Viết thư bày tỏ ý định

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Có rất nhiều lý do khác nhau để viết một bức thư bày tỏ ý định. Chúng được yêu cầu khi bạn viết đơn gửi đến trường học, đặc biệt là tốt nghiệp ra trường, và cho các mục đích kinh doanh, nghiệp vụ, hoặc cá nhân khác. Bức thư này có thể là một trong những phần quan trọng nhất của bất kỳ quá trình nộp đơn nào. Nó cho phép người nộp đơn thể hiện tính cách cũng như các kỹ năng giao tiếp. Một bức thư bày tỏ ý định thành công cần phải đầy đủ thông tin, có học thức hoặc chuyên môn, và có sức thuyết phục. Điều quan trọng là bức thư luôn hướng tới mục đích đã định cuối cùng, cho dù đó là để xin nhập học vào một trường, để trở thành đối tác kinh doanh hay để trở thành thẩm phán.

Các bước[sửa]

Trước khi Viết Thư[sửa]

  1. Đọc các chỉ dẫn. Mọi quy trình đăng ký, đề nghị hay các quy trình khác yêu cầu thư bày tỏ ý định đều sẽ có chỉ dẫn chi tiết về những thông tin cần có trong thư. Hãy đọc kỹ chỉ dẫn trước khi bắt đầu viết thư bày tỏ ý định.
    • Bạn cũng đừng quên ghé thăm trang web của trường học hay doanh nghiệp bạn muốn viết thư. Hãy liệt kê những thông tin cần tìm. Nếu không tìm thấy thông tin cần thiết, hãy gọi điện cho họ.
  2. Xem xét tên và địa chỉ của người sẽ nhận thư. Nếu không tìm thấy thông tin trên mạng, bạn có thể gọi điện thẳng tới trường học hay đối tác kinh doanh để hỏi thông tin cần thiết.
    • Nếu thư của bạn sẽ được gửi đến một nhóm nào đó, hãy cố gắng cụ thể đến mức tối đa. Nếu bạn biết tên của tất cả mọi người trong nhóm đó thì thật là tuyệt vời! Hãy ghi tên của tất cả mọi người trong nhóm. Nỗ lực tìm kiếm của bạn chắc chắn sẽ gây ấn tượng.
  3. Ghi chú. Viết ra những gì bạn muốn trình bày trong thư bày tỏ ý định như thông tin cá nhân, các thành tích, giải thưởng mà bạn đạt được, những khó khăn mà bạn đã vượt qua cũng như những thành công mà bạn thấy tự hào nhất. Hãy viết ra những gì bạn dự định làm tại trường, trong công việc hay bất cứ điều gì bạn dự định sẽ thực hiện trong chương trình mà bạn đang đăng ký.
    • Thư bày tỏ ý định thường bao hàm nhiều thông tin hơn thư bày tỏ nguyện vọng, mặc dù về cơ bản chúng cũng tương tự nhau. Thư bày tỏ ý định không chỉ nêu mục đích như thư bày tỏ nguyện vọng mà còn cần chỉ ra những mục tiêu, mục đích nghề nghiệp, kinh nghiệm, kỹ năng lãnh đạo và những điểm đặc biệt khiến bạn nổi trội so với những người khác

Viết Thư Bày tỏ Ý định[sửa]

  1. Giới thiệu về bản thân ngay từ đầu. Đây không phải là một lời giới thiệu "lấy lệ". Nếu bạn viết thư cho một trường đại học, hãy nói bạn sẽ học khoa nào, khóa bao nhiêu.
    • Nếu bạn viết thư cho mục đích kinh doanh, hãy nêu lĩnh vực nghề nghiệp hay tên cá nhân/tổ chức mà bạn đang viết thư tới, cũng như thời điểm của lá thư (cho quý nào).
      • Hãy cụ thể tối đa lá thư. Bạn cần chắc chắn rằng thư bày tỏ ý định nêu được cụ thể tên cơ quan hay tổ chức sẽ gửi tới. Nếu là thư gửi cho chương trình sau đại học, hãy ghi rõ tại sao bạn lựa chọn ngôi trường đó. Nếu là một đề tài kinh doanh, hãy nhấn mạnh những gì bạn đã làm để thể hiện những kỹ năng cụ thể có liên quan đến công ty hay tổ chức đó.
  2. Bắt đầu đi vào chi tiết. Đây sẽ là phần khiến lá thư của bạn trở nên thu hút. Bạn cần tự làm mình nổi bật và chỉ ra được những kiến thức phù hợp với chương trình bạn muốn tham gia. Những đoạn tiếp theo trong lá thư cần tập trung vào điều này.
    • Hãy mô tả tại sao bạn viết lá thư này. Bạn cần nêu lên bạn thấy được điều gì đầu tiên từ chương trình hay vị trí công việc đang ứng tuyển và tại sao bạn lại hứng thú với điều đó. Tại sao bạn quan tâm đến chính chương trình đó chứ không phải một chương trình nào khác tương tự?
    • Chú trọng đến điểm mạnh của bạn. Đừng ngại ngùng! Hãy cho người đọc thấy tại sao họ nên chọn bạn cho trường học/chương trình đó. Hãy đưa ra những ví dụ cụ thể về khả năng kỹ thuật, kỹ năng tổng hợp, kiến thức, kinh nghiệm làm việc (được và không được trả lương), ngôn ngữ và những phần mềm máy tính liên quan đến lĩnh vực của bạn. Bạn có thể trình bày theo đoạn hoặc theo kiểu liệt kê. Hãy cụ thể và trung thực.
    • Khen ngợi trường học/chương trình bạn đang đăng ký. Hãy làm vui lòng người đọc, nhưng cũng đừng làm quá. Hãy nói tại sao bạn quan tâm cũng như nêu lên những điểm mạnh và sở thích của bạn sẽ phù hợp như thế nào với vị trí đó.
  3. Khi kết thúc thư, hãy đề nghi một lời phản hồi. Hãy thể hiện mong muốn của bạn về một cuộc phỏng vấn. Bạn cần nhớ luôn ghi đầy đủ thông tin liên hệ của bạn trong thư để họ có thể liên lạc lại.
    • Bạn cũng có thể sẽ phải theo dõi để cập nhật thông tin, tùy theo đặc thù của tổ chức. Tốt nhất là bạn nên chủ động nắm rõ những thông tin cần thiết cho mình.

Khi đã Hoàn thành Phác thảo[sửa]

  1. Viết một bản thảo hoàn chỉnh. Nếu bản thảo hoàn chỉnh của bạn vẫn còn lộn xộn, hãy tóm tắt những ý chính theo hướng dẫn và viết một bản thảo hoàn chỉnh khác. Hãy nhớ sử dụng đúng chính tả, ngữ pháp và ghi đầy đủ thông tin cần thiết.
    • Bạn cũng cần xem lại lá thư từ chi tiết đến tổng quan. Không chỉ cần chính xác, hợp lý, nội dung trong thư còn cần liên kết chặt chẽ với nhau, tạo nên một tổng thể hoàn chỉnh. Bạn có thấy đoạn nào rời rạc không? Liệu thay đổi thứ tự các đoạn có làm lá thư hay hơn không?
  2. Xem xét và chỉnh sửa thư. Hãy tạm nghỉ ngơi một lúc trước khi bạn bắt đầu chỉnh sửa -- đầu óc bạn cần một vài tác nhân kích thích để có thể chỉnh sửa lá thư bớt đơn điệu và phát hiện ra những lỗi nhỏ nhất. Một khi đã sẵn sàng trở lại, bạn hãy đọc lá thư mình vừa viết và thay đổi những gì cần thiết để đảm bảo mọi thứ viết trong thư đều rõ ràng và hợp lý.
    • Bạn cần chỉnh sửa liên tục để tránh lặp lại và tạo mạch viết trôi chảy giữa các đoạn văn. Hãy nhờ bạn học, đồng nghiệp, bạn bè hay người thân trong gia đình đọc lại giúp bạn. Nhờ một người khác đọc sẽ có thể cho bạn những ý kiến khác quý báu.
  3. Gửi thư bày tỏ ý định. Đính kèm thư bày tỏ ý định cùng với những tài liệu đăng ký khác và nộp toàn bộ hồ sơ tới tổ chức theo địa chỉ cần gửi.
    • Nếu thư của bạn có nhiều hơn một trang, bạn nên viết tên mình trên mỗi trang (viết chữ nhỏ ở góc trang) để phòng trường hợp thư bị tách rời.[1]

Lời khuyên[sửa]

  • Văn phong sử dụng trong thư bày tỏ ý định cần thẳng thắn và đi trực tiếp vào vấn đề. Tránh cầu kỳ, hoa mỹ và rườm rà không cần thiết. Nên sử dụng thì chủ động, đồng thời trình bày chính xác, mạch lạc.
  • Thư bày tỏ ý định cũng có thể được coi như thư quan tâm, thư giới thiệu bản thân hay thư bày tỏ mục đích.
  • Cỡ chữ chuẩn là cỡ chữ 12. Bạn có thể chọn phông Times New Roman hoặc Arial.
  • Hãy cố gắng trình bày thư trong 1 hoặc 2 trang, giãn dòng đôi, trừ khi có yêu cầu đặc biệt nào khác về số từ hay số trang.

Những thứ bạn cần[sửa]

  • Giấy
  • Bút mực hoặc bút chì
  • Máy tính
  • Máy in

Nguồn và Trích dẫn[sửa]

Liên kết đến đây