Viết một đoạn văn

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Rèn luyện cách viết đoạn văn là điều rất cần thiết để sở hữu kỹ năng viết tốt. Đoạn văn sẽ phân chia khối lượng văn bản lớn và khiến người đọc có thể tiếp thu nội dung một cách dễ dàng hơn. Chúng giúp đọc giả hiểu rõ lý lẽ của người viết bằng cách hướng sự tập trung của họ vào ý tưởng hoặc mục đích chính.[1] Tuy nhiên, biết cách để viết một đoạn văn hay, có cấu trúc tốt có thể sẽ khá khó khăn. Bạn nên tiến hành tham khảo hướng dẫn bên dưới và tìm hiểu cách để cải thiện kỹ năng viết đoạn văn của mình trở nên tuyệt vời hơn!

Các bước[sửa]

Lập kế hoạch viết đoạn văn[sửa]

  1. Quyết định chủ đề chính của đoạn văn. Trước khi bắt đầu viết, bạn cần phải hiểu rõ ý tưởng chính của đoạn văn. Nguyên nhân là vì về cơ bản, đoạn văn là tập hợp các câu văn có liên quan đến chủ đề then chốt.[2] Nếu không có chủ đề rõ ràng, đoạn văn của bạn sẽ thiếu trọng tâm và sự thống nhất. Để có thể xác định chủ đề chính xác, bạn nên tự hỏi bản thân những câu hỏi sau:
    • Vấn đề được đặt ra cho mình là gì? Nếu bạn đang viết một đoạn văn để hồi đáp hoặc trả lời một vấn đề cụ thể nào đó, ví dụ như "Bạn quyết định quyên góp tiền cho từ thiện. Bạn sẽ lựa chọn tổ chức từ thiện nào và tại sao?", hoặc "Mô tả ngày tuyệt vời nhất trong tuần của bạn", bạn sẽ cần phải suy nghĩ cẩn thận về chúng và bảo đảm rằng bạn trực tiếp đề cập đến chúng, thay vì đi lạc khỏi chủ đề.
    • Ý tưởng hoặc vấn đề chủ đạo mà mình cần giải quyết là gì? Bạn nên suy nghĩ về chủ đề được đề ra cho bạn hoặc chủ đề mà bạn muốn viết và cân nhắc ý tưởng hoặc vấn đề có liên quan đến nó. Vì đoạn văn thường khá ngắn, bạn cần phải tập trung vào ý chính và không nên lạc đề.
    • Mình viết cho ai? Bạn cần phải suy nghĩ về đọc giả mà bạn dự kiến dành đoạn văn hoặc bài luận này cho họ. Trình độ của họ như thế nào? Họ có quen thuộc với chủ đề trước mắt, hay là họ đòi hỏi phải có thêm nhiều câu văn giải thích hơn?
    • Nếu đoạn văn của bạn là một phần của bài tiểu luận lớn hơn, viết ra dàn ý sẽ giúp bạn xác định ý tưởng hoặc mục tiêu chính của từng đoạn văn.
  2. Viết mọi thông tin và ý tưởng có liên quan đến chủ đề. Một khi bạn đã biết rõ vấn đề mà bạn muốn đề cập trong đoạn văn của mình, bạn có thể bắt đầu sắp xếp suy nghĩ bằng cách viết chúng vào sổ tay hoặc chương trình soạn thảo văn bản. Bạn không cần thiết phải viết nên câu văn hoàn chỉnh, chỉ cần viết ra một số từ hoặc cụm từ then chốt. Một khi mọi thứ đã được trình bày trên giấy, bạn sẽ có thể xác định rõ yếu tố quan trọng mà bạn cần phải thêm vào đoạn văn của mình, cũng như nhận thức rõ về thông tin không cần thiết.
    • Tại thời điểm này, có lẽ bạn sẽ phát hiện một số lỗ hổng trong kiến thức của bản thân và nhận ra rằng bạn cần phải tìm kiếm một vài dữ liệu và số liệu thực tế để hỗ trợ cho lý lẽ của mình.
    • Tốt nhất là bạn nên tiến hành nghiên cứu ngay bây giờ để có thể thu thập mọi thông tin phù hợp cho giai đoạn viết lách.
  3. Xác định cấu trúc mà bạn bạn muốn sử dụng cho đoạn văn của mình. Bây giờ thì mọi suy nghĩ, ý tưởng, dữ liệu và số liệu thực tế đều đã được phơi bày trước mặt bạn, bạn nên bắt đầu suy nghĩ về cấu trúc mà bạn sẽ sử dụng cho đoạn văn. Cân nhắc từng vấn đề mà bạn muốn đề cập và cố gắng sắp xếp chúng theo thứ tự phù hợp – biện pháp này sẽ giúp đoạn văn của bạn trở nên mạch lạc và dễ đọc hơn.[3]
    • Bạn cũng có thể sắp xếp theo thứ tự thời gian, hoặc viết thông tin quan trọng nhất trước tiên, hoặc chỉ cần biến đoạn văn trở nên dễ dàng và thú vị hơn để đọc – mọi thứ đều tùy thuộc vào chủ đề và phong cách của đoạn văn mà bạn muốn viết.[3]
    • Một khi bạn đã quyết định thứ tự cụ thể, bạn có thể viết lại vấn đề dựa trên cấu trúc mới này – hành động này sẽ giúp quá trình viết lách diễn ra nhanh hơn và trở nên dễ hiểu hơn.

Viết đoạn văn[sửa]

  1. Viết câu chủ đề. Câu văn đầu tiên của đoạn văn phải là câu chủ đề. Câu chủ đề là dòng giới thiệu về ý tưởng và luận điểm chính của đoạn văn. Nó cần phải chứa thông tin quan trọng và phù hợp nhất mà bạn muốn nêu lên về chủ đề, và từ đó, tóm tắt toàn bộ đoạn văn của bạn.[2]
    Không nên: sử dụng dữ liệu thực tế quá hiển nhiên như là câu chủ đề.
    Nên: bắt đầu với ý tưởng không rõ ràng nếu bạn cảm thấy bế tắc, và cải thiện nó một khi bạn đã hoàn tất đoạn văn.
    • Mỗi câu văn mà bạn viết cần phải hỗ trợ cho câu chủ đề và cung cấp thêm thông tin cũng như bàn luận thêm về vấn đề hoặc ý tưởng mà nó đề cập. Nếu bất kỳ một câu văn nào không thể liên hệ trực tiếp với câu chủ đề, bạn không nên thêm chúng vào đoạn văn.
    • Nhà văn giàu kinh nghiệm có thể thêm câu chủ đề vào bất kỳ một vị trí nào trong đoạn văn; nó không nhất thiết phải nằm tại dòng đầu tiên. Tuy nhiên, nhà văn mới vào nghề hoặc không quen với việc viết đoạn văn nên theo sát nguyên tắc viết câu chủ đề ở dòng đầu tiên, vì nó sẽ hướng dẫn bạn trong suốt quá trình viết.[2]
    • Câu chủ đề của bạn không nên quá rộng hoặc quá hẹp. Nếu câu chủ đề quá rộng, bạn sẽ không thể thảo luận đầy đủ ý tưởng của mình trong đoạn văn. Nếu nó quá hẹp, bạn sẽ không có đủ thông tin để bàn luận.[4]
  2. Thêm vào chi tiết hỗ trợ. Một khi bạn đã hoàn thành và hài lòng với câu chủ đề của mình, bạn có thể bắt đầu viết thêm mọi câu văn khác vào đoạn văn. Đây chính là thời điểm mà ghi chú cụ thể, có cấu trúc rõ ràng của bạn bắt đầu phát huy tính hiệu quả. Bạn nên nhớ duy trì sự mạch lạc cho đoạn văn, có nghĩa là khiến nó trở nên dễ đọc và dễ hiểu, đồng thời, mỗi câu văn phải liên kết với nhau và mọi thứ cần phải trở nên trôi chảy. Để đạt được điều này, bạn nên cố gắng viết câu văn đơn giản, rõ ràng và có thể bộc lộ chính xác điều mà bạn muốn nói.[3]
    • Sử dụng từ chuyển tiếp như là cầu nối để liên kết giữa hai câu văn. Từ chuyển tiếp sẽ giúp bạn so sánh và đối chiếu câu văn, cho thấy trình tự, nguyên nhân và kết quả, nhấn mạnh ý tưởng quan trọng, và di chuyển một cách suôn sẻ từ câu văn này sang câu văn khác. Từ chuyển tiếp bao gồm "hơn nữa", "thật ra" và "ngoài ra". Bạn cũng có thể sử dụng từ chuyển tiếp theo thứ tự thời gian, ví dụ như "thứ nhất", "thứ hai" và "thứ ba".[3]
    • Câu văn hỗ trợ là yếu tố quan trọng của đoạn văn, vì vậy, bạn cần phải sử dụng chúng để cung cấp thêm nhiều bằng chứng nhằm hỗ trợ cho câu chủ đề. Tùy thuộc vào chủ đề, bạn có thể dùng dữ liệu thực tế, số liệu, thống kê và ví dụ hoặc bạn có thể thêm vào một vài câu chuyện, giai thoại và lời trích dẫn. Bạn có thể sử dụng bất kỳ một yếu tố nào miễn là chúng phù hợp.[2]
    • Về độ dài, thông thường, ba đến năm câu văn là đủ để nêu lên điểm chính cũng như thông tin hỗ trợ đầy đủ cho câu chủ đề, nhưng điều này sẽ phụ thuộc khá nhiều vào chủ đề và độ dài của bài luận mà bạn đang viết. Không có bất kỳ một quy định cụ thể nào về độ dài của đoạn văn. Bạn có thể viết đoạn văn dài như bạn muốn miễn là nó bao gồm đầy đủ ý chính.[3][1]
  3. Viết câu kết đoạn. Câu kết đoạn sẽ liên kết mọi vấn đề với nhau. Một câu kết tốt sẽ củng cố ý tưởng được nêu trong câu chủ đề, nhưng đồng thời, nó cũng phải kèm theo mọi bằng chứng hoặc lý lẽ chứa đựng trong câu văn hỗ trợ của bạn. Câu kết đoạn cần phải xóa tan mọi nghi ngờ của đọc giả về tính chính xác và tính hợp lý của toàn bộ đoạn văn.
    Không nên không đồng ý với bằng chứng của mình: Bất kể mọi ý kiến, toàn bộ bài báo cáo là một thất bại'.'
    Nên nêu rõ kết luận nếu nó là sự chuyển tiếp cho đoạn văn tiếp theo:
    Những câu trích dẫn này cho thấy bài báo cáo có khá nhiều ý kiến ủng hộ, nhưng điều này không có nghĩa là nó sẽ tạo nên sự thay đổi lớn lao.
    • Không nên chỉ viết lại câu chủ đề. Câu kết cần phải nhìn nhận quá trình thảo luận trước đó và nhắc nhở người đọc về sự hợp lý của nó.[5]
    • Ví dụ, trong đoạn văn về chủ đề "Tại sao Canada lại là nơi đáng sống?". Câu kết sẽ là "Từ mọi bằng chứng được nêu ở trên đó là Canada cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe tuyệt vời, sở hữu hệ thống giáo dục hàng đầu, và luôn duy trì sự sạch sẽ, an toàn cho thành phố, chúng ta có thể kết luận rằng Canada thật sự là một nơi đáng để sống".
  4. Xác định thời điểm cần phải hình thành đoạn văn mới. Đôi khi, sẽ khá khó khăn để nhận biết thời điểm kết thúc một đoạn văn và bắt đầu một đoạn văn mới. May mắn thay, có khá nhiều hướng dẫn mà bạn có thể tiến hành để xác định rõ thời điểm mà bạn cần phải xây dựng đoạn văn mới. Hướng dẫn cơ bản nhất đó là mỗi khi bạn bắt đầu bàn luận về một ý tưởng mới mẻ, bạn nên viết một đoạn văn khác. Đoạn văn không nên chứa nhiều hơn một ý tưởng chính. Nếu ý tưởng được đề ra có khá nhiều vấn đề hoặc khía cạnh, mỗi khía cạnh cần phải sở hữu một đoạn văn riêng.[2][6]
    • Đoạn văn mới cũng thường được sử dụng mỗi khi bạn đối chiếu hai vấn đề hoặc trình bày mỗi mặt riêng biệt của lý lẽ. Ví dụ, nếu chủ đề của bạn là "Liệu công chức có nên nhận mức lương thấp hơn?", bạn có thể nêu lên lý lẽ ủng hộ vấn đề này trong một đoạn văn bản, và viết một đoạn văn khác để trình bày ý kiến phản đối.[2]
    • Đoạn văn giúp bài viết trở nên dễ hiểu hơn và cung cấp cho người đọc "giờ nghỉ ngắn" giữa các ý tưởng để có thể tiếp thu mọi điều mà họ vừa mới đọc. Nếu bạn có cảm giác rằng đoạn văn mà bạn đang viết ngày càng trở nên quá phức tạp, hoặc chứa đựng nhiều vấn đề rắc rối, bạn nên phân chia nó thành nhiều đoạn riêng.[2]
    • Khi viết bài luận, phần mở bài và kết bài cần phải được viết thành hai đoạn riêng biệt. Đoạn văn mở đầu phải xác định mục đích của bài luận và vấn đề mà bạn hy vọng đạt được, đồng thời trình bày dàn ý ngắn về ý tưởng cũng như vấn đề mà nó sẽ thảo luận. Đoạn văn kết thúc sẽ tóm tắt thông tin và lý lẽ chứa đựng trong bài luận và nêu rõ vấn đề mà bài luận đã đưa ra và/hoặc chứng minh. Đồng thời, nó cũng sẽ giới thiệu ý tưởng mới, ý tưởng có thể khiến người đọc suy nghĩ về câu hỏi mà bài luận đã trình bày.[2]
    • Nếu bạn đang viết tiểu thuyết, trong cuộc đối thoại, bạn nên bắt đầu đoạn văn mới để thể hiện lời nói của một người khác.[7]

Xem lại đoạn văn[sửa]

  1. Kiểm tra lỗi chính tả và lỗi ngữ pháp. Một khi hoàn thành, bạn nên đọc lại đoạn văn của mình hai hoặc ba lần để kiểm tra lỗi chính tả và ngữ pháp. Sai chính tả và sử dụng không đúng ngữ sẽ ảnh hưởng đáng kể đến chất lượng của đoạn văn, ngay cả khi nó chứa đựng ý tưởng và lý lẽ khá tốt. Khi viết, bạn sẽ khó có thể trông thấy lỗi lầm nhỏ, vì vậy, đừng bỏ qua bước này, ngay cả khi bạn đang vội.
    • Bảo đảm rằng mỗi câu văn đều có chủ ngữ và nhớ viết hoa danh từ riêng. Ngoài ra, nếu bạn đang viết tiếng Anh, bạn cũng nên nhớ lựa chọn động từ phù hợp với chủ từ và sử dụng cùng một loại thì cho toàn bộ đoạn văn.
    • Dùng từ điển để kiểm tra lại chính tả của từ ngữ mà bạn không rõ, không nên giả định rằng mọi thứ bạn viết đều hoàn toàn chính xác.
    • Xem xét lại cách sử dụng dấu câu của đoạn văn, bạn nên nhớ sử dụng dấu phẩy, dấu hai chấm, dấu chấm phẩy, và dấu ngoặc đơn một cách chính xác.
  2. Kiểm tra sự mạch lạc và phong cách của đoạn văn. Cách viết của bạn không chỉ cần phải nổi bật về khía cạnh chuyên môn, mà nó còn phải rõ ràng và trôi chảy. Bạn có thể thực hiện điều này bằng cách thay đổi độ dài và hình thức của câu văn thông qua việc sử dụng từ chuyển tiếp và từ vựng đa dạng.[2]
    Không nên: dùng từ ngữ dài dòng hoặc "từ hiếm".
    Nên: sử dụng từ đồng nghĩa phổ biến để thay đổi cách viết thay vì lặp lại nhiều lần cùng một từ.
    • Quan điểm của bài viết cần phải nhất quán trong suốt đoạn văn, và tất nhiên, trong toàn bộ bài luận. Ví dụ, nếu bạn đang viết dưới ngôi thứ nhất (chẳng hạn như "Tôi tin rằng…"), bạn không nên chuyển sang thể bị động giữa chừng ("vấn đề đó được cho rằng…").
    • Tuy nhiên, bạn cũng nên tránh mở đầu mọi câu văn bằng "Tôi nghĩ..." hoặc "Tôi cho rằng...". Hãy thay đổi hình thức câu, vì biện pháp này sẽ đem lại sự hứng thú cho đọc giả và giúp đoạn văn của bạn trở nên suôn sẻ hơn.
    • Đối với người mới bắt đầu viết lách, tốt nhất là bạn nên sử dụng câu văn ngắn, đi vào trọng tâm và thể hiện rõ quan điểm của bạn. Câu văn dông dài, rời rạc sẽ nhanh chóng trở nên không ăn nhập với nhau hoặc gặp lỗi ngữ pháp, vì vậy, bạn nên tránh sử dụng chúng cho đến khi bạn có nhiều kinh nghiệm hơn trong viết lách.
  3. Xem xét mức độ hoàn chỉnh của đoạn văn. Một khi bạn đã đọc lại đoạn văn và sửa chữa lỗi ngữ pháp hoặc lỗi văn phong, bạn nên xem lại nó một lần nữa để xác định xem liệu nó có hoàn chỉnh hay chưa. Bạn nên đọc đoạn văn một cách khách quan và quyết định xem nó có hỗ trợ và phát triển câu chủ đề một cách toàn diện, hay là cần phải thêm một vài thông tin hoặc bằng chứng khác để ủng hộ cho lời tuyên bố của bạn.[3]
    Không nên: chăm chú chỉnh sửa những lỗi nhỏ khi bạn chưa hoàn thành bài luận.
    Nên: làm rõ vấn đề trước khi tiến bước.
    • Nếu bạn cảm thấy như thể vấn đề chính trong câu chủ đề đã được hỗ trợ và phát triển đầy đủ bởi nội dung khác trong toàn bộ đoạn văn, đoạn văn của bạn đã hoàn chỉnh. Tuy nhiên, nếu bất kỳ một khía cạnh quan trọng nào của chủ đề vẫn chưa được khám phá hoặc nếu đoạn văn ngắn hơn ba câu, bạn cần phải bổ sung thêm thông tin.[3]
    • Mặt khác, có thể bạn nhận thấy rằng đoạn văn của bạn quá dài và chứa đựng nội dung thừa thải hoặc lộn xộn, bạn nên chỉnh sửa nó sao cho chỉ còn lại thông tin phù hợp nhất.
    • Nếu bạn cảm thấy rằng mọi nội dung đều cần thiết cho quan điểm của bạn, nhưng đoạn văn vẫn quá dài, bạn nên cân nhắc về việc tách nó thành từng đoạn nhỏ và cụ thể hơn.

Lời khuyên[sửa]

  • Một đoạn văn nên bao gồm:
    • Câu chủ đề
    • Câu văn hỗ trợ
    • Câu kết
  • Khi đọc sách, bạn nên quan sát cách phân chia đoạn văn bản. Nếu bạn học hỏi về nó thông qua trải nghiệm, bạn sẽ có khả năng phân chia bài viết của mình thành nhiều phần phù hợp chỉ bằng cảm giác.
  • Không có bất kỳ một nguyên tắc rõ ràng nào quy định về độ dài của một đoạn văn. Thay vào đó, bạn nên nhớ ngắt quãng nó một cách tự nhiên. Mỗi đoạn văn cần phải chứa một ý chính và bất kỳ một yếu tố nào khác có thể hỗ trợ thêm cho nó.
  • Luôn nhớ thụt đầu dòng trước khi bắt đầu một đoạn văn mới. Theo tiêu chuẩn văn phong trong tiếng Anh, bạn nên lùi đầu dòng khoảng 1 cm, đối với tiếng Việt, bạn có thể thụt đầu dòng khoảng 1 hoặc 2 ô vở (nếu bạn sử dụng vở có kẻ ô li).
  • Ngay cả văn bản được chuẩn bị kỹ càng nhất cũng có thể bị giảm giá trị bởi lỗi chính tả và lỗi ngữ pháp. Bạn nên sử dụng chương trình kiểm tra chính tả hoặc nhờ một người nào đó đọc lại bài viết của bạn nếu bạn cảm thấy không chắc chắn về bất kỳ điều gì.
  • Nếu bạn đang viết mẩu đối thoại, mỗi khi một nhân vật nào đó trò chuyện, bạn nên bắt đầu với một đoạn văn mới.
  • Bí mật nằm ở:
    • Sự thống nhất: Sở hữu một ý tưởng duy nhất và nêu rõ chủ đề.
    • Trật tự: Cách bạn sắp xếp câu sẽ giúp đọc giả dễ hiểu hơn.
    • Sự mạch lạc: Phẩm chất khiến bài viết của bạn trở nên dễ hiểu. Câu văn cần phải liên kết với nhau.
    • Sự hoàn chỉnh: Mọi câu văn được sử dụng trong đoạn văn cần phải truyền tải thông điệp hoàn chỉnh.
  • Điều chỉnh cách viết của bạn sao cho phù hợp với mục đích. Tương tự như khi bạn lựa chọn quần áo cho các sự kiện cũng như khí hậu khác nhau, phong cách viết cần phải phù hợp với mục đích của bạn.

Cảnh báo[sửa]

  • Nếu đây là bài tập được giao trên lớp, không nên chờ đợi cho đến giây phút cuối cùng rồi mới làm bài. Bạn nên cung cấp nhiều thời gian hơn cho bản thân để lên kế hoạch và viết ra từng đoạn văn. Phương pháp này sẽ giúp nâng cao chất lượng bài làm của bạn.

Nguồn và Trích dẫn[sửa]