyện, nhưng mục tiêu của việc này chính là tạo nên một điểm nhấn cụ thể. Giới thiệu ý chính của bạn ở câu chủ đề và đảm bảo rằng mọi yếu tố trong câu chuyện của bạn được gói gọn trong câu chủ đề.
    • Bạn đã học được gì? Bài viết là cuộc khám phá những điều bạn học được bằng cách nào?
    • Bạn đã thay đổi thế nào? "Bạn" ở thời điểm bắt đầu của bài luận khác thế nào với "bạn" ở thời điểm hiện tại? Điều này liên quan đến nhưng khác với câu hỏi "bạn đã học được gì?".
  5. Chọn ngôn ngữ một cách cẩn thận. Bạn cần sử dụng từ ngữ để khơi dậy cảm xúc ở đọc giả, do đó, hãy cân nhắc kỹ lưỡng trong việc lựa chọn.[3]

Lời khuyên[sửa]

  • Nhớ rằng: Đừng chờ đến phút cuối để bắt đầu viết! Bạn cần dành cho mình đủ thời gian để đi được hết những bước ở trên. Nếu không, có thể bạn sẽ phải vội vã viết và kết thúc với một bài luận cẩu thả.
  • Đừng trì hoãn nếu không bạn sẽ chẳng còn thời gian để hoàn thành.
  • Luôn ở tư thế tìm kiếm thông tin thú vị để bổ sung thêm vào bài luận. Google là địa chỉ tốt để bắt đầu việc tìm kiếm của bạn.
  • Dẫn chiếu tất cả những minh họa và sơ đồ như Hình 1, 2, 3… Bạn có thể dẫn chiếu bảng và biểu đồ như Bảng 1, 2, 3… hoặc dẫn chiếu các thông số. Hình có thể được dẫn chiếu như Hình 1, 2, 3… hoặc dẫn chiếu các thông số. Tránh bao gồm một thông số mà bạn không đề cập cụ thể ở phần thân bài.
  • Nếu không hiểu, hãy nhờ giúp đỡ ngay tại thời điểm bắt đầu, đừng để đó và chờ đến những phút cuối cùng mới hỏi nhờ hỗ trợ.
  • Đừng vội vã, nhưng cũng đừng tốn quá nhiều thời gian để viết bài luận. Đặt ưu tiên hàng đầu cho các ý tưởng chính trước khi bắt đầu giải quyết những phần ít quan trọng hơn.
  • Đừng hướng sự tập trung vào việc khác khi đang viết bài.
  • Hãy làm bài luận trở nên thú vị, nhờ đó mọi người có thể hiểu và cảm thấy hứng thú với nó.
  • Đừng vội vàng nhưng phải đảm bảo rằng bạn rất rõ ràng và bài viết của bạn có nghĩa.
  • Đảm bảo không có lỗi ngữ pháp nào trong bài viết.

Cảnh báo[sửa]

  • Tránh đạo văn. Ghi chú tài liệu tham khảo trong ngoặc hoặc thể hiện ở phần chú thích cuối trang mọi câu nói, cơ sở lập luận hay ý tưởng không thuộc về bạn, kể cả khi bạn đã diễn đạt lại bằng ngôn ngữ của mình. Hầu hết giảng viên đều có thể nhanh chóng phát hiện việc đạo văn. Điều này có thể kiểm tra bằng cách sử dụng công cụ tìm kiếm hoặc phần mềm kiểm tra đạo văn. Thậm chí, bạn cũng có thể bị buộc tội đạo văn mỗi khi tái sử dụng những tài liệu mà bạn đã viết để tạo ra sản phẩm mới. Đạo văn là một tội nghiêm trọng trong thế giới học thuật. Nó vô cùng rủi ro, sinh viên thậm chí có thể bị đuổi khỏi trường nếu vi phạm.

Nguồn và Trích dẫn[sửa]

Liên kết đến đây