Viết Một Quyển sách

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Bất kỳ người nào đã có sẵn một câu chuyện để kể cho người khác đều có thể viết sách. Cho dù là viết để giải trí hoặc viết để xuất bản cho người khác có thể tìm đọc (và hy vọng là họ cũng sẽ mua nó). Nếu bạn cảm thấy rằng tâm trí của bạn đang thêu dệt nên những câu chuyện sáng tạo khi đọc tiểu thuyết mà bản thân bạn yêu thích, hoặc khi bạn đang thư giãn trong công viên, hãy xem xét viết một quyển sách. Cho dù nghe có vẻ khó khăn nhưng chắc chắn bạn sẽ có thể làm được. Chúng tôi sẽ cung cấp cho bạn một số gợi ý để bạn có thể bắt đầu. Ngoài ra, hãy dành thời gian để ngồi ngẫm nghĩ về những thể loại mà mọi người thích đọc. Bạn có thể tham khảo ý kiến của bạn bè và có thể bạn sẽ tạo nên một câu chuyện tuyệt vời!

Các bước[sửa]

Bắt đầu Viết sách[sửa]

  1. Tìm mua một quyển sổ tay. Hoặc nhiều quyển. Mặc dù bạn có thể sẽ muốn hoặc không muốn gõ tác phẩm của mình trực tiếp vào máy tính, đôi khi, bạn sẽ không đem theo một chiếc máy tính trong thời điểm bạn đang có cảm hứng để viết. Do đó, cách tốt nhất là bạn nên sử dụng phương pháp truyền thống đó là luôn đem theo một quyển sổ và một cây bút chì. Ngoài ra, nhiều tác giả cho rằng tâm trí, bàn tay và cây bút viết trên giấy có sự liên kết với nhau, vì vậy, hãy thử sử dụng phương pháp này trước khi quyết định loại bỏ nó khỏi quá trình viết lách của bạn.
    • Sổ tay gáy liền được bọc da hoặc bọc bìa cứng là loại sổ cứng cáp nhất và có thể chịu được va chạm có cất trong ba lô hoặc túi xách, trong khi sổ tay gáy xoắn, cho dù không cứng cáp, có thể dễ dàng đóng mở hơn. Ngoài ra, nếu bạn không thích những gì mà bạn vừa viết – bạn có thể dễ dàng xé bỏ trang giấy đó!
    • Cho dù là bạn lựa chọn quyển sổ gáy xoắn hay gáy liền, hãy sử dụng loại giấy kẻ ô thay vì giấy kẻ ngang. Bạn có thể sẽ phải vẽ phác họa khi viết sách, và loại giấy này sẽ khá hữu ích cho việc canh lề đoạn văn, hoặc lập dàn ý.
  2. Tập trung suy nghĩ. Bây giờ thì bạn đã có trong tay một quyển sổ, đã đến lúc bạn cần phải bắt tay vào đối mặt với thử thách thông thường mà các nhà văn luôn gặp phải: trang giấy đầu tiên. Hãy sử dụng những trang giấy đầu tiên để viết ý tưởng cho câu chuyện của bạn. Một khi bạn cảm thấy rằng bạn đã viết khá đầy đủ ý tưởng, hãy đọc đi đọc lại chúng. Sau đó, tìm kiếm sự phản hồi từ những người xung quanh. Quyết định xem liệu bạn sẽ sử dụng ý tưởng nào và hãy bảo đảm rằng nó không trùng với những quyển sách đã từng được xuất bản gần đây. Tiếp theo, hãy đọc lại nó sau một vài ngày để chắc chắn hơn và tiến đến thực hiện bước tiếp theo.
  3. Lập bản mô tả chung về câu chuyện của bạn; bao gồm dàn ý, ghi chú về nhân vật (tên dự kiến, mô tả đặc điểm, "chuyện bên lề", v.v), địa điểm – tất cả những điều nhỏ nhặt giúp hình thành một câu chuyện to tát hơn. Bản mô tả chung đem lại cho bạn khá nhiều lợi ích bao gồm:
    • Giúp bạn hình thành những ý tưởng mới cho câu chuyện của bạn khi bạn tiến hành mô tả các phần khác nhau (hãy viết chúng ra giấy!)
    • Bạn sẽ không lãng phí bất kỳ một điều gì. Ví dụ, bạn có thể mô tả một nhân vật sẽ không trực tiếp xuất hiện trong câu chuyện của bạn nhưng lại gây ảnh hưởng đến một nhân vật khác.
  4. Thiết lập một bảng biểu hoặc biểu đồ và viết ra tất cả mọi nhân vật quan trọng trong câu chuyện. Viết chi tiết vào quyển sổ tay của bạn. – Thậm chí bạn cũng có thể tạo nên câu chuyện bên lề cho một vài nhân vật. Cách này sẽ giúp bạn dễ dàng hình dung và suy nghĩ về nhân vật của mình hơn và thậm chí bạn có thể học hỏi thêm về nhân vật của bạn.
    • Khi bạn cạn kiệt ý tưởng, bạn sẽ luôn có sẵn một công cụ nào đó để tham khảo.
  5. Lập dàn ý. Dàn ý sẽ giúp bạn xác định cốt truyện thống nhất – phần bắt đầu, phát triển cốt truyện và nhân vật, bối cảnh của tất cả các sự kiện dẫn đến mâu thuẫn hoặc cao trào, và sau đó là phần giải quyết mâu thuẫn và kết thúc câu chuyện.
    • Phần mở đầu của câu chuyện là phần khó khăn nhất tuỳ thuộc vào bản thân bạn – nếu bạn muốn. Điều tốt nhất mà bạn có thể làm là bắt đầu từ chủ đề càng rộng càng tốt. Ví dụ, bạn muốn viết tiểu thuyết trinh thám, và bạn yêu thích chủ đề về Chiến tranh Thế giới lần II (WWII). Hãy viết rằng: Trinh thám, WWII. Lợi ích mà hành động này đem lại chính là dù cả hai thể loại này khá rộng, nhưng chỉ đơn giản bằng cách kết hợp chúng với nhau, bạn có thể thu hẹp phạm vi ngay lập tức. Bây giờ thì ít nhất bạn cũng đã hình thành nên khoảng thời gian và trọng tâm của câu chuyện. Một điều bí ẩn nào đó đã xảy ra trong WWII. Hãy cố gắng tập trung thêm một chút.
      • Đây là câu chuyện của cá nhân hay nó gây ảnh hưởng khá rộng? WWII chắc chắn liên quan đến cả hai chủ đề này. Để ví dụ, bạn có thể nói rằng nó là một câu chuyện cá nhân, câu chuyện của một người lính.
      • Câu chuyện của bạn diễn ra tại thời điểm nào? Chắc chắn là trong thời kỳ WWII nếu nó là câu chuyện của một người lính tham gia WWII – hay là không phải như vậy? Đây là một trong những quyết định mà bạn phải hình thành ngay lập tức. Ví dụ như câu chuyện của bạn xảy ra trong thời điểm hiện tại, và bạn sẽ có thể đặt ra câu hỏi tiếp theo đó là "Làm thế nào nó lại xảy ra trong thời điểm hiện tại?". Để có thể tiếp tục, hãy tạo nên kịch bản mở đầu câu chuyện: Nhân vật chính của bạn tìm thấy một quyển nhật ký – quyển nhật ký của ông nội/ngoại anh ấy từ thời kỳ WWII. Đây là một phát hiện thú vị, bởi vì Ông của anh ta đã mất tích sau chiến tranh, nhưng không người nào biết rõ chuyện gì đã xảy ra. Có lẽ, trong quyển nhật ký này, vị anh hùng trong câu chuyện của bạn sẽ tìm ra câu trả lời.
      • Bây giờ bạn đã có thể đưa ra câu trả lời cho một vài câu hỏi quan trọng: ai: người anh hùng của bạn; khi nào: quá khứ hiện tại; cái gì: một quyển nhật ký và bí ẩn xoay quanh người đã mất tích. Bạn vẫn chưa biết lý do "tại sao". Đây là phần mà bạn cần phải khám phá. Bằng cách nào? Một lần nữa, điều này cũng sẽ được tiết lộ thông qua các câu hỏi mà bạn tự đặt ra cho bản thân.
    • Phát triển nhân vật. Hãy bắt đầu với những nhân vật mà bạn đã tạo sẵn. Trong trường hợp này, bạn đã xây dựng hai nhân vật – một chàng trai trẻ và ông của anh ta. Bạn có thể xác định đặc điểm của cả hai thông qua bối cảnh, và dần dần phát triển chúng xuyên suốt câu chuyện. Người ông của anh ta chắc hẳn đã kết hôn, vì vậy, bà nội/ngoại cũng sẽ xuất hiện trong câu chuyện. Giữa ông nội/ngoại và chàng trai trẻ là một thế hệ khác, vì vậy, cha/mẹ của chàng trai sẽ là con trai/con gái của ông ấy. Khá dễ dàng phải không?
    • Tiếp tục áp dụng phương pháp này cho tất cả các nhân vật khác mà nhân vật chính có thể tương tác. Chẳng bao lâu, bạn sẽ nhận thấy rằng mình đã hình thành quá nhiều nhân vật và sự tương tác. Điều này khá tốt, đặc biệt là đối với truyện trinh thám. Bạn có thể sẽ cần phải thành lập một biểu tượng nào đó chẳng hạn như "chiếc áo màu đỏ", biểu tượng của rủi ro như trong bộ phim Star Trek (Du hành giữa các Vì sao)!
    • Trong quá trình phát triển nhân vật, bạn có thể sẽ bắt gặp câu hỏi tương tự như độc giả của bạn: chuyện gì sẽ xảy ra tiếp theo? Sử dụng câu hỏi này để phát triển câu chuyện. Bạn biết đó, trong câu chuyện của bạn, chàng trai trẻ muốn tìm hiểu điều đã xảy ra cho Ông của anh ấy. Tất cả những gì mà anh ta có là một quyển nhật ký, anh ta đọc nó, và phát hiện ra câu chuyện của Ông và câu chuyện này đã dẫn dắt anh ta tìm đến với một ngôi làng nhỏ ở Lạng Sơn, và người vợ đang mang thai của ông (chính là bà của bạn!), cho đến một bờ biển ở Hải Phòng, nơi mà ông bị thương khi quân địch tấn công – tất cả những điều mà ông đã viết trong quyển nhật ký. Ông không bao giờ có thể trở về nhà. Biết được những điều này, bạn sẽ có thể dễ dàng đưa ra những câu hỏi và khuôn mẫu cụ thể:
      • Sự kiện này diễn ra trong "hiện tại", và đồng thời trong thời kỳ WWII: Vì trên nhật ký có ghi thời gian là vào năm 1944. Và thời điểm mà người cháu phát hiện quyển nhật ký chính là thời điểm hiện tại.
      • Để có thể thêm vào yếu tố hành động cho câu chuyện của bạn, chàng trai trẻ sẽ phải thực hiện một việc nào đó. Vì Ông của anh ta đã mất tích, chàng trai trẻ lên đường đến Lạng Sơn để tìm kiếm Ông – cho dù là ông còn sống hay đã mất.
      • Trong toàn bộ câu chuyện thì Ông đang ở đâu?
    • Tiếp tục áp dụng phương pháp này để hình thành cốt truyện thống nhất, nhưng vào thời điểm này, bạn cũng có thể tạo nên một kết thúc dự kiến: chàng trai trẻ tìm ra nguyên nhân vì sao Ông không thể trở về nhà nhưng quyển nhật ký của Ông thì lại có thể. Và tất cả những gì mà bạn cần làm là viết về chuyện đã xảy ra!
    • "Lập mốc thời gian" cho dàn ý. Bây giờ thì bạn đã tạo nên một câu chuyện cơ bản (loại trừ toàn bộ các những từ ngữ), phác thảo dàn ý của bạn theo các mốc thời gian, trong đó mốc sự kiện của từng nhân vật được viết riêng. Sẽ có thời điểm mốc sự kiện của hai hoặc nhiều nhân vật giao nhau, và thời điểm mà họ cùng biến mất. Bạn chỉ cần hình thành cột mốc bắt đầu của những sự kiện này. Biện pháp này cũng sẽ giúp bạn xác định phương hướng để khởi động lại ý tưởng của bạn khi bạn chùn bước.
  6. Chỉnh sửa một cách không thương tiếc. Bếu bạn nhận thấy rằng cốt truyện của bạn sẽ không đem lại hiệu quả, và bạn không thể làm gì để thay đổi nó – hãy quay về điểm có nghĩa cuối cùng và thử thay đổi câu chuyện theo một hướng khác. Câu chuyện của bạn không nhất thiết phải theo sát dàn ý của bạn. Đôi khi, bạn sẽ hình thành những ý tưởng khác cho câu chuyện của mình. Cho dù bạn đã tiến xa đến đâu, ý tưởng của bạn có thể sẽ ra hiệu cho bạn đi theo hướng khác. Hãy lắng nghe nó – đây là một phần của niềm vui viết lách.

Viết Tiểu thuyết[sửa]

  1. Viết tên của mỗi chương sách và quyết định nội dung của mỗi chương, bằng cách này, bạn sẽ luôn biết rõ hướng đi của câu chuyện. Viết về nhân vật của bạn trong chương đầu tiên cũng là một ý hay.
  2. Nhận biết những yếu tố giúp tạo nên một quyển tiểu thuyết hay. Nếu bạn muốn trở thành nhà văn nổi tiếng, hãy suy nghĩ lại về việc đăng ký tham gia lớp học viết lách trong trường (trừ khi bạn đã đang theo đuổi nó); thay vào đó, hãy chọn lớp Văn học. Bạn cần phải biết cách đọc hiểu sâu sắc trước khi có thể bắt đầu viết lách. Bạn sẽ có thể hình thành cấu trúc câu, đặc điểm nhân vật, cốt truyện, và sự phát triển trong tính cách của nhân vật một cách phù hợp nếu bạn biết cách đọc hiểu trước khi bạn bắt đầu viết.
    • Bối cảnh. Bối cảnh của một câu chuyện là thời gian, địa điểm và hoàn cảnh câu chuyện xảy ra. Tất nhiên là bạn không cần phải viết ra những điều này ngay lập tức. Cũng tương tự như một họa sĩ, bạn sẽ tạo nên một bức tranh trong tâm trí của người đọc bằng cách tô vẽ xung quanh chủ đề chính.
      • Ví dụ: Maria bước xuống những con dốc thẳng đứng bao bọc quanh toà lâu đài. Trước khi cô ấy có thể tiến xa hơn, một trong những cô hầu gái của cha cô ấy đã ngăn cô ấy lại và nói rằng "Đức vua Ferdinand muốn gặp cô". Điều này cho thấy rằng Maria, có thể là một cô gái trẻ, sống trong khuôn viên của lâu đài. Đoạn văn này sẽ đưa ra gợi ý cho đọc giả rằng câu chuyện có thể diễn ra trong thời trung cổ. Maria cũng là một cái tên theo tiếng Latin, có thể giúp đưa ra giả thuyết về nơi cô ấy sống, và "Đức vua Ferdinand" là một đầu mối quá rõ ràng! Trong thực tế, vợ của Đức vua Ferdinand—Isabel xứ Castile— đã phê chuẩn và tài trợ chuyến đi của Christopher Columbus đến Thế giới Mới trong khoảng năm 1492 Sau Công nguyên, vì vậy, câu chuyện này có lẽ diễn ra trong khoảng thời gian đó.
    • Nhân vật. Mỗi câu chuyện đều có nhân vật chính và nhân vật phụ. Điều quan trọng là bạn phải làm cho nhân vật của mình trở nên thú vị và giới thiệu họ một cách phù hợp. Phần giới thiệu bối cảnh, và thậm chí cả nhân vật của bạn, được gọi là phần nhập truyện.
      • Tác phẩm văn học thường sử dụng nhiều dạng nhân vật khác nhau. Vai chính thường là nhân vật chính mà câu chuyện xoay quanh. Mỗi nhân vật chính thường sẽ có một nhân vật phản diện, nhân vật cung cấp sự đối lập cần phải được giải quyết. Kẻ xấu trong các câu chuyện nhìn chung đều là nhân vật phản diện, nhưng không phải lúc nào cũng vậy.
      • Hãy nhớ rằng: thông thường kẻ thù của người này sẽ là anh hùng của người kia. Bất kể họ có vai trò gì trong câu chuyện của bạn, họ rất quan trọng cho sự thành công của câu chuyện của bạn.
    • Mâu thuẫn. Mâu thuẫn là một vấn đề nghiêm trọng mà nhân vật của bạn phải đối mặt, thường là lý do câu chuyện của bạn được hình thành.
      • Có thể là Maria, con gái của Đức vua, là người phải đưa ra quyết định xem liệu có nên cho phép Columbus sử dụng những chiếc tàu và thuỷ thủ Tây Ban Nha cho chuyến hành trình của ông ta hay không. Cô ấy có thể sẽ tiếp tục gặp phải vấn đề này xuyên suốt câu chuyện.
    • Cao trào. Cao trào là thời điểm mà căng thẳng đạt đến cực độ, thời điểm mà độc giả thật sự phải nín thở để theo dõi.
      • Có lẽ là Maria đã không đồng ý để Columbus sử dụng tiền của Tây Ban Nha cho chuyến hành trình khám phá của mình và khi ông ta xuất hiện, cầu xin Maria cho phép ông ấy thực hiện điều này và nói rằng ông ấy sẽ làm bất kỳ điều gì để có được cơ hội này. Đây là thời điểm mà Maria sẽ phải đưa ra lựa chọn quan trọng của mình, một lựa chọn sẽ quyết định toàn bộ kết quả của câu chuyện.
    • Giải pháp. Cao trào đã kết thúc, vấn đề đã được giải quyết, và tất cả mọi ẩn khuất đã được phơi bày. Ghi chú: nếu bạn dự định muốn tạo nên một bộ truyện, bạn cần phải để lại ít nhất một khuất mắc cần lời giải đáp.
      • Từ ví dụ trên, Maria quyết định chấp nhận yêu cầu của Columbus, để cho ông ấy ra đi, và thuyết phục cha cô ấy cho phép cô ấy đi cùng Columbus. Độc giả sẽ cảm thấy hào hứng khi nhận được hồi kết bất ngờ, vì vậy, không nên xây dựng một câu chuyện mà kết thúc khá dễ để độc giả có thể dự đoán trước.
    • Chi tiết là một trong những yếu tố quan trọng mà bạn phải chú ý trong quyển sách của bạn. Thay vì chỉ nói rằng "Bầu trời thật trong xanh", hãy nói chi tiết về màu xanh đó, chẳng hạn như "Bầu trời có chút ánh chàm nhẹ". Điều này thật sự giúp gia tăng độ thú vị cho câu chuyện của bạn. Nhưng đừng đi quá đà. Một ví dụ cho trường hợp này đó là: "Bầu trời có chút ánh chàm nhẹ, pha thêm màu mã não bị đốt cháy trong cát, điểm thêm một vài lớp bọt trắng xoá của lớp sóng vỡ màu ngọc xanh biển nhuốm màu vàng chanh".
      • Thêm thắt quá nhiều sẽ khiến bạn trông như đang cố gắng quá mức (và có lẽ là bạn đang cố gắng như vậy). Hãy sử dụng từ ngữ sống động và nhẹ nhàng, và bạn cũng có thể thêm chất thơ vào câu chuyện của bạn.
  3. Viết cốt truyện. Phương pháp này sẽ giúp bạn hình thành điểm bắt đầu cho câu chuyện của bạn. Cốt truyện không cần thiết phải một điều gì đó khác thường, bạn chỉ cần viết về ý tưởng chung để bạn có thể xây dựng câu chuyện của mình. Một khi bạn đã viết được một nửa quyển sách, hãy xem lại cốt truyện ban đầu mà bạn đã viết. Bạn sẽ cảm thấy khá ngạc nhiên khi nhận thấy sự thay đổi trong quan điểm của bạn. Bạn cần phải thay đổi câu chuyện của bạn sao cho phù hợp với cốt truyện ban đầu hoặc loại bỏ nó và đi theo hướng đi mới của câu chuyện mà bạn đang viết. Bạn cũng có thể kết hợp và pha trộn giữa cả hai – tuỳ ý bạn. Hãy nhớ rằng đây là quyển sách của bạn!
  4. Bắt đầu viết! Đây là phần tuyệt vời nhất. Nếu bạn gặp khó khăn với phần mở đầu, hãy bắt đầu từ phần mâu thuẫn của câu chuyện. Một khi bạn cảm thấy thoải mái với cách viết của bạn, bạn có thể thêm vào bối cảnh câu chuyện. Bạn cũng có thể sẽ phải thay đổi khá nhiều yếu tố trong câu chuyện bởi vì sự tuyệt vời trong việc viết lách đó là bạn có thể cho phép trí tưởng tượng của bạn bay xa. Điều duy nhất mà bạn phải nhớ chính là bạn cần phải thích thú với công việc này, nếu không, cuốn sách của bạn có thể sẽ kết thúc trong một thùng chứa bằng kim loại hình trụ điểm thêm màu nâu của quá trình oxy hoá và sắc ngọc lam từ những vết latex loang lổ (nói trắng ra là một thùng rác cũ).
  5. Cần nhớ rằng bạn chỉ nên sử dụng quyển sổ tay cho việc lên kế hoạch! Tốt nhất là bạn nên gõ câu chuyện của bạn vào máy tính để bạn có thể dễ dàng tạo thêm nhiều bản sao, sửa chữa lỗi, và gửi nó đến nhà xuất bản.

Viết Sách Phi hư cấu (Non-Fiction)[sửa]

  1. Lựa chọn chủ đề mà bạn biết rõ, hoặc muốn biết về nó. Sách phi hư cấu của bạn có thể là thông tin về một nơi nào đó mà độc giả muốn đến, hoặc thông tin về một nơi nói chung. Nó có thể là về xã hội ngày nay, hoặc về vị lãnh đạo hiện tại hoặc trong lịch sử hoặc một người nổi tiếng nào đó. Điều duy nhất mà bạn cần lưu ý đó là sách phi hư cấu cần phải dựa trên sự thật.
  2. Nghiên cứu. Cho dù có biết nhiều đến đâu, mỗi chuyên gia đều có ít nhất một điều mà họ phải học hỏi! Bạn sẽ không thể biết hết về một chủ đề nào đó. Nếu bạn gặp khó khăn hoặc trở ngại, hãy thử thực hiện các phương pháp sau:
    • Tìm kiếm trực tuyến. Đôi khi bạn cần phải nỗ lực khá nhiều để có thể thu hẹp phạm vi của tác phẩm, nhưng hãy để công cụ tìm kiếm giúp bạn chinh phục tri thức. Bạn không nên chỉ tìm hiểu về bài viết chính, hãy xem thêm các bài tham khảo khác. Để lại những câu hỏi trên diễn đàn và những trang web khác phòng trường hợp một người nào đó có thể giúp bạn giải quyết vấn đề.
    • Tham khảo quyển sách phi hư cấu khác về chủ đề tương tự hoặc có liên quan đến chủ đề của bạn. Tác giả của quyển sách đó có thể có góc nhìn khác, và họ cũng có thể cung cấp cho bạn những thông tin mà bạn có thể đã bỏ sót, và bạn sẽ tiến hành tìm hiểu thêm từ nhiều nguồn khác để xác thực thông tin trước khi thêm chúng vào quyển sách của bạn có đúng không? Đúng vậy!
    • Tham khảo ý kiến của chuyên gia. Có khả năng là trên thế giới này có các chuyên gia đã từng có những thành công để đời và biết rõ mọi điều về chủ đề mà bạn đang viết. Hãy cố gắng tìm họ, xin họ dành cho bạn một ít thời gian, và hỏi họ xem liệu họ có thông tin độc đáo hoặc thú vị nào về chủ đề mà bạn đang viết hay không.
    • Tham khảo bách khoa toàn thư. Đúng vậy, đây là một công việc khá nhàm chán, nhưng ai đó sẽ phải thực hiện nó. Và người đó có thể là bạn, khi bạn cần phải thu thập thông tin cần thiết cho quyển sách của bạn.
  3. Định dạnh quyển sách của bạn. Những quyển sách không thể xuất bản là những quyển sách có bố cục kém. Ví dụ, không nên bàn về khu vực thích hợp để câu cá và những vùng biển ở Châu Âu trong cùng một chương. Để biết thêm thông tin, hãy tham khảo các bài viết khác cùng chuyên mục của chúng tôi.
  4. Thêm vào những chi tiết sống động. Không ai lại thích đọc một quyển sách nhàm chán! Một quyển sách hay là một quyển sách giàu chi tiết và màu sắc.

Không ngừng Cố gắng[sửa]

  1. Hãy kiên trì. Một chàng trai trẻ hỏi rằng "Làm thế nào để tôi có thể vào Nhạc viện Thành phố?", "Luyện tập", người tài xế trả lời. Có công mài sắc có ngày nên kim. Hãy viết một cách thường xuyên – cho dù là bạn viết về câu chuyện của bạn, hoặc về một suy nghĩ hoặc một điều gì đó mà bạn quan sát được. Bạn càng luyện tập nhiều bao nhiêu thì bạn sẽ trở nên thành thạo hơn bấy nhiêu. Quyển sách của bạn không cần phải hoàn hảo, không cần phải giống như điều mà bạn muốn lúc đầu – điều quan trọng nhất là bạn có thể viết nó. Sau này, bạn sẽ có khá nhiều thời gian để xem lại cách viết của mình.
  2. Không ngừng đưa ra câu hỏi về động cơ, câu chuyện, và nhân vật của bạn. Bạn phải hình thành lý do cụ thể cho mọi sự kiện và mọi nhân vật trong tiểu thuyết của bạn - viết rằng lá có màu xanh sẽ giúp độc giả nhận thức được rằng đó là mùa xuân hoặc mùa hè. Viết rằng một nhân vật nào đó có bộ râu rậm rạp cho thấy rằng ông ta đã bị cầm tù hoặc tương tự (hoặc có thể ông ta là một diễn viên Hollywood). Mỗi nhân vật đều phải có động cơ cho hành động của mình, vì vậy hãy đặt ra câu hỏi cho "họ" khi bạn viết. "Tại sao ông lại muốn lên chuyến bay đó và bỏ mặc anh ta ở Huế?"
  3. Nghỉ giải lao trước khi xem lại một vài quan điểm. Khả năng viết sẽ được cải thiện theo khoảng cách. Khi bạn trở lại với tác phẩm của mình sau giờ giải lao, bạn sẽ dễ dàng nhận thấy những điều phù hợp và không phù hợp trong câu chuyện mà bạn đã viết, cố gắng xác định điều này khi bạn đang mắc kẹt ở giữa câu chuyện sẽ gây khó khăn hơn cho bạn. Hãy bỏ qua một bên một chương nào đó trong vòng một tuần và quay về với nó sau này khi bạn cảm thấy hoàn toàn sảng khoái và có cách nhìn mới mẻ hơn.
    • Nếu bạn gặp phải tình trạng không có cảm hứng để viết (writer’s block), hãy ngừng viết trong một vài ngày, nghe nhạc nhẹ để làm trống tâm trí.
  4. Tham khảo ý kiến của người khác. Hãy cho người khác đọc bản thảo của bạn. Họ có thể cung cấp cho bạn thông tin phản hồi có giá trị, và họ thậm chí có thể giúp bạn tiếp tục với công việc viết lách của mình.
  5. Loại bỏ những điều không đem lại kết quả. Ngạc nhiên thay, có khá nhiều điều không đem lại kết quả. Đừng sợ khi phải loại bỏ những nhân vật, cốt truyện, và bất kỳ điều gì không phù hợp trong quyển sách của bạn. Tương tự, không nên ngần ngại khi phải thêm các yếu tố và nhân vật mới có thể giúp bạn lắp đầy lỗ hổng và tăng thêm ý nghĩa cho tác phẩm của bạn. Trong trường hợp bạn viết sách phi hư cấu, hãy tìm thêm những thông thực tế giúp hỗ trợ cho lời tuyên bố của bạn!
  6. Cần nhớ rằng nhiều tác giả cũng đã từng phải hình thành khá nhiều bản thảo trước khi có thể tìm được ý tưởng thật sự phù hợp mà họ có thể gắn bó với nó. Hãy lấy Veronica Roth làm ví dụ, cô ấy là tác giả của bộ ba quyển sách Divergent (Dị biệt). Cô ấy đã từng viết trên trang blog cá nhân rằng cô ấy đã phải thử đi thử lại ít nhất là 48 lần trước khi có thể xác định được ý tưởng phù hợp, và đó là thời gian mà cô ấy còn đang học đại học!
  7. Viết về bất kỳ điều gì mà bạn biết. Câu nói này có thể sẽ phù hợp hoặc không phù hợp với bạn. Sẽ tốt hơn khi bạn không phải tiến hành một loại những nghiên cứu trước khi bắt đầu viết, nhưng tìm hiểu thêm một ít thông tin cũng khá hữu ích. Ngoài ra, đây là một bài luyện tập khá tốt: Viết ra những điều mới mẻ có thể sẽ giúp bạn tìm được ý tưởng!
  8. Không ngừng cố gắng. Hãy cố gắng giữ cho tâm trí của bạn không ngừng suy nghĩ về một loạt các ý tưởng mọi lúc mọi nơi để bạn không thể viện cớ hết ý tưởng để viết. Bạn không cần phải viết MỌI THỨ vào tác phẩm của bạn, chỉ cần sử dụng một lượng thông tin vừa đủ để làm hài lòng độc giả. Nếu bạn cảm thấy chán ngán khi phải viết, hãy nghỉ ngơi một chút và tái kết nối với thế giới xung quanh, nơi mà bạn có thể tìm thấy ý tưởng của mình. Hoặc bạn có thể thử sử dụng phương pháp viết tự do – chỉ cần viết, không chỉnh sửa, không tẩy xóa "bởi vì chúng quá tệ", chỉ cần viết không ngừng nghỉ – ngay cả khi chúng chỉ là những bối cảnh, giai điệu, hoặc từ ngữ hoàn toàn không ăn nhập với câu chuyện.

Lời khuyên[sửa]

  • Hãy ghi nhớ 5 yếu tố quan trọng sau :
    • Nhân vật
    • Địa điểm
    • Hành động
    • Vấn đề
    • Giải pháp
  • Một quyển sách khiến người khác muốn đọc cần phải sở hữu tựa đề hay, một trang bìa đẹp mắt, hình ảnh bìa đẹp, và tất nhiên, đoạn văn hay để mở đầu.
  • Luôn nhớ đọc lại tác phẩm của mình! Nếu bạn không đọc lại tác phẩm, bạn sẽ không thể nào nâng cao chất lượng tác phẩm của mình. Tại tòa sạn, biên tập viên sẽ đọc tác phẩm của bạn. Mọi người thường yêu thích sách, và quyển sách đó cần phải thật sự có thể khiến họ "đam mê".
  • Không nên căng thẳng nếu bạn thay đổi cốt truyện giữa chừng. Ý tưởng hay ho nhất sẽ không xuất hiện khi bạn đang tập trung động não mà chúng được hình thành khi bạn bắt tay vào việc viết lách. Hãy tập trung viết và mọi chuyện khác sẽ đến một cách tự nhiên.
  • Đừng nên nản lòng! Nếu bạn gặp khó khăn với tác phẩm của mình, hãy nghỉ ngơi một chút. Hãy dành thời gian viết truyện ngắn, viết một bài báo, một bài luận, hoặc chỉnh sửa một chút trên wikiHow.
  • Viết về những điều bạn biết, đặc biệt khi bạn không biết phải bắt đầu từ đâu. Hầu hết các nhà văn nổi tiếng từng có các tác phẩm bán chạy thường đã viết ít nhất một vài quyển sách dựa trên những vấn đề đã xảy ra với họ (hoặc với người thân thiết với họ) trong đời thực.
  • Nếu bạn gặp khó khăn với một ý tưởng nào đó, hãy nhắm mắt lại, giữ bình tĩnh và để trí tưởng tượng bay xa!
  • Chuẩn bị tinh thần cho việc dành thời gian khá nhiều để viết sách, và đừng ngần ngại khi phải viết lại tác phẩm của bạn. Nhiều tác giả nổi tiếng từng phải dành hàng thập kỷ để có thể hoàn thành tác phẩm của họ!
  • Tránh tạo nên nhân vật quá hoàn hảo, và hãy lắng nghe tiếng nói của họ. Hãy suy nghĩ về cách phản ứng của họ trước tình huống mà bạn đang gặp phải.
  • Hãy tạo nên một tác phẩm độc đáo. Đừng sao chép cốt truyện của người khác.
  • Không nên viết những điều vô nghĩa và tập trung vào mục tiêu chính, có như vậy, tác phẩm của bạn mới có thể trở nên dễ hiểu hơn nhưng thỉnh thoảng bạn cần thêm thắt một số chi tiết để câu chuyện của bạn trở nên thú vị hơn.
  • Nếu bạn muốn thêm thông tin có thật vào tác phẩm của bạn, chẳng hạn như những điều trong bản tin, đừng ngụy tạo nó. Trước tiên, hãy tiến hành nghiên cứu về nó. Bạn có thể tìm kiếm thông tin cho tác phẩm của bạn.

Cảnh báo[sửa]

  • Hãy nhớ tiến hành nghiên cứu trước khi viết để có thể chắc chắn rằng quyển sách mà bạn dự định viết không trùng lắp với bất kỳ một tác phẩm nào.
  • Cởi mở đón nhận sự phê bình. Tuy nhiên, nếu mọi việc không diễn ra như bạn mong đợi, bạn cũng không nên quá buồn lòng.
  • Người dự định viết quyển sách đầu tiên cần phải kiên trì với quyết định của mình. Anh ấy hoặc cô ấy không nên quá lo lắng về thời gian và tiền bạc. Xuất bản quyển sách đầu tiên có thể sẽ như mong đợi, nhưng người đó sẽ có thể học hỏi từ những sai lầm của họ.
  • Tránh đạo văn (sao chép tác phẩm của một tác giả khác). Ngay cả khi bạn đã cố gắng thay đổi nó theo hướng càng nghệ thuật càng tốt, sẽ có người lần theo dấu vết và liên kết các phần sao chép với nhau. Nhiều người cho rất thích thực hiện việc này.
  • Hãy chắc chắn rằng bạn THÍCH những gì bạn viết! Thường xuyên tự hỏi bản thân những câu hỏi sau:
    • Mình có thích nó không?
    • Nó có hài hước không?
    • Mình có thích nhân vật chính hay không?

Và quan trọng hơn hết là:

    • Mình có thật sự muốn viết nó hay không?
      • Lý do: Sẽ không hề hay ho gì nếu bạn viết chỉ vì một người nào đó ép buộc bạn. Hãy viết vì bạn thật sự MUỐN viết.

Nguồn và Trích dẫn[sửa]

Cách để Viết Một Quyển sách

  • The Diary of a Young Girl (Tạm dịch: Nhật ký của Một Cô gái trẻ), tác phẩm văn học nổi tiếng trong thời kỳ Chiến tranh Thế giới lần II của Anne Frank. Bạn có thể tìm mua tại Tiki.vn – nguồn nghiên cứu.